• 1,743

V - Chương 5


Số từ: 4531
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Doris Zmora viết thư cho cha mẹ ở Detroit, sao lại một bản bằng giấy than cho ông bà Clifton ở Canterbury:
Trong thời kỳ xét lại này, con luôn nhớ đến những lời chỉ trích Kinh Thánh - đặc biệt là học thuyết xét lại của các học giả Đức. Hai nghìn năm sau, khi nhìn lại những ngày tháng Sáu của chúng ta, các nhà phê bình sẽ viết những tiểu luận chán ngắt giải thích rằng khi chúng ta nói chúng ta phải chống chọi với một trăm triệu quân địch thì có nghĩa là chúng ta không có ý nói đến một trăm triệu thật, vì chúng ta chỉ dùng từ triệu một cách tượng trưng. Điều chúng ta thực sự muốn nói đó là chúng ta phải chống chọi với mười nghìn người. Và khi đọc thấy số quân ít ỏi của chúng ta đã đánh bại đội quân hùng hậu của họ chỉ trong sáu ngày, họ sẽ giải thích rằng chúng ta không có ý nói sáu ngày. Chúng ta đang nói hoa mỹ, với một ngày đại diện cho một mùa, vì vậy chiến tranh thật ra kéo dài ba mùa hè và ba mùa đông. Nhưng vì con đã có mặt ở đây với tất cả sự sáng suốt và nỗi lo sợ cho đứa con trai đang xông pha ngoài mặt trận trong khi lẽ ra nó phải ở trường, con có thể nói với cha mẹ là chúng con đã thực sự chống lại một trăm triệu kẻ xâm lược và đã thực sự buộc chúng phải đầu hàng trong sáu ngày.
Yigal không lãng phí thời gian cho những suy nghĩ như vậy. Cậu cảm thấy rất phấn chấn khi nhìn những tấm bản đồ mới miêu tả các đường biên giới được mở rộng rất nhiều -
Đáng lẽ đường biên giới phải luôn như thế này,
một vài người nói.
Mở rộng quá,
một số người thận trọng cảnh báo - nhưng cậu nhận thấy điều những người mình quen biết thực sự mong muốn là hòa bình. Bạn bè cậu trông đợi một hội nghị hòa bình sẽ được tổ chức trong tháng Tám; đến đầu tháng Chín thì tình hình đã trở nên rõ ràng là sẽ không dễ gì đạt được hòa bình... nếu không phải là không đạt được gì.
Không ai khao khát hòa bình hơn Yigal, người giờ đây cảm thấy cần phải đánh giá tình hình thật thận trọng vì quốc tịch kép của mình. Ở Detroit, cậu có thể tin vào hòa bình - một nền hòa bình không được đảm bảo và không tránh khỏi ảnh hưởng từ những vụ lộn xộn trong dân chúng, nhưng dù sao vẫn là một kiểu hòa bình. Ở Israel thì cậu không biết hòa bình là gì, và điểm khác biệt đó làm cậu lo lắng.
Ở Qarash, mình nhận ra mình không phải kẻ nhát gan. Nhưng mình không cho rằng một người đàn ông nên sống trong tình trạng gay go của Qarash suốt phần đời còn lại. Phục vụ dưới quyền ông Sabra là một kinh nghiệm đáng quý, nhưng đó là việc không nên lặp lại nữa.

Khoảng tháng Chín, khi đã đến lúc phải quay về Detroit hoàn thành nốt việc học tập tại Mỹ, cậu cảm thấy khá hài lòng được tạm xa Israel, và trong chuyến picnic cuối cùng trên rặng đồi trông ra biển Galilee, cậu để các em lại và một mình tha thẩn đến mũi đất cao nơi cậu có thể quan sát được một trong những cảnh tượng kỳ vĩ nhất thế giới từng giành được tình cảm yêu mến sâu sắc của người La Mã, tín đồ của Chúa Jesus và tiếp theo là người Ả rập. Mỗi nhóm người ấy đã tìm thấy và đã bỏ đi, để lại một vùng đất hoang vu khô cằn, nhưng người Do Thái đã biến nơi đây thành một thiên đường xanh tươi hoa lá mà lúc này cậu đang ngồi để vật lộn với những khái niệm lịch sử lớn lao. Có lẽ câu này cũng có ý nghĩa nào đó, cậu nghĩ. Dồn chúng ta xuống biển! Có lẽ nếu người Ả rập bám chặt lấy... từ chối đàm phán với chúng ta... chờ thời cơ... cậu ngập ngừng, không muốn tiếp tục hướng lập luận này nhưng phần kết luận đã tự nó kéo đến: Có lẽ nó sẽ giống như cuộc Thập tự chinh. Có lẽ người Ả rập sẽ tích lũy sức mạnh trong hai trăm năm, và rồi, dần dần, như một dòng sông băng, sẽ dồn chúng ta xuống biển, xóa sạch mọi thứ trước mắt. Cậu bắt đầu tưởng tượng điều này có khả năng biến thành sự thật như thế nào, vì cậu đang ở trên một trong những ngọn đồi từng được Saladin sử dụng trong cuộc tấn công như vũ bão chống quân Thập tự chinh, cuộc tấn công mãnh liệt rốt cuộc đã dồn được chúng xuống biển: Nếu mình là thanh niên Ả rập, mình sẽ nghĩ ra nhiều cách để điều này có thể được thực hiện nó sẽ thành nỗi ám ảnh đối với mình... Cậu sung sướng bật ngón tay trước khám phá mang tính trí tuệ ấy, dù khám phá đặc biệt này không mang lại niềm vui cho bản thân cậu: Và mình sẽ hành động không phải vì lý trí, không phải vì nhu cầu, mà phần nào đó vì tinh thần cuộc chơi. Mình sẽ chống lại người Do Thái chỉ để đùa cho vui. Cậu dừng lại để suy đi tính lại thật kỹ càng: Mình sẽ biến nó thành trò tiêu khiển quốc gia - năm này qua năm khác suốt hàng thập kỷ.
Cậu thấy rõ lời cam đoan như vậy ngụ ý rằng Cuộc Chiến Sáu Ngày sẽ lại tiếp tục: Mọi việc sẽ lại xảy ra lần nữa - Haifa dưới bom đạn... xe tăng vượt qua Sinai... Ông Sabra sẽ trở thành một ông già giảng giải cho các chỉ huy xe tăng mới -
Đừng bao giờ ém xe tăng của các anh ở vị trí cố định...
Đúng là một cuộc sống khủng khiếp. Tuy nhiên cậu vẫn nhìn thấy một tia hy vọng: Nếu bằng cách nào đó cả hai phía có thể bảo đảm sự hòa giải... một cách trung thực... đi đến bản chất của vấn đề và giải quyết những mối bất bình. Buồn bã lắc đầu, nuối tiếc nhìn vùng đất Galilee nơi người Do Thái đã thực hiện được biết bao điều có ích trong khi các dân tộc khác lại làm được rất ít, cậu kết luận: Không phải trong thời gian mình còn sống... mâu thuẫn quá quyết liệt. Trong hai trăm năm nữa, đây không phải nơi dễ chịu để sống. Nhưng rồi, với niềm hy vọng không gì dập tắt được của tuổi trẻ, cậu lại nghĩ: trừ khi chúng ta ngồi lại cùng nhau.
Với kết luận ban đầu này, một kết luận mà cậu quyết định không thảo luận với hai cô em vì chúng không có quốc tịch Mỹ, Yigal quay về Detroit, tại đây cậu rơi vào một địa ngục đặc biệt khiến cậu phải bối rối lo âu suốt niên học 1967-1968. Một mặt, những người Do Thái đa cảm coi cậu là một anh hùng - tệ hơn cả là ông ngoại cậu, đi khoe với hết người quen này đến người quen khác,
Các ông, các bà nói với tôi là vì người Do Thái không chơi bóng bầu dục nên họ không thể chiến đấu được. Các ông, các bà nghe chuyện về cháu tôi xem... mười sáu tuổi đầu
- nhưng điều tồi tệ là cậu phải nghe những câu nói đùa vô lý về sự không hiệu quả của quân Ai Cập; bằng trực giác cậu biết đây không phải cách tiếp cận vấn đề mang tính xây dựng. Có thể những người Ai Cập cậu đã đối mặt ở đèo Qarash không được lãnh đạo tốt, nhưng họ không phải quân nhát gan, cũng không phải đề tài để bông đùa; họ là những người đàn ông phải đối mặt với những vấn đề vô phương giải quyết.
Những ngày đầu niên học, Bruce cố gắng giải thích những gì thực sự xảy ra ở đèo Qarash - lòng dũng cảm của quân Ai Cập, họ đã phá hủy xe tải Israel như thế nào, bộ binh đã tấn công và bắn chết anh bạn cậu dưới gầm xe tải ra sao - nhưng không ai buồn nghe. Chiến tranh là một trò cười trong đó quân Ai Cập là những anh hề.
Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn nữa là càng ngày cậu càng thấy rõ một số lượng đáng ngạc nhiên người Do Thái có giáo dục ở khu vực Detroit trở nên thù địch với Israel và thấy việc phô trương quan điểm thân Ả rập là hợp thời. Lần đầu tiên cậu gặp hiện tượng này là khi một thủ lĩnh trẻ người Do Thái từ Đại học Michigan sang chủ trì cuộc hội thảo ở khu Grosse Pointe, trong buổi hội thảo đó anh ta lên án rằng Israel không khác gì nước Đức thời Hitler và xét trên phương diện đạo đức thì người Ả rập có lý do chính đáng để chống lại những thứ vốn phải được xem như chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Bruce coi lời buộc tội thứ nhất là phi lý và lời buộc tội thứ hai là không có cơ sở, nhưng thậm chí trong chính trường cậu, ba trong số những thanh niên Do Thái có uy tín nhất cũng tuyên bố ủng hộ Ả rập; khi cậu hỏi liệu họ có hiểu một lời tuyên bố như vậy bao hàm ý gì không, họ liền gạt đi:
Chính vì lợi ích của người Mỹ gốc Do Thái mà phải chăm lo sao cho Israel sáp nhập vào các nước láng giềng.
Tuyên bố này lan truyền nhanh chóng, và một trong số ba thanh niên Do Thái đó được mời đến câu lạc bộ địa phương Rotary để trình bày rõ hơn.
Người Do Thái có hiểu biết cảm thấy đặc biệt bị xúc phạm bởi hình ảnh nổi bật của Tướng Dayan[51]. Trong khi một số bạn bè của Bruce tôn Dayan thành người hùng được ái mộ - ai cũng có thể gây cười bằng cách đeo miếng vải che mắt và tuyên bố,
Tướng Westmoreland, tổng thống Johnson giao cho tôi nhiệm vụ giúp kết thúc chiến tranh ở Việt Nam. Tôi có thể dành cho các ông sáu ngày
- thì những người dẫn đầu cuộc công kích triết học nhằm vào Israel lại coi Dayan như bằng chứng của chủ nghĩa đế quốc Do Thái mới. Bruce tự hỏi liệu họ có biết mình đang nói gì không, và một tối, khi cậu và ông ngoại tham dự cuộc họp trong đó ý kiến này được một nhà văn Do Thái khôn ngoan từ New York đến đưa ra, Bruce đứng giữa đám cử tọa hỏi,
Ông có sẵn sàng hỗ trợ cho việc tàn sát hai triệu người Do Thái ở Israel không?
diễn giả bật cười đáp,
Chàng trai trẻ, cậu đang nghe chuyện cổ tích đấy,
vậy là Bruce nói to,
Tôi đang nghe Đài truyền thanh Damascus,
diễn giả ung dung gạt đi bằng câu,
Mọi người đều nói quá lên, đúng như cậu đang làm lúc này vậy,
cử tọa bật cười thoải mái vì đã thoát khỏi tình huống khó xử.
Bruce không được đào tạo về tâm lý học, vì vậy cậu không thể phân tích nguyên nhân một số trí thức Do Thái chấp nhận cách nhìn bất ngờ này, nhưng dù gì đi nữa cậu cũng đủ hiểu biết để mổ xẻ hiện tượng tiếp theo. Grosse Pointe không chấp nhận người da đen, nhưng khu Detroit gần đó thì rất đông, và các ông chủ bà chủ giàu có ở Grosse Pointe lại tỏ ra đồng tình khi nghe đám người hầu da đen bắt đầu bộc lộ quan điểm chống Do Thái một cách dữ dội. Họ có vẻ thích thú khi nghe cô giúp việc nào đó nói,
Adolf Hitler có lý. Bọn Do Thái ấy, chúng điều khiển hết mọi thứ. Chúng là kẻ thù của tất cả những người lương thiện.
Các bà chủ da trắng bị cám dỗ bởi ý tưởng khuyến khích người da đen, và nghiêm trang gật đầu khi họ nói,
Người da đen sẽ không bao giờ có cơ hội ở đất nước này chừng nào chúng tôi chưa giám sát được bọn Do Thái chuyên áp bức chúng tôi.

Thông thường, mỗi năm trường của Bruce tuyển bốn học sinh da đen, nếu là cầu thủ bóng rổ càng tốt, và vì quá trình chọn lọc rất kỹ càng nên chỉ những chàng trai có khả năng trên trung bình mới được tuyển. Trước Cuộc Chiến Sáu Ngày, các học sinh da đen đó thường tìm thấy điểm chung với những chàng trai như Bruce, nhưng trong phản ứng dữ dội kỳ lạ sau chiến tranh, họ bắt đầu xa lánh người Do Thái, đặc biệt là Bruce, vốn được tuyên bố là dân Israel. Mọi người hay nói,
Đáng thương thay cho dân tị nạn Ả rập. Có lẽ chúng ta phải sang đó đặng trả tự do cho họ.

Tháng Hai, nhà trường mời một trong những đại diện Ả rập tại Liên Hiệp Quốc phát biểu trên diễn đàn, và ông ta trình bày rất hay. Ông ta nói đùa mấy câu về tính lười biếng của dân tộc mình, đưa ra vài cách nhìn hài hước coi đạo Hồi như một tôn giáo kỳ lạ và hấp dẫn, cùng một loạt cách thuyết phục khéo léo nhằm thu hút cảm tình dành cho mình. Tóm lại, ông ta đang làm, lần đầu tiên, những gì các nhà ngoại giao Israel khôn ngoan từng làm suốt hai mươi năm qua trên các diễn đàn tương tự. Ông ta khiến mọi người xúc động mạnh mẽ, và sau cuộc họp, đã tiến hành gặp gỡ không chính thức với học sinh, trong cuộc gặp này bốn thanh niên da đen đã đặt ra một loạt câu hỏi thăm dò. Ông ta thẳng thắn nói với họ,
Ở châu Phi, tương lai của chủng tộc các cậu là liên kết với đạo Hồi. Ở đất nước này, tương lai của người da đen các cậu là làm điều tương tự.
Khi ông ta đã rời khỏi trường, hai trong số bốn vận động viên da đen ấy tuyên bố họ đã thành tín đồ Hồi giáo, và khi giờ sử học kết thúc một người hầm hè,
Chúng tao sẽ xua chúng mày ra khỏi mảnh đất đã bị chúng mày cướp đoạt này.

Chính trong bầu không khí đầy biến động này, Bruce Clifton tốt nghiệp với điểm số cao, và điều này lại làm nảy sinh một loạt vấn đề mới, vì người ông vô cùng hãnh diện của cậu đã mở một loạt chiến dịch vận động dẫn đến kết quả là cậu giành được đề nghị cấp học bổng của trường đại học Michigan và Cal Tech. Trước sự sửng sốt của ông ngoại, Bruce tuyên bố,
Cháu sẽ không học đại học ở Mỹ. Cháu đã ghi tên vào trường Technion ở Haifa.


Chắc chắn cháu mất trí rồi!
ông cậu kêu lên.
Cháu có biết vào được trường Michigan khó đến thế nào không? Hay Cal Tech? Như lên thiên đường ấy.


Cháu muốn một nền giáo dục ưu việt,
Bruce đáp.
Tại trường Technion...


Chỉ vì cha cháu làm việc ở đấy thôi. Bruce này, đó chỉ là một trường trung học so với một nơi như Michigan... hay Cal Tech.


Về những lĩnh vực mà cháu quan tâm thì tình cờ nó lại tốt hơn cả hai trường đó.


Thiển cận,
ông Melnikoff hét lên.
Đó chính là vấn đề của Israel đấy. Tính thiển cận chết tiệt.

Nhưng Bruce thậm chí chẳng thèm ngó ngàng đến những mẫu đơn xin học khi ông ngoại đặt chúng trước mặt cậu.
Cháu sẽ học ở Technion,
cậu bướng bỉnh nói, rồi một đêm bà ngoại cậu vào phòng và khuyên,
Bruce, khi một chàng trai có người ông giàu có - người dù muốn hay không vẫn phải lập di chúc - thì cậu ta không nên cứng đầu cứng cổ như vậy.
Bruce lạnh lùng nhìn bà, và bà tiếp tục,
Vì vậy cháu hãy là cậu bé ngoan, bà xin cháu đấy, nói với ông cháu sẽ đi Michigan hay có lẽ là California. Bà nghe nói cả hai trường đều tốt cả.

Bruce giải thích cậu cần hiểu Israel hơn, rằng cậu muốn nối lại quan hệ với những người bạn đã lớn lên cùng nhau, và rằng không gì có thể ngăn cậu quay lại đó. Sáng hôm sau cậu nguệch ngoạc mấy chữ cho ông ngoại, nhờ bạn đưa ra sân bay, và bắt chuyến bay đi Israel, nhưng khi nhận ra nó dừng lại ở London, cậu bèn theo tình thế mà quyết định thay đổi hành trình, tới thăm ông bà nội ở Canterbury.
Ngày thứ ba trong cuộc viếng thăm, Bruce bị một phen bất ngờ trước một điều mà ông nội Clifton nói với cậu. Bruce luôn xem ông bà Clifton như những người lập dị và không quan trọng, cách hiểu này bắt nguồn từ những lời bình luận được ông ngoại Melnikoff đưa ra lúc rỗi rãi
Họ là những người vô cùng bảo thủ

Ông ấy chỉ là một luật sư hạng xoàng thôi
nhưng hôm đó ông nội Clifton nói,
Cháu này, ông muốn cháu ăn trưa với ông ở câu lạc bộ. Đã đến lúc cho cháu hiểu lối sống Anh rồi.
Và ông đưa cậu tới câu lạc bộ ảm đạm mờ tối của mình, nơi trông ai cũng như hơn sáu mươi tuổi, thậm chí cả những người mới trên ba mươi, rồi ông hướng dẫn Bruce cách gọi món chủ đạo trong bảng thực đơn: thịt bò với bánh pudding Yorkshire và bánh xốp kem. Khi tô đựng bánh được mang ra, Bruce lấy một suất khiêm tốn, vậy là ông nội cậu giành lấy thìa và xúc đầy vào đĩa của cháu.
Con trai bao giờ cũng thích bánh xốp kem,
ông nói.
Ông cũng vậy. Cha cháu cũng vậy.

Khi món tráng miệng đã hết - một trong những món ngon nhất Bruce từng được nếm, với sự kết hợp mùi vị kỳ lạ: rượu sherry, kem trứng, quả mâm xôi - ông nội Clifton dẫn cậu tới một căn phòng vẫn ô tối màu và yêu cầu nhân viên phục vụ đi lấy một chiếc cặp chật ních giấy tờ. Khi cặp tài liệu này được mang đến, ông nói,
Bruce, ông đã theo dõi sát sao những tiến bộ của cháu. Cháu là một thanh niên xuất sắc... một trong số rất ít người. Cháu đã chứng tỏ mình có đủ bộ ba đáng tự hào đó: nghị lực, lòng can đảm, trí thông minh. Cha mẹ truyền cho cháu nghị lực. Lòng dũng cảm do cháu tự rèn luyện. Chúa ban cho cháu trí thông minh. Cháu sẽ làm gì với chúng?


Cháu nghĩ là khoa học.


Không, ý ông là ở nước nào?


Chà... cháu vẫn đang suy nghĩ về vấn đề này.


Ông biết. Cháu thiên về hướng nào?

Bruce hít một hơi sâu rồi nói,
Điều này nghe có vẻ kiêu ngạo, nhưng vì ông là người đầu tiên hỏi thẳng cháu... Ý cháu muốn nói là, vì ông là người đầu tiên trao đổi vấn đề đó với cháu một cách hiểu biết... Thôi được, nói thẳng ra - khi ở Israel, cháu thích Hoa Kỳ hơn, và khi ở Detroit, cháu lại thích Haifa hơn.


Đúng thế,
ông Clifton nói bằng giọng mỉa mai, dứt khoát.
Đúng như những gì ông sẽ làm. Nhưng tiêu chuẩn của con người chẳng mấy khi cân bằng. Thế cán cân nghiêng về bên nào?


Nếu nó có nghiêng thì cháu cũng chưa đủ sáng suốt để nhận ra.


Tốt. Ông hy vọng cháu nói thật, vì nó sẽ làm nhiệm vụ của ông dễ dàng hơn.


Nhiệm vụ gì ạ?


Ông hy vọng Israel và Mỹ đang ngang nhau. Vì cháu không bị hạn chế trong hai nước đó, Bruce. Cháu còn là công dân Anh nữa.


Cháu làm sao?


Khi cháu ra đời, ông đã rất ấn tượng trước tính thận trọng của ông ngoại Melnikoff cháu đảm bảo cháu sẽ có quyền mang hộ chiếu Mỹ. Ông đã suy nghĩ về vấn đề này trong hai tuần, tự thuyết phục mình rằng ông ngoại cháu có lý, và đã đăng ký quốc tịch Anh cho cháu.


Bằng cách nào ạ?


Vì ông luôn áp dụng những biện pháp thận trọng để bảo đảm rằng cha cháu vẫn giữ giấy tờ Anh - mối quan tâm sâu sắc cha cháu dành cho Israel không thành vấn đề, lòng tận tụy của cha cháu với sự nghiệp của người Do Thái cũng không sao. Về mặt pháp lý ông vẫn giữ cho cha cháu là cư dân Canterbury.
Ông dừng lại, sắp xếp giấy tờ, tìm thấy thứ ông cần, liền đưa cho Bruce.
Cháu cũng là công dân thành phố này. Tờ khai sinh này chứng minh điều đó. Tờ tiếp theo này là đơn xin hộ chiếu Anh. Chiều nay chúng ta sẽ chụp ảnh và sáng mai sẽ nhận được hộ chiếu.

Bruce chưa kịp phản ứng trước thông tin đáng ngạc nhiên này, ông nội Clifton đã đưa ra hai tập giấy khác, một cái là hồ sơ đăng ký vào trường đại học Cambridge, còn cái kia là hồ sơ xin vào học viện khoa học tốt nhất trong trường đó.
Nếu cháu muốn dành cả cuộc đời nghiên cứu ứng dụng khoa học thực hành,
ông nói,
hãy đến trường Technion ở Haifa với cha cháu. Nếu cháu muốn xây cầu, hãy ghi tên vào một trong các trường đại học Mỹ đó. Nhưng nếu cháu muốn thành nhà khoa học - nếu cháu muốn am hiểu lĩnh vực nghiên cứu nói chung và đóng góp theo khả năng trí tuệ của cháu - thì hãy đến Cambridge.

Trong lúc Bruce vẫn để đống giấy tờ nằm yên trên lòng, ông Clifton lấy ra một tài liệu khác, sổ tiết kiệm ở một ngân hàng Canterbury. Trong quyển sổ này, bắt đầu từ năm 1952, thỉnh thoảng ngân hàng lại nhập thông số về những khoản tiết kiệm nhỏ được ông Clifton dành riêng cho sự nghiệp học hành của cháu nội. Giờ tổng số tiền đã lên tới hơn hai nghìn bảng, được tích cóp cẩn thận từ thù lao ít ỏi của một luật sư hành nghề ở tỉnh lẻ.
Ông không muốn cháu phụ thuộc vào ông ngoại Melnikoff,
ông giải thích.
Ông ấy là người tài giỏi, và nếu cháu là một con ngựa đua, ông ấy sẽ huấn luyện cháu một cách thận trọng. Nhưng cháu lại là người thông minh - một bộ óc nhạy cảm với khả năng lớn lao - và ông không nghĩ là ông Melnikoff có thể đánh giá đúng điều đó.

Tình yêu thương thể hiện qua những tờ giấy kia bao la đến nỗi Bruce không nói nên lời, nhớ lại những chuyến thăm Canterbury chớp nhoáng của mình. Cậu chưa bao giờ ân cần với ông, chưa bao giờ dành cho ông chút xíu tình cảm và sự động viên nào. Canterbury luôn là nơi dừng chân bắt buộc giữa hai điểm cực thực sự của cuộc đời cậu và về căn bản chưa bao giờ là thứ mang tầm quan trọng sống còn.

Nếu cháu không đến đây thăm ông,
cậu thấp giọng hỏi,
ông sẽ làm gì với những giấy tờ này?


Ông sẽ chờ. Ông tin rằng một chàng trai thông minh đối diện với những lựa chọn như của cháu cuối cùng sẽ cần một lời khuyên vô tư.

Hai ông cháu im lặng một lúc lâu, rồi Bruce hỏi,
Là người Do Thái thì ở nước nào tốt nhất?


Tệ nhất là Pháp.


Tệ hơn Đức ạ?


Phải. Vì Pháp thực hành chủ nghĩa bài Do Thái hiểm độc nhất nhưng lại không nhận thức được điều đó. Những người Pháp chân chính - những người yêu nước - không bao giờ tha thứ cho người Do Thái vì đã thúc đẩy vấn đề Dreyfusd[52]. Làm cho các cơ quan chính phủ của họ bị mất mặt trước công chúng, có thể nói như vậy.

Tệ thứ nhì là Nga. Lúc nào cũng lúng túng đến là tội nghiệp về thái độ đối với người Do Thái - hôm trước yêu quý, hôm sau tàn sát. Bất cứ người Do Thái khôn ngoan nào cũng nên nghiên cứu ba sự kiện. Chủ nghĩa quốc xã Đức. Chủ nghĩa Dreyfus Pháp. Và đặc biệt là kinh nghiệm Birobizhand[53] ở Nga. Đến đó mà xem. Nó nằm trên bờ sông Amur ở Siberia.


Chúng không thuộc những nước cháu phải chọn.


Là người Do Thái sống ở Anh không phải chuyện thú vị đâu. Là người Do Thái sống ở Israel cũng không dễ dàng vì giáo sĩ Hồi giáo điều khiển mọi việc và làm mọi sai lầm của châu Âu trầm trọng thêm. Nhưng ở Mỹ thì ông nghĩ sẽ rất khó giữ được tính đồng nhất của dân tộc cháu. Vì người Mỹ hết sức mong muốn đồng hóa người Do Thái.


Ông sẽ làm gì... nếu ông là cháu?


Ông sẽ sử dụng sổ tiết kiệm này để thoát khỏi ảnh hưởng của Melnikoff. Ông ấy yêu cháu, nhưng tình yêu không bao giờ là sự bảo hộ chống lại lợi dụng. Ông sẽ đăng ký vào Cambridge... thoát khỏi ảnh hưởng trí tuệ của cha cháu. Ông sẽ học hành chuyên cần, và khi tốt nghiệp ông sẽ thử đến một đất nước mới mẻ nào đó như Úc, hay có thể là Kenya. Họ sẽ cần tất cả trí tuệ họ phát hiện ra được. Họ cũng sẽ cần một số người Do Thái để giữ cân bằng cho mình.
Ông ngập ngừng, rồi kết luận,
Nhưng ngay bây giờ là các thợ chụp ảnh. Ngày mai, đi London nhận hộ chiếu Anh.

Và mang theo sổ hộ chiếu này – thứ tài liệu màu xanh thẫm quý giá suốt trăm năm nay đã đưa các nhà tổ chức, nhà sản xuất và người quản lý an toàn đi đến khắp nơi trên thế giới - Bruce Clifton rời khỏi London về Israel.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập).