Chương 40


Số từ: 5253
Dịch giả: Thùy Dương
Nguồn: Nhà Xuất Bản Thuận Hóa
Thơ rằng:
Vương sư dập khói lửa,
Đại tướng tài dọc ngang
Anh sớm chói cờ đỏ
Mây chiều phơi lọng vàng
Động rừng trống trận nổi
Rẽ sóng mái chèo vang
Lòng quyết trừ Huyền Thố (1)
Công ghi sườn Am San (2).
1 Huyền Thố. Cũng đọc Huyền Thỏ, tên một quận ở Bắc Trung Quốc, gần các tỉnh Sát Cáp Nhĩ và Nhiệt Hà. Đây chỉ Liêu Đông.
2 Am San: Dải núi sát phía bắc Trung Quốc quãng vùng Cát Lâm hiện nay.
Đại phàm chuyện các bậc vua chúa rất là rối ren, ngòi bút dù tài giỏi đến đâu, một lúc cũng không tài nào ghi chép cho tường tận. Sự việc trong vũ trụ này, từ ngày có mặt trời chiếu sáng đã đủ chuyện, trong khoảnh khắc, tài nào nói cho hết. Chỉ bằng một đôi mắt nhìn của mình, làm sao mà thấu cả mọi chuyện. Người làm sách cũng như kẻ rút một sợi tơ trong búi tơ rối, từ từ rút lần từng đoạn, có trước có sau khiến cho người xem thấy được thứ tự rõ ràng, không phải khổ công đoán trước nghĩ sau.

Nói chuyện Tôn An Tổ, từ biệt Lý Huyền Thúy, Vương Bá Đương về kinh đô, tìm đến bạn bè quen biết, đưa mối lần manh, đem vàng ngọc, vật quý dâng cho bọn Đoàn Đạt, Ngu Thế Cơ, cùng một loạt bọn nịnh thần khác, rồi tìm chỗ yên ổn chờ tin tức. Quả là thần tiên linh ứng không lường, chẳng qua mấy ngày sau, đã có thánh chỉ ban xuống:
"Dương Nghĩa Thần xuất binh đã lâu chưa thấy báo tin thắng trận, án binh bất động, là ý làm sao? Trẫm nghĩ thương bậc lão thần, cho về nguyên quán hưu trí. Tiên phong Chu Vũ tạm thay cầm việc quan, chờ điều tướng khác, trừ diệt dư khấu.

An Tổ nghe được tin xác thực, vội ngày đêm rời kinh đô về Nhiêu Dương báo ngay cho Đậu Kiến Đức. Chính lúc Nghĩa Thần bày xong mưu kế để phá Kiến Đức, thấy thánh chỉ ban xuống, nhìn tả hữu mà thở than rằng:
- Cơ ngơi nhà Tùy thật đáng đổ lắm rồi. Ta chỉ chưa biết nó sẽ mất về tay ai.
Rồi đem vàng bạc của riêng, khao thường ba quân, gạt nước mắt, trở về vùng hồ Lôi Hạ, thuộc Bộc Châu đổi họ tên, giấu tung tích, lấy cày cấy, suối rừng làm vui.
Kiến Đức biết Nghĩa Thần đã về, lại đem quân về Bình Nguyên, chiêu tập binh lính, cũng được vài nghìn, rồi chẳng mấy chốc những quận huyện quanh vùng đều phải quy phục, quân lên tới hơn một vạn, thanh thế ngày càng lớn, mưu đồ ngày càng cao, sai tướng tâm phúc, mang thư về Nhị Hiền trang đón con gái, mời Đơn Hùng Tín cùng nhập bọn. Chuyện không nói nữa.
Chính là:
Đừng cho cốt nhục thành Ngô Việt
Luôn nhớ anh em chốn biển trời.
Chuyện chia làm hai mối, đây nói chuyện Dượng Đế kiểm điểm cung nữ cho việc ngự du Quảng Lăng. Đại để cung nữ được kén vào cung, thì nhất định không thể nào xấu cho được, ít ra cũng phải là loại có sắc đẹp trung bình mới có thể lọt vào cung cấm. Khi đã vào cung rồi, trang điểm phấn son, tô mày bôi môi, học cười học nói, nhan sắc cũng có thể tăng thêm hai ba phần. Cũng vì thế mà luôn suốt bảy tám ngày, Dượng Đế ở trong cung kén chọn cung nữ mà chẳng thể bỏ được một người nào, người có thể loại ra, thì lại mặt mày, vóc dáng không đến nỗi nào, hoặc là chỗ quen thân quyến luyến, giở mẹo khóc cười, cho nên càng làm càng rối. Dượng Đế không biết làm thế nào, trong lòng bực bội, liền bỏ mặc việc tuyển lựa cho Tiêu Hậu cùng các phu nhân, còn mình thì dẫn Chu Quý Nhi, Viên Bảo Nhi, cùng ba bốn viên tiểu thái giám, lên thuyền rồng, ra tận Bắc Hải, trèo lên Tam Thần Sơn xem mặt trời buổi chiều. Bỗng nhiên mây kéo mù mịt, ánh mặt trời như tắt hẳn. Dượng Đế vội chạy vào Quan Lan đình (l) ngồi một hồi, tâm thần hoảng loạn, thấy mặt hồ có một chiếc thuyền nhỏ, nhấp nhô trên sóng biếc, nhằm chân đảo mà vào. Dượng Đế ngỡ là thuyền của các phu nhân theo tìm, trong lòng thấp thỏm chờ đợi. Thuyền ghé sát bờ, thì ra không phải, chỉ thấy một viên thái giám tiến vào quỳ thưa:
1 Quan Lan đình: Lầu xem sóng biển, dựng ngay trên núi giữa hồ lớn.
- Trần Hậu Chủ muốn xin gặp bệ hạ.
Nguyên lai Dượng Đế cùng Trần Hậu Chủ thuở ban đầu cũng có đi lại thân mật, nên nghe Hậu Chủ xin gặp liền mời ngay vào.
Chẳng mấy chốc, Hậu Chủ từ trong thuyền bước ra, vào Quan Lan đình, định làm lễ quân thần. Dượng Đế vội giơ tay ngăn lại mà phán:
- Trẫm với khanh là bậc cố giao, chẳng cần phải giữ lễ làm gì?
Hậu Chủ theo lời, vái dài một cái rồi ngồi xuống. Hậu Chủ lên tiếng trước:
- Nhớ lại thuở còn ít tuổi, cùng bệ hạ vui chơi, thân thiết như cùng thanh khí, xa nhau đã lâu, chẳng biết bệ hạ còn nhớ những chuyện xưa chăng?
Dượng Đế đáp:
- Chuyện chơi bời quen thuộc, thuở để tóc trái đào, tình hơn cốt nhục, lòng vẫn thường nghĩ tới, sao lại có thể quên cho được!
Hậu Chủ tiếp:
- Dẫu bệ hạ có nhớ đi chăng nữa, nhưng nay đã là thiên tử, bốn biển trong tay, khác hẳn ngày xưa, mọi người ngưỡng vọng.
Dượng Đế cười đáp:
- Phú quý chẳng qua là chuyện ngẫu nhiên. Khanh tình cờ mà mất, trẫm tình cờ mà được, chẳng nên lấy đó làm chuyện tỵ hiềm vậy.
Nhân đó bèn hỏi:
- Gần đây ba viện Lâm Xuân, Kết ỷ, Vọng Tiên quang cảnh ra sao?
Hậu Chủ đáp:
- Trăng gió vẫn cảnh xưa, chỉ có điều lầu gấm, hồ biếc nay đã thành bạch dương, cỏ mượt cả rồi!
Dượng Đế lại hỏi:
- Nghe nói khanh đã từng vì Trương Lệ Hoa mà xây Quế cung, ngay phía sau Quang Chiêu Điện, mở cửa tròn chẳng khác gì mặt trăng, bốn phía đều làm bình phong thủy tinh. Hậu đình xây bằng đá ngọc trắng, bên trong để trống không, chẳng hề bày trí gì cả, chỉ trồng một cây quế thật lớn, dưới gốc cây để sẵn chày cối giã thuốc bằng ngọc. Bên cạnh cối ngọc, lại nuôi một con thỏ trắng. Cho Trương Lệ Hoa mặc toàn đồ trắng, tóc búi cao như mây, chân đi hài giát ngọc mũi nhọn, ung dung thơ thẩn, chẳng khác gì Hằng Nga trên trăng (1). Quả có chuyện này chăng?
1 Những chi tiết này đều rút ở thần thoại, cổ thư như "Dậu Dương tạp trở",
"Hoài Nam Tử..." nói trong trăng có Hằng Nga lấy trộm thuốc trường sinh của chồng uống, rồi trốn lên cung trăng. Trên cung trăng có cây quế đỏ cao năm trăm trượng, có thỏ ngọc giã thuốc tiên...
Hậu Chủ đáp:
- Thực là có chuyện đó!
Dượng Đế nói:
- Nếu đúng như vậy thì thật là quá xa phí!
Hậu Chủ đáp:
- So với việc đền đài cung quán, để theo kịp vua chúa xưa, thì việc xây Nguyệt Cung này có đáng bao nhiêu, Thần chẳng may mất nước, vì vậy sau này mang tiếng xa hoa. Chẳng cần gì phải dẫn người xưa làm chứng, mà cứ xem ngay như Văn Hoàng Đế bệ hạ thôi, lúc còn ở ngôi, thì nào có chừng gì đâu, cũng vì Trần, Sái phu nhân dựng Tiêu Tương, Lục Ỷ bốn phía đều ghép hoa phù dung bằng vàng. Phía trên cũng lưu ly làm cột, gỗ hạnh có vân làm xà, điêu khắc đủ cảnh chim bay cá lượn, cứ một bước một nghìn vàng. Tất cả cảnh đó, mắt bệ hạ đều thấy rõ, thử hỏi có xa xỉ không? May mà thiên hạ thái bình, truyền ngôi đến bệ hạ, ngày sau sử quan ghi chép chuyện này, nếu cứ nói là tiết là kiệm, thì thử hỏi có thỏa đáng không?
Dượng Đế cười đáp:
- Khanh cũng giỏi chuyện trào phúng nhỉ. Nếu cứ như thế mà nói, thì khi tiên đế ngự Giang Nam, khanh cũng oán hận lắm thì phải?
Hậu Chủ đáp:
- Làm một ông vua mất nước thì dám oán hận gì nữa. Chỉ nghĩ tới cảnh hoa đào trước núi, theo chiến thuyền lên phía bắc. Lúc ấy Trương Lệ Hoa đương ở trên Lâm Xuân Các, thử bút Từ Hào của Đông Quách Nguy, trên giấy Hồng Tiên bóng, họa lại bài thơ "Ánh trăng chiếu vách bên sông", mà vẫn chưa xong, thì bỗng Hàn Cầm Hổ dẫn binh ập vào, rồi hết chuyện bức bách này sang sự trói buộc khác, làm cho bài thơ của Trương Lệ Hoa vẫn chưa xong, để hận mãi đến giờ vậy.
Dượng Đế hỏi:
- Giờ Trương Lệ Hoa đang ở đâu?
Hậu Chủ đáp:
- Hiện đang ở dưới thuyền.
Dượng Đế nói:
- Sao không mời lên cùng gặp gỡ?
Hậu Chủ sai thái giám xuống thuyền mời, thì thấy trong thuyền bước ra có đến mười mấy cung nữ, cầm theo đàn địch, bưng theo cả rượu thức nhắm, một đoàn đi lên, thấy Dượng Đế, nhất tề quỳ lạy.
Dượng Đế vội mời đứng dậy, nhìn kỹ trong bọn, một người hai vai như ngọc rũ xuống, mặt trắng như tuyết ngưng, phong thái mười phần yểu điệu. Dượng Đế nhìn không nháy mắt. Một hồi lâu, Hậu Chủ mới cười hỏi:
- So với dung mạo Tuyên Hoa phu nhân nhà thần (1) thì ai hơn ai kém?
1 Trần Phu nhân, được Tùy Văn Đế phong Tuyên Hoa phu nhân, vốn là con vua Trần Tuyên Đế, có họ với Trần Hậu Chủ, vì vậy Hậu Chủ xưng thế.
Dượng Đế đáp:
- Thì cũng như nàng Hinh so với nàng Doãn, suýt soát như chị như em vậy thôi.
Hậu Chủ nói:
- Bệ hạ nhìn kỹ người nào, thì người ấy chính là Trương Lệ Hoa đấy!
Dượng Đế cười:
- Thì ra là Trương Quý Phi, thật đúng là danh bất hư truyền. Từ lâu đã nghe tiếng Quý Phi, nay mới thấy mặt, chẳng khác gì được gặp lại người quen cũ, chỉ hận không tiệc rượu, để cùng vui với hai khanh.
Hậu Chủ đáp:
- Thần có đem theo mấy chén, chỉ sợ bệ hạ quen dùng ngự tửu, nên không dám dâng.
Dượng Đế nói:
- Trẫm gặp cố nhân, nhất thời thích chí, việc gì phải quá giữ lễ.
Hậu Chủ liền gọi Trương Lệ Hoa dâng rượu lên, Dượng Đế uống liền ba chén, rồi nói với Hậu Chủ:
- Trẫm nghe nói khúc hát "Hậu đình hoa", hay vào nhất trên trời dưới thế suốt từ xưa tới nay, giờ may gặp nhau đây, sao lại không cho trẫm nghe một lần?
Trương Lệ Hoa từ tạ:
- Thiếp từ ngày phí hoài năm tháng đến nay, lời ca điệu múa của nhân gian không nhớ đã lâu. Huống chi lần ở dưới giếng lên đến nay, xương cốt đau nhức, chẳng còn giữ được phong thái thuở xưa, sao lại dám trước mặt thiên tử mà cuồng ca loạn xướng cho được.
Dượng Đế nói:
- Quý phi hình dung yểu điệu, chẳng cần ca chẳng cần múa cũng làm người tiêu hồn lạc phách, lại thêm ca múa nữa, thì chưa nghe chưa xem cũng đã thấy hay thấy đẹp, hà tất phải quá khiêm nhường.
Hậu Chủ lên tiếng:
- Bệ hạ đã ân cần đến thế, khanh hãy cố múa ca một khúc vậy.
Trương Lệ Hoa không tiện chối từ, liền bảo cung nữ giải thảm, tấu nhạc, rồi bước lên, theo nhịp nhạc du dương, giải lụa phất phơ, lưng cong uốn éo, nhẹ nhàng như bướm lượn trong hoa, chập chờn như chuồn chuồn điểm nước biếc, lúc đầu thì như chập chờn đùa giỡn chẳng chậm không mau, về sau tiếng nhạc càng dồn dập, Trương Lệ Hoa cũng quay tít đến không nhận ra rõ hình người, rồi lại từ từ trở lại hiện rõ nét mặt tươi hồng, chẳng khác gì ráng mây sáng sớm, nhẹ nhàng di chuyển giữa từng không. Tiếng nhạc ngừng, điệu múa hết, lúc này Trương Lệ Hoa mới cao giọng hát:
Cảnh đẹp rừng hương kề cao các
Điểm trang diễm lệ bậc khuynh thành
Lộng lẫy dừng chân bên cửa điện
Chúm chím hoa đào hé trước mành
Sương đọng lung linh vẻ diễm kiều
Ngọc thụ ngời ngời Hậu đình hoa.
Dượng Đế hồn phách như tiêu đâu mất, ngẩn người ca ngợi, sai rót ngay hai chén rượu, một chén đưa mời Hậu Chủ, một chén mời Trương Lệ Hoa. Hậu Chủ đỡ chén rượu, bỗng nức nở mà nói:
- Thần làm ra khúc hát này, phí không biết bao nhiêu tâm lực, mà chẳng được hưởng bao nhiêu, cuối cùng hát câm, đàn lặng. Đến nay mới nghe lại, khiến lòng không ngăn nổi niềm đau mất nước.
Dượng Đế nói:
- Khanh tuy mất nước, nhưng khúc hát "Ngọc thụ Hậu đình hoa" nay nghìn thu sẽ còn mãi, hà tất phải đau đớn đến thế. Khanh vốn có tài văn chương, từ ngày xa nhau đến nay, nhất định có nhiều bài hay, hãy đọc một hai bài, để trẫm nghe thử xem sao!
Hậu Chủ đáp:
- Thần gần đây tình cảnh không được thư thái, nên chẳng có hứng làm thơ, chỉ có hai bài thơ tặng cung nữ Bích Ngọc, Tiểu Song, cũng là vụng về cho xong, xin bệ hạ đừng cười.
Rồi đọc bài tặng Tiểu Song:
Giữa trưa đang ngon giấc
Bỗng dưng sao giật mình
Bóng chiều như ý ghẹo
Cánh cửa nhỏ rung rinh.
Tiếp theo, Hậu Chủ đọc bài tặng Bích Ngọc:
Biệt ly lòng muốn dứt
Tương tư bóng hao gầy
Hồn theo mưa lất phất
Tựa cửa lặng nhìn theo.
Dượng Đế nghe xong hết lời tán thưởng, Hậu Chủ lên tiếng:
- Mất nước nằm dài, sao bằng được bệ hạ hùng tài thao lược, nổi tiếng một thời.
Trương Lệ Hoa cũng thưa:
- Thiếp nghe bệ hạ thi từ tao nhã, nay may được chiêm bái long nhan, xin được nghe một vài câu để lấy làm nỗi vinh hạnh suốt một đời.
Dượng Đế cười đáp:
- Trẫm xưa nay chưa từng biết làm thơ bao giờ, thật phụ lời thỉnh cầu của Quý phi, làm thế nào bây giờ?
Trương Lệ Hoa thưa:
- Bệ hạ trong khi say làm từ "Vọng Giang Nam" rồi ngự chế "Thanh dạ du khúc", đều trong một khoảnh khắc mà xong, sao lại nói là không biết? Hay vì thần thiếp thô lậu, không đáng để bệ hạ buông lời châu ngọc, nên nói thác ra như vậy chăng?
Dượng Đế đáp:
- Quý phi nào có lỗi gì ở đâu. Trẫm xin cố nghĩ vài câu để đáp Quý phi vậy.
Trương Lệ Hoa sai cung nữ đem văn phòng tứ bảo bày ra, Dượng Đế giở giấy hoa tiên viết ngay một bài sau đây:
Gặp mặt sao ngần ngại
Nghe danh kể những khi
Rốn ngồi trăm vẻ đẹp
Thật đáng bậc tương tri.
Dượng Đế viết xong, đưa cho Trương Lệ Hoa, Trương Lệ Hoa cầm xem một lượt, thấy lời thơ có ý khinh bạc, lại hàm cả vẻ đùa cợt, bất giác hai má ửng đỏ, một lúc lâu không nói gì. Hậu Chủ thấy Trương Lệ Hoa có vẻ giận dữ, trong lòng cũng thấy bực bội, liền hỏi Dượng Đế:
- Nhan sắc như người này, không biết nếu so với Tiêu Hậu của bệ hạ, thì hơn kém ra sao?
Dượng Đế đáp:
- Quý phi so với Tiêu Hậu thì xinh tươi hơn, Tiêu Hậu so với Quý phi yểu điệu hơn, cũng chẳng khác gì mùa xuân thì của hoa lan, mùa thu thì của hoa cúc. Mỗi hoa đều có vẻ đẹp nhất thời của riêng mình, làm sao mà so được?
Hậu Chủ nói:
- Nếu đã là vẻ đẹp nhất thời cả, sao trong lời thơ của bệ hạ lại hàm ý khinh bạc Trương Lệ Hoa đến thế?
Dượng Đế khẽ cười đáp:
- Thơ của trẫm là thơ của thiên tử, chẳng qua là cũng để ghi lại cái hứng nhất thời, làm gì có chuyện khinh bạc hay không ở đây?
Hậu Chủ giận dữ:
- Ta cũng từng làm thiên tử, nhưng không đến nỗi tự cao tự tôn như ngươi.
Dượng Đế cũng nổi giận:
- Ngươi là kẻ mất nước, sao lại dám vô lễ?
Hậu Chủ càng tức tối:
- Thử xem ngươi còn được bao lâu nữa để vênh vang, mà dám chê ta là ông vua mất nước. Chỉ sợ đến lúc ngươi mất nước, kết cục sẽ chẳng có điều gì được như ta thôi!
Dượng Đế điên cuồng:
- Trẫm đường đường thiên tử ngôi cao, sao lại thèm so với ngươi?
Rồi đứng dậy định túm lấy Hậu Chủ. Hậu Chủ hỏi:
- Ngươi định bắt ta chăng?
Trương Lệ Hoa vội kéo Hậu Chủ ra:
- Đi thôi! Đi thôi! Một hai năm sau, xuống dưới dạ đài, sẽ còn nhiều dịp gặp nhau nữa mà!
Cả hai cùng ra phía bờ biển, Dượng Đế vội chạy theo kéo lại, chỉ thấy bóng Trương Lệ Hoa lúc ẩn lúc hiện, lúc mờ lúc tỏ, rồi mất hẳn, Dượng Đế đành đứng ngây ra nhìn theo.
Dượng Đế bỗng sực tỉnh, như vừa thoát khỏi cơn mơ, liền nhớ lại cả hai người này chết đã lâu, thì sợ hãi lạnh cả chân tay, mở mắt nhìn ra, thấy trước mắt là Quý Nhi, Bảo Nhi đang lấy ống tay áo rộng che người Dượng Đế. Dượng Đế vội hỏi:
- Các khanh có thấy gì không?
Hai mỹ nhân đáp:
- Chẳng thấy gì cả. Chỉ thấy bệ hạ như ngủ thiếp đi, nói ú ớ trong mơ, chân tay nâng lên đặt xuống luôn luôn.
Dượng Đế ra lệnh:
- Mau xuống thuyền về thôi!
Tất cả kéo xuống thuyền rồng, Dượng Đế đem những điều tai nghe mắt thấy vừa rồi kể lại tỷ mỹ, Quý Nhi, Bảo Nhi vô cùng kinh sợ. Dượng Đế trong lòng cũng lo lắng, giục thuyền chèo mau hơn nữa.
Bỗng nghe tiếng đàn tiếng sáo du dương, theo gió đưa đến. Dượng Đế trong lòng nghi ngại, thì bỗng đã thấy Ỷ Âm viện xa xa, Tần phu nhân, Sa phu nhân, cùng Triệu Vương lẫn Viên Quý nhân, Tiết Dã Nhi cả bọn cùng ra đón. Lại thấy cả Hạ phu nhân đang gảy đàn, Dượng Đế vội vàng lên bờ nói:
- Các khanh hãy làm thế nào để trẫm được vui lên xem nào. Hãy cùng nhau kéo cả ra đây cho đủ mặt?
Mọi người tranh nhau thưa:
- Chúng thiếp tìm khắp nơi chẳng thấy bệ hạ đâu cả, chẳng ai ngờ bệ hạ lại ra tận Bắc Hải.
Dượng Đế đáp:
- Hạ phu nhân hôm nay tại sao lại mang theo cả đàn ra đây?
Hạ phu nhân thưa:
- Thiếp đội ơn bệ hạ đặt cho ở viện này, đã bốn năm năm nay, cũng khác nào Phật tử say mùi thiền rồi, bóng tùng xanh mát, dáng núi lại nhấp nhô, mưa nhỏ hoa thêm sắc, tường cao đón ánh trăng, đài tạ ngâm nga, lại đã cùng chứng kiến bao sự buồn vui cùng bệ hạ, nay nhất đán bỏ mà đi, sông núi linh thiêng cũng như rơi lệ. Vì vậy thiếp đem đàn theo, cũng là có ý từ biệt cùng cảnh vật, để sông núi cũng không đến nỗi cười thiếp là kẻ bạc tình vậy!
Dượng Đế nghe nói thế, cũng than thở:
- Nơi này trẫm cũng thật không muốn rời bỏ đâu, bởi hoàng hậu bỗng nổi cơn hứng muốn ngự du Giang Đô. Ngỡ là mọi việc khó mà thu xếp xong, nào ngờ giờ đây ước nguyện đã thành. Đây cũng là chuyện số trời. Sức người thì làm gì nổi?
Bỗng thấy Cao Xương cùng bảy tám kẻ tay chân tâm phúc thái giám, tới quỳ tâu:
- Một nghìn cô gái trong đội "Điện cước nữ" bọn bề tôi này đã đi về vùng Giang Nam tuyển, nay đã đủ số.
Dượng Đế cả mừng:
- Nay đang ở đâu?
Thái giám thưa:
- Vương Hoằng vâng lệnh đã chia làm thành từng đội theo số hiệu thuyền rồng, để tiện cho việc tập dượt. Không biết đến bao giờ thì bệ hạ ngự giá?
Dượng Đế nghĩ ngợi:
- Trẫm chinh Liêu chẳng qua chỉ là lấy danh vậy thôi, thực ra là tuần du Giang Đô. Nhưng nay dã mang tiếng là thiên tử thân chinh, không thể nào giống kẻ khác, lẽ ra phải phân làm hai mươi tư đội cả thảy.
Đắn đo một hồi, Dượng Đế quay về đại diện, viết một tờ sắc rằng:
"Nay ban rằng: Vũ Trọng Văn làm Tả dực vệ đại tướng quân, Tân Thế Hùng làm Hữu dực đại tướng quân, Kinh Nguyên Hằng làm Tả kiêu vệ đại tướng quân, Tiết Thế Hùng làm Hữu kiêu vệ đại tướng quân; Mạch Thiết Trượng làm Tả đồn vệ đại tướng quân, Trần Lăng làm Hữu đồn vệ đại tướng quân; Trương Cẩn làm Tả ngự uy tướng quân, Triệu Hiếu Tài làm Hữu ngự uy tướng quân; Chu Pháp Thượng làm Tả vũ vệ tướng quân, Thôi Hoằng Thăng làm Hữu vũ vệ tướng quân, Vệ Văn Thăng làm Tả ngự vệ hổ bôn lang tướng, Khuất Đột Thông làm Hữu ngự vệ hổ bôn lang tướng. Cộng tất cả là hai mươi tư viên tổng quản. Lại lệnh cho Lưu Sĩ Long làm Tuyên dụ sứ, hiệp đồng với Tổng đốc lục quân đội nguyên soái Vũ Văn Thuật, Thủy quân thống lãnh nguyên soái Lai Hoạch Nhi, làm tiểu đội vương sư, cùng tiến vào Bình Nhưỡng.

Viết xong, Dượng Đế đưa cho nội giám, truyền cho các bộ, các ty biết rõ, chọn ngày tốt, thiên tử ngự tế trời đất, miếu tổ, khao thưởng ba quân, thống lãnh một vạn Vũ lâm quân, chia đường hướng Liêu Đông cùng tiến.
Tướng quân Lai Hoạch Nhi rõ tin hoàng đế đã rời đô thành, liền lệnh cho Tần Thúc Bảo xuất quân. Thúc Bảo từ lâu đã tìm người hiểu rõ đường sông biển làm hướng đạo, lại đinh ninh lời dặn dò của Trương Tu Đà, trước tiên sai tướng hiệu tâm phúc đi trước phát hiện những ổ mai phục dọc theo áp Lục Giang, rồi chờ sẵn ở Bình Nhưỡng đón đại quân đến sau, tiễu trừ tận sào huyệt, nội ngoại cùng giáp công.
Chính là:
Mẹo thần đã chẹn họng rồi
Bọn tiểu nhân rối tơi bời, vỡ gan.
Lại nói Dượng Đế sau khi đã ban một loạt thánh chỉ cho việc ngự du Giang Đô, liền vào cung hỏi Tiêu Hậu:
- Chúng cung nữ cùng đi Giang Đô, tuyển đã xong chưa?
Tiêu Hậu cười đáp:
- Bệ hạ ra cho thiếp một cái đề thật muôn ngàn khó khăn, bảo thiếp làm sao mà làm cho xong được. Cung nữ thì nhiều kẻ chẳng nói chẳng rằng, đi cũng không nói, ở cũng chẳng một lời. Ai cũng như người say rượu, thấy bệ hạ đi khỏi, cả ba bốn trăm cung nữ nhất tề kéo đến quỳ trước thềm tâu rằng: "Chúng thiếp giữ Tây Uyển từ lúc hoa sớm nở đến lúc trăng khuya mọc, trải đủ mọi sóng hồ gió núi, rồi cũng đã từng ở điện Chiêu Dương đội nhiều ơn mưa móc của chúa thượng, bao cảnh phồn hoa đã trải đủ. Chúng thiếp cũng từ Tây Kinh lại Đông Kinh, hai phen theo ngự giá. Tuy chẳng phải châu quý ngọc lành, nên chẳng dám nghĩ tới chuyện bệ hạ sủng ái, trước mắt âu cũng chỉ là cảnh trâm gãy vòng rơi, nhưng cảnh ngoài muôn dặm, Giang Đô tiên giới, tuy tai đã được nghe, mắt chưa từng thấy, dẫu chúa thượng có bỏ chúng thiếp, xin hoàng hậu hãy nói đỡ cho vài lời vậy!"
Nói xong, tất cả như cha mẹ chết, khóc lóc ầm ĩ, thì thử hỏi thiếp làm sao mà phân xử cho được?
Dượng Đế cười đáp:
- Bọn tiện tỳ này giỏi thật, cũng biết kéo tới cả để kêu xin kia à?
Tiêu Hậu thưa:
- Cũng có nguyên cớ dấy. Nhân hai phi tử họ Trương họ Doãn xúi bẩy: "Hai chúng ta thì tuổi đã cao rồi, nhan sắc đã tàn tạ rồi, nhưng các ngươi đều còn như đóa hoa tươi cả, ngày tháng còn dài, sao không nhân lúc này mà tìm cách chiếm được sự lưu tâm của chúa thượng, còn chờ đến lúc bị bỏ rơi, bị quên lãng nữa sao?". Vì vậy mà chúng cung nữ mới cùng nhau kéo đến van xin vậy.
Dượng Đế vừa nghe vừa gật gật đầu, gọi một thái giám truyền ngay binh bộ, chuẩn bị ngay bốn mươi chiếc thuyền, thái giám lĩnh chỉ đi ngay.
Thì ra Trương Phi tử, vốn có tên Diễm Tuyết, Doãn Phi tử, vốn có tên Cầm Sắt, cả hai đều cùng một lứa với Tuyên Hoa phu nhân thời Tùy Văn Đế, tuổi tác cũng xấp xỉ như Tuyên Hoa phu nhân thôi, nhưng nhan sắc thì không bằng, lúc này khoảng ba tám, ba chín gì đó. Bởi Dượng Đế chung tình với Tuyên Hoa phu nhân, nên chẳng bao giờ để ý tới hai phi tử này. Huống chi sau khi Tuyên Hoa phu nhân chết, tiếp đó là chuyện Dương Tố ngã lăn ra ở Tây Uyển, trước khi chết còn nói đủ chuyện oan cừu, chuyện hiển linh của Văn Đế giữa ban ngày, vì vậy Dượng Đế trong lòng cũng có phần sợ hãi, không dám nối mãi gót xưa.
Trường An lại bao phen lộn xộn, Hứa Đình Phủ bao phen tuyển cung nữ, Trương Phi tử cùng Doãn Phi tử cậy mình xưa kia được Văn Đế sủng ái, chẳng có lý nào dám đầy họ nơi này nơi khác. Mà dù có đẩy họ ra lãnh cung suốt đời đi chăng nữa, thì lòng họ cũng đã như tro tàn rồi còn hy vọng gì. Tiêu Hậu vốn là kẻ nhỏ nhen, đố kỵ, chỉ thích người khác tới xum xoe, nịnh hót, nay lại thấy cả hai người này không chịu tới xu phụng, vì vậy mới dựng nên chuyện này, để nhổ quách mấy cây cỏ dại ngứa mắt, mà vẫn được tiếng khoan nhân, rộng lượng. Dượng Đế làm thế nào mà biết được những mưu đồ đen tối đó.
Ngày hôm sau, những cung nữ không được chọn đi nhìn sau rèm cửa phòng, thấy Dượng Đế đang lên xe rồng, tất cả cùng kéo ra, níu lấy xe, kêu xin thảm thiết. Lại thấy khoảng chục viên nội giám, kéo đến nơi ở của Trương Phi tử, Doãn Phi tử, cao giọng nói:
- Chúa thượng có chỉ truyền: cả bốn trăm cung nữ chưa có trong số được chọn, lệnh cho Trương Phi tử cùng Doãn Phi tử đưa số này xuống thuyền ngay, không được sai sót.
Trương, Doãn hai người đều lấy làm ngạc nhiên: "Cả hai chúng ta đều chưa từng xin triều đình việc này, cũng chẳng lụy lục gì hoàng hậu, tại sao trong cái nồi hông lạnh, mà lại có hơi bay ra cho được!".
Bọn cung nữ lập tức vui mừng, thu thập tế nhuyễn riêng tư, chất cả lên mấy xe lớn, nhất tề ra khỏi cung cấm. Đi ròng rã một ngày trời, mãi tới hoàng hôn mới được lên thuyền. Sáng ngày hôm sau, Trương, Doãn hai người đều nghi ngờ, bèn hỏi bọn nội giám:
- Thuyền của chúa thượng ở đâu?
Nội giám đáp:
- Ở phía trước!
Trương Phi tử hỏi:
- Nghe nói triều đình mới đóng một trăm chiếc thuyền rồng, nay chúng ta đang đi là thuyền trưng dụng của dân chúng, chẳng phải thuyền rồng. Trong này nhất định có gì phải giấu giếm, che dậy rồi. Các người lừa chúng ta đi đâu, hãy mau nói ra xem nào?
Bọn nội giám thấy không thể giấu nổi, đều nhất tề quỳ thưa:
- Xin nhị vị phu nhân đừng nổi giận, đây chính là làm theo thánh chỉ của chúa thượng, sai bầy tôi đưa nhị vị phu nhân cùng các cung nữ về Tấn Dương cung. Nhược bằng nhị vị không tin, hiện có sắc chỉ chính tay chúa thượng ngự phê ở đây!
Bọn nội giám đưa sắc chỉ ra, các cung nữ trong thuyền, cùng hai Trương, Doãn Phi tử xúm lại đọc thì thấy ghi rõ:
"Trương Phi tử cùng Doãn Phi tử, vốn được tiên triều sủng ái quá nhiều, nay để lại đây cung phụng khó khăn, lệnh cho đem theo hơn bốn trăm cung nữ không có tên đi Giang Đô, trở về Tấn Dương cung ở Thái Nguyên trước. Truyền cho phó giám giữ cung Bùi Tịch đối chiếu sổ sách nhận đủ, trông coi chu đáo, không được sai sót.

Các cung nữ đọc xong thánh chỉ, biết rõ không phải đi Giang Đô mà là trở về Tây Kinh, đều khóc lóc ầm lên, có cả kẻ đâm đầu xuống sông tự tử, có kẻ tìm dao đòi đâm cổ. Chỉ riêng Trương Phi tử thì cười ha hả mà nói:
- Ta xem ra các ngươi đều là một lũ ngốc. Dù có tới Giang Đô, cũng chẳng cha mẹ thân thích gì ở đó, bất quá chẳng qua là rong chơi một vùng. Việc sủng ái nào đến phần các ngươi. Cứ như ta đây còn đến thế này. Các ngươi sao không rõ số phận của mình. Về Thái Nguyên lại tự do tự tại, chẳng phải xin xỏ, chẳng phải lạy lục, chẳng người sai phái, sướng biết bao nhiêu. Cứ chờ đó mà xem bọn họ đắc ý ra thế nào!
Các cung nữ nghe nói thế, lòng cũng thanh thản hơn, lại nói nói cười cười trong vòng một tháng mới về đến Tấn Dương cung. Nội giám dẫn hai phi tử cùng bọn cung nữ, giao cho phó giám Bùi Tịch minh bạch, rồi quay về Giang Đô phục chỉ.
Không biết mọi chuyện sẽ ra sao, xin xem hồi sau phân giải.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tùy Đường Diễn Nghĩa.