Quyển II: Ông ấy nằm ở Saspe
-
Cái trống thiếc
- Günter Grass
- 5980 chữ
- 2020-05-09 03:50:21
Số từ: 5957
Dịch giả: Dương Tường.
Đánh máy & Hiệu đính: galazyrulz, tducchau, Ct.Ly
Nguồn: casau - NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN - VNthuquan.net
Tôi vừa đọc lại đoạn cuối. Tôi không hài lòng lắm, nhưng ngòi bút của Oskar là thế - ngắn gọn và khúc triết; như đa phần những báo cáo ngắn gọn và khúc triết, nó đã làm được điều này: phóng đại và đánh lạc hướng, nếu không phải là nói dối.
Để bám chắc lấy sự thật, tôi sẽ tìm cách khắc phục ngòi bút của Oskar và đính chính vài điểm: thứ nhất, ván cuối cùng mà Jan chẳng may bị tước mất cơ hội hạ bài và ù, không phải là một bộ đồng hoa không chủ bài mà là một bộ ca-rô thiếu hai; thứ hai, Oskar, khi rời buồng kho thư, không chỉ mang theo cái trống mới, mà còn nhặt luôn cả cái cũ rách nát đã rời ra khỏi giỏ quần áo cùng với thư từ và người chết mất đai đeo quần. Ngoài ra, còn có một chỗ bỏ sốt cần phải điền thêm vào: Jan và tôi vừa ra khỏi buồng kho thư chưa chuyển, theo lệnh của bọn cảnh vệ với những tiếng hô "Rauss", những súng ống, đèn pin của họ, là Oskar liền xán đến hai tay cảnh vệ nom có dáng ông chú hiền hậu hòng tìm sự che chở, giả vờ khóc lóc thảm thiết và chỉ vào Jan cha mình với những cử chỉ tố cáo, biến con người tội nghiệp thành một tên ác ôn đã kéo một đứa bé vô tội đến s ở Bưu Chính Ba Lan để làm bia đỡ đạn đúng với tính cách vô nhân dạo điển hình Ba Lan.
Oskar tính làm thế sẽ có lợi cho cả hai cái trống và sự chờ đợi của nó đã tỏ ra không phải là hão huyền: hai tay cảnh vệ đá đít Jan và lấy báng súng đánh ông, nhưng để lại cho tôi cả hai cái trống. Một trong hai tay cảnh vệ này, một người đứng tuổi với những nếp nhăn lo nghĩ của một ông bố gia đình chạy từ cánh mũi xuống mép, vuốt má tôi, trong khi tay kia, một gã tóc vàng rơm lúc nào cũng cười híp cả mắt, thì bế tôi lên, khiến Oskar thấy bối rối và ơn ớn.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy xấu hổ khi thỉnh thoảng nghĩ đến cách ứng xử ghê tởm của mình, nhưng tôi tự an ủi bằng ý nghĩ rằng Jan không nhận thấy gì hết, ông còn đang để hết tâm trí vào những quân bài của ông và cứ thế cho đến giờ phút cuối, rằng không gì còn có thể kéo ông ra khỏi tâm thái đó, kể cả những cơn hứng tức cười nhất hay quỷ quyệt nhất của bọn cảnh vệ. Jan đã sang tận cái vương quốc vĩnh cửu của những ngôi nhà và lâu đài bằng quân bài ở Tây Ban Nha, nơi đó con người tin ở hạnh phúc, trong khi bọn cảnh vệ và tôi - vì lúc đó Oskar kể như mình đang ở trong hàng ngũ cảnh vệ - đứng giữa những bức tường gạch, trong những hành lang đá, dưới những trần nhà với những gờ xtuých-cô xoắn xuýt với những tường và vách ngăn nhằng nhịt đến nỗi có thể một ngày kia điều tệ hại nhất sẽ xẩy ra khi mà, do một sự cố nào đó, toàn bộ cái sự chắp vá mà ta gọi là kiến trúc này sẽ bong ra, rơi rụng lả tả.
Dĩ nhiên, nhận thức muộn màng này không thể biện minh cho tôi, nhất là khi người ta nhớ lại rằng tôi không bao giờ nhìn một công trình đang xây dựng mà không hình dung đến lúc nó bị phá hủy và rằng tôi luôn luôn coi những ngôi nhà bằng quân bài là chỗ ở duy nhất xứng đáng với nhân loại. Và ngoài ra, còn một nhân tố khép tội nữa. Buổi chiều hôm ấy tôi cảm thấy tuyệt đối chắc chắn rằng Jan Bronski không phải chỉ là bác hoặc bố khả-thể, mà là bố thật của tôi. Điều đó đặt ông lên trên Matzerath, một lần cho mãi mãi, vì Matzerath thì hoặc là cha tôi, hoặc chả là gì cả.
Ngày 1 tháng 9 năm 1939 - tôi chắc quý vị, vào cái buổi chiều bất hạnh ấy, cũng đã nhận ra Jan Bronski, người xây nhà-quân-bài đầy ơn phước, là cha tôi - đánh dấu sự mô đầu gánh nặng tội lỗi thứ hai của tôi.
Ngay cả khi tôi cảm thấy ái ngại nhất cho bản thân mình, tôi cũng không thể phủ nhận điều này: chính cái trống của tôi, không, chính tôi, Oskar tên đánh trống, đã tống khứ, đầu tiên là mẹ tội nghiệp của tôi, rồi đến Jan Bronski, bác và cha tôi, xuống mồ.
Nhưng vào những ngày mà một cảm giác phạm tội không sao xua đi được khiến tôi nằm bẹp đầu trên chiếc gối của cái giường bệnh viện, tôi thường hay, như mọi người khác, chiếu cố đến sự dốt nát của mình - cái sự dốt nát đã trở thành mốt vào thời kỳ ấy và ngay cả bây giờ, một số công dân của chúng ta vẫn trưng trổ như một kiểu mũ ngồ ngộ.
Oskar, thằng dốt xảo trá, nạn nhân của sự man rợ Ba Lan, được đưa đến Bệnh viện thành phố vì sốt do động kinh. Matzerath được thông báo. Đêm qua, ông đã trình việc tôi biến mất, mặc dù quyền sở hữu của ông đối với tôi chưa bao giờ được chứng minh.
Còn về ba mươi người đứng giơ tay lên và chắp sau gáy, trong đó có Jan, thì sau khi được quay phim thời sự, họ bị giải đi, đầu tiên đến ngôi trường Victoria đã sơ tán, sau đến Trại giam Schiesstange. Cuối cùng, họ được giao cho lớp cát xốp thấm nước đằng sau bức tường của cái nghĩa trang cũ hoang phế ở Saspe.
Làm sao Oskar biết được những thông tin này? Do Leo Schugger kể. Bởi vì dĩ nhiên, chẳng có thông báo chính thức nào cho chúng tôi biết là ba mươi người ấy bị bắn dưới chân bức tường nào và vùi dưới bãi cát nào.
Hedwig Bronski thoạt đầu nhận được một giấy báo phải dọn khỏi căn hộ ở Ringstrasse để nhường chỗ cho gia đình một sĩ quan không quân cao cấp.Trong khi đóng gói đồ đạc với sự giúp đỡ của Stephan và chuẩn bị về Ramkau - nơi bác sở hữu một ngôi nhà cùng mấy mẫu rừng và đất canh tác- bác nhận được tờ thông báo chính thức biến bác thành quả phụ. Bác nhìn vào nó bằng đôi mắt vốn chỉ phản chiếu chứ chưa thấm sâu những khổ đau trên đời và phải rất từ từ, với sự giúp đỡ của đứa con trai Stephan, bác mới thấm được ý nghía của nó.
Đây là nội dung tờ thông báo:
Toà án quân sự, nhóm Eberhardt st. 1 41/39
Zoppot 6 -10 - 1939
Bà Hedwig Bronski,
Xin báo để bà biết: Bronski, đã bị kết án tử hình vì hoạt động quân sự chống đối.
ZELEWSKI
(Thanh Tra Tòa án Quân Sự)
Quý vị thấy đó, không một chữ nào về Saspe. Vì sự quan tâm đối với gia đình những người chết, nhà chức trách muốn tránh cho họ khỏi è cổ dưới những khoảng chỉ cần thiết cho một nấm mồ tập thể lớn đến thế, tốn hoa đến thế; đồng thời, để đỡ phải lo bảo trì và có thể cả cải táng sau này, họ cho san phẳng mặt đất pha cát và thu dọn tất cả các đầu đạn, trừ một - bao giờ chả có chuyện bỏ sót - vì vỏ đạn là thứ không đúng chỗ ở một nghĩa trang, dù là một nghĩa trang bỏ hoang.
Nhưng cái vỏ đạn duy nhất, mà bao giờ người ta cũng bỏ sót, mà chúng tôi quan tâm, lại do Leo Schugger tìm thấy; không một cuộc chôn cất nào, dù kín đáo nhất, là bí mật đối với anh ta. Anh biết tôi từ đám tang mẹ tội nghiệp của tôi, rồi sau đó, đám tang anh bạn Herbert Truczinski lưng đầy sẹo của tôi. Chắc chắn anh biết nơi chôn Sigismund Markus, mặc dầu tôi không bao giờ hỏi anh. Và anh rất khoái, gần như sướng ngây ngất khi có dịp đưa cho tôi cái vỏ đạn đầy chứng tích tố cáo vào cuối tháng 11, ngay sau khi tôi ra viện.
Nhưng trước khi dẫn quý vị theo chân Leo Schugger đến nghĩa trang Saspe với cái vỏ đạn đã hơi ốc-xy hóa có lẽ đã mang cái đầu chì dành cho Jan, tôi phải xin quý vị cho phép so sánh hai cái giường bệnh viện, cái tôi đã nằm ở phòng nhi Bệnh viện thành phố Danzig và cái tôi đang nằm bây giờ. cả hai cùng bằng kim loại, cả hai cùng sơn trắng, thế nhưng có một điểm khác nhau. Cái giường ở phòng nhì ngắn hơn nhưng lại cao hơn nếu lấy thước đo những chấn song. Mặc dù cảm tình của tôi ngả về cái lồng ngắn hơn nhưng cao hơn của năm 1939, tôi lại thấy bình tâm thư thái hơn trong cái giường tạm bợ hiện giờ, nó được thiết kế cho người lớn, và tôi đã hiểu ra rằng không nên đòi hỏi quá mức. Mấy tháng trước, tôi đã kiến nghị đòi một cái giường cao hơn mặc dầu tôi hoàn toàn bằng lòng về chất kim loại và màu sơn trắng. Nhưng bây giờ, dù ban giám đốc có đồng ý hay bác bỏ, tôi cũng chả cần.
Hôm nay, chẳng hạn, tôi hầu như không có gì chống đỡ trước những khách đến thăm, còn như dạo ấy, vào những ngày thăm bệnh nhân ở phòng nhi, một hàng rào cao ngăn tôi khỏi Vị Khách Thăm Matzerath, khỏi các Vị Khách Thăm Greff (ông và bà) và các Vị Khách Thăm Scheffler (ông và bà). Và vào những ngày cuối đợt nằm viện của tôi, những chấn song giường tôi chia cái trái múi bốm lớp váy di-động mang tên bà ngoại Anna Koljaiczek của tôi thành từng ngăn thở phì phò đầy lo âu. Bà đến, thở dài, giơ đôi bàn tay to với hàng nghìn nếp nhăn, phô lòng bàn tay hồng hồng, nứt nẻ, rồi buông phịch xuống, cả bàn tay lẫn lòng bàn tay, ngao ngán, tuyệt vọng đập chan chát vào đùi, dữ dội đến nỗi tận hôm nay tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng đó, mặc dầu tôi chỉ có thể mô phỏng nó tàm tạm trên trống.
Ngày đầu tiên đến thăm, bà đưa theo ông anh Vincent Bronski. ông Vincent cứ nắm chặt lấy chấn song giường tôi mà nói (hay hát?) tràng giang đại hải về Đức Mẹ Maria Đồng Trinh Nữ Hoàng Ba Lan bằng một giọng nhỏ nhẹ nhưng sắc như dao. Oskar lấy làm mừng khi thấy có một nữ y tá ở gần đó. Bởi vì hai vị đó đang kết tội tôi: họ chĩa đôi mắt trong xanh của dòng họ Bronski vào tôi, quên hẳn rằng tôi đang phải nếm trải cơn sốt động kinh, hậu quả của cuộc chơi xì-cạt kéo dài ở sở Bưu Chính Ba Lan, chờ đợi tôi an ủi họ bằng một lời ân cần, kể lại những giờ phút cuối của Jan chia sẻ giữa nỗi sợ và cuộc bài. Họ muốn nghe từ miệng tôi một lời thú tội, giải oan cho Jan, cứ như là tôi có quyền năng rửa tội cho ông, cứ như là lời chứng của tôi có trọng lượng lắm!
Ừ, giả sử như tôi gửi một tờ khai đến Toà án quân sự của Nhóm Eberhardt thì tôi nói gì trong đó nào? Tôi, Oskar Matzerath, xin thú nhận và khai rằng tối hôm 31 tháng 8, tôi đã đứng bên ngoài nhà Jan Bronski chờ ông về nhà và, lấy cớ là cái trống của tôi cần sửa chữa, đã dụ dỗ ông quay lại Sở Bưu Chính Ba Lan, nơi ông đã rời bỏ không muốn bảo vệ.
Oskar đã không làm thế; nó chẳng làm gì để minh oan cho ông bố khả - thể của nó. Cứ mỗi lần quyết định nói, định kể cho hai ông bà già nghe những gì đã xảy ra, nó lại lên cơn co giật khiến nữ y tá trưởng phải đề nghị rút ngắn thời gian thăm; riêng bà ngoại Anna và ông nội giả định Vincent của nó thì bị cấm vào thăm.
Hai ông bà già từ Bissau đến, mang cho tôi táo, rời phòng nhi với cái dáng đi rón rén, bỡ ngỡ của người nhà quê ra tỉnh. Và cứ mỗi bước bốn cái váy của bà tôi và bộ com-lê hộp màu đen phảng phất mùi phân bò của ông anh bà lùi xa thêm, cái gánh nặng tội lỗi của tôi, cái gánh nặng tội lỗi mênh mông của tôi lại tăng lên.
Biết bao điều xẩy ra cùng một lúc. Trong khi Matzerath, vợ chồng Greff, vợ chồng Scheffler xúm quanh giường tôi với hoa quả và bánh ngọt, trong khi bà ngoại tôi và ông Vincent từ Bissau đến theo đường Goldkrug và Brenntau vì đường xe lửa từ Karthaus đến Langfuhr chưa thông, trong khi các nữ y tá vận đồ trắng vô trùng líu lo bàn tán chuyện bệnh viện và thay thế các thiên thần trong phòng nhi, thì Ba Lan chưa mất, sắp mất và cuối cùng, sau mười tám ngày chiến dịch trứ danh ấy, Ba Lan đã mất tuy rằng không bao lâu sau, lại hoá ra là Ba Lan vẫn chưa mất; cũng như hiện nay, mặc dầu có những hội ái quốc Silesia và Đông Phổ, Ba Lan vẫn chưa mất.
Ôi đoàn ky binh điên rồ! Hái những quả dâu xanh trên lưng ngựa. Với những ngọn giáo mang cờ hiệu trắng-đỏ. Những kỵ đoàn trầm uất, những kỵ đoàn truyền thống. Những đợt công kích như trong truyện tranh. Băng qua những cánh đồng trước Lodz và Kutno. Đến Motlin thay thế pháo đài. Chao, dáng ngựa phi oai hùng biết mấy! Bao giờ cũng đợi đến hoàng hôn rực đỏ. Cả tiền cảnh lẫn hậu cảnh đều phải hoàn hảo trước khi kỵ binh tấn công bởi lẽ chiến trận phải đẹp như tranh và cái chết là mẫu cho họa sĩ, tư thế hiên ngang giữa đà phi, rồi ngã xuống, gặm dây tầm xuân, những bụi đậu kim răng rắc, gây ngứa, không ngứa ngáy thì làm sao khiến được kỵ binh chồm lên phi nước đại. Đây đám kỵ binh đánh thuê, họ lại ngứa rồi, họ quặt ngựa giữa những đụn cỏ khô - lại một bức tranh đẹp - họ xúm quanh một người, tên ông ta ở Tây Ban Nha là Don Quixote, những ở đây ông là Pan Kichot, một người Ba Lan chính gốc, thuần huyết, một nhà quý tộc mặt buồn, ông đã dạy các kỵ binh đánh thuê hôn tay các nàng từ trên lưng ngựa, chao, họ sẽ hôn tay thần chết với dáng tự tin biết bao, cứ như thể thần chết là một công nương vậy; nhưng trước hết, họ tập hợp lại, với mặt trời hoàng hôn đằng sau lưng - vì màu sắc và tình ca là lực lượng dự trữ của họ - và trước mặt là xe tăng Đức, những ngựa giống từ những trại ngựa Krupp von Bohlen và Halbach 1 , khắp thế giới không có giống ngựa nào quý hơn. Nhưng Pan Kichot, người hiệp sĩ lập dị phải lồng cái chết, người hiệp sĩ tài năng, quá tài năng, nửa Tây Ban Nha, nửa Ba Lan, hạ cây giáo với lá cờ hiệu đỏ - trắng trên đầu và kêu gọi quân mình hôn tay người đẹp. Đàn cò quang quác kêu trắng-đỏ trên những nóc nhà, và mặt trời hoàng hôn nhổ những hạt anh đào khi ông kêu lớn với đoàn kỵ binh của mình: "Hỡi các bạn, những người Ba Lan cao quý trên lưng ngựa, kia không phải là những chiến xa thép, mà chỉ là những cái cối xay gió hoặc một đàn cừu, tôi mời các bạn hãy hôn tay người đẹp."
Và thế là các kỵ đội xông tới kẻ thù bằng thép xám, bổ sung thêm cho ánh hoàng hôn một sắc đỏ tươi.
Oskar hy vọng được miễn thứ về những hiệu quả thơ của đoạn này. Kể ra hắn có thể cho những con số thương vong của Đoàn Kỵ Binh Ba Lan, kỷ niệm cái gọi là Chiến dịch Ba Lan bằng những thống kê khô khan nhưng hùng hồn thì tốt hơn. Hoặc giả một giải pháp khác: cứ để nguyên bài thơ nhưng thêm vào một ghi chú cuối trang.
Cho đến ngày 20 tháng 9, nằm trong bệnh viện, tôi có thể nghe thấy tiếng gầm của đại bác từ những cao điểm của các khu rừng Jeschkental và Oliva. Thế rồi ổ đề kháng cuối cùng trên bán đảo Hela cũng đầu hàng. Thành phố Tự do Danzig ăn mừng việc phong cách Gôtích gạch của mình trở về trong lòng Đại Đế Chế Đức và hân hoan nhìn vào đôi mắt xanh (có một điểm chung với đôi mắt xanh của Jan Bronski là sức chinh phục phụ nữ) của Adolf Hitler, Fiihrer và thủ tướng, khi ngài đứng trong chiếc Mercedes đen phân phát những cái chào vuông góc cho dân chúng.
Khoảng giữa tháng 10, Oskar ra viện. Lòng tôi nặng trĩu khi phải chia tay với các nữ y tá. Khi một trong số họ tên nàng là Berni hay Erni gì đó - phải, khi Xơ Erni hay Berni đưa cho tôi hai cái trống, cái rách tươm đã khiến tôi phạm tội và cái nguyên lành mà tôi đã chiếm được trong trận đánh ở Sở Bưu Chính Ba Lan, tôi mới sực nhận ra rằng đã nhiều tuần, tôi không hề nghĩ đến những cái trống của mình, rằng trên đời cũng còn cái gì khác ngoài trống, cụ thể là: nữ y tá.
Tay trong tay Matzerath, tôi rời Bệnh viện thành phố, vẫn còn chệnh choạng trên đôi chân mãi mãi ba tuổi, với hai cái trống và điều tự ý thức mới mẻ, hướng về căn hộ ở phố Labesweg để đối mặt VỚI những ngày thường tẻ nhạt và những ngày chủ nhật còn tẻ nhạt hơn của năm đầu chiến tranh.
Một ngày thứ ba cuối tháng 11, tôi được phép ra ngoài lần đầu tiên sau nhiều tuần dưỡng bệnh. Đang rầu rĩ đánh trống qua các phố, chẳng mấy để ý đến cơn mưa lạnh, đến góc đường Brosener gặp Quảng trường Max- Halbe, Oskar bỗng chạm trán một người và đó không ai khác ngoài Leo Schugger, gã cựu chủng sinh.
Chúng tôi đứng một lúc, bối rối mỉm cười với nhau và mãi đến khi Leo rút từ túi áo vét-tông ra một đôi găng da dê và kéo lớp màng trắng ngà ấy trượt trên những ngón tay và lòng bàn tay anh, tôi mới nhận chân ra là tôi đã gặp ai và cuộc gặp gỡ này sẽ mang lại gì cho tôi. Oskar bỗng thấy sợ.
Trong một lúc, chúng tôi nhìn những cửa sổ của hiệu Kaiser, dõi theo mấy chuyến xe điện của các tuyến số 5 và số 9; chúng tôi xuyên qua Quảng trường Max-Halbe, đi vòng những ngôi nhà đồng dạng trên phố Brösener-Weg, lượn nhiều vòng quanh một cột dán quảng cáo, xem kỹ một tờ thông báo thời gian và phương thức đổi đồng gulden Danzig sang đồng reichmark, cạo cạo một tờ quảng cáo bột xà-phòng Persil và thấy một chút đỏ dưới lớp xanh và trắng, nhưng bỏ lửng thế thôi. Chúng tôi vừa bắt đầu quay lại Quảng trường Max-Halbe thì đột nhiên Leo Schugger dùng cả hai tay đẩy Oskar vào một lối cửa vào, luồn những ngón tay trái đeo găng dưới vạt áo vét tông, thục vào túi quần, lựa lọc những thứ trong đó, tìm thấy cái gì đó, soát kỷ một lúc, rồi hài lòng với cái đã tìm thấy, rút bàn tay nắm lại ra khỏi túi, để những vạt áo rơi về chỗ, ngay ngắn. Chậm rãi, anh đưa nắm tay đeo găng về phía trước, dấn thêm và dấn thêm nữa, đẩy Oskar vào sát tường lối vào; cánh tay anh vươn dài, dài nữa nhưng bức tường không lùi. Cánh tay đó, tôi bắt đầu nghĩ là nó sắp bật ra khỏi ở xương vai, chọc thủng ngực tôi, xuyên qua nó, xuyên nữa, qua giữa hai xương bả vai, tới bức tường của lối cửa vào ẩm mốc. Tôi đã bắt đầu sợ rằng Oskar sẽ không bao giờ thấy cái mà Leo nắm trong tay, rằng điều tối đa nó biết được ở bức tường này chỉ là bản nội quy, nó cũng chẳng khác nội quy khu chung cư của nó ở Labesweg lắm. Thế rồi miếng da có năm ngón mở ra.
Áp chặt vào một chiếc khuy mỏ neo trên áo lính thủy của tôi, chiếc găng của Leo mở ra nhanh đến nỗi tôi nghe thấy cả tiếng khớp ngón kêu khục. Và đây, nằm trên lớp da cứng bóng bảo vệ lòng tay Leo, là chiếc vỏ đạn.
Khi Leo nắm tay lại một lần nữa, tôi đã sẵn sàng theo anh. Cái mẩu kim loại đó đã tác động trực tiếp đến tôi. Chúng tôi đi cạnh nhau xuôi đường Brỏsener-Weg, lần này không la cà trước những mặt kính cửa hàng, cũng chẳng nán lại với những cột dán quảng cáo nữa. Chúng tôi đi qua Magdeburger, bỏ lại sau lưng hai toà nhà hộp cao tầng ở cuối đường Brỏsener mà ban đêm lập loè trên đỉnh những ngọn đèn cảnh báo máy bay cất cánh hay hạ cánh, men theo hàng rào sân bay một lúc rồi rẽ ra con đường nhựa khô hơn và đi theo đường rầy của tuyến xe điện số 5 về hướng Brösen.
Chúng tôi không nói gì nhưng Leo vẫn nắm cái vỏ đạn trong bàn tay đi găng. Trời ẩm ướt và rét tệ hại, nhưng khi tôi ngập ngừng định về thì anh mở nắm tay, tung lên tung xuống mẩu kim loại trong lòng tay, nhử tôi đi tiếp, một trăm bước, rồi một trăm bước nữa, và thậm chí giở đến cả âm nhạc khi, gần đến khu dành riêng của thành phố, tôi quyết định quay lại thật sự. Anh xoay gót, cầm cái vỏ đạn quay miệng lên trên, áp cái lỗ tựa như đầu một cây sáo dọc vào cái môi dưới thưỡi ra, nhỏ dãi của mình và phát ra một âm lúc the thé, lúc tịt như bị sương mù dìm đi, hòa vào tiếng rào rào mỗi lúc một tăng của cơn mưa. Oskar rùng mình. Không phải chỉ khúc nhạc vỏ đạn làm nó rùng mình; thời tiết khốn nạn, dường như được tạo ra cho hoàn cảnh này, cũng góp phần không nhỏ vào đó, khiến tôi hầu như không cần phải giấu là mình đang run nữa.
Cái gì đã lôi kéo tôi đến Brösen? Dĩ nhiên là Leo, kẻ thổi sáo dụ chuột, thổi sáo bằng cái vỏ đạn của anh ta. Nhưng còn có một cái gì khác nữa. Từ vụng tàu và từ Neufahrwasser khuất sau màn sương mù, tiếng còi của những con tàu chạy hơi nước và tiếng hú đói của một tàu phóng ngư lôi đang vào hay rời cảng, vọng tới chúng tôi qua Schottland, Schellmủhl và Reichskolonie. Tóm lại, đối với Leo, được sự trợ giúp của còi tàu trong - sương mù cộng thêm tiếng sáo vỏ đạn, thì việc lôi kéo một thằng Oskar rét cóng theo mình là trò trẻ.
Gần đến chỗ hàng rào dây thép ngoặt về phía Pelonken và ngăn chia sân bay với thao trường mới, Leo Schugger dừng lại và đứng một lúc, nghiêng nghé cái đầu, dãi nhỏ xuống cái vỏ đạn, ngắm cái thân hình bé nhỏ run rẩy của tôi. Anh mút cái vỏ đạn, giữ nó trên môi dưới rồi, tuân theo một cơn nổi hứng đột ngột, vung tay loạn xạ, cởi bỏ cái áo ngoài nặng trịch có vạt sau dài ngoằng và thoảng mùi đất ẩm, vứt nó lên đầu lên vai tôi.
Chúng tôi lại lên đường. Tôi không biết Oskar có bớt lạnh đi tí nào không. Thỉnh thoảng, Leo nhảy năm bước về phía trước rồi dừng lại; đứng đó trong chiếc sơ-mi nhàu nát nhưng trắng khủng khiếp, nom anh ta như vừa bước thắng từ một hầm ngục Trung cổ ra - có khi là từ Tháp Công Lý cũng nên - để minh họa cho một bài thuyết trình về Trang phục của người điên vậy. Hễ khi nào Leo quay mắt nhìn Oskar lặc lè dưới cái áo ngoài vạt dài là anh ta lại phá lên cười, hai cánh đập đập như con quạ. Thực vậy, tôi hẳn nom giống như một con chim quái dị, một con quạ kiểu gì đó, nhất là với hai cái vạt sau kéo lê trên đường cái nhựa như một cái chổi lớn, để lạí một vệt rộng hùng vĩ khiến Oskar tràn đầy tự hào mỗi khi ngoái lại nhìn; cái vệt đó dự báo một số phận bi thảm còn ngủ trong tôi, nếu không muốn nói là nó tượng trưng cho cái số phận chưa thành hiện thực ấy.
Ngay từ lúc rời khỏi Quảng trường Max-Halbe, tôi đã ngờ ngợ rằng Leo không hề có ý định đưa tôi đến Brösen hay Neufahrwasser. Ngay từ đầu, cái đích đến của chúng tôi đã rành rành: nghĩa trang Saspe mà gần đó, người ta đã xây dựng một khu bắn tập hiện đại cho cảnh sát An ninh.
Từ tháng chín đến tháng tư, các tuyến xe điện phục vụ các trung tâm nghỉ mát bên bãi biển chỉ chạy ba mươi lăm phút một chuyến. Khi chúng tôi rời khu ngoại ô Langfuhr, một chiếc xe điện không kéo theo toa từ phía Brösen tiến lại và vượt qua chúng tôi. Một lát sau, chiếc xe đã chờ ở điểm tránh Magdeburger tới đằng sau chúng tôi và lại vượt qua. Mãi khi chúng tôi sắp tới nghĩa trang, mà gần đó có một điểm tránh tàu thứ hai, thì một chuyến khác mới leng keng đằng sau chúng tôi và lát sau, chuyến xe mà từ nãy chúng tôi đã trông thấy chờ trong lớp sương mù phía trước, băng tới và vượt qua chúng tôi theo chiều ngược lại..
Gương mặt bẹt và quàu quạu của người lái tàu vẫn còn đậm nét trong trí Oskar khi Leo Schugger đưa nó rẽ khỏi đường cái nhựa, bước trên một lớp cát tơi không khác mấy với những cồn cát ở bãi biển. Nghĩa trang hình vuông có tường bao quanh. Chúng tôi vào từ bên phía nam qua một cửa nhỏ với những vệt gỉ ngoằn ngoèo như hình trang trí và chỉ khóa hờ làm vì. Phần lớn các bia mộ đều bằng granít đen Thụy Điển, đẽo thô ở mặt sau và hai cạnh và mài nhẵn ở mặt trước. Một số tấm nghiêng ngả dễ sợ, một số khác đã đổ hẳn. Đáng tiếc là Leo không để tôi có thì giờ nhìn kỹ chúng. Cây cối lơ thơ, tất cả chỉ có năm, sáu gốc thông còi sứt sẹo. Sinh thời mẹ tôi đã mến mộ cái bãi tha ma đổ nát này; như mẹ thường nói khi đi xe điện qua, đây là nơi yên nghĩ cuối cùng ưa thích của mẹ. Nhưng bây giờ, mẹ lại nằm ở Brenntau.Tại đó đất mầu mỡ hơn, du du và cây thích mọc đầy.
Qua một cái cửa mở đã mất chấn song ở tường phía bắc, Leo dẫn tôi ra ngoài nghĩa trang trước khi tôi kịp hòa đồng ý nghĩ của mình với chất lãng mạn tiêu điều nơi đây. Ngay đằng sau tường là một vạt đất cát phang. Giữa đám sương mù, những rặng thông lùn, đậu chổi và tầm xuân chạy dài về phía bờ biển. Ngoái nhìn lại về phía nghĩa trang, tôi nhận thấy ngay là một mảng của bức tường phía bắc mới được quét vôi trắng toát.
Leo chợt hoạt động hẳn lên bên cạnh cái mảng tường có vẻ mới ấy, trắng khốn trắng khổ như cái áo sơ-mi nhàu nát của anh. Anh sải những bước rất dài, vừa đi vừa cao giọng đếm, hình như bằng tiếng La-tinh, Oskar nghĩ thế. Bất kể bài kinh ấy là gì, Leo đọc nó theo cách đã từng học ở chủng viện. Anh đánh dấu một điểm ở cách tường độ gần mười mét và cũng đặt một miếng gỗ ở cách không xa mảng tường quét vôi trắng (tôi chắc chỗ này đã được sửa). Anh làm tất cả những cái đó bằng tay trái vì tay phải mắc cầm cái vỏ đạn. Cuối cùng, sau khi tìm kiếm đo đạc rất lâu, anh cúi xuống gần cái miếng gỗ và đặt ở đó cái ống kim loại rỗng, hơi thuôn ở đầu đằng trước, đã từng mang một lõi chì cho đến khi một ngón tay đáng nguyền rủa bóp một cái vừa đủ mạnh để làm bật cái lõi chì ra cho nó lao đi gieo chết chóc trong khi kiếm tìm nơi ở khác.
Chúng tôi cứ đứng sững đó. Dãi từ miệng Leo Schugger nhỏ xuống ròng ròng. Văn xoắn đôi găng trong tay, anh đọc kinh đối đáp bằng tiếng La-tinh một hồi, rồi dừng lại vì không có ai ở đây thuộc những lời đáp. Thỉnh thoảng anh quay lại và ném một cái nhìn hờn dỗi, sốt ruột, qua bức tường về phía đường cái lớn, nhất là khi những chuyến xe điện, thường là vắng ngắt, dừng ở chỗ quành, tránh nhau, rung chuông khi lướt qua nhau theo những chiều đối nghịch. Leo hẳn đang đợi những người đưa tang. Nhưng không có ai đến, bằng xe hơi cũng như đi bộ, để anh chia ra một chiếc găng phân ưu.
Một lần, mấy cái máy bay rít trên đầu chúng tôi, chuẩn bị hạ cánh. Chúng tôi không ngẩng lên nhìn, chúng tôi chịu đựng tiếng gầm gào mà không buồn ngó nghiêng để biết chắc đó là ba chiếc máy bay loại Ju-52 với đèn nhấp nháy ở đầu cánh đang chuẩn bị hạ cánh.
Một lát sau khi tiếng động cơ tắt - im lặng cũng nhức nhối như màu trắng bức tường trước mặt - Leo Schugger thò tay vào bên trong áo sơ mi, lôi ra một vật gì. Lát sau, anh đứng bên cạnh tôi. Giựt cái áo qua khỏi vai Oskar, anh lao về phía bờ biển, và trước khi đi vào đám thông lùn, đậu chổi và tầm xuân, buông rơi một cái gì đó với một cử chi có tính toán nhằm gợi ý là tôi phải tìm cho ra.
Chỉ đến khi Leo đã khuất dạng hẳn - một hồi, anh vẫn di động ở phía trước như một bóng ma cho đến khi những đám sương mù trắng nhờ nhờ như sữa là là mặt đất nuốt chửng lấy anh - chỉ đến khi chỉ còn độc trọi mình tôi với cơn mưa, tôi mới với tay nhặt cái vật đang nằm trên cát: đó là một quân bài xì cạt, quân Bẩy pích.
Mấy ngày sau cuộc gặp gỡ ở nghĩa trang Saspe ấy, Oskar gặp bà ngoại Anna Koljaiczek trong phiên chợ hằng tuần ở Langfuhr. Giờ đây, khi không còn biên giới ở Bissau, bà lại có thể mang trứng, bơ, bắp cải và táo vụ đông của mình đến chợ. Thiên hạ mua nhiều, họ bắt đầu tích trữ vì sắp sửa hạn định khẩu phần lương thực đến nơi rồi. Cùng lúc Oskar trông thấy bà nó ngồi sau mớ hàng, nó cảm thấy quân bài xì-cạt trực tiếp trên làn da trần của nó, dưới các lớp áo măng-tô, pu lô vơ và nỉ lót. Thoạt đầu, trên đường từ Saspe về Quảng trường Max-Halbe, sau khi một người lái xe điện mời tôi đi không mất tiền, tôi đã định xé quân bảy pích ấy đi. Nhưng rồi Oskar đã không xé. Nó đem cho bà ngoại. Bà hồ như phát hoảng lên đằng sau mớ củ cải khi trông thấy nó. Có lẽ bà thoáng nghĩ rằng sự hiện diện của Oskar có thể là điềm chẳng lành. Nhưng rồi bà ra hiệu cho thằng bé lên ba khuất nửa người sau mấy sọt cá, tiến lại. Oskar cứ nhẩn nha tí đã ; đầu tiên, nó ngắm nghía một con cá thu sông dài đến gần một mét nằm trên đám mạt cưa ướt, rồi lại xem mấy con cua bò nghều ngoào trong một cái rổ; cuối cùng, bắt chước kiểu cua bò, sáp lại quầy của bà nó, xoay cái lưng áo lính thủy đi trước và chỉ quay lại phô bộ khuy mỏ neo vàng với bà, khi nó xô vào một trong những cái niễng kê dưới phản hàng của bà, làm cho táo lăn lông lốc.
Schwerdtfeger tới với những viên gạch hơ nóng bọc trong giấy báo, đẩy chúng vào dưới váy bà tôi, dùng cào thu hồi những viên đã nguội như ông vẫn làm từ xưa đến nay, theo trí nhớ của tôi; ông vạch một dấu lên tấm bảng đeo ở cổ và đi tiếp sang quầy sau trong khi bà ngoại chìa cho tôi một quả táo bóng lộn.
Oskar có gì để biếu bà khi bà cho nó một quả táo? Nó tặng bà, trước hết, quân bài xì-cạt và sau đó là cái vỏ đạn mà nó cũng không bỏ lại ở nghĩa trang Saspe. Trong một lúc, bà Anna Koljaiczek trân trân nhìn hai vật quá khác biệt ấy không hiểu gì. Thế rồi Oskar bèn ghé miệng vào cái tai già toàn sụn dưới chiếc khăn trùm đầu và, chẳng giữ gìn gì nữa, bụng nghĩ tới cái tai nhỏ hồng hồng nây nây thịt của Jan, tôi tiết lộ: " Ông ấy nằm ở Saspe", Oskar thì thào và chạy đi, xô đổ một rổ bắp cải.
--- ------ ------ ------ -------
1. Krupp: dòng họ kỹ nghệ gia lớn cúa Đức. Khởi nghiệp là Fried (1787-1820), người sáng lập Xí nghiệp sắi thép Krupp. Kế đến Alfred (1812-1887) bắt đầu sản xuất quân khí, lần đầu tiên chế tạo súng có cơ bẩm. Con trai ông Friedrich Alfred (1854-1902) nối nghiệp và khi chết truyền lại cho con gái là Bertha (1886- 1957). Chồng bà này, được sự dồng ý của Chính phủ Đức, đổi sang họ Krupp, thành Krupp von Bohlen und Halbach.