Chương 18
-
Bản Năng
- Mitsuyo Kakuta
- 9171 chữ
- 2020-05-09 01:45:42
Số từ: 9159
Dịch Giả: Thục Nhi, Song Thu
NXB Trẻ
Nguồn: Sưu Tầm
Sau đám tang bố, Kiwako trở lại Tokyo một thời gian. Tháng 10 năm 1984, cô thuê căn hộ mới phòng ở Eifuku, Suginami, nơi Takehiro từng sống. Bố Kiwako để lại nhà cửa, đất đai cho em gái, còn Kiwako được thừa hưởng tiền tiết kiệm và tiền bảo hiểm nhân thọ.
Takehiro không được cô thông báo về địa chỉ hoặc số điện thoại mới nên anh cho rằng mối quan hệ của hai người đã chấm hết. Trong tháng Hai, Kiwako đã vài lần tìm đến căn hộ của gia đình Akiyama ở Hino.
Ngày 3 tháng 2 năm 1985, Kiwako đã lẻn vào nhà họ.
Lúc đầu tôi chỉ muốn kiểm tra xem cô ấy có thực sự sinh con hay không. Khi biết chỗ ở mới của họ, tôi không sao ngăn mình không quay lại đó. Tôi muốn biết đứa bé là trai hay gái, tôi muốn nhìn nó kỹ hơn. Sau vài lần quan sát, tôi biết ông Akiyama thường rời nhà lúc 8 giờ 10 phút và được vợ chở đến nhà ga. Họ không bao giờ khóa cửa. Tôi rất ngạc nhiên vì họ không bao giờ bế con theo. Tôi không hiểu tại sao người đàn bà luôn gọi tôi là con khốn đó lại có thể để đứa con bé bỏng của mình ở nhà một mình như vậy
, Kiwako khai trong phiên tòa xét xử.
Nhưng cô khăng khăng mình không có ý định bắt cóc đứa bé.
Tôi chỉ muốn nhìn nó. Không phải từ một khoáng cách xa mà là thật gần
.
Lúc bước vào nhà họ, hai chân tôi run cầm cập. Tôi biết điều mình đang làm là phạm pháp. Khi nhìn thấy những thứ tạo nên cuộc sống gia đình của họ, tôi đã hoảng loạn. Tôi không thể nghĩ thông suốt. Lúc đó tôi không nghe thấy gì cả ngoài tiếng khóc của đứa bé, tôi bèn bước vào phòng. Tôi bế nó lên, và tất cá mọi chuyện là như vậy
.
Kiwako phản bác lời cáo buộc rằng cô là thủ phạm gây nên trận hỏa hoạn. "Tôi không hề có ý định đốt nhà họ. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến đứa bé
, cô khẳng định. Tuy nhiên, vụ hỏa hoạn là tiêu điểm của phiên tòa nên luật sư bên nguyên liên tục chất vấn Kiwako rằng có phải cô ta vẫn có mong muốn (dù vô thức) trả thù. Tới ngày thứ tám của phiên tòa, cuối cùng Kiwako cũng thừa nhận:
Có lẽ vậy
. Lời thú nhận này ngược với những gì cô đã khai trước đó. Mặc dù nhóm luật sư biện hộ luôn nêu lên quan điểm
Chiếc máy sưởi đang bật khi đó chắc chắn đã vô tình bị ngã, làm chiếc đệm ở trên sàn hoặc tấm màn bắt lửa
nhưng sau khi Kiwako thú nhận:
Chắc là tôi đã vấp phải máy sưởi và đá nó ngã
, họ không còn khẳng định rằng vụ hỏa hoạn hoàn toàn là tai nạn.
Có lẽ, ngay tối hôm đó, Kiwako đã mang đứa bé đến ở nhờ nhà một người bạn thời đại học. Cô bạn tên A cho biết sẽ không giúp Kiwako nếu biết bạn mình phạm tội.
Cô ấy bảo với tôi người đàn ông đang sống cùng mình có những hành động bạo lực, vì vậy cô ấy đã bỏ trốn cùng đứa bé. Tôi đã tin như vậy. Đứa bé có vẻ rất quấn quýt cô ấy, Kiwako cũng nâng niu nó vô cùng, nên chẳng có lý do gì tôi lại nghi ngờ câu chuyện của bạn mình
.
Thông qua lời khai của A, những tình tiết mới của vụ bắt cóc đã được đưa ra ánh sáng, cho dù Kiwako và hai vợ chồng Akiyama không hề khai lời nào, ví dụ như chi tiết về mối quan hệ giữa Takehiro Akiyama và Kiwako, hoặc chuyện Etsuko Akiyama đã không ngừng nhục mạ tình địch.
Cô A từ chối mọi lời mời phỏng vấn cho đến khi bản án dành cho Kiwako được công bố. Cô đồng ý trả lời phỏng vấn của một tờ tạp chí.
Sau khi sinh con gái, tôi thường rủ Kiwako đến nhà. Cô ấy giúp tôi giữ con hoặc thay tã. Tôi nghĩ chính điều này đã khiến Kiwako mong mỏi có con. Nếu tôi có cơ hội gặp lại cô ấy, tôi muốn nói với Kiwako rằng tôi thật sự tiếc cho cô
. Đó là lời bình luận của cô A về hành động của bạn.
Sau khi trú lại nhà bạn trong sáu ngày, Kiwako hủy hợp đồng nhà ở Eifuku và chuyển đến Nagoya. Tại đây, cô trú tại nhà một người đàn bà lạ. Đây là người đã nhất quyết không chịu rời khỏi khu nhà giải tỏa sau đợt sốt đất của những năm đầu 1980.
Ẩn mình ngoài rìa xã hội có thể là một nhân tố giúp Kiwako trốn thoát đến Nagoya và thoát thêm bốn năm sau đó.
Sau khi tiễn chồng đi làm, Etsuko Akiyama ghé vào một cửa hàng tiện lợi. Khi trở về nhà, cô phát hiện khói đang tỏa ra từ căn hộ của mình. Trong lúc đó, xe cứu hỏa do một người hàng xóm gọi đã đến dập lửa. Nhân viên cứu hóa đã dập tắt được đám cháy, tránh những thiệt hại nặng nề cho khu nhà. Tuy nhiên, đứa bé đã biến mất. Trong cơn hoảng loạn, Etsuko gọi điện cho chồng. Lúc này, Etsuko đang nghĩ đến một người đàn ông, người có thể đã bắt cóc con gái cô ta.
Etsuko luôn tỏ ra muộn phiền sau khi chuyển đến Eifuki. Chồng cô thường về muộn, có lúc không về, hơn nữa cô chẳng có bạn hay họ hàng ở đây. Hy vọng một công việc mới sẽ giúp mình kết bạn, cô vào làm việc bán thời gian cho một siêu thị gần nhà. Ở đó, cô đã gặp ông B và cô đã ngoại tình với người này. Với Etsuko, mối quan hệ mới chỉ đơn giản là một cách để cuộc sống bớt buồn tẻ. Khi biết mình mang thai, cô nghỉ việc và đề nghị chia tay với B. Không những không đồng ý, ông B còn cảnh báo:
Rồi cô sẽ còn gặp lại tôi
. Một lý do khác khiến Etsuko quyết định chuyển đến Hino đó là cô sợ B trả thù, bởi vì B tỏ thái độ khá đáng sợ khi Etsuko để nghị chấm dứt mối quan hệ.
Khi biết con mình đã bị bắt cóc, Etsuko nghĩ ngay đến B. Cô tin chắc đây là điều ông ta đã ám chỉ khi hai người chia tay nhau, nên cảnh sát bắt đầu vào cuộc.
Không may, ông B đã chuyển chỗ ở và không ai biết địa chỉ mới. Ông B đã chuyển đi cùng một phụ nữ gặp ở khu giải trí, cảnh sát phải mất một thời gian dài mới lần ra dấu vết. Lúc này, Takehiro Akiyama không hề hé môi với cảnh sát về mối quan hệ với Kiwako nên đội điều tra xem B là nghi can số một. Đồng thời, Etsuko cũng cam đoan rằng B là thủ phạm. Cái tên Kiwako lúc này chưa xuất hiện trong hồ sơ điều tra.
Vào ngày thứ tám của cuộc điều tra, cuối cùng cảnh sát cũng tìm thấy B và bắt ông ta về thẩm vấn. Từ khi rời quê nhà ở Gifu để chuyến đến Tokyo vào năm 18 tuổi, B đã sống một cuộc đời bê bối, ông ta chỉ làm việc sau khi đã nhẵn tiền, thỉnh thoảng còn nhờ người tình chu cấp cho mình, về mối quan hệ với Etsuko, ông ta nói:
Tôi qua lại vói cô ta vì cô ta bao tôi ăn tối. Tôi không muốn cắt đứt vì tôi nghĩ nếu tiếp tục quan hệ, mình có thể moi thêm tiền từ cô ấy". Và như vậy, B nhanh chóng bị loại khỏi danh sách tình nghi.
- Em ăn gì cứ gọi nhé. - Kishida nói, mặt anh khuất sau tờ thực đơn. - Lâu rồi mình không ăn tối cùng nhau. Em chọn đi, gọi món gì ngon nhất ấy, bò hoặc bít tết. Thấy tôi không nói gì, anh ra hiệu phục vụ đến và gọi món cho cả hai.
Nhà hàng nướng Hàn Quốc đông nghẹt các gia đình và những nhóm thanh niên trẻ. Căn phòng rộng rộn rã tiếng cười.
Tôi nhìn vào lò nướng nóng hổi:
- Em có chuyện muốn nói với anh.
- Ăn thôi em. Nâng ly với anh nào!
Kishida nốc một hơi hết một phần ba ly. Tôi mỉm cười lặp lại:
- Em có chuyện muốn nói với anh.
- Chuyện gì em? Có gì không ổn à? - Kishida vừa nói vừa với tay lấy hai đôi đũa, đưa tôi một đôi, rồi rưới xốt lên đĩa.
Anh đang sợ, tôi nghĩ. Anh đang sợ nghe tin xấu từ người tình kém mình mười tuổi. Tự nhiên tôi cảm thấy tội nghiệp anh. Tôi nghĩ về tất cả những điều tốt đẹp anh đã làm cho mình. Tôi không nên làm anh sợ hãi. Tôi không nên gây rắc rối cho anh, hoặc đặt anh vào tình thế khó xử. Tôi mỉm cười, nói nhanh, ra vẻ mình đang tập trung ăn:
- Nếu em có thai thì sao?
- Hả? - Kishida há hốc, anh sựng lại ngay lập tức.
- Em bảo nếu. Nếu em có thai, anh sẽ làm gì?
- Nhưng em vẫn còn đi học. Hơn nữa...
- Tất nhiên em vẫn còn đi học, nhưng có phải học tiểu học đâu, anh biết mà - Tôi đùa, nhưng Kishida không cười. Phản ứng tự nhiên, tôi nghĩ. - Anh bảo em giữ lại hay phá đi?
Kishida định nói gì đó, nhưng im lặng vì người phục vụ vừa đi đến. Anh gắp thịt bò từ trong chiếc đĩa lớn giữa hai người, trải nó lên lò nướng với vẻ cẩn thận cao độ.
- Tất nhiên anh muốn em giữ nó, nhưng thật sự bây giờ thì không tốt lắm. Em cũng thấy vậy mà, phải không? Em còn có tương lai, và anh còn nhiều chuyện phải lo. Anh không thể ly hôn ngay ngày mai hay ngày mốt, nếu đó là điều em muốn anh làm bây giờ... - Anh hạ giọng. Lò nướng bốc khói. Một tràng cười lớn vọng sang từ bàn của vài cô gái trẻ. Kishida nhìn tôi, mặt anh trầm lại.
- Ồ, vậy tương lai thì em có thể mang thai.
- Tất nhiên là em có thể. Anh muốn sống với em, Eri. Sau khi em tốt nghiệp, con anh lớn hơn một chút, anh sẽ giải quyết mọi chuyện. Anh đã nói với em nhiều lần rồi mà.
- Miếng này chín rồi nè. Anh gắp ra đi, nhanh lên, không thì nó khét mất.
Kishida yên lặng gắp miếng thịt. Anh nuốt ực rồi nhìn tôi.
- Em có thai thật à?
- Không, em chỉ nói là nếu. Bạn học em bị trễ kinh. Em hứa đi cùng cô ấy đến bệnh viện. Thế là em liên tưởng đến mình.
Tôi lật miếng thịt sang mặt kia và liếc nhìn Kishida. Mặt anh giãn ra.
- Đừng có làm anh sợ như vậy! Thịt bò chín tới rồi nè. - Anh nói rồi gắp một miếng cho vào đĩa của tôi.
Món ăn được dọn ra liên tục. Kim chi, rau sanchu, bít tết và lòng bò. Không khí trở lại bình thường. Anh kể tôi nghe những chuyện mới nhất về đồng nghiệp cùng những trò tinh nghịch của bọn trẻ ở trường luyện thi. Còn tôi kể anh nghe chuyện trường mình hoặc những vị khách kỳ lạ ở quán rượu. Mỗi lần thịt chín tới, Kishida lại gắp vào đĩa cho tôi. Tôi tưởng cả hai sẽ không thể ăn hết mọi thứ, vậy mà không còn sót lại miếng nào.
Kishida trải tờ thực đơn khổng lồ lên bàn:
- Em muốn ăn cơm không?
Nhưng tôi không trả lời, chỉ cười và nói khẽ:
- Em sẽ không gặp anh nữa.
Kishida nhìn sững tôi.
- Vậy nên đừng gọi cho em nữa, được không? - Tôi nói thêm.
- Ý em là sao, không gặp em nữa là sao? Anh nói gì làm em giận à?
- Em no lắm rồi, em không muốn ăn thêm cơm. Đây là lần cuối chúng ta gặp nhau. Anh đãi em bữa này, nhé?
- Tôi đứng lên rồi bỏ ra ngoài, vẫn nghe tiếng anh gọi với theo:
Này, đợi anh một chút!
. Sực nhớ mình còn một điều chưa nói với anh, tôi quay trở lại.
- Cảm ơn vì tất cả những gì anh đã làm cho em. Em thật sự rất biết ơn.
Tôi cúi đầu rồi đi thẳng. Lờ đi tiếng anh gọi:
Đợi anh một chút!
, tôi rời khỏi nhà hàng đi thẳng đến ga. Trên đường đi, tôi tắt luôn điện thoại.
Anh tặng tôi quà sinh nhật. Anh dẫn tôi đi xem pháo hoa. Đêm Giáng sinh, anh giúp tôi trang hoàng nhà cửa, cả hai tổ chức một bữa tiệc nhỏ chỉ có hai người. Anh là người đầu tiên gửi tôi tin nhắn chúc mừng năm mới. Chúng tôi đi ngắm hoa anh đào nở cùng nhau. Anh đã cho tôi cảm giác vui vẻ khi có người cùng mình ăn tối. Anh bảo anh yêu tôi. Anh không bao giờ hỏi tới nếu tôi không muốn trả lời. Anh không để tâm đến quá khứ của tôi. Nhờ có anh, tôi đã hiểu cảm giác yêu thương một người. Nhờ có anh, tôi đã hiểu cảm giác khi mình thật sự muốn ở bên cạnh một người nào đó.
Tôi không bao giờ nghĩ mình có thể thôi gặp anh, có thể kết thúc cuộc tình này. Nhưng tôi đã làm được. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ gặp lại Kishida nữa. Tôi chắc mình có thể ngăn được nỗi mong muốn được gần gũi anh. Dù sao, tôi không còn cô độc nữa. Tôi không còn là tôi của trước kia.
Một tuần trước, tôi đã lên chuyến tàu với lộ trình xa lạ, bước xuống một sân ga mà mình chưa từng đến bao giờ, đi dọc khu phố lạ lẫm cho tới khi dừng lại trước một phòng khám phụ khoa. Các bác sĩ và y tá ờ đó đều lớn tuổi.
Cháu đã có thai rồi, cô gái trẻ
, ông bác sĩ già mỉm cười dịu dàng thông báo.
Vào ngày đứa bé ra đời, cây lá sẽ xanh tươi
.
Tôi đã định bỏ nó. Mọi thứ lúc này đều không thể. Đứa bé sẽ không có bố, tôi không thể thông báo với bố mẹ, hơn nữa tôi vẫn còn là sinh viên với thu nhập không ổn định. Tôi không muốn mang rắc rối đến cho Kishida, tôi định mượn anh tiền phá thai. Nhưng ngay giây phút bác sĩ bảo rằng đứa bé sẽ ra đời vào mùa cây xanh lá, tôi đã thay đổi ý định. Đứa bé trong bụng là một con người khác, không phải là mình, tôi nghĩ. Nó có quyền được mở mắt và ngắm nhìn những chiếc lá biếc xanh kia.
Lúc này, khi đi đến nhà ga, tôi cảm thấy thật tuyệt vời. Một cảm giác mà tôi chưa từng có trước đây.
Tràn ngập trong tôi là một niềm tin tuyệt đối rằng từ bây giờ, tôi không còn đơn độc nữa. Tôi cảm thấy mình mạnh mẽ hơn rất nhiều so với suốt mùa hè vừa qua, khi cố gắng quên Kishida bằng cách không gặp anh. Tôi đã có đủ sức mạnh để cắt đứt cuộc tình. Chắc chắn mình có thể, tôi nghĩ khi vừa thoáng thấy bóng dáng nhà ga.
Tôi quay lại, nhìn về hướng nhà hàng Hàn Quốc xa tầm mắt. Thật nhẹ nhõm khi không thấy Kishida trong đám đông phía sau. Tôi chạy ào xuống bậc thang hướng về nhà ga.
Chigusa dồn mấy tờ tạp chí và đĩa CD nằm rải rác trên sàn nhà vào một góc, rồi trải những tờ bướm quảng cáo vừa lấy từ túi xách ra.
- Em không định sinh tại nhà, đúng không? Và em cũng không định sinh ở những phòng khám cao cấp, đúng không? Em có thể chọn sinh thường hay sinh không đau. Dù là kiểu gì thì cũng nên sinh ở bệnh viện gần nhà. Khi trở dạ sẽ rất đau, em không nên đi xa. Chị đã nghiên cứu và thấy có ba trung tâm này là ổn nhất nè. - Chigusa liến thoắng rồi chia chồng giấy thành từng phần. - Theo như những phản hồi trên mạng thì y tá ở trung tâm này rất nghiêm khắc. Họ sẽ bắt em ngồi dậy và đi bộ vào ngày trở dạ. Nhưng em vẫn còn trẻ, em sẽ ổn thôi.
Tôi đứng ở ngưỡng cửa giữa phòng sinh hoạt và nhà bếp, nhìn Chigusa phân loại, sắp xếp những tờ bướm.
- Chị biết em không dám nói với bố mẹ, nhưng em cần tiền, em không thể chần chờ mãi được. Mà em đã quyết định sinh con rồi thì bố mẹ cũng không cản đâu.
Không hiểu sao tôi phì cười. Chigusa thực tế hơn tôi nhiều về việc mang thai.
Chigusa nhăn mặt:
- Em cười gì chứ?
- Chị muốn ăn gì? Mì xào được không? Hoặc rau xào ăn với cơm. Hai món cũng như nhau thôi nhỉ.
- Đừng lo, chị sẽ nấu cho. Em đang mang thai mà, em cứ ngồi nghỉ đi. Cuối cùng tôi cũng thốt lên:
- Chigusa, trông chị bây giờ giống hệt như một bà mẹ chồng, kiểu kiểu vậy.
- Trong lúc chị nấu ăn thì em nhớ xem mấy tờ bướm này. - Chigusa nói rồi đi ngang qua tôi để vào nhà bếp. Chị mở tủ, lấy túi rau ra. Sau đó, làm ra vẻ tự nhiên, chị hỏi: - Em đổi số điện thoại có phải vì muốn chia tay với anh ta không?
- Đúng rồi. - Tôi ngồi xuống, nhặt lên một vài tờ bướm.
- Nhưng dù sao anh ta cũng hơn em nhiều tuổi. Anh ta có thể giúp em mà. Ví dụ tiền, hoặc những thứ khác?
- Hết cơ hội rồi. Anh ta sẽ không quay lại đây nữa. Anh ta là kiểu người luôn tránh xa rắc rối mà.
Chigusa nhìn tôi, khuôn mặt chị lộ vẻ bàng hoàng. Chị đang cầm một nửa bắp cải trên tay và nhìn thẳng tôi.
Tránh xa rắc rối? Làm sao em có thể yêu một người như vậy? Không, nói đúng hơn là sao em yêu anh ta khi biết đó là một người tồi tệ đến vậy?
.
Tôi nhìn Chigusa. Mắt tôi trĩu nặng, tôi phải chớp vài lần. Ra là vậy. Bây giờ thì tôi đã hiểu chính xác lý do tại sao mình yêu Kishida. Đó là bởi vì anh ta là kiểu người luôn lảng tránh rắc rối. Giống hệt bố mẹ tôi.
- Đó là kiểu đàn ông phụ nữ thích mà chị, chắc vì vậy mà vợ anh ta cũng yêu anh ta.
- Trời ạ, sao em có thể thản nhiên đến thế. - Chigusa lắc đầu ngán ngẩm, rồi vào bếp. Sau một lúc, tôi nghe tiếng dao thình thịch nện vào thớt. Tôi thấy lo lắng, rõ ràng Chigusa không thạo việc nấu nướng.
- Em có bị ói vào buổi sáng không?
- Chưa.
-Tới tháng Giêng thì cái thai đã ổn định rồi ha?
Không hiểu chị muốn ám chỉ gì, tôi trả lời:
- Vâng, có lẽ vậy.
Cầm con dao trong tay, Chigusa xoay người lại nhìn tôi.
- Khi thai đã ổn định rồi, chúng ta đi chơi nhé. Đi tìm hiểu vài thứ.
- Ý chị là sao? Đi đâu?
- Trở về Gia đình thiên thần và hòn đảo nơi em từng sống. Em không muốn quay lại sao? Có thể về đó em sẽ nhớ lại chuyện cũ.
- Chị cẩn thận con dao kìa. - Tôi nhắc Chigusa rồi dẹp những tờ bướm sang một bên và nằm xuống sàn. - Em không đi đâu. Em không có tiền, mà em cũng không muốn quay lại mấy chỗ đó.
-Ờ.
Chigusa từ bỏ ý định sớm hơn tôi nghĩ, chị quay lại với công việc thái bắp cải vụng về. Tôi bật dậy, ra mở cửa sổ rồi lại nằm xuống. Từ chỗ nằm, tôi có thể nhìn thấy bầu trời đêm. Ánh sáng từ đâu đó đang soi rọi bầu trời. Những sợi dây điện thoại giăng ngang giăng dọc chia nó ra làm nhiều phần.
- Chigusa. - Tôi gọi, mắt vẫn hướng về cửa sổ. - Sao chị tốt với em quá vậy?
Chigusa hỏi lớn từ trong bếp:
- Gì? Em vừa nói gì?
- Em hỏi là sao chị tốt với em quá vậy? Có phải vì em là đối tượng nghiên cứu của chị? Hay vì chị cảm thấy có lỗi khi cứ lần quẩn quanh em để tìm thông tin cho cuốn sách?
- Ối trời ơi, nóng quá! Mình đang làm gì vậy nè? Khói trắng bốc lên từ bếp ga. Tôi chạy ngay vào bếp. Chigusa mở lửa quá lớn trong khi lại để chảo không.
- Chị đặt chảo lên bếp sớm quá. - Tôi vội tắt bếp và bật quạt hút. - Để em nấu cho. Chị ra xem ti vi đi. - Tôi nói rồi giằng lấy con dao bếp, sau đó thái cà rốt thành từng lát mỏng.
Cho tới khi cả hai dùng xong bữa tối và cùng nhau rửa chén, Chigusa mới đột ngột nói:
- Chị không biết có phải mình tốt với em hay không nữa. Chỉ là chị muốn gặp em. Giống như chị đang bị giam cầm ở một chốn, giờ chị muốn trốn đi đâu đó. Hai tay chị đầy nước rửa chén. Lúc đầu tôi không biết chị nói gì nhưng rồi tôi cũng hiểu.
- Tức là chị muốn trốn khỏi nơi nào?
Chuyền cho tôi một chiếc đĩa ướt, Chigusa trả lời:
- Chị muốn trốn khỏi quá khứ của mình. Có thể nói chị đang lợi dụng em. Nếu ở một mình, chị không bao giờ thoát khỏi được, nhưng khi đi cùng em, chị có cảm giác mình có thể. Thực tình là ngay lần đầu gặp em, chị đã cảm thấy như vậy. Chị nghĩ
Đi với cô gái này, mình có thể thoát khỏi quá khứ.
Mình có thể từ bỏ tất cả những gánh nặng đã theo mình bấy lâu nay
. Và cứ mỗi lần gặp em, chị lại càng tin như vậy.
- Ừm. - Tôi trả lời hờ hững, cố làm ra vẻ không để ý đến câu chuyện của chị và chú tâm lau chén đĩa. Tôi hiểu rõ chị muốn nói gì, nhưng tôi cũng biết chị sẽ không thể làm được. Bởi vì tôi cũng không làm được, tôi chưa bao giờ có thể thoát khỏi quá khứ của mình. Chị ở bên tôi bao lâu cũng vô ích. Nhưng tôi đã quá thích Chigusa, tôi thích giữ chị ở bên mình đến nỗi không dám nói điều đó cùng chị.
- Em có biết chuyện này không? - Chị hỏi lúc đưa tôi chiếc đĩa cuối cùng rồi tắt vòi nước. Đây không hẳn là một câu hỏi, có vẻ Chigusa đang nói với chính mình. - Tất cả những phụ nữ ở Gia đình thiên thần đều từng phá thai hoặc sẩy thai.
Tôi lau xong cái đĩa cuối, úp vào tủ và lấy gói cà phê hòa tan ra.
- Thì sao? - Tôi hỏi.
Tôi đã đọc được điều này trong sách và các tài liệu của Chigusa. Nhưng với tôi, chúng chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Có khác biệt gì đâu giữa việc cái tổ chức mà tôi không còn nhớ gì về nó là một hội những phụ nữ hiếm muộn hay là một nhóm tôn giáo kỳ dị?
- Thì sao... - Chigusa nhìn bình cà phê trong tay tôi, chị cười khẽ. - Ừ, thật sự chẳng sao cả. - Chị nói rồi đổ đầy nước vào ấm, sau đó đặt lên bếp. Tôi trút cà phê vào cốc. Đây là cặp cốc đôi mà tôi và Kishida đã dùng.
Cuộc điều tra tiến triển tương đối chậm nên Kiwako thoát được khá xa. Dựa theo lời khai của cô, cảnh sát bắt đầu truy tìm tung tích của Tomiko Nakamura, người đã cho Kiwako trú lại nhà trong chín ngày. Bà Nakamura vừa là nhân chứng về quá trình trốn tránh pháp luật của Kiwako, đồng thời vừa là tình nghi vì bao che tội phạm. Nhưng bà Nakamura đã qua đời ở một viện dưỡng lão tại Kawasaki vào tháng 9 năm 1987, một năm trước khi Kiwako bị bắt.
Sau khi rời nhà Nakamura, Kiwako lên chiếc xe tải bán hàng về Gia đình Thiên thần, nơi cô đã sống hai năm rưỡi sau đó.
Gia đình Thiên thần là một cộng đồng dân cư ở thị trấn Ikoma, Nara. Gần như không ai biết về nơi này cho tới khi Kiwako trốn khỏi đó vào năm 1987. Vào thời điểm Kiwako bỏ trốn khỏi đây, những báo cáo về việc lừa gạt và giam giữ trẻ vị thành niên của Gia đình xuất hiện liên tục trên các kênh truyền thông đại chúng, nhưng chính sự bỏ trốn của Kiwako mới là nhân tố khiến cái tên
Gia đình Thiên thần" trở nên nổi tiếng.
Khởi nguồn của Gia đình Thiên thần là một nhà thờ có tên gọi "Ngôi nhà của những Thiên thần", thành lập năm 1945 bởi Mitsu Hasegawa, một người đến từ Ikoma. Khi đó, bà Mitsu, 37 tuổi, con gái một người nông dân, đã bất ngờ tuyên bố:
Tôi là thiên thần được Chúa trời gửi đến". Bà bắt đầu truyền bá những bài giảng trong Kinh thánh cho những người sống chung quanh, khẳng định rằng những thiên thần tồn tại giữa thế giới này là thực thể trung gian giữa Chúa trời và con người. Thiên thần có nhiệm vụ giúp đỡ những người gặp hoạn nạn, hướng họ đến con đường đúng đắn. Một năm sau đó, với câu khẩu hiệu
Cứu giúp phụ nữ
, Mitsu đã dựng nên một cộng đồng dành cho những phụ nữ không chốn dung thân, mất chồng hoặc con cái trong chiến tranh.
Chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau, nghĩa là phải từ bỏ những gánh nặng bên mình
, Mitsu nói với những người ủng hộ mình, số lượng thành viên ngày càng tăng, hầu hết đến từ tỉnh Kansai. Một người trong số họ đã quyên tặng mảnh đất để xây trung tâm mới. Sau thời điểm huy hoàng vào giữa những năm 1950, số lượng những người tin vào tổ chức này bắt đầu giảm dần.
Năm 1948, bà Mitsu nhận nuôi một đứa bé gái là con của một thành viên trong tổ chức. Đó là Naomi Hasegawa, người sau này đã trở thành lãnh đạo của Gia đình Thiên thần.
Năm 1960, Naomi kết hôn với chủ một doanh nghiệp sản xuất vớ, nhưng chỉ một năm sau, bà ly dị chồng và trở về Ngôi nhà của những Thiên thần. Năm 1962, Mitsu qua đời. Một năm sau đó, Naomi kế thừa vị trí của mẹ và đổi tên tổ chức này thành Gia đình Thiên thần. Không như Mitsu, Naomi không tuyên bố rằng mình được Chúa trời gửi đến. Bà cũng không thuyết giáo. Chỉ có câu khẩu hiệu
Cứu giúp phụ nữ
vẫn được Naomi giữ lại.
Tiếp nối hoạt động của Ngôi nhà của những Thiên thần, Naomi bắt đầu tạo lập một cộng đồng độc lập cùng vài thành viên ít ỏi còn lại. Cũng trong thời gian này, bà thành lập một trung tâm tư vấn và giải quyết mọi khúc mắc dành cho phụ nữ. Những người tìm đến với Naomi hầu hết đều gặp các vấn đề như bệnh tật, bạo lực gia đình, sức khỏe giảm sút. Naomi nói với họ rằng đó là
sự báo thù của những bào thai bị phá bỏ
. Những phụ nữ bị hư thai hoặc đã từng phá thai tuyệt đối tin lời bà.
Từ khoản tiền quyên góp của các tín đồ, Naomi đặt làm và trưng bày những tượng thiên thần nhỏ trong khuôn viên của Gia đình. Đó là những bức tượng trắng, nhẵn nhụi không có mặt mũi. Chúng có cùng kích thước với đội quân tượng Jizo Bodhisattva (đội quân của trẻ em và những bà mẹ sắp sinh con). Naomi cũng sản xuất một loại nước tinh khiết mà bà ta gọi là
nước thánh", đồng thời cho biết nếu dùng nước này để rửa tượng thiên thần, những người mẹ tội lỗi sẽ được linh hồn của những bào thai tha thứ cho mình.
Năm 1968, một vài ngọn đồi ở vùng lân cận bị san bằng để phục vụ cho dự án phát triển khu đô thị mới, xã hội Nhật Bản đã có sự thay đổi toàn diện và nhanh chóng. Gia đình Thiên thần cũng không tránh khỏi sự biến đổi. Naomi dừng rao giảng về sự trả thù của những bào thai bị phá bỏ; bà sử dụng thêm câu khẩu hiệu: ''Bỏ qua một bên những ràng buộc để có được hạnh phúc đích thực". Những bức tượng từng được dùng với mục đích an ủi linh hồn của những bào thai, bây giờ trở thành biểu tượng của thiên thần, những thực thể không sân si. Đồng thời, hành động lau chùi các bức tượng cũng mang một ý nghĩa khác: gạt bỏ những gánh nặng trong người. Nhiệm vụ quan trọng của những phụ nữ sống tại đó không còn là cầu nguyện và lau chùi tượng mà là trồng rau và chế biến thực phẩm.
Khi cơn bùng nổ thực phẩm có hại cho sức khỏe xảy ra vào những năm 1970, Gia đình Thiên thần đã chuyển sang kinh doanh rau, gạo, bánh mì, thịt, nước uống. Họ có lượng khách khá ổn định. Naomi và các thành viên thu hoạch những gì họ trồng ở Gia đình, mua những gì họ không thể tự chế biến thông qua hợp đồng trực tiếp với nông dân tại địa phương. Họ cũng bắt đầu truyền bá và rao bán sản phẩm bằng cách bán dạo hoặc đặt hàng. Thông qua những chuyến xe bán dạo, họ kết hợp truyền bá khẩu hiệu
Cứu giúp phụ nữ
. Vào thời gian đó, những cụm từ như
bạo lực gia đình
,
kẻ đeo bám
hoặc
ngoại tình
vẫn chưa được biết đến nhiều. Phụ nữ không biết làm sao để đương đầu với những chuyện đó, và cũng không có nhiều nơi cho những nạn nhân lẩn trốn. Vì vậy, nhiều người đã tìm đến Gia đình. Naomi bảo với họ:
Nếu từ bỏ hết mọi thứ - giới tính, gia đình, tiền bạc và những gánh nặng khác, bạn sẽ được giải thoát khỏi những bất hạnh của loài người
.
Mặc dù họ luôn tuyên bố:
Hãy gõ, cửa sẽ mở
, nhưng trên thực tế, cánh của Gia đình không mở ra với tất cả mọi người. Sau cuộc phỏng vấn với ban lãnh đạo cũa Gia đình và được kiểm tra sức khỏe, chỉ có những phụ nữ (thông qua tự thú nhận hay dựa vào kết quả kiểm tra sức khỏe) từng bị sảy thai, phá thai, vô sinh (bẩm sinh hay vì những lý do khác) mới được chấp nhận. Tuy nhiên, họ không công bố điều này, chỉ ban lãnh đạo và một vài thành viên trung tín được biết.
Tại sao Naomi lại ban hành những tiêu chuẩn này? Câu hỏi vẫn nằm trong bóng tối. Người ta đặt ra giả thuyết, có lẽ Naomi xem việc tất cả những người theo bà đểu có quá khứ đau buồn như nhau là một lợi thế; hoặc chính Naomi cũng từng sảy thai hoặc bị vô sinh (phải nhắc lại, bà đã ly hôn sau khi kết hôn chỉ được vỏn vẹn một năm). Vậy là Gia đình, nơi Kiwako chọn để ẩn náu nhưng không hay biết gì về nó, hóa ra lại có những quy định hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh của cô. Quả thật mỉa mai.
Khi Kiwako gia nhập Gia đình vào những năm 1980, ngoài việc kinh doanh thực phẩm tự nhiên, Gia đình Thiên thần còn được biết đến như một trung tâm phát triển bản thân. Trong quá trình gia nhập Gia đình, Kiwako được yêu cầu ký vào một bàn hợp đồng đồng ý chuyển giao tất cả tài sản của mình. Ký hợp đồng là quá trình vừa mới được ban hành vào đầu những năm 1980, bắt nguồn từ việc có những thành viên cứ quay lại đòi tài sản.
Năm 1987, Gia đình nhận vào một nữ sinh tuổi vị thành niên. Cô gái này đã bỏ nhà đi, nhưng gia đình cô lại tuyên bố con gái mình bị bắt giữ. Gia nhập nhóm người muốn đòi lại tiền, họ đã lôi kéo giới truyền thông vào cuộc. Gia đình phản ứng bằng cách nhờ đến luật sư và chính quyền địa phương, cuối cùng, họ cho phép cánh sát điều tra. Cảnh sát ập đến ngay sau khi Kiwako bỏ trốn. Ngoài sự thật rằng những đứa trẻ ở tuổi đi học sống tại đây không được cho đi học trường công, Gia đình không có hoạt động gì phạm pháp. Rõ ràng, giới truyền thông đã thổi phồng vấn đề.
Sau khi Kiwako bị bắt, cái tên Gia đình Thiên thần trở lại với công chúng trên danh nghĩa là nơi Kiwako đã trốn trong hơn hai năm. Người lãnh đạo, Naomi Hasegawa, cùng Mariko Sakari, Harue Nagatsuka và một vài người khác bị gọi đến thẩm vấn vì đã chứa chấp Kiwako dù biết danh tính thực của cô.
Những thành viên của Gia đình Thiên thần hoàn toàn không được phép xem tivi, radio, báo, tạp chí và những kênh thông tin khác về thế giới bên ngoài. Dù vậy, người ta cho rằng trong thời gian huấn luyện, Naomi luôn âm thầm điều tra về thân thế của những thành viên sắp gia nhập. Hơn thế, sau khi Kiwako gia nhập, những thành viên rời Gia đình hằng ngày để đi bán thực phẩm hoặc những thành viên làm việc bán thời gian bên ngoài đã phát hiện Kiwako là ai. Khi bị thẩm vấn, chỉ có Naomi là người duy nhất thú nhận rằng mình biết về Kiwako. Nhưng bà một mực khẳng định mình chỉ biết về Kiwako và vụ bắt cóc sau khi cô sống ở gia đình một thời gian.
Kiwako đã trở thành thành viên, tôi không thể ném cô ấy ra ngoài vì bất cứ lý do gì
.
Tục lệ đặt cho thành viên mới những cái tên lấy từ Kinh thánh bắt đầu từ thời Ngôi nhà của những Thiên thần, và Naomi, đứa con gái nuôi của người sáng lập, vẫn giữ tục lệ này. Naomi luôn phủ nhận sự khác biệt giới tính, bà đặt cả tên đàn ông cho một vài thành viên. Kiwako được đặt tên Ruth. Cái tên Ruth bắt nguồn từ Kinh Cựu ước: sau khi chồng qua đời, Ruth ở với mẹ chồng, bà cũng mất chồng và các con trai.
Naomi khai:
Tôi không bao giờ đánh đồng giữa hành động hay tính cách của những nhân vật trong Kinh thánh và các thành viên khi đặt tên cho họ. Tôi chỉ cẩn thận không bao giờ đặt trùng tên". Có lẽ, khi chấp nhận Kiwako dù biết rõ cô là ai, Naomi đã hy vọng có được điều gì đó từ Kiwako. Số tiền khổng lồ mà Kiwako mang đến cũng có thể là một lý do. Trong khi yêu cầu những thành viên từ bỏ tên tuổi và quá khứ, Naomi thực ra lại lưu tâm đến nghề nghiệp và học vấn của họ, từ đó bà có thể sử dụng khả năng của họ vào những việc liên quan hoặc lợi dụng họ vào một ngày nào đó. Naomi tin chắc Kiwako sẽ không thể rời khỏi Gia đình mà không bị bắt. Naomi Hasegawa, người duy nhất thú nhận đã bao che tội phạm, bị tuyên bố có tội. Mức án dành cho bà là tám tháng tù giam và hai năm tù treo.
Marina bảo tôi:
- Mẹ hỏi chị có về nhà nghỉ đông không kìa.
Đầu dây bên kia rất yên ắng. Chắc hẳn con bé đang ở trong phòng riêng.
- Chắc không đâu.
Tôi vừa đáp vừa xoa bụng, khi đang nằm dưới bàn kotatsu, khăn phủ che đến cổ. Cái thai đã được 16 tuần, nhưng nếu tôi mặc áo rộng, nó vẫn chưa lộ. Dù sao cũng không cách nào che giấu mãi được. Tôi không thể về nhà lúc này.
- Sao lâu rồi chị không về? Em sẽ nấu món canh mừng năm mới cho chị. Bố mẹ sẽ cho tiền nữa đấy.
- Được thôi, vậy nói bố mẹ chuyển cho chị đi. - Tôi cười. Marina cũng cười, nhưng sau đó giọng con bé trở nên nghiêm túc.
- Bố mẹ không có cách gì thay đổi đâu, có lẽ chị phải chấp nhận bố mẹ như vậy thôi.
- Chị biết. Chị luôn biết mà.
- Dạ, em cũng nghĩ là chị hiểu. - Con bé cười buồn, sau đó nói thêm: - Nhà chẳng xa lắm, lúc nào thích chị cứ ghé về nhé! - Rồi nó cúp máy.
Tôi lầm bẩm rồi bật dậy, nhìn cuốn sổ tiết kiệm đang đặt trên bàn. Lần nào kiểm tra, con số tài khoản vẫn y như cũ.
Tới tuần thai thứ tám tôi vẫn ổn, nhưng suốt tuần thứ chín, tôi rất nhạy cảm với mùi vị nên đành bỏ việc ở quán rượu. Chigusa tìm giúp tôi công việc hiệu đính giấy tờ ở một trường dạy văn thư, nơi tổ chức các khóa học dành cho sinh viên lớn tuổi. Tôi bắt đầu làm việc từ tháng trước, nhưng chỉ kiếm được 100 ngàn yên/tháng. Mặc dù ý thức được rằng mình phải nghiêm túc làm việc, nhưng kể từ kỳ nghỉ đông, tôi hiếm khi ra khỏi nhà. Gần như suốt cả ngày, tôi nằm ườn dưới bàn kotatsu cũ mà Chigusa mang đến cho.
Nằm trong căn phòng yên ắng, tôi nhớ lại lúc mình còn học cấp hai. Thời gian đó, rõ ràng không bạn học nào xa lánh tôi, thậm chí một vài đứa còn bắt chuyện và tôi cũng không phải ăn trưa một mình. Nhưng tôi vẫn thấy xung quanh mình quá vắng lặng. Bầu không khí không khác gì so với lúc tôi học tiểu học.
Những năm cấp hai, việc mẹ thường xuyên vắng nhà đã trở nên bình thường. Mẹ ghé về nhà sau giờ làm nhưng lại đi ngay, có lẽ đi gặp bạn. Bà hiếm khi về trước nửa đêm. Những lúc đó, bà để lại trên bàn tờ 1.000 yên. Đó là số tiền mẹ dùng đề mua một hai món làm sẵn như thói quen suốt nhiều năm nay. Đi học về, tôi vo gạo nấu cơm và hai chị em ăn tối với nhau. Khoảng 8-9 giờ tối, bố xuất hiện, ông ăn phần cơm hai chị em để lại, rồi ngồi lặng lẽ tại bàn, uống rượu một mình.
Một lần tôi thử than phiền với bố mẹ. Lúc đó tôi đã là thành viên của gia đình Akiyama, vì vậy tôi được phép than phiền. Hoặc ít nhất là tôi nghĩ vậy.
Tôi bảo bố mẹ rằng mình đã chán làm việc nhà, nấu ăn, giặt giũ và ủi quần áo, rằng với những công việc bận rộn như thế, tôi không còn thời gian đi chơi với bạn bè và thậm chí không thể hoàn tất bài tập về nhà. Tôi còn nói thêm ở những gia đình khác các bà mẹ phải làm việc này.
Gia đình khác thì mặc kệ họ. Con biết gì về họ? Con đang nói về gia đình nào?
Bố quát tháo, còn mẹ thì than vãn
Tôi chết dí ở cái nhà này
. Phản ứng gay gắt của bố mẹ khiến tôi không còn cách nào khác là tiếp tục công việc hằng ngày. Đồng thời, tôi cũng biết rằng sự kiện bắt cóc vẫn chưa thôi ám ảnh gia đình mình.
Trong thời gian này, tôi hay đến thư viện. Tôi dẫn Marina đi cùng sau giờ học, hoặc đi một mình vào các ngày Chủ nhật hoặc ngày lễ, tìm kiếm sách báo viết về vụ bắt cóc. Nếu không thể từ bỏ quá khứ, tôi quyết định tìm hiểu về nó.
Năm học lớp 8, từ những bài viết trên sách báo, lần đầu tiên tôi biết bố mẹ mình là người thế nào. Lần đầu tiên trong đời, tôi thực sự hiểu họ. Mẹ luôn vắng nhà còn bố lúc nào cũng ngồi lầm lì uống rượu mỗi tối; đột nhiên tôi hiểu tại sao bố mẹ lại trở nên như vậy.
Lúc đó, tôi thấy họ cũng ngốc như người đàn bà đã bắt cóc mình. Lẽ ra bố không nên có con, và mẹ cũng vậy. Không chỉ bố, mà ngay cả mẹ cũng có nhân tình. Giá như tôi không bị bắt cóc, gia đình này vẫn vậy thôi: mẹ biến mất mỗi đêm, bố ngồi đó uống rượu, không buồn để ý mẹ đi đâu. Bốn người chúng tôi không bao giờ có thể là một
gia đình
như những gia đình khác. Nhận ra điều này, tôi thấy cuộc sống dễ chịu hơn. Tôi nhận ra sự hỗn loạn trong nhà mình, sự thờ ơ của bố và việc mẹ vắng nhà mỗi tối không phải là lỗi của tôi. Không phải vì tôi đã quay về.
Rồi tôi chợt phát hiện ra, người duy nhất có thể giúp mình thoát khỏi cuộc sống này chính là mình chứ không phải ai khác. Nếu tôi có thể trốn khỏi cuộc sống ngột ngạt này thì tôi phải tự mình làm việc đó.
Năm Marina vào trung học, chúng tôi chuyển nhà đến Tachikawa. Căn hộ lần này mới và gọn gàng hơn căn cũ ở Kawasaki một chút. Mẹ tôi dần quen với cuộc sống mới. Bà không còn ra ngoài mỗi đêm. Dù thức ăn vẫn là đồ nấu sẵn mua ở siêu thị, nhưng mẹ đã ủi đồng phục cho hai chị em (dù rất vụng về) và còn chuẩn bị hộp cơm trưa với đầy thức ăn đông lạnh. Nhưng lần này đến lượt tôi hay ra khỏi nhà. Hằng ngày, tôi làm việc bán thời gian ở tiệm karaoke đến 8 giờ tối rồi đến một nhà hàng gia đình hoặc tiệm cà phê ngồi đọc truyện tranh và học bài luyện thi đại học. Mãi đến nửa đêm tôi mới về nhà và thấy mẹ đang chờ cửa. Khó chịu vì bỗng nhiên mẹ cư xử như một bà mẹ bình thường, tôi lờ đi mọi lời mẹ nói rồi đi thẳng vào phòng ngủ.
Sau khi đậu đại học và thuyết phục được bố mẹ cho phép chuyển ra ngoài ở, tôi thấy dễ chịu vô cùng. Vậy là rốt cuộc, tôi đã rời khỏi nhà bằng chính khả năng của mình như tôi hằng mong muốn. Sau mười năm kể từ lúc trở về, cuối cùng tôi cũng cắt đứt sợi dây liên kết giữa mình với vụ bắt cóc; và sự hững hờ của bố mẹ không còn giày vò tôi thêm nữa...
Bụng tôi bỗng đau nhói, cảm giác như có một cơn co thắt sâu bên trong.
Nó đang đạp!
, tôi hét toáng lên dù lúc này chỉ có một mình.
Người duy nhất có thể giúp mình trốn thoát chính là mình - ý niệm này bất chợt quay trở lại.
Tôi lục tìm điện thoại. Khi nhìn thấy nó nằm trên bàn, tôi vơ lấy và bấm số gọi Chigusa.
Em sẽ đi với chị về nơi mà chị đã đề nghị. Tôi sẽ nói với Chigusa như vậy. Tôi sẽ chi tiền cho chuyến đi này, dù có thể những ký ức tìm về với tôi là những ký ức tồi tệ. Có thể tôi sẽ mất tiền chỉ để nhớ lại những điều mình không nên nhớ. Nhưng vẫn còn một khả năng khác, đó là tôi có thể sống tiếp cuộc đời mình. Rốt cuộc rồi mình cũng có được một kế hoạch cụ thể cho tương lai, tôi tự nhủ, lòng khấp khởi hy vọng khi nghe tiếng chuông đổ bên tai.
Nỗi lo lắng làm tôi thấy buồn nôn. Cảm giác lúc này tệ như những cơn nghén. Tôi sẽ nói với bố mẹ về đứa bé, nhưng lại giấu mình trong chiếc áo rộng, thậm chí còn soi gương để chắc cái thai không quá lộ ra. Lúc ra khỏi nhà, tôi suýt quên mất mình định về nhà bố mẹ để làm gì.
Hôm nay là ngày thứ hai của năm mới, tàu điện gần như trống không. Những vị khách duy nhất trên chuyến xe buýt từ ga Tachikawa lúc này chỉ có tôi và hai cô gái mặc bộ kimono cầu kỳ.
Bố mẹ mới chuyển đến căn hộ ở Tachikawa này được hai năm; suốt thời gian đó, tôi hiếm khi về nhà, vì thế căn hộ gần như xa lạ với tôi. Không có thang máy, tôi phải leo bộ đến lầu ba. Khi nhấn chuông cửa, tôi thấy năm ngón tay mình run rẩy. Suy cho cùng, tôi vẫn là một cô gái yếu đuối. Tôi luôn xem bố mẹ là những kẻ ngốc nghếch, nhưng giờ tôi lại đứng đây, hồi hộp đến không thở nổi vì sợ họ sẽ nổi điên với mình.
Marina ra mở cửa. Ngày đầu năm mới nhưng con bé vẫn mặc chiếc áo cũ mà nó thường mặc.
Marina cười tươi, rồi la lớn:
Chị Erina về!
.
Ngay lúc bước vào, mùi ẩm mốc ngột ngạt ập vào mũi tôi. Những thùng các-tông và tạp chí cũ xếp chồng trên lối vào dọc theo hành lang. Chúng làm tôi nhớ lại căn hộ ở Hachioji, Kawasaki và tất cả những nơi chúng tôi đã sống cho đến bây giờ. Những căn hộ nhỏ nhoi chất đầy đồ đạc, bụi bẩn, tiếng ồn. Tôi theo Marina đi dọc hành lang, tràn ngập nỗi nhớ về những ngày tháng cũ, nhưng là những cảm giác khổ đau cay đắng chứ không phải những ký ức ngọt ngào.
Bố đang duỗi người trên sàn xem tivi với ly bia đặt trước mặt. Mẹ đang làm gì đó trong bếp.
Bố chỉ nhướng mắt nhìn:
- Chào con.
- Con đã về rồi. Phải gọi điện trước mới phải chứ. - Mẹ xuất hiện từ nhà bếp, nhìn tôi từ trên xuống dưới. Tôi giật mình. Tôi vẫn sợ mẹ biết về cái thai dù đó là lý do tôi về đây. Giá như mẹ hỏi
Con đang có thai à?
thì tốt biết bao, nhưng mẹ quay vào bếp và nói:
- Con đói không? Có cơm và cà ri đấy.
Sự thản nhiên của bà làm tôi khó chịu.
Marina đứng im lặng bên cạnh giờ mới thúc khuỷu tay chị. Tôi quay lại thấy nó đang cười rồi thì thầm:
Em nấu, chị đừng lo
. Mẹ tôi nấu ăn tệ đến nỗi món cà ri cũng khó mà nuốt trôi. Chỉ cần cho thịt, rau củ vào nước hầm cùng xốt cà ri đóng gói, thế mà món cà ri của mẹ luôn lỏng bỏng, hoặc cà rốt và khoai tây vẫn sống nhăn.
Căn bếp chất đống những túi ni-lông của cửa hàng tiện lợi, chai rượu, vỏ bia; một bịch khoai tây lớn và một cái chảo mới vẫn còn đựng trong túi. Vừa lúc, bố hỏi tôi với giọng không mấy quan tâm, mắt ông vẫn dán vào chiếc ti vi bật ầm ĩ:
- Con học sao rồi?
Tôi hít một hơi thật sâu, rồi thốt:
- Thực ra, con đang mang thai. Được năm tháng rồi. Con sẽ sinh đứa bé.
Một sự im lặng đột ngột bao trùm. Tivi vẫn mở lớn, phòng vẫn bày bừa, nhưng tôi cảm nhận được bố mẹ và Marina đang khựng lại.
- Thế nên con về mượn ít tiền. Con hứa sẽ trả lại, bố mẹ có thể cho con mượn một ít không? Bao nhiêu cũng được.
Không ai nói lời nào. Cả ba đều nhìn tôi như thể đang nhìn một thứ rất ghê sợ. Tôi đến bên ghế sofa, gạt qua một bên những tờ báo, vớ, khăn tắm, tạp chí rồi ngồi xuống. Căn phòng tuy ồn ã nhưng lại quá im ắng. Bố mẹ và em vẫn nhìn tôi chằm chằm, bối rối và sững sờ. Cái ngày tưởng chừng như đã nhạt nhòa trong ký ức bỗng nhiên quay trở lại với tôi, rõ ràng và vô cùng sống động. Ngày đầu tiên tôi gặp họ. Hôm đó, mẹ cũng nhìn tôi như bà đang nhìn tôi bây giờ, đó là cái nhìn ghê tởm về đứa trẻ lạ vừa tè dầm lên thảm. Tôi luôn đơn độc. Cuối cùng tôi cũng hiểu. Tôi thực sự luôn đơn độc. Chưa bao giờ tôi thôi đơn độc. Tôi muốn phá tan sự im lặng đang bao trùm căn phòng và những tiếng ồn ã vô nghĩa đi cùng nó. Tôi muốn xé nát mọi thứ. Tôi để mặc cảm xúc của mình tuôn chảy.
- Bố mẹ có muốn biết bố đứa bé là ai không? Bố à, anh ấy cũng giống như bố vậy, một người không bao giờ có thể trở thành bố của con mình. Nhưng dù sao con cũng sẽ sinh nó. Con sẽ tự nuôi nó lớn, như vậy, con sẽ không phải bắt cóc con của anh ấy. Hai mẹ con sẽ sống cùng nhau. Từ bây giờ, con không còn một mình nữa. Con đã có con.
Tôi bụm miệng lại. Nếu không, tôi chắc mình sẽ hét lên mất.
Tại sao? Tại sao? Tại sao? Tại sao lại là con? Hãy nói cho con biết, tại sao lại là con? Tôi cắn lưỡi, cố ngăn tiếng thét đang cuồn cuộn trong cổ họng mình.
Có tiếng xoảng vang lên trong bếp. Tiếp theo là tiếng gào. Tôi nhìn thấy mẹ chạy ào đến, một tay cầm vá, một tay cầm miếng nhấc nồi. Mùi cà ri đọng trên vá lan tỏa trong không khí ngột ngạt.
Bà quẳng cái vá xuống sàn và ném miếng nhấc nồi vào người tôi, rồi gào lên thảm thiết, lao đến đấm thùm thụp vào tôi. Bà đánh vào đầu gối, vào mặt, vào cánh tay, vào khắp người tôi, trừ bụng.
Tại sao? Con làm vậy để làm gì? Sao con làm như vậy? Tại sao? Con muốn mẹ đau lòng, đúng không?
Nước mắt nước mũi thi nhau chảy xuống khuôn mặt nhăn nhúm của bà như thể có gì đó bên trong bà vừa vỡ vụn. Bà đánh tôi thật mạnh, vừa đánh vừa kêu khóc nghẹn ngào.
Tại sao, tại sao con đối xử với mẹ như vậy? Sao con không bình thường như những đứa con khác?
Tiếng la khóc im bặt. Mẹ đổ sụp người xuống sàn, nức nở. Bố ngồi đó, nét mặt bàng hoàng của ông nhìn tôi vô hồn. Marina vẫn đứng cúi mặt xuống sàn.
Không có quyền yêu hay ghét. Dù sao bà ấy cũng là mẹ chị.
Những lời Chigusa từng nói tuôn xuống như mưa rơi giữa sự im lặng mà tôi vừa phá hủy và sự náo loạn của căn phòng lúc này.
Vậy đây là điều chị muốn nói, tôi nghĩ, cảm thấy bình thản và dửng dưng khi nhìn người mẹ đang than khóc, người bố ngồi bất động và đứa em gái đang đứng cúi mặt. Ra là vậy. Tôi đã hiểu. Tại sao lại là tôi? Tôi không phải là người duy nhất mang những câu hỏi này theo mình suốt chừng ấy năm. Những năm qua, tôi đã luôn tự hỏi tại sao mình lại là đứa trẻ bị bắt cóc. Tại sao tôi sinh ra trong gia đình này? Nhưng không phải chỉ có tôi. Tại sao lại là đứa trẻ đó? Tại sao đứa trẻ đó lại bước vào cuộc đời mình? Đó chính là điều bố, mẹ và em gái đã không ngừng tự hỏi chính họ. Tại sao mình là bố đứa bé đó? Tại sao mình là mẹ đứa bé đó? Tại sao mình luôn quay lưng với đứa con gái vừa trở về nhà? Tại sao nó luôn cư xử như vậy? Tại sao mình luôn trốn tránh? Tại sao mình đột nhiên có một chị gái? Một người bố không bao giờ là một ông bố, một người mẹ không bao giờ hành động như một bà mẹ, một đứa em gái luôn cư xử khách sáo, và tôi, một đứa con luôn cố xù lông lên bảo vệ mình bằng cách ghét bỏ tất cả bọn họ.
Lẽ ra mọi chuyện sẽ không như thế này
. Tất cả chúng tôi đều mắc kẹt ở quá khứ, không thể thoát khỏi nó. Đó không phải là vấn đề yêu hay ghét; bây giờ tôi đã nhận ra chúng tôi quả thật là một gia đình tuyệt vọng.
Con xin lỗi
, tôi nghe giọng mình cất lên khàn đặc.
Con xin lỗi. Nhưng con muốn sinh đứa bé này
. Lưỡi tôi đau nhói ở chỗ tôi vừa cắn chặt. Tôi nhìn cái vá đang nằm lăn lóc. Cà ri đã dây ra sàn.