IV - Chương 4
-
6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập)
- James Albert Michener
- 1849 chữ
- 2020-05-09 03:39:42
Số từ: 1833
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Những ngày tiếp theo là một ảo ảnh. Các buổi sáng và chiều được dành để cùng ủy ban của Đức Cha Claypool Jackson thảo luận về vấn đề tài chính của người da đen như thể người da đen ở Philadelphia là người Đức hay người Ailen có với chỉ vài vấn đề đặc trưng. Chúng tôi không bao giờ giải quyết vấn đề những lãnh tụ trẻ như Akbar Muhammad và nhóm tín đồ Hồi giáo Mới của ông ta hay băng nữ quái hoành hành tại những con đường dẫn đến trường. Chúng tôi cũng bưng bít những tổn thất do ma túy, giết người và tình trạng tuyệt vọng như thể chúng không phải vấn đề quan trọng, nhưng khi ngồi họp, trong tâm trí tôi chỉ toàn hình ảnh bốn bà mẹ da đen hộ tống con gái tới trường, một mực mong muốn con họ được học hành và không dính líu đến băng đảng. Tôi không hoàn thành được bất cứ việc gì và chuẩn bị quay về Geneva.
Buổi tối thì tôi lại bước vào một thế giới khác - nửa sợ hãi, nửa hy vọng - với Cato Jackson là người hướng dẫn. Tôi phát hiện ra anh đang thường xuyên hẹn hò với Vilma, nhưng cô cũng hẹn hò với cả Akbar Muhammad nữa. Tôi không bao giờ hiểu nổi cô thu xếp ra sao, nhưng khi ở bên Cato, cô tỏ ra vừa thú vị vừa hấp dẫn. Cô có khả năng châm biếm, và tôi cho rằng nếu tránh xa cần sa thì cô sẽ là học sinh giỏi. Chúng tôi thường ăn tối cùng nhau, và một đêm tôi hỏi cô liệu có ý định học đại học không.
Tôi ư? Không... Không.
Tôi có thể thấy cô không gạt bỏ ý kiến ấy một cách vô tình, vì vậy tôi hỏi lý do, và cô trả lời với đôi chút lưỡng lự,
Tôi không có ông Wister.
Ông ấy là ai?
tôi hỏi.
Cô nghiêng vầng trán nâu xinh đẹp về phía Cato.
Anh ấy sẽ nói cho ông biết.
Có lẽ hơi bối rối nên Cato chuyển sang nói giọng miền Nam khá nặng,
Người đó, ông Wister, ông ấy là thành viên trong nhà thờ của dân da trắng. Khi họ bán cho cha tôi, chính ông ấy đã nói, ‘Chúng ta tặng nhà thờ này cho họ thì hơn. Dù sao thì tất cả chúng ta đều thuộc một tôn giáo mà.’ Những người khác, họ cười ồ lên chế nhạo đề nghị của ông ấy. Vì vậy khi việc mua bán đã được thỏa thuận xong, ông có đoán được chuyện gì không? Nào, ông thử đoán xem. Ông Wister đó, ông ấy đến gặp cha tôi nói, ‘Đức Cha Claypool, hôm nay chúng tôi đã làm một điều bất công nghiêm trọng đối với Chúa,’ và ông già tôi, một Bác Tom cho đến tận phút cuối cùng, ông ấy nói, ‘Thưa ngài Wister, có lẽ Chúa có mục đích riêng của Người. Chúng tôi đã có một ngôi nhà đàng hoàng của Chúa. Chúng tôi có cái để mà tận tâm làm việc.’ Nhưng ông Wister ông ấy nói, ‘Đức Cha Claypool, tôi sẽ gửi con trai ông đi học đại học.’ Vậy là ông ấy thu xếp cho tôi vào trường đại học Pennsylvania. Ông ấy trả mọi phí tổn. Đó là điều ông ấy đã làm, đó là điều người đàn ông tử tế ấy đã làm.
Tôi ngờ đây lại là một trò nhạo báng khác của Cato, nhưng Vilma đã chứng thực câu chuyện. Họ gọi ông là Mister Wister, phát âm cái tên thành một âm nhanh -
Swister
. Ông là một tín đồ Quaker, vợ ông thuộc giáo đoàn Llanfair đã bán tống bán tháo ngôi nhà thờ thành phố bỏ đi ấy, và do mặc cảm tội lỗi nên ông đã cấp học bổng cho Cato theo học ở trường cũ của ông, trường đại học Pennsylvania. Cứ ba tháng một lần, ông lại ghé vào ngôi nhà ở góc phố Thứ Sáu và phố Grimsby để xem người được ông bảo trợ học hành ra sao, và ông luôn hài lòng thấy Cato không thua kém gì các đối thủ da trắng.
Chỉ cần thêm vài người như ông Wister,
Cato nói bằng thứ tiếng Anh bình thường,
là chúng tôi có thể thoát khỏi tình cảnh hiện nay. Nhưng người như ông ấy rất hiếm.
Vilma nói cô không hy vọng tìm được cho mình một người như vậy, một ý nghĩ bị tôi chế giễu. Tôi nói,
Một cô gái da đen thông minh như cô có thể giành được học bổng ở cả tá trường đại học. Người ta đang tìm kiếm những người như cô. Nói thật với cô, thời nay thà là một thanh niên da đen thông minh còn hơn là một người da trắng bình thường. Cơ hội tốt hơn.
Cơ hội cho cái gì?
Vilma hỏi.
Cơ hội thực sự làm gì đó. Cô cứ lấy được bằng đại học đi, tôi sẽ thuê cô.
Làm việc gì?
Làm thư ký cho tôi tức là thư ký điều hành rất nhiều trách nhiệm khi tôi đi công cán. Cô sẽ sống ở Geneva.
Nó ở Pháp à?
Thụy Sĩ.
Từ này như có phép màu và tôi có thể thấy nó đã gây được ấn tượng.
Tôi đã xem Shirley Temple. Bây giờ bà ấy đang chạy đua vào Quốc hội hay đại loại vậy. Còn trong bộ phim đó bà ấy đóng vai một cô bé ở Thụy Sĩ. Ở Geneva có núi Alps không?
Ngay gần đó.
Ông giễu tôi phải không?
cô hỏi.
Ông sẽ thuê tôi thật chứ?
Hàng trăm công ty sẵn sàng thuê cô ấy chứ. Cô không nghĩ chúng tôi cũng hiểu về những vấn đề đau đầu của các cô như Akbar Muhammad hiểu sao?
Không,
cô lạnh lùng nói.
Ông nghĩ ông hiểu à? Hãy đi theo tôi.
Vilma dẫn chúng tôi tới một khu vực ở Bắc Philadelphia mà tôi chưa bao giờ đến hay thậm chí chưa bao giờ nghe nói tới. Đó là một phổ hẻm tên là Dartmoor Mews, nằm cách xa phố Thứ Sáu và trường Classical High không quá năm khối nhà. Hai bên phố là những chung cư giá rẻ, và rác ngập khắp nơi. Toàn bộ khu này đều xấu xí, ngoại trừ đám trẻ lít nhít.
Vilma thận trọng bước vòng qua những ổ gà trên hè, cố tránh mặt một nhóm con gái - bất chấp sự có mặt của Cato - lầm bầm đe dọa cô. Cô đưa chúng tôi vào một ngôi nhà thấp lè tè vốn là nơi ở của một người Ailen bán vé xe điện những năm cuối thế kỷ 19; từ ngôi nhà này ông ta đã gửi con trai đến trường đại học Villanova. Sau đó, ngôi nhà được chuyển đến tay một thợ xây Ý; từ ngôi nhà này ông ta đã gửi những người con trai của mình đến trường đại học St. Joseph, một người trong số đó tiếp tục học ở trường St. Charles Borromeo để trở thành mục sư.
Thời đó, một người Ailen có thể trở thành nhân viên bán vé,
cô nói trong lúc dẫn chúng tôi leo lên một dãy cầu thang không thể tin nổi,
một người Ý được phép làm thợ xây.
Cô đưa chúng tôi vào một căn hộ chiếm một nửa tầng hai; bốn gia đình da đen chia sẻ nơi trước kia một người Ailen đã thuê. Đó là một chỗ ở tồi tàn dơ dáy đến phát sợ, giấy dán tường loang lổ, ván sàn ướt át. Phòng vệ sinh đặt trong nhà kho ở tầng dưới và được mọi gia đình sử dụng chung.
Người nhà của Vilma khó có thể được gọi chính xác là một gia đình. Đó là một bà mẹ lam lũ giữa sáu đứa con mà bà phải cố gắng nuôi dạy một mình vì cả ba ông chồng bà đều là những kẻ vô dụng.
Ba niềm an ủi đã giúp bà tiếp tục sống: Vilma và hai đứa em gái sẽ rất xinh đẹp và xứng đáng được hưởng cuộc sống sung sướng; Đức Cha Claypool Jackson là một nhà thuyết giáo truyền cảm đã đưa Chúa đến với ngôi nhà thờ to lớn của ông; và ti vi hay hơn rạp chiếu phim nhiều. Với ba thứ thuốc an thần đó bà có thể chịu đựng được cảnh khốn khổ ở phố hẻm này và sự xấc láo của tay nhân viên phúc lợi xã hội người Do Thái mà bà phải xoa dịu nếu muốn lĩnh tờ séc cứu trợ hàng tháng.
Mẹ, ông đây bảo nếu con học đại học, ông ấy sẽ cho con công việc tử tế ở Thụy Sĩ.
Con nói gì? Đại học ư?
Tôi cho rằng qua câu đáp lại này người ta đã có được câu chuyện về những gì xảy ra với rất nhiều thanh niên da đen ở Mỹ. Họ mà nói đến việc học đại học, hoặc nếu ai đó gợi ý việc này với họ thì những người bạn đồng trang lứa và thậm chí cả gia đình họ sẽ chế nhạo ý tưởng ấy, kịch liệt chỉ trích thái độ ngạo mạn của họ khi
mèo con đòi bắt chuột cống
trong khi tại các gia đình Ailen và Do Thái, một đứa con có khả năng học đại học được đặc biệt coi trọng vì anh ta có thể cứu giúp gia đình. Tôi nhớ hồi ở Indiana khi tôi quay về trang trại của gia đình, tại một vùng chưa ai được đi đại học, và nói với cha mẹ là thầy cô giáo cho rằng tôi nên cố gắng học lên cao hơn, mẹ tôi đã say sưa với những viễn cảnh về sự nghiệp của tôi - bà tính đến cả chức bộ trưởng, nghề luật sư - trong khi cha tôi nói mọi thanh niên đều có quyền được hưởng nền giáo dục tốt nhất mà anh ta có thể tiếp thu, và ông hứa sẽ giúp tôi thành công nếu tôi thật sự nghĩ rằng mình có đủ trí tuệ. Nhưng khi tôi cam đoan với mẹ của Vilma là tôi nói nghiêm túc, bà liền lùi lại, nghiên cứu tôi với vẻ hoài nghi, rồi mỉm cười thỏa mãn vì đã nhìn thấu thủ đoạn của tôi: không người đàn ông da trắng nào chịu giúp một cô gái da màu xinh đẹp trừ phi hắn muốn lên giường với cô ta.
Con quên ngay chuyện đại học ấy đi... tự mà kiếm lấy một công việc,
bà mẹ nói.
Nhưng ông ấy bảo sẽ cho con một công việc tử tế...
Ông ấy bảo! Ông ấy bảo!