Nhanh chóng sửa sai
-
Vượt Lên Những Chuyện Nhỏ Trong Công Việc
- Richard Carlson
- 597 chữ
- 2020-01-30 10:00:16
Dịch giả: Thục Nhi - An Bình
Nhà xuất bản Trẻ
Một điều không thể tránh khỏi là chắc chắn sẽ có lúc bạn mắc sai lầm, thậm chí là những sai lầm lớn. Có những lúc bạn phản ứng thái quá, không chịu thừa nhận điều hiển nhiên, ngắt lời người khác, nhẫm lẫn và nhiều thái độ không đúng khác nữa. Vậy nên, câu hỏi quan trọng nhất ở đây không phải là làm thế nào để tránh được lỗi lầm mà là làm thế nào để nhanh chóng sửa sai.
Chúng ta có thể biến một thất bại hoặc lỗi lầm nhỏ trở nên nghiêm trọng bằng cách đào sâu phân tích sai sót đó hoặc tỏ ra quá khắt khe với bản thân. Hoặc đôi lúc chúng ta phát ngôn tùy tiện, hay chống chế và không nhận lỗi.
Tôi nhớ lại một sự cố xảy ra cách đây vài năm. Lúc đó, tôi đã nhận về mình một thành tích mà khi nghĩ lại, tôi thấy nó không thực sự là công của tôi. Không hiểu vì sao lúc đó tôi lại hành động ngoan cố hơn bình thường. Kết quả là người có công thật sự đã cảm thấy tổn thương và tỏ ra tức giận. Sự việc càng trở nên rắc rối hơn khi một vài người khác bị cuốn vào cuộc. Tôi kể lại sự cố với một người bạn và anh đã nói:
Richard, tôi thấy cậu thật sự đã cướp công của cô ấy rồi đấy
. Suy nghĩ lại, tôi cảm thấy mình thật lố bịch và rất xấu hổ. Cuối ngày hôm đó, tôi đã gọi điện cho người đồng nghiệp và chân thành xin lỗi cô. Thật nhẹ lòng, cô đã ân cần bỏ qua. Hóa ra cô cũng chỉ muốn công sức của mình được ghi nhận và nghe một lời xin lỗi từ tôi. Nếu nhận lỗi sớm hơn, sửa sai nhanh thì tôi đã có thể tránh được những phiền toái không đáng.
Cùng với nhiều sự cố khác, tôi đã dần học được cách sửa sai nhanh hơn. Tất nhiên, vẫn có những lúc tôi phản ứng thái quá, chống chế, nói năng tùy tiện cũng như mắc nhiều sai lầm khác, nhưng điều khác biệt là tôi đã nhận ra sai sót của mình, thừa nhận chúng và nhanh chóng sửa sai. Khi một đồng nghiệp đưa ra một đề nghị hay một nhận xét thiếu thiện chí, thay vì chống đối và tỏ ra bực tức, tôi cố gắng mở lòng tiếp nhận. Và bạn biết không, trong hầu hết tình huống, tôi phát hiện ra rằng đề nghị của họ hóa ra có thể tin tưởng được. Có lẽ chìa khóa vấn đề chính là bạn hãy sẵn sàng bỏ qua những sai sót của bản thân cũng như sai sót của người khác – vì ai trong chúng ta cũng có lúc mắc lỗi. Một khi bạn nhận ra tính đúng đắn của câu châm ngôn:
Sai lầm là thường tình, tha thứ mới là siêu phàm
, bạn có thể nhanh chóng sửa chữa mọi lỗi lầm của mình và tiếp tục cuộc sống một cách thoải mái.
Khi nhanh chóng sửa sai, tôi có thể rút ra bài học kinh nghiệm từ sai lầm của chính bản thân mình cũng như của mọi người xung quanh, nhờ đó mà công việc của tôi không còn căng thẳng nhiều nữa. Nếu bạn áp dụng bí quyết này, tôi tin bạn cũng đạt được kết quả như vậy.