• 1,748

VII - Chương 8


Số từ: 2814
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Rồi sau đó Clive bay từ London đến, vậy là âm nhạc thay đổi, và suốt hai tuần liền quán Alamo bị bỏ bùa mê vì Clive mang theo mình một nhận thức vô cùng hấp dẫn về thời đại này, thế hệ này, đến nỗi ai ai cũng phải lắng nghe.
Một buổi trưa tôi đang ngồi trong quán chờ chỉ thị từ Geneva xem tiếp theo sẽ phải làm gì với đám Hy Lạp ngoan cố thì một anh lính đang lơ đãng nhìn ra con phố nhỏ bỗng đứng phắt dậy reo,
Clive kìa!

Tôi ngó ra ngõ thấy một thanh niên trông hết sức khác thường đứng đó, khuôn mặt chan hòa ánh nắng. Anh ta khoảng hơn hai mươi tuổi, người cao dong dỏng và có phần ẻo lả. Anh ta để tóc dài, có bộ râu rất giống của Chúa Jesus và phía trên là một cặp mắt to nhất, trong sáng nhất mà tôi từng thấy ở một người đàn ông. Anh ta ăn mặc theo phong cách London, khoác một chiếc áo vest nhung rõ ràng là loại đắt tiền; và trên cổ anh ta đeo một sợi dây chuyền Phục Hưng nặng trịch lủng lẳng một mặt đĩa dẹt khá to bằng kim loại, trên có khắc hình cái đầu của họa sĩ Verrocchio. Anh ta khiến người ta nghĩ đến một vị thần đồng áng trẻ trung, chỉ thiếu mỗi cặp sừng và vành lá ô liu.
Các anh lính Mỹ đổ xô ra của reo mừng,
Anh bạn của chúng ta đây rồi!
Họ chìa tay, nắm lấy vai anh kéo vào quán. Anh đáp lại bằng cách hôn vào má từng anh lính và nói với những người còn nhớ được từ các lần gặp trước,
Bạn thân mến, thật tuyệt là bạn đã trở về.


Cậu mới là người đi xa đấy chứ,
một anh lính nói.

Bạn thân mến,
Clive phản đối,
Tôi có bao giờ xa đây đâu. Ổ trụy lạc của Torremolinos, thánh địa Mecca của thế giới, tôi xin cúi chào ba lần,
rồi cẩn thận trao cho tôi thứ đồ đang cầm, anh ngã người nằm sấp xuống đất dập đầu ba lần xuống ván lát sàn nhà.
Tôi vui mừng khôn xiết được ở đây,
anh tuyên bố khi vẫn đang nằm sấp và hôn gió tất cả mọi người,
và tôi có bao nhiêu thứ tuyệt vời mang đến cho các bạn đây! Chà chà!

Lúc này tôi mới có thời gian nhận thấy anh vừa trao cho tôi một cái túi du lịch dẹt khá lớn màu đỏ tía, có hai quai da. Nó dài khoảng hai mươi sáu inch, cao mười ba inch và dày không quá sáu inch, nhưng khá nặng. Trước khi lấy lại túi, anh đi một vòng quanh quán, ôm hôn tất cả các bạn cũ và dừng lại quan sát ba cô gái.
Em là người mới bừng sáng,
anh bảo Britta. Hôn má Monica xong, anh nói,
A, nước da Anh quốc! Hãy chăm sóc bằng kem Pond, nếu không là nó đi đời đấy.
Anh còn định hôn cả Gretchen, nhưng cô lùi phắt lại tỏ rõ là mình không có ý định tham gia trò hôn hít vớ vẩn như vậy. Trước sự ngạc nhiên của cô, anh chộp lấy tay trái cô, tha thiết áp vào môi mình và reo lên,
Người ta nhận ra ngay người đàn bà đoan trang. Cô ấy khép chặt hai đầu gối.
Gretchen chưa kịp phản đối, anh đã đến trước mặt tôi và nói,
Còn bây giờ thì, thưa quý ông, cho xin lại món đồ quý giá này, s’il vous plait.

Trong khi các anh lính Mỹ vây quanh, Clive dọn một chỗ trên quầy rượu để đặt túi và thận trọng mở khóa kéo. Lật nắp túi ra, anh để lộ hai chồng đĩa hát đựng trong những chiếc vỏ thiết kế đúng mốt hiện thời: những cách dựng cảnh kỳ cục, bức hình đơn giản tột độ chụp một quả cà mà nhan đề Aubergine được khắc bằng đồng, bức ảnh bằng giấy sần chụp vụ hành hình công khai ở Belgrade năm 1887, một xêri hình minh họa miền Tây nước Mỹ, trong đó có cả cảnh cạo trọc đầu một người đàn bà da trắng mặc váy lót rộng lùng thùng. Đĩa của hai ban nhạc rock-and- roll Anh chiếm đa số: Octopus, Homing Pigeons. Trông những đĩa hát ấy có vẻ như chưa bao giờ được đặt vào máy quay.

Tôi sẽ bắt đầu bằng đĩa nào nhỉ?
Clive hỏi ý kiến mọi người.

Hôm qua những của quý này còn ở London, chưa bị bàn tay trần tục nào động đến. Hôm nay chúng ta đem chúng ra phục vụ kẻ phàm tục.

Anh gật đầu với đám lính.
Tôi nghĩ tin tức đáng chú ý nhất... thứ thực sự đang làm chấn động nền âm nhạc... là cái này.

Anh lục trong cả chồng và lấy ra chiếc đĩa trên vỏ có hình một tên cangster cùng ba kẻ lập dị đứng dưới cái cây trụi lá trong một khoảng rừng thưa ở miền Tây. Nhìn tấm ảnh gớm ghiếc ấy, tôi không thể đoán được nhạc trong đó như thế nào, nhưng Clive đã giải thích:
Đây là một sự chuyển hướng đầy ngạc nhiên đối với Bob Dylan. Một cuộc tấn công quyết liệt vào nhà thờ... sự bác bỏ gay gắt đạo Thiên Chúa.


Gì cơ!
một anh lính thốt lên,
Chắc hẳn là tuyệt vời lắm,
và qua phản ứng của anh lính, cộng thêm của các bạn anh ta nữa, tôi mới nhận thấy nhóm bạn trẻ này quan tâm sâu sắc biết bao đến những gì đang diễn ra trong mảnh đất âm nhạc của họ. Đối với họ những gì Bob Dylan thực hiện trong đĩa hát mới nhất của anh ta còn quan trọng hơn những điều lệ quân đội mới hoặc bài xã luận trên New York Times. Âm nhạc rất có giá trị; các lĩnh vực văn hóa khác đều nằm trong tay nhà nước hoặc bị những ông già như tôi kiểm soát, nhưng thứ âm nhạc này thuộc về họ, và việc nó sỉ nhục những cơ chế ổn định hơn trong xã hội càng làm cho nó quý giá gấp đôi.

Trời, tôi muốn nghe xem Dylan nói gì với chúng ta đây,
một người phát biểu trong khi quan sát Clive lấy chiếc đĩa ra khỏi vỏ; anh thanh niên người Anh hành động như một giáo sĩ đang điều khiển nghi lễ tôn giáo. Chỉ mấy đầu ngón tay anh chạm vào mép đĩa để không gây hư hại. Nhẹ nhàng Clive đặt đĩa vào đế xoay, điều chỉnh âm lượng lên mức lớn và ngả người ra sau để thưởng thức đĩa nhạc mang tính cách mạng mà anh và bạn bè cho là đáng nghe.
Quả là một đĩa hát rất lạ thường, mỗi đoạn nhạc đều mang một ý nghĩa khó hiểu. Khi Dylan, bằng giọng mũi của mình, nói chuyện với ông chủ nhà, người rõ ràng đang tính đuổi anh đi, Clive giải thích,
Tất nhiên, anh ấy muốn nói đến Chúa,
và khi Dylan yêu cầu Chúa không đánh giá thấp anh, đổi lại anh cũng sẽ không đánh giá thấp Chúa, đám lính đều hiểu được ngay. Kẻ lang thang lẻ loi cô đơn trong bài tiếp theo là con người bị chính tín ngưỡng mà mình chấp nhận lừa dối. Vị sứ giả xấu xa, Clive giải thích, là tất cả giáo sĩ thuộc mọi tôn giáo đã chỉ dẫn lầm lạc và ăn cắp của những người ngoan đạo; tôi thấy ca khúc này đặc biệt hoang dại, chất chứa thái độ khinh bạc của tuổi trẻ. Tom Paine, thất vọng cay đắng với tôn giáo có tổ chức, là nhân vật chính của một ca khúc; ông thánh Augustine vỡ mộng là nhân vật chính của một ca khúc khác.
Tôi thấy phần lớn các ca khúc đều nghèo nàn, kiểu suy nghĩ mà lẽ ra người ta nên hoàn thiện trong những cuộc tọa đàm nhóm ở trường đại học – năm thứ nhất, không phải năm cuối - nhưng có một bài hình như khá hơn những ca khúc còn lại; bài này kể về một
kẻ nhập cư khốn khổ ăn nhưng không no
, thể hiện một linh hồn ngoan đạo sâu sắc và không thay đổi theo thời gian. Khi đĩa hát kết thúc và nhóm người Mỹ đã có có hội tiếp thu thông điệp cơ bản của nó, tôi mới đánh giá dựa trên những nhận xét của họ rằng những gì Dylan giải thích về tôn giáo hiện đại có ý nghĩa với họ hơn bất cứ thông tri nào của Giáo hoàng. Trong những ngày tiếp theo, họ yêu cầu Clive cho nghe đi nghe lại đĩa hát ấy, vì nó dường như đang trực tiếp nói với họ.
Thực ra nhạc trong đĩa hát của Dylan không gây ấn tượng mạnh lắm - chủ yếu là trống và guitar - nhưng hai đĩa Clive tìm được sau đó lại chú trọng vào kiểu hard core theo lối trình diễn hiện đại. Một ban nhạc London tên là Octopus trình bày một tiết mục kích động có tên là
I Get All Hung Up
[72], trong đó ca sĩ rống lên mấy từ đó bốn mươi bảy lần, chỉ xen kẽ một vài mệnh đề, vừa mù mờ vừa điên khùng, không hề cho biết tại sao anh ta phải hoãn tất cả lại. Bài hát gây ấn tượng mạnh mẽ cho những người ủng hộ, họ nói với tôi,
Đây là bản khá nhất mà Octopus từng ghi âm.
Khi tôi thắc mắc tại sao việc nhắc đi nhắc lại mãi chỉ một ý lại đáng ca ngợi, họ bảo tôi,
Ông không hiểu gì cả. Cái chính là cách phối hợp nhạc nền.
Khi đĩa đó được phát lại, ít nhất cứ mười lăm phút một lần, tôi lắng nghe phần nhạc đệm và nhận ra tiếng organ điện tử tạo thành một tràng rền rĩ thê lương thích hợp với lời bài hát và tiếng hai chiếc guitar điện nghe như súng máy chơi nhạc. Nhạc cụ thứ ba thì tôi không nhận ra, vì vậy một anh lính phải nói cho tôi hiểu:
Đó là kèn harmonica... thổi rất gần mic.
Tôi lắng tai nghe chăm chú hơn nhưng không thể xác nhận được chỉ dẫn đó.
Tuy vậy sự phối hợp giữa ba nhạc cụ đó, cộng thêm giọng mũi rền rĩ với cách phát âm của người da đen ở Nam Carolina - mặc dù ca sĩ chưa bao giờ ra khỏi London - thật khác thường và đầy uy lực đến nỗi tôi bắt đầu hiểu tại sao thanh niên lại đánh giá nó cao như vậy. Có phải tôi đã hiểu không? Đĩa này được thu với âm lượng lớn đến nỗi tất cả những gì tôi nghe được, nghe được thực sự, là một mớ âm thanh hỗn độn choán hết không gian. Tôi nói điều này với Monica, cô bụm tay lên miệng rồi thốt lên,
Chú ngốc quá! Chú không nắm bắt được kiểu xoắn xuýt tuyệt diệu của âm thanh rồi - giống như vòi bạch tuộc ấy? Chú nghĩ ban nhạc ấy lấy tên ở đâu ra chứ?
Vậy là tôi nghe lại một lần nữa, còn cô thì giảng giải tiếng hai cây guitar và organ liên tục xoắn xuýt như thế nào trong khi tiếng harmonica lanh lảnh dẫn dắt giai điệu. Đó là một sự đóng góp về âm nhạc không đáng kể lắm, mà rốt cuộc tôi cũng đã hiểu được.

Chú sẽ thích Homing Pigeons cho mà xem,
cô khắng định với tôi.
Nhạc của họ là dành cho những người cổ hủ.
Và khi Clive đặt đĩa mới vào máy, tôi hoàn toàn đồng ý vì tôi có thể nghe được lời và ca từ đều có nghĩa.
Clive là ai? Tôi chưa nghe nói đến họ của anh, nhưng anh từ London tới và hiển nhiên thuộc một gia đình danh giá vì trước kia Monica có quen biết anh.
Cha anh ấy và Sir Charles đã hợp tác với nhau,
cô nói với tôi,
nhưng đó là hồi trung học hay đại học thì cháu không rõ lắm.

Năm mười sáu tuổi, Clive tạo được ấn tượng ngắn ngủi trong một nhóm nhạc cống hiến loạt âm điệu mới mẻ; là gì thì tôi chịu, nhưng tôi có xem bức ảnh anh chụp thời kỳ đó, phục sức quần áo thời vua Edward và ngồi bên cây đàn clavico hai bàn phím, chắc hẳn là cách tân cho rock-and-roll. Năm anh mười tám, ban nhạc đó không còn được ưa chuộng nữa và ở tuổi hai mươi anh thành ra một ngôi sao hết thời. Giờ đây, ở tuổi hai mươi ba, anh đang sáng tác ca khúc cho người ta - những ca khúc mà tôi khám phá ra là rất hay - và để giữ cho khả năng sáng tạo của mình luôn mới mẻ, anh du lịch tới các trung tâm khơi nguồn cảm hứng: Mallorca, Torremolinos, quần đảo Antibes, Marrakech. Trong những chuyến đi ấy, anh chỉ mang theo chiếc túi xách tay nhỏ và cái túi du lịch bằng vải dày màu đỏ tía đựng những đĩa hát mới nhất từ London và New York.
Đến mỗi chặng dừng chân, anh đều tìm ra quán bar hay quán cà phê nào đó có máy hát, ở đó anh sẽ nép mình, thông báo miễn phí về những gì đang diễn ra trong thế giới âm nhạc, cho chạy đĩa hát của mình với âm lượng tối đa và làm tràn ngập khắp không gian âm thanh vang dội của tất cả các ca khúc phong cách mới vừa trình làng sáu tháng qua. Bất cứ cuộc viếng thăm nào, tiết mục đinh cũng bắt đầu khi anh đặt lên đế xoay một trong những sáng tác của mình, và lúc này tại quán Alamo, đã đến lúc anh tiết lộ những gì anh làm được kể từ lần đến chơi trước.

Tôi đã viết được hai bài,
anh giới thiệu.
Một cho Procol Harum.
Hóa ra đó là một ban nhạc London khá danh tiếng.
Và một bài khác cho Homing Pigeons.
Anh cho nghe bài thứ hai trước, và tôi chưa chuẩn bị tư tưởng để thưởng thức cả nội dung lẫn phong cách vì về mặt âm nhạc nó bắt nguồn trực tiếp từ Mozart còn về mặt thơ ca thì từ Homer và Sappho.
Ngày xa xưa, ngày xa xưa lắm!
Giữa các đảo Hy Lạp, ta dong buồm lên
Nô lệ trẻ khỏe, tìm lái rượu rao bán
Rao bán nô lệ và kiếm tìm bến bình yên.
Ngày xa xưa, ngày xa xưa lắm!
Phố xá trên đất liền, ta đi khắp bốn phương
Gái trinh, tìm nơi lắm của nhiều tiền rao bán
Rao bán gái trinh và kiếm tìm bến tình thương.
Ngày xa xưa, ngày xa xưa lắm!
Mặt trời lặn, ta hãi hùng kinh sợ
Ta nằm chỉ một mình khi huyên náo đã qua
Rao bán nô lệ
Trao tay gái nhỏ
Đổi chác ngọc trai
Cướp bóc hầm mộ
Và đêm chong mắt, đối diện những hành động của chính mình.
Ban nhạc Homing Pigeons đã tạo cho tác phẩm của Clive phong cách thích hợp; về cơ bản họ chơi với cảm hứng trữ tình thế kỷ mười tám, nhưng ở những dòng không nhịp điệu như
Gái trinh, tìm nơi lắm của nhiều tiền rao bán,
họ lại mang đến nét dồn dập kỳ quái khiến nó trở nên khá hiện đại. Tôi vô cùng ngạc nhiên thấy các anh lính trẻ chăm chú lắng nghe ca khúc của Clive đến thế; không cần nói thành lời, anh đã mở một cuộc tấn công vào lực lượng quyền uy, và việc này thì họ tán thành.
Khoảng hai giờ sáng, Clive nói,
Ngày hôm nay dài quá. Tôi mệt rồi. Cái túi ngủ có còn ở đó không nhỉ?


Yigal đang dùng.


Thôi vậy. Còn gì có thể dùng được không?

Britta đáp,
Anh có thể ngủ trong chiếc pop-top.


Chờ đã!
Gretchen phản đối.
Tôi phải lên tiếng mời mới được chứ.


Y tớ là,
Britta giải thích, đôi má đỏ bừng,
Yigal và Clive có thể ngủ trong chiếc pop-top còn cậu có thể nhận cái túi ngủ.


Sáng kiến hay đấy,
Gretchen nói, và không bàn cãi gì thêm nữa, họ về đi ngủ.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập).