• 1,743

III - Chương 3


Số từ: 2364
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Lúc đó tôi chưa biết chuyện, nhưng khi tôi gửi Monica về Vwarda - mà phải sau năm ngày vòng tới Nam Phi cùng tay cầu thủ bóng đá cô mới đến nơi - cô đang trên đường quay về vòng tay chăm sóc của cha vào đúng thời điểm người đàn ông đáng thương đó phải đối diện với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Khi cuộc Nổi loạn tháng Ba bùng nổ khắp Vwarda, nó đã mang một nỗi sợ hãi thật sự vào tận sâu thẳm trái tim những người châu Âu đang ấp ủ bao hy vọng lớn lao cho nước cộng hòa mới.
Đọc trong một tờ báo Geneva tin tức về các cuộc nổi loạn, tôi cứ day dứt không yên về mối lo ngại của các sếp, những người đã đầu tư bảy mươi hai triệu đô la vào đập nước Vwarda và giờ thì chứng kiến số tiền ấy đang bốc hơi do hậu quả của chém giết. Từ những tin tức tôi thu thập được qua tờ London Times và các bản báo cáo ngoại giao mà bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho chúng tôi xem, rõ ràng Nổi loạn tháng Ba đã đáo hạn từ lâu và bùng nổ đơn giản chỉ vì người da đen đã chán chờ đợi rồi.
Đến thời điểm này Vwarda đã là quốc gia có chủ quyền được mười một năm. Họ có một tổng thống da đen, một nội các da đen và chủ tịch ngân hàng quốc gia cũng người da đen nốt, nhưng ai cũng có thể nhận thấy những công việc tốt vẫn nằm trong tay người da trắng, đặc biệt những công việc đòi hỏi mức lương cao. Các thẩm phán tòa án tối cao đều là người da trắng, cả các thẩm phán tòa thượng thẩm cũng vậy. Mọi chức vụ liên quan đến việc kiểm soát kinh tế của đất nước đều nằm trong tay những người như Sir Charles Braham, những người còn sót lại của chính quyền thực dân. Ngài đại tướng của quân đội là một sĩ quan tốt nghiệp trường Sandhurst, và các phi công lái chiếc máy bay phản lực của Vwarda được trả lương cao cũng là người Mỹ. Tình trạng này rất phổ biến từ trên xuống dưới trong hệ thống cấp bậc cho nên tôi thấy chẳng có gì đáng ngạc nhiên trước chuyện người da đen nổi loạn. Trong hai ngày đầu tiên của cuộc nổi loạn, họ giết mười sáu người da trắng, phóng hỏa một số nhà kho, và đưa ra một loạt tuyên bố khích động. Đối với nhiều người ở châu Âu, có vẻ như cuộc cách mạng châu Phi vĩ đại mà người da trắng lo sợ đã bắt đầu và nhất định sẽ nhanh chóng lan ra các nước láng giềng như Tanzania, Zambia, Congo và Swaziland, nhưng việc đó đã không xảy ra, và khi trật tự được vãn hồi, ban giám đốc lệnh cho tôi tới Vwarda để báo cáo về tình trạng vốn đầu tư của chúng tôi.
Khi máy bay vượt qua cái đầm trên cao nơi khởi nguồn sông Vwarda, tôi cảm thấy như đang trở về đất nước mình là công dân, vì tôi đã làm việc trong những khu rừng lâu đến nỗi dường như đã thành một phần của nó và những khuôn mặt da đen mới giết người và đốt nhà đó là khuôn mặt anh em tôi. Khi máy bay hạ cánh xuống thủ đô, tôi nhìn thấy vẫn những cây cối phủ đầy hoa cuối mùa ấy, vẫn những đại lộ rộng thênh thang hai bên có dãy nhà kiểu Victoria từng là nơi ở của người Anh và các bà vợ kênh kiệu của họ, vẫn những cái lán tôn múi từng làm tôi vừa thất vọng vừa phấn chấn khi lần đầu tiên nhìn thấy. Đó là một thành phố châu Phi xinh đẹp mà mỗi năm trôi qua tất phải trở thành xinh đẹp hơn khi lều lán được thay thế bằng những ngôi nhà trát vữa. về một số phương diện, nó là thủ đô nguyên sơ nhất của người da đen; về những phương diện khác nó lại là tiêu biểu nhất, vì nó là một thành phố đang phát triển, một mảnh đất nơi dân chúng từng có thời chán chường đang nỗ lực giành chế độ tự trị.
Khi tôi tới, Sir Charles, đúng như tôi dự đoán, đang ở sâu trong rừng xem xét kỹ càng khu vực xảy ra phần lớn các vụ giết chóc. Trong bộ quần áo đen, cà vạt thắt cẩn thận thít chặt cái cổ đẫm mồ hôi, ông lê bước dọc những con đường mòn xuyên rừng, cam đoan với các tù trưởng địa phương rằng không có lý do gì để sợ hãi cả. Ít ra cũng được một lần ông không hoảng sợ và cái đập lớn ở miền Bắc vẫn được tiến hành xây dựng bình thường.
Không kỹ sư người Âu nào bỏ chạy cả,
ông báo với tôi qua điện đài,
vì công việc vẫn phải tiếp tục. Cũng có lộn xộn. Có một số vụ ám sát đáng tiếc, nhưng nước nào chẳng có những kẻ bộp chộp, và Vwarda sẽ biết cách xử lý những kẻ bộp chộp ở đây, phải không?
Trong thời kỳ khó khăn sau các cuộc nổi loạn ấy, Sir Charles là một viên chức thuộc địa Anh điển hình cố gắng hết sức để xoa dịu tình hình.
Chúng ta đâu có muốn trải qua một cuộc cách mạng, đúng không?
ông nói với các tù trưởng trong rừng rậm,
Thu tá la, ai sẽ bị chuyện điên rồ ấy gây thiệt hại chứ? Chính là con cái các ông, không phải con tôi, và chúng ta không muốn thế, phải không?

Từ thủ đô, tôi báo cáo về Geneva cho các sếp,
Những sự kiện gần đây được gọi là các cuộc nổi loạn. Tôi sẽ gọi chúng là cuộc phá phách, một cuộc phá phách vô nghĩa mù quáng kết thúc cũng nhanh như lúc bắt đầu. Tại vùng này người da đen bất mãn đưa ra ba yêu cầu - thẩm phán da đen ngay lập tức, quốc hữu hóa mở kim cương và phi công da đen lái máy bay Vwarda. Chính phủ chấp nhận làm một việc gì đó, và làm thật nhanh, đối với hai yêu cầu đầu, nhưng yêu cầu thứ ba có những khía cạnh khôi hài và sẽ bị bỏ qua. Khi đám gây rối da đen chiếm lĩnh sân bay, họ bao vây chiếc Boeing đang bốc hàng để bay đi New York và hét lên, ‘Reginald Huygere phải cầm lái! Reginald Huygere nắm bộ điều chỉnh!’ Huygere, một anh chàng thông minh từng có khoảng năm mươi giờ huấn luyện mặt đất dưới sự chỉ dẫn của các ông thầy từ hãng Pan American và gần như mù tịt về hệ thống nhiên liệu, huống hồ là bộ điều chỉnh, thò đầu ra cửa sổ buồng lái mà hét, ‘Ai, tôi ấy ư?’ Vậy là mọi người phá lên cười và máy bay cất cánh theo đúng lịch trình.

Tôi biết các ngài muốn tôi đánh giá các cuộc nổi loạn ấy một cách khắt khe nhất. Chúng không thể tránh khỏi. Chúng có lý do chính đáng. Chúng không nghiêm trọng. Trong hai thập kỷ tới cứ định kỳ một khoảng thời gian, chúng sẽ còn lặp đi lặp lại. Và chúng sẽ không gây nên hậu quả nào quá tệ hại. Tôi đánh giá Vwarda đang ở trong thời kỳ giống như Mexico từ 1910 đến 1927, và các ngài biết rõ một đất nước phát triển từ cuộc cách mạng kiểu ấy sẽ ổn định như thế nào. Về cái đập nước, tất cả đàn ông đàn bà Vwarda đều biết đất nước họ cần có nó. Nếu mai kia các thành viên có óc xét đoán của chính phủ kêu gọi chúng ta đầu tư thêm mười tám triệu đô la nữa, mà tôi nghĩ là họ rất cần đấy, hãy trao cho họ số tiền ấy. Ở đây cũng an toàn như ở Detroit.

Trong những ngày thảo bản báo cáo trên, tôi có khá nhiều dịp gặp Monica, lúc này đã mười bảy tuổi. Theo như tôi được biết, cô đã có ba người tình: ông bán sô cô la, ông giáo dạy nhạc Dankerly, và tay cầu thủ bóng đá Nam Phi. Thế mà cô vẫn khiến người ta có cảm tưởng cô là một người phụ nữ nhỏ tuổi không hư hỏng; sức hấp dẫn bí ẩn của cô thật phi thường và khả năng lợi dụng người khác thật kỳ lạ. Quan sát Monica sống dưới mái nhà của người cha, tôi rút ra kết luận một đứa trẻ như cô mà bị quản lý trong trường nữ sinh thì quả là nực cười. Ít nhất cô đã sẵn sàng cho môi trường đại học, và cô biết điều này.
Khi tôi nói chuyện với cô, lần đầu tiên cô tỏ thái độ coi thường cha sâu sắc.
Ông già cằm rung,
cô gọi cha như vậy vì hiện tượng rung không sao kiềm chế nổi ở nửa dưới khuôn mặt ông trong mọi cơn khủng hoảng.
Ông già cằm rung đã vào rừng, chơi trò Đế quốc Ấn-Anh. ‘Nào các chú, nâng cằm lên!’ ông hạ lệnh, trong khi chính cằm ông lại rung lên như cằm đàn bà.


Cha cháu là người can đảm,
tôi phản đối.

Can đảm và ngớ ngẩn,
cô đáp.

Ông đã dành rất nhiều thời gian nuôi nấng cháu.


Và nhìn kết quả xem.

Giọng cay đắng của cô làm tôi bất ngờ đến nỗi tôi đưa ra giả thuyết,
Cháu thấy mình có lỗi vì bị buộc phải chuyển trường và giờ thì cháu đổ lỗi cho cha mình.


Không hề,
cô cải chính, châm một điếu thuốc.
Cháu phát sợ trước viễn cảnh người cha thân yêu, sắp bị quẳng ra khỏi Vwarda, sẵn sàng làm mọi chuyện hèn hạ đáng khinh để giữ được cương vị này. Ông sẽ làm bất kỳ việc gì để bám thật chặt... một năm nữa... một tháng nữa.


Đó là cuộc sống của cha cháu. Đối với ông thì như vậy cũng tự nhiên thôi...

Cô dữ tợn chĩa điếu thuốc vào một bức tượng đặt trên thảm cỏ trước nhà.
Ngài Carrington Braham, ông nội cháu. Một đêm nào đó, thể nào bọn da đen cấp tiến cũng sẽ xuất hiện ở phố này và quật cho bức tượng ông cụ bay khỏi bệ. Họ sẽ làm thế. Chúng ta phải rời khỏi đây ngay, nhưng cha cháu cứ khăng khăng trụ lại. Chú không thấy rằng... ông thiếu tự trọng sao.


Cháu sẽ làm gì... sau cả đời phục vụ cho một quốc gia vẫn đang cần đến cháu?


Cháu biết chính xác cháu sẽ làm gì. Cháu sẽ mặc lễ phục, đeo toàn bộ huy chương, mang tất cả những gì làm người ta nhớ đến ông nội cháu... Cháu sẽ công nhận nhà Braham đã làm được nhiều việc có ích ở đây và cháu tự hào về điều đó, nhưng thời của gia đình cháu đã qua rồi và cố bám lấy cọng rơm là hành động làm mất phẩm giá.


Nhưng cháu sẽ làm gì?
tôi gặng hỏi.

Cháu sẽ trịnh trọng bước vào văn phòng Tổng thống Hosea M’Bele với đầy đủ lệ bộ, ném hợp đồng lên bàn và bảo ông ta, ‘Ông hãy nhét nó vào lỗ đít ấy.’

Tôi chưa bao giờ kiềm chế nổi cơn sốc trước vốn từ của thanh niên thời nay và chắc hẳn tôi đã đờ mặt, vì Monica ve vẩy một ngón tay trước mũi tôi, cử chỉ cho phép tôi ngửi được mùi của điếu thuốc cô đang hút.
Nó là cần sa à?
tôi hỏi.

Rít một hơi chứ?


Con bé ngốc nghếch,
tôi giận dữ nói.
Cháu đang cố làm gì vậy? Tiêu cả cuộc đời trong một năm hả?


Cháu mệt mỏi với tất cả những thứ cha cháu ủng hộ,
cô nói với một vẻ duyên dáng uể oải. Thả người xuống chiếc ghé bành rộng, đôi chân dài quyến rũ vắt qua một tay ghế, cô không còn vẻ thù địch lúc trước nữa và trầm ngâm nói như thể cô đã sáu mươi tuổi:
Cháu đã chứng kiến Vwarda trong thời điểm huy hoàng nhất của nó - kết thúc giai đoạn cũ, bắt đầu giai đoạn mới và đã đến lúc nhà Braham chúng cháu ra đi. Chuyện giết chóc không phải là vấn đề. Bất cứ người da trắng nào bị chặt đầu cũng hoàn toàn chỉ là tai nạn. Việc đốt phá không gây hậu quả ghê gớm lắm. Có thể xây lại được. Nhưng cái chết của lý tưởng thì...
Cô hạ thấp giọng, rít vài hơi thuốc lá thật sâu rồi nói tiếp,
Chú biết không, chú George, suýt nữa cháu đã cưới thằng cha Nam Phi đó. Hắn khá dễ thương và chúng cháu đã có những giờ phút tuyệt diệu trên giường. Chú biết tại sao cháu không làm thế không?


’Vì cháu mới mười bảy tuổi và không thể kiếm được giấy kết hôn.


Vì về vấn đề chủng tộc thì họ đúng là lũ ngốc khát máu. Họ đang đâm đầu vào sự trừng phạt ghê gớm, và ai muốn có phần trong đó chứ?
Cô lại rít vài hơi sâu nữa, kết luận,
Với kiểu cách vụng về, dễ thương cha cháu cũng dở không kém. Ông biết đã đến lúc phải ra đi, nhưng lại không chịu bỏ đi.
Rồi, dụi điếu thuốc vào gạt tàn và giấu phần còn lại trong túi để cha cô khỏi nhìn thấy khi ông về nhà, cô nói:
Cháu sẽ đi! Cháu sẽ không phức tạp hóa những ngu ngốc của thế hệ chú đâu.
Và cô chậm rãi rời khỏi phòng.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập).