Tựa lấy
-
Tuyển Tập Truyện Ngắn Lỗ Tấn
- Lỗ Tấn
- 2922 chữ
- 2020-05-09 04:29:41
Số từ: 2951
Dịch: Phan Khôi
Nguồn: NXB Văn Nghệ Hà Nội, NXB Hội Nhà Văn
Tôi lúc còn trai trẻ cũng từng có nhiều thứ chiêm bao, sau rồi quên bẵng hết già nửa, nhưng tự tôi cũng chẳng lấy làm đáng tiếc. Cái gọi bằng hồi ức, tuy có thể làm cho người ta vui thích, cũng có khi không khỏi làm cho người ta lạnh lùng. Bắt cái sợi tơ tinh thần cứ mắc míu lấy cái ánh sáng mặt trời lạnh lùng đã đi đứt, thì còn có thú vị gì đâu. Khổ cho tôi là không quên bẵng được hết thảy, cái một phần tôi không quên bẵng được ấy đến hôm nay thành ra cái nguồn của tập Nột hám[1] này.
Hơn bốn năm, tôi đã từng thường thường - hầu như là hàng ngày, ra vào trong tiệm cầm đồ và tiệm thuốc. Bấy giờ tôi mấy tuổi tôi quên bẵng, tóm lại là cái quày của tiệm thuốc cao ngang tôi, của tiệm cầm đồ cao gấp đôi tôi. Tôi từ dưới cái quày cao gấp đôi đưa lên áo xống hoặc đồ nữ trang, nhận lấy đồng tiền trong sự khinh dể, rồi lại đến chỗ cái quày cao ngang mình mua thuốc cho cha tôi, người mang bệnh đã lâu năm. Sau khi về nhà, lại phải bận vì việc khác, bởi ông thầy thuốc cho đơn là thầy rất có danh tiếng, cho nên thứ dùng để dẫn thuốc[2] cũng rất lạ lùng: rễ cây lau mùa đông, mía chịu sương ba năm, con dế nguyên cả cặp, cây bình địa đã có trái... phần nhiều là thứ không dễ gì kiếm ra. Nhưng mà rốt lại bệnh cha tôi cứ một ngày càng nặng một ngày cho đến chết.
Có ai từ nhà khá giả mà sa sút đến cùng khốn không ư, tôi cho rằng ở trên con đường ấy đại khái có thể nhìn thấy bộ mặt thật của người đời. Tôi phải đến N xin vào trường học K[3], hình như là toan rẽ con đường khác, trốn đến xứ khác, đi tìm hạng người xa lạ nào khác. Mẹ tôi không có cách gì, chạy cho tám đồng bạc làm tiền ăn đường, bảo rằng tôi đi đâu tùy ý. Nhưng mà bà khóc, đó là sự tất nhiên, bởi vì lúc bấy giờ học để đi thi là đường chính, cái gọi bằng học tây, thì xã hội cho đó là kẻ hết đường đi rồi, chỉ phải đem linh hồn bán cho người ngoại quốc, sẽ chế nhạo càng hơn và còn hắt hủi nữa, huống nữa bà lại không thấy đứa con của mình. Nhưng mà tôi cũng không thể đoái hoài đến những việc ấy, rốt lại đi đến N và vào trường học K. ở trong trường học ấy, tôi mới biết trên đời còn có những cái gọi bằng cách trí, toán học, địa lý, lịch sử, họa đồ và thể thao. Người ta không dạy sinh lý học, có điều chúng tôi lại đã được xem những sách khắc bản gỗ như là Toàn thể tâu luận và Hóa học vệ sinh luận[4]. Tôi còn nhớ lời bàn luận và phương thang của ông thầy thuốc trước kia, đem so sánh với những cái hiện giờ mà tôi biết, dần dần vỡ ra rằng thầy thuốc ta chẳng qua là một thứ người lừa bịp vô tình hoặc cố ý, cùng một lúc lại hăng hái biểu đồng tình với những người ốm bị lừa bịp và người nhà của họ. Vả lại, trên lịch sử bằng bản dịch, tôi lại biết những cái sự thực trong cuộc duy tân Nhật Bản già nửa là bắt nguồn từ y học phương Tây.
Cũng bởi cái trí thức non nớt ấy, khiến cho tôi về sau ghi tên trong sổ một trường học thuốc chuyên môn ở vùng nhà quê Nhật Bản. Tôi rất mãn nguyện, định bụng sau khi tốt nghiệp về nước sẽ chữa cho những người đau ốm bị lừa dối giống như cha tôi, lúc có chiến tranh thì đi làm thầy thuốc quân y, một mặt khác lại giục giã người nước đối với cuộc duy tân thêm lòng tin tưởng. Tôi không biết hiện giờ cái cách dạy về vi trùng học có tiến bộ thế nào không, chứ lúc bấy giờ thì dùng chiếu bóng để chiếu rõ hình trạng con vi trùng, vì vậy có khi một bài giảng nghĩa đã xong mà còn có thì giờ, giáo sư bèn chiếu những phim phong cảnh hoặc thời sự cho học sinh xem để khỏi phí những phút thừa ấy. Lúc đó nhằm lúc chiến tranh Nhật Nga, những phim về chiến sự tự nhiên cũng có khá nhiều, tôi ở trong lớp học ất, thường thường phải vào hùa với các bạn đồng học vỗ tay và reo lên. Có một lần, ở trong phim, tôi thình lình gặp mặt bao nhiêu người Trung Quốc mà tôi lâu ngày xa cách, một người bị trói ở giữa, bao nhiêu người đứng chung quanh, hết thảy đều mạnh mẽ mà phơi ra cái vẻ mặt tê điếng. Theo lời giải thì người bị trói là người làm trinh thánh quân sự cho nước Nga, đang bị quân Nhật sắp sửa chặt đầu thị chúng, còn những người vây chung quanh đó là những người đến giám thưởng cuộc thị chúng rầm rộ ấy.
Chưa mãn một năm học ấy, tôi đã đi đến Đông Kinh rồi, bởi vì từ lần ấy về sau, tôi thấy học thuốc cũng không phải là việc cần kíp: Hễ là thứ quốc dân hèn yếu, thì dù cho thân thể có mạnh mẽ đến đâu, vặm vỡ đến đâu, cũng chỉ có thể làm tài liệu và khán giả của cuộc thị chúng không có ý nghĩa gì hết, đau và chết đi bao nhiêu kẻ, cũng không cần cho đó là sự đáng buồn. Thế thì cái điều cần kíp thứ nhất của chúng ta là ở sự biến đổi tinh thần của họ, mà muốn biến đổi được tinh thần, bấy giờ tôi nghĩ không gì bằng dùng văn nghệ. Trong đám lưu học sinh ở Đông Kinh bấy giờ có nhiều người học pháp chánh, lý hóa, cả đến cảnh sát, công nghiệp nữa, nhưng không có ai chuyên trị về văn học và mỹ thuật ; tuy vậy, trong không khí lạnh nhạt, cũng may mà tìm được mấy kẻ đồng chí, ngoài ra còn rủ được mấy người cần phải có, sau khi bàn tính, bước thứ nhất là phải ra một cái tạp chí, tên tạp chí lấy ý nghĩa là "sự sống mới", mà vì chúng tôi lúc đó có mang ít nhiều cái khuynh hướng phục cổ, cho nên gọi là "Tân sinh".
Gần đến ngày xuất bản tờ Tân sinh, thì trước tiên là mấy người chịu miệng viết bài lẩn đi đâu mất, rồi tiếp đến người chịu bỏ tiền cũng đi trốn, rốt chỉ còn lại ba anh chàng không có một đồng dính tay. Bắt đầu xây dựng đã trái mùa, thì khi nó thất bại phải bặm miệng mà chịu, vả lại sau đó cả đến ba anh chàng còn lại cũng đều bị số mạng của mỗi người dong duổi, không thể cùng ở một chỗ nói khoác lác với nhau về cái mộng đẹp tương lai, thế là cái kết cục tờ Tân sinh chưa hề ra đời của chúng tôi đó.
Từ đó về sau, tôi cảm thấy s buồn nản mà trước kia chưa từng trải qua. Lúc đầu tôi không biết cái cớ tại làm sao ; sau rồi nghĩ thấy: Hễ có người nào chủ trương cái gì, nếu được tán đồng, là giục cho tiến hành, nếu bị phản đối, là giục cho phấn đấu, chỉ có kêu gào giữa đám người sống, mà người sống tịnh không hề phản ứng, đã chẳng tán đồng cũng chẳng phản đối, dường như đặt mình giữa đồng không mông quạnh, không biết mó tay vào đâu, ấy là điều đáng buồn thương đến mức nào, thế rồi tôi lấy cái điều mình cảm thấy làm lạnh lùng.
Cái lạnh lùng ấy lại càng ngày càng lớn phình mãi lên, như con rắn độc to, quấn lấy linh hồn tôi.
Nhưng mà tôi tuy có buồn thương bâng quơ, chứ cũng không hề tức tối, bởi vì cái kinh nghiệm ấy làm cho tôi xét lại mình, thấy mình là gì rồi: ấy là tôi quyết không phải một đấng anh hùng giang tay hô một tiếng mà mọi người đều phụ họa.
Có điều cái lạnh lùng của chính mình tôi thì không thể không xua đuổi nó đi được, bởi vì nó làm tôi đau khổ quá. Thế rồi tôi dùng mọi cách dể làm tê điếng linh hồn mình đi, khiến tôi ngập trong đám quốc dân, khiến tôi trở về với đời cổ, sau đó cũng từng chính mình nếm lấy hoặc đứng cạnh xem qua mấy việc càng lạnh lùng buồn thương hơn, mà tôi đều không muốn nhớ lại, đành cho chúng nó với trí khôn của tôi cùng tiêu diệt trong bùn đất một thể, song le cái cách làm tê điếng của tôi lại hình như đã kiến hiệu, tôi không còn có cái lòng dạ hăng hái và bốc đồng như hồi còn thanh niên.
Trong hội quán S[5] có ba gian nhà, truyền rằng thuở xưa trên cây hòe trước sân từng có một người nữ thắt cổ chết, hiện giờ htì cây hòe đã cao quá với, mà cái nhà ấy vẫn không có ai ở ; tôi bèn trọ trong cái nhà ấy chép bia xưa đã bao nhiêu năm. Trong cảnh đùm đậu ít có người đến chơi, trong bia xưa cũng không gặp thấy vấn đề hay chủ nghĩa nào, mà sinh mạng của tôi thì lại cứ âm thầm tiêu hao đi, ấy cũng là điều mong muốn độc nhất của tôi. Đêm mùa hè, nhiều muỗi, bèn phẩy cái quạt lác ngồi dưới cây hòe, từ trong những kẽ lá dày xem một tý một tỵ trời xanh, những con sâu hòe ban đêm ra lại cứ từng con từng con như giá lạnh rơi trên cổ.
Lúc đó, người năm khi mười họa đến gẫu chuyện là Kim Tâm Dị[6], một anh bạn cũ. Anh ta cầm cái cặp da to tướng đặt trên cái bàn xệ xạc xong, cởi áo dài ra, ngồi đối mặt nhau, mà vì sợ chó, hình như trong buồng tim anh còn đang đập mạnh.
"Anh chép những cái này có dùng làm gì không?". Một đêm nọ, anh ta giở từng cái bổn chép bia xưa của tôi, phát ra câu hỏi như dò xét ấy.
"Chẳng có dùng làm gì cả."
"Thế thì, anh chép nó có ý gì?"
"Chẳng có ý gì cả."
"Tôi tưởng, anh nên viết cái gì chứ..."
Tôi biết ý anh ta rồi. Bọn họ đang làm báo Tân thanh niên[7], mà bấy giờ hình như không có ai tán đồng, cũng không có ai phản đối, tôi tưởng, bọn họ có lẽ cũng cảm thấy lạnh lùng chăng, nhưng tôi nói:
"Giá như có một căn nhà bằng sắt, không có cửa ngõ nào hết mà dứt không có thể phá tung được, trong đó có bọn người đang ngủ ngon, không bao lâu họ sẽ chết ngạt, nhưng là từ ngủ mê đến chết rấp, không hề cảm thấy sự buồn thương của cái chết. Nay anh la to lên, làm thức dậy mấy kẻ còn khá tỉnh ngủ, khiến một ít người xấu số ấy phải chịu đau khổ lúc gần chết không thể cứu được, mà anh lại cho thế là xử tốt với họ ư?".
"Nhưng mà đã có mấy người tỉnh dậy, anh không thể cầm chắc rằng không có hy vọng phá tung được cái nhà bằng sắt ấy."
Phải đấy, tôi tuy có sự tin chắc của tôi, nhưng nói đến hy vọng, thì lại không thể sổ toẹt được, bởi vì hy vọng về tương lai, quyết không thể lấy cái điều tôi chứng minh rằng chắc không có để mà bác bỏ cái điều anh ta cho rằng có thể có, thế rồi tôi nhận lời anh ta và viết bài, tức là cái truyện ngắn Nhật ký người điên đầu tay[8]. Sau đó, đã buông ra không thể cầm lại, thường hay viết những bài có vẻ như tiểu thuyết, gọi là có để đáp lại sự đòi hỏi của bạn bè, lâu ngày dồn lại có được hơn mười bài.
Về phần riêng tôi hiện nay, vẫn tự thấy rằng mình đã không phải là người có điều gì bách thiết cần phải nói ra mới được, nhưng hoặc giả còn chưa quên cái sự buồn thương lạnh lùng của mình ngày nọ, cho nên có khi không khỏi la ó lên mấy tiếng, để yên ủi những kẻ mãnh sĩ đang chạy vạy trong sự lạnh lùng, cho họ không ngại tiến lên trước. Còn như tiếng la của tôi là mạnh dạn hoặc buồn thương, là đáng ghét hoặc đáng buồn cười, đó lại là điều không rồi đâu nghĩ đến. Song đã la ó lên, thì vẫn phải nghe theo tướng lệnh, cho nên tôi có khi không quản dùng lệch ngòi bút, như ở truyện ngắn Thuốc, trên mả Dunhi thình lình thêm một vòng hoa, trong truyện ngắn Ngày mai cũng không kể chuyện mụ Tư Đơn rốt lại không chiêm bao thấy đứa con của mụ, bởi vì vị chủ tướng bấy giờ không chủ trương tiêu cực. Đến như chính mình tôi, lại cũng không muốn đem cái lạnh lùng tự lấy làm khổ truyền nhiễm cho lớp thanh niên đang ở trong mộng đẹp cũng như tôi hồi còn tuổi xanh.
Theo như đã nói đó, thì đủ biết tiểu thuyết của tôi còn cách xa với nghệ thuật lắm, thế mà cho đến nay vẫn còn mang được cái danh tiểu thuyết, đến nỗi còn có dịp làm thành tập, không luận thế nào, không thể không kể đó là một điều may mắn, sự may mắn ấy tuy làm cho tôi không yên tâm, song tưởng trong đời tạm thời còn có người đọc, thì rốt lại tôi cũng vẫn thấy thỏa lòng.
Bởi vậy tôi trót đem những truyện ngắn của tôi dồn lại thành tập, vả in ra nữa, lại bởi cớ nói trên, đặt tên là Nột hám.
Lỗ Tấn viết ở Bắc Kinh
3-12-1922
(Dịch ở Nột hám)
--------------
Chú thích:
1. ▲ Nột hám: Nghĩa đen là hò reo, chỉ tiếng hò reo trong hát tuồng. Trong hát tuồng, có những người đóng vai quân lính, cầm cờ đi theo ông tướng, gọi là "chạy hiệu", thường khi rập nhau phát ra tiếng, hoặc là "ó lên", hoặc "huợi huợi", tức là hò reo đó. Tại sao dùng hai chữ này, có cắt nghĩa ở cuối bài tựa.
2. ▲ Dẫn thuốc: nguyên văn là "dược dẫn". Thầy lang bốc thuốc, ngoài một phương thang, thường khi có một vài vị phụ, như sinh cương, đại táo, sắc chung với thuốc mà uống, nói rằng để dẫn thuốc đi đến chỗ nó phải đến. Cũng có khi không sắc chung với thuốc mà để ngoài, như một thứ thuốc gì đó, thầy lang ghi vào đơn rằng: "Dụng diêm thang tống hạ", nghĩa là uống với nước muối đun sôi, đó cũng là một cách để dẫn thuốc.
3. ▲ N là Nam Kinh ; trường học K là Giang Nam Thủy sư học đường.
4. ▲ Đây là hai thứ sách dịch chữ Tây ra chữ Trung Quốc nói về sinh lý học, xuất bản hồi cuối triều Mãn Thanh. Toàn thể tân luận 1 cuốn, ra năm 1851 ; Hóa vệ sinh luận 4 cuốn, ra năm 1879.
5. ▲ Hội quán S: Tức là hội quán Thiệu Hưng. Thiệu Hưng, người Trung Quốc viết bằng mẫu tự La Mã là Shaoshing, thành ra hội quán S. Xem thêm lời chua số 2 bào Ối tình ôi ở cuối sách.
6. ▲ Kim Tâm Dị: tức là Tiền Huyền Đồng, một người biên tập Tân thanh niên lúc bấy giờ. Sau khi Tân thanh niên đề xướng cách mạng văn hóa, Lâm Thư có viết một cái truyện ngắn đề là Kinh sinh, để chửi những người đề xướng đó, trong đó có một nhân vật là Kim Tâm Dị, chỉ bóng Tiều Huyền Đồng, tác giả dùng cái tên đó.
7. ▲ Tân thanh niên: Tên một tạp chí ra trước sau vận động Ngũ Tứ, lãnh đạo cuộc cách mạng văn hóa trong thời ấy. Ra hàng tháng, số 1 ra tháng 9 năm 1915, do Trần Độc Tú chủ biên, đến tháng 7 năm 1922 đình bản. Sau đó, tháng 6 năm 1923, Đảng cộng sản Trung Quốc lấy làm báo cơ quan của Đảng, ra ba tháng một kỳ, do Cù Thu Bạch chủ biên, được 4 số thì đình bản. Lại đến tháng 4 năm 1925 ra mỗi tháng một kỳ, được 5 số đình bản.
8. ▲ Nhật ký người điên đã có dịch đăng trong Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn, tập I.