• 1,742

V - Chương 1


Số từ: 6268
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Hàng năm, tại nhiều nước trên khắp thế giới, một nhóm chọn lọc những thanh niên sắp đến tuổi hai mốt phải đối diện với một vấn đề khó xử, dù làm họ phấn khởi nhưng lại vô cùng phức tạp. Họ phải ngồi xuống, suy xét mọi khả năng và chọn một giải pháp mà rồi sẽ quyết định tương lai của họ. Giải pháp đó, một khi đã được chọn rồi thì sẽ không thể thay đổi, và nếu nhầm, có thể sinh ra những hậu quả không hay sẽ làm hỏng họ luôn.
Tất nhiên, những điều trên có thể dùng để nói về bất kỳ người nào trên thế giới: một thời điểm nào đó trong độ tuổi hai mươi mốt, cậu ấy hoặc cô ấy sẽ phải thực hiện một loạt sự lựa chọn cốt yếu sẽ quyết định tương lai, nhưng thông thường ta không nhận thức được điều này. Những thanh niên tôi đề cập đến khó khăn lắm mới nhận thức nổi những gì họ đang làm, vì chỉ trong một thời gian ngắn họ phải lựa chọn cho mình quốc tịch mà họ có bổn phận trung thành trong suốt phần đời còn lại.
Do sự ngẫu nhiên về nơi sinh - hay quyết định đặc biệt của cha mẹ họ vào thời điểm đó - họ được quyền hợp pháp có hai hoặc thậm chí ba hộ chiếu khác nhau. Thời thơ ấu, họ có thể năm trước đi du lịch bằng hộ chiếu Anh, chẳng hạn như vậy, năm sau là hộ chiếu Ý, tùy theo hoàn cảnh. Nhưng đến tuổi hai mươi mốt, họ phải quyết định và tuyên bố chính thức,
Từ ngày tháng năm này tôi sẽ là một công dân Anh,
hoặc công dân Đức, công dân Mỹ.
Tôi quen một vài người có nhiều hộ chiếu như vậy, ấn tượng nhất là một cô gái Thụy Điển dễ thương sống tại vương quốc Tonga ở Nam Thái Bình Dương, một xứ sở chẳng mấy người nghĩ tới. Cha mẹ cô đều là người Thụy Điển, nên cô có quyền mang hộ chiếu Thụy Điển. Cô sinh ra ở London, nên cô cổ thể đòi hỏi quốc tịch Anh. Gần như cô đã sống cả đời ở Tonga, và đủ tư cách làm công dân Tonga. Và vì cha cô đã trở thành người Úc một vài năm sau khi cô ra đời nên cô cũng được tính đến trong cuộc vận động pháp lý và ra đi với một hộ chiếu của đất nước này.
Tôi gặp cô khi cô hai mươi tuổi, một thiếu nữ da trắng xinh đẹp sống giữa những người Tonga da ngăm đen và kích thích trí tưởng tượng của mọi chàng trai ghé qua hòn đảo của cô. Cô hay nói với tôi về việc khi đủ hai mươi mốt tuổi cô nên chọn cái nào trong số bốn hộ chiếu; tôi khuyên cô chọn Úc, vì chắc cô sẽ sống trong tầm ảnh hưởng của quốc gia này, nhưng cuối cùng cô lại làm tôi bất ngờ khi chọn Tonga, và lập luận của cô đã dẫn dắt tôi lần đầu tiên đến với lớp người mà sau này được biết đến như là
thế hệ thoát ly
Cô nói,
Tôi không muốn thuộc về bất cứ quốc gia lớn với những kế hoạch lớn nào. Tôi không muốn gánh trách nhiệm của Anh hay Úc. Cứ mặc cho họ giải quyết những vấn đề của họ theo cách của họ, không liên quan tới tôi. Tôi không muốn là người Thụy Điển với vấn đề điên đầu loạn trí phải sống cạnh nước Nga, để tôi phải bôi nhọ nước Mỹ lúc này vẫn đang cố gắng trở thành một đất nước tự do, để tôi phải tự bảo vệ mình chống lại nước Nga. Tôi muốn là công dân Tonga. Không ai căm ghét chúng tôi. Không ai đố kỵ với chúng tôi. Bất cứ cường quốc nào cũng có thể xâm chiếm chúng tôi bằng cách gửi tấm bưu thiếp một xu cho cảnh sát trưởng của Nuku’alofad[42].
Và quỷ tha ma bắt nếu cô không vứt hết những quyển hộ chiếu khác đi và giữ lại hộ chiếu Tonga.
Xét về mặt tâm lý, trường hợp thú vị nhất là của một thanh niên mà tôi đã dõi theo quá trình phát triển của anh từ lúc mới chào đời - thật ra, từ trước khi anh chào đời. Nhờ một loạt sự kiện lạ lùng, anh được quyền sử dụng hai hộ chiếu hợp lệ - Hoa Kỳ và Israel - và khi trưởng thành, anh dần nhận thức được rằng một ngày nào đó người ta sẽ yêu cầu anh tuyên bố trong hai quốc gia đó anh sẽ chọn quốc gia nào làm tổ quốc vĩnh viễn của mình.
Chuyện là thế này. Nhiều năm trước, khi vẫn còn làm việc cho Minneapolis Mutual, tìm kiếm đối tác đầu tư ở khắp vùng Trung Tây, tôi đã mơ một chiến dịch ở Detroit, nơi tôi mất đứt hai tuần nỗ lực quảng cáo chương trình đầu tư với một trong những chuyên viên kinh doanh của tập đoàn General Motors. Ông là người khác thường, một người Do Thái vùng Odessa tên Marcus Melnikoff; trong ngành công nghiệp xe hơi, ông được gọi là
Mark, người Nga điên rồ của chúng ta
với ít nhiều cảm mến, mà ở Detroit được tiếng là một người cộng sản phản đảng còn hợp thời hơn là một người Do Thái. Ông là một thiên tài quản lý công việc và nhân viên nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn với con gái, cô sinh viên năm cuối trường Vassar, xinh xắn, cứng đầu cứng cổ và cô rất đông kẻ hâm mộ từ trường Yale và Amherst.
Tôi nhớ một buổi chiều năm 1949, khi tôi đang cố gắng giảng giải về những công lao của công ty Minneapolis Mutual thì ông Melnikoff ngắt lời,
Ông may mắn vì có con trai đấy. Đừng bao giờ sinh con gái. Chao ôi, đúng là đau cả đầu!
Đang tìm cách lấy lòng ông nên tôi hỏi vì sao, thế là ông xả hết nỗi lòng:
Vì chúng lớn lên và muốn lấy chồng. Hè năm ngoái là một thằng cha vô công rồi nghề chơi tennis. Chưa từng kiếm nổi một kopekh[43] trong đời. Mùa thu năm ngoái một sinh viên trao đổi người Indonesia. Cái xứ Indonesia ấy nằm ở chỗ chết tiệt nào chứ? Mùa đông năm nay lại là một trợ giảng trường Mount Holyoke với những tư tưởng cấp tiến. Vợ tôi luôn hỏi nó, ‘Tại sao con không thể chọn một thanh niên Do Thái tử tế và đứng đắn nào đó?

Mấy ngày sau, khi tôi rẽ vào nhà riêng của Melnikoff ở Grosse Pointe, tôi thấy ông đang đợi một giáo sĩ Do Thái.
Thật khó xử vì lão giáo sĩ Do Thái Fineshriber chết tiệt ấy đỗ chiếc Ford của lão trên đường xe vào nhà chúng tôi!
ông làu bàu. Lúc đầu, tôi tưởng vấn đề nằm ở nhãn hiệu của chiếc xe vì công việc của ông ở General Motors là cạnh tranh với Ford, nhưng ông giải thích,
Hồi hội đồng địa phương nhóm họp quyết định xem vợ tôi và tôi có đủ trình độ học vấn để được phép gia nhập cộng đồng Crosse Pointe không, những người bảo lãnh cho chúng tôi đã để chúng tôi mạo danh là hai nhà khoa học Nga tị nạn. Ý đồ đó có vẻ làm người ta thích thú, vì vậy chúng tôi được chấp nhận, nhưng lúc nào cũng có một phe không tin, nghi ngờ chúng tôi là người Do Thái. Bây giờ thì cái lão giáo sĩ Do Thái Fineshriber trời đánh này bắt đầu lái xe lên đây, rồi mọi người đều biết hết cả.
Tôi giật mình sửng sốt trước lời phát biểu ấy và định hỏi thì nhận ra ông chỉ đang chế nhạo cái hệ thống đã bị ông qua mặt.
Giáo sĩ Do Thái Fineshriber tới, hóa ra đó là một người to béo, vui tính khoảng năm mươi tuổi, có xu thế hướng ngoại trong tôn giáo cũng như ông Melnikoff trong kinh doanh. Ông không tỏ ra bối rối khi tôi tình cờ nghe được những gì ông đến trao đổi, còn hoan nghênh mọi câu hỏi của tôi, vì vậy chúng tôi ngồi uống nước vui vẻ với nhau trong khi chờ đợi bà Melnikoff, một phụ nữ sôi nổi ngoài năm mươi. Lúc đến ngồi cùng chúng tôi, bà dặn vị giáo sĩ Do Thái phải ôn lại lần thứ hai những lời khuyên nhủ của ông bao giờ Doris quay về sau buổi chơi quần vợt trong nhà với người hâm mộ mới nhất của cô.
Không phải người Do Thái, tất nhiên,
bà Melnikoff nói với vẻ giễu cợt.
Giáo sĩ Do Thái Fineshriber nói,
Tôi thật lòng phản đối kế hoạch đưa Doris về Israel của các vị. Cô ấy sẽ gặp những thanh niên Do Thái... một số người rất có triển vọng. Nhưng có một mối nguy. Lời đồn đại về mục đích đến Israel của các vị sẽ nhanh chóng lan truyền. Người ta sẽ nghe nói đến sự giàu có của chồng bà. Người theo đuổi sẽ ngày càng đông, và tôi muốn bà hứa với tôi điều này. Bất cứ khi nào ai đó trong số họ ngỏ lời cầu hôn, mà chắc chắn họ sẽ làm thế, Doris sẽ phải nói với vẻ vô cùng sung sướng, ‘Ôi, anh David! Cả đời em chỉ mơ ước được sống ở Israel.’ Khi anh ta biết cô ấy có ý định sống ở đó thay vì đưa anh ta sang Hoa Kỳ, bà sẽ thấy nhiệt tình của anh ta bốc hơi ngay. Tôi nói là bốc hơi. Nó biến mất tiêu.
Ông xua mạnh tay trước mặt ra hiệu thủ tiêu hoàn toàn.
Tôi hỏi,
Ông muốn nói thanh niên Israel chủ yếu coi con gái Mỹ như tấm hộ chiếu?


Là một người không phải Do Thái, ông diễn đạt ý kiến của mình rất khá,
ông đáp.
Và với một cô gái xinh đẹp như Doris, khao khát được tới Mỹ và lấy được tài sản của cô ấy sẽ... thế đấy, mạnh gấp bội.

Lúc này Doris đã đi chơi quần vợt về, một cô gái ngoài hai mươi tóc đen, cao, hấp dẫn. Dường như thật nực cười chuyện giáo sĩ Fineshriber và mẹ cô lo lắng đến việc kiếm cho cô một tấm chồng, vì theo như tôi đánh giá, cô gần như có thể lấy bất cứ người nào cô muốn. Chắc hẳn ông Melnikoff đã đoán được ý nghĩ của tôi, vì ông nói,
Có lẽ ông Fairbanks thấy lạ là với một cô gái như Doris mà chúng tôi vẫn lo lắng việc nó lấy một chàng trai Do Thái.
Tôi để ý thấy Doris không hề tỏ ra bối rối khi cuộc bàn luận kiểu này diễn ra trước mặt một người tương đối xa lạ; hình như trước đây chuyện này đã xảy ra rồi.
Nhưng hồi ông còn là một chàng thanh niên sống ở Odessa thì ông nhìn quan hệ Do Thái không Do Thái theo cách khác. Tôi ủng hộ ý kiến đưa ả ngựa non chân dài này tới Israel để rèn luyện một chút.
Ông nghiêng người về phía trước vỗ lên đầu gối con gái.

Vậy thì, Doris ạ, việc cô phải làm,
giáo sĩ căn dặn Doris,
là nói ngay sau khi chàng trai ngỏ lời, ‘Lạy Chúa, em luôn mong muốn được sống ở Israel.’
Ông bật ngón tay sau khi nghĩ thêm:
Hay hơn nữa là cô cứ nói, ‘Em luôn mong muốn được sống trong một khu định cư ở Israel.’ Câu này sẽ làm anh chàng thực sự sợ hết hồn.

Mọi người bàn luận sôi nổi về Israel, đất nước giáo sĩ Fineshriber biết đến với mối thiện cảm nhờ ba lần dẫn các thành viên giáo đường Do Thái của ông hành hương đến. Ông thích đất nước này, hiểu được tại sao người Do Thái muốn lập nghiệp ở đây, và hy vọng những năm tới sẽ có nhiều dịp quay lại. Nhưng vốn là người có đầu óc thực tế biết rõ Detroit và những vùng lân cận, ông thích Hoa Kỳ hơn và cảm thấy ở Michigan một người Do Thái cũng có được cơ hội tốt như ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Ông đặc biệt mong Doris Melnikoff không tự biến mình thành một kẻ ngốc; năm ngoái cô đã ba lần suýt nữa thì làm như vậy với vài kẻ xấu không phải Do Thái, và ông không thấy có lý do gì, sau khi đã tránh được hành động dại dột đó, bây giờ cô lại sa vào một cái bẫy Do Thái không kém phần tồi tệ. Khi rời khỏi đó, vẫn chưa thu được thành công gì trong nỗ lực kêu gọi đầu tư vào quỹ tương hỗ, tôi nghe thấy giáo sĩ nói,
Doris, nếu cô thực sự muốn có một chàng trai Do Thái tử tế, sao cô không thử xem thằng cháu con bà chị ta thế nào? Kính dày cộp, xếp hạng kém ở trường Stanford, thừa ba mươi pound cân nặng, lại còn hơi say mê Karl Marx.
Ở Boston, tôi từng quen biết một mục sư Ailen cũng hay nói đùa kiểu này với giáo dân.
Doris Melnikoff đi Israel thật, cô đã yêu một chàng trai Do Thái tử tế, đã nói với anh ta,
Cả đời em luôn mơ ước được sống trong một khu định cư ở Israel.
Thú vị ở chỗ, chàng trai lại trả lời với sự xúc động sâu sắc,
Anh thấy nhẹ cả người. Anh chỉ sợ em muốn anh sang Mỹ làm việc với cha em.
Chàng trai tên là Yochanan Zmora, một nhà khoa học dạy tại trường kỹ thuật ở Haifa. Khi anh đưa Doris tới thăm thành phố tuyệt vời đó, thành phố nằm trên một ngọn đồi bên bờ Địa Trung Hải, phía Bắc là thành Acre của quân Thập tự chinh và phía Đông Nam là ngọn đồi Megiddo bất biến theo thời gian, nơi xảy ra trận chiến Armageddond[44], cô biết đây chính là những gì cô hằng mong ước, và trong cơn bốc đồng, cô đã kết hôn với anh để chia sẻ niềm hứng khởi xây dựng miền đất mới.
Tôi đang ở cùng cha cô tại Detroit khi ông nhận được bức điện của bà Melnikoff.
Lạy Chúa! Lấy một người Do Thái tên là Zmora và sống ở Haifa ư?
Ông tìm cái tên đó trong Kinh Thánh và nhầm nó với Jaffa, vì vậy suốt thời gian vợ ông ở Israel mua sắm đồ đạc cho đôi vợ chồng mới cưới, ông lại tưởng tượng bà và Doris trong một nơi khác hẳn trên đất nước đó. Qua điện tín, ông thuê một thám tử tư ở Tel Aviv tìm hiểu lai lịch Yochanan Zmora, và người này báo cáo:
Danh tiếng tuyệt vời. Khả năng chuyên môn tuyệt vời. Ngoại hình tuyệt vời. Sinh ra với quốc tịch Anh, tên là John Clifton, Canterbury, xứ Kent, nước Anh. Bằng danh dự về khoa học tại trường Cambridge. Di cư sang Palestine 1946. Lấy tên Hebrew là Yochanan Zmora năm 1947. Tôi không tìm thấy thông tin bất lợi nào về người này trừ việc anh ta nghiêng về phe cánh tả trên chính trường Israel.

Ông Melnikoff đưa tôi xem bức điện và hỏi ông nên bay đi đâu, Jaffa hay Canterbury. Tôi hỏi ông tại sao không ở Detroit chờ bà vợ cung cấp thêm thông tin, nhưng ông gắt,
Tôi mà cứ ngồi lì ở Detroit thì không làm ra một triệu đô la được. Tôi có một nguyên tắc. Nơi nào có chuyện lộn xộn là bay tới đó. Chẳng ích lợi gì, nhưng lại gây ấn tượng ra trò với sếp.
Mặc cho tôi khuyên can, ông bay đi London, thuê một chiếc Rolls-Royce, và thong thả xuống Canterbury gặp ông bà Clifton, đôi vợ chồng môi mỏng hay tỏ vẻ bồn chồn, kinh hoảng trước thói kiểu cách ồn ào theo lối Nga của ông. Tuy nhiên, thấy họ cũng lo lắng cho con trai như mình lo lắng cho con gái, ông nhẹ nhõm hẳn, và khi ông hỏi, tay cầm chén trà hướng về phía bà Clifton,
Thật tình mà nói, ngày nay bà có thể làm được gì với những đứa con cứng đầu cứng cổ chứ?
thì ông đã chiếm được cảm tình của ông bà Clifton. Ông Clifton là một luật sư hạng xoàng kỹ tính; trong lúc bốc đồng, ông đã mời ông Melnikoff tới câu lạc bộ của mình, một nơi rất khó chịu với trần tối màu, tường tối màu, ghế tối màu và màn treo tối màu. Ông Melnikoff nói,
Nơi này rất hấp dẫn,
và ông Clifton nói,
Vâng, thế đấy... hừm, vâng. Nó có phần tốn kém hơn so với mức mà bình thường người ta muốn trả cho những thứ phù phiếm. Nhưng ở đây cũng khá dễ chịu, đúng không?
Sau hai ngày không giải quyết được vấn đề gì, ông Melnikoff bay về Detroit, và khi tôi tìm cách khơi lại cuộc thảo luận về vụ đầu tư của ông với chúng tôi, ông lầm bầm,
Mời ông đi đi cho. Ai mà có thời giờ đầu tư tiền bạc trong khi con gái còn đang ở Jaffa chứ?

Hai năm sau, chuông điện thoại của tôi ở Minneapolis réo lên chói lói và giọng ông Marcus Melnikoff vang lên như hét vào tai,
Xuống ngay nhé. Có việc cần.
Trong lúc lái xe đưa tôi từ sân bay về Detroit, ông đề nghị,
Hãy lập cho tôi một quỹ - một trăm nghìn đô la - lấy tên cháu trai tôi.
Khi tôi hỏi tên gì, ông cau mày nói,
Giờ thì chúng tôi đang phải đối mặt với vấn đề đó đây. Nghe tin Doris có mang, bà Rebecca đã bay tới Israel đưa nó về nhà. Chúng tôi nhất định yêu cầu đứa bé phải được sinh ra dưới quốc kỳ Mỹ - bảo đảm cho nó có hộ chiếu Mỹ. Chúng tôi đã đề nghị giáo sĩ Fineshriber đăng ký tên cháu là Bruce Clifton, dùng họ hợp pháp ở Anh của cha cháu. Tất nhiên, ở Israel cháu nó phải được đăng ký là Yigal Zmora rồi.


Chuyện này nghe có vẻ lôi thôi quá,
tôi phát biểu.
Tôi sẽ ghi tên nào đây?


Không lôi thôi lắm đâu,
ông Melnikoff nghiêm nghị đáp.
Nếu ông từng là một người Do Thái ở Nga, tìm cách bỏ trốn - chuyện sống còn chứ không phải vấn đề sở thích - hẳn ông sẽ đánh giá cao việc một người ông thương yêu cháu chu đáo thu xếp để ông có hai tên... hai hộ chiếu. Khi nó lớn lên, cứ để cho nó chọn lựa. Hoa Kỳ hay Israel. Trong lúc chờ đợi, hãy sử dụng tên Bruce Clifton. Tôi tin chắc nó sẽ là công dân Mỹ.

Vì vậy chú bé lớn lên với hai tên, hai tính cách, hai quê hương. Cha cậu, lúc bấy giờ đã là tiến sĩ Zmora và giữ chức chủ nhiệm khoa tại trường đại học khoa học danh tiếng của Israel ở Haifa, có ý định để Yigal làm công dân Israel và tìm chỗ đứng trong cuộc sống của dân tộc này; nhưng ông ngoại Melnikoff, với nhiệt tình kiểu Nga gia tăng theo năm tháng, lại muốn Bruce làm một người Mỹ thực sự, học tại một trường đại học Mỹ và tạo dựng sự nghiệp trong xã hội Mỹ. Cuộc tranh giành ấy không bao giờ được công khai; theo như những gì tôi được nghe thì chắc chắn nó đã không làm tổn thương cậu bé. Gần như suốt cả năm cậu sống với cha mẹ ở Haifa, nhưng hè nào cậu cũng bay tới Detroit để hiểu rõ quê ngoại. Tiến sĩ Zmora và ông ngoại Melnikoff ganh đua với nhau theo những cách có thể chấp nhận được để tranh giành tình cảm của cậu, và mặc dù khi đó vẫn chưa có cơ hội gặp cậu nhưng tôi nghe nói cậu đã trở thành một thiếu niên tuyệt vời.
Kể cũng lạ là tôi không bao giờ gặp cậu trong những lần tới Detroit, vì tôi vẫn tiếp tục bán cổ phần quỹ cho ông ngoại cậu. Sau khi chuyển sang World Mutual, tôi cũng có thời gian ở Haifa chỉ đạo các công trình nghiên cứu khả thi về vấn đề dầu mỏ của Israel, trong quá trình làm việc đó tôi đã trở nên khá thân thiết với tiến sĩ Zmora và bà Doris vợ ông, vì ông đại diện cho chính phủ Israel trong các cuộc thảo luận với chúng tôi. Dưới sự dìu dắt của ông, tôi được biết khá nhiều về Haifa và, sau những chuyến công tác tại các nước như Thụy Điển hay Afghanistan, tôi luôn hài lòng khi lại được tiếp cận thành phố bậc thang này, tiếp cận cái hải cảng cổ xưa đã từng biết đến nhà tiên tri Elijah[45], những đạo quân của các Pharaoh, xe ngựa của vua Solomon, sự tàn bạo của quân Thập tự chinh. Haifa trở thành một trong những thành phố tôi yêu thích nhất, vì trong các bến cảng của nó tôi có thể nhìn thấy những chiếc xuồng lớn của thành Carthage và những chiến thuyền ba tầng chèo chở các quân đoàn La Mã đến chinh phục Jerusalem. Có gia đình Zmora làm hướng dẫn viên, tôi đã đến tận hồ Galilee ở phía Đông, nơi mang những ý nghĩa quan trọng hơn.
Suốt thời gian đó, tôi cũng lơ mơ biết đến một cậu bé đang trưởng thành với mười tháng trong năm bị cái gánh lịch sử này đè nặng lên vai và hai tháng còn lại bị cuốn hút bởi sức sống và sự cám dỗ của bang công nghiệp Michigan. Một lần, trong khi leo lên đồi Galilee cùng cha mẹ cậu, tôi hỏi Doris liệu bà có bao giờ ân hận vì đã chọn Israel không, và bà kêu lên,
Ô, không! Đối với tôi những sự kiện bình thường trong cuộc sống cũng thành cuộc phiêu lưu. Lấy chồng, có con, chứng kiến thế giới xung quanh phát triển như thế nào. Đó mới là cái quan trọng. Vì vậy tôi cũng sống hạnh phúc như ở Detroit, nhưng không hơn thế này được. Tuy nhiên, ở Israel... ờ, người ta có thêm một điều gì đó.


Còn con trai bà?


Nó sẽ tự mình quyết định,
tiến sĩ Zmora đáp trong lúc đưa mắt khắp chiến trường lịch sử, nơi Saladin[46] đã đánh đuổi quân Thập Tự Chinh.
——
Mùa xuân năm 1956, World Mutual cử tôi đi Haifa để thực hiện một dự án đầu tư thực tế vào nhà máy lọc dầu mới, và tất nhiên tôi điện cho Yochanan Zmora ra sân bay đón, vì tôi sẽ tiến hành đàm phán với ông, và vừa bước ra khỏi cửa chiếc máy bay El Al tôi đã nhìn thấy, đang đứng chờ trên mặt đường rải nhựa phía dưới, Doris Melnikoff, chồng bà và một cậu bé dễ thương độ năm tuổi mặc quần soóc kiểu Anh, đầu đội kova tembely loại mũ nhỏ màu trắng rất được thanh niên Israel ưa chuộng; nó được coi như vật nhắc họ nhớ đến những chiếc mũ được các chiến sĩ đấu tranh cho tự do trong cuộc Chiến tranh Độc lập 1948 tùy cơ ứng biến sáng tạo ra.
Trong lúc cha mẹ chạy lại đón tôi và hỏi thăm tin tức từ Detroit, cậu bé đứng tách riêng một mình chờ cho đến khi màn chào hỏi xong xuôi. Rồi cậu lịch sự tiến lên phía trước, chìa tay ra nói,
Ở đầu này của tuyến bay thì cháu là Yigal, còn ở đầu kia là Bruce.
Tôi bắt tay chào đáp lại cậu, và như vậy chúng tôi đã bắt đầu một mối quan hệ ấm áp được đánh dấu bằng những lá thư định kỳ từ Haifa đến Geneva. Đầu tiên được viết bằng chữ hoa cỡ lớn, rồi với sự súc tích không ngừng được cải thiện, những lá thư từ Yigal với những lời đề nghị tôi mang đến cho cậu, trong chuyến bay sắp tới, những món đồ nho nhỏ quan trọng mà cậu không sao kiếm nổi ở Israel.
Sau này tôi sẽ nhận được những bức thư tương tự từ Vwarda, nhưng người gửi là một cô bé bốc đồng quen được nuông chiều trông chờ mọi người quen mang đến cho cô bất cứ thứ gì cô yêu cầu; cô không bao giờ nghĩ đến việc gửi kèm tiền để trả cho món đồ mình đề nghị. Trong thư của Yigal lần nào cũng có một tờ séc do chính cậu chứ không phải cha cậu ký tên. Tôi có thể hình dung được cảnh cha mẹ cậu dạy bảo,
Nếu muốn một thứ gì đó, con hãy để dành tiền, ra bưu điện và gửi séc đến Geneva cho ông Fairbanks.

Cậu bé yêu cầu những gì?
Cháu đọc một bài báo ở Berlin nói rằng người Nhật đã phát minh ra ống vô tuyến kiểu mới. Ông có thể mang giúp cháu bốn cái được không? Xin ông đừng gửi qua bưu điện vì như thế thì cháu phải trả cước phí.
Khi lớn hơn, cậu nhờ mua đĩa nhạc pop trong catalogue của hãng Phillips ở Amsterdam và một cái thước tính loga hình tròn. Lần khác, cậu lại muốn biết liệu tôi có thể tìm cho cậu một tập bản đồ mới xuất bản ở Moscow không, nhưng cậu cần biết giá tiền trước. Khi tôi báo lại nó là ấn phẩm dành cho người lớn và giá hơn hai mươi đô la, cậu liền hủy bỏ yêu cầu, nhưng trong chuyến đi sau đó tôi đã mang nó theo coi như mòn quà tặng người bạn trẻ dễ thương. Khi tôi trao cho cậu gói quà, to và phẳng, tất nhiên cậu biết ngay đó là gì và rưng rưng nước mắt. Cậu giữ tay ở nguyên bên hông, không chịu cầm. Khi tôi cố ép cậu nhận, cậu nói,
Cháu đã không đúng. Cháu đã làm ông phải mua cho cháu.
Tôi suy nghĩ kỹ một lúc rồi nói,
Phải, cháu đã gợi ý cho tôi. Nhưng tôi mua cho cháu không phải vì lý do đó mà vì ông cháu đã nói với tôi cháu đang trở thành một nhà địa lý tài năng.


Ông cháu nói thế ạ?
Yigal nghiêm nghị hỏi.

Đúng vậy. Khi tôi ở Detroit.


Ồ,
cậu bé trầm ngâm nói,
khi cháu và ông cháu ở trên núi Tabor, ông bị lạc và cháu đã chỉ đường về cho ông.


Nếu thế thì đây là mòn quà rất chính đáng,
tôi nói, vậy là cậu đưa nắm tay lên dụi đôi mắt đỏ hoe và nhận món quà.
Khi học lớp bốn ở trường Haifa, cậu có chỉ số IQ cao hơn 150 nhiều, nhưng các thầy cô giáo nhận thấy cậu không hề có cái vẻ bẽn lẽn thái quá thường thấy ở những trẻ em có trí thông minh cao. Cả người cha Anh và người mẹ Mỹ của cậu đều có quan niệm chăm sóc dạy dỗ con rất thiết thực. Họ trông chờ cậu cư xử cho phải phép, nhưng vẫn khuyến khích cậu tham gia chuyện trò cùng gia đình. Họ thảo luận về chủ đề lịch sử Anh, Mỹ hay Israel, cũng như những vấn đề của cậu ở trường. Nghĩa vụ đạo đức của cá nhân cũng như vấn đề nghệ thuật và tôn giáo được xem xét liên tục. Gia đình Zmora thấy thật khó mà coi trọng thuyết thần học ngột ngạt đang được ưa chuộng ở Israel và không buồn giấu giếm thái độ coi thường đối với cách xử sự lố bịch của các giáo sĩ Do Thái chính thống.
Vợ chồng tiến sĩ Zmora cũng để mắt đến việc cho Yigal va chạm với bạn bè đồng trang lứa. Họ khuyến khích cậu giao du với những nhóm thiếu niên nhập cư ngang ngạnh người Marốc và Iran và gạt bỏ bất cứ lời kêu ca phàn nàn nào của cậu về việc bị đối xử thô bạo. Họ hài lòng thấy cậu tổ chức cho mấy cậu bé trong đám trẻ nhập cư đó lắp điện đài dưới tầng hầm nhà họ, và còn cấp tiền khi cậu muốn mua một cái lều để cho một nửa số bạn của cậu có thể cắm trại trên đồi Galilee và liên lạc bằng sóng ngắn với nửa còn lại trong thành phố. Họ tỏ ra thích thú khi quân cảnh đến nhà thông báo,
Con trai ông bà làm nhiễu tần số vô tuyến của chúng tôi rồi.
Quân cảnh rất kinh ngạc khi biết hóa ra thủ phạm lại là một cậu bé chín tuổi.
Yigal rất yêu Haifa. Đó là một thành phố với những hình ảnh tương phản sống động: một bến cảng nhộn nhịp tàu bè từ mọi nơi trên thế giới, khu thương mại sầm uất từng là tụ điểm của các nhà buôn trong hàng nghìn năm, cao nguyên hùng vĩ Mount Carmel với những nhà thờ Công giáo nổi tiếng và khu tập trung dày đặc người Đức tị nạn. Tuy nhiên, điều làm cậu thích thú nhất là đặc trưng lịch sử của vùng này: cách đó vài dặm là những hang động mà ai cũng có thể leo vào và là nơi cư trú của con người suốt mười lăm nghìn năm. Trong những ngách tối, cậu có thể nhìn thấy những bậc lên xuống có lẽ do người xưa đục đẽo. Còn cả những thành phố không còn tồn tại từng được nhắc đến trong Kinh Thánh với tầm quan trọng nào đó và một nghĩa địa lạ thường trong lòng đất với một số quan tài vẫn ở đúng vị trí và hàng đống bụi đất mà trong đó ta có thể tìm thấy những chai thủy tinh Ai Cập.
Dân chúng Haifa cũng đáng chú ý như chính mảnh đất ấy. Một hôm, tiến sĩ Zmora chỉ cho Yigal một quầy bán các loại báo được viết bằng mười một thứ tiếng khác nhau; trong các gia đình đến chơi nhà họ có nhiều người nói được bảy tám thứ tiếng; phần lớn nói được ít nhất ba thứ tiếng. Đồ ăn thức uống đủ loại lúc nào cũng sẵn sàng, và một số người cao tuổi vẫn mặc quốc phục của nhiều nước trên thế giới, vì vậy một cậu bé lớn lên trong thành phố này buộc phải nhận thức được là trái đất có rất nhiều người không giống mình.
Yigal không phải đứa trẻ phổng phao; thực ra cậu có phần hơi còi, nhưng lại có khả năng phối hợp các ưu điểm của bản thân một cách tài tình đến mức không bao giờ rơi vào thế bất lợi khi chơi với bạn. Trong trò chạy lên chạy xuống vô số bậc cầu thang, vốn là đặc điểm của Haifa, cậu thiếu niên nhỏ nhắn dẻo dai với đôi mắt đen và nước da trắng ấy còn nhanh nhẹn hơn các bạn. Cậu thích những trò chơi đòi hỏi sự kết hợp giữa tốc độ và sự nhẫn nại, vì cậu có thể di chuyển nhanh và do đó vô hiệu hóa được các cậu bé to lớn hơn vốn có lợi thế về sức khỏe.
Vì vậy cũng là lẽ tự nhiên khi cậu thích bóng đá và đá bóng khá giỏi.
Chú bé này có thể trở thành một tiền đạo xuất sắc đấy,
người quen của gia đình nhận xét vào mùa hè khi nhà Zmora về Canterbury thăm họ hàng bên Anh. Ở Haifa, tài nghệ của cậu cũng được đánh giá cao, chưa đến mười tuổi cậu đã được chơi cùng các bậc đàn anh, vì cậu góp phần vào lối chơi của đội, và mặc dù không có cái mà các phóng viên thể thao gọi là
một khao khát tấn công vào điểm yếu của đối phương,
nhưng cậu có khát vọng chiến thắng mạnh mẽ và có nhiều ý tưởng để thực hiện khát vọng đó.
Khi ta đá bóng đến chân cậu ấy,
một đồng đội của cậu nói với tôi,
cậu ấy chuyền lại rất khéo léo.
Không cậu bé nào có thể thốt ra một lời khen ngợi cao hơn, và mỗi khi người ta thành lập đội bóng, cậu đều được tuyển chọn ngay lập tức. Thói quen giao du với các bậc đàn anh sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời cậu.
Tuy vậy, niềm say mê lớn nhất của cậu không dành cho thể thao mà là điện tử. Năm lên chín, từ hộp linh kiện Heathkit tôi mang từ Hoa Kỳ sang cho, cậu đã lắp ráp thành một máy thu thanh hạng nhất, và khi lắp thêm các linh kiện đặt mua từ châu Âu, cậu có một hệ thống chất lượng chuyên nghiệp dùng để liên lạc với tất cả các nước trên thế giới. Một lần tôi mang cho cậu một số thiết bị đặc biệt của Đức, cậu liền vứt cái cũ đi và chỉ trong vài phút đã lắp xong chiếc máy thu thanh mới. Tôi gật đầu tán thưởng và định rời khỏi đó, nhưng cậu nắm tay tôi.
Khoan đã! Ông không đoán được cháu định làm gì ư?
Cậu điều chỉnh các vecnê trên ô dò kênh và vài phút sau đã liên lạc được với một tay nghiệp dư ở Detroit; anh chàng này gọi điện cho Marcus Melnikoff, chẳng bao lâu sau Yigal và tôi đã chuyện trò với ông.
Cậu trở nên thành thạo về thiết bị điện tử đến mức năm cậu mười lăm tuổi, đám bạn bè hơn tuổi, lúc này đang thực hiện nghĩa vụ quân sự trong quân đội Israel, phải nhờ cậu giúp đỡ mỗi khi binh chủng thông tin gặp vấn đề, và trong một thời gian ngắn cậu đã sử dụng và duy trì liên lạc quân sự giỏi hơn cả bọn họ. Yigal thường xuyên lui tới một doanh trại nằm ở một trong những ngọn đồi cao trên núi Carmel; ở đó, cậu cùng bạn bè tháo rời các đài thu phát và trạm tiếp âm của chính phủ, lắp ráp lại với những cải tiến cậu cho là cần thiết, rồi đến mùa hè cậu đi theo mấy người bạn thân trong các cuộc diễn tập, giúp họ xử lý việc liên lạc. Dĩ nhiên cậu đã tự học mã Morse, nhưng đóng góp chủ yếu của cậu bắt nguồn từ hiểu biết về những gì tạo ra bước tiến mới trong lĩnh vực điện tử.
Cha mẹ cậu nhận thấy cả mối quan tâm mang tính trí tuệ dành cho khoa học lẫn mối quan hệ mang tính cá nhân với quân đội của cậu, và vì cậu cũng phải đối diện với ba năm nghĩa vụ quân sự như mọi thanh niên Israel khác, ông bà Zmora cho rằng nếu cậu sớm nhận biết được lĩnh vực chuyên môn của mình và tự hoàn thiện nó thì cũng có ích. Vì thế họ không thấy lo lắng khi phát hiện ra trong nhà có một người lính tham gia quân đội trước tuổi, họ gọi cậu là
chú lính dù của chúng tôi
, nhưng câu đùa ấy dễ bị hiểu nhầm đến mức họ thôi không cố giải thích cho bạn bè nữa. Cuối năm 1966, khi tôi đến thăm dự án dầu khí, bà Doris lại lôi câu nói đùa ấy ra, tôi nhận xét,
Trông cậu ấy còn quá nhỏ để nhảy,
chồng bà bèn nhăn mặt nói,
Anh đã bảo em quên câu nói đùa ấy đi cơ mà,
vậy là để tự biện hộ, bà kể cho tôi nghe toàn bộ câu chuyện về cậu con trai bán quân sự của mình, tôi hỏi,
Bà không sợ ư?
thì bà đáp,
Lo sợ là một khía cạnh của cuộc sống thể kỷ hai mươi. Ông không sợ sao?
và khi ngẫm những chuyện mình từng chứng kiến trên khắp thế giới - nạn đói ở Ấn Độ, cuộc nổi dậy của người da đen chống người da trắng ở Mỹ, việc tái xét ở Vwarda - tôi phải công nhận mình có sợ.

Không nhiều quá,
tôi nói thêm.
Tôi vẫn giữ hy vọng.


Chúng tôi cũng thế,
bà Doris nói, và khi cậu con trai mười lăm tuổi tự tin, dẻo dai của họ bước vào, tôi có thể thấy cậu cũng cảm thấy y như vậy.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập).