Chương 64
-
Tùy Đường Diễn Nghĩa
- Chử Nhân Hoạch
- 6577 chữ
- 2020-05-09 04:12:42
Số từ: 6565
Dịch giả: Thùy Dương
Nguồn: Nhà Xuất Bản Thuận Hóa
Từ rằng:
Giục ngựa buông cương dặm ruổi mau
Kiên trinh đồng điệu trước như sau
Dắt dìu thanh sử cùng lưu mãi
Đừng khiến mày xanh một nếp chau
Lòng cương trực làu làu như tuyết
Một nhát gươm hai giặc đầu rơi
Tử sinh thề có đất trời
Bạn vàng khăng khít hiếm hoi cõi trần.
Theo điệu " Ngộ giai kỳ"
Người xưa nói: "Lời của đàn bà không nên nghe theo". Nhưng lại cũng cổ sách dạy: "Lời phụ nữ nên nghe". Thế thì theo ai đây.
Thật ra thì trong số phụ nữ cũng có trí thông minh, có kiến thức, vượt cả đàn ông. Như thời nhà Minh, Thìn Hào định tính chuyện phản nghịch, vợ là Lâu Thị khóc lóc khuyên can, Hào không nghe, cuối cùng bị bắt, mới ngửa mặt mà than:
- Ngày xưa vua Trụ nghe lời đàn bà mà mất cả thiên hạ. Còn trẫm vì không nghe lời phụ nữ mà mất nước vậy.
Thế cũng rõ ràng trong những lời phụ nữ, có cả lời không nghe được và lẫn lời nghe được, việc này phải tùy người đàn ông, tùy theo chí hướng, thời thế mà xem xét những lời ấy có phải tai hay nghịch nhĩ.
Lúc đầu vua Đường sai bọn thái giám tìm các phu nhân của nhà Tùy về, vốn là để cho mình, nhưng bởi có một lời của Đậu hoàng hậu, nên thành được mấy đôi chồng vợ, đỡ bao nhiêu chuyện rầy rà. Nếu là Tiêu Hậu, thì sẽ mặc sức vun vào, làm lỗi lầm của vua càng thêm nặng. Việc vua Đường theo ý riêng, dựng vợ gả chồng như vậy, không ngờ lại làm cho bọn này, cả đàn ông lẫn đàn bà, đều rất là hoan hỷ, cảm ơn hoàng gia, vậy nên vua Đường cũng rất thích ý, vào nội cung kể lại cho hoàng hậu cùng các phi tần nghe. Nói đến chuyện Đơn Ái Liên cũng muốn lo việc tang lễ cho phụ thân Đơn Hùng Tín đã, rồi mới tính chuyện gia thất, Đậu hoàng hậu liền than thở:
- Không ngờ bọn đàn bà hiếu nghĩa, lại phần lớn xuất từ ở nơi hoang thôn, rừng núi.
Vũ Văn chiêu nghi bỗng thấy cũng nước mắt chan chứa hai hàng, vua Đường kinh ngác, hỏi:
- Chiêu nghi, cớ sao lại bi thương thế?
Chiêu nghi đáp:
- Linh cữu thân mẫu thiếp vẫn còn ở Lạc Dương, anh trai Sĩ Cập vẫn chưa lo được việc an táng.
Vua Đường phán:
- Ngày mai trẫm sẽ hỏi rõ Sĩ Cập xem sao?
Nói chuyện Trương Công Cẩn ở lại nhà Tần Thúc Bảo, nhân vì La Thành mới kết hôn, không tiện thúc giục. Lại nữa, các nhà vương phi, công hầu, đại phu, nhân hoàng hậu nhận Tuyến Nương làm cháu gái, nên càng ái mộ Tuyến Nương cùng Hựu Lan phu nhân hiếu nghĩa, tranh nhau mời mọc, đêm ngày ca ngợi. Vì vậy, Công Cẩn sợ ở U Châu xảy có chuyện gì, nên vào xin thánh thượng để về trước. Không ngờ Tần Vương vốn trọng tài năng Công Cẩn, tâu với phụ hoàng, lưu Công Cẩn ở Trường An giữ chức Tư mã kiêm đốc bổ tư. Còn chức thứ sử U Châu, giao La Thành tạm trông coi. Thánh chỉ đã ban, Công Cẩn ở lại Trường An, viết thư trình rõ, sai người đem về đưa Yên Quận Vương La Nghệ, rồi đón luôn gia quyến lên kinh đô.
La Thành nhân được cất nhắc thay chức Công Cẩn, lại sợ phụ mẫu mong chờ, nên được gần tháng sau, vào tạ ơn vua, các quan tướng thân thuộc từ biệt. Lại theo lời dặn của Tuyến Nương, tới cảm tạ vũ văn Sĩ Cập, thấy xe ngựa, lính tráng đầy sân, đang rối rít xếp dọn. La Thành tạ ơn xong, liền hỏi:
- Đại nhân đang định đi đâu, mà xe ngựa rộn ràng thế này?
Sĩ Cập đáp:
- Hạ quan nhân linh cữu tiên mẫu chưa táng, nên xin phép nghỉ hai tháng, về Lạc Dương lo xây mộ phần, lên đường ngay bây giờ, nên sợ không được tiễn tướng quân vinh quy.
La Thành đáp:
- Tiểu tướng cũng định sáng mai lên đường.
La Thành trở về, suốt đêm sắp đặt cùng Tuyến Nương, Hựu Lan, chào Tần thái thái, Thúc Bảo, Trương phu nhân. Vợ chồng Hoài Ngọc cũng ra gặp gỡ, rồi tiễn ra cửa. Anh em Uất Trì cùng hai viên thái giám được Hoàng hậu mới ban cho và bọn Phan Mỹ làm toán đi trước. La Thành, Tuyến Nương, Hựu Lan cùng các hầu gái theo sau. Từ Huệ Phi cũng sai nội giám Tây phủ, Viên Tử Yên thì sai Thanh Cầm, rồi có các phu nhân họ Giả, họ La, họ Giang đều sai người đến chào, nghẽn cả đường phố lớn, tiễn đến hơn mười dặm, tất cả lại mới quay về.
La Thành về lăng mộ Lôi Hạ, lại muốn mời Đậu Kiến Đức tới U Châu, đi suốt ngày đêm, chẳng bao lâu đã ra khỏi Đồng Quan, sắp tới cửa Thiên Châu, là một vùng dân cư đông đúc. Hôm ấy lên đường sớm, chưa ăn cơm, đang lúc toán Uất Trì hai anh em đi trước tìm một hàng cơm rộng rãi mà không ra, lại phải đi thêm mấy dặm nữa, thấy một quán rượu, ở ngay giữa phố, trên cờ treo trước cửa có viết:
Mời khách ngựa xe dừng bước
Đón phường danh lợi nghỉ chân.
Thấy thế mọi người xuống ngựa, vào quán. Phòng ăn vừa cao rộng, lại còn sớm nên vẫn vắng vẻ, Uất Trì Nam vội lệnh cho chủ quán, thu xếp ngăn nắp, bày sẵn tiệc rượu, rồi ra đón toán đi sau. Thì thấy dân chúng đang tụ tập trước cửa một ngôi chùa ở đầu phố. Uất Trì Nam hỏi nguyên cớ, có người đáp:
- Không biết, các ngài cứ lại xem sao?
Anh em Uất Trì cùng vào chùa, lên ba gian Phật dường, thấy trên điện khói hương tươm tất, bên dưới là mấy ni cô già xúm lại nước mắt ngắn dài, Uất Trì Nam hỏi một ni cô già nhất, ni cô vẫn khóc, không đáp. Lại nghe tiếng bàn tán xung quanh, một người nói:
- Vị công chúa vốn dòng cành vàng lá ngọc, chẳng ngờ nước mất nhà tan, lại còn bị mấy vị quan nha làm nhục nữa chứ!
Anh em Uất Trì không dám hỏi thêm, sợ đoàn La Thành đến, vội quay ra đón, vừa quay ra ngựa xe cũng đã tới tất cả vào quán.
La Thành vào sau, thấy ngoài phố ồn ào; mới hỏi chuyện anh em Uất Trì. Uất Trì Bắc kể lại những điều mắt thấy tai nghe. Tuyến Nương nghe được, bèn nghĩ: "Hay là họ hàng nhà Tùy, nhà Ngụy lưu lạc ở đây sao?" Liền sai tả hiệu cho gọi một ni cô đến. Ngô Lương cùng Kim Đính vội chạy ra, gọi theo mấy người lính đến chùa, nói với bọn ni cô:
- Công chúa cùng tướng quân mời ni cô trụ trì tới ngay?
Ni cô trụ trì bèn hỏi:
- Công chúa nào, tướng quân nào?
Kim Đính đáp:
- Ni cô cứ tới sẽ cho biết!
Ni cô trụ trì đành đi theo, vào quán, thấy Tuyến Nương, La Thành, cúi đầu bái chào. Tuyến Nương hỏi ngay:
- Chùa bị ai hà hiếp, có công chúa nào trong ấy?
Ni cô thưa:
- Công chúa Nam Dương của thời đầu nhà Tùy, góa chồng sớm, một lòng thủ tiết, có một người con, tên là Thiên Sư. Nhân khi Hạ Vương diệt Vũ Văn Hóa Cập, tướng của Hạ Vương là Vu Sĩ Trường, thấy công chúa mặt hoa da phấn, đòi lấy, công chúa không chịu, Sĩ Trường liền vu cho Thiên Sư là bè đảng của Hóa Cập, rồi giết chết. Công chúa xin với Hạ Vương được đi tu ở ngay Lạc Dương. Nhân gần đây giặc cướp nhiều, nên lên đường về Trường An tìm người thân, giữa đường lại gặp giặc cướp, nên mới tìm đến chùa trú chân. Cách đây ba hôm có một vị quan lớn tên là Vũ Văn Sĩ Cập, cũng đến quán này, không biết có người nào thưa chuyện, quan lớn mới tìm đến chùa, đòi gặp công chúa. Công chúa nhất định không chịu, quan lớn mới đứng ngoài cửa lên tiếng: "Công chúa ở góa một mình, hạ quan thì chết vợ, xin mang xe hoa đến đón. Rồi khoe nào là ít tuổi, nào là quan cao. Không ngờ công chúa nghe ra, đùng đùng giận dữ, từ trong cửa quát: "Ta cùng với ngươi vốn là cừu thù, nay gặp nhau đây, chỉ giận không chém được ngươi để trả tội thoán nghịch xưa. Nay nếu cứ ức hiếp, thì chỉ có chết!". Quan lớn biết không thể nên chuyện, đành bỏ đi, bọn tay chân doạ bần tăng tội che giấu cho quyến thuộc nhà Tùy, đòi phải dâng vàng lụa. Nhưng thực chẳng có, nên đang không biết lo liệu ra sao.
Tuyến Nương nói:
- Thuở trước Dương Thái bộc cho là Sĩ Cập có đức hạnh, nên mới bày cách đi về với nhà Đường, đem em gái dâng vua Đường, nên được sủng ái. Không ngờ lại cũng là phường hiếu sắc đến như thế. Thật đúng là lũ nhai văn nhai chữ này, chỉ có đến lúc đậy nắp quan tài mới biết chắc là người thế nào.
Liền sai ngay mấy hầu gái, cùng với ni cô quay về chùa, mời Nam Dương công chúa tới gặp.
Hầu gái đưa công chúa vào, khoảng ba mươi tuổi, vẫn còn mang vẻ hoa nhường nguyệt thẹn. Tuyến Nương cùng Hựu Lan đứng dậy chào hỏi, từ tốn mời ngồi. Tuyến Nương lên tiếng:
- Ni cô vừa nói chuyện, công chúa định đến Trường An thăm người thân là ai vậy?
Nam Dương công chúa đáp:
- Quang Lộc đại phu Lưu Văn Tĩnh là bạn thân của vong phu (1) thiếp, vốn là khai quốc công thần nhà Đường, nên định về Trường An nương nhờ, sống nốt kiếp sống thừa. Không ngờ lại nghe Lưu Văn Tĩnh không hòa với Bùi Giám, vu cho chuyện gì đó, cuối cùng bị giết. Nước nhà tan nát thân thích đều chẳng còn, nay lại thêm bọn đàn ông cuồng điên làm nhục.
1 Vong phu: gọi người chồng đã chết.
Nói xong nước mắt như mưa. Tuyến Nương thấy tình cảnh thế, không khỏi đau xót, nói:
- Nếu công chúa vẫn giữ ý, quy Phật pháp, thì nơi này không phải chỗ nương thân. Ta có một chỗ rất yên ổn, nhưng không biết ý công chúa ra sao?
Nam Dương thưa:
- Xin được nghe lời dạy bảo!
Tuyến Nương đáp:
- Nữ Trinh am ở vùng Lôi Hạ hiện có bốn phu nhân họ Tần, họ Đinh, họ Hạ, họ Lý, chủ chí phần hương. Nếu công chúa cũng muốn đến đó, thì xin cùng đi ngay.
Nam Dương đáp:
- Nếu được công chúa tiếp dẫn, thiếp xin ngày đêm cầu phúc.
Tuyến Nương nói:
- Chúng ta cũng về Lôi Hạ, nếu công chúa quyết đi, hãy thu xếp hành trang.
Nam Dương vui mừng, lập tức quay về chùa lấy hành lý, tạ ơn các ni cô, rồi lại quán cơm. Tuyến Nương lấy mười lạng bạc, thưởng cho các ni cô, sai tả hữu thuê một xe lừa cho Nam Dương ngồi, tất cả lên đường, Kim Đính cùng Phan Mỹ ở lại sau trả tiền cho chủ quán. Thấy ở trong quấy có một người râu quai nón, mặt vuông chữ điền, hai tai to cười hỏi:
- Hãy khoan tính tiền, xin hỏi công chúa vừa lên xe, có phải là con gái Đậu Kiến Đức chăng?
Phan Mỹ đáp:
- Đúng rồi!
Lại hỏi:
- Còn vị tướng quân là ai thế?
Kim Đính đáp:
- Con Yên Quận Vương U Châu La Nghệ, La Thành! Vừa được hoàng đế đứng ra làm chủ hôn.
Hảo hán lại hỏi tiếp:
- Thuở trước Hạ Vương có một người bề tôi là Tôn An Tổ không biết bây giờ ở đâu?
Kim Đính đáp:
- Hiện cùng với Hạ Vương, tu hành trên núi.
Hảo hán gật đầu:
- Không hiểu gia quyến Đơn viên ngoại bây giờ ra sao, thật đáng thương!
Phan Mỹ đáp:
- Con gái Đơn viên ngoại, cũng vừa được hoàng thượng làm chủ hôn cho với công chúa ta một lần, lấy con trai Tần tướng quân. Hoàng thượng lại cho phép về quê an táng viên ngoại, cũng sắp lên đường về Lộ Châu.
Hảo hán nghe nói, vỗ tay cười lớn:
- Hay lắm! Hay lắm! Thế mới là vua hiền!
Phan Mỹ giục tính tiền, hảo hán liền đáp:
- Hạ Vương cùng Tôn An Tổ đều là bạn bè thở trước, nay túc hạ bất ngờ hạ cố một bữa cơm, không phải lo lắng gì cả!
Phan Mỹ cứ đưa bạc ra, hảo hán nhất định không chịu nhận:
- Không phải khách khí, xin hãy cứ cầm lấy. Nhưng túc hạ nói linh cữu Đơn viên ngoại sắp đưa về Lộ Châu có đúng không?
Kim Đính đáp thay:
- Sao lại không đúng. Sớm muộn gì cũng sẽ lên đường.
Hảo hán lớn tiếng:
- Tốt quá rồi! Xin cảm tạ!
Phan Mỹ hỏi họ tên, hảo hán không chịu đáp, hai tay chắp lạy vái chào. Phan, Kim đành cầm lấy bạc, lên ngựa đuổi theo bọn La Thành.
Hảo hán ở trong quán cơm là ai vậy? Đó chính là bậc nổi danh trên chốn giang hồ, họ Quan tên Đại Đao, người Liêu Đông thuở xưa cũng đã từng đi buôn muối lậu, làm tướng cướp, chẳng từ điều gì. Đại Đao vốn ghét phường quan lại, không chịu luồn cúi, gần đây thấy Lý Mật, Đơn Hùng Tín gặp chuyện thảm hoạ, nên cũng thu mình, mở một cửa hàng, gặp bọn tham quan ô lại nhất định không để yên, tìm cách vét cho sạch túi, rồi mới tha cho đi, nhưng được cái là không bao giờ giết người, không chịu làm quan. Đại Đao nói: "Tổ ta là Quan Công, một vị thiên thần chính trực, ta đời nào lại giết người bậy". Còn nói: "Quan Công ngày xưa không chịu hàng Tào, ta nay cũng không chịu theo nhà Đường". Cũng vì vậy, hào kiệt bốn phương đều rất kính trọng Đại Đao.
Chính là:
Bốn biển anh hùng đâu dễ biết
Ruột gan khác hơn bọn ngu dốt
Cười kẻ "chi hồ giả dã " kia (1)
Khoe mới ta đây phường thanh khí.
1 "chi hồ giả dã
: Những hư từ thường gặp trong văn ngôn cũ Trung Quốc, dùng để chỉ bọn hủ nho giáo điều.
Lại nói Tuyến Nương muốn đưa phụ thân về U Châu liền cho bọn Hựu Lan đi Lôi Hạ trước, Tuyến Nương cùng La Thành đến Ẩn Linh Sơn đón thân phụ. Kiến Đức cùng Đường Tam Tạng bàn luận, chán cảnh trần thế, nên Kiến Đức từ chối không xuống núi. Công chúa đành khóc mà về.
Đến Lôi Hạ, Nhuận Phủ cùng Thiện Hằng đều ra đón. Bốn vị phu nhân ở Nữ Trinh am, mời về nhà, cùng nhau gặp gỡ. Mẹ con Dương Hinh Nhi đã được Từ Mậu Công đón về Trường An. Công chúa làm lễ ở lăng Tào Hoàng hậu, giao cả mọi thứ cho hai gia tướng già cũ của Kiến Đức cai quản, thu thập hành trang, sai người đưa Nam Dương công chúa cùng bốn vị phu nhân về Nữ Trinh am, rồi cùng La Thành, Hựu Lan lên đường về Bắc.
Nhuận Phủ đưa tiễn La Thành đi xong, biết chuyện gia quyến đưa linh cữu Đơn Hùng Tín về quê, liền nghĩ: "Hùng Tín một thuở đi lại với bạn bè thật là tận tình, tận nghĩa, nhiều người được cưu mang, ta cũng từng là bạn bè cùng chung hoạn nạn. Lúc Hùng Tín lâm hình, họ Tần họ Từ cắt thịt, bàn chuyện nhân duyên, để báo ơn đức. Ta vốn tự hào là kẻ có lòng, sao chưa đền đáp được mảy may. Nay nhân dịp này, hãy ra đón linh cữu, vái một vái gọi là!". Liền thu xếp hành lý, kéo theo một số người xung quanh cũng là những bậc hào kiệt, đã từng chịu ơn Hùng Tín, lên đường đi Trường An.
Lại nói Tần Hoài Ngọc, cùng với tiểu thư Ái Liên, sau tuần trăng mật, từ biệt Tần thái thái, cùng phụ mẫu lên đường. Thúc Bảo lại chọn bốn gia tướng, đem theo năm chục lính hộ tống. Hoài Ngọc lúc này, vì công lao của phụ thân, vua Đường phong cho chức Điện tiền hộ vệ tả thiên ngưu, bạn bè quen thuộc đều đến tiễn đưa, Hoài Ngọc cùng mọi người xe ngựa lên đường.
Đi được mấy ngày, đã cách Trường An xa, đang giục ngựa tìm chỗ nghỉ, thấy năm bảy người cao lớn, đều mang áo trắng ngắn, khăn trắng chít đầu, đến trước ngựa hỏi:
- Xin được hỏi các vị một câu. Xe tang của Đơn viên ngoại, hiện đang ở đâu?
Bọn gia tướng trên lưng ngựa liền đáp:
- Ngay ở phía sau kia!
Mấy người liền chạy như bay lên. Gia tướng nghi hoặc sợ là người xấu, vội vàng quay ngựa theo. Bọn người kia chạy khoảng một dặm, thì thấy phía trước bụi bay mù mịt, một đội người ngựa, đi trước là biển đề chữ vàng:
Phụng chỉ tứ táng" (l). Ở giữa là một khám thờ làm bằng lụa hồng, có minh tinh cũng thêu chữ vàng: "Cố tướng quân Đơn Hùng Tín công chi cữu". Người sau người trước hộ vệ nghiêm trang. Bọn này thấy vậy, vỗ tay mà reo:
- Đúng rồi! Đúng rồi!
1 Vâng lệnh nhà vua mà làm táng lễ.
Cả bọn kéo đến trước linh cữu, quỳ lạy, khóc lóc thảm thiết. Gia tướng thấy vậy biết là người tốt. Hoài Ngọc vội vàng xuống ngựa trả lễ. Đơn phu nhân thấy thế, cung vén rèm kiệu nhìn kỹ, thì nhận ra được một người họ Triệu, tước hiệu là Mảng Nam Nhi, lúc trước giết người, may được Hùng Tín giấu ở trong nhà, tốn rất nhiều công sức. Còn năm sáu người kia đều không nhận ra. Đơn phu nhân thương cảm không ngăn được nước mắt. Các hảo hán khóc lóc một hồi rồi đứng dậy, hỏi:
- Ai là Tần tiểu tướng con rể Đơn viên ngoại?
Hoài Ngọc thưa:
- Chính tiểu tướng ạ!
Cả bọn tiến lại, cầm tay Hoài Ngọc:
- Thật xứng đáng con rể Đơn viên ngoại!
Cũng có người khen:
- Thật là con nhà Tần đại huynh!
Lại có người hỏi:
- Đơn phu nhân cùng Ái Liên tiểu thư đâu?
Hoài Ngọc đáp:
- Đang trong xe sau kia.
Người này nói:
- Anh em ta hãy lại chào Đơn phu nhân!
Các hảo hán đến trước xe, Đơn phu nhân còn chưa xuống xe, sáu bảy hảo hán đã quỳ lạy chào. Đơn phu nhân vội xuống xe đáp lễ. Các hảo hán đứng dậy, nói:
- Anh em chúng tôi nghe chuyện Đơn viên ngoại, ai nấy đều thường băn khoăn, chỉ vì không tiện đến thăm. Nay cảnh nhà đã tốt hơn, được con rể tài giỏi, có được chỗ dựa suốt đời.
Đơn phu nhân đáp:
- Vong phu bất hạnh, lại làm phiền đến các ngài quá nhiều.
Mang Nam Nhi nói:
- Trời đã chiều rồi, mời phu nhân ghé vào nghỉ, Giả tiên sinh cũng đang chờ ở đây?
Nói rồi cùng các vị hảo hán, gươm tuốt sáng xanh, đi theo hai bên linh xa hộ tống, dáng vẻ nghiêm trang kính cẩn. Vốn là Giả Nhuận Phủ rủ các vị hảo hán này, cùng đến trọ ở cửa hàng của Quan Đại Đao. Thấy linh xa đã tới, Nhuận Phủ cùng mọi người ra đón, khóc lóc một hồi, Đơn phu nhân cùng Hoài Ngọc vội hoàn lễ. Đại Đao cùng tay chân đưa linh cữu vào một gian phòng đã dọn sẵn.
Đại Đao dẫn Đơn phu nhân, Hoài Ngọc cùng Ái Liên, vào ba gian nhà phía sau rồi nói:
- Mấy gian này, mới mấy hôm trước, Đậu Công chúa cũng nghỉ nơi đây, quét dọn rất sạch sẽ. Xin phu nhân cùng tiểu tướng đừng ngại. Người đi theo ở phía ngoài kia cũng đủ.
Đơn phu nhân hỏi Nhuận Phủ:
- Các vị hào kiệt đây, sao lại biết chúng tôi qua đây mà chờ đón cả thế này?
Nhuận Phủ nói:
- Trước tiên là do Quan đại huynh dò biết thực hư, rồi báo cho mọi người cùng đến, đó là một nhóm, còn một nhóm là do Nhuận Phủ này dẫn từ Lôi Hạ tới vậy. Các vị đây trước kia đều được chịu ơn của Đơn viên ngoại ít nhiều nên mới có lòng như vậy.
Rồi cùng Hoài Ngọc bước ra nhà ngoài, thấy ở giữa nhà, kê một bàn lớn, quay mặt hướng nam, trên bàn có bài vị bằng giấy, viết: "Nghĩa hữu Hùng Tín, Đơn Công chi vị". Đại Đao cùng mọi người cúi lạy, Hoài Ngọc hoàn lễ. Đại Đao rót rượu nâng lên đặt trước bài vị, rồi đứng dậy thưa:
- Bàn thứ hai xin mời Tần tiểu tướng, phải không Giả tiên sinh?
Nhuận Phủ đáp:
- Không như thế được. Hoài Ngọc còn có lệnh nhạc ở trên, không thể ngồi đối diện. Thứ nữa Tần đại huynh vốn cùng anh em chúng ta đi lại, làm sao dám thế. Chi bằng Nhuận Phủ này cùng với Tần tiểu tướng ngồi hai bên, các vị tướng cứ lần lượt mà ngồi, anh em ta lấy nghĩa khí làm trọng, không lấy tước vị làm lớn, chính là cảnh định đoạt ngôi thứ trên giang hồ vậy!
Ai nấy nhất loạt tán đồng:
- Tiên sinh nói đúng lắm!
Ngồi yên chỗ, Đại Đao đứng dậy nâng chén nói lớn:
- Trình với Đơn viên ngoại, đêm nay anh em chúng tôi tụ họp tại đây để hầu tiếp viên ngoại. Đơn viên ngoại hãy cùng về uống rượu với chúng tôi một chén?
Cả bàn tiệc nhất loạt nâng chén, rồi chuyện cựu giao với Hùng Tín ra sao, được hết người này đến người khác kể lể, kể đến chỗ thích, ai nấy hoa tay, dậm chân, đến chỗ thương tâm thì lại nức nở, sụt sùi. Mang Nam Nhi cất tiếng:
- Tần tiểu tướng có nhớ tháng chín năm ấy, Tần thái thái làm lễ mừng lục tuần thượng thọ, Đơn viên ngoại sai đưa lệnh tiễn tới chỗ chúng tôi, lúc ấy thân phận nào được như ngày nay, đang phải lẩn trốn trong rừng rậm, không tiện xuất đầu lộ diện.
Đưa tay chỉ rồi nói tiếp:
- Chỉ cùng với ba vị này, góp lại đâu năm sáu trăm lạng, tới Tế Châu, ban ngày không dám vào, mãi tới canh hai nhảy qua cửa sau, bỏ bạc vào bao cói, vứt vào trong buồng sau. Chuyện này có lẽ Tần tiểu tướng không được biết.
Hoài Ngọc đáp:
- Tiểu tướng có được thân mẫu kể lại cho nghe.
Bỗng bên ngoài có tiếng gõ cửa rất gấp. Đại Đao vội chạy ra, mở cửa nhìn, nói lớn:
- Thì ra là Đơn chủ quản, đến đúng lúc lắm. Linh cữu Đơn viên ngoại hiện đang ở đây.
Đơn Toàn, lúc ấy vào với Hùng Tín ở Trường An, sau đó từ biệt Đơn phu nhân về quê. Thúc Bảo, Mậu Công biết rõ Đơn Toàn là bậc nghĩa khí, cũng muốn nâng đỡ để làm một việc gì đấy, nhưng Đơn Toàn không chịu, quay về Nhị Hiền trang. Thường ngày Hùng Tín đối xử rất tốt, không ai là không thương tiếc, nên ruộng đất, nhà cửa, đều được xung quanh coi sóc, nay thấy Đơn Toàn trở về, đều giao lại đầy đủ Đơn Toàn cũng không hề tính chuyện riêng tư, hoa lợi trong trang trại đều có sổ sách ghi chép cẩn thận, nay nghe tin Phu nhân đem linh cữu về quê, vội ngày đêm đi đón, trên đường nghe ngóng, nên tìm đến đây.
Đại Đao đưa Đơn Toàn vào, Nhuận Phủ trông thấy, vui mừng nói:
- Đơn chủ quản cũng đã tới rồi?
Đơn Toàn lại ngay trước bài vị quỳ lạy, sau đó chào hỏi mọi người. Đến lượt Hoài Ngọc, Hoài Ngọc vội kéo Đơn Toàn dậy, mọi người lên tiếng:
- Đơn chủ quản hãy ngồi uống rượu với chúng tôi đã.
Đơn Toàn thưa:
- Xin các ngài cứ tự nhiên. Phu nhân hiện không biết ở phòng nào, cho vào lạy chào đã.
Một hầu gái dẫn Đơn Toàn đi, chẳng mấy chốc đã quay ra ngồi vào chỗ. Nhuận Phủ hỏi:
- Chúng ta anh em đây, nghĩ đến công đức của Đơn viên ngoại lúc sống, đều đến đây theo linh xa về quê. Anh em cùng gặp gỡ vài ngày, chẳng hiểu Nhị Hiền trang công việc ra sao?
Đơn Toàn đáp:
- Mọi thứ đã sắp đặt sẵn sàng, chỉ có đất là chưa dám chọn. Hiện nay Vương Thế Sung ở Định Châu, cùng với Bính Nguyên Chân phản loạn. La Sĩ Tín đã bị mắc mưu mà chết, Thế Sung chiếm được mấy huyện thành, hôm qua nghe nói đã đến Lộ An, giờ thì có lẽ đã đến Bình Dương. Chỉ sợ đường đi lại sẽ khó khăn, làm thế nào bây giờ?
Nhuận Phủ nói:
- Trước kia chúng tôi cùng Ngụy Công ở Kim Dung thành, đàng hoàng bao nhiêu. Cũng vì trúng kế của Thế Sung mà đến nỗi thế. Đơn viên ngoại cũng vì liên lụy với y mà đến nỗi vong thân, cùng bao anh em khác phải lênh đênh. Nay lại thêm La Sĩ Tín, ta mà gặp y, tất phải tuốt đao mới thỏa dạ này.
Hoài Ngọc nghe Sĩ Tín bị giết, khóc mà nói:
- La thúc vốn là anh em khác họ với phụ thân tiểu tướng, cùng ở một nhà đến mấy năm, nay một sớm mạng vong. Phụ thân tiểu tướng nghe tin này, thế nào cũng xin đem binh đánh dẹp, báo thù cho La thúc thúc.
Đơn Toàn nói:
- Tiểu nhân hôm qua nằm ngủ ở Thất Tinh cương, khoảng canh ba, nằm mộng thấy Đơn chủ nhân, gọi tên tuổi tiểu nhân mà nói rằng: "Ta về đây! Rất căm thằng Thế Sung đã giết chết người anh em kết nghĩa của ta, cũng là kẻ tâm giao với ta lúc khởi sự. Ta biết thằng giặc này số mạng đã hết, người hãy bảo con rể ta tìm giết Thế Sung, mà lập chút công trạng".
Đại Đao bàn:
- Anh em chúng ta cùng làm việc này xem sao, để cũng là báo thù cho La Sĩ Tín vậy?
Nhuận Phủ đáp:
- Nếu anh em đều bằng lòng, thì nhất định là làm được.
Ai nấy hỏi:
- Làm thế nào bây giờ?
Nhuận Phủ đáp:
- Mưu kế thì rồi lúc lâm trận sẽ có, nên hãy khoan bàn. Nay hãy tính chuyện, phải cả Quan hiền huynh cùng đi mới xong, thế thì ai coi sóc cửa hàng cho?
Đại Đao đáp:
- Cửa hàng để kiếm lời, dẫu có đóng cửa vài ngày, cũng chẳng hề gì, nhưng cũng nên giữ Đơn chủ quản ở lại trông nom mọi việc.
Đơn Toàn nói:
- Tiểu nhân xin cùng đi với Trương phu nhân về trước vậy?
Nhuận Phủ bàn:
- Đơn phu nhân cũng hãy tạm ở đây vài ngày, nhờ vong linh Đơn viên ngoại, chúng ta ra đi làm chuyện này thành công, sẽ quay lại đưa linh xa về Nhị Hiền trang cũng chưa muộn.
Các hảo hán hoa tay dậm chân:
- Đúng lắm!
Đơn phu nhân nghe thấy bàn thế, liền mời Nhuận Phủ vào thưa:
- Hoài Ngọc còn ít tuổi, sợ gặp phải bọn giặc không vừa, xin tiên sinh liệu chu đáo cho.
Nhuận Phủ đáp:
- Phu nhân cứ yên lòng, mọi chuyện đều do anh em. Nhuận Phủ này cùng tiểu tướng chẳng qua đi sau tiếp ứng, mọi chuyện xin cáng đáng cả, phu nhân đừng lo.
Rồi quay ra nói:
- Ngày mai chúng ta sẽ vào việc sớm. Giờ hãy đi nghỉ cho khỏe đã.
Sang canh năm, Đại Đao ghé tai Nhuận Phủ nói mấy câu, lại dặn dò Đơn Toàn cẩn thận, lặng lẽ cùng các hảo hán lên đường trước, Nhuận Phủ cùng Hoài Ngọc, gia tướng theo sau.
Lại nói Đại Đao cùng với bọn Mang Nam Nhi, đi được hai ba ngày, đến vùng Giải Châu, gặp tiền đội của Thế Sung, thấy hai ba chục người toàn mặc tang phục trắng liền hỏi:
- Các ngươi kéo đi đâu thế này?
Ai nấy đáp:
- Chúng tôi đưa linh cữu Đơn viên ngoại về quê!
Viên tướng trên lưng ngựa liền hỏi:
- Đơn viên ngoại nào?
Đáp:
- Đơn Hùng Tín tướng quân chứ còn ai nữa!
Viên tướng:
- Hùng Tín chính là dũng tướng của chúng ta bị vua Đường sát hại. Các ngươi là ai, mà lại đi theo hộ tống linh cữu?
Đáp:
- Chúng tôi đều là binh sĩ dưới quyền của Đơn tướng quân cũ, cảm ơn đức, nên chẳng từ đường xá xa xôi. Các ngài là ai, ở đâu vậy?
Viên tướng:
- Vua Trịnh đang ở phía sau, các ngươi hãy đứng chờ một lát, sẽ biết rõ.
Bỗng thấy ở phía sau, bụi cuốn mù mịt, một đoàn người ngựa kéo đến. Bọn này vỗ tay mừng reo:
- Đúng là vua cũ của ta đây rồi!
Viên tướng lúc này đến thưa chuyện với Thế Sung. Thế Sung liền hỏi:
- Linh cữu của Đơn tướng quân, các ngươi đem về đâu?
Ai nấy đáp thưa:
- Về Nhị Hiền trang!
Bính Nguyên Chân ngồi trên ngựa ngay cạnh nói:
- Chỉ sợ là gian tế!
Liền sai lại khám người, ai nấy vẫn bình thản, không chút sợ hãi. Thế Sung hỏi:
- Các ngươi đều là binh lính, sao không về với nhà Đường mà tìm chỗ xuất thân?
Ai nấy thưa:
- Nhà Đường đã chẳng tha tội cho Đơn tướng quân, thì chúng tôi sao lại bội nghĩa mà hàng nhà Đường?
Thế Sung:
- Các ngươi nếu là binh lính của ta, hiện nay đang thiếu người, sao không theo ta. Trước các ngươi là kỵ binh hay bộ binh?
Lạy thưa:
- Lúc ấy là kỵ binh cả!
Thế Sung hỏi họ tên, sai thư ký ghi vào sổ danh, cấp cho khí giới, áo giáp, cả ngựa cưỡi, theo với đội thứ hai.
Lại nói Hoài Ngọc cùng với Nhuận Phủ đi được ba ngày, gần tới Giải Châu, Nhuận Phủ bảo Hoài Ngọc sai một tên lính linh lợi, giả làm hành khất, đi trước nghe ngóng, rồi cả bọn vào trong Quan Vương miếu. Cách hai ngày sau, thấy tên lính về thưa:
- Tiểu nhân mới đầu nghe tin các vị hảo hán đã được Thế Sung tuyển vào toán quân thứ hai, đêm hôm qua đã đánh Bình Dương, nay đang tiến vào Giải Châu, trên đường dân chúng chạy trốn sạch, chỉ còn nhà trống. Bọn Thế Sung hạ trại ở Miếu Nhi thôn, không hiểu để làm gì. Canh tư đêm hôm qua, chỉ nghe trong quán huyên náo, la hét có giặc, tiểu nhân vội vàng quay về thưa lại.
Nhuận Phủ vội vàng gieo quẻ bói, mừng rỡ mà rằng:
- Anh em chúng ta thành công rồi? Mau đem ngựa ra đi đón nào?
Hoài Ngọc liền cùng hai gia tướng đi trước, chưa được hai dặm đã trông thấy mấy chục người mang tang phục trắng, thì ra là bọn Mang Nam Nhi, xách hai thủ cấp, phi ngựa lại, lớn tiếng:
- Thủ cấp Thế Sung, Nguyên Chân đây rồi! Phía sau bọn lính đang đuổi, mau cứu viện cho chúng tôi với.
Nhuận Phủ sai người lấy hai thủ cấp, treo lên đầu mũi thương, rồi cùng Mang Nam Nhi quay lên phía trước, các hảo hán đang cùng bọn lính Thế Sung hỗn chiến ở ngay đầu núi. Mang Nam Nhi gào lớn:
- Binh mã Đại Đường tới rồi!
Hoài Ngọc giương cung, bắn chết ngay hai tên, Nhuận Phủ cũng lớn tiếng:
- Thế Sung cùng Nguyên Chân đều là phường phản loạn, thủ cấp đang bị bêu đây, các ngươi đừng có ham đánh mà chết oan.
Thủ hạ, binh lính Thế Sung thấy thế, liền bỏ chạy cả. Hoài Ngọc cùng mọi người đuổi theo đến tận thôn Miếu Nhi, bọn này đành bỏ lại mọi thứ mà chạy trốn. Nhuận Phủ liền sai chất đầy những thứ mà chúng vất lại, lên mấy xe, lại sợ tàn binh chưa chạy hẳn, đuổi theo thêm ba bốn chục dặm mới quay trở lại. Bỗng có gia tướng tới báo:
- Linh xa của Đơn viên ngoại đã bị rất nhiều dân đinh ở Nhị Hiền trang, đến tận cửa hàng của Quan Đại Đao đưa về Lộ Châu rồi!
Các hảo hán vội lên ngựa ngày đêm đuổi theo, kịp ngay xe tang, rồi cùng về Nhị Hiền trang.
Các quan lại sở tại, biết rõ tài năng cùng địa vị của Tần Thúc Bảo, nay lại thêm Hoài Ngọc vừa được nhận chức thiên ngưu, lập được kỳ công mới rồi, đều đến thăm viếng. Nhuận Phủ ngay trước cửa trang chọn một kiểu đất tốt, định xong chuyện chủ. Đại Đao nói với Nhuận Phủ:
- Chúng ta làm được việc vừa rồi là nhờ vong linh của Đơn viên ngoại, chẳng mất một người một ngựa. Đúng thế đấy! Tiểu đệ cùng với Triệu hiền đệ, hai anh em, nhân lúc Thế Sung cùng Nguyên Chân uống rượu ngủ say, lén vào trong trại, lấy được đầu hai thằng, cả hai vội lên ngựa trốn chạy. Kinh động bọn xung quanh, bọn này nhất tề đuổi theo. Trời vẫn tối đen, người ngựa ngay trước mặt cũng nhìn không rõ, nhớ chẳng ra đường mòn, chỉ thấy trước mặt một bóng sáng cưỡi ngựa dẫn đường, lúc ẩn lúc hiện, ai nấy cứ nghĩ rằng là tiểu đệ nên cũng chẳng buồn hỏi, cứ thế ruổi ngựa theo. Đến ba bốn dặm, trời sáng rõ, thì cả người lẫn ngựa phía trước không thấy đâu nữa. Há không phải vong linh của Đơn viên ngoại, phù hộ chúng ta hayo? Nay hãy đem tất cả những vàng ngọc, lụa là phân làm hai, một nửa tặng Đơn phu nhân làm chi phí táng lễ, một nửa cho những hộ dân xung quanh Nhị Hiền trang này, nhớ tới công họ dạo trước trông coi trang trại, nay lại còn đi thật xa để đón linh cữu nữa. Cũng gọi là chút ít thù lao.
Nhuận Phủ cùng mọi người đều bằng lòng:
- Quan đại ca nói đúng lắm!
Hoài Ngọc từ chối:
- Sao lại thế được! Xin các ngài nhận cho, đấy chính là công sức của mọi người tiểu tướng quả không dám nhận, huống chi là dân chúng xung quanh.
Giữa lúc đang đưa đi đẩy lại, thì thấy quan phủ Lộ Châu cho khiêng lợn dê tới linh tiền phúng điếu, Hoài Ngọc cùng Nhuận Phủ ra tiếp, dẫn vào làm lễ, thấy trong nhà bày đầy lụa là, vàng bạc. Hỏi duyên cớ, Nhuận Phủ đáp:
- Có mấy vị bạn bè buôn bán cũ, xưa kia từng đi lại với Đơn viên ngoại, nay tới điếu viếng, lại gặp ngay bọn Vương Thế Sung phản loạn, ai nấy đều giận dữ xông vào, diệt được cả lũ, những vật chúng cướp đoạt đều bỏ mà chạy thoát thân, nên mọi người thu về. Giờ thì ai nấy trọng nghĩa khí, không ai nhận, định đem chia cho dân nghèo.
Vị quan phủ cười nói:
- Thế là bởi các vị trọng nghĩa khinh tài, nên tính toán vậy. Nhưng dân chúng nào có công sức gì, mà dám nhận của lấy được của kẻ phản nghịch. Chi bằng gửi vào kho của công, trình lên trên, để rồi lập đền lập bia cho Đơn viên ngoại, đời đời tế lễ có phải là chuyện hay không?
Cũng bởi quan phủ nghĩ rằng: "Bọn ta đi làm quan nha thế này, kiếm được của dân chúng một lạng năm tiền, phí bao nhiêu nước bọt, nay cả một động của lớn thế, bọn này chẳng đứa nào chịu nhận, chẳng hiểu tâm địa chúng thế nào?".
Quan phủ chờ xem sao, thấy Hoài Ngọc chẳng nói năng gì, đành chào rồi quay ra. Các hảo hán liền gọi, dân nghèo xung quanh lại mà bảo:
- Số của cải đây, là của Tần tiểu tướng ban cho các người, để gọi là nhớ tới công lao. Các người hãy chia ra đều, đừng vì mấy thứ này mà tranh cạnh lẫn nhau, đến nỗi quan phủ trách phạt. Từ nay về sau các người phải thờ Tần tiểu tướng đây như Đơn viên ngoại vậy.
Dân nghèo lạy tạ ơn, lĩnh lấy mọi thứ ra về. Đại Đao nói với Nhuận Phủ:
- Giả tiên sinh, công việc chúng ta xong xuôi!
Nói với Hoài Ngọc:
- Chúng tôi chẳng tiện bái biệt Đơn phu nhân.
Ai nấy chắp tay cáo biệt, Hoài Ngọc nói:
- Của cải thì chẳng dám nói nữa. Nhưng xin các vị lấy ngựa mà đi cho.
Các hảo hán đáp:
- Chúng tôi thế này mà tới, cũng thế này mà đi thôi!
Rồi tất cả bước ra, không ngoảnh lại nữa. Xung quanh đều xuýt xoa thán phục.
Hoài Ngọc xếp đặt gia đình xong phần mộ, chọn được ngày tốt, an táng nhạc phụ. Lại thấy Đơn Toàn một lòng trung nghĩa, một dạ yêu mến chủ nhân, liền khuyên Đơn phu nhân nhận làm con nuôi, trông coi miếu đường họ Đơn, đem cả gia sản Nhị Hiền trang giao cho Đơn Toàn, xuân thu tế lễ, rồi cùng mẹ con Ái Liên lên đường về Trường An.
Gia tướng không quên mang theo hai thủ cấp Thế Sung, Nguyên Chân. Không biết rồi ra sao, xin xem hồi tiếp sẽ rõ.