• 1,743

VIII - Chương 4


Số từ: 2168
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Trong khi công viên thị trấn Alte rộn rã tiếng đàn hát thì tôi lại bị cầm chân ở Geneva. Những cuộc thương lượng với các ông chủ công ty tàu biển Hy Lạp đã kết thúc một cách bất ngờ: bằng một phép màu nào đó họ đã thu gom được gần đủ tiền để cứu khu bất động sản ở Torremolinos. Tất cả những gì họ cần từ chúng tôi là khoản vay ba triệu đô la, và ban điều hành của chúng tôi đã quyết định chấp nhận khoản này vì tin chắc đến cuối năm 1970 nhất định đám người Hy Lạp sẽ phải phá sản, rồi thì chúng tôi có thể mua được khu căn hộ của họ với giá thấp hơn mức chúng tôi định đề nghị năm nay. Những buổi thương lượng chi tiết - mà các luật sư của chúng tôi ở New York gọi là thực chất của vấn đề - kéo dài hơn dự kiến, nhưng rồi mọi việc cũng được giải quyết ổn thỏa và tự nhiên tôi có hai tuần rỗi rãi trước kỳ nghỉ phép tháng Bảy.
Trên bàn tôi có hai tấm bưu ảnh gửi từ Algarve. Tấm thứ nhất là cảnh một sườn đồi gần Albufeira phủ kín cây hạnh đang kỳ nở hoa. Mấy chữ kèm theo được viết nắn nót ở mặt sau:
Đây là thứ tuyết cháu thích,
và bên dưới ký tên
Britta
. Tấm kia là hình một trong những ống khói màu sắc đặc trưng của vùng Algarve, với một con cò như thường lệ. Nội dung như sau:
Đồ con hoang này đừng có đến gần chúng tôi thì hơn,
và ký tên
Monica và Cato
.
Hai tấm bưu ảnh đó gợi lên trong tôi nỗi nhớ nhung vì tôi đã tới Algarve từ năm 1954 và rất thích vùng này. Tôi thích môi trường trong sạch, nét cổ kính, những bãi biển đẹp tuyệt và các món ăn dân dã ngon lành của nó.
Tôi đã đến Algarve trong trường hợp nào ư? Nhờ tư chất thông minh của một người tên là Martin Rorimer. Không cần nhớ tên ông ta làm gì vì sau này tôi sẽ không nhắc đến nữa, chỉ cần biết rằng cuối Đại chiến Thế giới II ông ta đóng quân bên bờ một con sông băng ở Alaska, và một buổi chiều lộng gió, trong lúc ngắm mặt trời lặn, ông ta chợt nảy ra một ý nghĩ được ông ta gọi là
ý tưởng vĩ đại của tôi
.
Kể ra cũng không có gì phức tạp. Ông ta mường tượng về một tương lai khi hàng trăm nghìn người như ông ta sẽ mơ ước có một nơi nắng ráo yên tĩnh gần biển.
Đất đai dọc bờ biển,
ông ta tự nhủ.
Bí quyết chỉ có vậy.

Nhiều người, có thể một hai lần trong đời, từng ấp ủ những ý tưởng vĩ đại, nhưng chẳng mấy người thực hiện chúng. Ông ta thì có. Vừa được giải ngũ, ông ta liền đem đổi toàn bộ tiền tiết kiệm của mình thành tiền mặt, vay mượn thêm của bạn bè được chừng nào hay chừng nấy, và thuyết phục bà mẹ cho ông ta hưởng trước phần thừa kế. Ông ta đã làm gì với số tiền đó? Ông ta quay lại tất cả những nơi ông ta đã đến thăm trong mười lăm năm qua và tậu bất cứ mảnh đất đầu thừa đuôi thẹo nào mà ông ta tìm ra được dọc bất cứ bãi biển nào. Khi niềm khát khao mà ông ta tiên đoán đó trở thành sự thật, ông ta đã có đất đai bên bờ đại dương để bán.
Ông ta gặt hái được thành công đáng kể nhất ở Hawaii (mỗi mẫu đất mua với giá $4.000, bán $167.000) và ở St. Thomas thuộc quần đảo Virgin (mua $3.000, bán $139.000). Ông ta còn tậu thêm đất dọc Địa Trung Hải, ở miền Nam nước Pháp, ở Acapulco, ở vùng rừng núi phía Bắc Seattle, và ở Costa Brava thuộc Tây Ban Nha. Nhưng thương vụ mạo hiểm nhất của ông ta là sáu trăm mẫu Anh thuộc loại tốt nhất dọc bờ biển phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ; ông ta tin chắc rằng đến năm 1973 khu đất ấy sẽ đáng giá cả một gia tài.
Khi kế hoạch thu mua đã hoàn thành, Rorimer bay tới Geneva đề nghị World Mutual đứng ra quản lý toàn bộ đất đai cho ông ta. Chúng tôi chấp nhận, vì ông ta kiểm soát đến nửa tá địa điểm mà chúng tôi muốn phát triển, và tôi được hân hạnh bay khắp thế giới cùng ông ta để xem xét những thứ ông ta đã tậu được, vì trong thời gian đầu mỗi lần bán được một mảnh ở Hawaii có lãi là ông ta lại tái đầu tư phần lớn số tiền đó tại những vị trí gần đại dương như ở Úc hay Nhật Bản.
Nhưng mảnh đất ông ta thích nhất lại nằm tại một địa điểm không mấy ai biết đến ở Bồ Đào Nha có tên là Algarve. Lần đầu tiên ông ta nhắc đến cái tên này, hôm chúng tôi đang ở Barcelona, tôi còn chưa từng nghe đến nó, nhưng khi bay cùng ông ta tới Faro, tôi đã ý thức được tầm vóc lớn lao chưa được đánh thức của vùng này cùng tiềm năng của nó trong một thế giới càng ngày càng đông.
Lúc này ngồi ở Geneva, tôi chợt nghĩ đến việc đi Algarve một chuyến, nhưng tôi không thể nói được là để ngắm những bãi biển trắng xóa và những cái ống khói hay để gặp các bạn trẻ mà tôi biết là đang ở đó. Tôi định bay xuống đó kiểm tra một khách sạn mà chúng tôi đang xây dựng. Tôi chợt nghĩ: Nhưng mình có biết họ hạ trại ở đâu đâu. Rồi tôi tự giải thích rằng vì Algarve không lớn lắm nên chắc chắn cư dân sẽ biết chỗ của bất cứ thứ gì thu hút sự chú ý như chiếc pop-top màu vàng.
Cuối cùng chính một việc nhỏ nhặt lại khiến tôi đi đến quyết định. Đang ngồi nhàn rỗi, tôi cầm tấm bưu ảnh của Britta lên, hình dung ra khuôn mặt cởi mở, dễ thương và tràn đầy sức sống của cô. Đột nhiên tôi thấy mình nhất thiết phải biết được cô và các bạn đang làm gì lúc này, thế là tôi vớ lấy một bộ đồ cạo râu nhét vào cái cặp đựng hồ sơ về những khu đất ở Algarve và lên đường ra sân bay.
Quần áo ư? Mấy năm trước tôi đã bị cuốn vào một cuộc tranh luận về vấn đề này. Một cặp vợ chồng người Mỹ nghe tôi giải thích rằng hành lý của tôi rất gọn nhẹ vì tôi duy trì sáu, bảy nơi cất quần áo tại những thành phố cửa ngõ trên khắp thế giới - có thể kể Tokyo và Roma ra làm thí dụ - và tôi bay đến những thành phố đó như thể di chuyển từ ngôi nhà thành thị ra trang trại vùng ngoại ô. Ông chồng khịt mũi,
Vô lý,
rồi khi tôi khẳng định rằng có một số người cũng làm như vậy, bà vợ bảo,
Chắc ông đang nói đùa.
Hôm đó chúng tôi đang ở Bombay và tôi hỏi họ định đi đâu, ông chồng liền đáp,
Bangkok.


Khách sạn nào?


Erawan.


Được rồi. Khi đăng ký khách sạn, ông bà cứ đề nghị nhân viên trực tầng cho xem gian phòng nơi họ trông giữ loại hành lý như vậy. Đồ của tôi cũng ở đó.
Tôi hy vọng họ sẽ kiểm tra.
Từ lần đầu tiên du lịch phương Đông, tôi đã có thói quen đi tay không tới Hồng Kông rồi đến ngay hiệu của Jimmy Yen để đặt một lúc bảy hay tám bộ com lê và một tá áo sơ mi may đo mà chỉ mất chưa tới hai trăm đô la. Jimmy cung cấp cho khách hàng va li bìa cứng, và chúng tôi sẽ rời khỏi đó với những cái hộp in lời tuyên bố: Tôi mặc rất đẹp. Tôi may quần áo ở hiệu Jimmy Yen, Cửu Long, Hồng Kông. Do thường xuyên phải đến Algarve vì vấn đề đất đai nên tôi đã để sẵn ở thị trấn Faro một chiếc va li hiệu Jimmy Yen xếp đầy com lê và áo sơ mi.
Các bạn trẻ của tôi đang ở đâu? Tôi hỏi thăm nhiều nơi nhưng không ai trông thấy họ, và chuyến bay của tôi không khéo lại thành vô ích. Song, trong quá trình tìm kiếm, tôi được hai người mách cho,
Có một người Anh tên là Churchill việc gì cũng biết. Ông ta năng lui tới một quán bar ở Albufeira. Có lẽ ông ta biết đấy.
Hy vọng may ra thì được, tôi mượn xe công ty và lái tới Albufeira, tìm kiếm khắp các bar cho đến khi tới một quán ở quảng trường. Ngồi trong góc quán là một người đàn ông cao gầy, vẻ ngoài nhếch nhác, chân đi giày quần vợt, khuỷu tay đặt trên bàn, cái cằm không cạo tì lên những khớp đốt ngón tay xương xẩu. Mặt mũi ông ta xám ngoét như da thằn lằn và bơ phờ như người ốm.

Ông là Churchill?
tôi hỏi. Ông ta gật đầu xuống chưa đến một centimet, đôi mắt thằn lằn nhìn tôi chằm chằm.
Ông có thể cho tôi biết liệu một nhóm sáu thanh niên... trong đó có một người da đen...
Ông ta lại gật đầu khẽ đến nỗi khó nhận thấy.
Họ có ở Albufeira không?
tôi hỏi tiếp. Ông ta khẽ lắc đầu.
Alte,
ông ta nói như thể ngay cái tên thị trấn cũng đáng kinh tởm.
Tôi thấy thái độ của ông ta khá khó chịu và đang định bỏ đi thì ông ta rên rỉ,
Ông không uống bia sao? Ông biết không, rất ngon đấy.
Tôi gọi hai vại, và vừa uống từng hớp ông ta vừa kể về sáu kẻ trôi dạt mà tôi đang tìm kiếm.

Cô gái Na Uy... điềm tĩnh như bò rừng... một cô công chúa Viking thực sự. Cậu da đen của ông thì khá bồn chồn. Không bao giờ thoải mái trong mối quan hệ với Monica. Ông có biết cô ta là con gái Sir Charles Braham không? Khá ra dáng một tiểu thư người Anh, nhưng tôi dám cá thực chất cô ta là loại lông bông bất trị. Còn cậu Do Thái ư?... Tôi không ưa dân Do Thái. Láu cá quá mức. Anh bạn của ông cũng như những người khác thôi. Cô gái Boston ư? Cô này thâm trầm đấy. Cô ấy đi với đám này chỉ phí thời gian thôi.
Ông ta quan sát tôi kỹ càng, và tôi cảm thấy nếu có ai đó tình cờ hỏi về tôi, ông ta cũng có thể đưa ra một bức phác thảo tương tự.
Ôi, phải rồi. Tôi chưa nói đến Joe. Cậu ta khá tách biệt. Cậu ta giống tôi ở nhiều điểm.

Tôi nhìn ông ta chằm chằm, thầm kinh ngạc về sự so sánh ấy.
Tôi đi đường nào thì đến được Alte?
tôi hỏi.
Đi theo đường đến Silves rồi rẽ phải.
Ông ta chẳng buồn đứng dậy khi tôi bỏ đi.
Khi tới vùng ven thị trấn Alte dưới chân đồi, tôi dừng lại trước một quán bar hỏi thăm xem có ai biết mấy người Mỹ ở đâu không, và tôi chưa dứt lời, đám đàn ông đang quanh quẩn ở đó đã hiểu ngay tôi muốn gì.
Trên kia!
họ kêu lên với vẻ thích thú rõ rệt, và ba người trong bọn leo lên xe cùng tôi vì họ biết nếu giúp người Mỹ thì sẽ được mời rượu hay có khi còn được nghe guitar nữa.
Họ hướng dẫn tôi đi qua một con đường rải đá cuội tới công viên, nơi có nhiều phụ nữ đang hứng nước vào bình. Họ chỉ cho tôi chiếc pop-top ở phía lùm cây xa xa. Britta, đang ngả người thoải mái trên ghế ngoài trời cạnh chiếc Volkswagen, nhìn thấy tôi trước tiên.
Chú Georges kìa!
cô reo mừng, vậy là ngay lập tức các bạn khác ùa ra khỏi xe và Cato lắc lấy lắc để tay tôi mà hét,
Ông già láu cá này! Ông không xa chúng tôi được hay sao!

Tôi chỉ ba người dẫn đường, và Cato làu bàu,
Ba kẻ đói khát nhất Bồ Đào Nha đây,
nhưng anh vẫn mang rượu vang và pho mát ra thết họ - sau đó chúng tôi sum họp bên cạnh thác nước đổ ào ào.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập).