• 1,742

IV - Chương 3


Số từ: 9617
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Đêm hôm đó là một cuộc khám phá. Lo lắng sâu sắc vì vụ giết người nhiều hơn là anh để lộ cho tôi thấy tại hiệu thuốc, Cato Jackson đi bộ cùng tôi suốt sáu tiếng đồng hồ khắp những vùng tối tăm gần nơi anh trưởng thành, chia sẻ tâm trạng bối rối và sợ hãi của mình. Anh đang là sinh viên năm thứ hai trường đại học Pennsylvania, học vượt một lớp; năm mười bốn tuổi, anh được một hội đồng khoa ở trường đại học nhận định là cậu bé xuất sắc và được cấp học bổng dự bị. Hiện nay, anh đang hoàn thành những yêu cầu của khóa học để chuyển lên chuyên ngành quản lý đô thị, và điểm số của anh, nếu tôi có thể tin lời anh, đạt loại xuất sắc hết. Trong một giờ đồng hồ anh nói được nhiều điều có ý nghĩa hơn cha anh suốt hai tháng trời. Tôi sẽ không cố thuật lại toàn bộ cuộc nói chuyện của chúng tôi, nhưng sau đây là những điểm chính mà anh đã nêu lên trong cái đêm dài tối trời ấy:

Cha tôi từ Nam Carolina tới với tư cách mục sư được thụ phong, mặc dù điều này có ý nghĩa như thế nào về mặt trí tuệ thì tôi không dám nói. Tại Philly[29] đây, ông khánh thành một nhà thờ trong tòa nhà có cửa hàng bán lẻ ngoài mặt tiền, và như chính ông cũng đã nhận thấy cha tôi là người có tài thuyết giáo, vì vậy ông rất thành công. Tôi muốn nói ông đã tập hợp được quanh mình một nhóm tín đồ trung thành, nhờ họ ông không những kiếm sống cho bản thân mà còn đủ tiền chuyển cả giáo đoàn từ cửa hàng mặt tiền đó đến tòa nhà nhỏ bằng gạch ở Nam Grimsby, nếu đi xuôi xuống thì cách nhà thờ hiện tại khoảng hai mươi hai khối nhà.

Cha tôi luôn quyên tiền rất giỏi, do đó không lâu sau ông đã thanh toán xong mọi chi phí cho tòa nhà gạch. Giờ thì đến lúc nảy sinh thêm một vấn đề tiền nong khác. Người da đen đang chuyển đến vùng phụ cận, còn người da trắng thì dọn đi. Vì vậy ngôi nhà thờ Gôtic đồ sộ mà Chủ nhật trước ông mới đến gần như bị bỏ không. Không có người da trắng, trong khi ngôi nhà nhỏ bằng gạch chật cứng người da đen. Đám giáo dân da trắng, vốn giàu có, chuyển đến Llanfair thuộc Main Line, xây một nhà thờ mới khá đẹp, rồi tìm quanh tìm quất xem có cách nào bán tống bán tháo cái nhà thờ cũ đi không.

Tín đồ Tân giáo Philadelphia là một đám khôn ngoan. Tôi cho tất cả con chiên Cơ Đốc giáo đều thế. Dù sao đi nữa họ cũng đã đạt được một thỏa thuận theo đó ông già tôi sẽ trả họ hai trăm năm mươi nghìn đô la để mua ngôi nhà thờ cũ. Đó là cái giá phải trả. Có vẻ họ chưa bao giờ nghĩ rằng họ đã được hưởng một trăm năm tươi đẹp tại nhà thờ này... rằng tất cả bọn họ đã kiếm được bộn tiền từ vùng phụ cận này... rằng họ đã dẫn đầu cuộc chơi và nên tặng nhà thờ cho những người đang theo sau. Không, họ mang hết lợi nhuận của họ tới khu Main Line, cả công việc làm ăn của họ, thuế má của họ, và rồi, có Chúa chứng giám, họ bán lại ngôi nhà thờ cũ cho cha tôi.

Cha tôi có hai mươi nghìn đô la để dành từ đợt quyên góp cho ngôi nhà thờ gạch. Ông bán ngôi nhà thờ đó được ba mươi nghìn, và với khoản này ông thanh toán một phần chi phí. Cha tôi có được khoản vay thế chấp hai trăm nghìn từ chính những người Cơ Đốc giáo đã bán cho ông ngôi nhà thờ hết cả nước lẫn cái kia, và giờ thì ông và đám giáo dân phải còng lưng làm việc mười hai tháng mỗi năm hòng trả nợ cho những kẻ giàu có ở Main Line.

Khi anh kể câu chuyện này, chúng tôi đang đi trên cây cầu bắc ngang sông Schuylkill, từ trên cầu chúng tôi có thể nhìn thấy hình dáng xinh đẹp của quảng trường Alexander Hamilton, đặt theo tên một nhà quý tộc nhập cư người Tây Ấn mà Cato ngờ rằng có một phần dòng máu da đen, giống như nữ đồng hương của ông ta, nàng Josephine de Beauharnais vợ Napoleon. Ông Hamilton đã dốc sức làm việc một cách thông minh và tài giỏi tại Philadelphia, và cũng hoàn toàn thích đáng khi một trong những quảng trường đẹp nhất khu dân cư, nhìn ra dòng sông phía Tây, được dùng để vinh danh ông.

Khi tôi nhìn hình ảnh quảng trường này in trên nền trời,
Cato nói,
ông có đoán được tôi thấy gì không? Trước tiên hãy cho tôi biết ông thấy gì.


Tôi nhìn thấy vài tòa nhà cổ kính rất đẹp,
tôi đáp.
Chúng đáng được bảo tồn... nếu đó là điều cậu muốn nói.


Tôi không hề muốn nói đến những tòa nhà ấy. Tôi muốn nói đến những tấm biển đề tên bằng đồng kia cơ.
Anh dẫn tôi đi quanh quảng trường để tôi có thể đọc được tên các tổ chức sử dụng những tòa nhà sang trọng kia làm trụ sở chính ở Pennsylvania: câu lạc bộ phụ nữ, nhóm thanh niên, hội nhà thờ, quỹ tài trợ, liên hiệp nghệ thuật, và tất cả các nhóm tình nguyện này đều rất cần thiết cho hạnh phúc của một xã hội.

Tổ chức nào cũng được miễn thuế,
Cato nói.
Tổ chức nào cũng quyên tiền trong thành phố và tiêu xài ở ngoại ô. Quảng trường này là thủ đô tinh thần của vùng ngoại ô. Không một ủy ban chết tiệt nào đặt trụ sở ở đây làm được chút xíu tốt đẹp gì cho thành phố này. Và tất cả đều được thành phố miễn thuế.

Anh đưa tôi tới các quảng trường khác cũng đang trong tình trạng tương tự:
Ở quảng trường này, sáu mươi phần trăm các tòa nhà được miễn thuế, và từng tòa nhà trong số đó đều chỉ hoạt động vì lợi ích của vùng ngoại ô. Ở quảng trường này, năm mươi mốt phần trăm được miễn thuế. Tại đây, các nhà máy đều đóng cửa, không nộp thuế. Nhìn vào đâu ông cũng sẽ thấy những phần cơ bản nhất đều đã bị giành giật ra khỏi thành phố, hoặc được chuyển ra ngoại thành hoặc được ném vào diện miễn thuế.


Chắc cậu đang nghiên cứu vấn đề này ở trường Penn?


Không! Penn là nơi tệ hơn cả. Cái doanh nghiệp khổng lồ nằm ở trung tâm thành phố đó lại không phải nộp thuế cho những dịch vụ mà người da đen chúng tôi phải chi tiền.


Nhưng họ cho cậu học vấn.


Bất đắc dĩ thôi.

Chúng tôi tiếp tục xuyên qua thành phố, và lần đầu tiên tôi được thấy một thủ phủ hàng đầu của Mỹ qua con mắt một thanh niên da đen đang phẫn nộ:
Dù giáo dân Tin lành da trắng đã mang theo của cải bỏ đi, và dù đã bán ngôi nhà thờ hết cả nước lẫn cái đó cho những người như cha tôi, họ vẫn không từ bỏ quyền kiểm soát. Họ dùng việc miễn thuế để trói chân trói tay chúng tôi. Họ dùng cơ quan lập pháp bang để ngăn chúng tôi tự quản. Họ làm nghèo thành phố này, cướp đoạt mọi thứ, rồi vứt cho chúng tôi và bảo, ‘Giờ là việc của các anh.’ Nhưng họ không cho chúng tôi tiền bạc và quyền kiểm soát.

Hai cảnh sát chầm chậm lái chiếc xe tuần tra vượt qua chúng tôi, rõ ràng tò mò không hiểu tại sao một người da trắng lại lang thang trong khu vực này của thành phố sau nửa đêm. Khi hai người ngồi trong xe - một da đen, một da trắng - nhận ra tuổi tác của tôi và Cato, họ liền cho rằng chúng tôi là dân đồng tính.
Đừng có làm chuyện bậy bạ đấy,
họ cảnh cáo chúng tôi.

Một thứ người da trắng vẫn giữ quyền kiểm soát dù rời bỏ thành phố,
Cato nói khi chiếc xe cảnh sát dần khuất khỏi tầm mắt.
Sở cảnh sát. Họ nhất định phải nắm quyền kiểm soát nơi đó. Ông biết tại sao không?
Khi tôi nói không, anh làm một việc lạ lùng. Anh bỏ cách nói vẫn dùng trong trường đại học và chuyển sang thứ phương ngữ cổ mà gia đình anh sử dụng khi sống ở vùng đầm lầy dọc bờ biển Nam Carolina. Ngôn ngữ Geechee, Cato gọi như vậy, và tôi nhận thấy nó hầu như không thể nào giải đoán nổi, như được hình thành từ những từ châu Phi, những tiếng càu nhàu và cách phát âm giễu cợt. May thay, nó lại pha lẫn với cái mà Cato gọi là
Stepin Fetchit[30] thời kỳ giữa đỉnh cao
, và chính sự pha trộn ấy đã được Cato và bạn bè sử dụng khi tham gia những trò chơi xỏ, ngón nghề chế giễu dân da trắng bằng cách trình bày dưới hình thức cường điệu nỗi ám ảnh chủng tộc họ hằng nuôi trong lòng. Cato là bậc thầy nhạo báng, và dù tôi không tài nào thể hiện lại một cách chính xác những từ châu Phi anh dùng cũng như sự kỳ quặc tột độ của thứ ngữ pháp mù tịt ấy, những điều anh nói với tôi đêm đầu tiên đó đại khái là thế này:
Zét sơ, ngài Charley, tôi và đám bạn tôi, một đêm nào đó chúng tôi sẽ tụ tập, chúng tôi sẽ mang theo dao búa, gậy gộc và dây dợ hành quân thẳng tới Chestnut Hill, Llanfair, Ardmore và tất cả những nơi đẹp đẽ rồi chúng tôi sẽ đến những khu dân cư sang trọng,
anh phát âm thành san trọn,
như Jenkintown và Doylestown, và chúng tôi sẽ giết, sẽ hãm hiếp, sẽ đốt hết dân chúng ngoại ô đó. Zét sơ, ngài Charley, đó là điều chúng tôi muốn làm.


Các anh vừa giết một người trong số đó cách đây hai giờ đấy thôi,
tôi nói, khó chịu với trò nhạo báng ấy.

Ông đã xem xét khu vực tôi sống chưa?
anh nghiêm nghị hỏi.

Tôi xem rồi.


Ông không ngạc nhiên là không có nhiều vụ giết người hơn ư?


Chỉ một thôi cũng đã đủ làm tôi co rúm người rồi.

Sự dứt khoát trong câu trả lời của tôi khiến anh bỏ qua đề tài đó. Anh đột ngột nói,
Ông đã hỏi có phải những ý nghĩ của tôi bắt nguồn từ Penn không. Tôi đã nói là không. Ông có muốn biết tôi có được những ý nghĩ đó từ đâu không?
Khi tôi gật đầu, anh nhìn đồng hồ đeo tay, một chiếc khá đắt tiền, và bảo,
Đi thôi.

Cato đưa tôi đến khu phố trên nằm cách đó khá xa, tới một con phố hết sức tồi tàn ở Bắc Philadelphia, đến đó anh nhìn xuôi nhìn ngược để chắc chắn chúng tôi không bị cảnh sát bám theo. Yên trí là chỉ có hai chúng tôi, anh lẩn vào một ngõ hẻm, rồi đột ngột quay ngược lại đến bên cánh cửa hông của một chung cư cũ nát không ngờ.
Nói cho chính xác,
anh nói,
ngôi nhà này thuộc sở hữu của một người trong cái đám đã bán tống bán tháo nhà thờ cho cha tôi.

Chúng tôi leo lên những bậc cầu thang mà không người khôn ngoan nào dám tin tưởng đặt chân lên và đạp tung một cánh cửa đã hỏng chốt từ bao năm. Căn phòng tối om, nhưng tôi vẫn lờ mờ nhận ra một cái giường trong góc, trên đó có ít nhất một người đang ngủ. Cato gây ra tiếng động khi vấp phải chiếc ghế và một dụng cụ nhà bếp nào đó. Cuối cùng, anh cũng tìm thấy một cái đèn và ánh sáng của nó chiếu tỏ một căn phòng nhếch nhác, bàn ghế sứt sẹo, chiếc giường sắt sơn tróc từng mảng trên có hai người đàn ông đang nằm.
Một người râu rậm, cởi trần và trông càu cạu. Người kia, dáng cao gầy và râu lưa thưa, không gây ấn tượng gì cho tôi. Khi người thứ nhất ra khỏi giường, tôi thấy ông ta mặc chiếc quần bóng rổ màu xanh lá cây in phù hiệu đội tên tuổi hạng nhất: Boston Celtics.
Đây là Akbar Muhammad,
Cato giới thiệu.
Ông là giáo sư dạy lớp tôi.

Akbar với lấy chiếc khăn mặt, nhúng một đầu vào bình nước, lau khuôn mặt râu ria và hỏi,
Cậu tới đây có việc gì?


Thầy nên làm quen với người da trắng này,
Cato đáp.
Ông ấy chính là người Geneva đó.


Mang theo hàng triệu?
Akbar hỏi.

Chính ông ta,
Cato đáp.
Akbar buông chiếc khăn mặt rơi xuống sàn, đá nó sang một bên và bước tới đón tôi.
Tôi đã nghe nói về ông,
ông ta nắm chặt tay tôi nói.
Ông làm việc rất ý nghĩa.
Ông ta đẩy một chiếc ghế lại chỗ tôi và ngồi xuống chân giường.
Ông đã tìm được gì đáng để đầu tư chưa?


Chưa,
tôi đáp.

Tôi không nghĩ rằng ông sẽ tìm được.


Tối nay lại có một vụ giết người nữa,
tôi nói.
Ngay gần nhà thờ nơi chúng tôi vừa họp.


Sẽ còn nhiều hơn nữa.
Ông ta với tay ra phía sau gõ nhẹ vào trán người đàn ông gầy gò.
Đi gọi Vilma đi,
ông ta ra lệnh, và người kia vội vàng mặc quần áo rời khỏi phòng.

Ông là ai?
tôi hỏi.

Ông biết tên tôi rồi. Chắc ông định hỏi tên trước kia của tôi là gì. Eddie Frakus. Người Detroit. Cha mẹ ở Mississippi. Tôi tốt nghiệp ở bang Michigan. Ông Fairbanks, có lẽ ông nên trở về Geneva. Mười năm nữa, may ra người da đen Philadelphia mới có thể hiểu được ý tốt của ông.
Ông ta ngừng lại, lấy tay phải vuốt râu, rồi chĩa một ngón tay dài về phía tôi.
Và đến lúc đó, chúng tôi sẽ thay đổi nhiều đến nỗi ngay cả những người đầy thiện ý như ông cũng sẽ không đề nghị giúp đỡ chúng tôi như ông đã đề nghị đêm nay nữa. Không, hãy tin tôi! Những việc chúng tôi sắp phải làm sẽ khiến ông xa lánh chúng tôi... hoàn toàn. Nhưng điều đó không thành vấn đề, vì đến lúc đó thì chúng tôi sẽ chẳng cần ông giúp nữa.

Ông ta phát biểu hùng hồn, với sự hiểu biết sâu sắc những gì mình nói, đến mức tôi buộc phải có cảm tình với ông ta. Tôi hỏi,
Tại sao ông tin chắc các ông sẽ mất sự ủng hộ của tôi như vậy?
thì ông ta chỉ vào một cái máy in roneo đặt trong góc.
Cứ xem đi. Hãy tự tìm lấy thông điệp. Nó sẽ mang đến cho ông cảm giác khám phá.
Ông ta quan sát tôi tiến đến góc phòng, nhặt lên một trong những bản sao đầu tiên của một tài liệu sắp trở nên nổi tiếng, tuyên ngôn của Akbar Muhammad chống lại các nhà thờ Cơ Đốc giáo ở Pennsylvania.
Đó là một tài liệu có tính kích động mạnh mẽ đến nỗi tôi phải tự hỏi không biết người đàn ông vừa tỏ ra rất biết điều kia có đúng là người đã thảo ra nó không. Lời mở đầu là lời kêu gọi làm cách mạng, những đoạn đầu tiên là một chương trình để người da đen kiểm soát thành phố. Văn phòng thị trưởng, cảnh sát trưởng, chủ tịch Hội đồng Giáo dục và giám đốc cơ quan phúc lợi xã hội đều là người da đen, và nguồn tài chính đảm bảo cho sự tiếp quản này sẽ do tất cả nhà thờ da trắng, không những trong thành phố mà còn ở ngoại ô trong vòng bán kính hai mươi lăm dặm, tự nguyện đóng góp. Khi đọc xong tài liệu lý lẽ hợp lý và đầy sức thuyết phục đó, tôi nhận ra nó đã được tính toán để làm cho người đọc da trắng phải tức điên lên đến mức chưa lời tuyên bố nào khác có thể làm được, vì nó sỉ nhục những định kiến và nhại lại những tín ngưỡng quý giá nhất của họ.
Đức Chúa Jesus bị miêu tả như một kẻ đa cảm rẻ tiền với những lời phát biểu rỗng tuếch đầy mâu thuẫn đã bị dân da trắng lợi dụng để khuất phục người da đen và được người da đen sử dụng như một thứ ma túy để làm cho cảnh nô lệ suốt đời của họ trở nên có thể chịu đựng. Những người đứng đầu nhà thờ được nhắc đến như những tên găngxtơ cướp bóc người da đen một cách có hệ thống và kìm giữ họ trong hoàn cảnh không thể tự giải thoát. Giáo dân bị chứng minh là những kẻ ngốc chết tiệt tán thành việc đang xảy ra với vẻ mộ đạo và lợi dụng những việc đó. Người nộp thuế nói chung thì bị cho là thông đồng với nhà thờ, gây hại cho chính họ. Những đoạn cuối toát lên sự lạnh giá của những đêm đông tháng Mười một trước cuộc cách mạng:
Do đó chúng tôi yêu cầu, nhân danh Akbar Muhammad và toàn thể người da đen, coi như khoản bồi thường của các nhà thờ của người da trắng ở Philadelphia, số tiền mặt 10.000.000 đô la giao ngay lập tức, được quy định như sau...
và tên bốn mươi tổ chức tôn giáo được liệt kê kèm theo số tiền chính xác mỗi tổ chức này phải cung cấp.
Chúng tôi cũng yêu cầu các nhà thờ của người da trắng ở ngoại ô Philadelphia số tiền mặt 20.000.000 đô la giao ngay lập tức, được quy định như sau...
và đến đây là địa chỉ của khoảng chín mươi nhà thờ giàu có từ Paoli ở phía Tây cho đến Doylestown ở phía Bắc. Bản tuyên ngôn được ký tên
Akbar Muhammad.

Đến tảng sáng thì tôi đọc xong bản cáo trạng đó, và tôi chưa kịp hỏi câu nào thì người đàn ông gầy gò đã quay lại cùng một cô gái da đen vô cùng xinh đẹp mà tôi sẽ chẳng bao giờ làm sáng tỏ được mối quan hệ giữa cô và ba người đàn ông này. Có vẻ như cô không phải là bạn gái của người đàn ông gầy gò đã đi tìm cô đến, nhưng Akbar Muhammad lại đối xử với cô một cách thờ ơ, nếu không muốn nói là coi thường, đến nỗi tôi không tin cô sẽ hài lòng lâu dài với sự đỡ đầu của ông ta. Mặt khác, anh chàng Cato trẻ tuổi lại kìm nén một cách đầy đau khổ cố không để lộ mối quan tâm đối với cô, vì vậy tôi cho rằng chắc hẳn một trong hai người còn lại đã cảnh cáo anh hãy tránh cho xa, nhưng tôi có thể cảm thấy sự xúc động sâu sắc của anh.
Cô giống như một thú rừng non đáng yêu, duyên dáng bẩm sinh, da nâu vàng, và có phần nôn nóng. Khuôn mặt cô có nét cân đối của người Hy Lạp, như thể được tạc từ một khối cẩm thạch Bắc Phi quý giá màu vàng nâu nào đó. Cô bé thật xinh đẹp, theo đúng lời trong Kinh Thánh, và chẳng cần phải có trí tưởng tượng phong phú lắm cũng có thể hình dung ra cô đang lạnh lùng đứng dưới một cây cọ Ả rập trong khi vua Solomon hát ca ngợi cô.

Cô đã đánh máy xong tài liệu của công đoàn chưa?
Akbar Muhammad hỏi khi cô đến chỗ chúng tôi.

Tôi đã nói với ông rồi, nó ở trong phòng Paul ấy.
Cô bực bội bỏ chúng tôi ngồi đó và đi lên tầng trên, tôi có thể nghe thấy tiếng cô lục lọi khắp nơi. Mấy phút sau, cô trở xuống mang theo một xếp giấy mà Akbar đưa cho tôi xem. Tập giấy đưa ra những yêu cầu của ông ta đối với các công đoàn Philadelphia, nội dung cũng tương tự như bản yêu sách định gửi cho các nhà thờ nhưng theo nhận xét của tôi thì chính đáng hơn.
Trước tiên ông ta nêu lên những mánh khóe khéo léo đã được các công đoàn của người da trắng sử dụng để cấm người da đen học những nghề cơ bản có thể nuôi sống họ. Không người da đen nào có thể làm thợ nề, thợ điện, thợ xây, thợ lợp mái, thợ mộc, thợ kết cấu thép.
Nhưng tôi đã từng gặp thợ mộc da đen,
tôi phản đối.
Cứ đọc tiếp đi,
Akbar làu bàu.
Rồi ông ta trích điều lệ của các công đoàn khác nhau, dẫn ra những lời lẽ bay bổng từ các hiến pháp, bảo đảm rằng tất cả những người lương thiện đều được gia nhập công đoàn một cách công bằng, chỉ cần họ đã được học nghề, nắm được các kỹ năng cơ bản và nộp công đoàn phí. Tiếp theo ông ta dẫn ra con số công đoàn viên thực sự, sau mười lăm năm người da đen đấu tranh đòi công bằng.
Gaye Street
Thợ điện: 1143 thợ - 2 da đen. 43 thợ học nghề - 1 da đen
Petawley
Thợ nề: 219 thợ - 1 da đen. 9 thợ học nghề - 1 da đen
Nam Philadelphia
Thợ thép: 396 thợ - 2 da đen. 11 thợ học nghề - 0 da đen
Bay City
Thợ mộc: 1823 thợ - 4 da đen. 112 thợ học nghề - 6 da đen
Grimsby
Thợ lợp mái: 81 thợ - 0 da đen. 6 thợ học nghề - 0 da đen
Radford
Thợ xây: 366 thợ - 2 da đen. 16 thợ học nghề - 1 da đen
Danh sách còn rất dài, trong đó một công ty xây dựng lớn có hơn bốn nghìn công đoàn viên mà chỉ có bảy người da đen. Công đoàn này đào tạo hai trăm mười tám thợ học nghề, trong đó có ba người là da đen. Không ai có thể nhìn vào những con số quá cách biệt này mà không thấy sự áp bức đã được phong trào công đoàn xác nhận. Điều khiến những con số đó vô lý gấp đôi là tình trạng này đang diễn ra tại Philadelphia, nơi người da đen chiếm ít nhất năm mươi phần trăm dân lao động.

Và không có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ được cải thiện,
Akbar lạnh lùng nói.
Ít nhất là cho đến khi chúng tôi đập cho công đoàn một cú tám triệu đô la, mà chúng tôi sẽ làm thế.


Rắc rối thực sự nằm ở đó,
Cato ngắt lời, và khi anh thể hiện tài ăn nói sắc sảo của mình, tôi có cảm tưởng anh quan tâm đến việc gây ấn tượng với Vilma hơn là với tôi.
Con đường duy nhất để người da đen thoát khỏi ghetto[31] là việc làm. Thế mà ở cái đất Philadelphia này, cơ hội làm việc của người da đen lại bị công đoàn chặn mọi ngả. Và công đoàn là ai? Các con chiên Công giáo ngoan đạo, các con chiên Tin lành ngoan đạo mà nhà thờ của họ đã nhắm mắt làm ngơ trước sự việc xấu xa này. Và các con chiên Công giáo và Tin lành ngoan đạo ấy là ai? Người Ý, Ba Lan, Đức và dân da trắng nhập cư từ miền Nam sợ bị chúng tôi chiếm mất việc làm. Ông có thấy cái nồi áp suất người ta dùng để nhốt chúng tôi không? Không thuế má gì cốt để chúng tôi có thể tự quản lý thành phố của mình. Không có gì ngoài nỗi thất vọng thường xuyên.
Anh quay về phía tôi hỏi,
Giờ thì ông có hiểu tại sao những tài liệu này lại cần thiết không?

Tôi hỏi Akbar,
Chúng ta có thể bảo anh kia đi mua bánh và cà phê được không?
Tôi đưa cho người đàn ông gầy gò năm đô la, và lát sau anh ta mang về một lô túi giấy.
Không còn tiền thừa,
anh ta nói.
Tôi mua sandwich cho các cậu trên gác rồi.

Tôi ngồi xuống giường, nhớ lại một vài kinh nghiệm tích lũy được về lĩnh vực này.
Các ông có quan tâm đến những gì một người lao động da trắng có đầu óc thực tế suy nghĩ về vấn đề đó không?
Họ gật đầu.
Tôi muốn phát biểu bốn điểm. Các ông sẽ đồng ý với ba điểm và cảm ơn tôi đã nói cho các ông nghe. Tôi có thể hình dung được các ông sẽ sử dụng chúng trong các bài diễn văn sau này của mình. Điểm thứ tư sẽ khiến các ông xem thường tôi, và khi tôi đi khỏi đây, chúng ta sẽ thù ghét nhau. Nhưng bắt đầu thôi.

Thứ nhất, mấy năm trước, tôi trông coi toán công nhân xây dựng một con đường núi rất khó thi công nằm ở biên giới Ấn Độ và Tây Tạng. Họ sử dụng lao động nữ. Hàng nghìn phụ nữ trên núi khai thác đá bằng tay không. Hàng nghìn phụ nữ khác vận chuyển đá to bằng những chiếc giỏ sậy nhỏ. Còn có thêm hàng nghìn phụ nữ khác ngồi giữa lòng đường đập đá tảng thành sỏi. Mỗi ngày họ rải được khoảng hai foot đường, nhưng điều đó cũng tốt thôi, vì họ chẳng có việc gì tốt hơn để mà làm, cho đến khi anh tính toán thấy rằng với máy móc và sự chỉ đạo thích hợp, trong một ngày vài người có thể hoàn thành khối lượng công việc mà năm nghìn phụ nữ thực hiện trong một tháng. Tôi nói điều này cho viên đốc công, thì ông ta trả lời, ‘Nhưng chúng ta gần như không mất gì cho bọn đàn bà ấy.’ Ông ta làm hỏng cả dự án của mình vì lao động rẻ mạt như vậy. Sau đó khi đi đến bất cư nơi nào ở châu Á, tôi đều để ý đến lực lượng lao động và nhận thấy tình trạng tương tự. Trước chiến tranh các nhà máy thép Nhật Bản sử dụng hàng trăm công nhân thay cho một cỗ máy, vì họ có nguồn lao động rẻ mạt, và họ cũng có sản phẩm giá thành thấp đến mức không thể cạnh tranh nổi trên thị trường thế giới. Ở Trung Quốc, người ta sử dụng hàng nghìn công nhân ở những nơi chỉ cần đến mười người, vì họ thuê những lao động này với giá rẻ, và kết quả lao động bị suy giảm chất lượng. Tôi kết luận rằng sản phẩm đắt nhất trên thế giới là lao động rẻ, vì nó cám dỗ khiến anh quên mất những hoạt động mang tính lý trí. Anh trả lương cao cho một người, anh đòi hỏi sự đền đáp thích đáng, và từ những đền đáp thích đáng đó, anh thu được lợi nhuận cao.

Vì vậy từ đó cho đến nay, tôi luôn tin tưởng vào việc trả lương cao cho một người, rồi đánh thuế anh ta thật cao vì phúc lợi của quốc gia. Trong triết lý của nước Mỹ về công nhân da đen, điều khiến tôi thấy kinh hoảng là chúng tôi đang đối xử với họ theo đúng những gì chính phủ Ấn Độ đối xử với năm nghìn phụ nữ đó, ngược đãi họ vì tiền công của họ rẻ. Và chúng tôi gây tác hại cho bản thân nhiều hơn là cho người da đen. Tôi sẽ trả mỗi người da đen ít nhất năm đô la một giờ, rồi sau đó đánh thuế họ ra trò vì các trường học và công viên.

Akbar và Cato thích thú lắng nghe lập luận của tôi; đó chính là những gì họ đã hiểu ra từ trước.
Ông bạn, ông hiểu vấn đề rồi đấy,
Akbar phấn khởi reo.
Những người da trắng không cho anh em chúng tôi vào công đoàn thì chính là họ đang làm hại bản thân họ cũng nhiều như làm hại chúng tôi.


Thứ hai,
tôi nói tiếp,
khi tôi tham gia hải quân ở Guadalcanal nghĩa là trong thời kỳ gian khổ ấy - chúng tôi không có đủ người để rải ra trên diện rộng. Bất cứ người nào có thể bắn được súng trường đều phải tham gia tuần tra, vì bọn Nhật ấy rất nguy hiểm. Sân bay Henderson đặt ra một vấn đề nan giải, vì chúng tôi phải giữ cho nó hoạt động để máy bay của chúng tôi có chỗ hạ cánh và tiếp nhiên liệu. Các ông biết chúng tôi đã làm gì không? Nghe thì vẫn có vẻ không thể tin nổi, nhưng chúng tôi đã làm vậy. Chúng tôi lấy dân ăn thịt người thời Đồ đá từ đảo Malaita gần đó... đó là hòn đảo lạc hậu nhất trái đất, tin tôi đi. Và chúng tôi đưa đám người này ra khỏi rừng, mặc quần soóc kaki cho họ và trong hai tuần chúng tôi đã huấn luyện họ lái được xe tải mười tấn để tiếp nhiên liệu cho máy bay. Điều khiến tôi bực mình hơn cả là luận điệu của các công đoàn da trắng Mỹ cho rằng người da đen không thể học được. Nếu hệ thống đồn điền ở miền Nam vẫn còn thịnh hành - cùng với nô lệ da đen - thì các ông có thể hoàn toàn tin chắc người da đen sẽ là thợ điện, thợ xây, thợ nề. Ngày xưa họ đã làm và bây giờ họ sẽ vẫn làm. Và họ sẽ là thợ giỏi hơn đám da trắng tự do trong vùng phụ cận, vì được như vậy sẽ là một nguồn tự hào. Vậy là các kỹ năng đơn giản các ông có thể thực hiện. Còn các kỹ năng phức tạp thì sao?

Điều đó dẫn tôi đến điểm thứ ba. Thời tôi làm việc liên quan đến con đập lớn ở Afghanistan, tôi thấy người ta lấy dân sa mạc, huấn luyện trong ba tháng, rồi giao cho họ một trong những loại máy hiện đại phức tạp nhất. Đó là một cái máy nạo vét lòng sông lớn... hàng nghìn tấn. Nó vào vùng đầm lầy và đào kênh thoát nước. Làm sao để giữ cho nó không bị chìm xuống bùn? Nó mang theo chính con đường dành cho mình... những tấm thảm lớn bằng thép marsden. Nhờ chiếc cần cẩu dài, nó đặt một tấm thảm xuống, bò lên trên, rồi quay cần cẩu về phía sau, nâng tấm thảm vừa sử dụng, đặt lên mặt đầm lầy phía trước. Cuối cùng chiếc máy chết tiệt đó dừng giữa đầm cách bờ khoảng một dặm, nằm lại một mình trên cái bệ mà nó tự xây cho mình. Các ông có tin là chúng tôi có thể dạy cho những người Afghanistan thời Đồ đá ấy điều khiển được cái máy đó không? Chúng tôi đã làm được. Ngày nay anh có thể dạy gần như bất cứ việc gì cho một người có năng lực. Không cần đến một năm đào tạo, người da đen có thể đảm nhận mọi công việc của công đoàn ở Philadelphia, và chắc chắn không làm tổn hại đến sản lượng.

Ý kiến này nhận được sự nhất trí cuồng nhiệt. Thậm chí người đàn ông gầy gò còn nói,
Em trai tôi ấy, nó mà chữa vô tuyến thì không ai bằng.
Lần đầu tiên Vilma cũng phát biểu,
Các anh của em có thể học được. Em biết họ có thể học được.


Điểm cuối cùng của ông là gì?
Akbar Muhammad hỏi.

Điểm các ông sẽ không thích,
tôi đáp.
Một vấn đề ngăn không cho người da đen thực hiện những việc đó khi người da trắng cho phép họ thử..


Mẹ kiếp!
Akbar hét lên, nhảy khỏi giường.
Không được nói như vậy! Cái thời đám da trắng các ông cho phép chúng tôi làm bất cứ việc gì đã qua rồi. Chúng tôi sẽ giành lấy những thứ như việc làm. Và nếu các ông tìm cách ngăn cản chúng tôi thì sẽ đổ máu đấy.
Ông ta giận dữ đi đi lại lại trong phòng, đá những chồng giấy loại in roneo chứa đựng tuyên ngôn của mình.
Nếu một người như ông, người hiểu vấn đề... nếu ông vẫn còn nói đến việc cho phép chúng tôi thử tay nghề của chúng tôi... mẹ kiếp, thế thì còn hy vọng gì nữa?
Ông ta kết thúc câu với bộ râu vểnh lên cách mũi tôi có vài phân.

Tôi xin lỗi. Tôi hiểu.


Không, ông không hiểu!
Akbar quát.
Mẹ kiếp, ông không hiểu. Ngay bây giờ tôi nói cho ông biết là tôi cho rằng mình sẽ bị bắn chết ngoài đường phố Philadelphia... trước khi tôi ba mươi tuổi. Cậu, nói với ông ấy đi!

Người đàn ông gầy gò nói nhỏ đến nỗi tôi gần như không thể nghe được,
Tôi trông chờ mình bị bắn chết. Nhưng tôi sẽ bắt nửa tá người da trắng cùng chết.


Cậu! Cato! Nói với ông ấy đi!


Tôi chắc chắn chúng tôi sẽ phải xuống đường để giành được công bằng. Chúng tôi biết các ông có súng... các ông đông hơn chúng tôi... Tôi trông chờ mình sẽ hy sinh tại đất Philadelphia này.


Khoan đã!
tôi nói to.
Akbar, ông có bằng đại học. Cato, cậu cũng sắp có. Trong xã hội chúng ta có chỗ cho các bạn mà.


Hình như ông không hiểu. Đối với tôi kiếm được việc làm không còn là đủ nữa. Tôi muốn mọi người da đen đều có cơ hội công bằng. Tôi muốn các anh em được tự do, và tôi sẽ chết cho điều đó.

Vilma không nói gì trong lúc những người khác phát biểu tuyên ngôn của mình, nhưng đến lúc này cô làm một việc thậm chí còn gây ấn tượng mạnh mẽ hơn. Cô đi ngang qua phòng, giật mạnh để mở toang cánh cửa đang đóng kín, chỉ cho tôi xem một kho súng đạn nhỏ. Đứng cạnh nơi cất giấu chết người đó như một nàng Jeanne d’Arc[32] da đen, cô không nói gì, rồi đóng cửa và quay lại chỗ của mình trên giường cạnh người đàn ông gầy gò.

Điểm thứ tư của ông là gì?
Akbar hỏi.
Tôi chỉ vào kho vũ khí nói,
Sau chuyện đó thì làm gì còn hào hứng mà nói nữa.


Tôi muốn nghe.


Nó sẽ chỉ làm ông tức giận thôi.


Không hơn nỗi tức giận mà tôi đã trải qua trước đây.


Thế này nhé. Cho đến ngày hôm qua tôi đã có một giám đốc văn phòng tên là Nordness. Đưa ông ta đi cùng từ Geneva. Ông ta bỏ đi rồi. Tại sao? Ông ta bảo tôi rằng tất cả những gì ông ta nhận được từ người da đen ở Philadelphia là ung nhọt. Vì trong những tầng lớp thấp hơn ông và Cato, ông ta không thấy được ý thức trách nhiệm. Nếu thứ Hai ông ta nhận một người vào làm việc thì anh ta mất tăm mất tích ba ngày liền cho đến thứ Sáu. Nếu ông ta mở một chi nhánh ở ven thành phố và tuyển nhân viên da đen thì tuần sau đó văn phòng ấy lúc mở cửa làm việc, lúc không. Nordness tin rằng các nhà lãnh đạo công đoàn hoàn toàn có lý, dù các ông có thích điều đó hay không, khi họ nói, ‘Chắc chắn rồi, người da đen có thể học được, nhưng anh chẳng bao giờ biết được liệu họ có đến làm việc hay không.’ Vì vậy, chừng nào nội bộ xã hội của các ông chưa được sắp xếp lại, chừng đó sự tự lên án đáng sợ này sẽ còn ám ảnh các ông... ngăn không cho các ông có được những điều tốt đẹp mà các ông mong muốn.

Trước sự ngạc nhiên của tôi, Muhammad lắng nghe lời phê bình, mím môi trầm ngâm nói,
Nordness có lý. Chúng tôi biết điều này - một cách đau đớn - và chỉ có chương trình của chúng tôi mới thay đổi được mọi việc... ý tôi là, thay đổi tính cách người da đen.


Các ông có chương trình gì?
chỉ vào hai tập giấy có vẻ như nhất định sẽ làm cho người da đen bị cô lập hơn nữa, tôi hỏi.

Lòng tự trọng,
Muhammad đáp.
Khi nào người da đen có khả năng tổ chức mọi việc theo cách của mình... làm những việc của mình...
Ông ta ngừng lại, cố tìm một khái niệm mà hình như ông ta vẫn chưa định hình được thích đáng, rồi không nói gì nữa.

Tôi hiểu ý ông,
tôi nói.
Và tôi tán thành. Người da đen phải tự xây dựng thành trì tự trọng cho mình, về mọi mặt. Tất cả mọi người đều phải làm vậy. Nhưng nếu các ông cho rằng điều đó đồng nghĩa với việc các ông có thể điều hành một cửa hàng tạp hóa dựa trên những nguyên tắc của người da đen, hay một nhà máy, một văn phòng bảo hiểm, và rằng các ông có thể phớt lờ những nghiên cứu về hiệu suất giá cả hay việc có mặt đều đặn và đúng giờ tại nơi làm việc thì... Ông biết đấy, ông Muhammad, sẽ chẳng có luật lệ đặc biệt dành cho người da đen đâu.


Thế thì ông đã bỏ qua điểm cốt yếu,
ông ta háo hức nói, như thể lấy lại được khả năng suy nghĩ vốn đã bị mất.
Chúng tôi sẽ thành lập các doanh nghiệp mà động cơ chính yếu là truyền lòng tự trọng cho những người da đen điều hành và bảo trợ chúng. Cạnh tranh với các cửa hàng của người da trắng trong vùng phụ cận chỉ là vấn đề thứ yếu.


Sai một trăm phần trăm,
tôi nói thẳng thừng.
Đối với mọi cửa hàng, cả của người da đen lẫn da trắng, động cơ không thể tránh là kiếm lợi nhuận để cho phép nó tiếp tục hoạt động. Các ông thành lập cửa hàng của người da đen và điều hành nó một cách kém cỏi như trong những cửa hàng của người da đen khác mà tôi đã biết, thì mọi người da đen ở khu vực của ông sẽ thường xuyên lui tới cửa hàng của người da trắng, vì nó sẽ là nơi tốt hơn.


Ông sẽ cấp cho ủy ban chúng tôi một trăm nghìn đô la để chúng tôi thử thực hiện cách của mình chứ?


Tôi sẽ không cấp bất cứ thứ gì cho một ủy ban nào cả. Nhưng nếu những người hiểu biết như ông và Cato muốn thử, tôi sẽ cho các ông vay tiền để khởi nghiệp.


Công việc của tôi không phải là điều hành cửa hàng tạp hóa,
ông ta nói.

Vì thế nên chúng sẽ thất bại,
tôi nói.

Vậy là ông thấy không có hy vọng?


Dựa trên những tiền đề ông nêu ra thì... không.


Sẽ không có tiền đề nào khác,
ông ta nói, và với lời lưu ý lạnh lùng này, cuộc thảo luận về kinh tế học của chúng tôi chấm dứt, nhưng một cuộc trò chuyện khác có ý nghĩa hơn bắt đầu.
Người đàn ông gầy gò châm một điếu thuốc, nhưng thay vì hút bình thường như người khác, anh ta lại hít sâu, nhắm mắt, giữ khói trong phổi rất lâu rồi từ từ thở ra. Anh ta rít thêm hai hơi như vậy nữa và đưa điếu thuốc cho Akbar Muhammad, ông này hít vào thậm chí còn sâu hơn, vì có hai lá phối rất khỏe, rồi phả khói ra thành những vòng tròn màu vàng dày đặc lơ lửng trong không khí.

Làm một hơi chứ?
Akbar hỏi, đưa điếu thuốc mời tôi.

Cái gì thế?
tôi hỏi.

Thuốc marijuana,
Thấy tôi tỏ vẻ không hiểu, ông ta làu bàu,
Cỏ, ông bạn ạ. Cỏ đấy.


Ý ông là cần sa?


Chứ còn gì khác nữa, ông bạn?

Tôi chợt mỉm cười, còn ông ta hung hăng hỏi cỏ thì có gì đáng cười, tôi bèn trả lời,
Lúc này là bảy giờ sáng. Chúng ta vẫn chưa ăn điểm tâm,
người đàn ông gầy gò nói,
Ông phải cố qua được cả ngày đấy,
còn Akbar nói,
Chúng ta là bạn bè. Chúng ta vừa nói những chuyện khôn ngoan. Hãy ăn mừng nào.

Tôi định chuyển điếu thuốc cho Cato, nhưng Muhammad chộp lấy cánh tay tôi hỏi,
Ông không cùng hút sao?


Tôi không nghĩ như vậy.

Ông ta giữ tay tôi nói,
Tôi đã bảo ông là chúng ta đang ăn mừng mà. Hút đi.


Phải đấy, ông bạn,
anh chàng gầy gò kia nói.
Nó không làm ông say đâu, một hơi thôi.

Tôi nhìn Cato cầu cứu, anh gật đầu, vậy là tôi hít một hơi dè dặt, cảm nhận vị khói ngòn ngọt, thấy nó vừa vô hại vừa không gây ấn tượng, đoạn chuyền cho Cato, anh hít hai hơi sâu trước khi chuyển cho Vilma. Cứ như vậy, điếu thuốc được chuyền từ người này sang người khác ba lần, sau đó người đàn ông gầy gò lấy ra điếu thứ hai, điếu thuốc cũng được thưởng thức theo cách đó.
Tổng cộng, tôi hít sáu hơi cần sa không sâu lắm mà, trong chừng mực tôi có thể đánh giá được, không tác động đến tôi, nhưng bốn người da đen lại hít sâu, giữ khói khá lâu, và nhả khói ra từ từ, và bởi tương ứng với mỗi lần hút chiếu lệ của tôi họ đều rít đến ba hoặc bốn hơi đáng kể nên họ đã bị tác động theo bất cứ cách nào cần sa có thể tác động được lên ý thức con người.
Xét ở mức độ tôi có thể thấy được, những điếu thuốc ấy giúp họ thư giãn hơn, thân thiện hơn, có phần tỏ ra coi thường hơn tình thế mâu thuẫn họ nhận thấy mình đã lâm vào. Nói một cách ngắn gọn, họ dễ thương hơn và tôi thấy mình có cảm tình với họ hơn. Chẳng hạn như Akbar Muhammad, dần trở nên hết sức thân mật, vòng cánh tay trần khỏe mạnh quanh người tôi và nói năng một cách thẳng thắn, như thể cuộc trò chuyện vừa rồi là một cuộc thử sức chứ không phải cuộc trao đổi quan điểm thực sự.
Ông Fairbanks,
ông ta nói vẻ tin tưởng,
để các yêu cầu của chúng tôi được đáp ứng, chúng tôi sẽ gây sức ép theo những cách sẽ khiến ông giật mình đấy - có thể còn khiến ông ghét bỏ chúng tôi nữa - nhưng chúng tôi sẽ đòi được tiền. Bằng cách này hay cách khác, chúng tôi sẽ đòi được tiền, vì cũng như ông và bạn bè ông ở Geneva, người da trắng có mặc cảm tội lỗi. Họ biết những điều chúng tôi nói đều đúng. Họ biết họ đã lừa gạt chúng tôi - rằng họ nợ chúng tôi một món nợ suốt đời - và người da trắng rất khôn ngoan. Họ chấp nhận sự thật, và sự thật là chúng tôi có quyền được đền bù. Chúng tôi sẽ giành được quyền đó, và khi đã giành được, chúng tôi sẽ thành lập những cửa hàng của chính chúng tôi, theo cách của chúng tôi, và sẽ điều hành chúng theo những nguyên tắc tốt nhất của người da đen.


Và chúng sẽ phá sản trong ba năm,
tôi nói không có ác ý.

Ông có lý!
ông ta đáp.
Đợt đầu sẽ phá sản - từng cửa hàng chết tiệt một. Và qua sai lầm chúng tôi sẽ rút ra được bài học. Và chúng tôi sẽ bắt đầu đợt thứ hai. Và trong những cửa hàng đó chúng tôi sẽ tuân theo mọi luật lệ mà đêm nay ông đã cố gắng giải thích cho tôi hiểu. Rồi những cửa hàng ấy sẽ thành công.


Tại sao các ông không tuân theo luật lệ ngay từ đầu?


Vì chúng tôi phải học,
ông ta nhẹ nhàng đáp.
Và chúng tôi phải học theo cách riêng của mình - cách mà mọi người da trắng trên trái đất này học bất cứ điều gì. Cách của chúng tôi. Tất cả những gì cần thiết là thời gian và tiền bạc. Chúng tôi có thời gian. Các ông có tiền. Và cuộc thử nghiệm có thể hữu ích cho tất cả.


Trước mắt các ông sẽ có nhiều năm bận rộn,
tôi nói.

Quả thật như vậy,
ông ta vui vẻ nói.
Vì chúng tôi sẽ xây dựng lại một dân tộc, và qua đó, chúng tôi sẽ xây dựng lại một quốc gia.

Có lẽ cần sa tác động đến tôi mạnh hơn tôi tưởng, vì khi ông ta nói câu đó thì tôi phá lên cười, và thay vì giận dữ, ông ta cũng cười theo tôi, rồi hỏi một cách hòa nhã,
Có gì buồn cười thế?
thì tôi đáp,
Ông có biết là mấy năm trước, trên thực tế tôi đã là cố vấn cho nước Cộng hòa Vwarda không? Đúng vậy, tôi đã từng làm việc tương đối mật thiết với các nước cộng hòa da đen. Và ngay giữa châu Phi người ta cũng nói chính điều ông vừa nói, ‘Chúng tôi sẽ xây dựng lại một dân tộc và qua đó, chúng tôi sẽ xây dựng lại một quốc gia.’


Chuyện đó có gì buồn cười?
ông ta hỏi, cười phá lên vì câu nói đùa mà ông ta không hiểu.

Buồn cười ở chỗ người da đen châu Phi và người da đen Bắc Philadelphia cùng nói một câu tương tự... và vì những nguyên nhân tương tự.


Thật ra điều ông muốn nói,
ông ta đoán, vừa thúc vào mạng sườn tôi vừa cười khúc khích,
đó là người da đen chúng tôi ở cả hai nơi đều kém văn minh cả.


Xin đừng gán cho tôi ý đó,
tôi nhắc nhở, bật cười vì sự táo bạo của ông ta.
Người đàn ông gầy gò châm điếu thuốc khác, và chúng tôi lại hút theo cách cũ, và một lần nữa tôi chỉ rít cho phải phép.
Rít thật sâu hơi cần sa thơm ngát, Akbar Muhammad nói tiếp,
Tôi nghĩ ông nói đúng, về một khía cạnh. Tất cả người da đen đều gặp vấn đề giống nhau - Vwarda thì trên phạm vi quốc gia, chúng tôi thì trên phạm vi địa phương. Nhưng nó không phải vấn đề riêng của người da đen. Nó là vấn đề của mọi dân tộc đang thoát khỏi cảnh tối tăm. Khi tôi còn học ở trường Michigan State, chúng tôi có một giáo sư rất giỏi. Ông ấy có thể nhìn thấu tâm can người da đen. Một người Ailen to lớn, học tại Notre Dame. Đội bóng bầu dục đứng thứ ba. Ông ấy từ Boston tới, và khi thấy mười sáu sinh viên da đen trong lớp, ông ấy ngừng bài giảng theo giáo án mà thay bằng năm cuộc nói chuyện về đề tài người Ailen sinh cơ lập nghiệp ở Massachusetts như thế nào. Ông có biết giáo sư đã nói gì không? Trong hai mươi năm, mọi người Ailen được nhận vào làm việc tại bang đó đều trở thành hoặc kẻ lừa đảo hoặc kẻ gian lận. Mọi cơ sở buôn bán của người Ailen đều phá sản vì một kẻ nào đó đã ăn trộm máy đếm tiền.

Các giáo dân Tin lành có đủ mọi kiểu chuyện đùa về người Ailen, và chúng đều đúng sự thật, nhưng đồng thời chúng cũng không thích đáng. Vì người Ailen đã kịp rút ra bài học. Họ đã bắt đầu bầu các nhà chính trị trung thực. Họ đã học được cách thuê nhân viên trung thực. Và sau hai thế hệ, nước Mỹ đã tìm được cho mình Jack Kennedy. Sự kiên trì đã được đền đáp.

Akbar với lấy điếu thuốc, rít bốn hơi sâu rồi chuyển cho Vilma.
Trong thời kỳ khám phá và ổn định của họ, người Ailen có rượu whiskey để an ủi. Chúng tôi có cần sa.


Hãy đảm bảo là cần sa không nắm được các ông,
tôi nói.
Lúc đó đã gần chín giờ sáng, và Vilma nói,
Đến lúc tôi phải đi học.
Trong trạng thái phởn phơ trùm lên cuộc gặp gỡ của chúng tôi, câu nói đó làm mọi người phá lên cười, và Akbar nói bằng phương ngữ khá nặng,
Khi thầy giáo hỏi, ‘Em vừa ở đâu đấy, bé con?’ thì em cứ trả lời,
Hút cần sa cùng dzới các tín đồ Hồi giáo Mới.’

Tôi hỏi Cato,
Cậu có phải tín đồ Hồi giáo Mới không?
và Akbar trả lời thay,
Bản thân cậu ấy còn chưa rõ. Cậu ấy chưa biết mình là ai.


Tôi là một tín đồ đấy,
Vilma nói, không tỏ ra thách thức mà thể hiện một mức độ tự hào nào đó. Tôi không đoán được cô là bạn gái của ai, nhưng lúc này cô đứng lên, đi ra cửa, và nói,
Cato, anh đưa em tới trường nhé?
Cato đứng bật dậy đến gần cô, rồi quay lại nói với tôi,
Ông đi cùng chúng tôi thì tốt hơn.

Chúng tôi rời khỏi ngôi nhà, thả bộ dọc phố Thứ Tám tiến về phía trường Classical High, và khi đi xuyên qua khu vực của người da đen gần đó, chúng tôi thấy nhiều đứa trẻ đã bắt đầu đi đến trường, tôi tự hỏi không biết bao nhiêu em trong số đó từng hút những điếu thuốc đặc biệt ấy. Không cách gì biết được, cũng như không ai có thể phát hiện ra Cato và Vilma đang dạo bước giữa một không gian riêng biệt của hai người, trong đó màu sắc tươi sáng hơn một chút và âm thanh cuốn hút hơn.
Trong phòng Muhammad, tôi đã cảm thấy lạ khi Vilma đề nghị Cato đưa đến trường, nhưng lúc này chúng tôi bước vào một khu phố đặc biệt dơ dáy cách trường Classical High không xa lắm và tôi bắt đầu hiểu ra, vì ở đây có nhiều nhóm khá đông con gái da đen tụ tập ở các góc phố để lăng mạ Vilma khi cô đi qua.
Đồ đê tiện!
một cô gái khoảng mười sáu thét vào mặt Vilma.

Mày ngủ cả đêm với thằng da trắng phải không?
một cô khác hét.
Những lời buộc tội ghê tởm chống lại Vilma tuôn ra, nhưng cô làm ngơ và đi sát vào Cato hơn trong lúc chúng tôi bước tiếp. Sau khi anh đã vượt qua cả rừng người phẫn nộ đó, tôi hỏi,
Chuyện này là thế nào?
Cato giải thích,
Cô ấy không chịu nhập bọn với chúng.


Bọn nào?


Phần lớn là bọn con trai. Chính chúng tiến hành giết chóc. Ba mươi hai vụ năm ngoái do bọn trẻ dưới hai mươi tuổi gây ra. Đám con gái là những đứa theo đuôi. Bọn con gái đầu đường xó chợ, người ta gọi chúng như vậy.


Chúng có vẻ hơi hung bạo.


Chúng có thể rất hung bạo đấy.

Lúc này chúng tôi đã đến trước cổng Classical High, một trong những ngôi trường có tiếng ở Mỹ trong nhiều năm qua, nơi các cậu thiếu niên Ailen, Đức và Do Thái có cha mẹ nhập cư tại đất nước này được học những quy tắc cơ bản chi phối cuộc sống ở Mỹ. Ngoài tiếng Latinh và tiếng Anh được kiên trì truyền dạy, những lớp học sinh đầu tiên ấy còn tiếp nhận tầm nhìn sâu sắc về cách điều khiển cái hệ thống mà giờ đây chính họ cũng là một phần. Từ mái trường Classical, nhiều trí thức trẻ đã trở thành trùm công nghiệp, tác giả những quyển sách hay, giám đốc sở cảnh sát và giảng viên đại học. Những chàng trai Ailen nhanh nhẹn trở thành tiền vệ của đội bóng Michigan và Alabama; những chàng trai Do Thái chăm chỉ trở thành các triết gia tại Harvard. Đó là một ngôi trường giàu truyền thống đã đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng thành phố và quốc gia này. Ngày nay về mặt trí tuệ vấn đề chủ yếu của trường là đương đầu với hai mươi tám phần trăm học sinh không biết đọc; về mặt kỷ luật vấn đề chính là ngăn ngừa nạn hiếp dâm và đâm chém tại các khu nhà dành cho học sinh và giáo viên.
Khi chúng tôi tới gần trường, Cato và tôi bị hai cảnh sát chặn lại.
Đừng đến gần hơn nữa,
họ cảnh báo chúng tôi.

Tại sao lại không?
tôi hỏi.

Đang xử trí đám người lớn bán ma túy lậu,
họ giải thích, và khi họ đi, Cato nói với tôi,
Trường này có nhiều vấn đề lắm. Giờ ra chơi người lớn hay lẻn vào bán heroin cho học sinh.

Khi chúng tôi đứng ở góc phố với Vilma, tôi có dịp quan sát ngôi trường nổi tiếng ấy; môn chính tả không còn là một trong những vấn đề nan giải của trường này nữa, vì có rất nhiều dòng chữ viết nguệch ngoạc trên khắp mặt tiền: Hãy gia nhập câu lạc bộ Omaga Phi, Danise yêu Fillip và Toàn bộ quyền lực thuộc về băng Madadors, và xa hơn chút nữa - chữ đỏ - là dòng chữ đáng ngại Bọn Madadors phải chết.

Đó là băng muốn Vilma gia nhập,
Cato nói.
Nhóm con gái thì được gọi là Madadoras.

Một đứa trong đám con gái chúng tôi vừa gặp lúc này nghênh ngang đi qua đầy vẻ đe dọa và lẩm bẩm hăm dọa Vilma. Cảnh sát ngăn bọn chúng lại và một sĩ quan nữ được gọi đến để khám xét. Bà ta tịch thu bốn con dao gập rồi cho phép đám con gái đó vào trường.
Trường này luôn xảy ra các vụ đâm chém,
Cato nói.
Lúc này, một nhóm bốn bà mẹ da đen hộ tống con gái tới trường xuất hiện từ phố Grimsby. Trong cộng đồng da trắng, các bà mẹ như vậy trước hết sẽ không phải đưa cô con gái mười lăm tuổi tới trường, nhưng ngay cả khi đã đi theo trẻ vị thành niên thì họ cũng sẽ tạm biệt chúng ở góc phố, một khi đường phố đã đủ an toàn để vượt qua. Tuy nhiên, ở đây, các bà mẹ đưa con tới tận cổng trường, nơi cảnh sát có thể bảo vệ chúng, vì mấy tháng gần đây đã xảy ra những vụ tấn công đáng sợ trên các con đường dẫn đến ngôi trường này.
Vì lúc này đã đến giờ học nên chúng tôi đưa Vilma vào khu vực được cảnh sát bảo vệ. Cato chào tạm biệt cô và chúng tôi nhìn cô an toàn đi qua cổng, nhưng khi bóng cô đã khuất, một nhóm ba đứa con gái đi qua trước mặt Cato và thầm thì để cảnh sát không nghe được,
Chúng tao sắp thịt con bé ấy đấy. Không đứa nào phản bội băng Madadoras mà còn sống được.
Tôi nhìn mấy đứa con gái đó khi chúng đi ngang qua, những cô gái mười lăm mười sáu duyên dáng đáng lẽ phải quan tâm tới giờ học sử và bọn con trai, vậy mà lại bị ám ảnh bởi mối tử thù dường như là một khía cạnh bình thường trong xã hội của họ.

Không có gì đâu,
Cato nói khi chúng tôi rời khỏi ngôi trường, nhưng dù sao đi nữa tôi vẫn cảm thấy hết sức bàng hoàng.
Ông sợ?
Cato hỏi. Tôi lắc đầu và quay về khách sạn ngủ một lát.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập).