• 433

Chương 2


Số từ: 2690
Nguồn: dtv-ebook
Ronnie
Sáu tháng trước.
Ronnie ngồi ủ rũ trong ghế trước xe hơi, tự hỏi tại sao trên thế giới mẹ và cha cô lại ghét cô nhiều đến thế.
Đó là điều duy nhất có thể giải thích cho lý do cô đến đây thăm viếng cha cô, trong nơi tồi tệ Miền Nam hoang vắng tiêu điều này, thay vì rong chơi với bạn bè ở nhà cô trong Manhattan.
Không, xóa bỏ điều đó. Cô không chỉ đến thăm cha cô. Việc thăm viếng hàm ý một ngày cuối tuần hoặc hai, thậm chí có thể một tuần. Cô cho rằng cô có thể sống sót với một cuộc thăm viếng. Nhưng ở lại cho đến cuối tháng Tám ư? Gần như toàn bộ mùa hè ư? Đó là lưu đày, và trong gần chín giờ được chở đến đây, cô có cảm giác mình như một tù nhân đang được chuyển xuống nhà lao ở vùng nông thôn. Cô không thể tin mẹ cô thật sự định làm điều này đến cùng như vậy.
Ronnie quá lún sâu trong nỗi khốn khổ, nên phải mất một lúc cô mới nhận ra bản Sonata số 16 cung Do trưởng của Mozart. Đó là một trong những đoạn cô đã biểu diễn tại Carnegie Hall cách đây bốn năm, và cô biết mẹ đã mở nó khi Ronnie đang ngủ. Quá tệ, Ronnie vươn tay tắt đi.
(Carnegie Hall: nằm ở trung tâm Manhattan - New York, được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Willian Burnet Tuthill và xây dựng vào năm 1891 bởi nhà từ thiện Andrew Carnegie, là một trong những địa điểm tổ chức biểu diễn âm nhạc uy tín nhất trên thế giới cho cả âm nhạc cổ điển và hiện đại. - Wow!)
"Tại sao con làm thế?" Mẹ cô nói, cau mày. "Mẹ thích nghe con chơi đàn."
"Con không thích."
"Nếu mẹ vặn nhỏ âm thanh đi thì thế nào?"
"Mẹ thôi đi, được không? Con không có tâm trạng."
Ronnie nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ, biết rất rõ rằng bờ môi mẹ cô đang mím chặt. Mẹ cô đã làm như thế rất nhiều trong những ngày này. Cứ y như thể môi bà hít chặt lấy nhau như những thỏi nam châm ấy.
"Mẹ nghĩ mẹ trông thấy một con bồ nông khi chúng ta vượt qua cầu đến bờ biển Wrightville." Mẹ cô nhận xét trong sự thoải mái gượng ép.
"Gee, điều đó thật hay. Có lẽ mẹ nên gọi cho Crocodile Hunter."
(Crocodile Hunter tên thật là Stephen Robert Irwin, người Úc, là một chuyên gia về động vật hoang dã, loạt film về động vật hoang dã của ông đươc trình chiếu trên toàn thế giới. Ông chết năm 2006 vì bị gai độc của cá đuối đâm phải trong khi đang làm film, để lại nỗi luyến tiếc cho cả thế giới.)
"Ông ấy đã chết rồi." Jonah nói, giọng của cậu bé vọng lên từ băng ghế sau, trộn lẫn với âm thanh từ trò Game Boy của cậu. Cậu em trai mười tuổi chuyên-quấy-rối của cô say mê những thứ đó. "Chị không nhớ sao?" Cậu bé tiếp tục, "Điều đó thật sự đáng buồn."
"Dĩ nhiên chị nhớ chứ."
"Nghe không có vẻ gì giống như chị nhớ."
"Ồ, chị có nhớ."
"Vậy chị không nên nói điều chị vừa nói."
Cô không bận tâm trả lời lần thứ ba. Em trai cô luôn cần nói câu cuối cùng. Điều đó khiến cô nổi điên.
"Con có ngủ được chút nào không?" Mẹ cô hỏi.
"Cho đến khi mẹ vấp vào cái ổ gà đó. Nhân thể, cám ơn về điều đó. Đầu con gần như vỡ ra rồi."
Ánh mắt của mẹ cô vẫn tập trung vào con đường. "Mẹ vui vì giấc ngủ ngắn đã cho con tâm trạng tốt hơn."
Ronnie thổi lách tách kẹo gum của cô. Mẹ cô rất ghét điều đó, lý do chính để bà không ngăn lại là vì họ đang lái xe trên đường I-95. Xa lộ liên bang, theo quan điểm khiêm tốn của cô, chỉ là lòng đường trải dài chán ngắt nhất từng được biết đến. Trừ phi ai đó đặc biệt thích thứ thức ăn nhanh ngậy mỡ, những nhà vệ sinh đáng ghê tởm ở nơi nghỉ chân dọc đường, và hàng tỉ những cây thông có thể ru người ta chìm vào giấc ngủ với sự đơn điệu tệ hại mang tính thôi miên của nó.
Cô đã nói chính xác những lời đó với mẹ tại Delaware, Maryland và Virginia, nhưng mẹ cô lờ đi lời bình luận mọi lúc. Bất kể việc cố gắng cư xử đẹp trong chuyến đi, vì đây là lần cuối họ thấy nhau trong một khoảng thời gian, mẹ cô không phải người phù hợp để trò chuyện trên xe hơi. Bà không hoàn toàn thoải mái trong việc lái xe, điều chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì lẽ họ hoặc là đi xe điện ngầm hoặc bắt taxi mỗi khi họ cần đến nơi nào đó. Trong căn hộ, dù vậy... Đó lại là chuyện khác. Mẹ không chút băn khoăn về việc dính vào vài thứ ở đó, và người giám sát tòa nhà đã đến hai lần trong đôi tháng trước để yêu cầu họ kềm chế lại. Mẹ hẳn đã tin rằng, bà càng la mắng lớn tiếng về điểm trung bình của Ronnie, hay bạn bè của Ronnie, hay việc Ronnie tiếp tục lờ đi lệnh cấm túc, hay những rắc rối của cô - đặc biệt là những rắc rối - thì càng có khả năng sẽ khiến cho Ronnie quan tâm nhiều hơn.
Được rồi, bà không phải người mẹ tệ hại nhất. Bà thật sự không phải. Và khi cảm thấy khoan dung, Ronnie thậm chí phải thừa nhận rằng bà khá tốt trong chừng mực những người mẹ có thể có. Chỉ là mẹ cô bị mắc vào vài lệch lạc thật kỳ lạ là trẻ con không bao giờ lớn lên, và Ronnie đã ao ước hằng trăm lần rằng giá cô được sinh ra vào tháng Năm thay vì tháng Tám. Đó là lúc cô đủ mười tám tuổi và mẹ cô không thể ép buộc cô làm điều gì nữa. Một cách hợp pháp, cô đủ tuổi để có những quyết định của chính cô, và có thể nói ngay rằng việc đến đây không nằm trong danh sách phải làm của cô.
Nhưng ngay lúc này đây, Ronnie không có bất kỳ lựa chọn nào. Vì cô vẫn còn mười bảy. Vì trò bịp bợm của ngày tháng. Vì Mẹ cô hiểu biết về ba tháng còn lại của cô sớm hơn cô có thể. Điều đó có nghĩa gì? Không màng đến việc Ronnie đã nài xin dữ dội đến thế nào, dù cho cô kêu ca, hay la thét, hay khóc lóc về kế hoạch mùa hè, nó vẫn không khác biệt được chút nào. Ronnie và Jonah phải trải qua mùa hè với cha cô, và chấm hết. Không nếu, và, hay nhưng nhị gì, là cách mẹ cô diễn đạt. Ronnie đã được học để bất chấp những biểu hiện đó.
Ngay khi qua khỏi cầu, giao thông mùa hè chậm lại, những chiếc xe hơi xếp hàng trườn tới. Xa khỏi lề đường, giữa những ngôi nhà, Ronnie thoáng thấy biển cả. Ái chà! Làm như cô quan tâm ấy.
"Tại sao mẹ bắt tụi con làm điều này vậy?" Cô rên rỉ.
"Chúng ta đã làm rõ rồi mà." Mẹ cô trả lời, "Các con cần có thời gian với cha con. Ông nhớ các con."
"Nhưng sao lại suốt cả mùa hè chứ? Không thể chỉ đôi tuần sao?"
"Các con và cha con cần nhiều hơn một đôi tuần bên nhau. Con đã không gặp ông trong ba năm rồi."
"Đó đâu phải lỗi của con. Ông ấy mới là người đã bỏ đi."
"Phải, nhưng con cũng không nhận điện thoại của ông ấy. Và mỗi lần ông đến New York để thăm con và Jonah, con đều phớt lờ ông ấy và rong chơi với đám bạn của con."
Ronnie thổi lách tách gum của cô lần nữa. Từ góc mắt, cô thấy mẹ nhăn mặt.
"Con không muốn gặp hay nói chuyện với ông ấy." Ronnie nói.
"Chỉ cố làm điều tốt nhất, được không? Cha con là một người đàn ông tốt và ông ấy yêu con."
"Vậy thì tại sao ông ấy lại bỏ rơi chúng con?"
Thay vì trả lời, mẹ cô liếc vào gương chiếu hậu.
"Con đang háo hức chờ mong điều này, đúng không, Jonah?"
"Mẹ đùa sao? Điều này sẽ rất tuyệt."
"Mẹ vui thấy con có quan điểm tốt. Có lẽ con có thể chỉ bảo cho chị con."
Cậu bé khịt mũi. "Vâng, đúng ạ."
"Con chỉ không hiểu tại sao con lại không thể trải qua mùa hè với bạn con," Ronnie than vãn gay gắt trở lại. Cô vẫn chưa bỏ qua. Mặc dù cô biết, có làm gì cũng chẳng tác động được đến mẹ, cô vẫn ấp ủ mộng tưởng rằng, cô có thể thuyết phục được mẹ quay đầu xe lại.
"Con không có ý nói là con thích phí phạm toàn bộ thời gian ở các câu lạc bộ đấy chứ? Mẹ không cả tin đến thế đâu, Ronnie. Mẹ biết những gì xảy ra ở những loại câu lạc bộ đó."
"Con không làm điều gì sai, mẹ à."
"Về điểm số của con thì sao? Và những lệnh cấm túc? Và..."
"Chúng ta có thể nói về những thứ khác không?" Ronnie cắt ngang, "Chẳng hạn như lý do khẩn thiết về việc phải ở cùng cha con ấy?"
Mẹ cô phớt lờ cô. Trái lại, Ronnie biết mẹ cô có mọi lý do. Bà đã trả lời câu hỏi cả triệu lần rồi, cho dù Ronnie không muốn chấp nhận nó.
Rốt cuộc, giao thông đã bắt đầu di chuyển trở lại, và chiếc xe chạy tới được nửa khối nhà trước khi lại bị dừng. Mẹ cô quay cửa kính xe và cố nhìn qua những chiếc xe phía trước.
"Mẹ băn khoăn không biết điều gì đang diễn ra." Mẹ cô lầm bầm. "Thật sự kẹt cứng ở đây rồi."
"Đó là bãi biển." Jonah tự nguyện, "Luôn luôn đông đúc ở bãi biển."
"Mới có ba giờ ngày Chủ Nhật. Không thể là đám đông này được."
Ronnie kéo chân của cô lên, căm ghét cuộc sống của cô. Căm ghét mọi thứ ở đây.
"Mẹ ơi," Jonah hỏi, "Cha có biết Ronnie bị bắt giữ không?"
"Có. Ông ấy có biết." Mẹ cô trả lời.
"Cha sẽ làm gì?"
Lần này, Ronnie trả lời. "Ông ấy sẽ chẳng làm gì hết. Tất cả những gì cha quan tâm là Piano."
Ronnie căm ghét Piano, và thề rằng sẽ không bao giờ chơi nữa. Một quyết định mà ngay cả những người thân quen nhất cũng cho rằng lạ lùng, bởi vì piano đã từng là một phần quan trọng trong cuộc đời cô trong suốt thời gian cô quen biết họ. Cha cô, trước đây là một thầy giáo tại nhạc viện Juilliard, cũng là thầy của cô, và trong một thời gian dài, cô đặt hết tâm trí vào nỗi khao khát không chỉ chơi đàn, mà còn sáng tác những nhạc khúc cùng với cha cô.
(Julliard: Được thành lập từ năm 1905, nằm ở trung tâm Lincoln tại New York, là một nhạc viện uy tín tầm cỡ thế giới có tỉ lệ tuyển sinh đầu vào rất gắt gao, chỉ khoảng 7-8% thí sinh nộp đơn xin theo học được nhận vào trường- theo Wikipedia)
Cô cũng khá. Thật sự rất khá, và vì cha cô thân thiết với Juilliard, ban quản trị và các giáo viên ở đó đã nhận ra tài năng của cô. Từ trong chỗ khuất, tin đồn bắt đầu chậm rãi lan truyền "âm nhạc cổ điển là sự sống còn", tin truyền miệng đó đã tác động đến cuộc đời của cha cô. Một đôi bài báo đăng trên tạp chí âm nhạc cổ điển, và một bản tin không dài lắm trên báo New York Time tập trung vào mối liên hệ cha-con gái tiếp nối theo sau đó, tất cả những điều đó cuối cùng dẫn đến một sự xuất hiện đáng ao ước trong Young Performers series (Loạt trình diễn của Những Tài Năng Trẻ) tại Carnegie Hall cách đây bốn năm. Điều đó, cô tin rằng, là phần sáng chói nhất trong sự nghiệp của cô. Và đó là sự sáng chói, cô không ngây thơ tin rằng cô đã vươn tới được sự hoàn mỹ. Cô biết, hiếm đến thế nào để có một cơ hội giống như vậy, nhưng gần đây, cô thấy mình thường băn khoăn, liệu sự hy sinh có đáng hay không. Sau rốt thì có ai ngoài cha mẹ cô nhớ đến buổi biểu diễn đâu. Hoặc thậm chí quan tâm đến. Ronnie học được rằng trừ phi cô có một video được ưa chuộng trên You Tube, hoặc có thể biểu diễn trước cả ngàn người, không thì tài năng âm nhạc chẳng giá trị gì hết.
Đôi khi cô ao ước giá như cha cô bắt đầu cho cô bằng cây guitar điện. Hoặc ít nhất, với những bài luyện thanh. Cô được cho rằng sẽ làm gì với khả năng chơi đàn Piano đây? Dạy nhạc tại một trường học địa phương chăng? Hay là chơi nhạc trong một tiền sảnh khách sạn khi người ta đăng ký phòng? Hoặc theo đuổi một cuộc đời khó khăn như cha cô? Hãy nhìn xem piano đã đưa ông tới đâu. Ông chính thức nghỉ dạy ở Juilliard để có thể rong duổi như một tay pianish hòa âm và tìm thấy bản thân đang chơi nhạc trong một nơi hội họp tầm thường mà thính giả chỉ vừa vặn lấp đầy đôi hàng ghế. Ông du hành bốn mươi tuần một năm, đủ dài để tạo căng thẳng trong hôn nhân. Điều kế tiếp cô biết là Mẹ la thét mọi lúc và Cha thu mình vào trong vỏ ốc của ông như ông vẫn thường làm, cho đến một ngày, ông đơn giản không quay về từ một lần lưu diễn mở rộng ở Miền Nam. Trong chừng mực cô biết, ông không còn biểu diễn trong thời gian này. Ông thậm chí cũng không dạy những bài học riêng.
Làm sao lại đến nông nỗi này, hở Cha?
Cô lắc đầu. Cô thật sự không muốn ở đây. Chúa biết là cô không muốn gì trong tất cả những thứ này.
"Mẹ ơi." Jonah nói vọng lên, cậu bé nghiêng người tới trước, "Cái gì ở đó vậy? Có phải đó là một cái đu quay không?"
Mẹ cô vươn thẳng cổ, cố nhìn qua chiếc xe minivan trong làn đường bên cạnh. "Mẹ nghĩ đúng là nó, con yêu." Bà trả lời, "Hẳn đó là một lễ hội trong thị trấn."
"Chúng ta có thể đến đó không? Sau khi chúng ta đã ăn tối cùng nhau?"
"Con sẽ phải hỏi cha con."
"Vâng, và có lẽ sau đó, tất cả chúng ta sẽ ngồi quanh lửa trại và nướng kẹo dẻo." Ronnie xen vào. "Giống như chúng ta là một gia đình lớn, hạnh phúc."
Lần này, cả hai người cùng phớt lờ cô.
"Mẹ có cho rằng họ sẽ có những chuyến khác không?" Jonah hỏi.
"Mẹ chắc chắn là họ có. Và nếu cha con không muốn cỡi chúng, mẹ chắc rằng chị con sẽ đi cùng con."
"Tuyệt vời."
Ronnie chìm trong ghế ngồi của cô. Rõ ràng mẹ cô sẽ đề xuất thứ gì đó giống như vậy. Toàn bộ mọi thứ quá chán nản để tin tưởng.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Bản Tình Ca Cuối Cùng.