Hồi 55: Đông tây vĩnh cách như sâm thượng 1


Số từ: 10759
Nguồn: Sưu tầm
Dẫu cho xa cách muôn trùng,
Thân tuy hai ngả nhưng lòng không chia.

Ân Ly hát khúc hát đó rồi, sau đó lại thêm một bài khác, lần này tiếng ca hết sức ngụy bí, không giống điệu hát Trung Thổ chút nào, nghe cho kỹ thấy từ ý cũng giống như khúc hát của Tiểu Siêu:
Đến như nước chảy xuôi khe,
Đi như gió cuốn biết về nơi nao.
Cuộc đời như thể chiêm bao,
Về đâu rồi sẽ ra sao bây chừ?
(Lai như lưu thủy hề, thệ như phong.
Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung)
Nàng cứ hát đi hát lại hai câu ấy mãi, càng lúc càng nhỏ dần, đến khi tiếng hát lẫn vào tiếng sóng, tiếng gió không còn nghe thấy gì nữa. Mọi người nghĩ đến sinh tử vô thường, cõi nhân sinh như nước sông chảy mãi không hiểu từ đâu mà đến, dẫu cho anh hùng hào kiệt cũng không ai qua khỏi được cái chết, có khác gì gió mát kia chẳng biết thổi về nơi nào. Trương Vô Kỵ thấy bàn tay nhỏ nhắn của Triệu Mẫn lạnh như băng nằm trong tay mình hơi run rẩy.
Tạ Tốn bỗng nói:
- Khúc hát Ba Tư này là do Hàn phu nhân dạy cho cô ta đó, một buổi chiều hơn hai mươi năm trước, ta ở trên Quang Minh Đính đã từng nghe rồi. Ôi, đâu có ngờ Hàn phu nhân lại tuyệt tình đến thế, ra tay hạ độc thủ với con bé đến thế này.
Triệu Mẫn hỏi lại:
- Lão gia tử, Hàn phu nhân làm sao biết hát khúc hát Ba Tư, hay vốn là bài ca của Minh giáo chăng?
Tạ Tốn đáp:
- Minh giáo truyền từ Ba Tư, khúc hát Ba Tư này có uyên nguyên với Minh giáo nhưng không phải là bài ca của Minh giáo. Bài hát này là do một vị thi nhân rất nổi tiếng của Ba Tư hơn hai trăm năm trước đây tên là Nga Mặc làm, nghe nói người Ba Tư ai ai cũng biết cả. Năm xưa khi ta nghe khúc hát này thấy hay quá nên có hỏi Hàn phu nhân về lai lịch của bài ca, bà ta có kể rõ ràng đầu đuôi cho ta nghe.
Ngày đó đại triết gia của Ba Tư là Dã Mang mở trường dạy học, môn hạ có ba đệ tử kiệt xuất: Nga Mặc giỏi về văn học, Ni Nhược Mâu giỏi về chính trị còn Thôi Sơn giỏi về võ công. Ba người hợp tính nhau nên cùng thề ước nếu giàu sang sẽ không quên nhau. Về sau Ni Nhược Mâu đường mây rong ruổi được làm Thủ tướng của Giáo Vương. Hai người bạn cũ cũng tới, Ni Nhược Mâu xin với Giáo Vương phong quan chức cho Thôi Sơn. Nga Mặc không muốn làm quan, chỉ xin một món tiền bổng hàng năm để có thì giờ nghiên cứu thiên văn lịch số, uống rượu ngâm thơ. Ni Nhược Mâu mọi việc đều ưng thuận, đối xử thật hậu hĩ.
Ngờ đâu Thôi Sơn vẫn mang hùng tâm không chịu ở dưới người khác, âm mưu phản loạn. Việc y làm thất bại bèn kết tụ đồng đảng vào trong núi thành một thủ lãnh tông phái uy chấn thiên hạ, gọi là phái Y Tư Mỹ Lương chuyên ám sát giết người. Thời Thập Tự Quân, người Tây Vực khi nói đến tên Sơn Trung lão nhân Thôi Sơn, không ai là không kinh sợ. Thời đó vua các nước Tây Vực bị chết về tay các thủ hạ của Thôi Sơn không biết bao nhiêu mà kể.
Hàn phu nhân nói rằng, bên phía cực tây ngoài biển khơi có một đại quốc, tên là Anh Cách Lan, vua nước đó là Ái Đức Hoa có lỗi với Sơn Trung lão nhân bị y sai người hành thích. Quốc vương bị trúng dao tẩm thuốc độc, may nhờ vương hậu xả thân cứu chồng, hút chất độc ở vết thương ra, nhờ thế nhà vua mới thoát chết. Thôi Sơn chẳng kể gì đến ân nghĩa ngày xưa, lại sai người giết chết Thủ tướng Ba Tư là Ni Nhược Mâu. Khi sắp chết, Thủ tướng ngâm bài thơ của Nga Mặc, chính là hai câu "Đến như nước chảy hề, đi như gió, Ai biết về đâu hề, rồi ra sao?". Hàn phu nhân cũng có nói rằng về sau võ công của Sơn Trung Lão Nhân do Minh giáo học được. Ba sứ giả Ba Tư võ công quái dị lạ lùng, có lẽ học từ Sơn Trung lão nhân.[1]
Triệu Mẫn hỏi:
- Tạ lão gia, tính tình của Hàn phu nhân cũng chẳng khác gì Sơn Trung lão nhân. Ông đối xử với bà ta hết tình hết nghĩa vậy mà bà ta lại âm mưu hại ông.
Tạ Tốn thở dài:
- Ở trên đời này con người lấy oán báo đức là chuyện thật là bình thường, có gì lạ đâu?
Triệu Mẫn cúi đầu suy nghĩ một lát nói:
- Hàn phu nhân được đứng đầu tứ vương của Minh giáo, sao võ công không có gì là cao cường hơn lão gia cả. Đêm hôm qua bà ta động thủ với ba sứ giả Ba Tư, sao không thấy sử dụng Thiên Châu Vạn Độc Thủ là sao?
Tạ Tốn ngạc nhiên:
- Thiên Châu Vạn Độc Thủ? Hàn phu nhân đâu có biết sử dụng. Bà ta là một tuyệt sắc mỹ nhân, quí dung nhan còn hơn tính mạng của mình đời nào lại luyện công phu đó.
Trương Vô Kỵ, Triệu Mẫn, Chu Chỉ Nhược đều ngạc nhiên, nghĩ thầm tướng mạo Kim Hoa bà bà xấu xí, cứ như hiện nay mà nói, dù có trẻ lại ba bốn chục tuổi, cũng không thể nào gọi là "tuyệt sắc mỹ nhân". Bà ta mũi thì thấp, môi thì dày, mặt vuông bành bành, tai xòe ra đón gió, khuôn mặt đó có cách nào mà thay đổi được. Triệu Mẫn cười nói:
- Lão gia tử, tiểu nữ chẳng thấy Kim Hoa bà bà đẹp ở chỗ nào cả.
Tạ Tốn nói:
- Sao thế? Tử Sam Long Vương đẹp như tiên trên trời, hơn hai mươi năm trước là đệ nhất mỹ nhân trong võ lâm, bây giờ dù tuổi có cao, nhưng dáng dấp năm xưa hẳn cũng vẫn còn ... ôi, tiếc thay ta lại không còn nhìn được nữa.
Triệu Mẫn thấy ông ta nói hết sức trịnh trọng, xem ra bên trong có điều gì bí ẩn, bà lão lưng còng bệnh hoạn xấu xí kia, không lẽ đã có thời là đệ nhất mỹ nhân trong võ lâm, nói gì cũng không thể nào tin được liền hỏi lại:
- Tạ lão gia danh chấn giang hồ, võ công cao cường, chẳng cần phải nói đến. Bạch Mi Ưng Vương tự mình sáng lập một ngành, cùng lục đại môn phái chống trả, tranh hùng võ lâm hơn hai chục năm, Thanh Dực Bức Vương thần xuất quỉ một, hôm trước nơi chùa Vạn An dọa sẽ hủy dung mạo tiểu nữ, bây giờ nghĩ lại vẫn còn kinh hãi. Kim Hoa bà bà võ công tuy cao, mưu trí tuy sâu nhưng được đứng trên ba vị xem ra có điều bất xứng, không hiểu vì duyên cớ gì?
Tạ Tốn nói:
- Đó là Ân nhị ca, Vi tứ đệ và ta ba người tình nguyện nhường bà ta đấy chứ.
Triệu Mẫn nói:
- Vì sao thế?
Đột nhiên nàng cười lên khanh khách nói:
- Hay là vì bà ta là thiên hạ đệ nhất mỹ nhân, người anh hùng không qua nổi cửa ải người đẹp, ba vị đại hào kiệt cam tâm đứng sau bóng quần hồng?
Nàng là gái phiên bang, không chấp nê lễ mạo tôn ti, trong lòng nghĩ sao liền chẳng ngại ngùng gì mở miệng nói đùa Tạ Tốn. Tạ Tốn không nổi giận, thở dài:
- Cam tâm bái phục dưới bóng quần hồng, đâu phải chỉ có ba người thôi đâu? Khi đó dù trong hay ngoài Minh giáo, mong được lọt vào mắt xanh của nàng Đại Ỷ Ti nói là hàng trăm người cũng còn là ít.
Triệu Mẫn nói:
- Đại Ỷ Ti? Có phải đó là Hàn phu nhân không? Cái tên sao kỳ lạ vậy?
Tạ Tốn nói:
- Bà ta từ Ba Tư đến, đó là tên Ba Tư.
Trương Vô Kỵ, Triệu Mẫn và Chu Chỉ Nhược đều giật mình cùng kêu lên:
- Bà ta là người Ba Tư ư?
Tạ Tốn lạ lùng:
- Không lẽ các ngươi không nhìn ra sao? Bà ta là con lai Trung Quốc - Ba Tư, tuy con ngươi và tóc đen nhưng mắt sâu, mũi cao, da trắng như tuyết khác xa gái Trung Nguyên, thoạt nhìn là nhận ra ngay.
Triệu Mẫn nói:
- Không đâu, không đâu! Mũi bà ta thì tẹt, mắt thì hí, khác xa với gì ông mô tả. Trương công tử, chàng nghĩ có phải không?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Đúng thế! Không lẽ bà ta cũng như khổ đầu đà, cố ý hủy dung mạo mình chăng?
Tạ Tốn hỏi lại:
- Khổ đầu đà là ai thế?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Đó là Quang Minh hữu sứ của Minh giáo Phạm Dao.
Chàng liền đem chuyện Phạm Dao tự hủy dung mạo để trà trộn vào phủ Nhữ Dương Vương thuật sơ qua cho Tạ Tốn nghe. Tạ Tốn thở dài:
- Việc đó Phạm huynh làm thật là đau lòng nhưng cũng thật đơn côi, có công to với bản giáo, người thường làm sao có được. Ôi, có lẽ phần lớn cũng vì Hàn phu nhân mà ra chăng?
Triệu Mẫn nói:
- Thôi Tạ lão gia đừng nói vòng vo nữa, kể cho chúng tôi nghe từ đầu chí cuối nào.
Tạ Tốn hừ một tiếng, ngửng đầu lên trời, xuất thần hồi lâu mới chậm rãi nói:
- Hơn hai mươi năm trước đây, lúc đó Minh giáo dưới quyền thống lãnh của Dương giáo chủ, thật là hưng vượng. Hôm đó đột nhiên có ba sứ giả người Hồ từ Ba Tư đến đỉnh Quang Minh, mang theo một lá thư từ giáo chủ tổng giáo bên Ba Tư yết kiến Dương giáo chủ. Trong thư có viết là tổng giáo Ba Tư có một vị Tịnh Thiện sứ giả vốn là người gốc Trung Hoa, đã đến ở bên Ba Tư từ lâu, gia nhập Minh giáo, lập được nhiều công lao, lấy một người đàn bà Ba Tư làm vợ, sinh được một đứa con gái. Vị Tịnh Thiện sứ giả kia mới chết cách đây một năm, khi lâm chung lòng nhớ về cố quốc nên để lại di ngôn muốn con gái được trở về Trung Thổ. Giáo chủ tổng giáo tôn trọng di chí ấy nên sai người đưa con gái ông ta về Quang Minh Đính, nhờ Minh giáo Trung Thổ chăm lo chiếu cố cho. Dương giáo chủ liền bằng lòng ngay, mời cô gái đó vào.
Thiếu nữ kia vừa bước chân vào sảnh đường, lập tức căn phòng bừng sáng, thấy nàng xinh đẹp tuyệt trần không ai sánh kịp. Khi nàng uyển chuyển phục xuống vái chào Dương giáo chủ, trong sảnh đường tả hữu Quang Minh sứ giả, ba pháp vương, Ngũ Tản Nhân, Ngũ Hành Kỳ sứ không ai là không chấn động. Ba sứ giả Ba Tư hộ tống nàng ở lại Quang Minh Đính một đêm, qua hôm sau liền bái biệt, còn người con gái xinh đẹp Ba Tư Đại Ỷ Ti kia ở lại trên Quang Minh Đính.
Triệu Mẫn cười nói:
- Tạ lão gia, lúc ấy lão gia cũng mê cô gái xinh đẹp người Ba Tư kia, phải không? Đừng có xấu hổ, cứ thực thà nói cho chúng tôi nghe đi.
Tạ Tốn lắc đầu:
- Không đâu! Khi đó ta mới vừa lấy vợ, đang trong thời kỳ mặn nồng, vợ ta lại mới mang thai, ta làm gì có tình ý khác được?
Triệu Mẫn "A" lên một tiếng, cảm thấy mình hơi lỡ lời. Nàng biết vợ con Tạ Tốn đều bị Thành Côn giết hại, lúc này vô ý đề cập đến, không khỏi chạm đến vết thương lòng của ông ta, vội nói:
- Đúng thế, đúng thế! Thảo nào Hàn phu nhân có nói, năm xưa bà ta lấy Ngân Diệp tiên sinh, trên Quang Minh Đính ai ai cũng phản đối, chỉ có Dương giáo chủ và lão gia là tốt với bà ấy thôi. Chắc là phu nhân của Dương giáo chủ không những đã xinh đẹp mà cũng lại ghê gớm lắm nên đấng trượng phu mới nem nép một bề.
Tạ Tốn nói:
- Dương giáo chủ khẳng khái hào hiệp, Đại Ỷ Ti tuổi tác chỉ đáng con gái ông ta. Huống chi tổng giáo giáo chủ Ba Tư đã gửi gấm ông ta chiếu cố, Dương giáo chủ đối với cô ta hết lòng hết dạ, quyết không thể nào có ý khác được. Dương giáo chủ phu nhân là sư muội của sư phụ ta Thành Côn, là sư cô của ta. Dương giáo chủ đối với phu nhân cực kỳ yêu thương kính trọng.
Thành Côn giết toàn thể gia đình Tạ Tốn, tuy trong tâm khảm thù hận càng lúc càng sâu nhưng khi đề cập đến tên Thành Côn, ông chỉ nhắc qua đến thôi không khác gì nhắc tới một người bình thường. Triệu Mẫn nói:
- Khổ đầu đà Phạm Dao nghe nói khi còn trẻ là một thanh niên thật đẹp trai, chắc là mê nàng Đại Ỷ Ti lắm nhỉ?
Tạ Tốn gật đầu:
- - Quả đúng là yêu một khắc mà tình đà muôn kiếp, gặp một lần mà suốt đời khắc sâu trong tâm khảm. Thực ra đâu phải chỉ một mình Phạm huynh, kẻ nhìn thấy nàng Đại Ỷ Ti xinh đẹp mà không động lòng chắc chẳng bao nhiêu. Thế nhưng giáo qui Minh giáo rất nghiêm nhặt, ai ai cũng lấy lễ mà đãi, những người muốn cầu thân với Đại Ỷ Ti đều là những thanh niên chưa vợ. Ngờ đâu Đại Ỷ Ti đối với ai cũng lạnh như tiền, hoàn toàn không giả vờ chút nào, dẫu là ai nếu lộ tình ý đều bị nàng ta mắng cho một trận, khiến cho người đó thẹn không còn đất đứng không còn dám tơ tưởng gì nữa. Sư cô ta Dương phu nhân có ý tác hợp, muốn ghép nàng với Phạm Dao thành vợ chồng. Đại Ỷ Ti nhất mực cự tuyệt, nói mãi nàng liền vung kiếm thề trước mặt mọi người quyết ý không lấy chồng, nếu bị ép uổng thà chết còn hơn. Từ đó trở đi ai ai cũng nản lòng chẳng còn dám nghĩ chuyện làm quen với nàng nữa.
Qua được nửa năm, một ngày kia có một người từ đảo Linh Xà ở ngoài khơi đến, tự xưng họ Hàn, tên là Thiên Diệp, là con trai của kẻ thù Dương giáo chủ khi trước, lên Quang Minh Đính để báo cừu cho cha. Mọi người thấy gã họ Hàn kia là một thanh niên tướng mạo không có gì đặc biệt khác thường, vậy mà dáng ngang nhiên một thân một mình lên Quang Minh Đính thách đấu với Dương giáo chủ không khỏi cười ồ lên. Tuy nhiên Dương giáo chủ lại rất trịnh trọng, tiếp như khách quí, mở đại tiệc thết đãi. Sau khi ăn uống rồi ông mới nói cho tất cả các anh em nguyên do vì đâu. Thì ra năm xưa Dương giáo chủ cùng cha y hai người nói năng không hợp sinh ra động thủ, đánh một chưởng Đại Cửu Thiên Thủ khiến đối phương bị trọng thương, ngã gục xuống không đứng lên nổi. Khi đó cha y có nói là ngày sau ắt sẽ báo mối thù đó, nhưng biết võ công mình không thể nào bì kịp, nếu không sai con trai ắt sẽ sai con gái đến tầm cừu. Dương giáo chủ nói: "Bất kể dù là con trai con gái gì chăng nữa, ta cũng nhường trước ba chiêu". Người kia nói: "Không cần phải nhường chiêu, nhưng tỉ võ thế nào thì phải do con ta định đoạt". Dương giáo chủ khi đó liền bằng lòng. Việc qua đã hơn mười năm, Dương giáo chủ không còn nghĩ gì đến nữa, nào ngờ người con trai của họ Hàn hôm nay lại đến đây.
Mọi người ai cũng nghĩ rằng, kẻ hiền lành chẳng ai đến, đã đến chắc chẳng ra gì, người này dám một thân một mình lên Quang Minh Đính, ắt phải có tài nghệ kinh người. Thế nhưng võ công của Dương giáo chủ cực kỳ cao cường, có thể nói là vô địch trong thiên hạ, chỉ trừ Trương chân nhân của phái Võ Đương ra, khó mà có ai thắng được ông ta một chiêu nửa thức. Gã họ Hàn kia được bao nhiêu tuổi, dù ba người, năm người như y cùng xông lên, Dương giáo chủ cũng chẳng coi vào đâu. Chỉ đáng lo là không biết y ra đề mục khó khăn gì.
Ngày hôm sau, gã Hàn Thiên Diệp trước mặt mọi người nói rõ ước ngôn khi xưa, cốt chặn trước Dương giáo chủ, để ông không thể nuốt lời, sau đó mới đưa đề mục tỉ đấu ra. Y muốn cùng Dương giáo chủ cùng nhảy vào trong Bích Thủy Hàn Đàm trên Quang Minh Đính để so tài cao thấp.
Lời y vừa nói ra, mọi người ai nấy kinh hãi đến thất thần. Bích Thủy Hàn Đàm nước lạnh thấu xương, dẫu ngay nắng hạ cũng chẳng một ai dám xuống, huống chi lúc này lại chính giữa mùa đông? Dương giáo chủ võ công tuy cao nhưng lại không biết bơi, chỉ nhảy vào trong Bích Thủy Hàn Đàm, chẳng cần tỉ võ cũng đủ đông cóng, chết đuối ngay. Khi đó ở trong Thánh Hỏa Sảnh, quần hào ai cũng lên tiếng chửi rủa.
Trương Vô Kỵ nói:
- Chuyện đó thật là khó xử, đại trượng phu nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy. Dương giáo chủ năm xưa đã bằng lòng chấp thuận cho họ Hàn kia là phương cách tỉ võ do con y lựa chọn, vị Hàn Thiên Diệp tiền bối chọn thủy chiến, cứ theo lý thì Dương giáo chủ không thể nào từ chối được.
Triệu Mẫn đưa tay nắm lấy tay chàng, véo nhẹ một cái, mỉm cười nói:
- Đúng thế, đại trượng phu nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy. Giáo chủ Minh giáo thân phận cao quí dường nào, không lẽ nói rồi lại nuốt lời, thất tín với thiên hạ? Đã nhận lời rồi là phải làm cho xong.
Nàng nói đây là nói về Trương Vô Kỵ, nhắc lại lời thề ước giữa hai người. Tạ Tốn làm sao biết được chuyện đó, nói:
- Chính là như thế. Hôm đó Hàn Thiên Diệp lớn tiếng nói: "Tại hạ một mình lên trên đỉnh Quang Minh này, nguyên không mong sống sót mà xuống núi. Các vị anh hùng hào kiệt có thể đem tại hạ loạn đao phân thây, ngoại trừ người trong Minh giáo ra, trên giang hồ có ai biết đấy là đâu. Tại hạ chỉ là một gã vô danh tiểu tốt, có giết đi cũng chỉ một người, có gì đáng nói? Các vị muốn giết thì cứ tiến lên động thủ.
Mọi người nghe y nói thế, không ai còn dám nói thêm câu nào. Dương giáo chủ trầm ngâm một hồi rồi nói: "Hàn huynh đệ, tại hạ năm xưa quả có ước hẹn cùng lệnh tôn. Hảo hán tử phải cho quang minh lỗi lạc, vụ đấu võ này tại hạ nhận thua. Huynh đệ muốn xử trí thế nào, cũng nguyện tuân theo". Hàn Thiên Diệp lật cổ tay một cái, trong tay y đã cầm một thanh chủy thủ sáng loáng, để ngay vào tim mình nói: "Con dao găm này là di vật của tiên phụ, tại hạ chỉ xin Dương giáo chủ cúi lạy con dao này ba lạy".
Quần hùng nghe thế, không ai là không phẫn nộ, đường đường là giáo chủ Minh giáo sao lại chịu để cho người ta làm nhục đến thế? Thế nhưng Dương giáo chủ đã nhận thua rồi, cứ theo qui củ giang hồ, không thể không để cho đối phương xử trí. Tình thế trước mắt ai cũng rõ, Hàn Thiên Diệp phen này lên đây thí mạng, nhận ba lạy của Dương giáo chủ rồi, y sẽ lập tức đâm con dao vào tim để khỏi chết dưới tay quần hào Minh giáo.
Khi đó trong đại sảnh im phăng phắc không ai nói một lời. Quang Minh tả hữu sứ Tiêu Dao nhị tiên, Bạch Mi Ưng Vương Ân nhị ca, Bành Oánh Ngọc hòa thượng mọi người bình thời vốn là những kẻ túc trí đa mưu, nhưng trước nạn đề này, không có cách nào khác. Hành động đó của Hàn Thiên Diệp rõ ràng muốn bức tử Dương giáo chủ để trả mối thù năm xưa cha y bị trọng thương phải quì xuống, rồi sau sẽ tự sát.
Ngay trong lúc khẩn bách vạn phần đó, Đại Ỷ Ti đột nhiên lách khỏi đám đông tiến ra, nói với Dương giáo chủ: "Gia gia, người ta có được đứa con trai có hiếu, không lẽ cha lại không đứa con gái có lòng? Vị Hàn gia này vì cha mà báo thù, để con thay cha tiếp y vài chiêu. Chuyện đời trước để đời trước lo, chuyện đời sau để đời sau lo, không thể nào làm loạn vai vế được".
Mọi người ai nấy ngạc nhiên: "Sao nàng ta lại gọi Dương giáo chủ là gia gia?". Thế nhưng hiểu ngay nàng ta mạo xưng là con gái của giáo chủ cốt để giải tỏa cho ông khỏi cảnh nguy khốn, ai nấy nghĩ thầm: "Xem hình dáng cô ta yểu điệu thướt tha gió thổi cũng ngã thế kia, không hiểu có biết võ nghệ gì không? Nếu như có biết thì cũng không cao cường, nói gì đến chuyện nhảy vào Bích Thủy Hàn Đàm thủy chiến".
Dương giáo chủ chưa kịp trả lời, Hàn Thiên Diệp đã cười khẩy nói: "Cô nương nếu như thay cha tiếp chiêu, không có gì là không được. Thế nhưng nếu cô nương thua, tại hạ vẫn yêu cầu Dương giáo chủ cúi lạy thanh chủy thủ của tiên phụ ba cái". Y thấy nàng Đại Ỷ Ti xinh đẹp yếu đuối nên nào có coi ra gì? Đại Ỷ Ti đáp: "Nếu như tôn giá thua thì sao?". Hàn Thiên Diệp nói: "Lúc đó muốn đâm chém, muốn lăng trì gì cũng xin chịu cả". Đại Ỷ Ti nói: "Được, vậy thì mình đi ra Bích Thủy Hàn Đàm". Nói xong nàng đi trước dẫn đầu. Dương giáo chủ vội vàng xua tay nói: "Không được, việc này không liên quan gì đến con". Đại Ỷ Ti nói: "Thưa cha, cha đừng lo". Nói xong nàng nhẹ nhàng quì xuống vái lạy. Cái lễ đó hẳn là nàng nhận Dương giáo chủ làm cha nuôi.
Dương giáo chủ biết nàng đã có chủ định, ngoài việc đó ra ông không còn cách nào khác, nên đành phải để nàng lo liệu. Tất cả mọi người cùng đi ra Bích Thủy Hàn Đàm nơi phía dưới chân núi. Lúc đó gió bấc đang thổi mạnh, mới đến bên hồ đã thấy lạnh buốt, những người nội lực hơi kém đều chịu không nổi. Nước trong hồ đã kết thành một lớp băng dầy, nhìn vào chỉ thấy xanh biếc, sâu không thấy đáy.
Dương giáo chủ nghĩ không nên để cho Đại Ỷ Ti vì mình mà phải bỏ mạng, ngang nhiên nói: "Con gái ngoan! Lòng tốt của con cha ghi nhớ trong lòng, để cha ra tiếp cao chiêu của Hàn huynh". Nói xong ông cởi áo khoác ngoài, cầm một thanh đơn đao, quyết ý nhảy vào trong đầm nước, rồi sẽ không bao giờ ra nữa. Đại Ỷ Ti nở một nụ cười đáp: "Cha ơi! Con sinh trưởng lớn lên nơi bờ biển, bơi lội nào có kém ai". Nói xong rút trường kiếm ra phi thân nhảy vào trong hồ đứng trên mặt băng, giơ mũi kiếm vẽ trên mặt hồ một vòng tròn ước chừng hai thước, chân trái đạp xuống, nghe soẹt một tiếng nhỏ, đã đạp mặt băng tụt xuống, cả người chìm luôn vào trong hồ.
Khi đó trên mặt biển gió bấc lạnh ngắt thổi tới lay động quần áo mọi người, Tạ Tốn nói tiếp:
- Đứng bên bờ Bích Thủy Hàn Đàm nhìn vào, hôm nay nghĩ lại tưởng chừng như việc chỉ mới hôm qua. Đại Ỷ Ti hôm đó mặc một chiếc áo màu tím nhạt, nàng đứng trên mặt băng quả thật chẳng khác gì lăng ba tiên nữ[2], đột nhiên không một tiếng động chui tuột xuống nước, quần hào đứng ngoài không ai là không kinh ngạc. Hàn Thiên Diệp thấy thân thủ của nàng nhảy vào trong hồ, nét cuồng ngạo trên mặt lập tức biến mất, tay cầm chủy thủ cũng nhảy luôn vào.
Bích Thủy Hàn Đàm nước màu xanh lục, đứng bên trên không ai nhìn thấy tình hình hai người giao đấu ra sao, chỉ thấy mặt nước dao động không ngớt, một lúc sau, mặt nước lặng dần nhưng chỉ một lát nước lại quấy lên lần nữa. Quần hào Minh giáo ai nấy âu lo, thấy hai người xuống nước đã lâu, dưới hồ làm sao chịu nổi lâu như thế? Lại một hồi nữa, đột nhiên một luồng máu đỏ từ dưới nước nổi lên, ai nấy càng thêm lo sợ, chẳng hiểu có phải Đại Ỷ Ti bị thương chăng?
Bỗng nghe cách một tiếng, Hàn Thiên Diệp từ dưới lỗ băng nhảy vọt lên, thở hổn hển. Mọi người thấy y ra trước, ai nấy kinh hãi, cùng hỏi dồn: "Đại Ỷ Ti đâu? Đại Ỷ Ti đâu?". Chỉ thấy y hai tay không, thanh chủy thủ cắm trên ngực, hai bên má có hai đường cắt dài.
Mọi người còn đang kinh dị, Đại Ỷ Ti chẳng khác gì một con cá bay vọt lên khỏi nước, trường kiếm hộ thân, ở trên không nhẹ nhàng lượn một vòng rồi mới rơi xuống mặt băng. Quần hùng lớn tiếng reo hò, Dương giáo chủ tiến lên cầm tay nàng, cao hứng không để đâu cho hết. Có ai ngờ đâu, người con gái thiên kiều bách mị kia công phu dưới nước lại cao siêu đến thế. Đại Ỷ Ti liếc nhìn Hàn Thiên Diệp nói: "Gia gia, người này bơi lội giỏi lắm, thương cho lòng hiếu thảo vì cha báo thù của y, tội vô lễ với giáo chủ, gia gia tha cho y nhé?". Dương giáo chủ dĩ nhiên nhận lời, ra lệnh cho thần y Hồ Thanh Ngưu chữa bệnh cho Hàn Thiên Diệp.
Tối hôm đó trên Quang Minh Đính mở đại tiệc ăn mừng, ai ai cũng bảo Đại Ỷ Ti là đại công thần của Minh giáo, nếu không có nàng đứng ra giải vây, tên tuổi một đời của Dương giáo chủ đành trôi theo dòng nước. Sau đó sắp xếp chức vụ, Dương phu nhân tặng cho nàng mỹ hiệu "Tử Sam Long Vương", đứng ngang hàng cùng Ưng Vương, Sư Vương, Bức Vương. Ba người bọn ta tình nguyện nhường nàng đứng đầu tứ vương, vì quả thật công lao của Đại Ỷ Ti hôm đó, so với tam vương từ trước đến nay hơn hẳn. Từ đó ba người hộ giáo pháp vương chúng ta cùng nàng huynh muội kết nghĩa, nàng gọi ta là Tạ tam ca.
Ngờ đâu sau trận chiến ở Bích Thủy Hàn Đàm, kết cục lại không ai ngờ tới được. Hàn Thiên Diệp tuy thua nhưng không hiểu vì sao lại chiếm được trái tim của Đại Ỷ Ti. Có lẽ vì ngày ngày nàng đến xem tình hình y ra sao, nơi giường bệnh, từ thương hại mà thành thương yêu, thù hận biến sang cảm tình, đến khi Hàn Thiên Diệp khỏi hẳn, Đại Ỷ Ti đột nhiên thưa với giáo chủ cho nàng kết hôn với y.
Mọi người nghe được tin ấy, kẻ thì đau lòng thất vọng, người thì phẫn nộ bừng bừng. Gã Hàn Thiên Diệp kia trước đây bức bách giáo chủ khiến người trong Minh giáo hận y không để đâu cho hết, hộ giáo pháp vương của bản giáo sao lại lấy y được? Có người tính tình nóng nảy liền chỉ ngay mặt y mắng chửi. Đại Ỷ Ti tính tình cứng cỏi, cầm kiếm đứng ngay cửa sảnh, lớn tiếng nói: "Từ nay trở đi, Hàn Thiên Diệp là phu quân của ta. Người nào làm nhục Hàn lang thì hãy ra thử với trường kiếm của Tử Sam Long Vương". Mọi người thấy việc ra như thế, chỉ đành hậm hực bỏ đi.
Khi Đại Ỷ Ti thành hôn với Hàn Thiên Diệp, có đến quá nửa anh em không đến uống rượu mừng. Chỉ có Dương giáo chủ và ta cảm kích việc nàng đứng ra giải vây nên ra sức giúp nàng sắp đặt và giải hòa để việc cưới xin xuông xẻ, không xảy ra chuyện gì rắc rối.
Thế nhưng khi Hàn Thiên Diệp muốn gia nhập Minh giáo, vì số người chống đối quá nhiều, Dương giáo chủ không tiện làm ngược với ý của số đông. Chẳng bao lâu sau, vợ chồng Dương giáo chủ đột nhiên mất tích, người trên Quang Minh Đính ai cũng hoang mang. Mọi người đổ ra tứ phía tìm kiếm, một đêm kia Quang Minh hữu sứ Phạm Dao bắt gặp Hàn phu nhân Đại Ỷ Ti từ trong đường hầm đi ra.
Trương Vô Kỵ giật mình hỏi lại:
- Bà ta từ trong bí đạo đi ra ư?
Tạ Tốn đáp:
- Đúng thế. Giáo qui của Minh giáo cực kỳ nghiêm nhặt, đường hầm này chỉ một mình giáo chủ được phép ra vào mà thôi. Phạm Dao vừa tức giận vừa kinh hãi liền tiến lên tra vấn. Hàn phu nhân nói: "Tôi đã phạm phải trọng tội của bản giáo, muốn đâm muốn chém gì cũng đành cam chịu". Tối hôm đó đại hội quần hào, Hàn phu nhân cũng chỉ một câu đó nói ra mà thôi. Hỏi nàng đi vào trong bí đạo làm gì, nàng bảo không muốn nói láo nhưng cũng không muốn nói ra sự thực; hỏi đến Dương giáo chủ đi đâu, nàng bảo nàng không biết, còn chuyện lẻn vào đường hầm thì một mình làm, một mình chịu nói nhiều vô ích. Nếu theo lý, nếu nàng không tự vẫn thi cũng phải tự chặt một cánh tay, nhưng một là Phạm Dao tình cũ chưa quên, hết sức che chở cho nàng, hai là ta đứng bên cạnh trần tình nên quần hào nghị tội chỉ giam cấm mười năm để ăn năn sám hối. Ngờ đâu Đại Ỷ Ti cãi lại: "Dương giáo chủ không có ở đây, không ai quản thúc gì tôi được".
Trương Vô Kỵ hỏi:
- Nghĩa phụ, Hàn phu nhân lẻn vào bí đạo làm gì thế?
Tạ Tốn nói:
- Chuyện này nói ra thật là dài, trong Minh giáo chỉ một mình ta biết mà thôi. Khi đó ai cũng nghi nàng có dính líu với việc vợ chồng Dương giáo chủ thất tung nhưng ta cực lực chống chế hai việc không có gì liên hệ. Nơi Thánh Hỏa Sảnh trên Quang Minh Đính quần hào nói mãi cũng không đến đâu, sau cùng Hàn phu nhân đành phải phá môn xuất giáo, nói là từ nay về sau, không còn liên quan gì đến Minh giáo Trung Thổ nữa. Nàng ta là người đầu tiên ra khỏi Minh giáo, ngay hôm đó cùng Hàn Thiên Diệp lặng lẽ xuống núi không biết đi đâu.
Về sau trong Minh giáo các anh em tìm Dương giáo chủ không ra, qua vài năm sau tranh nhau ngôi giáo chủ, sự việc mỗi lúc một thêm bi đát. Bạch Mi Ân nhị ca cũng rời Quang Minh Đính tự sáng lập ra Thiên Ưng giáo. Ta hết sức khuyên giải, ông ta khăng khăng không nghe hai bên lại còn hục hặc. Hai mươi năm trước nơi Vương Bàn Sơn đảo, Thiên Ưng giáo dương đao lập uy, Kim Mao Sư Vương đến đây phá cho tan nát, trước là cướp lấy thanh đao Đồ Long, sau là để cho hả mối hận năm trước, cốt để cho Ân nhị ca mất mặt, cho ông ta hiểu rằng ra khỏi Minh giáo rồi chưa chắc đã đi đến đâu. Ôi, hôm nay nghĩ lại, ta không khỏi thấy mình nhỏ nhen quá!
Ông ta thở dài một tiếng, trong tiếng thở dài bao hàm không biết bao nhiêu điều đau lòng của ký vãng, bao nhiêu chuyện sóng gió trên giang hồ. Mọi người lặng yên hồi lâu không ai nói gì. Triệu Mẫn nói:
- Lão gia tử, sau này Kim Hoa, Ngân Diệp hai người uy chấn giang hồ, sao người trong Minh giáo lại không nhận ra? Ngân Diệp tiên sinh hẳn là Hàn Thiên Diệp, về sau tại sao trúng độc mà chết?
Tạ Tốn nói:
- Những chuyện bên trong đó ta hoàn toàn không biết gì cả. Có lẽ vợ chồng đó hành tẩu giang hồ hết sức tránh mặt người trong Minh giáo.
Trương Vô Kỵ nói:
- Đúng vậy. Kim Hoa bà bà sau này không muốn gặp người trong Minh giáo. Khi lục đại môn phái vây đánh Minh giáo, bà ta tuy có đến Quang Minh Đính nhưng không lên núi tiếp tay.
Triệu Mẫn ngẫm nghĩ rồi tiếp:
- Lạ là Tử Sam Long Vương dung nhan xinh đẹp tuyệt trần sao lại biến đổi trở thành xấu xí như thế? Xem ra khuôn mặt không bị hủy hoại chút nào cả.
Tạ Tốn đáp:
- Ta đoán là bà ta dùng một phương pháp gì rất khéo léo thay đổi khuôn mặt. Hàn phu nhân trước nay hành sự rất kỳ quái, thực ra cũng vì có chuyện khổ tâm không nói cho ai được. Bà ta cứ phải trốn tránh tổng giáo Ba Tư truy tầm, nào ngờ rồi sau cũng không sao thoát được.
Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn cùng hỏi:
- Sao tổng giáo Ba Tư lại đi lùng kiếm bà ta làm gì?
Tạ Tốn nói:
- Đây là chuyện đại bí mật của Hàn phu nhân, đáng lẽ không nên nói ra. Nhưng ta mong các ngươi quay lại đảo Linh Xà cứu bà ta nên không thể không nói.
Triệu Mẫn kinh hãi kêu lên:
- Mình quay lại đảo Linh Xà ư? Làm sao đánh lại ba sứ giả Ba Tư?
Tạ Tốn không trả lời chỉ bắt đầu kể lại:
- - Mấy trăm năm nay, giáo chủ Minh giáo Trung Thổ đều do đàn ông đảm nhiệm, nhưng giáo chủ tổng giáo Ba Tư lại là đàn bà, mà phải là con gái chưa chồng còn là xử nữ. Trong kinh điển của tổng giáo có qui định một cách trịnh trọng rằng phải do thánh xử nữ đảm nhiệm giáo chủ thì mới duy trì được sự trinh khiết thần thánh của Minh giáo. Mỗi một giáo chủ khi tiếp nhiệm xong đều tuyển trong số con cái của các viên chức cao cấp trong tổng giáo ba người con gái, gọi là "thánh nữ". Khi các thánh nữ này nhận chức có thề rằng sẽ du hành tứ phương, vì Minh giáo lập công tích đức. Sau khi giáo chủ từ trần các trưởng lão trong tổng giáo sẽ tập họp, suy xét công lao trong ba người thánh nữ ai cao ai thấp, rồi sẽ chọn người công đức cao nhất lên tiếp nhiệm giáo chủ. Nếu trong ba thánh nữ kia ai bị mất trinh thì sẽ bị tội thiêu sống, dẫu cho trốn đến chân trời góc bể họ cũng sai người đuổi theo bắt cho kỳ được để bảo tồn trinh thiện của thánh giáo ...
Ông vừa kể tới đây, Triệu Mẫn thất thanh kêu lên:
- Không lẽ Hàn phu nhân là một trong ba thánh nữ của tổng giáo chăng?
Tạ Tốn gật đầu:
- Chính thế! Trước khi Phạm Dao phát hiện bà ta lén vào bí đạo, thì ta đã bắt gặp rồi. Hàn phu nhân coi ta là tri kỷ nên đem tất cả mọi chuyện nói cho ta nghe. Khi nàng đấu với Hàn Thiên Diệp trong Bích Thủy Hàn Đàm, hai người thịt da đụng chạm, sau lại an ủi nhau trên giường bệnh để thành mối tình oan nghiệt. Nàng biết là sẽ có ngày tổng giáo sai người sang kiếm nên chỉ mong lập được đại công chuộc tội. Bà ta lén vào bí đạo, cốt là tìm kiếm "Càn Khôn Đại Na Di" võ công tâm pháp, tâm pháp này tổng giáo thất lạc đã lâu, nhưng Minh giáo bên Trung Thổ vẫn còn giữ được. Tổng giáo sai nàng lên Quang Minh Đính chính là vì lẽ đó.
Trương Vô Kỵ "A" lên một tiếng, dường như chàng thấy có điều gì mù mờ không ổn, nhưng là chuyện gì, ngay lúc này chưa nghĩ ra. Chỉ nghe Tạ Tốn nói tiếp:
- Hàn phu nhân mấy lần lẻn vào bí đạo, nhưng vẫn không tìm thấy võ công tâm pháp đó. Khi ta biết chuyện rồi liền nghiêm nghị răn đe là việc đó phạm phải đại qui của Minh giáo, khó có thể khoan dung ...
Triệu Mẫn xen vào:
- A, tôi hiểu rồi. Hàn phu nhân phá môn xuất giáo cốt để có thể tiếp tục lẻn vào đường hầm vì bà ta không còn là người trong Minh giáo Trung Thổ nữa, không bị ước thúc bởi qui luật vào ra bí đạo.
Tạ Tốn nói:
- Triệu cô nương thông minh thật. Thế nhưng Quang Minh Đính là cơ sở trọng địa của bản giáo, đâu thể để người ngoài ra vào tùy ý? Lúc đó ta đã đoán được dụng ý của bà ta rồi nên sau khi Hàn phu nhân hạ sơn, ta đích thân canh giữ cửa đường hầm, ba lần nàng lén lên núi lần nào cũng gặp ta nên không dám tiếp tục nữa.
Tạ Tốn suy nghĩ một hồi rồi hỏi:
- Phục sắc của ba sứ giả Ba Tư có khác gì với Minh giáo Trung Thổ chăng?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Bọn họ đều mặc áo bào trắng, bên góc áo có thêu một ngọn lửa đang cháy ... Ồ, áo bào có riềm màu đen, cái đó là điểm khác biệt duy nhất.
Tạ Tốn vỗ vào mạn thuyền nói:
- Đúng rồi, tổng giáo giáo chủ qua đời. Người Tây Vực dùng màu đen là màu tang, áo bào trắng thêu viền đen là để tang đó. Bọn họ đang tuyển lập tân giáo chủ nên mới đường xa vạn dặm tới Trung Thổ, truy tìm Hàn phu nhân.
Trương Vô Kỵ nói:
- Hàn phu nhân nếu từ Ba Tư đến ắt phải biết võ công quái dị của ba sứ giả, sao lại chỉ mới một chiêu đã bị bọn họ bắt rồi?
Triệu Mẫn cười nói:
- Sao anh ngốc thế. Hàn phu nhân giả vờ đó, bà ta muốn che dấu thân phận mình nên không để lộ ra là mình biết võ công Ba Tư, theo như em nghĩ, nếu như Tạ lão gia tử nghe lệnh ba sứ giả giết bà ta, Hàn phu nhân thể nào cũng có cách thoát thân.
Tạ Tốn lắc đầu:
- Bà ta không chịu để lộ thân phận thì đúng rồi. Thế nhưng sau khi bị ba sứ giả Ba Tư đánh trúng huyệt đạo vẫn còn có thể thoát thân thì chưa chắc. Hàn phu nhân thà để ta một đao chém chết còn hơn chịu cái khổ hỏa thiêu.
Triệu Mẫn nói:
- Tiểu nữ tưởng Minh giáo Trung Thổ đã là tà giáo, ai ngờ Minh giáo Ba Tư lại còn tà hơn. Sao lại cứ phải gái còn trinh mới làm giáo chủ được? Sao lại đem thánh nữ thất trinh ra thiêu sống là sao?
Tạ Tốn gắt lên:
- Tiểu cô nương chỉ nói lăng nhăng. Giáo phái nào cũng có qui luật nghi điển truyền từ đời này sang đời khác. Hòa thượng ni cô không được lấy vợ lấy chồng, không được ăn mặn thì chẳng phải qui luật là gì? Thế cái đó tà hay không tà?
Đột nhiên nghe tiếng răng Ân Ly lách cách đập vào nhau, người run cầm cập. Trương Vô Kỵ vội vàng sờ đầu cô ta thấy nóng hầm hập, rõ ràng là đang bị hàn nhiệt giao công, bệnh tình cực kỳ nguy ngập. Chàng liền nói:
- Nghĩa phụ, hài nhi nghĩ mình chắc phải quay trở lại đảo Linh Xà. Ân cô nương thương thế không phải nhẹ, phải tìm thuốc cứu chữa ngay. Thôi mình cứ hết sức mà làm, nếu không cứu được Hàn phu nhân thì cũng cứu được Ân cô nương.
Tạ Tốn nói:
- Đúng vậy. Cô gái này đối với con tình sâu ý nặng lẽ nào lại không cứu? Chu cô nương, Triệu cô nương, hai cô ý ra sao?
Triệu Mẫn đáp:
- Thương thế của Ân cô nương quan trọng hơn, còn vết thương của tôi không lấy gì làm nặng. Nhưng nếu không trở lại Linh Xà đảo thì làm cách nào khác được?
Chu Chỉ Nhược chỉ thản nhiên nói:
- Lão gia tử bảo quay lại thì tất cả cùng quay lại.
Trương Vô Kỵ nói:
- Chờ cho sương mù tan hết, nhìn thấy trăng sao mới có thể biết phương hướng được. Nghĩa phụ, gã Lưu Vân Sứ kia lộn hai vòng trên không là có thể dùng thánh hỏa lệnh đả thương con, thế là duyên cớ vì đâu?
Sau đó hai người cùng nghiên cứu võ công gia số của ba sứ giả Ba Tư, sở học của Triệu Mẫn rất rộng rãi, thỉnh thoảng cũng góp ý vào nhưng bàn luận một hồi lâu vẫn không tìm ra được yếu chỉ của công phu ba người kia liên thủ ra sao.
Sương mù trên biển mãi đến khi mặt trời mọc mới tan dần. Trương Vô Kỵ nói:
- Mình từ phương bắc trôi xuống phương đông nam, bây giờ đi ngược lên tây bắc mà tìm.
Chàng cùng Tạ Tốn, Chu Chỉ Nhược, Tiểu Siêu bốn người luân lưu chèo thuyền. Điều khiển chiếc thuyền nhỏ xông pha các đợt sóng trên biển cả thực không phải dễ dàng, may nhờ Trương Vô Kỵ và Tạ Tốn nội lực thâm hâu, còn Chu Chỉ Nhược và Tiểu Siêu cũng ngang ngửa nhau, chèo thuyền cũng chẳng khác gì đang luyện võ công.
Chèo như thế mấy ngày liền, chiếc thuyền nhỏ cứ theo hướng tây bắc mà tiến. Cũng trong mấy ngày đó, Tạ Tốn nhíu mày suy nghĩ võ công quái dị của ba sứ giả Ba Tư, ngoài việc hỏi lại Trương Vô Kỵ vài câu, không nói thêm một lời nào. Đến chiều ngày thứ sáu, bỗng nhiên Tạ Tốn tra hỏi thật kỹ công phu phái Nga Mi mà Chu Chỉ Nhược học được, Chu Chỉ Nhược cứ sự thực trình bày. Hai người một hỏi một đáp, nói chuyện đến tận khuya. Tạ Tốn xem ra thất vọng nói:
- Võ công của cả ba phái Thiếu Lâm, Võ Đương, Nga Mi đều có quan hệ với Cửu Dương Chân Kinh, cùng một đường với Trương Vô Kỵ thuộc lộ dương cương. Nếu như có Trương Tam Phong chân nhân ở đây, với sở học vừa dương cương vừa âm nhu bao gồm của ông ta liên thủ với Trương Vô Kỵ, thì mới có thể âm dương phối hợp, đánh bại được Ba Tư tam sứ. Thế nhưng nước xa không cứu được lửa gần, Hàn phu nhân nếu như lọt vào tay của ba sứ giả Ba Tư thì thật không biết sao đây?
Chu Chỉ Nhược đột nhiên hỏi:
- Lão gia tử, nghe nói một trăm năm trước trong võ lâm có vị cao nhân tinh thông Cửu Âm Chân Kinh, có thực như thế chăng?
Khi còn ở trên núi Võ Đương, Trương Vô Kỵ đã từng nghe thái sư phụ nói tới tên Cửu Âm Chân Kinh, biết rằng cha của sáng phái tổ sư phái Nga Mi Quách Tương là đại hiệp Quách Tĩnh, Thần Điêu đại hiệp Dương Quá đều học được võ công trong Cửu Âm Chân Kinh nhưng công phu tập luyện quá ư gian nan, Quách Tương dẫu là con ruột của Quách Tĩnh mà cũng không học được. Nay nghe Chu Chỉ Nhược hỏi đến, chàng nghĩ thầm: "Không lẽ sáng phái tổ sư của phái Nga Mi có truyền lại công phu trong Cửu Âm Chân Kinh chăng?".
Tạ Tốn nói:
- Các bậc cố lão có truyền lại như thế nhưng không một ai biết thật giả ra sao. Nếu như hiện nay có ai học được những tài nghệ thần kỳ của môn võ công đó, liên thủ với Trương Vô Kỵ đối phó với địch thì chỉ ra tay là trừ được Ba Tư tam sứ giả ngay.
Chu Chỉ Nhược "Ồ" lên một tiếng nhưng không hỏi thêm nữa. Triệu Mẫn hỏi:
- Chu cô nương, phái Nga Mi có ai biết những võ công ấy chăng?
Chu Chỉ Nhược đáp:
- Nếu phái Nga Mi có được thần công đó, tiên sư đã không táng mạng tại chùa Vạn An.
Diệt Tuyệt sư thái sở dĩ lìa trần, đầu dây mối nhợ cũng do Triệu Mẫn, Chu Chỉ Nhược hết sức căm ghét nàng, bao nhiêu ngày mưa gió ngồi chung trên một con thuyền nhưng không hề trao đổi với nhau một câu nào. Lúc này Triệu Mẫn hỏi ngay Chu Chỉ Nhược nên nàng liền nói móc lại một câu. Chu Chỉ Nhược tính tình dịu dàng, trước nay chưa từng nói với ai một câu đốp chát như thế bao giờ, Triệu Mẫn nghe nhưng không nổi giận, chỉ mỉm cười.
Trương Vô Kỵ vẫn không ngừng chèo thuyền đột nhiên nhìn về phía xa xa kêu lên:
- Xem kìa, xem kìa. Đằng kia có ánh lửa.
Mọi người nhìn theo hướng mắt chàng, quả nhiên tại hướng tây bắc nơi chân trời giáp biển có ánh lửa lấp lánh. Tạ Tốn tuy không nhìn thấy gì, nhưng tâm trạng cũng vừa mừng vừa lo như những người khác, vội cầm chiếc mái chèo cố sức bơi.
Ánh lửa kia trông thì không xa, thực ra trên biển khơi, phải cách đến mấy chục dặm. Hai người chèo một hồi lâu mới tới gần được một chút. Trương Vô Kỵ thấy nơi ánh lửa có những ngọn núi mờ mờ, chính là đảo Linh Xà liền nói:
- Mình về đến nơi rồi.
Tạ Tốn bỗng thảng thốt kêu lên "Ối chà" một tiếng, hỏi:
- Có phải ở đảo Linh Xà lửa bốc lên cao chăng? Không lẽ bọn họ đang định thiêu sống Hàn phu nhân?
Chỉ nghe lịch bịch mấy tiếng, Tiểu Siêu đã ngã lăn ra sàn thuyền. Trương Vô Kỵ giật mình kinh hãi vội nhảy tới đỡ nàng dậy, thấy cô gái hai mắt nhắm nghiền bất tỉnh, vội xoa bóp huyệt đạo nơi nhân trung để cứu nàng dậy, hỏi:
- Tiểu Siêu, cô sao thế?
Tiểu Siêu hai mắt rưng rưng, nói:
- Em nghe nói thiêu sống người, nên em ... em ... sợ quá.
Trương Vô Kỵ an ủi cô ta:
- Cái đó chỉ là Tạ lão gia đoán thế thôi, chưa chắc đã là sự thật. Nếu ví phỏng như Hàn phu nhân lạc vào tay bọn chúng, chúng mình bây giờ đến nơi, chắc cũng còn có thể cứu kịp.
Tiểu Siêu nắm lấy tay chàng, cầu khẩn:
- Công tử, em cầu xin công tử ra tay cứu mạng cho Hàn phu nhân.
Trương Vô Kỵ nói:
- Tất cả chúng mình sẽ hết sức để làm chuyện đó.
Nói rồi chàng quay lại đuôi thuyền, cầm mái giầm lên ra sức chèo, so với lúc trước nhanh hơn nhiều. Tiểu Siêu cũng cầm mái chèo tuy tay run run nhưng cũng cố gắng chèo tiếp. Triệu Mẫn đột nhiên hỏi:
- Trương công tử, có hai việc em nghĩ đã lâu nhưng vẫn chưa hiểu rõ, mong chàng chỉ giáo.
Trương Vô Kỵ tự nhiên thấy nàng ăn nói có vẻ khách sáo như thế, lạ lùng hỏi:
- Chuyện gì thế?
Triệu Mẫn nói:
- Hôm trước bên ngoài Lục Liễu Trang, tiểu muội sai người tấn công lệnh ngoại công, Dương tả sứ các vị, chính Tiểu Siêu cô nương này đã điều động nhân mã chống trả. Quả thật đúng là tướng đã mạnh ắt quân chẳng yếu, một tiểu a đầu của giáo chủ Minh giáo mà cũng đã tài ba đến thế, quả thật lạ kỳ ...
Tạ Tốn vội vàng xen vào:
- Cái gì mà giáo chủ Minh giáo?
Triệu Mẫn cười nói:
- Lão gia tử, bây giờ nói ra cho ông biết cũng vừa, công tử con nuôi của lão gia chính là đường đường giáo chủ Minh giáo, ông ngược lại là thuộc hạ của anh ta đó.
Tạ Tốn bán tín bán nghi, không biết nói sao cho phải. Triệu Mẫn liền đem việc Trương Vô Kỵ làm sao đảm nhận chức vụ giáo chủ Minh giáo thuật sơ qua, nhưng nhiều chi tiết nàng không biết. Trương Vô Kỵ bị Tạ Tốn hỏi gặng, không cách gì dấu diếm được nữa, đành phải kể lại lục đại phái vây đánh Quang Minh Đính ra sao, mình làm sao ở trong bí đạo học được Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp thế nào. Tạ Tốn mừng quá, đứng phắt dậy, phục xuống lạy ngay trên thuyền nói:
- Thuộc hạ Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, tham kiến giáo chủ.
Trương Vô Kỵ vội vàng quì xuống hoàn lễ nói:
- Nghĩa phụ bất tất đa lễ. Dương giáo chủ có di mệnh để nghĩa phụ tạm nhiếp chức vụ giáo chủ, hài nhi đang lo không đảm trách nổi việc lớn, may sao nghĩa phụ yên lành trở về, đúng là phúc của bản giáo. Sau khi mình về đến Trung Thổ rồi, chức vị giáo chủ xin nghĩa phụ tiếp nhiệm cho.
Tạ Tốn thản nhiên nói:
- Cha nuôi con tuy đã trở về nhưng hai mắt đã mù, hai chữ "yên lành" không còn đúng nữa. Thủ lãnh của Minh giáo làm sao có thể do người mắt kém đảm nhiệm? Triệu cô nương, trong lòng cô có hai chuyện gì chưa rõ ràng?
Triệu Mẫn nói:
- Tiểu nữ định hỏi Tiểu Siêu cô nương, kỳ môn bát quái, âm dương ngũ hành do ai dạy cô đó? Cô còn nhỏ như thế làm sao lại học được những công phu lạ lùng vậy?
Tiểu Siêu đáp:
- Đó là võ công gia truyền của tôi, không bõ quận chúa nương nương cười cho.
Triệu Mẫn lại hỏi:
- Lệnh tôn là ai? Con gái đã thế, cha mẹ ắt phải là cao thủ tiếng tăm vang dậy thiên hạ.
Tiểu Siêu đáp:
- Gia phụ mai danh ẩn tính, đâu đáng để quận chúa phải hỏi? Không lẽ quận chúa lại định chặt hai ngón tay tôi để ép cho tôi phải lộ võ công ra hay sao?
Nàng tuổi còn nhỏ thế nhưng đối với Triệu Mẫn không chịu kém câu nào, nói đến chuyện chặt ngón tay, ý muốn khơi dậy mối thù của Chu Chỉ Nhược. Triệu Mẫn mỉm cười, quay sang hỏi với Trương Vô Kỵ:
- Trương công tử, tối hôm đó tại quán rượu nơi Đại Đô lần thứ hai mình gặp nhau, khổ đầu đà Phạm Dao đến chào từ biệt tiểu muội, khi y gặp Tiểu Siêu cô nương, có nói hai câu gì?
Trương Vô Kỵ vốn đã quên chuyện đó rồi, nghe nàng hỏi tới, nghĩ lại bèn nói:
- Khổ đại sư hình như nói là tướng mạo Tiểu Siêu giống một người nào mà ông ta quen.
Triệu Mẫn nói:
- Đúng thế. Anh thử đoán xem khổ đại sư nói Tiểu Siêu giống ai?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Tôi làm sao đoán được?
Hai người còn đang nói chuyện, chiếc thuyền đã đến gần đảo Linh Xà, thấy bên phía tây hòn đảo một dãy thuyền lớn, trên mỗi chiếc buồm trắng đều có thêu một ngọn lửa đỏ lớn, trên các cột buồm treo những giải vải màu đen. Trương Vô Kỵ nhíu mày nói:
- Tổng giáo Ba Tư quả thực mất công, đưa người sang đây không phải là ít.
Triệu Mẫn nói:
- Mình chèo thuyền ra phía sau đảo, kiếm một nơi kín đáo nào lên đảo để khỏi bị bọn họ phát giác.
Trương Vô Kỵ gật đầu:
- Đúng thế.
Thế nhưng chỉ mới bơi được ba bốn trượng, đột nhiên trên đại thuyền có tiếng tù và u u, tiếp theo là bình bình hai tiếng, hai quả đạn đại bác bắn ra, một viên rơi ở bên trái chiếc thuyền con, còn viên kia rơi ở bên phải làm tung lên hai cột nước khiến cho chiếc thuyền chòng chành dường như muốn lật. Trên thuyền lớn có người kêu to:
- Thuyền kia mau chèo lại đây, nếu không nghe lệnh sẽ bị bắn chìm ngay.
Trương Vô Kỵ trong bụng kêu khổ thầm, biết rằng hai phát đạn kia địch chỉ mới thị uy, cố ý bắn sang hai bên, bây giờ hai bên gần nhau như thế, địch nhân điều chỉnh thật dễ dàng, chỉ cần một viên đạn trúng thuyền thì cả sáu người không ai có thể sống sót. Thành thử chàng đành chầm chậm bơi thuyền tới. Ba khẩu đại pháo trên thuyền lớn cũng chầm chậm quay đầu nhắm đúng vào thuyền nhỏ. Đợi đến khi thuyền nhỏ đã tới sát, người trên thuyền lớn liền thả thang dây. Trương Vô Kỵ nói:
- Bọn mình lên trên tùy cơ đoạt thuyền.
Tạ Tốn mò thấy thang dây leo lên trước nhất. Chu Chỉ Nhược không nói lời nào, cúi xuống ôm Ân Ly, leo lên, kế đó là Tiểu Siêu. Trương Vô Kỵ ôm Triệu Mẫn, leo lên sau cùng. Chỉ thấy trên thuyền rất đông người người nào cũng tóc vàng mắt biếc, thân thể cao lớn đều là người Hồ xứ Ba Tư nhưng bọn sứ giả Vân Phong Nguyệt ba người không có trong số đó.
Một người Ba Tư biết nói tiếng Trung Quốc liền hỏi:
- Các người là ai? Đến đây làm gì?
Triệu Mẫn nói:
- Chúng tôi đi thuyền bị bão, thuyền chìm nhờ các vị cứu cho.
Gã Ba Tư nửa tin nửa ngờ, quay lại nói với một người thủ lãnh ngồi trên ghế ngay chính giữa sàn thuyền vài câu tiếng Ba Tư. Người thũ lãnh đó liền nói xí xố mấy câu với đám thủ hạ.
Tiểu Siêu đột nhiên nhảy tới, giơ chưởng đánh luôn vào tên thủ lãnh. Người đó kinh hãi vội vàng tránh qua, chộp luôn cái ghế đang ngồi đập luôn vào Tiểu Siêu. Trương Vô Kỵ không ngờ Tiểu Siêu chẳng nói chẳng rằng ra tay động thủ ngay, lạng người một cái đã vọt lên ba trượng giơ tay điểm luôn huyệt đạo gã thủ lãnh, mấy chục người Ba Tư trên thuyền liền loạn cả lên, hò hét rút binh khí ra vây cả bọn lại. Những người này ai cũng biết võ công nhưng so với ba sứ giả Phong Vân Nguyệt thì kém xa. Trương Vô Kỵ tay trái đỡ Ân Ly, tay phải đông điểm một cái tây đánh một chưởng. Tạ Tốn cũng múa thanh đao Đồ Long, Chu Chỉ Nhược huy động trường kiếm, thêm vào Tiểu Siêu thân hình linh động, chỉ trong giây lát, đã thanh toán hết mấy chục người Ba Tư trên thuyền. Hơn một chục người bị chém nằm lăn trên sàn thuyền, bảy tám người rớt xuống biển, còn lại bao nhiêu đều bị điểm huyệt cả.
Ngay lúc đó trên biển có tiếng kêu la rầm rĩ, tiếng tù và vang động khắp nơi, các thuyền còn lại của người Ba Tư đều tiến tới, những người trên thuyền toan nhảy qua đấu với bọn Trương Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ xách gã thủ lãnh Ba Tư nhảy lên đà treo buồm, lớn tiếng nói:
- Kẻ nào lên thuyền là ta đánh chết gã này ngay.
Chỉ thấy thuyền chung quanh tiếng người bàn tán xôn xao, tuy câu nói của Trương Vô Kỵ họ nghe không hiểu gì cả nhưng không một ai dám nhảy lên thuyền, hẳn là người bị bắt kia hẳn có địa vị khá cao, đối phương e ngại nên chưa dám tấn công sang.
Trương Vô Kỵ nhảy trở xuống, đang định thả gã thủ lãnh ra bỗng nghe đằng sau keng một tiếng, vội vàng tránh qua, đá ngược trở lại, thấy trước mặt một thanh thánh hỏa lệnh đánh tới, bên trái lại một thanh khác quét ngang. Trương Vô Kỵ kêu khổ thầm, không ngờ Phong Vân tam sứ lại nhanh như thế, kêu lên:
- Tất cả lui vào trong khoang thuyền.
Chàng liền giơ gã thủ lãnh lên đỡ một thanh lệnh bài, Huy Nguyệt Sứ vội vàng rút về nhưng vì quá vội vã nên hạ bàn để hở, Trương Vô Kỵ chân liền quét qua, đá trúng ngay đùi cô ta. Lưu Vân, Diệu Phong hai sứ giả ở hai bên liền xông vào khiến cho cú đá của Trương Vô Kỵ chưa hết chân đã phải thu lại. Hai bên đánh được tám chín chiêu, thánh hỏa lệnh của Diệu Phong Sứ đánh xéo từ dưới lên, chiêu số hết sức quái dị, suýt nữa đánh trúng bụng Trương Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ vội hạ gã thủ lãnh Ba Tư xuống, chiêu của Diệu Phong Sứ thật là cổ quái, nhưng bàn tay Trương Vô Kỵ hạ xuống thật khéo léo, nghe bạch một tiếng, thánh hỏa lệnh liền đập ngay mặt viên thủ lãnh Ba Tư. Phong Vân tam sứ kinh hoàng kêu lên, mặt mày biến sắc, cùng nhảy vọt về sau, trao đổi mấy câu tiếng Ba Tư, đột nhiên cúi chào viên thủ lãnh trong tay Trương Vô Kỵ, thần sắc hết sức cung kính rồi quay trở về thuyền.
Chỉ thấy tiếng loa chỗ này kêu lên u u, chỗ kia kêu lên u u, một chiếc thuyền lớn từ từ tiến đến, trên mũi thuyền cắm mười hai lá cờ lớn thêu bằng chỉ vàng. Đầu thuyền có để mười hai chiếc ghế bành lót da hổ, trong đó một chiếc để trống, còn mười một chiếc kia có người ngồi. Chiếc thuyền đó đến gần lập tức ngừng lại. Triệu Mẫn thấy chiếc ghế bành da hổ bỏ trống kia đứng hàng thứ sáu, trong bụng nghĩ ngay ra liền nói:
- Người mà mình bắt được ăn mặc giống như những người đang ngồi trên thuyền kia, xem ra là một trong mười hai đại thủ lãnh của họ, vị trí đứng hàng thứ sáu.
Tạ Tốn nói:
- Mười hai đại thủ lãnh? Ồ, thì ra mười hai Bảo Thụ Vương của tổng giáo đều đến Trung Thổ quả thật vô cùng quan trọng.
Triệu Mẫn hỏi lại:
- Mười hai Bảo Thụ Vương là gì thế?
Tạ Tốn đáp:
- Trong tổng giáo Ba Tư, dưới giáo chủ có mười hai đại kinh sư [3] gọi là Thập Nhị Bảo Thụ Vương, thân phận địa vị tương đương với tứ đại pháp vương của Minh giáo Trung Thổ. Mười hai Bảo Thụ Vương này thứ nhất Đại Thánh, thứ hai Trí Tuệ, thứ ba Thường Thắng, thứ tư Chưởng Hỏa, thứ năm Cần Tu, thứ sáu Bình Đẳng, thứ bảy Tín Tâm, thứ tám Trấn Ác, thứ chín Chính Trực, thứ mười Công Đức, mười một Tề Tâm, mười hai Câu Minh. Mười hai Bảo Thụ Vương này lấy việc tinh thông giáo nghĩa, kinh điển làm chính nhưng không hẳn võ công đã cao cường. Người này đứng hàng thứ sáu vậy là Bình Đẳng Bảo Thụ Vương.
Trương Vô Kỵ ngồi xuống bên cột buồm, để Bình Đẳng Vương nằm ngang trên đầu gối, người này vị trí trong tổng giáo Ba Tư cực cao, cả bọn sống chết thoát hiểm hay không đều do ở ông ta. Chàng cúi xuống thấy má bên trái ông ta sưng vù, cũng may vết thương không phải là chí mệnh. Có lẽ Diệu Phong Sứ một lệnh bài đánh ra, thấy không xong nên vội thu lực về, hoặc giả nội công người này cũng tương đương nên có kình lực đề ngự.
Chu Chỉ Nhược và Tiểu Siêu gom những người Ba Tư trên sàn lại, những người nào chết rồi thì kéo vào khoang sau, còn ai chưa chết thì để thành một hàng. Chỉ thấy khoảng hơn một chục thuyền Ba Tư vây chung quanh, các khẩu đại pháo đều chĩa vào thuyền Trương Vô Kỵ đang ngồi, trên các mạn thuyền đều đầy người Ba Tư, dưới ánh lửa đao kiếm lấp loáng, đông nghẹt không biết là bao nhiêu. Trương Vô Kỵ kinh hãi thầm, không nói gì các khẩu đại pháo bắn tới, chỉ cần những người này cùng xông vào, dẫu chàng có ba đầu sáu tay cũng không cách gì chống trả, dù có tuyệt đính võ công thoát thân được thì cũng không thể nào bảo vệ chu toàn những người còn lại. Ân Ly và Triệu Mẫn hai người bị thương nguy hiểm hơn hết.
Chỉ nghe một người Ba Tư cao giọng nói bằng tiếng Trung Quốc:
- Kim Mao Sư Vương nghe đây: Tất cả mười hai Bảo Thụ Vương của tổng giáo đều có mặt ở đây cả. Ngươi đắc tội với tổng giáo, các Bảo Thụ Vương đều đồng ý tha cho, mau mau thả các giáo hữu tổng giáo về rồi dong thuyền đi ngay.
Tạ Tốn cười đáp:
- Tạ mỗ đâu phải là đứa trẻ lên ba, bọn ta vừa thả những tù binh này về, đại pháo trên thuyền các ngươi liền bắn vào thì sao?
Người kia giận dữ nói:
- Nếu các ngươi không thả liệu đại pháo chúng ta không bắn được ư?
Tạ Tốn trầm ngâm một hồi nói:
- Ta có ba điều kiện, nếu bên quí vị bằng lòng, chúng ta sẽ cung kính giao trả các giáo hữu tổng giáo lên bờ.
Người kia hỏi:
- Điều kiện gì?
Tạ Tốn đáp:
- Từ nay tổng giáo và Minh giáo Trung Thổ phải tương thân tương kính, không bên nào xâm phạm bên nào.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Ỷ Thiên Đồ Long Ký.