Chương 33


Số từ: 5009
Dịch giả: Thùy Dương
Nguồn: Nhà Xuất Bản Thuận Hóa
Ngẫm thương người trần
Bị quỉ thần chòng ghẹo
Điên điên đảo đảo
Dắt dẫn theo danh giáo
Lại đem mồi chài
Dây thuyền dài
Roi ngựa ngắn
Mấy ai được thảnh thơi
Nhìn kỹ ra:
Sớm sớm gió quất tơi bời
Ngày ngày bụi vùi cay rát
Dù ai giảo hoạt anh hùng
Vực sâu ngập xuống, dây thòng lọng treo
Hám phú quý mà liều thể xác
Mộ thần tiên thuốc độc uống vô
Xương khô mà máu chẳng khô
Bừng con mắt, ủa! Rặt trò xuẩn ngu
Khuyên ai tỉnh trước mà ngừa. . .
Theo điệu "Ý nan vong


Lại nói Dượng Đế về viện Bảo Lâm, qua một đêm hoan lạc với Sa phu nhân cùng Tiết Dã Nhi, sáng ra, vì nhớ tới những lời Tiêu Hậu hôm qua, nên dậy sớm rửa mặt, chải đầu rồi lên xe rồng trở về cung. Nhưng khi qua cửa cung thì đã thấy quần thần tụ họp chờ nhà vua ở dưới điện. Dượng Đế bèn bước lên điện, phán rằng:
- Các khanh bàn về chuyện đường thủy đi Quảng Lăng nay đã ra sao rồi?
Vũ Văn Thuật thưa:
- Chúng thần dã bàn bạc kỹ lưỡng với bộ Công về việc này.
Thật không có một đường nào cả. Chỉ quan gián nghị đại phu Tiêu Hoài Tĩnh, nói rằng có một đường thủy tới Quảng Lăng được. Cho nên cũng tới đây để thưa cùng bệ hạ.
Thì ra Tiêu Hoài Tĩnh chính là em của Tiêu Hậu, vốn dòng quốc cữu hiện là Thượng đại phu. Dượng Đế bèn vui mừng hỏi Hoài Tĩnh:
- Khanh biết đường thủy nào có thể đi Quảng Lăng được?
Hoài Tĩnh thưa:
- Trước kia ở phía tây bắc thành Đại Lương, hạ thần nghe nói có một đường sông, từ thời nhà Tần, đại tướng Vương Ly từng đào con sông này để lấy nước từ bến Mạnh Tân, tưới cho vùng Đại Lương. Nhưng đến nay thì sông này đã bỏ cạn. Phải tập trung dân phu, bắt đầu từ Đại Lương qua Hà âm, Trần Lưu, Ung Khâu, Thư Dương mà đào lại dòng cũ dẫn nước Mạnh Tân, cho mãi tới tiếp với sông Hoài Hà, bất quá chỉ khoảng nghìn dặm, thì có thể thẳng tới Quảng Lăng. Thần lại được nghe các quan ở Tư Thiên giám nói rằng vùng Thư Dương có vượng khí thiên tử, nay đào sông này, nhất định sẽ đi qua Thư Dương, thì vượng khí sẽ mất, địa thế hiểm trở và hậu họa cũng chẳng còn. Thần nghĩ nông cạn như vậy, không biết thánh thượng chỉ ý ra sao?
Dượng Đế vui mừng phán ngay:
- Khanh nghị luận thật sáng suốt, ngoài khanh ra có ai có thể nghĩ được những điều thuận lợi cả đôi đường như vậy!
Bèn truyền chỉ phong cho Chinh bắc đại tổng quản Ma ThúcMưu làm Khai hà đô hộ, rồi phán tiếp rằng:
- Đường sá xa xôi, công việc phiền toái, cần phải có thêm một người đắc lực giúp cho Đại tổng quản mới xong.
Lúc này Vũ Văn Thuật vẫn nghi Lý Uyên giết con út của mình là Vũ Văn Huệ Cập, muốn tước mọi binh quyền của Lý Uyên, nên thừa cơ này, tâu:
- Lưu thú Thái Nguyên Lý Uyên, vốn có tài cán, bệ hạ điều xung vào việc này. Lý Uyên có thể đỡ đần rất đắc lực những việc khó khăn cho Ma Đại tổng quản.
Dượng Đế liền điều Lý Uyên từ Lưu thú Thái Nguyên về làm Khai hà phó sứ: bắt đầu khởi công từ thành Đại Lương xuyên qua Thư Dương, đến tận Hoài Hà. Lập tức lấy ngay dân đinh, ít là mười lăm vạn, nhiều thì đến năm mươi vạn người, ai trốn tránh, tru di tam tộc. Thánh ý đã ban, chẳng ai dám cản, lập tức có sắc chỉ, đem đến tận nơi, Ma thúc Mưu cùng lý Uyên lên đường.
Nguyên lai Ma Thúc Mưu là một kẻ rất tàn ác, tham tiền tham lợi, nghe tin được thăng Khai hà đô hội trong lòng vô cùng hoan hỉ, lập tức phó nhiệm.
Lúc này vợ chồng Sài Tự Xương đang ở Ngạc Huyện, biết chuyện này báo về với Lý Uyên, khuyên Lý Uyên cáo bệnh, một mặt nên sai người đem vàng bạc về Đông Đô chạy kỳ được một kẻ thế chân, tránh bằng được họa này. Vì vậy chính Tự Xương lại một phen phải đi Đông Đô, tìm đến Lương Quốc Công Tiêu Cứ, Thiên ngưu Vũ Văn Tinh, đều là sủng thần của vua Tùy, ngày đêm ra vào cung khuyết, trong ứng ngoài hợp. Bên ngoài thì lại đến nói ngay Khai hà đô hộ, rồi cả với Trương Hành kẻ trước kia bịa sấm, mưu hại Lý Uyên chẳng qua cũng chỉ vì Thái tử, chứ vốn cũng chẳng có thù riêng với Lý Uyên, huống chi đều là bọn tiểu nhân, mắt trông thấy vàng, chuyện gì chẳng làm. Cho nên khi Lý Uyên có tờ biểu bệnh tới thì có ngay thánh chỉ bổ Tả đồn vệ tướng quân Lệnh Hồ Đạt thay cho Lý Uyên. Lý Uyên vẫn ở lại Thái Nguyên dưỡng bệnh.
Hai viên chánh phó nhận sắc chỉ, đào sông bề mặt rộng bốn mươi bộ, sâu mười lăm trượng. Lấy ba trăm sáu mươi vạn dân phu Hà Nam. Hoài Bắc, lại thêm cứ năm nhà, phải có một người già, hoặc phụ nữ đi lo chuyện cơm nước, số này cũng đã lên tới bảy mươi hai vạn người. Ngoài ra có lệnh điều vùng Hà Nam, Sơn Đông, Hoài Bắc năm vạn lính kỵ mã, để giám đốc công trình. Lúc này giữa ngày mùa bận rộn, nhưng cũng chẳng ai nghĩ đến, dù ở vùng sơn cước heo hút, dù là nơi mồ mả cha ông, hoặc thôn xóm dân cư, đều phải đào bới, không trừ nơi nào. Người đi, người ở đều nghìn vạn nỗi khổ.
Nói chuyện có một dội dân phu đang đào, bỗng thấy tường gạch của một ngôi nhà. Dân phu cứ thế đào tiếp, ngôi nhà càng ngày càng lộ rõ đến bốn năm gian, bốn chung quanh được xây bằng đá trắng, có hai cửa đá, đóng rất chặt, không tài nào mở nổi. Ai nấy cho rằng bên trong thế nào cũng có bạc vàng, châu báu gì đó, liền dùng búa, cuốc chim, chày, vồ. phá bằng được. Nhưng vẫn chẳng suy xuyển. Hồi lâu chẳng xong, mọi người mới vội báo với đội trưởng, đội trưởng lên thưa với Ma Thúc Mưu. Ma Thúc Mưu liền cùng với Lệnh Hồ Đạt tới xem. Ai nấy đều thưa:
- Đã dùng mọi cách để phá, mà vẫn không xong!
Lệnh Hồ Đạt nói :
- Đây nếu không phải là lăng tẩm một vị vua chúa xưa kia, thì cũng phải là một huyệt của tiên công, đạo gia nào đó, làm sao có thể dùng sức lực mà phá cho được. Nhất định phải thấp hương khấn vái, đọc thánh chỉ của hoàng thượng thì may ra mở được!
Ma Thúc Mưu ,cũng chẳng có cách gì hơn, đành quát tay chân bày hương án, cùng với Lệnh Hồ Đạt mặc triều phục nghiêm trang tuyên đọc thánh chỉ bái lạy đảo điên trước hương án. Bỗng một trận gió lạnh nổi lên, một tiếng nổ lớn, hai cánh cửa đá mở rộng. Ma thúc Mưu cùng mọi người tiến vào. Thấy ngay trước mặt, hàng trăm. ngọn đuốc đốt bằng nhựa sơn, vẫn cháy soi sáng như ban ngày, ở c hính giữa đặt một hòm bằng đá lớn, dài đến bốn năm thước, hai đầu đều có tạc vẽ hoa văn. Thúc Mưu trông thấy vậy, đã có vẻ hoảng sợ, không dám đường đột dẫn đầu nữa, mà im lặng lui về phía sau, thì thấy phía này, có chỗ đào lũng vào phía trong như một cái động, trong động đặt một quan tài cũng bằng đá.
Thúc Mưu cùng Lệnh Hồ Đạt vội cúi lạy, rồi sai người nâng nắp quan tài lên, thì thấy một người nằm ngửa, vẻ mặt vẫn còn đầy đặn, hồng hào, chẳng khác gì người sống, khắp người da thịt trong suốt như ngọc, mái tóc đen nhánh. Từ mặt tới bụng, tới chân, đều lần lượt lộ rõ ra theo tay của bọn tả hữu. Những chiếc móng tay, chiếc nào cũng dài trên dưới một thước, Ma Thúc Mưu thấy thế, biết là di thể của một thiên thần đắc đạo, nên không dám đụng đến, bèn lệnh cho tay chân, đậy nắp quan tài lại. Rồi sai mở hòm đá ra, ở bên trong không có một thứ gì khác ngoài ba thanh đá mỏng, trên đều khắc chữ khoa đẩu (1). Chẳng ai biết đọc thứ chữ này. May ở trong núi có một vị chân tu, tuổi đã hơn trăm có thể đọc được, dịch ra như sau:
1 chữ khoa đẩu: Khoa đẩu, là con nòng nọc. Chữ khoa đẩu là một thứ chữ cổ của Trung Quốc, hình giống con nòng nọc còn được giữ lại trên mặt đá.
Ta là Đại Kim tiên
Thác đã một nghìn niên
Số đủ một nghìn niên
Sau lưng nước chảy liền
Gặp được Ma Thúc Mưu
Cải táng lên cao nguyên
Tóc xõa tới cát đen
Lạt chờ một nghìn niên
Sẽ lên miền Phật tiên.
Thúc Mưu thấy tên mình cũng được viết trên đó, kinh ngạc không thôi, càng tin đạo pháp của tiên nhân, biết được những chuyện phi thường, bàn với Lệnh Hồ Đạt, tìm một thế đất cao ráo, làm lễ di táng. Chùa Đại Phật ngày nay, chính là di tích này vậy.
Đến vùng Trần Lưu, dân phu đang đào bỗng thấy mây đen kéo đến, rồi mưa như trút, gió gào thét. Nước chảy cuồn cuộn, cuốn theo rất nhiều dân phu chạy không kịp, kẻ còn lại thất điên bát đảo mới tìm được chỗ trú. Thúc Mưu không tin, tìm đến tận nơi xem cũng bị một trận mưa gió ra trò. Phải tìm đến các bậc kỳ lão hỏi han, mới biết thổ thần của vùng này, chính là Trương Lương đời nhà Hán, rất là linh ứng. Thúc Mưu tin ngay rằng đó là Trương Lương (2) hiển linh, để giữ gìn đất đai của mình, đành phải viết biểu, dâng lên triều đình. Dượng Đế sai ngay Hàn lâm viện, viết một bài văn tế, đem theo những đồ tế tự quốc bảo, sai Thái thường khanh Ngưu Hoằng lại đem thêm một đôi ngọc bạch bích, đến Trần Lưu tế lễ, sông mới đào xong khỏi đoạn Trần Lưu.
2 Trương Lương: Vốn người nước Hán, bề tôi giỏi nhất về mưu lược của Hán Cao Tổ. Giúp Hán diệt Tần, thắng Sở lập nên nhà Hán bốn trăm năm. Công việc xong, Lương lấy cớ nhiều bệnh, bỏ đi về tiên ông Xích Tùng Tử học đạo tu tiên (Sử Ký).
Chính là:
Âm dương một lẽ không hai
Quỷ thần chứng giám đôi vai nhiệm màu.
Chẳng mấy chốc, dân phu đã đào đến vùng rừng rậm rạp của Ung Khâu, lại cũng gặp một ngôi mộ, bên trên mộ có đèn thờ. Khi đào tới đây người đội trưởng đã có ý ngờ, nên đến thưa với Thúc Mưu. Thúc Mưu tới xem, thì thấy bốn chung quanh, linh khí mù mịt, mới gọi dân sở tại tới hỏi. Một người thưa rằng:
- Đây là mộ của bậc cao nhân từ thời thượng cổ, không ai còn nhớ rõ họ tên gì nữa. Chỉ thấy đời này nổi đời khác gọi là ẩn sĩ mộ thôi.
Thúc Mưu nghe nói đến ẩn sĩ, lấy làm coi thường, bắt dân phu cứ thế đào lên. Dân phu được lệnh, toán thì phá nhà thờ, toán thì đào mộ. Không ngờ phía dưới có rất nhiều từng đá, đào mãi tới lớp thứ ba, bỗng nghe một tiếng nổ dữ dội, chẳng khác gì núi lở, đất sụt, cả người cả đất đá tụt hẳn xuống một hố sâu. Vội vàng cứu lên, người bị thương nặng, người thì chết, không thể đếm xuể là bao nhiêu. Thúc Mưu hoảng sợ, liền cho người xuống thăm dò xem sao, thì thấy sâu đến hai ba trượng, phía đáy lại có một cái huyệt, ánh sáng chợp chờn, như ở bên trong có đuốc đèn gì phát ra vậy, lại thấp thoáng nghe như có tiếng chuông, nhìn xuống thì sâu như biển cạn, không thấy đâu là đáy nữa, không ai dám xuống, đành kéo nhau lên bờ.
Lệnh Hồ Đạt trầm tư nghĩ ngợi một hồi:
- Phải có được một người này xuống, thì mới biết được rõ ràng mọi chuyện.
Thúc Mưu vội hỏi:
- Ai thế?
Lệnh Hồ Đạt đáp:
- Người này rất giỏi kiếm thuật, thường tự ví mình với Kinh Kha. Nhiếp Chính, sẵn sàng giúp khốn phò nguy, tên Khứ Tà, họ Địch, hiện làm Lang tướng ở Vũ Bình. Nhưng gần đây được điều về đây làm quản đốc lương thực ở hậu doanh. Mời được người này đến đây nhất định mọi việc sẽ rõ ràng ngay.
Thúc Mưu nghe theo, sai tay chân đi tìm. Chính lúc này Địch Khứ Tà đang xem xét lương thực ở hậu doanh, thấy Thúc Mưu cho người đến tìm đành phải mặc lễ phục vào, tới nơi ra mắt: Thúc Mưu nhìn Khứ Tà thì thấy người cao tám thước, lưng uốn mười vòng, hai mắt sáng như ánh chớp, mặt mũi phương phi lẫm lẫm, rõ ràng ra bậc trượng phu, nên lấy lời từ tốn mà rằng:
- Ta mời tướng quân đến đây, không có việc gì khác, nhân phía dưới có ẩn sĩ mộ, đào đến đại huyệt, trong huyệt thấy đèn đuốc lấp lánh, không hiểu có chuyện gì kỳ dị. Nghe nói tướng quân vừa can đảm vừa có sức khỏe, xin nhờ tường quân xuống xem sao, ta sẽ ghi công đầu cho tướng quân.
Khứ Tà thưa:
- Được hai vị đại nhân sai khiến, lẽ nào không vâng theo. Nhưng không biết huyệt ở chỗ nào?
Thúc Mưu cùng Lệnh Hồ Đạt dẫn Khứ Tà tới huyệt xem xét. Khứ Tà nhìn ngó một hồi lâu rồi nói:
- Muốn xuống được dưới này, không có lễ nghi không được đâu.
Rồi ăn mặc chỉnh tề, thay hẳn một bộ võ phục đàng hoàng, lưng giắt một thanh bảo kiếm. Sai người lấy một đoạn dây chão dài hàng chục trượng, lại buộc rất nhiều chuông đồng, rồi tự mình ngồi trong một cái rọ lớn, chắc chắn, sai người trên bờ thả dần xuống.
Khứ Tà ban đầu ở trên nhìn xuống, thấy bên dưới đèn nến huy hoàng, càng xuống sâu lại càng tối dần, nhắm mắt một lúc, rồi mở ra nhìn kỹ, thấy hình như có ánh sáng le lói. Ra khỏi cái rọ của mình, lần theo vệt sáng đó mà xuống, khoảng mấy chục bộ nữa, thì càng ngày càng sáng rõ. Lại dò dẫm thêm bốn năm chục bộ nữa, bỗng thông tới một khoảng rất rộng, chẳng khác gì có một bầu trời riêng, mặt trời riêng vậy.
Khứ Tà thấy quang cảnh này, trong lòng thầm nghĩ: "Người ta chỉ biết trên đời tranh công đoạt lợi, khổ sở trăm đường để bám lấy cõi phù sinh nhơ bẩn. Có ai ngờ được rằng trong cái huyệt sâu này, vẫn có một thế giới khác nữa, thật đúng là ngoài trời còn có trời khác vậy, thiên ngoại hữu thiên!". Cho nên trong lòng ít nhiều sinh chán ghét chuyện công danh thân phận, nhưng lại càng bình tĩnh đi tới phía trước, vượt qua một bức tường đá, thấy một tòa phủ động rộng rãi, bốn phía là tường xây bằng đá trắng, bên trong là một tòa lầu, có đường cầu thang lên lầu, hai bên hai con sư tử bằng đá ngồi chững chạc, chẳng khác gì cảnh phủ đệ của các bậc công tốt.
Cứ theo cầu thang mà lên, nhìn đông ngó tây, chẳng thấy một người nào, chỉ thấy phía nam có một lầu đá khác, nhưng cửa phòng đóng chặt, còn ở phía đông lại có một gian phòng đá khác nữa, nghe như có tiếng động. Khứ Tà cứ thế tiến lại gần, nhìn từ cửa sổ, thấy bốn góc phòng, đều có trụ đỡ bằng đá. Một trong các trụ này có dây xích bằng sắt, buộc một con thú kỳ lạ, con thú này đang lấy móng chân cào cào vào sàn gác, chính là tiếng động ban nãy Khứ Tà nghe ở bên ngoài vậy. Con thú đầu rất nhỏ, mắt trông lồi hẳn ra ngoài chân lại ngắn ngủn, thân to béo, gần giống như một con bò, trông không phải là hổ, cũng chẳng phải là báo. Khứ Tà nhìn kỹ một lúc lâu, mãi mới nghĩ ra là một con chuột già. Khứ Tà đột nhiên nghĩ mà hoảng sợ: "Con chuột mà lớn đến thế này, thì con mèo sẽ còn lớn thế nào nữa đây!".
Đang lúc ngây người nhìn, cánh cửa ở phía nam mở rộng, một tiểu đồng tử từ cửa đi ra, chỉ thấy:
Long lanh mắt tú, mày thanh
Đẹp đẽ môi hồng, răng trắng
Hai trái đào, thêm vẻ tiên phong
Áo bào vàng, càng ra đạo cốt
Nếu chẳng phải con hạt cháu tiên
Thì cũng là huyết thần, cốt đạo
Tiểu đồng thấy Khứ Tà, bèn hỏi:
- Tướng quân có phải là Địch Khứ Tà không?
Khứ Tà kinh ngạc hỏi lại:
- Đúng rồi! Nhưng sao tiểu đồng lại biết được?
Tiểu đồng đáp:
- Hoàng Phủ Quân đợi tướng quân đã lâu rồi, xin mời tướng quân nhanh lên cho.
Khứ Tà lại càng ngạc nhiên, chỉ còn biết đi theo tiểu đồng vào cửa, thì thấy bên trong điện các huy hoàng, lầu sảnh uy nghi, không giống cảnh lặng lẽ, tĩnh mịch bên ngoài nữa. Trước điện một bậc quý nhân chễm chệ ngồi, mình khoác áo bào thêu rồng, đầu đội mũ có đủ tám viên ngọc quý thêu hình mây ngũ sắc, rũ những dây ngọc quý trước sau, rõ ràng ra dáng vương giả. Hai bên là các quan văn võ đứng hầu, dưới thềm cũng hàng dãy thị vệ lập nghiêm kính cẩn. Khứ Tà đến trước điện, vội vàng cúi lạy làm lễ, thì thấy quý nhân trên điện lên tiếng:
- Địch Khứ Tà, ngươi đã tới đó phải không?
Khứ Tà thưa:
- Thần Địch Khứ Tà, vâng mệnh thánh chỉ xung việc đào sông, được Đô hộ Ma Thúc Mưu sai xuống đây, Không ngờ gặp được tiên phủ. Thực là đáng tội.
Vị quý nhân liền phán:
- Nhà ngươi vừa mới viện tới thánh chỉ của Tùy Dượng Đế phải không. Ngươi hãy đứng ra một bên. Ta sẽ cho ngươi xem vật này.
Rồi nói với viên Vũ Vệ tướng quân, mặt mũi dữ tợn đứng hầu ngay cạnh:
- Mau mau dắt A Ma vào đây! (l)
1 A Ma: tên của Tùy Dượng Đế hồi nhỏ, cũng chỉ điềm rồng vàng uốn lượn, khi Độc Cô Hoàng hậu sinh Dượng Đế (Xem hồi 1).
Vũ Vệ tướng quân nghe lệnh, vội vàng cầm côn lớn bước ra cửa ngoài. Chẳng bao lâu Vũ Vệ tướng quân cầm một sợi dây sắt dài, kéo con thú kỳ lạ vào. Khứ Tà dụi mắt nhìn kỹ thì đúng là con chuột già lớn ở phòng đá vừa rồi, Vũ Vệ tướng quân dắt vào đến trước thềm, dừng lại, con thú ngồi xuống ngay trước nguyệt dài, râu vểnh lên, răng nanh nhe ra, đầy vẻ đắc chí. Vị quỷ nhân giương mắt nhìn giận dữ, cầm một cái thước ngay trên án đập một cái vào đầu con vật mà quát:
- Ngươi là đồ súc sinh, đáng tội lột da. Làm chủ một nước, trăm họ tội gì, mà ngươi đầy đọa xương khô cốt rũ, vì việc đào sông để ngươi vui thú, hoang dâm ngang ngược đến như thế là cùng cực. Nay ta đã đánh chết ngươi, cũng bởi vậy để nguôi nỗi phẫn uất của triệu người, ức quỷ vậy.
Rồi sai nhằm đầu mà đánh thật mạnh. Vũ Vệ tướng quân tiến xăn tay áo, giơ cây côn lớn, nhằm thẳng đầu con chuột già mà giáng xuống. Chuột đau không chịu được, cứ thế mà rống, tiếng nghe lục đục như sấm. Vũ Vệ tướng quân đánh nữa, thì thấy trên không trung, hạ xuống một tiên đồng, hai tay nâng một đạo thiên phù, ngăn Vũ Vệ tướng quân:
- Không được đánh nữa!
Rồi quay lên thưa Hoàng Phủ Quân, chính là vị quý nhân ngồi trên điện:
- Thượng đế có lệnh!
Hoàng Phủ Quân vội vàng xuống điện, cúi lạy dưới thềm, tiên đồng bước lên điện, mỡ thiên phù ra, dõng dạc đọc:
"A Ma vốn đủ một kỷ (1). Số chưa đến lúc tuyệt, hãy còn năm năm nữa. Bấy giờ mới dùng một dãy lụa chắc, quấn chặt vào cổ, mà xiết cho chết, để đền tội hoang dâm ngang ngược. Nay hãy tạm tha đánh roi, phạt trượng.
1 Kỷ: cách tính thời gian cổ của Trung Quốc, theo con chi, hàng chi: Tý, Sửu... ứng với 12 năm. Đúng như số năm được ở ngôi của Dượng Đế hiệu Đại Nghiệp 105-106.
Tiên đồng đọc xong, bay lên trời biến mất. Hoàng Phủ Quân lên điện ngồi, nói:
- Hãy tạm tha cho đồ súc sinh, nếu như không có đức hiếu sinh của thượng đế, thì ta đã đánh chết ngươi rồi. Nay vẫn còn được hưởng lạc những năm năm, nếu không biết đường hối cãi, thì chẳng thể nào thoát khỏi cái vạ cổ kia đâu!
Rồi sai Vũ Vệ tướng quân dắt con chuột già buộc chặt lại như cũ. Hoàng Phủ Quân hỏi Khứ Tà:
- Ngươi đã thấy rõ ràng chưa?
Khứ Tà thưa:
- Khứ Tà chỉ là một viên lại tầm thường ở cõi đời nhơ bẩn. Những điều huyền diệu của nhà trời thì làm sao mà hiểu hết cho được.
Hoàng Phủ Quân phân tích:
- Ngươi hãy nhớ cho kỹ, ngày sau sẽ thấy ứng nghiệm rõ ràng. Đây chính là Cửu Hoa đường thượng. Ngươi vốn không có duyên nợ gì với cõi tiên, cũng không nên lưu lại lâu làm gì?
Khứ Tà vội vàng quỳ lạy thưa:
- Khứ Tà nay do lệnh trên sai, lỡ vào tiên phủ, giờ thì tiến thoái đều chẳng biết lối nào, ngửa xin thần minh chỉ giáo?
Hoàng Phủ Quân phán:
- Người vốn có một con đường tài danh rất tốt nhưng phải giữ lòng cho trong sạch, sáng suốt, đừng để rơi vào cõi nhơ bẩn. Ma Thúc Mưu là kẻ tiểu nhân đang gặp hồi đắc chí, mặc sức hoành hành, tội không tha được. Người hãy nói với y: "Vì chuyện phá thành quách của ta, không có gì để trả nợ này, sang năm sẽ xin tặng hai lưỡi dao vàng!".
Bèn sai một Lục y sứ:
- Ngươi hãy dẫn Địch Khứ Tà ra?
Khứ Tà thấy cảnh điện các uy nghiêm, không dám hỏi thêm, đành bái tạ trở ra theo Lục y sứ, nhưng lại không theo đường cũ mà theo lối mấy cây cột sơn đỏ, đi không quá một hai trăm bộ, Lục y sứ chỉ tay phía trước nói:
- Phía trước, men theo cánh rừng kia, đã là đường lớn rồi đó!
Khứ Tà quay đầu lại định hỏi, thì đã không thấy Lục y sứ đâu nữa, lại nhìn lại một lần nữa, thì cả điện các, thành quách đều chẳng còn. Khứ Tà hoảng hốt nghĩ: "Thần thông quảng đại vốn là thế này đây!
. Đành cứ từng bước, từng bước đi qua khu rừng, theo chân núi, gặp một hai cánh đồng rộng nữa, bỗng thấy mấy cây kiều mộc to lớn bao lấy một thôn trang, vội vào thôn hỏi đường. Một nhà ven đường nhỏ, cửa cổng bằng tre nửa mở nửa khép, bèn cứ thế đi vào, khẽ ho đánh tiếng, làm kinh động một đôi chó khoang nhỏ nhằm Khứ Tà mà sủa loạn xạ, từ trong đi ra một ông già. Khứ Tà vội vàng lạy chào, rồi hỏi:
- Hạ quan lạc đường, xin lão ông chỉ giùm cho!
Ông già đáp lễ rồi nói:
- Tướng quân vì cớ gì mà đi bộ đến mãi đây?
Khứ Tà không dám giấu, đem chuyện xuống huyệt, gặp Hoàng Phủ Quân, chuyện đánh chuột lớn, kể lại một lượt. Nghe xong ông già cười đáp:
- Thì ra Dượng Đế vua ta, lại là một con chuột lớn biến thành. Lạ thay! Lạ thay! Có thế mới hoang tàng, ngang ngược đến vậy chăng?
Khứ Tà lại hỏi:
- Nơi đây là đâu? Đến Ung Khâu còn xa nữa không, lão ông chỉ giùm?
Ông già đáp:
- Đây chính là Tung Dương thuộc Thiểu Thất sơn, cứ theo đường lớn, đi về phía đông, chỉ độ hai dặm là huyện Ninh Lăng, cứ từ đó mà về Ung Khâu chẳng còn xa nữa. Chỉ khoảng chiều tà có thể về đến chỗ Ma Thúc Mưu. Nếu như tướng quân không chê chỗ quê mùa, để lão này bảo nấu cơm mời tướng quân rồi hãy đi cũng còn sớm chán.
Rồi mời Khứ Tà vào thảo đường, ông già sai đầy tớ làm cơm nước. Trong khi chờ đợi ông già nói với Khứ Tà:
- Cứ như việc tướng quân thấy, cứ theo lời tướng quân nói, thì vua Tùy ta nay cũng chẳng được bao nhiêu lâu nữa. Ngay cả Ma Thúc Mưu thì tiền đồ còn ngắn ngủi hơn nhiều. Lão xem tướng quân, từ dung mạo cho đến khí cốt đều có vẻ phi thường, sao lại nổi trôi theo sóng nước như vậy, theo cùng bầy với bọn quyền gian hại dân ấy làm gì?
Khứ Tà khiêm tốn đáp:
- Ơn lão ông chỉ giáo. Hạ quan cũng không ngờ việc khai sông này lại hại dân chúng đến vậy. Chỉ hiềm quan thấp, chức nhỏ, chỉ là nghe theo lệnh trên mà làm.
Ông già khẽ cười:
- Làm quan thì phải nghe lệnh. Nếu không làm quan nữa thì những lệnh đó làm gì nổi tướng quân?
Khứ Tà thưa:
- Xin cảm tạ những lời vàng ngọc của lão ông: Hạ quan tuy bất tài cũng xin nghe theo những lời dạy bảo của bậc kỳ lão.
Đầy tớ dọn cơm nước, Khứ Tà ăn một bữa no, rồi đứng dậy từ tạ xin đi. Ông già đưa ra đến tận đường lớn, rồi chỉ:
- Đi hết ngọn núi trước mặt, thì đã trông thấy huyện thành Ninh Lăng rồi!
Khứ Tà chắp tay bái biệt. Đi bộ mười bước, quay đầu nhìn lại, đã không thấy ông già đâu nữa, cả nhà cửa lô nhô lúc trước, giờ cũng thấy toàn tùng bách trên đá núi lởm chởm. Khứ Tà vô cùng kinh ngạc, hoảng hốt, vội đi như chạy về huyện thành. Thấy được đường xá người người đi lại đông đúc, mới như vừa tỉnh cơn mê, vào thành, tìm đến công quán nghỉ ngơi.
Thúc Mưu thì ngờ rằng. Khứ Tà tìm không thấy đường ra, đã chết trong huyệt, lại tiếp tục đốc thúc dân phu đào sông như cũ. Mãi đến bảy tám ngày sau, Khứ Tà theo công sai từ Ninh Lăng sang, Thúc Mưu mới biết. Khứ Tà đem chuyện ở dưới hang, nói lại kỹ càng một lượt. Thúc Mưu đời nào chịu tin. Cho rằng Khứ Tà có ít nhiều phép thuật, trốn ở trong huyệt ít ngày rồi trở lên, kiếm chuyện hoang đường, để dọa Thúc Mưu chơi, nên Thúc Mưu lại quát nạt một hồi.
Khứ Tà đành quay về hậu doanh, nhân đó nghĩ: "Ta đường đường kẻ nam nhi đứng trong trời đất, sao lại cùng với bọn lang sói này làm chuyện hại dân. Quốc gia số vận chằng còn bao, ta việc gì cứ phái bám lấy bọn mọt dân này, chỉ tiếc cho công sức của mình lâu nay. Chi bằng giả bệnh điên khùng, vào ẩn trong núi, ung dung tự tại chẳng hơn sao!". Tính toán xong xuôi, liền làm đơn từ cáo bệnh. Thúc Mưu vẫn cứ ngờ Khứ Tà nói dối, nói xấu mình, bằng lòng cho nghỉ, tìm người khác thay việc ngay. Khứ Tà liền sắm sửa hành trang, đem theo hai đầy tớ, lên đường về quê.
Trên đường đi Khứ Tà lại tự nghĩ, khi nhớ lại cảnh Hoàng Phủ Quân gọi chuột lớn là A Ma: "Làm sao có thể có chuyện thiên tử Trung Quốc mà lại là con chuột già cho được? Nếu đúng như vậy, thì mấy đòn côn giáng vào đầu chuột hôm ấy, nhất định phải làm hoàng đế nhà Tùy này đau đầu nhức óc mới đúng. Việc quỷ thần tuy không thể không tin, cũng không thể tin hoàn toàn. Sao ta chẳng về ngay Đông Kinh, nghe ngóng tin tức, thì biết ngay chuyện thật hư
. Thế là lại tìm đường về Đông Kinh luôn.
Chính là:
Thực hư cơ màu ai muốn tỏ
Phong trần lao khổ chớ nề công!
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tùy Đường Diễn Nghĩa.