• 359

Quyển II: Ngôi nhà bằng quân bài


Số từ: 4825
Dịch giả: Dương Tường.
Đánh máy & Hiệu đính: galazyrulz, tducchau, Ct.Ly
Nguồn: casau - NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN - VNthuquan.net
Mặc dầu mỗi lúc một mất thêm máu, bác gác cổng cứ nặng dần lên. Victor Weluhn giúp chúng tôi khiêng bác ta. Victor cận thị rất nặng, nhưng dạo ấy anh hãy còn kính và có thể leo các bậc thang đá mà không vấp. Công việc của Victor là giao tiền gửi bằng thu chuyển ngân, một điều trái khoáy đối với một người cận thị như thế. Bây giờ, mỗi khi nhắc đến tên anh, tôi đều gọi anh là Victor tội nghiệp. Cũng như mẹ tôi thành mẹ tội nghiệp vì cuộc đi chơi gia đình ở đập chắn sóng ngoài cảng, Victor, nhân viên chuyển ngân của bưu điện, trở thành Victor tội nghiệp vì bị mất kính, tất nhiên cũng vì những lý do khác nữa.
"Cậu có lần nào gặp lại Victor tội nghiệp không?" tôi thường hỏi Vittlar vào những ngày thăm bệnh nhân. Nhưng từ sau cái chuyến xe điện từ Flingern đi Gerresheim - tôi sẽ kể chuyện này sau - Victor Weluhn đã mất tăm đối với chúng tôi. Chỉ còn hy vọng rằng chính những kẻ khủng bố cũng không tìm ra anh; rằng anh đã tìm lại được cặp kính của mình hoặc một cặp khác vừa mắt; rằng, nếu không phải là yêu cầu quá đáng, anh lại làm công việc giao trả tiền, nếu không phải cho sở Bưu Chính Ba Lan - điều này là bất khả - thì là cho sở Bưu Chính Cộng Hòa Liên Bang và rằng, cận thị nhưng có kính đeo, anh lại đi phát hạnh phúc dưới hình thức những tờ giấy bạc nhiều màu và tiền đồng leng keng.
"Thật khủng khiếp," Jan vừa nói vừa thở hổn hển, ông đang khiêng Kobyella bên mé tay trái.
"Và có Chúa biết là kết cục sẽ ra sao, nếu người Anh và người Pháp không tới," Victor nói, anh khiêng phía bên kia.
"Ồ, họ sẽ tới thôi. Mới hôm qua, Rydt-Smigly 1 vừa nói trên đài: ''Chúng ta có lời đoan ước của họ'', ông ta nói. ''Nếu xảy ra chiến tranh, cả nước Pháp sẽ đứng dậy như một người.'' Jan phải khó khăn mới giữ được giọng tự tin cho đến hết câu: một mặt, nhìn thấy máu của chính mình trên mu bàn tay, ông không nghi ngờ gì về hiệp ước tương hỗ Pháp - Ba Lan, mặt khác, nó lại khiến ông sợ mình mất hết máu trước khi cả nước Pháp đứng dậy như một người và, trung thành với lời cam đoan, tấn công chiếm chiến lũy Siegfried.
"Chắc là bây giờ họ đã lên đường rồi. Và ngay phút này, hạm đội Anh hắn đang cày biển Baltic". Victor Weluhn thích những cụm từ mạnh và kêu. Anh dừng lại trên cầu thang, tay phải mắc khiêng bác gác cổng bị thương, còn tay trái rảnh vung cao chào những người cứu viện bằng cả năm ngón: " Hãy tới đây, các bạn Ăng-lê kiêu dũng!"
Trong khi hai người vừa từ tốn và thành khẩn cân nhắc các mối quan hệ giữa Ba Lan và các đồng minh phương Tây, vừa vận chuyển Kobyella đến trạm cấp cứu, Oskar lần giở trong óc những trang sách của Gretchen Scheffler, tìm những đoạn phù hợp. Cuốn Lịch sử thành phố Danzig của Keyser: "Trong cuộc chiến tranh 1870 giữa Đức và Pháp, chiều ngày 21 tháng 8 năm 1870, bốn tàu chiến Pháp vào Vịnh Danzig, tuần tiễu trong vụng và đã chia các nòng pháo vào cảng và thành phố. Tuy nhiên, đêm hôm sau, tàu hộ tống Nymph do thuyền trưởng Weickhmann chỉ huy, đã buộc đội tàu kia phải rút."
Một lát trước khi tới buồng kho chứa thư chưa chuyển ở tầng hai, đã hình thành trong tôi cái ý kiến (sau này được xác nhận là đúng) rằng trong cái giờ phút tuyệt vọng này đối với sở Bưu Chính Ba Lan cũng như đối với toàn Ba Lan, Hạm đội Anh đang trú ngon lành ở một vịnh hẹp nào đó ở phía Bắc Xcốtlen, còn Đại quân của Pháp thì đang ăn trưa và tin rằng, với việc phái mấy đội tuần tiễu- trinh sát đến vùng lân - cận chiến lũy Maginot, họ đã thực thi hiệp ước tương hỗ Pháp -Ba Lan và hoàn thành nghĩa vụ đối với Ba Lan.
Ra khỏi buồng kho và trạm cấp cứu, chúng tôi gặp Tiến sĩ Michon; ông vẫn đội cái mũ sắt và ở túi ngực ông, vẫn thò ra cái mù-soa; ông đang nói chuyện với một tay Konrad, sĩ quan liên lạc do Vacxava phái đến. Với nỗi sợ chợt biến hóa muôn hình vạn dạng, Jan cố trình bày rằng mình bị thương nặng. Victor Weluhn không bị thương và có thể là một tay súng tàm tạm chừng nào anh chưa mất kính, nên được điều xuống sảnh chính. Jan và tôi được phép ở lại căn phòng không cửa sổ chỉ cỏ ánh nến chiếu sáng vì nhà máy điện thành phố đã tuyên bố, và thực hiện lời tuyên bố, không cung cấp điện cho Sở Bưu Chính Ba Lan.
Đúng ra, Tiến sĩ Michon không mắc lừa về những vết thương của Jan, nhưng mặt khác, ông chả mấy tin vào tài năng quân sự của ông bác tôi. Tạm thời chuyển ngạch viên thư ký bưu vụ thành nhân viên y tế, ông giao cho Jan nhiệm vụ chăm sóc thương binh và đồng thời - đến đây ông sếp bưu điện và chỉ huy trưởng hạ cố xoa đầu tôi một cái thật nhanh và, theo cảm giác của tôi, có phần tuyệt vọng - để mắt đến thằng bé tội nghiệp đừng để nó dính vào trận chiến.
Khẩu pháo không giật đã chiến lại bắn trúng sảnh chính ở tầng dưới. Chúng tôi nháo nhác cả lên. Tiến sĩ Michon với chiếc mũ sắt, Konrad, viên sĩ quan liên lạc từ Vacxava và Weluhn bổ nhào xuống vị trí chiến đấu. Còn lại Jan và tôi cùng với bảy, tám thương binh trong một gian phòng kín mít trong đó tiếng chiến trận bặt hẳn đi. Những ngọn nến chỉ hơi lắt lay khi quả đạn trúng đích. Im lặng ngự trị, bất chấp, hay có lẽ chính vì, những tiếng rên xung quanh chúng tôi. Một cách lóng ngóng, Jan quấn vội những mảnh vải xé từ drap giường quanh đùi Kobyella rồi quay sang săn sóc những vết thương của mình. Nhưng má và mu bàn tay ông đã ngừng chảy máu. Những chỗ rách da đang mím miệng, nhưng hắn vẫn còn đau và cái đau nuôi dưỡng cho cái sợ không có chỗ để xì ra trong căn phòng thấp trần ngột ngạt này. ông bèn cuống cuồng lục tất cả các túi và tìm thấy cỗ bài còn nguyên vẹn. Thế là từ bấy giờ cho đến lúc vỡ trận, chúng tôi chơi xì-cạt.
Ba mươi hai quân bài - trang, cúp, chia, đánh, ăn, bỏ, đủ các nước. Vì tất cả các giỏ thư đều đã có thưong binh nằm ở trên, chúng tôi đặt Kobyella ngồi dựa vào một cái giỏ. Nhưng vì bác cứ ngả nghiêng đe dọa ngã đổng kềnh bất cứ lúc nào, chúng tôi bèn cột bác ngay ngắn lại bằng đai đeo quần của một thương binh khác. Chúng tôi dựng bác ngồi thật thẳng, chúng tôi cấm bác không được đánh rơi bài, vì chúng tôi cần một người thứ ba mới đủ chân. Những tay đang nằm trên giỏ thư hầu như không phân biệt nổi đen với đỏ, họ chẳng còn muốn chơi xì-cạt nữa. Thực ra, Kobyella cũng vậy, bác chỉ muốn nằm thôi. Mặc cho mọi sự xuôi theo dòng, lúc này Kobyella chỉ muốn có thế. Với đôi tay lần đầu tiên trong đời được nhàn rỗi, bác chỉ muốn nhìn qua đôi mí mắt không lông mi khép hờ xem công cuộc hủy hoại này hoàn tất như thế nào. Nhưng chúng tôi không chịu nổi cái thái độ định mệnh chủ nghĩa ấy. Chúng tôi cột chặt bác lại và bắt bác làm chân thứ ba trong khi Oskar chơi chân thứ hai - và chẳng ai mảy may ngạc nhiên là Bé Tí Hon lại biết chơi xì-cạt.
Khi tôi cất giọng để lần đầu tiên nói ngôn từ người lớn và xướng nước: "Mười tám" thì Jan quả có như người chợt tỉnh, ngước mắt khỏi bài mình ném về phía tôi một cái nhìn xanh không tưởng tượng nổi và gật đầu. "Hai mươi?" tôi nâng mức. Và Jan không chút lưỡng lự: "Theo". Và tôi: "Hăm hai? Hăm ba? Hăm tư?" Không, Jan không theo nổi. "Cho qua." Còn Kobyella? Mặc dầu được đai đeo quần néo giữ, bác lại gục xuống lần nữa. Nhưng chúng tôi dựng bác dậy và chờ cho đến khi tiếng một quả đạn bắn vào một điểm cách xa phòng đánh bài của chúng tôi tắt hẳn. Rồi trong im lặng bục nổ, tiếng Jan thì thào: "Hăm tư, Kobyella. Bác không nghe thằng bé vừa đánh à?"
Ai mà biết được bác gác cổng ngoi lên từ vực thẳm nào. Tôi có cảm giác như bác phải dùng đòn bẩy để kích mí mắt lên. Cuối cùng, cái nhìn ướt đẫm của bác lướt trên mười quân bài do Jan kín đáo đặt vào tay bác mà không nhìn trộm.
"Cho qua" Kobyella nói, hay đúng hơn, chúng tôi đọc được câu nói đó trên môi bác, đôi môi khô kiệt không còn hơi để nói.
Ván sau, Kobyella được, nhưng bác lại gục xuống. Bác không đòi tiền thắng cuộc và cả đến quả đạn chống tăng đầu tiên trúng vào cầu thang cũng không còn nghĩa lý gì với bác gác cổng tội nghiệp mặc dầu đó là cái cầu thang của bác, cái cầu thang mà bác đã không ngừng lau chùi và đánh bóng hàng bao năm nay.
Cái sợ lại xâm chiếm Jan khi cánh cửa vào buồng thư của chúng tôi kêu răng rắc và những ngọn nến không còn biết rạp theo hướng nào nữa. Thế rồi cầu thang lại tương đối yên tĩnh và quả đạn chống tăng tiếp theo trúng vào mặt tiền, tức là khá xa. Nhưng ngay cả như thế, Jan Bronski vẫn hoảng loạn khi trang bài và chia nhầm hai lần nhưng tôi bỏ qua. Chừng nào còn vang rộn tiếng súng thi Jan không nghe thấy gì khác nữa và đôi khi ngồi ngây ra bất động, giỏng tai về phía bên ngoài trong khi chúng tôi sốt ruột chờ ông đánh tiếp nước bài. Tuy nhiên, trong khi Jan càng lúc càng trở nên lơ đễnh, thì Kobyella lại chơi khá tập trung mặc dầu thi thoảng vấn phải thúc vào sườn để ngăn bác khỏi gục xuống. Bác chơi không đến nỗi tồi như thể trạng của bác lúc này. Bác hoàn toàn không quan tâm đến chuyện được, thua. Bác chơi để có cái mà tập trung chú ý vào. Khi chúng tôi tính điểm, bác ngồi rũ ra trên chiếc đai đeo quần mượn, nếu không có những co giật dễ sợ của trái hầu thò lên thụt xuống thì dễ tưởng là chết rồi.
Cuộc chơi bài này cũng là một thử thách căng thẳng đối với cả Oskar nữa. Không phảỉ là những tiếng động liên quan đến cuộc bao vây và phòng thủ Sở Bưu Chính Ba Lan làm nó đặc biệt khó chịu. Đối với tôi, cái phần gay go là lần đầu tiên, tôi đã trút bỏ mọi lốt giả trang, tuy chỉ là tạm thời, tôi nghĩ thế. Cho đến lúc bấy giờ, tôi mới chỉ phô bộ mặt thật không tô vẽ của mình với sư phụ Bebra và nàng mộng du Roswitha mà thôi. Và bây giờ tôi tự bộc lộ, không những trước ông bác và có thể là bố, mà cả trước một người gác cổng tàn tật (đành rằng cả hai đều khó có thể là nhân chứng sau này), như là một thiếu niên mười lăm tuổi - xin xem khai sinh - biết chơi xì-cạt rất liều mà không phải là thấp, ý chí thì có thừa, song thể lực và tầm vóc tí hon lại không kham nổi, mới chơi được khoảng một tiếng, chân tay, đầu óc tôi đã đau ghê gớm.
Oskar cảm thấy muốn bỏ cuộc; đối với nó, lỉnh đi trong khoảng giữa những phát nổ vẫn kế tiếp nhau làm rung chuyển tòa nhà, không phải là khó nếu một tình cảm chưa từng thấy tựa như ý thức trách nhiệm không ra lệnh cho nó phải giữ vững và chống lại cái sợ nắm bắt ông bố khả thể của tôi bằng phương pháp duy nhất hiệu nghiệm: chơi xì-cạt.
Và như thế chúng tôi chơi và không chịu để cho Kobyella chết. Bác dứt khoát không có thì giờ để làm điều đó vì tôi cố hết sức làm sao cho các quân bài luôn luôn quay vòng. Khi một quả đạn nổ ở cầu thang, làm mấy cây nến đổ nhao và tắt ngấm, chính tôi là người đã nhanh trí làm cái điều hiển nhiên phải làm - móc túi Jan lấy ra một que diêm và cả những điếu thuốc lá đầu vàng của ông luôn thể; chính tôi đã khôi phục lại ánh sáng cho thế giới, châm cho Jan một điếu Regatta trấn an, xuyên thủng đêm tối bằng những ngọn lửa kế tiếp nhau trước khi Kobyella kịp lợi dụng bóng đêm để ra đi.
Oskar cắm hai cây nến lên cái trống mới, để mấy điếu thuốc lá ở trong tầm tay mình. Nó không muốn cho bản thân nó, nhưng để thỉnh thỏang đưa cho Jan một điếu và đặt một điếu khác giữa cặp môi rệu rệch của Kobyella. Như vậy, mọi sự dễ chịu hơn, thuốc lá xoa dịu và an ủi, tuy nó không thể ngăn Jan Bronski thua hết ván này đến ván khác. Jan đổ mồ hôi và thè đầu lưỡi liếm môi trên như ông bao giờ cũng làm thế khi dồn hết tâm trí vào cuộc chơi. Ông nhập đồng say sưa hào hứng đến nỗi có lúc đã gọi tôi là Alfred hay Matzerath và bắt đầu tưởng Kobyella là mẹ tội nghiệp của tôi. Khi ở ngoài hành lang, có người kêu: "Konrad bị rồi!", ông quay sang nhìn tôi, vẻ trách móc: "Lạy Chúa, Alfred, làm ơn tắt hộ cái đài một tí. Không còn nghĩ được gì nữa hết."
Jan bực mình thật sự khi người ta mở toang và kéo xác Konrad vào.
"Đóng cửa vào, kẻo gió lùa!" ông phản đối. Quả là có gió lùa thật. Những ngọn nến lập loè hoảng loạn và chỉ trấn tĩnh lại khi những người kia quăng Konrad vào một góc rồi đi ra và đóng cửa lại sau lưng mình. Chúng tôi họp thành một bộ ba kỳ quái. Ánh nến hắt từ dưới lên khiến chúng tôi có vẻ như những phù thủy đầy pháp thuật. Mắt Kobyella long sòng sọc lạ thường và trong vai phải bác có cái gì như muốn chòi ra, run rẩy và giãy giụa như điên. Cuối cùng nó ngừng lại, nhưng Kobyella thì đổ sấp mặt về phía trước, kéo theo cả cái giỏ thư mà bác bị cột vào, cùng với người chết bị tước đai đeo quần nằm bên trên. Jan thu hết sức đẩy ngược lên, dựng Kobyella và giỏ thư trở lại như cũ, và Kobyella lại một lần nữa bị ngăn, không thoát nổi chúng tôi.
Bây giờ thì Jan gọi tôi là Agnès trong khi Kobyella trở thành Matzerath, tình địch của ông. Trở thành mẹ tội nghiệp của tôi trong mắt ông chứ không còn là Matzerath, tôi bằng lòng hơn nhiều, tôi chẳng muốn bị tưởng nhầm là Matzerath một tí nào. Jan sốt ruột chờ Matzerath ra bài mà kỳ thực đó là một lão gác cổng tàn tật tên là Kobyella; mất thì giờ quá, Jan bèn vật quân át cơ xuống và hoàn toàn không muốn cũng như không thể hiểu, thật tình ông không bao giờ hiểu đầy đủ, xưa nay ông vẫn chỉ là một gã mắt xanh, sực mùi nước thơm Cologne, và không đủ sức hiểu một số điều, và giờ đây ông dứt khoát không thể hiểu được tại sao Kobyella lại đột ngột buông tất cả bài mình xuống, ra sức kéo cái giỏ quần áo đựng đầy thư với một người chết nằm trên chốc, cho đến khi tất cả đổ ụp xuống, mới đầu là người chết, rồi đến một chồng thư và cuối cùng là toàn bộ cái giỏ đan rất khéo, tuôn tới chúng tôi một đạt sóng thư, như thể chúng tôi là những người nhận, như thể việc của chúng tôi bây giờ là gạt những quân bài sang một bên và bắt đầu đọc những lá thư gửi cho chúng tôi hoặc thu thập tem làm sưu tập. Nhưng Jan không muốn đọc, cũng chẳng muốn sưu tâm tem, ông đã sưu tầm bao nhiêu từ hồi còn nhỏ, ông muốn chơi cờ, ông muốn chơi nốt quắn bài lớn của mình, ông muốn được, Jan này muốn thắng, ông dựng Kobyella dậy, đặt cái giỏ lại ngay ngắn trên bánh xe, nhưng vẫn để người chết nằm đấy và cũng không xếp lại thư vào trong giỏ. Bất cứ ai cũng có thể thấy là cái giỏ quá nhẹ, thế mà Jan tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi Kobyella, ngật ngưỡng với cái giỏ nhẹ tênh, không thể ngồi cho thăng bằng được mà cứ chúi xuống mỗi lúc một thấp hơn. Cuối cùng, Jan quát vào mặt bác: "Tôi xin anh đừng có phá đám. Nốt ván này thôi, rồi chúng ta ai về nhà nấy. Alfred, anh có nghe tôi không đấy?"
Oskar mệt mỏi đứng dậy, cố nén cơn đau nhức mỗi lúc một tăng nơi chân tay và đầu, đặt hai bàn tay mảnh dẻ của thằng bé đánh trống lên vai Jan Bronski và gắng gượng nói, nhỏ nhẹ nhưng đầy uy quyền như ra lệnh: "Để bác ấy yên, cha ạ. Bác ấy không chơi được nữa. Bác ấy chết rồi. Nếu cha thích thì chúng mình chơi sáu mươi sáu vậy."
Jan, mà tôi vừa gọi bằng cha, buông cái vỏ thế phù du của bác gác cổng, hướng về tôi một cái nhìn tràn trề xanh và khóc khôngkhôngkhôngkhông... Tôi vỗ vỗ ông, nhưng ông vẫn khôngkhông. Tôi hôn ông một cách đầy ý nghĩa, nhưng ông vẫn không thể nghĩ đến điều gì khác ngoài ván bài bị cắt ngang giữa lúc sắp thắng của mình.
"Lẽ ra anh đã thắng, Agnès ạ. Chắc như đinh đóng cột," ông than thở như vậy với mẹ tội nghiệp của tôi trong lốt của tôi, và tôi - con trai ông - đành lòng phải vào vai, phải, ông có lý, tôi nói, tôi thề là lẽ ra ông đã thắng, rằng xét cho cùng kỳ lý thì thực tế ông đã thắng, rằng ông phải tin những gì Agnès của ông đang nói với ông. Nhưng Jan không tin; ông không tin cả tôi lẫn mẹ tôi. Mới đầu, ông khóc to và nghe rõ lời, rồi nhỏ dần thành một thứ thút thít đơn điệu không thành tiếng; rồi ông bắt đầu thu hồi các quân bài xì-cạt từ dưới trái núi Kobyella đang lạnh dần; một số quân moi từ giữa hai chân bác và dưới đống thư. Jan tìm được kỳ đủ ba mươi hai quân bài mới thôi! Ông làm vệ sinh cho từng quân một, lau sạch máu dính nhơm nhớp trên bài. Xong xuôi, ông trang bài, chuẩn bị chia. Đến lúc đó, cái trán đẹp dáng, tuy hơi quá nhẵn, hơi quá bí hiểm, của ông mới chịu thừa nhận rằng trên đời này không còn chân thứ ba để chơi xì-cạt.
Buồng kho thư chưa chuyển trở nên rất yên tĩnh. Bên ngoài cũng dành một phút im lặng kéo dài để mặc niệm chân-xi-cạt-thứ-ba cuối cùng trên đời. Tuy nhiên, Oskar cảm thấy như cửa phòng đang từ từ mở. Ngoái nhìn qua vai, chờ đợi một sự hiện hình siêu phàm nào đó, nó trông thấy bộ mặt mù loà trống trơn lạ lùng của Victor Weluhn. "Jan, tôi mất kính rồi. Anh còn đấy không? Tốt nhất là mình chạy đi thôi. Quân Pháp không đến hoặc nếu họ có đến thì cũng đã quá muộn. Đi với tôi đi, Jan. Dắt tôi với, tôi mất kính rồi."
Có thể Victor tưởng mình đã vào nhầm phòng vì khi không thấy ai trả lời và không có cánh tay nào chìa ra dắt mình, anh bèn rút lui bộ mặt mất kính và đóng cửa lại. Tôi còn nghe thấy mấy bước đầu tiên của Victor khi anh dò dẫm xuyên qua đám sương mù tìm đường tẩu thoát.
Có trời biết điều gì ngộ nghĩnh loé lên trong cái đầu nhỏ bé của Jan khiến ông phì cười, mới đầu còn khe khẽ và có phần ảo não, rồi vang to vui vẻ, rung cái lưỡi nhỏ hồng hồng tươi tắn như cái quả lắc chuông. Ông tung bộ bài lên không rồi bắt lấy và cuối cùng, khi một tĩnh lặng ngày Chúa trùm lên căn phòng với những con người im lặng và những lá thư im lặng, bắt đầu, bằng những động tác thận trọng, cân nhắc và gần như nín thở, xây một ngôi nhà cực kỳ mỏng mảnh bằng quân bài. Hai quân: Bảy pích và Đầm nhép được dùng làm nền. Xoè bên trên là quân Vua ca-rô. Chín cơ và Át pích với Tám nhép úp lên trên hợp thành nền thứ hai bên cạnh. Sau đó, ông lấy con Hai nối những con Mười và con Bồi dựng đứng, dùng những con Đầm và Át làm xà ngang, để bộ phận này đỡ bộ phận kia. Rồi ông quyết định xây thêm một tầng thứ ba trên tầng hai và làm việc đó với đôi bàn tay mê hồn mà mẹ tôi chắc đã biết quá rõ trong những động tác khác. Và khi ông dựa con Đầm cơ vào con Vua có trái tim đỏ chói thì toà nhà không đổ, không, nó đứng nhẹ lâng lâng, thở dịu dàng, khe khẽ trong cái căn buồng mà ở đó những người chết không thở nữa và người còn sống thì nín thở. Ngôi nhà bằng quân bài này cho phép chúng tôi khoanh tay ngồi thư thái lại; nó khiến cho Oskar hoài-nghi, vốn biết những quy tắc tĩnh học chi phối việc xây nhà quân bài, có thể quên đi làn khói khét lẹt cùng mùi thối rữa luồn qua khe cửa thành từng vệt cuồn cuộn, tạo cảm giác như thể căn buồng nhỏ với ngôi nhà quân bài này ở ngay cạnh vách sát vách với địa ngục vậy.
Chúng đã đem súng phun lửa tới; không dám tiến hành một cuộc tấn công trực diện, chúng quyết định hun khói cho những người cố thủ cuối cùng phải chui ra ... Thành công của thủ đoạn này dồn Tiến sĩ Michon đến chỗ phải quyết định đầu hàng. Bỏ cái mũ sắt, ông cầm một tấm drap giường vẫy rối rít và khi cảm thấy chưa đủ, ông rút nốt chiếc mù-soa lụa, vẫy kèm bằng tay kia.
Khoảng ba mươi người xém lửa khói, gần như mù, cánh tay giơ lên, bàn tay chắp sau gáy, rời khỏi toà nhà qua cửa bên trái và xếp hàng cạnh tường sân chờ lực lượng cảnh vệ đang từ từ tới. Sau này, người ta kể rằng trong khoảng thời gan ngắn khi đám cảnh vệ chưa tới, ba, bốn người đã trốn thoát: qua nhà để xe của Sở bưu chính và nhà để xe của đồn cảnh sát kề bên, họ đến được một ngôi nhà đã sơ tán, do đó trống không, ở phố Rähm; tại đây, họ kiếm được quần áo kèm theo cả huy hiệu Đảng nữa. Tắm rửa xong, thay đồ, họ biến mất tăm vào thinh không, từng người một. Vẫn theo lời kể đó, một trong những kẻ trốn chạy đã đến một cửa hàng kính ở
Alstädtischer Graben, thử và mua một cặp kính mới, kính cũ của anh ta đã mất trong khi chiến đấu bảo vệ nhà bưu điện. Với cặp kính mới, Victor Weluhn - vì đó chính là anh ta - theo người ta kể, dám đến tận Chợ Gỗ làm một vại bia, rồi một vại nữa, vì súng phun lửa đã làm anh khát cháy cổ. Rồi, nhờ cặp kính mới xua đi phần nào đám sưong mù trước mắt, tuy không bằng cặp kính cũ, Victor bắt đầu cuộc chạy trốn mà vì sự quyết liệt dai dẳng của những kẻ săn đuổi, đến hôm nay vẫn còn tiếp tục.
Những người khác - tôi muốn nói đến khoảng ba mươi người không quyết định chạy trốn - đang đứng cạnh bức tường đối diện với cửa bên khi Jan dựa quân Đầm cơ vào quân Vua cơ và sung sướng ngây ngất buông tay ra.
Tôi phải nói thêm gì nữa? Họ tìm thấy chúng tôi. Họ mở toang cửa, quát: ''Rauss 2 " khuấy động
không khí và ngôi nhà quân bài đổ xụp. Họ không ưa loại kiến trúc này. Chất liệu của họ là bê-tông. Họ xây dựng cho vĩnh cửu. Họ chả để ý gì đến vẻ mặt bất bình và cay đắng của thư ký bưu vụ Jan Bronski. Họ không thấy là Jan, trước khi đi ra, đã với tay vào chồng quân bài và nhặt lên cái gì đó. Họ cũng không thấy là tôi, Oskar, đã rứt mấy mẩu nến. khỏi cái trống mới sở hữu, nhặt lấy trống mà bỏ lại nến lúc này không còn cần thiết vì có rất nhiều đèn pin xói vào mắt chúng tôi. Thậm chí họ cũng không nhận thấy rằng những đèn pin của họ đã làm chúng tôi lóa mắt khó tìm thấy cửa ra. Từ đằng sau những chiếc đèn pin và những cây súng trường, họ hô: " Rauss!" và họ vẫn còn hô " Rauss!" khi Jan và tôi đã ra tới hành lang. Những tiếng " Rauss" ấy nhằm vào những Kobyella, Konrad từ Vacxava đến, Bôbek và Wischnewski nhỏ bé khi còn sống làm việc ở quầy điện báo. Bọn tấn công đã hoảng sợ vì tinh thần ngoan cường không chịu khuất phục của những người này.Tôi cười lớn mỗi khi bọn cảnh vệ hô "Rauss" và sau một hồi, thấy mình đang làm trò cười, họ ngừng hô và nói: "À!" Rồi họ dẫn chúng tôi ra chỗ ba mươi người đang đứng khát khô cổ, tay giơ lên và chắp sau gáy ở trong sàn cho người ta quay phim thời sự.
Máy quay đặt trên một chiếc ô-tô. Khi chúng tôi bị giải qua cửa bên, các phó nhòm quay nó về phía chúng tôi để quay cái đoạn phim ngắn mà sau đó được chiếu ở tất cả các rạp xi-nê.
Người ta tách tôi ra khỏi đám ba mươi người đứng cạnh tường. Đến đây, Oskar nhớ ra mình là một thằng lùn, nó nhớ ra rằng một đứa trẻ lên ba có thể được miễn mọi trách nhiệm. Nó lại cảm thấy đau ở đầu và chân tay; nó quỵ xuống đất cùng với cái trống, bắt đầu giẫy giụa và cuối cùng lên một cơn động kinh nửa thật nửa giả vờ, nhưng ngay cả trong khi lên cơn nó vẫn giữ chặt lấy cái trống. Họ bế nó lên một chiếc xe của SS địa phương. Khi chiếc xe phóng đi, đưa nó về Bệnh viện thành phố, Oscar trông thấy Jan, Jan tội nghiệp, đang gửi vào khoảng không một nụ cười ngu dại và hạnh phúc. Một tay giơ lên mấy quân bài xi-cạt và với tay kia cầm quân Đầm cơ (tôi nghĩ thế), ông vẫy chào vĩnh biệt Oskar, con trai của ông.
--- ------ ------ ------ -------
1. Exlward Rydt-Simgly (1886-1941), thống chế Ba Lan Ba, chỉ huy Lữ đoàn lê dương Ba Lan trong Đại chiến thế giới I (1914 -18)
2. Tiếng Đức: Đi ra!
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Cái trống thiếc.