VIII - Chương 3
-
6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập)
- James Albert Michener
- 3531 chữ
- 2020-05-09 03:39:50
Số từ: 3515
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Cách trung tâm thị trấn Alte không xa có một công viên um tùm mà phía Đông giáp một thác nước cuồn cuộn. Đó là một quang cảnh đẹp đẽ lạ thường, vì vẻ đơn sơ mộc mạc, bục sân khấu bé tí và những con đường đi dạo viền gạch khiến nó giống một căn phòng ngoài trời rộng rãi hơn là một nơi công cộng, trong khi nước róc rách chảy qua lớp đá cuội tạo nên tiếng nhạc liên miên, dù dàn nhạc có mặt hay không.
Nổi bật trong công viên là bức tượng thô sơ tạc hình người con duy nhất của thị trấn quê hương từng đạt được chút tiếng tăm. Trên nét mặt đá cổ điển nổi bật bộ râu dài, Candido Guerreiro nhìn xuống công viên mà ông từng yêu quý; hồi ông còn sống, nó còn chưa được lát gạch. Tấm biển đặt ngay dưới bộ râu của ông có khắc:
A MEMORIA DO GRANDE POETA ALTENSE.
Bởi vì tôi sinh ra dưới chân bốn quả núi.
Nơi tiếng suối reo vui...
Người ta cho rằng đây là hai dòng mở đầu của bài thơ thi sĩ viết tặng Alte; một lần tôi đã được nghe người ta ngâm mấy câu này theo giai điệu thương tâm hơn cả bài cầu nguyện tang lễ, nên đi đến kết luận là nếu thi sĩ quá cố ấy có sống vui vẻ gần công viên này thì ông cũng không thể hiện được thực tế đó trong lời thơ của mình.
Chiếc pop-top không được phép đậu trong công viên. Một đường ống dốc từ trên một trong bốn quả núi được dẫn ngầm đến vòi đài phun nước bằng đá gắn vào chính bức tường đặt tượng nhà thơ, và tất cả đàn bà con gái thị trấn Alte phải đến chỗ đài phun nước này, kéo theo những bình đất sét nung rất lớn để hứng đầy nước. Vì vậy công viên này không chỉ là nơi vui chơi hội hè; nó còn là trung tâm thiết yếu của thị trấn, vì đây là nguồn cung cấp nước duy nhất.
Gretchen hỏi một viên cảnh sát xem họ có thể đậu xe ở đâu, và anh ta tìm cho họ một địa điểm có nhiều cây cối nằm sát thác nước, vì vậy họ ở ngay trong tầm tiếng nhạc của nó. Sau này, tại những thời điểm khác nhau, mỗi người trong sáu bạn trẻ đều kể với tôi,
Cho dù chúng cháu có đi đâu... cháu vẫn nhớ về Alte như phần thú vị nhất của cuộc hành trình.
Một nguyên nhân khiến họ nhớ Alte với cảm tình như vậy chính là ban nhạc. Đêm thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật, các nhạc công mang theo những nhạc cụ mòn vẹt vì thời gian tập hợp ở bục để hòa tấu. Vì trong thị trấn không có truyền hình, không rạp chiếu phim và chỉ một vài cái đài cho nên các buổi hòa tấu này là nguồn tiêu khiển duy nhất, và những lúc như thế công viên chật ních người.
Họ từ đâu ra thế nhỉ?
Gretchen thắc mắc, rồi cô bắt đầu đi tìm hiểu và được biết ít nhất một nửa số thính giả là người từ các vùng quê lân cận.
Không biết em có hiểu được hết lời họ nói hay không,
cô nói với các bạn vào một đêm khi cả nhóm đang nấu bữa tối bên thác nước,
nhưng em dám chắc họ kể một số phụ nữ phải cuốc bộ mười bốn, mười lăm dặm đấy.
Cả đi cả về ư?
Britta hỏi.
Mười bốn dặm để đến đây, mười bốn dặm đi về.
Yigal huýt sáo. Rồi đến tối thứ Bảy, họ đã hiểu ra. Khi tới công viên để xem dàn nhạc địa phương trình diễn, họ thấy những chiếc ghế mà dân thị trấn mang theo đã được xếp vòng tròn, để lại một khoảng trống lát gạch ở giữa. Ban nhạc bắt đầu chơi một khúc rộn ràng, nam nữ thanh niên nông thôn liền kéo nhau ra nhảy, và chẳng mấy chốc công viên đã biến thành một màn trình diễn đẹp mắt của chuyển động, những bộ quần áo dân dã đu đưa xoay tròn và cái gật gù của những bộ mặt nhăn nheo sạm nắng khi người già quan sát với vẻ tán thưởng.
Các bước nhảy khá phức tạp nhưng không khó, và sau vài phút nhóm bạn đứng ngoài theo dõi, Yigal nắm tay Gretchen kéo vào vòng. Anh đã học nhiều điệu nhảy dân gian ở Israel, và màn trình diễn của anh được dân Bồ Đào Nha vỗ tay khen ngợi nhiệt liệt, trong khi Gretchen, vốn có sẵn tình yêu âm nhạc, nhanh chóng nắm bắt được nhịp điệu và cố gắng theo bước nhảy khá chuẩn. Khi tiết mục tiếp theo bắt đầu, Cato mời Britta nhảy, họ thành một đôi ấn tượng vì cô biết nhiều điệu nhảy Na Uy cổ điển và dễ dàng chỉnh sửa cho chúng thích nghi với phong cách Alte, còn Cato nhảy điệu swing - đám người Bồ Đào Nha tán thưởng ầm ĩ.
Đến điệu thứ ba, viên pháp quan của thị trấn đến mời Gretchen nhảy cùng ông, và bằng cách đó bước làm quen thuận lợi của sáu bạn trẻ với cuộc sống địa phương đã bắt đầu. Họ thật trẻ trung, cách cư xử thẳng thắn có sức lôi cuốn đến mức dân lao động của thị trấn chấp nhận họ ngay. Họ được mời tới dự những bữa ăn đơn giản đến khắc khổ và phong phú đến thừa mứa. Họ đến nhà thờ cùng dân thị trấn, đi thăm bệnh cùng ông bác sĩ địa phương, tổ chức picnic trên đồi, và ngày nào cũng leo lên nơi có thể phóng tầm mắt thấy toàn bộ thị trấn như một hình ảnh thu nhỏ của một thế giới đã biến mất từ lâu. Trong mấy tuần lễ ấy, họ đã sống như người ta từng sống ở châu Âu năm trăm năm trước, và để đáp lại lòng hiếu khách của thị trấn, nhóm bạn đứng ra biểu diễn vào những tối ban nhạc không chơi.
Gretchen mang theo cây guitar, rồi, ngồi trên một cái ghế dài kê giữa đài phun nước và nhà thờ, cô chơi những khúc ballad cổ mà có lẽ mỗi bài đều bắt nguồn từ cuộc sống hàng ngày của chính những người dân kia. Thực tế này được Gretchen nhận thấy rõ vào đêm thứ Năm đầu tiên khi cô đang hát, vì cô nhìn thấy một phụ nữ nông thôn gầy khẳng khiu, mặt mũi hốc hác, có lẽ phải ngoài bảy mươi đứng bên rìa, đáng chú ý là bà ta đi cùng người con gái rất xinh khoảng mười sáu mười bảy tuổi. Cả hai đều đi chân đất và đứng tách xa đám đông, lắng nghe bản nhạc với niềm thích thú lộ rõ trên nét mặt. Người đàn bà còn vỗ tay đánh nhịp và lúc nào cũng có vẻ như sắp bật lời hát theo.
Gretchen đang băn khoăn không biết hai người mới đến ấy là ai thì một phụ nữ đứng gần đó xích lại gần nói,
Có một người tôi nói chuyện với cô rồi. Bà ta đã đi bộ mười bốn dặm đấy.
Vì vậy lúc nghỉ giải lao, cô đến bắt tay người đàn bà và kinh ngạc nhận ra bà ta chỉ khoảng trên bốn mươi. Gretchen cũng nói chuyện với cô con gái - bằng tiếng Pháp nhưng cô bé không hiểu - vì vậy họ đành đứng thế một lúc cho đến khi có người đến phiên dịch giúp.
Vâng, tôi và con gái sống trên núi...
Vâng, chúng tôi đi bộ mười bốn dặm...
Có chứ, chúng tôi có giày dép nhưng phải để dành đến lúc nhảy...
Có, tôi có chồng nhưng nhà tôi làm việc vất vả quá nên chẳng thể nghĩ gì đến âm nhạc.
Vâng, trên núi mọi người đều biết các anh chị đang ở đây.
Hai mẹ con cũng tham dự buổi hòa nhạc thứ Sáu, và tối thứ Bảy cô gái xuất hiện trong bộ váy quê rất dễ thương, đi bít tất có sọc nổi và giày cao gót. Hiển nhiên cô là người xinh đẹp nhất trong đám nông dân, một thực tế khiến bà mẹ hãnh diện ra mặt. Nhiều thanh niên Bồ Đào Nha đến mời cô nhảy, và đến giữa buổi tối Yigal tiến lại gần cô, cúi chào và đưa tay ra. Cô liếc nhìn mẹ thấy bà chau mày, nhưng Yigal đã đưa cô vào vòng nhảy rồi.
Họ tạo thành một cặp ăn ý, mặc dù cô cao hơn anh một chút, và lúc này Joe đã xin được nhảy cùng cô, rồi đến lượt Cato. Cô nói với họ tên cô là Maria Concepcião, và sau đó Gretchen phát hiện ra cô không biết đọc biết viết.
Đêm Chủ nhật, khi ban nhạc biểu diễn xong bài cuối cùng, Maria và mẹ cô cẩn thận gói ghém giày và váy áo đẹp định đi chân không lên núi, nhưng Gretchen đã vội ngăn lại, nói cô sẽ đưa họ về nhà. Ý kiến này quá bất ngờ khiến Maria và bà mẹ ngơ ngác không hiểu được cho đến khi Joe lái chiếc pop-top tới. Cato và Monica ở lại ân ái trong rừng, còn bốn người kia leo lên xe cùng hai người phụ nữ Bồ Đào Nha và bắt đầu men theo những con đường núi ngoằn ngoèo.
Khi cả đoàn về tới nhà Maria Concepcião thì đêm đã khuya, và sự choáng váng mà cha cô phải trải qua khi thấy vợ con về nhà trên một chiếc xe tư nhân chỉ thua mỗi cảm giác kinh ngạc của các bạn trẻ khi thấy những người Bồ Đào Nha này sống như thế nào. Họ chỉ có một túp lều một gian xây bằng đá, nền nhà đất, một cửa sổ và một lò sưởi tỏa khói khắp phòng. Giường của họ là một tấm nệm rơm đặt trên những tấm ván cách mặt đất vài phân; Gretchen và Britta thấy hình như cô gái phải ngủ cùng cha mẹ ở đó.
Căn phòng khá tuềnh toàng, chỉ có một cái bàn ọp ẹp và một cái tủ nhỏ, hiển nhiên là chỗ ba người cất quần áo, xoong nồi bát đĩa và bất kể của nả nào mà họ cóp nhặt được. Đáng chú ý là trong hoàn cảnh thiếu thốn, gần như không có tiện nghi gì như vậy, Maria Concepcião lại có thể ăn mặc đẹp đẽ đến thế ở vũ hội. Gretchen quan sát cô bé cẩn thận cất bộ váy áo quý giá vào tủ, còn Britta, vốn đã quá quen với cảnh nghèo khổ, lại quay mặt đi vì nước mắt cô đã rân rấn.
Maria và cha mẹ cô dốc hết sức bày tỏ lòng mến khách. Nhà không có ghế, họ ra hiệu chỉ chiếc giường thấp tè mời khách ngồi. Không có trà, họ rót một chút xíu loại rượu đồ nguyên chất nhất thế giới. Không có bánh ngọt, họ mang ra vài mẩu bánh mì nhỏ và pho mát cứng. Không có ngôn ngữ chung, họ nói chuyện như mọi người vẫn làm trong hoàn cảnh tương tự, bằng cử chỉ, nụ cười và cách lắc gật đầu, nhưng Gretchen vẫn làm cho hai người phụ nữ hiểu được là thứ Năm tới cô và Joe sẽ đưa xe lên đón họ xuống thị trấn. Ba người Bồ Đào Nha gật gù một cách thụ động, như thể đó là một việc vượt ngoài khả năng hiểu biết hay làm chủ của họ.
Tối thứ Năm, Gretchen lái xe lên núi đón Maria Concepcião, và tất nhiên Yigal cũng đi theo. Trong buổi diễn không chính thức, khi Gretchen chơi nhạc, Yigal và Maria ngồi cạnh nhau. Họ cũng làm vậy trong buổi hòa tấu của ban nhạc vào tối thứ Sáu, và trong vũ hội thứ Bảy, họ là đôi đầu tiên ra giữa sàn nhảy. Trên đoạn đường dài trở về nhà, Yigal ngồi cạnh Maria, và mặc dù không trao đổi được lời nào, họ vẫn nắm tay nhau và chia sẻ cả một thế giới ý nghĩ. Khi xe về đến túp lều, Gretchen và Britta lấy ra vài chai rượu vang và mấy giỏ đồ ăn thức uống nhỏ đem tặng, món quà được ông bố và bà mẹ đón nhận với thái độ khiêm nhường và biết ơn.
Một trong những bữa ăn ngon nhất của cháu,
sau này Gretchen kể với tôi,
là ở trong túp lều đó. Suốt quãng đời còn lại, cháu sẽ thích rượu vang và pho mát.
Dấu hiệu cho thấy đó là lần cuối cùng họ được đến thăm túp lều đã xuất hiện khi Gretchen tình cờ nhìn thấy ông bố cau mày, liền nghĩ: Ông ấy không giận dữ. Ông ấy chỉ không vui thôi. Nhưng khi ngoảnh nhìn phía sau, cô thấy Yigal đang hôn Maria.
Hai ngày sau, vị linh mục của làng ghé thăm chiếc pop-top trong lúc nhóm bạn đang quây quần ăn trưa. Rõ ràng ông muốn nói với họ chuyện gì đó, nhưng đầu tiên ông ngồi xuống cùng họ ăn qua loa một chút. Một lúc sau, ông mới nói bằng tiếng Pháp,
Maria Concepcião và cha mẹ cô ấy đề nghị các con đừng lái xe lên núi nữa.
Sao lại không ạ?
Gretchen hỏi.
Họ không đến vũ hội nữa ạ?
Họ có đến,
vị linh mục ngập ngừng nói.
Có, họ có đến.
Ông nhai nốt miếng thịt bò muối rồi nói tiếp,
Nhưng họ muốn đi bộ đến.
Ông lại do dự rồi nói thêm,
Và lúc về cũng vậy.
Có phải con đã làm gì sai không?
Yigal hỏi thẳng.
Con là người đã hôn cô ấy phải không? Không, con chẳng làm gì sai cả... mặc dù ta cho rằng thực sự tại con.
Mọi người ngơ ngác không hiểu gì, và Britta nói lưu loát bằng tiếng Tây Ban Nha,
Thưa Cha, chúng con không hiểu.
Chính ta cũng không hiểu,
ông thừa nhận.
Mà ta đã học đại học rồi đấy.
Câu này càng khó hiểu hơn, vì vậy Gretchen đề nghị,
Thưa Cha, Cha cứ nói theo cách hiểu của Cha ạ. Gia đình Maria Concepcião không muốn đi xe cùng chúng con nữa. Tại sao ạ?
Đó là mấu chốt của vấn đề đấy.
Ông linh mục cầm tay Yigal nói,
Rõ ràng họ quý các con. Các con đã giúp đỡ họ... rất hào phóng. Rõ ràng Maria có cảm tình với con, anh bạn trẻ. Cô bé thích được hôn, và thế cũng là lẽ tự nhiên thôi. Nhưng ở vùng núi Bồ Đào Nha này, một gia đình và một cô gái chỉ có một cơ hội trong đời. Nếu họ phạm phải cho dù một sai lầm nhỏ nhất, như đi vũ hội trên một chiếc xe đắt tiền...
Ông ngắm nghía chiếc pop-top và nói với Gretchen,
Dân thị trấn nói với ta là tất cả các con cùng ngủ trong chiếc xe nhỏ này.
Khi thấy Gretchen gật đầu, ông nhìn tay trái cô, rồi tay Britta,
Và các con vẫn chưa kết hôn. Vậy đấy, ta chắc là không có gì tệ hại cả, nhưng các con được phép làm những việc như vậy. Một cô gái vùng núi thì không được.
Cô ấy không làm gì sai cả, chưa bao giờ...
Yigal phản đối.
Nhưng đáng lẽ phải cuốc bộ, cô ấy lại đi đi về về bằng xe hơi. Cô ấy đã đến tuổi phải tìm lấy một tấm chồng, hoặc ở một mình suốt quãng đời còn lại. Chỉ một sai lầm nhỏ thôi... bất cứ sai lầm nào như tỏ vẻ kiêu kỳ quá chẳng hạn...
Ông nhìn lần lượt từng người trước mặt rồi gật đầu mệt mỏi.
Đó là từ chính xác nhất ta nghĩ ra được... kiêu kỳ. Nếu người ta nói về cô ấy, ‘Cô ta là hạng người phải có một chiếc xe hơi...’ Vậy đấy, nó có thể làm tiêu tan cơ hội kiếm chồng của cô ấy. Nó có thể kinh khủng và tàn nhẫn... ảnh hưởng mà cô bé phải hứng chịu ấy.
Ông nhìn Britta, người đã gây được ấn tượng tốt với ông, và nói,
Con là người Thụy Điển. Con sẽ hiểu những gì ta nói.
Gretchen hỏi bằng tiếng Pháp,
Thế thì không phải tại Yigal phải không ạ? Nó là tại con?
Nó là tại con.
Linh mục gật đầu.
Con đại diện cho một cách sống xa hoa. Con làm người ta e ngại, và nếu thanh niên vùng này nảy ra ý nghĩ Maria sẽ thành người như con... thôi được, nói một cách đơn giản là Maria sẽ không lấy được chồng.
Ông ngừng lời, thấm mồ hôi trên trán và nói tiếp với vẻ áy náy,
Các con không hiểu đâu. Nhưng ở chỗ chúng tôi mỗi cô gái chỉ có một cơ hội thôi.
Gretchen không nén được cơn giận.
Cơ hội?
cô nhắc lại.
Cha định nói nếu cô ấy là một cô gái ngoan, đi chân không mười bốn dặm và chỉ có một bộ váy... cha định nói là may ra cô ấy sẽ được quyền sống như súc vật trong một căn phòng không có đồ đạc... cho đến hết đời sao?
Tôi định nói đúng như vậy đấy,
vị linh mục đáp.
Sẽ tốt hơn nếu cô ấy lên xe đi cùng chúng con tới Lisboa, rồi để mọi sự muốn ra sao thì ra.
Tốt hơn đối với con, và với cô gái này,
nói đến đây linh mục đặt tay lên cánh tay Britta,
nhưng không tốt với Maria Concepcião. Cuộc sống của cô bé phải được định đoạt tại đây.
Không ai lên tiếng, và một lúc sau linh mục đứng lên bắt tay từ biệt từng người. Ông nói với Gretchen đêm hôm nọ ông đã nghe cô chơi guitar và cô chơi rất hay, rồi ông thêm,
Nhưng tuần này, khi mẹ con Maria Concepcião đến, cứ để họ đứng yên trong bóng tối. Còn trong buổi khiêu vũ, chàng trai, con đừng bao giờ nhảy với cô ấy nữa, vì nếu làm thế, con sẽ làm cuộc đời cô ấy thay đổi không sao cứu vãn được.
Ông cúi chào rồi rời khỏi đó.
Đột nhiên xảy ra một việc không ai đoán trước được. Yigal chộp lấy họng Joe và nói một cách cay đắng,
Đồ lắm mồm.
Thế đấy, nếu có kiểu người nào mà Joe không phải thì đó chính là kẻ lắm mồm, vậy nên không ai hiểu ý Yigal, nhưng anh đã nói tiếp:
Cậu cứ khen Bồ Đào Nha đẹp hơn Tây Ban Nha biết bao, người ta quản lý mọi việc ở đây tốt hơn biết bao. Thế đấy, điều hành một quốc gia còn khối vấn đề khác cần làm chứ có phải chỉ có mỗi nhiệm vụ giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên cho bờ biển thôi đâu. Còn con người nữa chứ. Và ở Tây Ban Nha tôi đã được chứng kiến người ta sống... người ta đang dần thoát khỏi những căn nhà tồi tàn trên núi.
Ở Torremolinos cậu có bao giờ thấy người Tây Ban Nha đâu,
Joe chống chế.
Cậu nói đúng đấy. Cậu có hiểu tại sao tớ lại lên núi không. Để được mắt thấy tai nghe. Phía sau Ronda, phía sau Granada. Tớ có thể nói cho cậu biết người Tây Ban Nha sống như thế nào bởi vì tớ đã ở đó... ở trong nhà cùng họ. Có những người sống nghèo khổ cùng cực, nhưng họ vẫn sống, và nếu có ông linh mục nào đó đến bảo một gia đình là con gái họ không nên đi nhảy, họ sẽ đá thẳng vào của quý của ông ta.
Thế tức là cậu thích cô gái,
Joe nói.
Cơn giận của Yigal xẹp xuống cũng bất ngờ như lúc bùng lên.
Tớ rất tiếc,
anh nói và bắt tay Joe.
Nhưng về phong cảnh còn cả đống chuyện cậu không hiểu được đâu. Thật đấy.
Không ai nhắc đến mẹ con Maria Concepcião nữa. Tối thứ Năm tuần đó, họ vẫn đi chân trần đến nghe nhạc nhưng không chuyện trò gì với mấy người ngoại quốc. Đêm thứ Bảy, Maria xuất hiện trong đủ bộ giày và váy, trông rạng rỡ như cây dương non trên đồi, nhưng không ai trong số sáu bạn trẻ ngoại quốc hỏi chuyện cô, và một lúc sau trai địa phương bắt đầu mời cô ra nhảy.