Chương 7: Phệ Đà kinh


Nhắc đến kinh văn, có lẽ rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến bộ phim nổi tiếng Tây Du Ký, được chuyển thể từ một tác phẩm kinh điển của văn hóa Trung Hoa, với ảnh hưởng của nó thì đã lan tỏa ra toàn Đông Á.

Tây Du Ký Kể về câu chuyện nhà sư thời Đường là Đường Tam Tạng vượt bao nhiêu khó khăn kiếp nạn, mới đến được Tây Thiên thỉnh kinh cầu phật, được chiếu nhiều đến nỗi có người còn đùa rằng,
Năm nào thầy trò Đường Tăng cũng đi thỉnh kinh
.

Có điều ít người biết rằng, lịch đại Thiền tông Việt Nam cũng đã từng có cao tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh.

Với đại đa số người dân Việt Nam, Thiền tông hầu như được đồng nhất với thiền phái Trúc Lâm, và ông tổ Trúc Lâm phái – Phật Hoàng Trần Nhân Tông, đương nhiên chính là tổ sư khai sáng của Thiền tông Đại Việt. Thực ra không phải vậy, Phật Hoàng là tuyên cổ đệ nhất minh quân của Đại Việt, là Trúc Lâm khai sơn tổ sư, nhưng ngài cũng chỉ là người hợp nhất ba dòng thiền lớn của Đại Việt cuối thời Lý – đầu thời Trần.

Ba dòng thiền đó lần lượt là Vô ngôn, Diệt Hỷ và Thảo Đường, được lưu truyền từ Ấn Độ sang đã từ lâu. Nhưng chỉ đến thời Lý, khi mà xuất hiện ba vị thiền sư là Không Lộ, Giác Hải và Từ Đạo Hạnh kết bạn sang Tây Trúc bái phật cầu kinh và thành đạo trở về, thì Thiền tông ở Đại Việt mới bắt đầu phát triển rực rỡ và chính thức lên đến đỉnh cao bởi Phật Hoàng.

Qua đó có thể nói kinh văn quý giá đến nhường nào.

Gã thanh niên một tay cầm cổ đăng, hai mắt dán chặt vào ba cuốn cổ thư trên tay. Kiểu dáng của chúng hiển nhiên không phải dạng sách vở hiện nay, mà giống hệt kiểu sách cũ thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim cổ trang Trung Quốc. Giấy vàng ố cũ nát, thế nhưng vẫn chưa hề bị thời gian hủy diệt.

Tiêu đề của cả ba cuốn đều được viết bằng Hán tự cổ, giống hệt loại chữ trên chiếc thuyền giấy, điều này khiến hắn rất ngạc nhiên. Phải biết rằng kinh văn Phật môn luôn được viết bằng chữ Phạn, hơn nữa lại là kinh văn tại Đại Lôi Âm Tự, làm sao có thể được viết bằng Hán tự cổ? Lẽ nào là bản chép lại?

Hắn rất nhanh thì đè nén thắc mắc của mình xuống. Dù sao thì không phải chữ Phạn càng tốt, Hán tự cổ hắn còn có thể đọc chứ chữ Phạn thì đành chịu, như vậy thì quá uổng rồi. Nếu Thích Ca thực sự là thần phật, thì ba cuốn kinh thư này chắc chắn không tầm thường.

Tạm thời giắt ba cuốn cổ thư vào thắt lưng, gã thanh niên tiếp tục tìm kiếm trong căn cổ miếu, nhưng đến lúc này có lẽ đã không còn lại gì. Đến lúc này hắn mới tim chỗ ngồi xuống, đặt cổ đăng cạnh bên, mượn nhờ ánh sáng để xem ba cuốn cổ thư.

Một cuốn có tựa là Giới luật Phạm Võng kinh, bị mất gần một nửa, có điều nhìn cái tựa đề đã đủ khiến hắn có điểm chán ngấy. Cái gì mà giới luật chứ, không biết thiếu gia ta thích nhất là phá hay sao? Nhưng hắn vẫn không vứt đi, chỉ đặt sang một bên.

Cuốn thứ hai có tựa Quan Pháp kinh, vừa dịch được mấy dòng hắn đã quay cuồng. Bởi vì cuốn kinh thư này nói về sự diễn giải đối với vũ trụ huyền bí, đối với tự nhiên, với đạo pháp, hắn thực sự không thể hiểu nổi những gì viết trong đó. Nhưng không hiểu sao hắn lại có cảm giác rằng, cuốn kinh thư này đặc biệt quan trọng, vì thế càng không thể nào vứt đi.

Lật bộ kinh cuối cùng ra xem, với tựa đề
Phệ Đà Kinh – Khai Hải thiên
.

Phệ Đà kinh hắn đã từng nghe qua, có thể nói là gốc rễ của đạo Bà La Môn và là suối nguồn của nên văn minh Ấn Độ. Thế nhưng Bà La Môn và Phật môn không phải đã từng có với nhau giai đoạn khốc liệt hay sao? Phệ Đà Kinh tại sao lại tồn tại ở Phật môn thánh địa Đại Lôi Âm Tự? Là chiến lợi phẩm ư? Phật Tổ từ bi, sao có thể làm ra hành vi cướp đoạt?


Thiên địa có linh, vạn vật có linh, trong trời đất có muôn vàn hạt bụi, mỗi một hạt bụi đều là một thế giới. . .


Vừa mới dịch được dòng đầu tiên, hắn bắt đầu có điểm chán ngấy rồi đấy, lẽ nào lại một cuốn sách nói về tự nhiên huyền bí hay sao? Đã phải vừa dịch vừa đọc, lại còn phải nghền ngẫm mấy thứ triết lý như vậy thì chịu sao nổi?

- Ồ!

Hơi lướt xuống dòng tiếp theo, hắn lập tức bị hút mất sự chú ý.


. . .Cũng giống thân thể chúng ta, tuy không nhìn thấy bên trong có những gì , nhưng nó lại bao gồm rất nhiều "Môn", cũng nhiều như những hạt bụi trong trời đất vậy. Không ngừng tìm cách mở những cánh cửa này, ta sẽ phát hiện ra "bản ngã", đó chính là tu luyện."


Môn
? Đó là cái gì vậy? Lẽ nào là từ mà tiền nhân dùng để gọi những tế bào? Có điều không có kính hiển vi, làm sao họ có thể phát hiện ra tế bào đây? Còn nữa, mở ra các tế bào, làm sao có thể mở?

Hai mắt gã thanh niên dừng lại ở hai chữ
tu luyện
. Tu luyện, nếu trước đây nghe thấy từ này, hắn sẽ nghĩ đến mấy võ đường. Chỉ là luyện võ, chỉ là rèn luyện thể chất và tình thần, chứ đâu có liên quan đến cái gì mà mở ra các Môn, hình như hơi bị vĩ mô quá thì phải.

Hứng thú xuất hiện, hắn lại tiếp tục diễn dịch từng dòng cổ tự.


Vạn vật thế gian đều có linh, vạn linh đều có tuổi thọ, năm tháng vô tình, khắc sâu dấu vết lên vạn linh. Cướp đoạt tinh hoa thiên địa, cướp đoạt tuổi thọ, trường tồn cùng thế gian, cùng thiên địa đồng thọ, vĩnh sinh bất tử, đó là tu luyện


Lại thêm một cách diễn giải về tu luyện.

Gã thanh niên bắt đầu cảm thấy hoang đường, chu trình của sinh vật, có bắt đầu thì phải có kết thúc, thực sự có thể như thần tiên trường sinh bất tử hay sao?

Hắn chuyển ánh mắt xuống dòng cuối cùng của trang này.


Vạn vật thế gian đều có linh, việc tu luyện, chính là bắt đầu từ Linh


Hắn day day cái trán, thế này thì quá con mẹ nó trừu tượng rồi. Hắn có nghe nói trong các trường đại học có một môn học là ‘Những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin’, hay còn gọi với cái tên ngắn gọn hơn là Triết. Đó chính là nỗi ác mộng của giới sinh viên, có những thanh niên học đi học lại mười mấy lần cũng không qua nổi.

Hắn không rõ lắm môn Triết khó hiểu đến mức nào, nhưng hắn tin tưởng rằng dù môn Triết có trừu tượng gấp mười lần cũng không thể bằng được cuốn Phệ Đà Kinh này.

Tâm thần của hắn hoàn toàn vương vấn quanh chữ ‘Linh’. Hình như hắn đã bắt được chút gì đó, hắn vội vàng lật qua trang bên.


Cỏ cây mọc lên từ rễ, sông bắt đầu từ nguồn, vạn vật đều có điểm bắt đầu, đó chính là khởi nguyên, là nơi cội nguồn của sinh mệnh, chứa đựng linh lực toàn thân, được gọi là Linh Hải
.

- Linh Hải?

Hắn dừng việc dịch thuật lại, bởi thứ được gọi là khởi nguyên Linh Hải này khiến hắn liên tưởng đến Đan điền trong các pháp môn khí công.


Linh Hải, nằm trung tâm cơ thể, ngự tại điểm phân cách hoàn mỹ nhất của thân trên và thân dưới, đó chính là dưới rốn.


Gã thanh niên có phần ngạc nhiên, lập tức nhớ tới đường tỷ lệ vàng của thân thể, nó hoàn toàn khớp với vị trí mà trong sách nhắc đến. Từ bàn chân đến đỉnh đầu dùng tỷ lệ 0.618 làm đường phân cách, được gọi là đường tỷ lệ vàng của thân thể, phía dưới rốn vừa hay là vị trí này, tỷ lệ cấu tạo của thân thể như vậy là đẹp nhất.

Trên thực tế, các bộ phận thân thể có rất nhiều điểm phân cắt vàng, mà những điểm các bộ phận này đều là những chỗ rất quan trọng trên cơ thể, song so sánh với điểm phân cắt vàng lớn nhất của thân thể - dưới rốn, từ bên ngoài xem ra thì có vẻ không quan trọng bằng.

Lúc này đã biết nơi nào là Linh Hải, vị trí cội nguồn cất giữ linh lực của thân thể, lập tức trong lòng gã thanh niên lóe lên một tia sáng, điểm phân cắt vàng quan trọng nhất của cơ thể có lẽ chính là "nơi cội nguồn của linh".


Linh Hải, là sinh tử của người thường, là khởi nguyên của linh, là vị trí căn bản của cường giả.
Mở ra Linh Hải, đạp lên phách lộ, đi đến cuối đường, chắc gì đã không thể trường sinh?


Cuối trang, lại là một dòng mang tính nhấn mạnh.

Gã thanh niên hơi ngẩn ra. Đến lúc này hắn cũng đã hiểu đại khái rồi.

Cơ thể gồm vô số ‘Môn’, và Linh Hải có thể nói là đại môn quan trọng nhất, không mở được Đại môn này thì đừng mơ gì đến các môn khác.

Thế nhưng làm thế nào để mở ra Linh Hải? Cuốn kinh này không phải có tên là Khai Hải Thiên sao, chắc hẳn là hướng dẫn mở ra Linh Hải.

Tu luyện, liệu có thể trường sinh? Có thể phách thiên? Hắn không biết, chính vì không biết nên càng muốn tìm hiểu. Tò mò là thiên tính của nhân loại, nhờ vậy mới thúc đẩy sự tiến bộ liên tục của thế giới.

Thế nhưng, mới có một hai trang đầu diễn giải một vài khái niệm cơ bản đã khiến hắn vã mồ hôi, nếu là phương pháp khai linh, chẳng phải càng khó hiểu hay sao?
Lật sang trang tiếp theo, chỉ thấy có ghi:


Muốn mở ra Linh Hải, phải cảm ứng được ‘linh’. ‘Linh’ của thân thể, lih của thiên địa, linh của vạn vật. . .


Quả nhiên như hắn dự đoán, chỉ hai ba chữ thôi, hắn đã thấy không thể hiểu nổi.

Hắn nhớ lại một vài bộ truyện với một mô tuýp kinh điển, nhân vật chính vì một lý do gì đó đạt được một bộ võ học truyền thừa siêu cấp, sau một đêm bỗng trở thành một đại cao thủ. Giờ mới biết đó hoàn toàn là hoang đường, không có người chỉ dạy thì làm sao hiểu được. Mà hiểu được rồi cũng không thể trong thời gian ngắn thành tài được.

- Chẳng lẽ lại từ bỏ?

Gã thanh niên nhìn cuốn Phệ Đà kinh, linh cơ lóe lên, trong đầu chợt nảy ra một thứ, đó là cây Bồ Đề.

Không phải truyền thuyết kể rằng Thích Ca ngồi bảy ngày bảy đêm dưới gốc cây Bồ Đề, sau đó thành đạo tiến vị Phật Tổ. Nếu bây giờ hắn ngồi dưới cây Bồ đề, phải chăng cũng có thể hiểu được Phệ Đà kinh này?

Nghĩ đến đây, gã thanh niên lập tức đứng dậy, nhặt ba cuốn cổ thư cùng chiếc thanh đăng, sau đó rời khỏi cổ điện, hướng về gốc cổ thụ khô héo gần như đã chết.

Lúc này, hắn đã thoát khỏi cách thức tư duy thông thường, tạm thời tin tưởng Thần Phật thực sự tồn tại.
 
Đế Vương Các
, truyện hay main thành lập thế lực, anh em vào đọc thử.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Việt Chúa Tể.