VIII - Chương 8
-
6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập)
- James Albert Michener
- 1511 chữ
- 2020-05-09 03:39:51
Số từ: 1495
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Các bạn trẻ nói họ sẽ xuống Albufeira ăn bữa trưa caldeirada, vì vậy tôi đến quán bar để gặp họ, và trong lúc tôi ngồi chờ, Churchill bật máy hát. Lúc ấy tôi không nhận ra, nhưng ông ta đang chuẩn bị để cho mọi người thấy tôi là một thằng ngốc.
Vì quán bar này không phải nơi dừng chân của Clive và chiếc túi du lịch màu đỏ nên không có chiếc nào trong số những đĩa hát mới mà tôi đã dần yêu thích ở Torremolinos, có nghĩa là những bài Churchill bật đều lỗi thời và lạ tai. Tôi không đánh giá cao chúng cho đến một hôm, đang lơ đễnh nghe tôi chợt bắt được một âm điệu dồn dập, mạnh mẽ khiến tôi thích thú, vậy là tôi liền hỏi,
Đĩa gì thế?
ông ta đáp,
Sergeant Pepper,
rồi tôi hỏi tiếp,
Anh ta là ai?
và ông ta nhìn tôi với vẻ coi thường chán chường mà chỉ một sinh viên Oxford chuyên bán LSD lậu ở Algarve mới thể hiện được.
Đây là ban nhạc Beatles,
ông ta nói.
Ở Torremolinos, chắc chắn tôi đã được nghe đĩa của ban nhạc nổi tiếng này rồi, nhưng hồi đó tôi chưa hiểu biết về nhạc pop đủ để nhận ra. Lúc này tôi chăm chú lắng nghe một ca khúc chua chát, trong đó những tiếng cello thổn thức cùng violon chơi phần đệm bắt buộc thịnh hành ở thế kỷ mười chín khi một cô gái Anh thuộc gia đình trung lưu trốn nhà ra đi lúc bình minh để sống với một người đàn ông thuộc ngành kinh doanh xe hơi. Ca khúc này thật ấn tượng.
Tôi không biết Beatles lại sử dụng cello,
tôi nói, và ông ta nhìn tôi với vẻ lạnh lùng.
Ông bạn thân mến, họ sử dụng bất cứ nhạc cụ nào.
Rồi ông ta nói tiếp,
Tôi không nghĩ ông đã được nghe bài này,
nói rồi ông ta chuyển sang một bài dữ dội trong đó một chàng trai non nớt ngẫm nghĩ về vụ tự tử của một Thượng nghị sĩ... hay đại loại như vậy. Lựa chọn của cậu ta là dựa vào LSD, nhưng việc đó cũng chẳng mấy hiệu quả vì cuối cùng thế giới sụp đổ tan tành trong một vụ nổ bom nguyên tử. Đó là lời tuyên bố mạnh mẽ, ảm đạm như một hoang mạc, và tôi không nghĩ là mình sẽ thích khi biết ca khúc đó rõ hơn.
Nghe chói tai quá,
tôi nói.
Hai năm trước đây bài này được hoan nghênh lắm đấy,
ông ta đáp, vẻ coi thường lộ rõ.
Tại Bồ Đào Nha mọi thứ đến được tay chúng tôi bao giờ cũng chậm trễ.
Tôi hỏi ông ta có phải công dân Bồ Đào Nha không, thì ông ta đáp,
Ông tưởng tôi điên chắc?
Tôi đang ngẫm nghĩ câu đối đáp thích hợp thì chợt thấy vang lên một trong những bài hát thú vị nhất tôi từng nghe suốt hơn chục năm qua. Nó mở đầu bằng giọng ca rụt rè của một cậu bé đang kể về những hình ảnh vô nghĩa: những cây quýt, những thiên đường mứt cam, những chiếc bánh nướng kẹo dẻo. Bình thường tôi rất ghét những bài hát như vậy vì thấy chúng có cái vẻ ngây thơ giả vờ, nhưng ca khúc này mang dấu ấn xác thực, như thể cậu bé đã thực sự nhìn thấy những hình ảnh ấy.
Sau đó lời ca chuyển sang một mức độ nghiêm trang hơn vì người hát đã gặp được một cô gái có đôi mắt màu sắc biến ảo; hình tượng kỳ lạ này không những vô cùng vui vẻ, vì nó nhắc tôi nhớ đến các cô gái xinh xắn, nhẹ dạ với cặp mắt đong đưa từng làm tôi ngẩn ngơ khi còn trẻ, mà nó còn có phần nhạc đệm khiến hình ảnh nhảy múa đầy sức sống. Chàng trai này đã thật sự gặp một cô gái như vậy.
Không khí cổ tích đột nhiên bị phá vỡ bởi ba tiếng trống lanh lảnh, và ngay sau đó một bản đồng ca - toàn bộ thành viên Beatles, tôi nghĩ vậy – cuồng nhiệt gọi đi gọi lại cái tên rất lạ của cô gái: Lucy in the Sky with Diamonds. Tên cô gái đúng là như vậy, và nó đã làm tôi như bị mê hoặc, tôi nói,
Một thế kỷ rưỡi trước đây, John Keats đã miêu tả kiểu người lạ lùng đó bằng những từ ngữ cũng lạ lùng không kém.
Ông thích bài này chứ?
Churchill hỏi với vẻ thân thiện mà hẳn là lần duy nhất tôi thấy ông ta thể hiện.
Nó tóm lược thời đại của chúng ta,
tôi nói, vì nó đã nắm bắt được tinh thần phóng khoáng tự do của những thanh niên tôi gặp ở châu Âu và châu Á.
Quả thực là như vậy,
Churchill hòa nhã tán thành. Ông ta hỏi lại lần nữa xem tôi có thích thật không, và khi thấy tôi gật đầu, ông ta nói vẻ bí hiểm,
Thế thì một ngày nào đó ông phải thăm phòng tôi thôi.
Tôi thấy việc mình thích một bài hát được ưa chuộng chẳng liên quan gì tới chuyện thăm phòng ông ta, nhưng tôi chưa kịp nói tiếp về vấn đề đó thì sáu bạn trẻ đã đến và chúng tôi gọi món cá hầm ở cửa hàng phía bên kia quảng trường.
Xin mời các bạn nghe bài mà ông Fairbanks chọn là bài yêu thích nhất,
ông ta nói một cách ác ý. Khi giai điệu của bài
Lucy in the Sky
rộn vang khắp quán, các bạn trẻ của tôi cười phá lên, và Gretchen nói,
Chú George, cháu chẳng bao giờ hiểu được chú cả,
còn Monica vừa nói vừa liếc nhìn tôi với vẻ tinh nghịch,
Cháu biết chú là lão dê già mà!
Khi tôi hỏi như thế nghĩa là gì, các bạn trẻ liền trêu chọc tôi nhưng không chịu giải thích. Churchill cho đĩa đó chạy hai lần nữa; có vẻ như nhóm của tôi biết rõ bài này vì họ lẩm nhẩm hát theo. Tôi đang định nài họ giải thích cho rõ ràng thì Monica nói,
Cháu rất muốn biết chú làm trò gì những lúc ở một minh, ông già quỷ quái thô bỉ ạ,
và đúng lúc ấy anh bồi bàn xuất hiện bên kia đường, tay bưng bảy liễn caldeirada của chúng tôi mà Churchill lại thu phần bạch tuộc con như thường lệ.
Trong lúc dùng bữa, tôi không nghĩ đến bài hát ấy nữa, nhưng Monica, vốn khảnh ăn, đã xong trước tiên và lại bật đĩa nhạc đó.
Chú vẫn chưa biết nó có nghĩa gì sao?
Chưa.
Cái tên! Cái tên ấy! ‘Lucy in the Sky with Diamonds.’ Chú có phải kẻ ngốc không đấy?
Chắc hẳn trông tôi khá ngơ ngác nên cô nói,
LSD. Đó là quốc ca của LSD.
Tôi bực bội lẩm bẩm. Tôi đã hoàn toàn bỏ qua điểm cốt yếu của ca khúc. Nghe lại lần nữa, tôi không thể tin được là ban nhạc Beatles đã chơi xỏ mình, nhưng cách Monica giải thích mấy từ ấy chứng tỏ quả thực nó đã gợi lên cả một kỷ nguyên, nhưng không theo nghĩa tôi tưởng. Uể oải giải quyết nốt con bạch tuộc cuối cùng, Churchill nói,
Ca khúc này thức tỉnh thanh niên trên toàn thế giới nhận ra những điều kỳ diệu của LSD nhiều hơn bất kỳ thứ gì khác.
Bài hát chủ đề của ông đấy ư?
tôi hỏi, giận dữ vì bị coi như thằng ngốc.
Đúng vậy. Nó giúp rất nhiều cho việc làm ăn của tôi.
Tôi phát bực với bữa trưa. Ngay món cá hầm cũng thành nhạt phèo và tôi không còn thích thú với ca khúc mình vừa phát hiện. Khi Monica bật lại bài ấy, mắt cô nhắm lại trông vẻ ngây ngất của một thiếu nữ mới lớn, tôi càng thấy phẫn nộ. Vì sao ư? Bởi vì đáng lẽ phải là một sức mạnh chủ yếu và cao đẹp trong xã hội chúng ta, nhạc pop lại đang bị xuyên tạc để làm thanh niên trụy lạc.
Phản ứng một cách vô thức, tôi đi đến bên máy quay đĩa, giật mạnh đầu đĩa than, vớ lấy cái đĩa rồi tì trên đầu gối bẻ làm đôi.
Nhóm bạn trẻ kinh hãi trước cách cư xử của tôi, và Monica, mở choàng mắt vì bị cắt ngang đột ngột, la lên,
Chú George! Chú làm cái quái gì thế?
Nhưng Churchill đã giải thích, giọng ngọt xớt,
Thôi, bỏ qua cho ông ấy. Ông ấy là một ông già lạc vào thế giới mới mà.