ĐỪNG BẮN, SÚNG CÔ ĐẠN THẬT ĐẤY
-
Tuyết
- Orhan Pamuk
- 4115 chữ
- 2020-05-09 02:57:41
Số từ: 4104
Người dịch: Lê Quang
NXB: Văn học
Nguồn: Sưu tầm
Cuộc cách mạng tiền Sân khấu
Mọi việc xảy ra rất nhanh. Trên sân khấu xuất hiện hai tên cuồng tín râu quai nón đội mũ, lăm lăm trong tay dây thừng và dao.Trông bộ dạng thì biết là chúng muốn trừng phạt Funda Eser đã cả gan chống lại điều răn của Allah bằng cách tháo bỏ và đỐt khăn trùm.
Bị rơi vào tay chúng, Funda Eser uốn éo giẫy giụa một cách khêu gợi.
Tới cảnh này mỗi khi lưu diễn về các tỉnh, bà không còn xử sự như một người hùng của thời Khai sáng nữa, mà như mốt phụ nữ "sắp mất phẩm giá", vai trò bà ưa thích nhất. Bà vươn cổ ra như một con cừu tế thần và kêu gọi đám khán giả đàn ông với ánh mắt cầu khẩn, tuy nhiên không kích thích được họ như mong đợi. Một trong hai tên cuồng tín râu quai nón (diễn viên đóng người cha lúc nãy đã hóa trang lại một cách vụng về) nắm lấy tóc bà. làm bà ngã xoài ra đất; tên kia ấn dao lên cổ bà trong tư thế gợi nhớ cảnh hy sinh Isaac trong những họa phẩm thời Phục hưng. Cảnh này gây ra nỗi kinh hoàng lan rộng trong giới trí thức và công chức theo phương Tây, khi họ nhớ lại cuộc nổi dậy phản cách mạng mang tính tôn giáo trong những năm đầu tiên của nền cộng hòa. Các công chức cao tuổi ở hàng ghế đầu và đám khán giả già thủ cựu phía cuối khán phòng giật tình kinh sợ trước tiên.
Funda Eser và hai tên "Toàn thống giáo" đứng im phăng phắc. không thay đổi dáng đúng suốt mười tám giây. Sau này nhiều người ở Kars kể với tôi rằng ba người đứng im như thế lâu hơn nhiều. Nhưng lúc đó đám đông trong khán phòng bắt đầu xáo động. Đám học sinh trường tôn giáo nổi giận không thỉ vì chân dung biếm họa xấu xí độc ác của những "kẻ cuồng tín" trên sân khấu, cũng không phải bởi chuyện thay vì lo lắng cho giới phụ nữ trùm khăn thì lại ca tụng một người đàn bà bỏ mạng che mặt. Họ cảm thấy vở này là một sự khiêu khích liều lĩnh. Họ hiểu mình chỉ dấn sâu thêm vào cái bẫy giăng ra nếu còn tiếp tục giận dữ hò hét và ném đồ lên sân khấu; và tất cả những điều đó chỉ làm họ giận dữ hơn trong nỗi bất lực của mình. Vì vậy cậu học sinh thấp người lực lưỡng ở lớp cuối cấp, người có nhiều kinh nghiệm chính trị nhất trong bọn họ, Abdurrahman Öz (bố cậu ta ba hôm sau từ Sivas đến đón xác con mình khai một tên khác hẳn) cố sức can ngăn các bạn và khuyên họ yên lặng, nhưng không ăn thua gì. Tiếng vỗ tay và hò hét phản đối từ góc phòng phía kia bây giờ càng động viên họ hơn. Và đặc biệt là cánh Hồi giáo chính trị trẻ ở Kars, vốn không được thành công lắm so với những bạn cùng chí hướng ở các tỉnh lân cận, tối hôm nay lần đầu tiên đã dũng cảm đồng lòng lên tiếng. Họ ngạc nhiên và sung sướng chứng kiến giới công chức lãnh đạo và phe quân sự ngồi hàng đầu biết thế nào là sợ hãi. Họ không thể không tận hưởng phút biểu dương lực lượng của mình, chả gì thì ti vi cũng quảng bá cho cả thành phố biết. Vậy nên sau này người ta quên đi rằng trong lúc hò hét vỗ tay, mấy người trẻ đó đang tự thích thú vai trò của mình. Trong nhiều lần xem lại cuốn băng video, tôi thấy trong khi các học sinh đồng thanh hò la chửi bới có nhiều người còn cười khoái trá, thậm chí vỗ tay và kêu la nhằm động viên toán học sinh để giải trí khỏi sự ngán ngẩm sau một buổi tối kỳ dị ở nhà hát.
Nếu đám người ngồi mấy hàng ghế đầu không coi trọng tiếng ồn ào lộn xộn và cứ ngồi yên thì có lẽ đã không xảy ra chuyện gì, nhiều người nói với tôi như vậy. Người khác thì giải thích những công chức cao cấp và đám nhà giàu đã chết điếng trong mười tám giây đồng hồ ấy biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, do vậy họ lôi gia đình mình ra về. Tất cả đều do Ankara dự tính hết. Ka sợ hãi nhận ra tiếng ồn ào đang làm ông quên đi bài thơ trong đầu. Ông đi khỏi phòng. Cùng lúc đó cứu tinh hiện ra trên sân khấu đúng kế hoạch để giải phóng Funda Eser khỏi tay bọn "phản cách mạng" râu quai nón: Sunay Zaim. Ông đội chiếc mũ lông như Atatürk và các chiến sĩ hồi chiến tranh giải phóng và khoác quân phục hồi thập kỷ ba mươi. Khi ông rắn rỏi sải chân trên sân khấu (không ai nhận ra là ông hơi khập khiễng), hai "tên phản động" kinh sợ phủ phục xuống đất. Ông giáo cô đơn lúc nãy lại đứng dậy và hăng hái vỗ tay chào mừng Sunay Zaim."Muôn năm! Hu-ra!" một, hai người hô theo. Khi luồng đèn pha sáng quắc trùm lên người ông, Sunay Zaim hiện ra trong mắt dân Kars như một vị thần đến từ thế giới khác.
Ai cũng nhận ra vẻ đẹp và ánh sáng giác ngộ của ông. Ánh hào quang cứng cỏi, quyết liệt và bi thương, vẻ đẹp mảnh mai, thậm chí hơi mềm yếu từng tạo vẻ hấp dẫn của ông trong các vai Che Guevara, Robespierre và nhà cách mạng Enver Paşa đối với sinh viên phái tả, sau những chuyến lưu diễn gian khổ qua Anatolia vẫn chưa phai nhạt hẳn, cho dù hành trình đã làm hỏng chân trái của ông. Ông đưa ngón trỏ bàn tay phải xỏ găng trắng, không phải lên môi, mà để dưới cắm với vẻ lịch thiệp và nói: "Im nào!" Câu này không có trong lời thoại, và cũng không cần thiết vì đằng nào cả khán phòng cũng im phắc. Ai đang đứng cũng ngồi ngay xuống nghe.
"Đau đớn thay cho họ!" Rõ ràng câu này chưa nói hết, vì chẳng ai hiểu người nào bị đau cả. Ngày xưa thì nghe câu ấy người ta sẽ nghĩ đến nhân dân hay tổ quốc, bây giờ người dân Kars không rõ cái gì đau: những chuyện họ xem từ tối đến giờ, chính bản thân họ, Funda Eser hay cả nền cộng hòa. Dù vậy cảm giác do câu ấy gây ra chính xác như dự kiến: cả khán phòng chìm vào sự im lặng bối rối, xen lẫn sợ hãi.
"Hỡi đất nước Thổ Nhĩ Kỳ vinh quang thiêng liêng," Sunay Zaim nói. "Không ai cản được Người trên chuyến đi vĩ đại và cao cả, trên con đường dẫn đến Khai sáng. Hãy yên tâm! Lũ phản động, sâu bọ, đầu óc hủ bại sẽ không tài nào cản được bước tiến của lịch sử. Hãy đập gãy những cánh tay vung lên chống nền cộng hòa, tự do và tiến bộ!"
Người ta chỉ loáng thoáng nghe câu trả lời nhạo báng từ một cậu bạn to gan của Necip ngồi trước cậu ta hai hàng ghế. Ngoài ra thì cả khán phòng lặng ngắt, chìm trong không khí khâm phục trộn lẫn sợ hãi. Đang lúc mọi người ngồi ngây ra như tượng đợi vị cứu tinh của buổi biểu diễn nặng nề này nói vài lời răn dạymấy câu chuyện thông thái để tối đến có đề tài nói chuyện trong gia đình, lý giải được những điều đang diễn ra, thì diễn giả im tiếng. Và mỗi bên cánh gà xuất hiện một người lính, tiếp ngay sau đó là ba lính nữa vừa vào qua cửa hậu và len qua các hàng ghế trèo lên sân khấu. Thoạt tiên dân chúng Kars giật mình khi thấy các diễn viên đi qua giữa khán giả theo lối hiện đại, nhưng rồi họ thấy thú vị. Đúng lúc đó họ nhận ra cậu bé đưa thư đeo kính đang chạy hộc tốc ra sân khấu và phấn khởi hoan nghênh. Đó là "Bốn mắt", đứa cháu lanh lợi và đáng yêu của chủ hiệu bán báo lớn nhất thành phố, ai ở Kars chẳng biết cậu, vì suốt ngày cậu đứng trông sạp báo. Cậu bé đưa thư lại gần Sunay Zaim, ông cúi xuống và nghe cậu thì thầm vào tai. Tất cả đều thấy Sunay Zaim rất xúc động bởi tin vừa nhận được.
"Chúng tôi vừa được biết là ông hiệu trưởng đại học sư phạm đã qua đời ở bệnh viện," Sunay Zaim nói. "Vụ sát hại hèn hạ này sẽ là cuộc tấn công cuối cùng chống lại nền cộng hòa, chủ nghĩa thế tục và tương lai Thổ Nhĩ Kỳ!" Trước khi khán giả kịp hoàn hồn sau tin dữ, mấy người lính tháo súng khỏi vai, lên đạn và chĩa xuống khán giả. Tất cả khai hỏa cùng lúc, tiếng nổ chói tai.
Người ta có thể cho đó là thủ thuật dựng vở để gây hoảng sợ hay là cách thế giới hư cấu trên sân khấu phản ứng lại hung tin mà cuộc sống cay đắng ngoài đời đem lại. Vốn hiểu biết về sân khấu khá hạn chế, dân Kars coi đó là cách diễn kịch cải biên một cách thời thượng theo kiểu phương Tây.
Mặc dù vậy, cả khán phòng vẫn rục rịch chuyển động, những người sợ tiếng súng thì nghĩ đó là do nỗi sợ chung lan truyền. Một hai người nhấp nhổm đứng dậy, "mấy tên phản động" râu ria trên sân khấu quỳ mọp hẳn xuống sàn.
"Mọi người ngồi yên!" Sunay Zaim hét.
Mấy người lính lên đạn lần nữa và lại chĩa súng xuống khán giả. Cậu học sinh nhỏ người gan dạ ngồi trước Necip hai hàng ghế đứng dậy hô lớn: "Hãy giết chết bọn vô đạo, giết chết bọn phát-xít vô thần đi!" Lại một loạt đạn vang lên.
Cùng với tiếng nổ, khán giả trong phòng lại ào lên như sóng vì kích động và sợ hãi.
Những người ngồi hàng cuối phòng chợt nhận ra cậu học sinh vừa hô khẩu hiện đã sụm xuống ghế, rồi lại đứng bật dậy và quờ quạng vung cả hai tay lên. Vài người suốt buổi tối đã lấy trò tục tằn và hành vi kỳ quái của đám học sinh để tiêu khiển, thấy thế phá lên cười, nhất là khi cậu ngã xuống giữa hai hàng ghế như một người chết với điệu bộ còn khôi hài hơn nữa.
Mãi sau loạt đạn thứ ba, một số khán giả mới nhận ra người ta đang bắn đạn thật vào mình. Điều này có thể nhận ra không chỉ bằng tai mà còn bằng linh tính, giống như khi nghe lính truy đuổi bọn khủng bố trong đêm. Cái lò Đức to tướng bằng gạch chịu lửa tù hai mươi tư năm nay dùng để sưởi ấm khán phòng phát ra một tiếng động kỳ dị, khói xì ra từ ống khói bằng tôn thủng lỗ như từ vòi ấm nước đang sôi. Giờ thì họ đã nhìn thấy một người đàn ông đầu bê bết máu ở giữa phòng đứng dậy chạy về hướng sân khấu, và ngửi thấy cả thuốc súng. Một làn sóng kinh hoàng đã mấp mé nổ ra, song nhiều người trong phòng vẫn im phăng phắc như tượng; họ bị chế ngự bởi cảm giác bỏ rơi như lúc bóng đè. Chỉ có cô giáo dạy văn Nuriye Harum ở hàng ghế đầu vẫn có thói quen mỗi lần đi Ankara đều xem hết các buổi diễn ở nhà hát quốc gia, đứng dậy vỗ tay hoan hô các diễn viên vì hiệu quả sân khấu xác thực. Gần như cùng lúc, Necip cũng đứng dậy như một học trò được gọi lên bảng.
Cũng là lúc đám lính bắn loạt thứ tư.
Đúng như bản báo cáo mà viên thiếu tá do Ankara cử đến sau này đã nghiên cứu kỹ lưỡng và cẩn mật hàng tuần lễ để viết, loạt đạn chót đã giết chết hai người. Một trong hai người đó, ông ta cho là Necip, hai viên đạn xuyên qua trán và mắt cậu, nhưng tôi không dám chắc là cậu chết ngay lúc đó vì cũng được nghe nhiều tin đồn đại khác. Nếu có một điểm tương đồng được tất cả những người ngồi đầu và giữa phòng thống nhất, thì Necip nhận ra có đạn thật sau loạt súng thứ ba, song cậu lại hiểu sự kiện đó theo một hướng riêng.
Hai giây trước khi trúng đạn, cậu đứng dậy và nói đủ to để nhiều người nghe thấy (tuy không được thu vào băng video):"Dừng lại, đừng bắn! Súng có đạn thật đấy!"
Những gì mọi người trong phòng đến lúc này đã cảm thấy bằng trái tim nhưng lý trí vẫn cố cưỡng lại, thế là đã được nói ra.
Ở loạt đạn đầu một trong năm viên đã bắn trúng vòng nguyệt quế bằng thạch cao phía trên dãy ghế lô, nơi trước đây hai mươi lăm năm dành cho vị lãnh sự Nga cuối cùng ngồi xem phim cùng con chó của ông. Rõ ràng là tay lính Kurd người Sirrt bắn viên đạn này không muốn giết ai cả. Một tay lính khác cũng nghĩ tương tự đã vụng về bắn ngược lên trần, khiến lớp vôi và sơn một trăm hai mươi năm tuổi rụng lả tả như tuyết xuống đám khán giả đang rục rịch. Một viên nữa cắm vào vách gỗ bên trên giá đỡ máy quay phim trực tiếp, ngay trước khoảng trống không có ghế, nơi các cô gái Armenia nghèo và mơ mộng ngày xưa tựa vào chiêm ngưỡng các diễn viên, nghệ sĩ và dàn nhạc thính phòng từ Moscow. Viên thứ tư bay vèo đến góc xa quá tầm máy quay, xuyên qua một lưng ghế ghim vào vai Muhittin Bey, nhà buôn phụ tùng máy kéo và máy nông nghiệp ngồi cạnh vợ và cô em dâu đã ly dị ở hàng ghế sau, đúng lúc ông này đứng lên để nhìn cho rõ cái gì đang rơi từ trên trần xuống. Viên đạn thứ năm bắn vỡ tung mắt kính của một cụ già từ Trabzon đến thăm đứa cháu đang làm nghĩa vụ quân sự ở Kars, lúc đó ngồi sau đám học sinh Hồi giáo; đạn xuyên qua óc ông cụ đang ngủ gật không kịp biết có gì xảy ra với mình, trổ ra qua gáy ông và xoáy vào quả trứng luộc chín già trong túi một thằng bé người Kurd mười hai tuổi đang vươn qua lưng ghế trả lại tiền lẻ cho khách mua bánh mì.
Tôi chép lại những chi tiết ấy để giải trình tại sao phần lớn khán giả trong Nhà hát nhân dân không động tay động chân gì cả khi có tiếng súng. Cậu học sinh bị trúng đạn vào thái dương, cổ và trên tim một chút bị cho là đang pha trò trong vở kịch ghê sợ ấy vì ngay trước đó cậu vừa tỏ ra dũng cảm một cách cường điệu. Trong hai viên còn lại của loạt đạn thứ hai, một viên trúng ngực một học sinh trường tôn giáo nhút nhát ngồi tận cuối phòng (chính là anh họ của thiếu nữ tụ sát đầu tiên ở Kars), viên kia trúng vào mặt đồng hồ phủ đầy bụi bặm và mạng nhện treo trên tường, đã đứng im từ sáu chục năm nay. Bởi vì đồng hồ treo trên ống kính đèn chiếu đến hai mét, viên thiếu tá điều tra nhận định rằng một trong những người lính được cử đi bắn hôm đó đã không trung thành với lời thề trước kinh Koran, mà cố bắn chệch đi để khỏi giết hại người nào. Viên thiếu tá cũng nhắc đến học sinh bị giết bởi loạt đạn thứ ba, đó là một phần tử Hồi giáo chính trị hăng máu, và nhắc đến đơn kiện của gia đình cho rằng cậu ta đồng thời cũng là một điệp viên chăm chỉ và mẫn cán tại chi nhánh Kars của Bộ an ninh quốc gia (ông nhận xét thêm trong ngoặc: gia đình nạn nhân không đủ chứng cứ pháp lý để đòi nhà nước bồi thường). Hai viên cuối cùng giết chết cụ Riza Bey, người xây giếng ở khu thành cổ được giới bảo thủ và ngoan đạo của Kars yêu mến, và người hầu luôn đi theo đỡ đần ông già ốm yếu như một cây gậy chống. Tới đây thì khó mà giải thích nổi vì sao đa số khán giả lặng im, ngay cả khi chúng lên đạn tiếp và hai đồng bào thân thiết đang hổn hển giẫy chết giữa khán phòng.
"Chúng tôi ở hàng ghế sau hiểu ra rằng có gì đó khủng khiếp xảy ra."Nhiều năm sau một ông chủ hiệu sữa nói với tôi, không cho phép lộ danh tính, chúng tôi ngồi nhìn mà không thốt ra lời nào vì chúng tôi sợ nỗi bất hạnh đó cũng đến với mình nếu động đậy và gây chú ý." Ngay viên thiếu tá cũng không thể nhận biết loạt đạn thứ tư trúng vào những đâu. Một viên làm bị thương người bán hàng lưu động về Kars rao bán trả góp từ điển và trò chơi gia đình (hai tiếng sau, anh ta chết vì mất máu trong bệnh viện). Một viên nữa xé toác một lỗ dưới sàn lô tư nhân mà hồi đầu thế kỷ hai mươi nhà buôn đồ da Kirkor Çizmeciyan thuộc lớp người Armenia giàu có cùng gia đình mặc kín đồ lông thú ngồi xem biểu diễn. Còn viên đạn xuyên qua con mắt xanh của Necip và viên bắn trúng giữa vầng trán rộng trong trắng của cậu, như có người hùng hồn cả quyết không giết chết Necip ngay; sau này người ta kể lại là cậu còn nhìn một lát lên sân khấu và nói: "Tôi thấy rồi!"
Ai đó đã chạy ra cửa, hét lên vì sợ hay kêu la gì đó, sau những phát súng cuối cùng cũng đờ ra vì sợ. Người quay phim của nhóm truyền hình nhảy ra nấp sau một bức tường, máy quay vừa liên tục lia phải lia trái nay đứng im. Người xem vô tuyến ở Kars chỉ thấy trên màn hình nhóm người trên sân khấu cùng hàng khán giả phía trước im lặng và kính cẩn. Tuy nhiên đại đa số dân Kars đều hiểu rằng có chuyện lạ xảy ra trong Nhà hát nhân dân khi đã nghe thấy nào gào thét, hoảng loạn và tiếng đạn. Thậm chí những người cho tới nửa đêm đã suýt ngủ gật vì buổi biểu diễn tẻ nhạt trong mười tám giây cuối cuộc xả súng cũng dán mắt vào màn hình.
Sunay Zaim đủ kinh nghiệm để chộp lấy thời cơ này. "Hỡi những người lính anh hùng, các anh đã hoàn thành nghĩa vụ của mình!" Với một động tác tao nhã, ông quay sang với Funda Eser lúc này vẫn nằm dưới sàn, cúi chào rất cường điệu và chìa tay cho bà. Funda Eser nắm lấy tay vị cứu tinh và đứng dậy.
Một công chức về hưu ở hàng ghế đầu đứng dậy vỗ tay hoan hô họ. Mấy người ở đó làm theo ông. Cả từ phía hàng ghế sau cũng có tiếng vỗ tay lẻ tẻ, không rõ vì sợ hay vì thói quen vỗ tay hùa theo người khác. Phần còn lại trong khán phòng vẫn im lặng băng giá. Tựa như ai cũng vừa tỉnh khỏi cơn say. Một vài người dần dần nở được nụ cười sau khi hạ quyết tâm sẽ yên trí coi tất cả là một phần của thế giới sân khấu, cho dù họ đã thấy những người đang hấp hối; vài người ló mặt ra khỏi xó xỉnh mà họ trốn vào đúng lúc ấy giọng Sunay Zaim làm họ giật mình:
"Đây không phải là sân khấu, mà là khởi đầu của một cuộc cách mạng!"Ông nói với giọng trách cứ. "Chúng ta sẽ làm tất cả vì tổ quốc! Hãy tin tưởng vào quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vinh quang!Lính đâu, dẫn họ đi!"
Hai người lính áp tải cặp "phản động" râu ria khỏi sân khấu.Những người lính kia lên đạn và đi xuống khán phòng, đúng lúc một người đàn ông kỳ dị từ phía sau chạy tới sân khấu, ông ta không phải lính mà cũng chẳng phải diễn viên, có thể thấy ngay qua chuyển động cập rập và hoàn toàn vụng về của ông, chẳng ăn nhập gì với sân khấu cả. Nhiều người ở Kars nhìn ông và hy vọng ông sẽ nói tất cả chỉ là một trò đùa.
"Nước cộng hòa muôn năm!" ông ta hô lớn. "Quân đội muôn năm! Dân tộc Thổ muôn năm! Atatürk muôn năm!"
Màn bắt đầu từ từ khép lại. Người đàn ông cùng Sunay Zaim tiến hai bước lên trước và đứng trước bức màn, quay xuống khán giả.Trong tay ông ta là khẩu súng lục sản xuất ở Kirikkale. Ông mặc đồ thường phục, nhưng xỏ ủng quân đội. Ông nói: "Hãy tiêu diệt bọn cuồng tín!" rồi xuống thang đi về phía khán giá. Sau lưng ông là hai người đàn ông cầm súng. Trong khi quân lính bắt giữ đám học sinh trường tôn giáo, ba người hùng dũng tiến ra cửa không thèm để mắt tới khán giả đang run sợ, vừa đi vừa thét những khẩu hiệu.
Họ tràn đầy hạnh phúc và phấn khởi. Vì sau những cuộc tranh cãi và thỏa thuận lê thê, mãi đến phút cuối cùng họ mới được quyết định cho tham gia cuộc cách mạng nhỏ ở Kars dự phần trong kịch bản. Người ta đã giới thiệu Sunay Zaim cho họ ngay trong buổi tối đầu tiên khi ông vừa tới Kars, và ông chống lại kế hoạch này cả một ngày trời, vì ông cho rằng những kẻ phiêu lưu có vũ khí vốn đã nhúng tay vào các công việc mờ ám sẽ bôi bẩn "tuyệt phẩm sân khấu" mà ông muốn đem trình diễn ở đây.
Nhưng rồi rốt cuộc ông cũng không bác nổi lý lẽ phản biện, rằng cần đến những người biết sử dụng vũ khí để đối phó với lũ hạ dân không thưởng thức nổi nghệ thuật hiện đại. Nghe nói là sau này ông rất hối hận vì quyết định ấy, lương tâm cắn rứt ông sau vụ đổ máu gây ra bởi bọn người này. Song cũng như nhiều chuyện khác, chuyện này chỉ do người ta đồn đại mà thôi.
Nhiều năm sau, tôi có đến Kars và được dẫn đi xem Nhà hát nhân dân đã bị đổ nát một nửa, nửa kia được biến thành nhà kho của đại lý công ty đồ gia da dụng Arçelik. Đích thân ông chủ công ty đưa tôi đi. Để tránh câu hỏi của tôi về sự kiện khủng khiếp tối hôm đó và những ngày tiếp theo, ông nói rằng từ khi dân Armenia còn ở Kars đã xảy ra nhiều vụ phạm tội giết người và thảm sát. Nhưng nếu tôi muốn đem lại chút ít hạnh phúc cho người dân Kars thì khi trở về Istanbul chớ có viết về các tội lỗi của quá khứ mà hãy viết về vẻ đẹp của không khí trong lành và tình nồng hậu của người dân. Giữa những hình bóng vật vờ của tủ lạnh, máy giặt và lò sưởi trong khán phòng cũ nay đã mốc meo và tối tăm, ông chỉ cho tôi xem dấu vết duy nhất còn lại từ ngày ấy: một lỗ thủng toang hoác do viên đạn gây ra dưới sàn lô của Kirkor Çizmeciyan ngày xưa.