• 118

Chương 19


Số từ: 8633
Dịch Giả: Thục Nhi, Song Thu
NXB Trẻ
Nguồn: Sưu Tầm
Từ ga Toriimae, chúng tôi lên tàu điện Ikoma, rồi đón taxi ở bến cuối. Chúng tôi có thể tiết kiệm được một tiếng nếu bay đến Itami, nhưng Chigusa cứ luôn bảo như vậy quá nguy hiểm cho bà bầu, vậy là chúng tôi đi tàu cao tốc đến tận Kyoto. Tôi nhìn đồng hồ. Bây giờ là 3 giờ chiều. Nếu đi nhanh, hai chị em có thể đến đảo Shodo trước buổi tối, nhưng Chigusa không nghe tôi, vậy cũng có tốt cho bà bầu đâu. Có lẽ cả hai sẽ nghỉ đêm ở Kyoto hoặc Nara, tôi nghĩ ngợi, rồi nhìn cảnh vật lướt qua bên ngoài cửa taxi.
Lúc hai chị em gặp nhau ở ga Tokyo, Chigusa háo hức dò tìm thông tin trên mấy cuốn sách hướng dẫn du lịch và liến thoắng không ngớt. Mới phút trước chị còn gợi ý chúng tôi sẽ ăn gì ở đâu, sau đó lại nhặng xị lên như một đứa trẻ nít rằng mình rất khát nước. Đến lúc đổi tàu ở Kyoto, chị tíu tít trầm trồ như một khách du lịch
Ôi cái tàu bé xíu đáng yêu quá!

Những người ở đây đều nói tiếng Kansai!
. Nhưng khi lên taxi, chị chỉ ngồi yên lặng và cắn móng tay.
Sợ rằng sự yên lặng khó thở sẽ làm mình nản chí không muốn đi nữa, tôi hỏi Chigusa để chắc chắn thêm lần nữa:
- Chị Chigusa, chị mới quay lại Gia đình Thiên thần, đúng không?
- Ừ, khi viết cuốn sách này, chị quay lại đó để tìm hiểu thêm thông tin. Nhưng họ không cho chị vào. Chỉ là tin đồn, nhưng hình như bà Sarah và Saku vẫn còn ở đó. Có lẽ họ không biết đi đâu.
Chigusa mới quay lại nơi đó, nhưng không hiểu sao chị vẫn hồi hộp. Có thể Gia đình Thiên thần có ý nghĩa khác với mỗi người; tôi đã quên bẵng về nó, còn Chigusa vẫn còn lưu giữ những ký ức sâu đậm về thời thơ ấu mà chị trải qua nơi đây. Tôi không biết Sarah và Saku là ai.
Tôi hỏi ngay điều mà mình muốn biết từ lâu lắm rồi:
- Những người ở Gia đình nghĩ gì về Kiwako vậy chị? Còn người đứng đầu bị cho là có tội, đúng không, dù đó chỉ là án treo?
- Tất nhiên người này bị truyền thông đánh rất dữ, nhưng vì những gì bà ta nói ở phiên tòa
Tôi không thể quay lưng với những người đến nhờ mình giúp đỡ
, phụ nữ khắp cả nước ồ ạt gửi thư tới Gia đình muốn xin gia nhập. Sau phiên tòa, những người đi theo Thiên thần còn nhiều hơn trước. Có lẽ bà ta đã có ý đồ này từ trước rồi, ngay khi nhận Kiwako vào.
Nghe từ
Gia đình Thiên thần
trong câu chuyện của chúng tôi, người tài xế taxi bắt đầu kín đáo quan sát hai chị em qua kính chiếu hậu. Tôi nghĩ ông ta sẽ hỏi gì đó, nhưng ông không nói gì.
- Em nói rồi, em không vào đâu. Mình chỉ lái xe quanh đó thôi.
- Chị biết.
Theo lời Chigusa, Gia đình Thiên thần bây giờ bán thức ăn hữu cơ và mở lớp tập yoga và lớp thể dục nhịp điệu cho phụ nữ. Các thành viên không còn bị bắt buộc phải giao nộp toàn bộ tài sản. Gia đình trở thành một trung tâm nơi thành viên chỉ phải trả phí đặt cọc khi gia nhập. Những thuyết giáo về sự trả thù của các bào thai bị bỏ rơi cũng như chương trình tự phát triển bây giờ đã bị cấm.
Sự thay đổi thần kỳ
- đó là khẩu hiệu của họ bây giờ, Chigusa nói. Khi bị cấm thuyết giảng về vấn đề phá thai, họ chuyển sang bán thực phẩm; khi chính quyền trừng trị thẳng tay những nhóm tôn giáo cực đoan vào những năm 1990, họ lại tránh né vấn đề tôn giáo. Nói chung, họ khéo léo thay đổi phương châm hoạt động sao cho phù hợp xu hướng đương thời. Câu khẩu hiệu của họ nghe có vẻ mời chào, nhưng nó cũng chỉ là một cái vỏ rỗng tuếch. Chigusa dùng từ
cái vỏ rỗng tuếch
làm tôi nhớ lại những lời khai của Kiwako mà mình đã đọc được trên báo: hình như mẹ đã gọi bà ấy như vậy.
Chigusa nhoài người nhìn ra cửa sổ. Tôi nhìn theo chị. Một bức tường trắng đột ngột hiện ra trên con đường núi. Trông nó cũ kỹ và bạc màu vì mưa nắng. Có một tòa nhà hình chữ nhật ở bên trong hàng rào, buồn tẻ và xám xịt một màu như bệnh viện. Người tài xế rẽ trái rồi dừng lại trước cánh cổng có những lưới sắt.
- Tôi sẽ đợi hai cô chứ?
Chigusa và tôi nhìn nhau. Tôi nói:
- Không cần đâu. Cảm ơn ông.
Chigusa trả tiền taxi, còn tôi xuống xe bước về phía cổng. Mỗi bước đi, tôi thấy tim mình đập mạnh hơn. Phía sau bức tường là một bãi cỏ được chăm sóc kỹ và một tòa nhà vuông vắn, trơn tru, chắc chắn. Bầu trời trong vắt phản chiếu qua những ô cửa sổ bằng kính. Dù không thấy ai ở quanh, tôi vẫn cảm nhận có người đang nhìn mình. Tôi dừng lại cách cổng vài mét.

Có thấy quen không?
, Chigusa hỏi vọng từ sau. Không quay người lại, tôi quan sát những gì hiện ra trước mắt. Dù đứng bên ngoài tòa nhà, tôi vẫn hình dung được khung cảnh nếu mình nhìn từ một trong những ô cửa sổ đó: những cành cây trơ trụi khẳng khiu vươn về phía bầu trời xanh thẳm, bãi cỏ xanh mơn mởn, bức tượng trắng, dãy núi mờ xa, và bóng những ngôi nhà ở bên dưới...

Em không nhớ gì cả
, tôi thì thầm. Tuy nói vậy nhưng tôi vẫn nghe nao nao một cảm giác thân thuộc đã từ lâu. Căn phòng lát đá rộng có bồn tắm mờ hơi nước, tiếng bước chân vang vọng, tiếng cười rúc rích dưới chăn, tiếng đĩa nhựa va chạm. Nhưng chúng chỉ là những hình ảnh vụt qua. Rốt cuộc, tôi vẫn không thể nhớ mình đã nghĩ gì khi còn ở Gia đình, hoặc tại sao mình khóc, tại sao mình cười. Tôi vẫn không thể nhớ về những ngày tháng đó. Cũng như tôi không thể nhớ khuôn mặt mình nếu không soi gương.
- Suốt thời gian chị nghiên cứu và viết sách, chị luôn tự hỏi vì sao Thiên thần lại cho Kiwako ở lại. Tại sao bà ta lại chấp nhận người phụ nữ đáng nghi đó, cả đứa bé không rõ lai lịch? Tất cả mọi người đều cho rằng vì Kiwako có nhiều tiền, hoặc vì tốt nghiệp đại học và từng làm cho một công ty lớn.
Nhưng chị không nghĩ đó là tất cả nguyên do.
- Ý chị là sao?
- Chỉ là phỏng đoán của chị thôi nhé... Vào thời điểm Kiwako gia nhập, Gia đình đang có sự biến đổi, họ muốn khuếch trương hoạt động chứ không chỉ đơn thuần là một tổ chức tôn giáo. Kinh doanh thực phẩm tự nhiên vẫn chưa đủ; họ muốn có nhiều tiền hơn, xây dựng một tổ chức chặt chẽ hơn, và có lẽ họ còn muốn danh tiếng nữa. Vì vậy, họ hướng tới việc mở rộng hoạt động. Nói cách khác, đó là thời điểm mà Gia đình trải qua một sự chuyển đổi lớn.
- Theo như suy luận của chị, họ chấp nhận Kiwako vì thời điểm đó họ muốn kết nạp thêm nhiều thành viên mới, bất kể người đó là ai?
- Không phải. Chị cho rằng họ không muốn Kiwako, mà họ muốn em.
- Sao cơ?
- Theo như tìm hiểu của chị, từ đầu những năm 1980, Gia đình mới bắt đầu chấp nhận trẻ em. Chị là một trong số những đứa trẻ đầu tiên. Thời điểm đó, họ chu cấp tiền cho những phụ nữ mang thai và các bà mẹ đơn thân đang gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con một mình. Đây là phần phụ thêm trong dịch vụ tư vấn của họ. Thay vì quảng cáo rầm rộ, họ rỉ tai các bà nội trợ về tổ chức thông qua hình thức kinh doanh rau củ và thực phẩm bằng xe tải. Nhờ đó, những phụ nữ mang thai không nơi nương tựa hoặc những bà mẹ không thể chu cấp cho con bắt đầu tìm đến Gia đình. Những người này được giúp đỡ tiền viện phí, được nhận vào Gia đình, hơn nữa còn được cấp phí khám bệnh cho con. Nhưng họ gặp một rắc rối. Đó là từ thời còn Ngôi nhà của những Thiên thần, toàn bộ thành viên ở đây đều là nữ. Vì vậy, rõ ràng họ không muốn chứa chấp các bé trai. Những người phụ nữ đi cùng con trai hoặc sinh con trai thì không được phép ở lại Gia đình mà chỉ đi đi về về. Có lẽ em không nhớ đâu, nhưng mấy đứa con trai vẫn đến Trường học cùng bọn mình không phải là thành viên nội trú trong Gia đình. Tất cả những người sống ở đó đều là nữ.
Tôi nhìn bãi cỏ được chăm chút gọn gàng đang sáng lên dưới ánh mặt trời. Tôi chỉ hiểu một phần những gì chị nói. Chẳng phải trên bãi cỏ này thường có những bức tượng trẻ con bằng thạch cao trắng? Hình như chúng không còn ở đây nữa. Không biết họ đã mang chúng đi đâu rồi nhỉ, tôi tự hỏi.
- Chị chỉ nghe thông tin từ mẹ chị và những người được phỏng vấn, nên cuối cùng chị quyết định tập trung tìm hiểu một người. Đó là một phụ nữ được Gia đình trả cho một nửa viện phí khi sinh con. Chị ấy không tiết lộ lý do gia nhập Gia đình, nhưng đã cung cấp cho chị rất nhiều thông tin. Vì không thể sinh con ở bất cứ nơi nào khác, chị ấy đã chọn trung tâm y tế của Gia đình. Vào tháng cuối của thai kỳ, họ đề nghị chị ấy ký bản hợp đồng, trong đó có con số tổng chi phí sinh nở, chi phí Gia đình trả hộ, và một điều khoản bảo rằng chị ta không có nghĩa vụ phải hoàn trả chi phí. Tuy nhiên, cuối bản hợp đồng còn có một dòng chữ rất nhỏ.
Chigusa hướng ánh mắt xa xăm vào cánh cổng, chị kể chuyện một cách chậm rãi, có lẽ đang chìm đắm trong những suy nghĩ riêng. Tôi tự hỏi không biết chị đang nhìn gì ở bên kia cánh cổng.
- Dòng chữ nhỏ đó là
Tôi giao phó việc giáo dục con tôi cho Gia đình Thiên thần
. Khi chị ấy hỏi câu này nghĩa là gì, họ đưa ra lời giải thích khá hợp lý. Có những bà mẹ đã gửi con cái đến các trường mẫu giáo hoặc trường tiểu học ở bên ngoài và yêu cầu Gia đình trả học phí, vì vậy điều khoản này nhằm ngăn chặn hành động đó. Tất cả trẻ em ở Gia đình đều học và chơi cùng nhau; họ muốn chị ấy mang con đến đây vài lần một tuần đề nó hiểu về tầm quan trọng của cuộc sống cộng đồng. Những phụ nữ chuẩn bị sinh con nhưng không có tiền và không có nơi nào để đi ngoài Gia đình đều tin lời giải thích này. Tất cả họ đều ký vào bản hợp đồng. Nhưng em có biết điều khoản đó thật sự nghĩa là gì không?
Tôi lắc đầu.
- Họ muốn đào tạo bọn trẻ thành những thành viên thuần chủng của Gia đình. Những phụ nữ chưa từng phá thai hoặc vẫn còn có thể mang thai không được chấp nhận là thành viên chính thức. Nhưng chỉ cần những người đó có con cái, họ vẫn được phép lui tới Gia đình. Bởi vì Gia đình cần những đứa trẻ đó. Khi các bà mẹ làm việc, bọn trẻ được giữ ở Trường học. Tới khi bọn trẻ lớn hơn, họ sẽ dần chia cách hai mẹ con và giữ chúng lại Gia đình thông qua một chương trình mà họ gọi là
Trại huấn luyện
. Tại đây, họ sẽ gieo vào đầu bọn trẻ khái niệm rằng trên đời này không có sự phân biệt giữa
đàn ông

đàn bà
. Cứ từng chút một như vậy, dần dần họ sẽ đào tạo ngày càng nhiều những đứa trẻ tiếp thu hoàn toàn lý tưởng của Gia đình. Đây là một kế hoạch dài hạn và bất thường. Trong thời gian đó, Thiên thần rất quan tâm đến những đứa trẻ này. Tuổi càng bé càng được ưu tiên.
- Vậy bà ta muốn em vì lúc đó em vẫn còn nhỏ?
- Ừ. Chị nghĩ vậy. Dù sao bà ta cũng biết Kiwako sẽ không bao giờ dám bỏ trốn. Vậy nên, khi em đến đó cùng Kiwako, em hoàn toàn phù hợp với kế hoạch của bà ta. Em sẽ lớn lên ở đây và trở thành một người trưởng thành hoàn toàn không hay biết gì về thế giới bên ngoài. Em sẽ là một sản phẩm hoàn chỉnh của Thiên thần.
- Ồ, tiếc nhỉ. Nếu vẫn còn ở đó, biết đâu em được thừa kế ngôi vị Thiên thần.
Những lời của Chigusa đáng sợ đến nỗi cách duy nhất tôi có thể tiếp nhận nó là biến nó thành một câu nói đùa. Nhưng Chigusa không cười. Chị vẫn đang chăm chú quan sát tòa nhà và đáp khẽ:
- Đúng vậy. Chính xác là vậy.
- Nhưng nếu những đứa trẻ đó bây giờ vẫn ở lại Gia đình, có phải chúng đã đi ngược với quy tắc thành viên phải là người từng phá thai hoặc vô sinh? - Ừ, nhưng em nghĩ xem, những đứa trẻ này có còn là phụ nữ đích thực đâu. Chúng đâu biết gì về đàn ông. Chúng dậy thì, trưởng thành, nhưng vẫn là những cô gái đồng trinh.
Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng tôi khi nghe những lời Chigusa nói. Tôi chợt nhớ Chigusa cũng từng bảo chị vẫn còn trinh. Tôi bối rối quay mặt nhìn những thanh sắt trên cổng.
- Không biết ở đây còn có cô gái nào lớn lên như vậy không? Chị nghĩ nơi này còn ai được nuôi lớn theo kế hoạch của Thiên thần không?
- Chị không biết. Nếu những suy luận của chị là đúng, kế hoạch dài hạn của bà ta đã thất bại ngay lập tức. Ngay khi bà ta nhen nhóm nó, những ông bố bà mẹ, những người cho rằng Gia đình đã cướp đoạt con cái họ, bắt đầu gây rối. Cuối cùng, Gia đình lại dính đến chính quyền địa phương và cảnh sát. Nhờ vậy, bọn trẻ được gửi đến trường công và được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Khi Kiwako bị bắt, cái tên Gia đình trở lại với công chúng. Chắc chắn bọn họ đã chối biến việc ban hành các hợp đồng mơ hồ. Năm 1995, sau vụ tấn công bằng khí độc ở ga tàu điện ngầm của giáo phái khủng bố Aum Supreme Truth, xã hội bắt đầu đánh đồng tôn giáo với những nhóm phái sùng bái cùng tội ác mà bọn chúng gây nên. Vì vậy, Thiên thần lại phải chuyển đổi hoạt động của Gia đình thêm lần nữa, hay ít nhất là chị suy luận như vậy. Nhưng chị không đề cập đến những điều này trong cuốn sách đâu. Chị nghĩ mình không nên viết. Không phải chị muốn bảo vệ Gia đình, mà chị nghĩ những đứa trẻ đó giờ đã lớn lên và đang sống đâu đó, ừ, chỉ là chị không thể viết về họ.
Chigusa cúi đầu, chị cười nhẹ nhưng tiếng cười nghe như một tiếng thở dài. Tôi bước thêm một bước đến gần cánh cổng, ngước mắt nhìn bầu trời phản chiếu trong mỗi ô cửa sổ. Qua ô cửa kính, những đám mây đang lững lờ trôi.
Lúc này, những mảnh ký ức trong tôi vừa ráp lại rồi rời ngay ra. Tôi thì thầm:
- Nếu giả thuyết của chị đúng và Kiwako không trốn thoát vào thời gian đó, có lẽ giờ này em vẫn còn sống ở đây.
- Ừ, nhưng nếu vậy thì bây giờ em sẽ sống một cuộc đời giống như chị đây: ăn cho qua bữa, nổi điên với một số thứ, cười cợt số phận, rồi đi ngủ.
Nếu thật là vậy, cuộc sống phía sau tòa nhà xám xịt này vẫn dễ chịu hơn nhiều so với tưởng tượng của tôi. Dù sống ở đâu, dù chưa bao giờ bị bắt ra khỏi căn nhà ở Hino hay lớn lên ở đây chăng nữa, thì tương lai của tôi cũng chẳng hề thay đổi. Chigusa không nói gì nữa. Chị đăm đắm vào khoảng sân như thể đang tìm kiếm điều gì. Tương lai của Chigusa cũng vậy. Nếu mẹ chị không rời khỏi nơi này, có lẽ bây giờ chị đang đứng ở một trong những ô cửa sổ kia và quan sát tôi.
Tôi nói khẽ:
- Nhưng chúng ta đang ở ngoài này rồi.
Chị gật đầu lặng lẽ:
- Ừm, chúng ta đã thoát được rồi.
Ngay sau khi ban lãnh đạo Gia đình Thiên thần quyết định cho phép chính quyền đến điều tra, Kiwako lên kế hoạch bỏ trốn. Sau này, Kiwako mới miễn cưỡng tiết lộ rằng một người bạn ở Gia đình tên là Kumi Sawada đã cho cô địa chỉ nhà trước khi cô tháo chạy Sawada và mẹ của cô, bà Masae, cũng khai như vậy.
Khi bị thẩm vấn về việc bao che tội phạm, cả hai mẹ con Sawada đều kịch liệt phản đối lời cáo buộc. Kumi, người được xem là nhân chứng của bên bị, bảo rằng cô và Kiwako gọi nhau bằng tên Gia đình đặt cho, thêm nữa, thành viên ở đây bị cấm đào bới cuộc sống riêng của nhau nên cô không hề biết danh tính thật của Kiwako. Khi được hỏi tại sao cô lại đưa địa chỉ nhà cho một người mà cô không biết gì về người đó, Kumi đã trả lời như sau:
Khi tôi ly hôn và mất quyền nuôi con, tôi thấy vô cùng có lỗi với con mình, tôi đau khổ vô cùng, mất cả ý chí sống. Vì vậy, trong cơn tuyệt vọng, tôi đã tìm đến Gia đình. Chỉ trong vài tháng ngắn ngùi sống tại đây, tôi nhận ra rất nhiều thành viên cũng có quá khứ bất hạnh như mình. Tôi thật sự có cảm giác rằng chúng tôi đang cùng nhau nuôi nấng bọn trẻ, cho dù chúng không phải là con chúng tôi. Tôi nghĩ chính điều đó đã cứu rỗi tôi. Khi chúng tôi được thông báo có những người ở bên ngoài sẽ đến điều tra Gia đình, tôi đã để mắt đến Kiwako và biết cô ấy sẽ bỏ trốn. Tôi không bao giờ nghĩ Kiwako phạm tội, chỉ nghĩ cô ấy không muốn chồng hay gia đình biết tung tích của mình. Tôi đã cho Kiwako địa chỉ nhà với hy vọng giúp cô ấy trốn khỏi những người đang săn đuổi mẹ con họ
.
Mẹ của Kumi, bà Masae Sawada, người đã nhận Kiwako vào làm việc, cũng là nhân chứng cho bên bị. Bà nói:
Tôi có nghe về vụ bắt cóc, nhưng không ngờ chính là cô ấy
. Những người dân ở đây có khuynh hướng đề phòng người ngoài, nhưng nếu đó là người thân, họ sẽ sớm mất cảnh giác. Khi Kiwako bảo với bà Masae rằng mình là bạn của Kumi, bà cảm thấy có thể tin tưởng cô, và hàng xóm đều không mảy may nghi ngờ khi bà giới thiệu Kiwako là một người họ hàng xa.
Sau phiên tòa, tất cả những người dân ở đảo được giới truyền thông phỏng vấn đều có cùng câu trả lời:
Hai mẹ con họ cũng giống như những bà mẹ và đứa con khác". Vài nhân viên bán hàng trong siêu thị hoặc cửa hàng tạp hóa nơi Kiwako thường đến mua sắm nghĩ rằng đứa bé là bé trai.
Đó là bởi vì quần áo Kaoru mặc là đồ cháu trai mà bà Masae mang cho, và
Kaoru
, cái tên Kiwako đặt cho đứa bé, đều dùng được cho cả con trai lẫn con gái.
Kumi Sawada là người duy nhất trên đảo đã từ chối mọi lời mời phỏng vấn.
Khi phiên tòa kết thúc, tiệm mì Soba Sawada trở nên nổi tiếng cả nước và bị vây kín bởi phóng viên và máy quay phim của đài truyền hình. Trong một thời gian dài sau đó, những tờ báo tuần đăng dày đặc các thông tin chi tiết về cuộc sống của Kiwako ở đảo. Một vài tờ nhấn mạnh Kiwako khá thông minh khi nói dối về danh tính của mình để làm việc ở tiệm mì, lợi dụng lòng tốt của những người dân đảo hiền lành, thậm chí còn đồng ý gặp gỡ mội viên chức của Tòa thị chính, người muốn kết hôn với cô. Trong khi đó, những tờ báo khác thì hóm hỉnh hơn với những lời bình luận:
cô ta mặc đồ thừa... những bữa ăn chỉ toàn mì sợi... cô ta đang dự thảo ngân sách cho cuộc sống trên bước đường chạy trốn
.
Năm 1992, một nữ nhà văn, người đã thực hiện hàng loạt cuộc phỏng vấn với bà Masae ở tiệm mì, phát hiện ra nguyên nhân tại sao bà đối xử tốt với Kiwako: đó là xuất phát từ mối quan hệ bất ổn giữa bà và cô con gái Kumi. Sau khi tốt nghiệp trung học, Kumi muốn đến học một trường dạy nghề ở Tokyo, nhưng bố mẹ cô đều phản đối. Cuối cùng, cô bỏ nhà đi. Cô không liên lạc với bố mẹ cho đến sáu năm sau mới đột ngột thông báo rằng mình sắp kết hôn. Sau khi kết hôn, mối quan hệ giữa cô và bố mẹ trở lại bình thường. Cô về nhà sinh con và ở lại đảo cho đến khi đứa trẻ được ba tuổi. Khi trở lại Tokyo, Kumi sống với bố mẹ chồng. Cô thường xuyên gọi điện cho mẹ ruột tâm sự về chuyện nuôi dạy con cùng nhiều vấn đề khác. Bà Masae rất thích trò chuyện thẳng thắn với con gái, nên không ngờ rằng Kumi đang gặp rắc rối lớn với mẹ chồng.
Sau khi Kumi ly hôn, mối quan hệ giữa hai mẹ con họ càng trở nên căng thẳng. Kumi bỏ nhà đi, mang theo con trai trở về đảo và thổ lộ với bố mẹ rằng cô đang lo mình sẽ mất quyền nuôi con. Nhưng bà Masae vẫn cho rằng mọi chuyện có thể thu xếp được, bà không thể chấp nhận việc con gái đã ly hôn và cần một nơi để trốn. Vì vậy, bà phản ứng bằng cách trách cứ cô thiếu kiên nhẫn. Bà tin đó là nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn. Bà còn thêm rằng chỉ vì sự ích kỷ của Kumi mà đứa bé sẽ phải chịu bất hạnh khi lớn lên không có bố. Bà Masae chỉ có ý khuyên con gái hành động đúng đắn hơn, nhưng sáng hôm sau, Kumi đã rời đảo không một lời từ biệt. Vài tháng sau, cô gọi điện về nhà, bảo với bố mẹ mình đã mất quyền nuôi con. Đó cũng là lần cuối họ nghe tin tức từ cô.
Hai năm rưỡi sau đó, Kiwako bất thình lình xuất hiện trước mặt bà Masae với tin tức về con gái bà. Cảm thấy có lỗi với con gái và hy vọng Kiwako sẽ là cầu nối mang hai mẹ con trở lại với nhau, bà Masae đã vui lòng chấp nhận Kiwako mà không điều tra lý lịch của cô.
Nữ nhà văn đã hỏi Masae cùng câu hỏi tại phiên tòa:
Bà có điều gì muốn nói với Kiwako Nonomiya không?
. Dù từ chối trả lời ở phiên tòa, nhưng sau một quãng im lặng, bà nói:
Đến tận bây giờ, cô vẫn nghĩ thật tốt biết bao nếu cháu không phải là Kiwako Nonomiya, mà là Kyoko Miyata
.
6 giờ tối, chúng tôi đến khách sạn mà những nhân viên ở Văn phòng du lịch tại ga điện ngầm đã gợi ý. Trời tối dần, có vẻ bầu trời ở đây nhiều sao hơn Tokyo. Chigusa nằm dài trên chiếc giường phẳng của khách sạn, cầm điều khiển từ xa và liên tục đổi kênh tivi.
Tôi ghé mắt qua ô cửa sổ, nhìn những ngôi nhà đang sáng đèn phía xa xa.
- Em chưa bao giờ ở khách sạn.
- Thật à?
- Tất nhiên là trừ khách sạn tình yêu. Nhưng ở đây khác quá. Em nghĩ mình thấy thoải mái hơn khi ở khách sạn tình yêu.
- Em lạ thật. Nếu là người khác họ sẽ nói ngược lại. - Chigusa cười, chân co lên duỗi xuống trên giường.
- Em biết. Nhưng vì gia đình em chẳng bao giờ đi du lịch. Suốt kỳ nghỉ hè cả nhà không hề ra ngoài cùng nhau, đón năm mới cũng không. Đến năm cấp hai em mới biết tất cả các gia đình khác đều ăn bánh kem vào dịp Giáng sinh, trừ gia đình mình. Và cũng chẳng ai tặng em bánh sinh nhật cho tới khi em hẹn hò với Kishida. - Tôi nói, cố làm ra vẻ tỉnh rụi. Mà thật sự, tôi cũng không mấy buồn bã vì chuyện này. Gia đình khác thế nào thì kệ họ, bố đã nói vậy, và tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Chỉ là tôi tình cờ được sinh ra ở một gia đình không có thói quen tổ chức những sự kiện như vậy. Chúng tôi cũng không muốn ép mình phải làm theo những gì các gia đình khác vẫn làm.
Chigusa trở nên nghiêm túc:
- Chị cũng chưa bao giờ có tiệc sinh nhật. Trong một thời gian dài, chị còn không biết ngày sinh nhật chính thức của mình, ở Gia đình, ngày sinh nhật của mọi người là ngày họ được Thiên thần đặt tên mới.
Căn phòng bỗng chốc yên lặng. Tôi vừa nhận ra mình biết quá ít về Chigasu. Chị luôn hỏi chuyện tôi chứ hiếm khi nào nói gì về bản thân. Tôi biết nếu mình hỏi về quá khứ của chị vào lúc này, bầu không khí sẽ nặng nề, nhưng tôi đã ngồi xuống giường và mở lời.
- Sao mẹ chị gia nhập Gia đình Thiên thần và tại sao bà rời khỏi đó?
Chigusa vẫn nằm trên giường xoay xoay chiếc điều khiển từ xa, rồi chị tắt tivi và nói:
- Năm chị ba tuổi, mẹ chị bị u xơ tử cung. Bà đã làm phẫu thuật cắt bỏ tử cung, nhưng một ngày sau khi mẹ xuất viện và trở lại cuộc sống bình thường, bố mẹ chị đã cãi nhau rất dữ dội về chuyện gì đó. Bố đã bảo mẹ câm mồm, rằng bà bây giờ không phải là phụ nữ nữa. Mẹ chị không quên được câu nói đó. Chị không biết lúc đó mẹ nghĩ gì, nhưng hẳn mẹ sốc lắm. Em có biết vài phụ nữ trong Gia đình thường ra ngoài bán thực phẩm và hàng hóa? Mẹ chị đã nói chuyện với một trong những người đó. Cuối cùng mẹ quyết định bỏ nhà đi, mang chị theo cùng. Năm đó chị chừng năm tuổi.
- Chị nhớ hết mọi chuyện?
- Ừm, không hẳn. Chị hầu như chẳng nhớ gì về bố. Những hồi ức xa nhất của chị là về cuộc sống ở Gia đình. Còn những chuyện xảy ra trước đó đều do mẹ chị kể lại. Trước khi gia nhập Gia đình, mẹ chị đã buộc bố ra tòa, ký đơn ly hôn và chia nửa tài sản. Bà đã mang theo tất cả những gì có được khi đến với Gia đình. Chị còn nhớ mình không được phép ngủ cùng phòng với mẹ. Trước khi cô Ru, à, Kiwako Nonomiya, đến Gia đình, họ không coi trọng mối quan hệ bố mẹ - con cái nên dã chia cắt hai mẹ con. Họ cho lũ trẻ ngủ cùng phòng với những thành viên khác. Bọn chúng cũng không được phép gọi mẹ mình là mẹ. Thời gian đó quả thật khó khăn. Tối nào chị cũng khóc cho đến lúc ngủ thiếp đi. Dù hầu hết những người lớn ở đó đều tốt, nhưng chị vẫn thấy tủi thân và sợ hãi. Họ không bao giờ đánh chị, nhưng có người đã mắng chị vì chị cứ khóc suốt. Họ mặc kệ chị ngồi khóc một mình. Sau đó sẽ có người đến ôm chị, hoặc hát ru chị ngủ. Thời gian đầu, chị chỉ muốn về nhà. Chị muốn trở về nơi có mẹ và bố. Chị ghét người ta gọi chị bằng một cái tên lạ, hơn nữa ở đây còn chẳng có đồ chơi hay bánh kẹo. Nhưng em biết làm gì khi em chỉ là một đứa bé? Chỉ có cách là tập quen với cuộc sống đó.
Chigusa ngừng nói, chị nhìn lên trần nhà. Tôi nhìn theo chị nhưng chỉ thấy những ô vuông màu cam nhợt nhạt từ ánh đèn trong phòng.
- Khi đã quen với cuộc sống ở đó, chị không còn quan tâm nhiều chuyện nữa. Có thể nói chị buộc phải thờ ơ với mọi chuyện, không thì không thể sống được. Chị không khóc thì không ai la mắng. Chị phải thích một vài người ở đó ngoài mẹ chị. Vậy nên lúc em đến, chị vui lắm. Em rất đáng yêu, rất dễ chịu, chị cảm thấy như mình vừa có một em gái nhỏ. Chị rất thích nhìn em bò xung quanh chị... có lẽ em chẳng nhớ đâu. Em đã biết vụ họ bị chính quyền địa phương sờ gáy vào năm 1987, đúng không? Lúc đó, họ buộc phải gửi bọn trẻ đến trường công. Họ tưởng vậy là xong chuyện, nhưng báo chí lúc đó làm dữ lắm, cuối cùng cảnh sát cũng nhúng tay vào. Chị vẫn còn nhớ không khí khi đó rất căng thẳng. Hầu như ngày nào máy quay phim của đài truyền hình cũng chĩa khắp nơi và những nhóm người tụ tập trước cổng la lối
Trả con gái chúng tao lại đây
hoặc
Trả tiền lại cho chúng tao
. Tất nhiên Gia đình chẳng làm gì phạm pháp nên họ không gặp rắc rối gì lớn. Nhưng quả thật cả Gia đình đã náo loạn vì vụ này.
Chigusa dừng lại, cắn móng tay một lúc rồi tiếp tục.
- Để sống ở Gia đình, những thành viên hoàn toàn không được nghĩ về bản thân mình thì mới thích ứng được với cuộc sống cộng đồng. Nên khi những người ở bên ngoài xuất hiện hoặc khi bị những phóng viên săn đuổi, họ hoàn toàn lạc lối. Tất cả bọn họ đều mất trí, chỉ cần một lời đồn đại cỏn con cũng đủ làm họ chao đảo. Càng căm ghét thế giới bên ngoài, họ càng cảm thấy quý trọng Gia đình. Nhưng rồi họ bắt đầu đấu đá và chống đối lẫn nhau, dù trước kia họ không bao giờ làm vậy. Thời gian đó, những buổi họp mặt buổi tối - mà họ gọi là Suy tư - trở nên thật sự đáng sợ. Một vài thành viên bị buộc tội là biếng nhác trong lúc Làm việc, hoặc bị buộc tội nói xấu sau lưng người khác. Mỗi ngày, họ chọn ra một người và hùa nhau xỉ vả người đó cho tới khi hất cẳng được cô ta. Có lẽ đó là cách duy nhất giúp họ lấy lại cân bằng cho chính mình. Tất nhiên những chuyện này chị mới biết gần đây. Nhưng lúc đó, chị đã 10 hay 11 tuổi rồi, chị có thể cảm nhận bầu không khí đáng sợ đó. Chị luôn tự hỏi có phải mọi người rời bỏ Gia đình vì họ thấy tình hình quá tồi tệ. Không ai giải thích với chị lý do tại sao em đột nhiên biến mất. Rồi họ bắt đầu tấn công mẹ chị. Em biết họ đã buộc tội mẹ chị như thế nào không? Sau này khi biết được, chị gần như ngã quỵ.
Bất ngờ chị bật dậy, ngồi xếp bằng.
- Họ buộc tội mẹ chị đã thủ dâm. - Chị nhìn thẳng tôi, sau đó ngửa cổ bật cười lớn.
- Cái gì? Không thể nào!
- Họ nói thế này nè:
Dan thủ dâm mỗi tối. Cô ta không thể quên cuộc sống bên ngoài. Cô ta làm ô uế Gia đình
. Năm chị 20 tuổi, mẹ chị đã kể lại chuyện đó. Chị hỏi bà:
Mẹ có làm vậy không?
. Mẹ bảo đó là những lời buộc tội vô căn cứ. Mẹ chị có một cuốn album hình nhỏ chụp với bố trước khi kết hôn, khi họ cưới nhau, hoặc chụp cả gia đình ba người khi chị còn bé. Mẹ chị đã giữ lại cuốn album, định một ngày nào đó sẽ cho chị xem. Nhưng có ai đó ở Gia đình đã nhìn thấy nó. Hầu như mọi người ở đây đều có những quá khứ đau buồn, chẳng hạn vô sinh, muốn kết hôn nhưng không thể, có những mối quan hệ lén lút, hay bất cứ gì khác. Trong khi tất cả thành viên phải bỏ đi các gánh nặng đeo bám, mẹ chị lại giữ cuốn album gia đình hạnh phúc và mang nó theo như một vật báu. Chắc hẳn có nhiều người ghen tỵ với điều này. Khi cuộc sống diễn ra êm đẹp, mọi người dễ dàng hòa thuận với nhau. Nhưng chỉ cần có chuyện xảy đến, họ quay sang chống đối nhau. Đó là khoảng thời gian tồi tệ nhất của Gia đình. Khi những lời đồn đại làm tổn hại đến mẹ, họ tìm cớ đuổi mẹ chị đi.
Cô hợp với thế giới bên ngoài hơn
, họ luôn nói vậy nếu muốn tống khứ ai đó. Họ đã hất mẹ con chị ra đường không một đồng xu dính túi. Sau tất cả những bài giảng cao thượng về sự không phân biệt giới tính và tầm quan trọng của tự do thật sự, cách họ đối xử với mẹ con chị thật vô cùng hèn hạ và nhỏ mọn. Nhưng dù sao đi nữa, cũng nhờ vậy mà chị thoát được nơi đó.
Chigusa lại cười lớn, rồi đột ngột im lặng. Khi thấy chị không nói tiếp nữa, tôi hỏi:
- Sau đó chị làm gì?
Chigusa cúi mặt. Rồi chị nhìn tôi và lại ngả người lên giường.
- Mẹ đưa chị về nhà ông bà ngoại ở Yokohama. Ông bà đã từ mẹ chị khi bà gia nhập Gia đình, nên khi sống ở đó, ngày nào mẹ chị và bà ngoại cũng cãi nhau. Mỗi khi có cơ hội, mẹ lại than vãn với chị về bà ngoại, hoặc về cuộc sống kinh khủng ở Gia đình. Chị thật sự ngán ngẩm. Suy cho cùng, chính mẹ đã lựa chọn cuộc sống đó. Lúc này chị gặp khó khăn vì phải làm quen với trường mới nên chẳng có thời gian để ý những lời than vãn của mẹ. Bây giờ mọi chuyện đã qua, nhưng chị vẫn không quên nổi những gì xảy ra khi đó.
- Em hiểu. - Tôi nói. Chigusa ngước nhìn tôi. - Mẹ em cũng luôn ca thán với em về tất cả những rắc rối của mẹ. Em khổ sở lắm. Em từng nghĩ đó là lỗi của em.
- Chị cũng vậy! Chị đến đó vì mẹ bắt chị đi mà, vậy mà mỗi lần bà bắt đầu rền rĩ về Gia đình và khóc lóc, bà làm như đó là lỗi của chị. Chị thật sự đau lòng.
Câu chuyện bỏ lửng, hai chị em chẳng biết nói gì với nhau. Giữa khoảng im lặng, tôi nghĩ về những ngày đã qua của Chigusa. Tôi nghĩ về hình ảnh một đứa trẻ hoàn toàn không biết gì về thế giới bên ngoài trừ những gì diễn ra sau bức tường cao, về lúc nó đột nhiên bị bao bọc bởi những tòa nhà cao tầng và những đám đông hỗn loạn, về cái lần người ta bắt nó lên tàu và đối diện với một thành phố mà nó chưa từng nhìn thấy bao giờ. Để rồi nó được giới thiệu với một người lạ và được bảo đó là bà ngoại của mình.
Sau đó nó phải đi học và mặc những bộ đồng phục lạ lẫm. Trước khi nhận ra, tôi thấy mình đang nghĩ về hình ảnh của chính mình chứ không còn là Chigusa nữa. Tôi nghĩ về những lúc còn học tiểu học, lên cấp hai, nghĩ về khoảng thời gian mà mình luôn khép kín, lẳng lặng nhạt nhòa như một cái bóng.
Tôi lên tiếng, phá vỡ sự im lặng đầy ngột ngạt trong căn phòng:
- Em đói quá.
Chigusa chắc cũng thấy dễ chịu vì tôi đã đổi chủ đề nên vui vẻ đáp lại:
- Em vừa ăn tối mà.
- Em thích ăn thứ gì đó ngọt, một thanh sô-cô-la Thụy Sĩ chẳng hạn.
- Vậy chị đi mua nhé.
- Em đi nữa.
Tôi kéo màn cửa rồi hai chị em ra ngoài.
Trời ở đây buốt hơn ở Tokyo nhiều. Hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa. Tĩnh mịch vô cùng. Tôi thả bộ bên Chigusa và nhớ lại buổi tối ở công viên lúc chị mua que thử thai cho mình. Chỉ mới ba tháng thôi, vậy mà tôi tưởng đã lâu lắm rồi, cảm giác như hàng thế kỷ đã trôi qua.
Phía trước, ánh sáng của một cửa hàng tiện lợi hắt ra từ bóng tối. Tôi nhìn về phía đó và nói:
- Kiwako chắc đã ra tù rồi. Không biết bà ấy đang ở đâu nhỉ?
- Theo như lời của bên biên tập thì Kiwako ra tù năm 1996. Không chỉ mình chị biết thông tin này đâu, lúc đó rất nhiều phóng viên đã tìm kiếm cô ấy. Hình như có người đã tìm thấy, nhưng tính đến hiện tại thì không ai biết cô ấy ở đâu cả. Khoảng năm năm trước, một trong những luật sư bào chữa của Kiwako đã nhận được thiệp của cô ấy với địa chỉ ở đâu đó thuộc Tokyo.
- Tokyo?! - Tôi quá ngạc nhiên. Nếu bà sống ở đó, có thể tôi đã đi ngang qua bà vài lần. Suy nghĩ đó khiến tôi sởn óc. Cảm thấy đứa bé đang cục cựa, tôi vội đưa tay xoa bụng. Không sao đâu, tôi khẽ an ủi đứa con chưa chào đời.
- Nhưng chị nghĩ cô ấy chỉ ngụy trang thôi. Chị không tin cô ấy đang ở Tokyo. - Chigusa quả quyết.
- Tại sao lại không?
- Ừm, cô ấy đâu có kỷ niệm gì tốt đẹp ở Tokyo, phải không?
Vừa bước vào cửa hàng tiện lợi, hơi ẩm nhanh chóng bao bọc hai chị em. Cửa hàng ngập mùi lẩu oden[12].
- Vậy chị nghĩ ở đâu?
- Đảo Shodo. - Chigusa đáp nhanh và lấy một giỏ hàng màu vàng. Tôi nhìn sững chị.
- Sao lại là nơi đó?
- Đó là nơi cô ấy đến sau khi trốn khỏi Gia đình Thiên thần. Chị nghĩ cô ấy có nhiều kỷ niệm đẹp ở đó, ít nhất là đẹp hơn so với Tokyo - Nhưng mà...
Tôi định phản đối thì nghe tiếng nói sau lưng.
Tránh đường nào!
Một cô gái đang nhìn chúng tôi khi hai chị em đứng nói chuyện trước quầy hàng.
Xin lỗi
, cả hai đồng thanh nói và lùi về sau để nhường chỗ cho cô. Hai chị em lấy những món mình muốn mua cho vào giỏ rồi đến quầy thanh toán.
Chigusa định lấy ví ra thì tôi ngăn lại. Chúng tôi đã thống nhất là tôi chỉ trả phí đi lại, còn chị lo tiền ăn ở, nhưng mà tôi vẫn thấy không phải khi để chị trả phần lớn.
Rời khỏi cửa hàng ấm áp, chúng tôi lại run lập cập. Bước bên nhau trên con đường tối dẫn về khách sạn, tôi tiếp tục chủ đề mà cả hai vừa bỏ dở.
- Nhưng với những gì xảy ra ở đảo, chị vẫn nghĩ bà ấy sẽ quay lại nơi đó sao?
- Em nói có lý. Nhưng biết đâu cô ấy sẽ đến một thị trấn khác, hoặc có thể bất kỳ hòn đảo nào trong quần thể Inland Sea.
Tôi dừng lại, nhìn chị chằm chằm. Chigusa cũng dừng lại, chị đón cái nhìn của tôi với vẻ bối rối hiện rõ.
- Chị đang suy tính gì vậy, Chigusa? - Giọng tôi run run. - Có phải chị rủ em đi cùng vì chị biết bà ta đang ở đâu, chị muốn em gặp lại bà ấy? Nhờ đó chị có thề viết được một cuốn tiểu thuyết rẻ tiền? Có phải vì vậy mà chị muốn em đi cùng và bao chi phí cho em?
Tôi muốn hạ giọng, nhưng càng nói tôi càng la lớn. Một người đàn ông đạp xe ngang qua tò mò quay lại nhìn chúng tôi vài lần.
- Không, không phải đâu. Chị thật sự không biết Kiwako đang ở đâu. - Chigusa dịu giọng. Tôi quay mặt đi, sải bước về phía khách sạn. Chigusa đuổi theo tôi, trông chị thật sự khổ sở. Tôi nghe thấy tiếng sột soạt của túi ni-lông đựng thức ăn ở phía sau mình.
Vừa vào phòng, tôi trút ra tất cả những thứ đựng trong túi hành lý lớn của Chigusa ra giường. Khi tìm thấy những tập ghi chú mà chị mang theo từ ngày đầu chúng tôi gặp nhau, tôi ôm nó vào ngực.
Chị chôn chân trước tủ quần áo, giọng chị yếu ớt:
- Em đang làm gì vậy?
- Em không muốn chị viết về em nữa. Chị đừng xuất bản sách! Đừng xem em như vật thí nghiệm! Em đã thoát khỏi quá khứ rồi, làm ơn đừng mang em trở về đó nữa!
Làm sao tôi tự cho rằng mình có thể nuôi nấng đứa bé này? Tôi không biết gì cả - không biết làm mẹ là thế nào, yêu thương con cái ra sao; không biết cách la rầy hoặc vỗ về chúng: không biết làm sao có thể trở thành bạn của con; và thậm chí không biết cách tổ chức sinh nhật cho nó. Tôi thực sự không biết, vì trong tôi chỉ là hình bóng nhạt nhòa của một người đàn bà không phải mẹ cùng một người mẹ ruột luôn thờ ơ và đối xử lạnh lùng như một sinh vật ngoài hành tinh.
Trong những năm tháng qua, tôi đã trưởng thành, đã tìm được việc làm, sống tự lập, yêu đương và gần gũi đàn ông, nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì một phần trong tôi vẫn là một đứa trẻ nhỏ bị đẩy lên tàu cao tốc và bị tống vào một khách sạn xa lạ với những người mình chưa biết bao giờ. Tôi vẫn đang đứng bất động hệt như cái ngày tôi đã đứng im thin thít và tè dầm ra sàn. Vậy thì tại sao tôi lại nghĩ mình có thể tự sinh con và nuôi lớn nó? Chắc chắn rồi nó sẽ căm hận tôi, như tôi đã căm hận người đàn bà đã bắt cóc mình, như tôi đã căm hận người mẹ sinh ra tôi mà tôi chưa từng xem là mẹ.
Chigusa nhìn tôi. Tôi tưởng chừng như chị sắp khóc, nhưng chị lại cười xòa. Chị đến gần và với tay về phía bụng tôi.
- Cho chị sờ bụng em nhé. Cho chị chạm đứa bé nào.
- Chị muốn gì? Em nói nghiêm túc đấy. Chị có nghe em không? Em đang bảo chị đừng viết sách nữa, em sẽ xé ngay bây giờ! Chị nghĩ chuyện này hài hước lắm à? Chị đã cười em suốt thời gian qua, cười vào đứa con gái ngu ngốc 15 mang thai cứ khăng khăng mình sẽ sinh nó mặc dù cô ta chẳng bao giờ có thể trở thành một bà mẹ tốt. Chị thấy chuyện này thú vị, đúng không? Chị thấy vui vì em hành động y hệt người đàn bà đã bắt cóc và nuôi nấng em, đúng không?
Chigusa chẳng màng đến những gì tôi nói, chị tiếp tục với tay tới trước, sau đó bất ngờ quỳ xuống sàn áp tai vào bụng tôi. Tôi cố đẩy hai vai chị ra, nhưng Chigusa đã vòng tay ôm lấy hông tôi, áp tai vào bụng tôi và nói:
- Chị tưởng em sẽ nói với chị như vậy vào ngày đầu chúng ta gặp nhau. Chị tưởng em sẽ đuổi chị đi, hoặc không chịu nói chuyện với chị. Nhưng em không làm vậy. Chị đã rất sợ em. Em quá lạnh lùng, cách em đón nhận mọi chuyện quá dửng dưng, khi nói chuyện về mình chị thấy em như đang nói về một ai đó xa lạ. Chị không ngăn em đâu nếu em muốn xé cuốn sổ này, em cứ xé đi nếu thích. Em làm vậy thì chị không sợ em nữa.
- Chị nói gì vậy? Em không hiểu. - Giọng tôi khàn đặc. - Ứớc gì em không đi cùng chị. Em không muốn đến đảo Shodo nữa. Ngày mai em sẽ quay về một mình.
Nhưng Chigusa vẫn thủ thỉ như đang vỗ về một đứa bé:
- Nhưng mà Erina, em có thể trở thành mẹ. Em yêu người đàn ông đó thật sự, dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, đúng vậy không? Em biết cảm giác được yêu và được mong đợi nghĩa là gì. Chỉ cần như vậy, em có thể trở thành mẹ được rồi. Nếu em thiếu tự tin, chị có thể giúp em. Chị chẳng hơn gì, nhưng đứa bé có hai người mẹ vẫn tốt hơn chứ?
Chigusa nhắm mắt rồi hít vào thở ra đều đặn. Chiếc máy sưởi kêu ro ro.
- Chị chưa bao giờ nguôi giận vì bị nuôi dưỡng ở nơi lạ lùng đó. Nhưng từ khi biết em mang thai, chị đã nghĩ khác. Hầu hết những phụ nữ ở đó đều là mẹ. Một vài người chị thích và một vài người chị muốn tránh xa, nhưng họ đều là mẹ chị. Hầu hết những đứa trẻ khác chỉ có một người mẹ, chị thì không, chị có rất nhiều mẹ. Chị không dám nói mình sẽ trở thành một bà mẹ đảm, nhưng khi em sinh con, chị chắc rằng mình có thể giúp em, có thể trở thành người mẹ thứ hai của đứa bé. Chị chưa bao giờ yêu ai, và chắc cũng không ai yêu chị, nhưng chị biết chị có thể làm mẹ; chị chắc chắn về điều đó.
Chigusa ngừng nói, chị hít thật sâu, rồi thì thầm:
Làm ơn, Erina, hãy cho chị được làm mẹ đứa bé.
Chị không muốn trải qua những ngày tháng dài khổ sở khi nghĩ về thiên chức mà mình không thể có được
.
Nhìn thấy giọt nước rơi xuống áo khoác của Chigusa khi chị quỳ dưới chân mình, tôi mới nhận ra mình đang khóc. Nước mắt tôi rơi lã chã trên chiếc áo khoác quấn quanh tấm lưng tròn của chị như mặt đường sau cơn mưa. Em hiểu, Chigusa. Em hiểu chị muốn nói gì. Em biết chị không viết cuốn sách vì bản thân chị. Em biết chị không bao giờ cố ý cư xử với em như thể em là một kẻ dị hợm. Chỉ bởi vì có những chuyện chị không thể viết về nó. Chị không thể viết về những người phụ nữ nuôi con phải nhận trợ giúp tài chính từ Gia đình. Chị gạt họ ra ngoài vì chị sợ làm tổn thương họ. Em biết chị không phải muốn viết về em, chị chỉ muốn kể câu chuyện của mình. Nhưng chị sợ. Chị sợ đối diện với quá khứ và cả tương lai của chị.

Em có nhớ đã kể với chị về con ve sầu không thể chết?
. Chigusa lặng lẽ nói.
Em đã nói con ve sầu còn sống sót sẽ buồn biết bao vì tất cả đồng loại của nó đều đã chết sau bảy ngày. Ban đầu chị đồng ý, nhưng giờ chị nghĩ khác. Sao em không nghĩ rằng vào ngày thứ tám, con ve sầu đó có thể nhìn thấy những thứ mà đồng loại của nó không thể thấy. Dù nó sợ hãi, dù nó cố nhắm mắt, nhưng có thể những gì nó nhìn thấy không đáng sợ như nó tưởng
.
Tôi nhớ lại công viên nơi tôi và Chigusa ngồi uống bia vào mùa thu trước. Tôi đã ngước nhìn những thân cây, dõi mắt tìm con ve sầu đang bám vào một vỏ cây nào đó. Một ý nghĩ bỗng nhiên ập đến: ngay thời điểm này, ở một nơi nào đó, Kiwako Nonomiya vẫn tiếp tục sống và trải qua ngày thứ tám của đời mình. Có lẽ bà cũng đang đau khổ và sợ hãi. Giống như tôi. Giống như bố mẹ tôi.
- Chị có nghe tiếng gì không?
- Chị nghe tiếng tim đập, nhưng không biết là của em hay của đứa bé. - Chigusa nghiêm nghị trả lời. Hình dáng Chigusa đang áp tai vào bụng tôi đột nhiên mờ mờ trước mắt, như thể tôi đang nhìn chị qua một bức màn mưa. Trong cơn nức nở, tôi lặp lại những lời chị vừa nói. Không biết là của em hay của đứa bé.
Cả trái tim tôi và đứa bé trong bụng tôi đều đang đập - đó là một thực tế rất đỗi hiển nhiên, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhận ra điều đó. Tôi cũng muốn tự áp tai vào bụng mình và lắng nghe như Chigusa. Tôi muốn nghe nhịp sống của đứa bé. Tôi muốn nghe nhịp sống của chính tôi.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Bản Năng.