• 280

CHƯƠNG 24


Số từ: 11294
Nguyên tác: La Bicyclette Bleue
Dịch giả: Nguyễn Trọng Định
NXB Phụ Nữ
Nguồn: Sưu tầm
o O o
Đến tháng bảy, Lôrơ trở về nhà, vẻ giận dỗi. Từ sau cuộc cãi vã giữa Lêa và ông bác Luych, cô bé không còn được ông ta đón về ngôi nhà đẹp đẽ nữa. Suốt ngày, cô đóng kín cửa buồng, ngồi một mình trong đó hoặc đi Lănggông, đến nhà cô bạn cùng ở một ký túc xá, con một ông công chứng viên.
Lêa cố gần gũi cô em gái mà nàng quý mến, nhưng cô bé khước từ mọi sự tiếp xúc. Với thái độ khiêu khích, Lôrơ đi dạo chơi trên các cánh đồng nho với Phrêđêric Hăngcơ, cười như nắc nẻ và cư xử với anh ta như một cô giá lẳng lơ.
Cùng trong tháng bảy 1942 ấy, Cami đưa đứa con nhỏ đến Môngtiac. Bọn Giextapô trục xuất mẹ con chị khỏi Rôsơ-Blăngsơ. Lôrăng bị tố giác là tay sai của Luân Đôn, trại ấp và tài sản bị tịch biên. Tên trung úy Đức quốc xã Phriêđric Vinhem Đôdơ đã hỏi cung chị rất lâu ở Boocđo. Hắn muốn biết chồng chị ở đâu. Hết sức bình tĩnh, chị nói là chị nhận được tin tức của các cơ quan Nhà nước. Đôdơ không bị đánh lừa, nhưng cho là cứ để cho chị đi vì hắn nghĩ sớm muộn Lôrăng đờ Acgila cũng tìm cách gửi thư hoặc về gặp chị.
Hằng tuần, ở bưu diện Xanh-Pie-đờ-Oriăc, Lêa nhận được thư của Xara Muynxtanh. Trong thư, chị kể lại một cách hài hước cuộc sống của mình ở Limôgiơ. Chị miêu tả với một vẻ hoạt kê đến não lòng vẻ mặt của dân cư Âymôchiê khi gặp chị đi dạo trên đường trong các thành phố nhỏ này với hình ngôi sao màu vàng thêu trên áo để tỏ lòng đoàn kết với những người Do Thái trong vùng bị chiếm.
"Giá tôi có trần truồng đi dạo thì họ cũng không có vẻ khó chịu hơn. Phần đông ngoảnh đầu di. Duy chỉ có một ông già cụt tay, bộ ria màu muối tiêu rậm rì như số lớn nông dân ở đây, ngực đeo huân chương, là bỏ chiếc mũ đen rộng vành ra và nói với tôi, giọng không vui: Già sẽ kiêu hãnh hơn nhiều nếu được đeo một ngôi sao như của cô thay cho tất cả những thứ vô tích sự mà già đã kiếm được ở Vecđoong này".
Trong một bức thư khác, chị chế giễu những biện pháp đối xử tàn tệ đối với người Do Thái:
"Sau khi cấm không cho chúng tôi có máy thu thanh, điện thoại, nay người ta lại cấm không cho chúng tôi đến tiệm cà phê, quán ăn, nhà hát, rạp chiếu bóng, buồng gọi điện thoại, bể bơi, bãi tắm, bảo tàng, thư viện, triển lãm, chợ búa và hội chợ, khu thể thao và cắm trại, trường đua, công viên... Tôi nghĩ họ cấm cả việc làm tình với một người không phải là dân Do Thái. Thực tế, bọn Đức quốc xã chỉ mơ ước một điều: cấm không cho chúng tôi hít thở, như thể sợ không khí chúng tôi thở ra làm cho giống người Đức thuần chủng bị Do Thái hóa".
Trong thư, chị thường nhắc tới Phrăngxoa Tavecniê, tới tình bạn của họ trước chiến tranh, tới lòng tin hoàn toàn của chị đối với anh ta. Chị tán thành việc Lêa muốn giữ Môngtiac lại và khuyên nàng nên thận trọng khi nói năng với Phaya.
Ngày 27 tháng bảy, Lêa nhận được lá thư cuối cùng của Xara. Nàng dừng chân dưới một gốc cây và xé phong bì.
"Khi em đọc thư này thì chị đã trở về Pari. Những sự kiện trong mấy ngày qua không cho phép chị giấu mình khi nhiều người trong chủng tộc chị bị đưa tới lò sát sinh. Có thể em không hiểu được tình hình, vì bộ máy kiểm duyệt hoạt động có hiệu quả. Sau đây là những sự việc mà chị được biết qua lời kể của một người bạn Do Thái và chị vợ anh, nhân viên của Vụ Do Thái.
Trong đêm thứ tư rạng ngày thứ năm, khoảng từ ba rưỡi đến bốn giờ, cảnh sát Pháp đã đập cửa hàng ngàn gia đình Do Thái người nước ngoài, đủ mọi nguồn gốc, và bắt họ. Một vài gia đình trốn thoát được, nhờ sự đồng lõa của những nhân viên cảnh sát thông cảm hoặc ăn tiền - Tiếc rằng số này quá ít. Những người khác, phụ nữ, trẻ em, người già, đàn ông, thậm chí cả người ốm, đều bị bắt đi với chút ít hành lý nhỏ nhoi được phép mang theo, những người yếu nhất thì đi bằng xe buýt, những người khác thì đi bộ. Khi họ đi qua, dân Pari quay đầu đi. Họ bị nhốt ở Trường đua xe đạp Mùa đông: 7000 trong đó có 4051 trẻ em! 6000 người khác bị dẫn đến trại Đrăngxy. Cảnh sát Pháp đã bắt 13000 người chỉ vì họ là người Do Thái!,,, Hình như các nhà chức trách Đức thất vọng: họ những mong ngóng bắt được 32000!... Để thoát khỏi cuộc lùng bắt ấy, nhiều con người khốn khổ đã tự tử. Nhớ lại những vụ sát hại người Do Thái lúc họ còn nhỏ ở Nga hay Ba Lan, nhiều phụ nữ đã bế con nhảy qua cửa sổ.
Người ta không chuẩn bị gì hết để đón đám người kia trong bảy ngày liền, họ chen chúc dưới mái tôn và mái kính dưới trời nắng chang chang, không có một ô cửa sổ, trong mùi hôi hám ngày càng khó chịu. Hố xí vốn không đủ, rất nhanh chóng trở nên vô dụng, những con người khốn khổ bì bõm trong một thứ bùn dơ dáy, nước dãi chảy dọc các bậc tam cấp. Sợ hãi và tủi nhục! Nhiều người bị bệnh chết vì không được chăm sóc. Chỉ có hai thầy thuốc được phép vào Trường đua xe đạp Mùa đông, nhưng mặc dù có mấy nữ y tá của Hội chữ thập đỏ, họ không sao đối phó nổi những vụ sảy thai, kiết lỵ, bệnh tinh hồng nhiệt... Chỉ có mười hai người là thoát chết. Ngày chủ nhật 19 tháng bảy, 1000 người, phần lớn là đàn ông, bị nhốt trong những toa tàu chở súc vật, đưa sang Đức.
Chị biết số phận chờ đón họ, nhưng kinh khủng quá, không ai muốn tin chị, kể cả những bạn bè Do Thái của chị, khi chị nói với họ. Thế mà mọt vài người bạn cũng đã từng đọc như chị cuốn Mein Kampf, và cuốn Sách trắng của Anh, cuốn này công bố năm 1939 ở Pháp, nói về trại tập trung Busenoan và về guồng máy hoạt động của nó bằng những chi tiết khủng khiếp. Họ cứ ngỡ như là những chuyện khoa học viễn tưởng ấy! Vả lại, họ đã vốn hết lòng tin tưởng ở nước Pháp!
Vì sao người Pháp lại là những kẻ đồng lõa với cái đời đời sẽ là một trong những nỗi sỉ nhục của nhân loại? Vì sao?
Qua các cuộc du lịch, qua các thứ tiếng chị nói, qua tri thức văn hóa bốn phương chị thu lượm được, không tin tưởng mà cũng không hành động trước tất cả những sự kiện ấy, trước kia chị cảm thấy mình là nữ công dân tự do của một thế giới. Bây giờ, chị là một người đàn bà Do Thái, và chỉ là một người đàn bà Do Thái mà thôi. Vì vậy chị đi gặp chủng tộc mình, biết rằng mình đi tới cái chết. Chị chấp nhận nó. Nếu có thể chiến đấu để cứu thoát một vài người trong số những người Do Thái ấy khỏi sự diệt vong, thì chị sẽ chiến đấu. Lúc đó, có thể chị sẽ cầu viện đến em. Chị biết là em sẽ không làm chị thất vọng.
Em thân mến, em phải hết sức giữ gìn, em còn trẻ lắm. Thỉnh thoảng, em hãy nghĩ tới chị, ý nghĩ của em sẽ động viên chị thêm can đảm. Chị yêu và hôn em. Xara".
Ở trang cuối cùng có viết thêm:
"Chị gửi kèm theo đây cho em một bài viết bẩn thỉu đăng trong tờ báo chống Do Thái Ô Pilôri ngày 23 tháng bảy 194, để không bao giờ em quên những gì mà Rơbatê, Xêlin, Stôbriawng, Bradiăc... đã dám viết... Em cũng chớ quên Phrăngxoa Tavecniê, bạn chị. Chị biết anh ấy yêu em và chị nghĩ chị không nhầm khi nói rằng em cũng yêu anh ấy, tuy em chưa biết. Em sinh ra là cho anh ấy cũng như anh ấy sinh ra là cho em".
Cột báo chị bạn gửi tới rơi xuống đất! Nó chỉ là một đoạn trong bài báo ký tên Giắc Buarô, đã thừng được phát đi.
14 tháng bảy 1942. Một tin tuyệt diệu được lan truyền trên các đường phố Pari. Đài phát thanh và truyền hình quốc gia cho biết: tên Do Thái cuối cùng vừa chết. Thế là chấm dứt cái chủng tộc nhơ nhớp ấy mà đứa đại diện cuối cùng sống từ khi ra đời ở vườn bách thú cũ trong rừng Vanhxen, trong một túp lều ổ chuột dành riêng cho hắn, và là nơi con cái chúng ta đã được nhìn thấy nó vùng vẫy như thể tự do, không phải cho vui mắt mà là để rèn luyện tinh thần cho chúng. Hắn đã chết. Xét cho cùng, như thế là hơn. Riêng bản thân tôi luôn lo sợ nó bỏ trốn, và ai mà biết được hết những tai họa mà một tên Do Thái có thể gây nên! Hắn sống một mình - cứ cho là thế đi từ khi vợ hắn chết, may sao mụ này vô sinh, nhưng với con vật dơ bẩn ấy, biết thế nào được. Tôi phải đến vườn thú để biết chắc tin đã đưa có xác thực không.
o O o
Một buổi sáng mùa hè tuyệt diệu, nóng vừa phải, bầu trời trong xanh, gió thổi nhẹ, đồng nho và ruộng lúa tạo thành trên cánh đồng một bức tranh màu xanh với những hình hình học. Trên cánh đồng cỏ chấm pha những nét sáng của đàn gia súc. Xa xa, gác chuông nhà thờ và mái nhà trong làng xóm tạo nên một phong cảnh hài hòa nhấp nhô những thung lũng chạy dài.
Lêa thức dậy, chưa vội đọc lá thư của bác Ađriêng. Nàng đạp xe mang thư từ đến Múac. Vecđơle và Liloay.
Trở về Môngtiac, nàng vào phòng trẻ em, đọc thư. Một lần nữa, ông bác khen ngợi nàng đã làm tròn nhiệm vụ ở Pari và Limôgiơ. Ông bảo nàng tối ào cũng đón nghe đài ở Luân Đôn: sẽ có lời nhắn nàng tìm gặp ông ở Tuludơ. Ở nhà hành chính, nàng sẽ nhận được thư chỉ chỗ gặp. Hai ngày sau khi nhận được mật hiệu trên đài: "Hoa viôlet nở trên đồi giá chữ thập." thì nàng sẽ khởi hành.
Lêa vừa đốt thư xong thì Cami bước vào.
- Tôi xin lỗi đã quấy rầy chị. Có thư từ gì gửi cho tôi không?
- Không, chỉ có thư của bác Ađriêng. - Nàng vừa nói vừa chỉ lá thư đã cháy hết - Và thư của Xara Muynxtanh báo tin chị ấy đã rời Âymôchiê.
- Để đi đâu?
- Đi Pari.
- Đi Pari! Chị ấy điên rồi!
- Đây, cô đọc đi, cô sẽ hiểu chị ấy hơn.
Ngày 2 tháng tám, Lêa nghe mật hiệu trên máy thu thanh. Trong những ngày nàng đi vắng, Cami sẽ đảm nhận việc thư tín.
Ở bưu điện Tuludơ, nàng nhận được mấy chữ ngắn gọn bảo nàng năm giờ chiều thì đến nhà thờ lớn Xanh Xecnanh sau khi dừng chân ở Nhà thờ Đức Bà ở Tôrơ.
Trời nắng ngột ngạt. Lêa vừa đói vừa khát. Nàng chỉ uống một chai nước chanh ấm ở quầy giải khát nhà ga. Rất ít người trên đường phố Baya và Rêmuysa, và cả trên quảng trường Capitôn. Lêa thấy ngôi nhà thờ trên đường Tôrơ như một ốc đảo trong một bãi sa mạc với những viên gạch nóng bỏng. Đôi mắt nàng mãi mới quen với cảnh tranh tối tranh sáng trong nhà thờ. Nàng bước tới gần bàn thờ bên cạnh một ngọn đèn con đỏ quạch. Trong đầu óc nàng lẫn lộn những lời cầu nguyện: Đức Chúa ở chốn thiên đường... Đức Bà Maria khoan dung... Đấng Cứu thế toàn năng... sống lại từ những người sống và những người chết... Đức Chúa Giêsu... Cầu xin giải thoát chúng con khỏi tai nạn...
Nàng đặt chiếc va li da vốn là của mẹ nàng và quỳ xuống, trong lòng vẫn thiết tha tin Chúa và mong được Chúa che chở. Nhưng nàng chỉ cảm thấy một nỗi buồn sâu lắng. Mới bốn giờ! Một bà già lê chân bước vào nhà thờ. Bà dừng lại trước mặt Lêa, nhìn chằm chằm nàng một lúc lâu rồi bỏ đi, miệng lầm bầm:
- Không được ăn mặc như thế trong nhà thờ.
Nắng hè gay gắt khiến nàng không nghĩ tới chiếc áo màu xanh để hở cổ. Nàng lục va li lấy ra một chiếc phu la quấn lên đầu và che bớt đôi vai. Như thế, nàng ít bị chú ý hơn.
Bốn rưỡi, Lêa ra khỏi nhà thờ và đi về phía đại giáo đường Xanh - Xecnanh. Trời vẫn nắng gay gắt, không có một hơi gió. Tiếng gót giày vang lên trên hè phố chật hẹp gập gềnh. Bỗng từ một cánh cửa khách sạn vụt mở, một người đàn ông bước ra, kéo nàng và ẩy xuống dưới vòm cửa.
- Nhưng...
Một bàn tay bịt miệng nàng lại.
- Im đi, cô đang gặp nạn đấy...
Trên đường Tôrơ, có tiếng chân người chạy, rồi tiếng người nói, rất gần:
- Bọn khốn kiếp, chúng không thoát nổi nữa đâu...
- Đừng vội khoe thành công đến thế, bọn Do Thái chết tiệt ấy láu lỉnh lắm.
- Đồng ý, nhưng ông chủ còn láu lỉnh hơn chúng.
- Có đúng là những lão tu sĩ giúp chúng không?
- Người ta bảo tớ thế, nhưng tớ thì biết chắc chúng chỉ là những tên cộng sản cải trang thành cha cố.
- Thế nhưng lão tu sĩ dòng Đôminic bị bắt hôm qua là một cha cố đích thực.
Vẫn đứng sát người đàn ông giữ chặt mình, Lêa bắt đầu run rẩy.
- Để còn xem. Nếu quả là một tên cộng sản thì dù có là cha cố, hắn cũng phải đi đời thôi. Đã giúp bọn Do Thái thì đừng có tu hành.
Một hồi còi dài vang lên trên phố.
- Thôi đi!
Hai gã đàn ông tiếp tục chạy. Rồi có tiếng kêu, tiếng chửi, tiếng súng và... im lặng.
Hai mắt nhắm tịt, Lêa dựa vào cánh cửa.
- Đi, chúng ta sẽ qua hầm rượu.
- Tôi van ông, ông nói cho tôi biết có phải bác tôi bị chúng bắt không.
- Tôi không rõ. Hôm qua Lêcuyxăng và bọn tay sai giăng bẫy bắt những người Do Thái cùng những người dẫn đường. Tôi biết có một linh mục cùng đi với họ.
- Ông ấy như thế nào?
- Tôi không rõ. Thôi ta đi, khu phố sắp bị bao vây đấy.
- Một câu hỏi nữa. Làm sao ông biết là tôi qua đây?
- Tôi được lệnh bảo vệ cô từ nhà thờ Đức Bà ở Tôrơ cho tới lúc đi qua đại giáo đường, tôi nhận ra Lêcuyxăng và hai tên tay sai; tôi nghĩ có thể chúng có mặt ở đấy là vì cô. Cô hiểu rồi chưa? Bây giờ cô đi thôi nhé!
- Vâng.
- Cô đưa va li cho tôi. - Người đàn ông vừa nói vừa cặp vào nách khẩu súng ngắn.
Hai người bước vào tòa biệt thự qua một ô cửa nhỏ, bước xuống bậc tam cấp và đến trước một ô cửa khác. Người đàn ông lấy chìa khóa mở cửa. Trong một thời gian mà Lêa cảm thấy như vô tận, họ đi qua những cái hành lang ngoắt ngoéo sụt lở, những cầu thang ọp ẹp, lên lên, xuống xuống, chui dưới những cái vòm lộng lẫy có ánh sáng điện. Hổn hển, Lêa dừng bước.
- Chúng ta ở đâu thế này?
- Ở dưới lầu Capitôn. Trong vùng Tuludơ cổ, rải rác có nhiều tầng hầm. Một số mang tiếng xấu vì trong thời Tôn giáo pháp đình, người ta dùng chúng làm phòng tra tấn. Nhưng trải qua các thế kỷ, nhiều hầm được dùng làm nơi trú ẩn. Từ đầu chiến tranh, cùng với vài ba đồng chí, chúng tôi đã củng cố, sửa sang, dọn dẹp lại và mở cửa thông với nhau.
Hai người im lặng đi một lúc nữa. Rồi, theo một lối hẹp mà khi đi qua phải cúi đầu, họ bước vào một căn phòng thênh thang xây gạch màu hồng với những cái vòm nhọn tuyệt đẹp và những bó đuốc sáng rực cắm trong nền cát. Sững sờ, Lêa đứng bất động, ngẩng đầu lên nhìn cái vòm theo kiểu cấu trúc gôtích, và từ từ quay tròn. Không thấy một ô cửa nào khác ngoài ô cửa họ mới đi qua. Ánh sáng lung linh càng làm tăng thêm vẻ bí ẩn và lộng lẫy của căn phòng.
Khi cúi xuống, Lêa nhìn thấy dọc các bức tường những chiếc bàn, những cái hòm, những tấm phản trên đó có một số người đàn ông đang nằm, quần áo xoàng xĩnh, có những người rất trẻ.
- Cô ngắm xong chưa? - Người bạn đồng hành hỏi Lêa.
- Tuyệt thật!
Một người bước tới gần.
- Sao anh đưa cô ấy tới đây?
- Thưa đồng chí chỉ huy, tôi nghĩ không có cách nào khác: tôi không thể để cô ấy rơi vào tay Lêcuyxăng. Đồng chí biết chúng làm gì đối với đàn bà chứ?
- Misen, anh khỏi lo, tôi xin đảm bảo cho cô ấy.
Ôi! Giọng nói...
- Ông bạn, nếu ông chịu trách nhiệm thì được.
- Tôi xin chịu trách nhiệm.
- Lôrăng!...
Hai bàn tay nắm lại và áp lên môi, Lêa vừa hoan hỉ vừa bàng hoàng nhìn người đàn ông mà nàng yêu thương tiến lại phía mình. Anh thay đổi biết chừng nào!
- Đúng, anh đây, Lêa!
- Lôrăng! - Nàng nhắc lại.
Anh kéo nàng lại và ôm vào vòng tay mình.
Giờ đây, đối với Lêa, không còn có gì tồn tại trên đời này ngoài cái sức ấm đang lan tỏa trên người nàng, cái hơi thở mơn man trên cổ nàng, cái giọng nói thầm chỉ gọi tên nàng. Nỗi hân hoan vẫn nguyên vẹn, khi Misen bảo họ:
- Đêm nay, cô ấy có thể ở lại, nhưng từ ngày mai, cô ấy phải đi thôi.
Ngày mai có quan hệ gì đối với nàng; cái quan hệ là giờ đây, vì giờ đây, nàng biết là anh yêu nàng, mặc dù anh hỏi:
- Cami và bé Saclơ có khỏe không?
- Khỏe. Như anh đã biết đấy, hai mẹ con cô ấy đến ở Môngtiac từ khi Giextapô kiểm soát Rôsơ- Blăngsơ. Bé Saclơ rất dễ thương, cháu giống anh lắm. Nó rất yêu em, em nghĩ thế.
- Ai mà chẳng yêu em? Làm sao anh có thể nói hết nỗi lòng anh cảm ơn em về tất cả những gì em làm giúp bọn anh?
- Thôi đi anh, tất cả những gì của em đều là của anh. Và mãi mãi như thế.
- Anh sợ sẽ phiền lụy tới em đấy.
- Chừng nào đại úy Crame còn ở trong nhà thì chẳng phiền lụy gì hết.
- Sao em có thể tin như thế được? Đã từng có bao nhiêu vụ tố giác?
- Ai sẽ tố giác chúng ta? Mọi người đều quen biết và yêu mến chúng ta.
- Em cả tin thật! Ngày nào cũng có những đồng chí bị xóm giềng, thậm chí cả bạn bè tố giác.
- Trong lúc ẩn náu ở phố Tôrơ, em nghe nói là có một tu sĩ dòng Đôminic bị bắt.
- Em yên tâm, không phải bác em đâu, mà là một người bạn của ông ấy, linh mục Bông đấy.
- Nhưng có thể lúc nãy chúng bắt bác em ở trong nhà thờ lớn.
- Chúng không bắt ai hết. Nhưng chắc chắn là có kẻ tố giác ông ấy.
- Thế bây giờ em phải làm gì?
- Trước mắt, em cứ nghỉ ngơi.
- Em vừa đói vừa khát.
- Em ngồi đây.
Lôrăng để Lêa ngồi vào bàn trên một chiếc thùng. Lát sau, anh mang một liễn xúp lớn, một ổ bánh mì, một giỏ đào, một chai vàng và hai chiếc cốc. Lêa vồ lấy ổ bánh mì đã ăn dở và hít sâu hương thơm ngọt ngào của bánh.
- Làm sao các anh có bánh thế này? Bánh của bọn em vừa đen vừa dai nhằng.
- Về cái ăn, bọn anh rất gặp may. Các bà nông dân ở chợ quảng trường Capitôn cung cấp thịt, bánh nhân mặn, rau xanh, pho mát và trái cây. Một ông già làm bánh ở Caraman cung cấp bánh mì và một người trồng nho trong vùng Vilơmuya thì cung cấp rượu vang. Lúc nào có tiền thì bọn anh trả. Đường dây của bọn anh không có mấy tiền bạc. Rồi đây đông thêm người thì sẽ thành vấn đề.
- Có tiếng ồn gì thế anh?
- Máy của bọn anh đấy. Bọn anh in phần lớn báo chí bí mật của vùng Tacnơ, Garon, Hêron và Ôđơ, lại thêm cả truyền đơn, phiếu thực phẩm giả và các thứ giấy tờ giả mạo.
- Nhưng nguy hiểm lắm!
- Bọn anh rất thận trọng và ở đây thực tế không có gì đáng ngại cả.
- Nhưng ở đây, các anh hoàn toàn bị bưng bít; chẳng khác nào một nhà giam.
- Em đừng nghĩ như vậy. Đây là cả một hệ thống đường đi lối lại vô hình, đường ngầm, bẫy sập, và cả hầm có nắp đậy nữa. Lòng đất Tuludơ, một trong số người trong bọn anh biết từ thuở nhỏ.
- Nếu họ biết, - Lêa cắt ngang lời Lôrăng - thì những người khác cũng có thể biết.
- Đúng thế, và chính vì vậy nên bọn anh đã bịt những chỗ ra vào quen thuộc nhất, dễ dàng nhất.
- Thế còn lối ra vào ở phố Tôrơ?
- Đêm nay, người ta sẽ đánh sụt đất để bịt lại.
Vừa nói chuyện, Lêa vừa cắt một lát bánh mì to tướng và phết patê lên.
- Ngon quá.
- Anh chưa hề thấy ai ăn như em. Có thể nói tất cả ở em, vật chất lẫn tinh thần, đều tham gia vào bữa ăn.
- Anh thì không à? - Lêa hỏi lại, miệng vẫn nhồm nhoàm.
Lôrăng bật cười.
- Không, anh chắc là không.
- Thế là anh sai lầm. Mặc dù lúc này anh đang gặp may thì phải. Anh cũng giống như Cami. Cô ấy hầu như chẳng ăn gì hết. "Tôi không đói", nghe thật khó chịu khi bụng thì lép kẹp.
Nàng mỉm cười và chìa cốc ra.
- Anh rót cho em và chúng ta chạm cốc nào.
- Chạm cốc chúc mừng cái gì?
- Chúc mừng chúng ta. - Nàng vừa nói vừa nâng cốc.
- Chúc mừng chúng ta... và chúc mừng thắng lợi.
- Thế còn tôi, không ai mời tôi uống à?
Một người đàn ông, quần áo lôi thôi, đứng cạnh họ.
- Bác Ađriêng!
- Cha Đenmax!
Ađriêng bật cười trước vẻ sửng sốt của họ.
- Chào hai cháu. - Ông vừa nói vừa ngồi xuống một mặt hòm.
Lêa đưa ông một cốc vang, ông uống hết một hơi, và nói tiếp:
- Bác sợ khiếp vía khi thấy nhà thờ lớn bị theo dõi. Nếu chúng bắt được cháu thì bác đến ân hận suốt đời.
- Giắckê ghê thật. - Lôrăng nói thêm. - Cậu ta đã kịp đón cô ấy về tận đây.
Lêa không ngớt chăm chăm nhìn ông bác.
- Nếu gặp bác trong bộ quần áo thế này thì chắc hẳn cháu không sao nhận ra được và phải bỏ chạy thôi.
- Cháu không thích bác cải trang như thế này sao? Tuyệt vời đấy chứ. Bác hòa lẫn hoàn toàn vào đám đông những người khốn khổ đứng xin bố thí trên sân nhà thờ Xanh-Xecnanh.
Quả là không sao nhận ra được nhà truyền giáo thanh nhã mà những lời giáo huấn được tín đồ trên thế giới truyền tụng, ông tu sĩ dòng Đôminic mà mọi người dân Boócđô đều biết: ông cải trang thành một tên du đãng, cáu bẩn, râu ria lem luốc, chiếc quần kỳ dị buộc bằng một sợi dây, chiếc mũ phớt nhợt nhạt, méo mó, chân không tất xỏ trong đôi giày lính khủng khiếp.
- Thưa bác, cháu chưa thấy bác để râu bao giờ.
- Chính bác cũng ngạc nhiên kia đấy, bác chưa bao giờ nghĩ là mình già nua đến thế này. Cháu hãy nghe kỹ bác nói: bác không thể nán lại đây lâu, bác phải đi, đêm nay có bố trí một vụ nhảy dù. Bác bảo cháu tới đây vì nhiều lý do. Lôrăng, cháu cứ ở lại, không có gì là bí mật với cháu đâu. - Ông quay sang nói với Lôrăng rồi lại tiếp tục bảo Lêa - Càng ngày cháu càng phải thận trọng. Bọn chúng sẽ tăng cường việc kiểm soát các đường giới tuyến. Cháu lại phải đi tận Côđrô để chuyển thư. Chủ sự và cô gái ở bưu điện đều là người của chúng ta. Cami và cháu sẽ đi lần lượt và năm lần thì đi cùng với nhau một lần. Thỉnh thoảng, phải trao thư tận tay. Trong trường hợp ấy, ông bà Đơbray sẽ chỉ dẫn cho cháu. Nếu ngày mai cháu nghe trên đài Luân Đôn câu: "Xinvi thích món nấm Pari", thì câu đó nghĩa là đừng đi Côđrô nữa. Cháu sẽ nhận được báo và truyền đơn qua bưu điện để mang đi phân phát. Cháu có mang tới đây một chiếc va li con phải không?
- Nó kia. - Lêa vừa nói, vừa chỉ va li.
- Tốt lắm. Những thứ cháu sắp mang đi là thứ nguy hiểm đấy. Cháu có thể từ chối không mang. Nếu có một người khác thay cháu thì bác không nhờ tới cháu.
- Thứ gì thế hả bác?
- Một cái đài thu-phát mà cháu phải mang đến tiệm Ôlive ở Lănggông.
- Ở đấy nhan nhản sĩ quan Đức cơ mà!
- Chính vì thế mà đấy là địa điểm lý tưởng. Sau khi ở đấy trở về một hôm, cháu sẽ bỏ máy vào chiếc giỏ cháu vẫn thường dùng đi mua sắm và buộc lên cái đèo hàng sau xe đạp. Hôm ấy là phiên chợ. Cháu sẽ đi sớm và có thể mua đủ thứ: rau xanh và hoa quả. Cháu sẽ như thể tình cờ gặp Coocđô, ông già lo công việc tiếp phẩm của tiệm Ôlive mà cháu đã biết. Ông ấy sẽ hỏi thăm tin tức cha cháu và bảo cháu là ông có chút quà mọn cho con gái người bạn cố tri của ông. Hai người vừa nói chuyện vừa đi tới khách sạn. Tới đấy, ông ấy sẽ mang giỏ của cháu đi. Khi ông ấy trả lại thì giỏ sẽ nhẹ hơn nhưng thấy nó vẫn đầy như cũ. Dĩ nhiên cháu sẽ thấy ba cái âu thịt vịt ướp mỡ và một âu đựng nấm.
- Nghe bác nói, cháu thèm đến rỏ dãi. Vì thịt vịt ướp mỡ. - Lêa vừa đáp vừa mỉm cười - Cháu sẵn sàng làm bất cứ việc gì.
- Cháu sẽ cảm ơn Coocđô nhiệt liệt và ra về. Khó nhất là ở ga Lănggông. Trưởng ga là một người có cảm tình với chúng ta, nhưng bác vẫn không muốn nói rõ với ông ta.
- Cháu quen ông ấy, cháu vẫn thường mang thư của con trai ông tới cho ông. Hễ trông thấy cháu là ông ấy tìm cách làm cho bọn hiến binh và hải quan đi ra chỗ khác. Chắc sẽ ổn cả thôi. Ông ấy sẽ gửi xe đạp cho cháu và giúp cháu buộc va li.
- Bác thấy có thể ổn đấy. Lôrăng, cháu nghĩ thế nào?
- Cháu cũng thấy như thế.
- Nhưng dẫu sao người sẽ sử dụng máy phát cũng không phải là ông lão Coocđô, phải không bác?
- Không, một nghệ sĩ dương cầm đã từ Luân Đôn nhảy dù xuống tối qua.
- Một nghệ sĩ dương cầm?
- Đúng, đó là cách gọi người phát tin.
- Người đó ở đâu?
- Cháu không cần biết. Cháu chỉ cần tiếp xúc với Coocđô. Nếu cần truyền đi một tin tức mà cháu cho là quan trọng thì cháu báo cho ông lão, ông ấy sẽ tin cho bác và sẽ nói lại với cháu cháu phải làm gì. Cháu đã hiểu rõ chưa.
- Đã.
- Nếu bị bắt, cháu đừng làm kiểu anh hùng, mà cố gắng hết sức kéo dài công việc hỏi cung ra để bác có thì giờ bàn cách hành động.
- Cháu sẽ cố gắng.
- Việc khác: trong vòng bất hợp pháp, tên bác là Anbe Đuyvan. Bây giờ bác phải đi có việc.
Ađriêng Đenmax đứng dậy và nhìn chòng chọc một lát vào mắt cô cháu gái.
- Bác Ađriêng, bác khỏi lo, mọi việc sẽ đâu vào đấy. - Lêa nói và sà vào vòng tay ông.
- Cầu Chúa phù hộ cháu. - Ông bảo và quay sang Lôrăng - Tạm biệt Lôrăng.
- Tạm biệt cha.
Sau khi ông tu sĩ đi ra, Lêa và Lôrăng im lặng một lúc lâu, Lêa ghé sát tai Lôrăng:
- Hố xí đâu anh?
- Em sẽ thấy là không sao đâu. Em cầm lấy chiếc đèn điện này. Đi hết hành lang thứ hai bên phải, rồi lại rẽ phải, thì gặp một căn buồng: hố xí đấy. Chiếc xẻng trong đó dùng để xúc cát lấp lại, giống như kiểu mèo ấy.
Khi Lêa trở lại thì Lôrăng đang thử cò cây súng ngắn.
- Những căn hầm kỳ lạ thật. Anh đưa em đi xem nào.
Lôrăng lấy một cây đuốc và hai người bước qua các lỗ trong tường.
- Phòng này chỉ có một lỗ ra vào thôi à? - Lêa hỏi.
- Không, còn một lỗ nữa, nhưng đến bước đường cùng mới được dùng.
- Em thích có nhiều chỗ ra vào cơ, em có cảm giác bị nhốt thực sự. Còn anh thì không thấy thế à?
- Quen đi thôi. Nhưng anh ít khi ở đây. Em đến đây nhìn các bức tường này.
- Những dòng chữ ghi trên tường để làm gì thế?
- Căn phòng này đã được dùng làm nhà giam ở nhiều thời kỳ khác nhau.
Lêa đọc:
"1763, đã năm năm rồi; 1848, Anêli, anh yêu em; nhà vua muôn năm, cái chết muôn năm".
Rồi hỏi:
- Lúc nãy anh nhắc tới Lêcuyxăng là ai thế?
- Là một cựu sĩ quan Hải quân, quê ở thượng Garon. Ngày đình chiến, hắn sang Anh. Sau vụ Mexen-Kêbia, hắn bị người Anh bắt giam, sau đó trở về Pháp. Hắn là một tên ngạo mạn, cực kỳ chống Anh và chống cộng, nhưng vẫn không có nghĩa lý gì so với tinh thần chống Do Thái cuồng nhiệt của hắn. Anh kể cho em nghe câu chuyện này thì em sẽ rõ: bọn sinh viên chống Do Thái ở trường Đại học y khoa Tuludơ đã tặng hắn một chiếc huy hiệu Đavit lằm bằng da thuộc lấy trên xác người Do Thái.
- Khủng khiếp thật.
- Khi say rượu, hắn thích thú chỉ chiếc huy hiệu và bảo: "Da ở mông đấy". Chính hắn đã được Xaiviê Valat bổ nhiệm làm giám đốc Do Thái vụ Tuludơ. Đã một năm nay, cùng với một lũ cũng dơ bẩn như hắn và được hắn nuôi dưỡng cực kỳ sang trọng, hắn săn đuổi người Do Thái và những người khủng bố.
Hai người im lặng bước đi một lát.
- Anh ở chỗ này đây: mấy cuốn sách, một ít chăn nệm và một cây đèn dầu. Anh đến đây khi cảm thấy cần tĩnh tâm hay sao một công việc khó khăn. - Lôrăng vừa nói vừa kéo một tấm màn gió đã bạc màu.
Một căn phòng rất bé, chỉ trổ một cái cửa hình vòng cung nhọn, nền đất rải một lớp cát mịn. Lỗ chỗ trên tường bằng gạch màu hồng có những vết đạn bắn. Chỗ ngủ của Lôrăng trong một góc. Lêa quỳ xuống trên đống chăn nệm, ánh mắt bỗng nhiên chăm chú nhìn anh cắm cây đuốc vào cát: anh bỗng có vẻ bối rối, khổ sở.
- Anh lại đây với em.
Anh lắc đầu.
- Anh lại đây, em van anh.
Miễn cưỡng, anh bước tới. Lêa kéo anh và anh ngã quỳ xuống cạnh nàng.
- Từ khi tới đây em chỉ ngong ngóng được ở một mình với anh.
- Không nên.
- Vì sao? Anh yêu em và em yêu anh. Có thể ngày mai, anh bị bắt, bị thương hay... Em không thể chịu được là không hoàn toàn thuộc về anh, là chỉ có vài nụ hôn làm kỉ niệm. Không... anh đừng nói gì hết, vì anh chỉ nói những điều dại dột hoặc tệ hơn nữa, những điều chán ngấy. Chỉ là nhân tình của anh không thôi, em thấy cũng chẳng sao. Em muốn anh là người yêu của em vì anh không muốn là chồng của em.
- Em đừng nói nữa...
- Vì sao em lại không nói? Thèm muốn anh và nói với anh điều đó, em thấy chẳng có gì xấu hổ. Chiến tranh đã làm thay đổi nhiều lắm thái độ của bọn con gái chúng em. Trước kia, có lẽ em không dám nói thế với anh... Mặc dù... Không, có lẽ em cũng không khác mấy đâu: có lẽ cũng như hôm nay, em vẫn nói với anh là em yêu anh, em muốn làm tình với anh, và không một ai, không có gì có thể ngăn cản em.
Lêa cởi tấm áo dài màu xanh nước biển.
Lôrăng không sao dời mắt khỏi cái thân hình lộng lẫy kia, cái bộ ngực có sức thu hút đôi bàn tay kia. Làm sao có thể cưỡng lại những ngón tay khéo léo kia đang mở khuy áo sơ mi anh rồi đến thắt lưng anh? Anh đứng dậy và nhẩy lùi ra phía sau.
- Lêa, chúng ta không nên.
Nàng trườn trên đầu gối đến cạnh anh.
Ánh sáng ngọn đuốc, cái vòm tò vò muôn thuở, lớp cát nàng chậm rãi trườn trên đó như một con thú nắm chắc con mồi, mái tóc xõa tung, cặp vú khẽ đung đưa, lưng uốn cong lại với cặp đùi thon thả, tất cả khiến người đàn ông trước mặt nàng có cảm giác đang ở buổi bình minh của lịch sử khi người đàn bà nguyên thủy chọn bạn đời của mình.
Khi hai bàn tay mạnh khỏe và run rẩy bíu chặt lấy anh, Lôrăng không cưỡng lại nữa.
Anh những muốn sự vuốt ve ấy kéo dài mãi mãi nhưng vẫn dứt ra khỏi. "Không đâu!" Lêa kêu lên.
Nhưng tiếng kêu phản đối nhường ngay cho tiếng kêu hoan lạc khi anh thâm nhập thịt da nàng.
Lớp cát trắng dính vào cơ thể im lìm của họ khiến hai người như những pho tượng đá. Lêa mở mắt đầu tiên, quay sang nhìn người yêu vừa âu yếm vừa kiêu hãnh: anh đã thuộc về nàng, thực sự thuộc về nàng. Cami tội nghiệp! Cô ấy có nghĩa lý gì đối với tình yêu của nàng và chàng! Từ nay, không có gì có thể chia rẽ họ nữa. Thế nhưng nàng như cảm thấy một nỗi thất vọng mà nàng không sao hiểu nổi vì đâu. Chưa bao giờ nàng hoàn toàn phó thác tới mức đấy. Không phải nàng chỉ hiến dâng thể xác cho Lôrăng, mà là cả linh hồn nàng nữa. Không phải như đối với Phrăngxoa hay Machiax. Với họ, chỉ thịt da nàng hiện diện, nhưng với người đàn ông nàng yêu thương này, chỉ có con tim nàng được thỏa mãn. Sau cơn hoan lạc, anh tỏ ra dịu dàng, âu yếm quá âu yếm, quá dịu dàng nên không thỏa mãn được dục vọng của nàng. Một lần nữa, nàng lại muốn được anh chiếm đoạt, muốn bàn tay anh mang lại vừa khoái cảm vừa đớn đau, muốn thịt da anh khuấy động thịt da nàng không thương tiếc; nhưng một nỗi thẹn thùng đột ngột không cho phép nàng đòi hỏi anh.
Chàng đẹp biết chừng nào với mái tóc màu hung, với những đường nét thanh tú trên khuôn mặt, với sắc da láng bóng. Hai mắt nhắm lại, trông chàng như một đứa trẻ. Khi chàng mở mắt, nàng hết sứ hoan hỉ.
- Em yêu, em tha lỗi cho anh. - Chàng thì thầm, đôi môi lướt nhẹ trên cổ nàng.
"Tha lỗi cho anh? Sao? Anh điên rồi!". Nàng nằm dài bên người chàng trong lòng dâng lên một niềm hạnh phúc vô biên. Hai ánh mắt bắt gặp nhau trong say sưa, chìm đắm. Một niềm khoái cảm khiến Lêa rùng mình.
Bỗng có tiếng gọi, đưa họ trở về thực tại.
- Tôi đến ngay. - Lôrăng đáp lại và khẽ ẩy Lêa ra.
Nàng vẫn bíu chặt lấy chàng.
- Em yêu, anh phải đi đây. Em có thể nghỉ lại đêm ở đây không? Em có sợ không?
- Không. Nhưng anh có nhất thiết phải đi không?
- Phải đi.
Lôrăng vội vã mặc quần áo, một bộ quần áo giống như của một công nhân nông nghiệp: màu xanh lẫn màu nâu, và một chiếc mũ bêrê. Không còn một chút dấu vết của chàng trai trang nhã mùa hè 39 đã từng cùng nàng dạo chơi trên những nẻo đường vô tận trong khu rừng ở Lăngđơ.
- Anh đẹp trai lắm.
Anh mỉm cười, cúi xuống sát nàng.
- Em yêu, anh muốn em biết rằng không bao giờ anh có thể quên những giờ phút chúng ta vừa sống với nhau, mặc dù anh cảm thấy xấu hổ đã lợi dụng tình thế và tình cảm của em đối với anh.
- Nhưng, chính em,...
- Anh biết, nhưng anh không nên, đối với cả em lẫn Cami.
- Nhưng anh không yêu cô ấy; chính em mới là người anh yêu.
- Đúng, anh yêu em. Anh nghĩ là em không thể hiểu tình cảm của anh đối với Cami. Cô ấy vừa là em gái anh, con gái anh, vừa là vợ anh. Cô ấy yếu đuối, cô ấy cần có anh và anh biết là anh không thể sống thiếu cô ấy. Em đừng nhìn anh như thế. Anh muốn em hiểu rằng Cami và anh cùng một loại người, cùng yêu mến những điều giống nhau, cùng thích những cuốn sách như nhau, cùng có một cách sống như nhau...
- Anh đã từng bảo em như vậy. Anh sẽ thấy, em sẽ đổi thay: em sẽ yêu những gì anh yêu, em sẽ đọc những cuốn sách anh đọc, sẽ sống theo cách của anh, em cũng sẽ là em gái anh, con gái anh, vợ anh và người tình của anh. Em sẽ là một người đàn bà làm việc thiện nếu anh thích. Em có thể làm mọi việc để giữ anh lại với em.
- Em đừng nói nữa, em làm anh sợ.
- Anh hèn nhát hay sao?
- Đối với em thì đúng.
- Em không muốn thế, em muốn anh dũng cảm, muốn bao giờ cũng được chiêm ngưỡng anh.
- Anh sẽ cố gắng không làm em thấy vọng. Em ngủ đi, sáng mai, em sẽ phải dậy sớm. Em hứa với anh là không làm điều gì khinh suất đi.
- Em xin hứa. Giờ đây em là bất khả chiến thắng! Anh cũng vậy, anh phải thận trọng, em sẽ không tha thứ cho anh đâu nếu anh xảy ra chuyện gì.
Hai người chỉ hôn nhau một nụ hôn, nhưng gửi gắm vào trong đó tất cả những gì họ không nói thành lời.
Đặt tay lên tấm màn gió, Lôrăng đứng lại, quay về phía Lêa nhưng không nhìn nàng.
- Em chớ quên là anh phó thác Cami cho em. Em hãy trông nom cô ấy. Anh có thể trông cậy vào em, phải không em?
o O o
Lôrăng đi trên cát không nghe tiếng chân bước. Bầu không khí im phăng phắc, trước đây, Lêa chưa nhận thấy tới mức này. "Sự im lặng trong nấm mồ". - Nàng thầm nghĩ, rồi rúc vào mền.
Khi được đánh thức, nàng có cảm giác như vừa mới ngủ và sẽ không bao giờ dậy nổi nữa vì người đau như dần!
o O o
Giăckê, chàng trai dẫn đường Lêa hôm trước, đưa nàng ra ga, mang giúp nàng va li và túi du lịch. Anh dễ dàng tìm cho nàng một chỗ ngồi trong toa tàu hạng ba. Anh chuồi va li dưới gầm ghế và bỏ túi vào tấm lưới trên đầu.
Họ đến sớm nên có thì giờ để đi lại trong hành lang và hút thuốc. Đã vài tháng nay, Lêa quen hút, một phần vì Phrăngxoadơ để thuốc là khắp nơi: nàng kiếm được thuốc không khó khăn gì.
- Tôi không cho va li lên giá vì tôi sợ cô không bỏ xuống nổi, còn nếu có người giúp thì họ sẽ thấy nó nặng một các khác thường. Trong túi du lịch, dưới lớp pho mát và xúc xích, có truyền đơn và những số báo Giải phóng và Liên minh của chúng ta. Cô sẽ cho lưu hành trong vùng. Đây là số ngày 23 tháng 6, trong đó có in lời tuyên bố của tướng đờ Gôn. Nếu cô chưa đọc thì nên đọc, có ích đấy.
- Thế anh muốn chúng bắn chết tôi à?
- Nếu xảy ra như vậy đối với một cô gái xinh đẹp như cô thì tiếc lắm. Trên tàu, có hai đồng chí chúng tôi, họ sẵn sàng can thiệp trong trường hợp lâm nguy. Nếu thấy có nguy cơ bị bắt thì cô bỏ mặc hành lý. Họ sẽ đánh lạc hướng để tẩu tán đi. Nếu bị hỏi thì cô cứ bảo là cô bị mất trộm. Cô hiểu chứ?
- Tôi hiểu.
Một tiếng còi vang lên.
- Tàu khởi hành đấy. Chúc cô may mắn.
Chàng trai nhảy lẹ xuống.
Cúi người qua cửa sổ, Lêa vẫy tay một lúc lâu.
- Phải xa người tình thì buồn thật! - Một giọng nói người Đức cất lên sau lưng nàng.
Lêa quay lại, hai chân bỗng mềm nhũn.
Nhưng viên sĩ quan người Đức tươi cười bước qua sàn tàu bề bộn không nói gì thêm. Tim đập rộn ràng, nàng quay lại ngồi vào ghế.
o O o
"Đến ga Lănggông rồi". Loa phóng thanh nhà ga vang lên "Đây là đường giới tuyến. Tàu dừng bánh bốn lăm phút. Mời tất cả hành khách mang hành lý xuống".
Lêa để mọi người xuống trước. Chiếc va li nặng quá! Giá ông trưởng ga Lôriô có mặt trên sân ga! Đứng trên bậc lên xuống, nàng cố tìm xem có ai quen trong đám đông đang chen chúc không; và tay cầm giấy tờ, nàng chờ người ta kiểm soát. Bỗng nàng thấy mấy nhân viên hải quan Đức bước lên những toa tàu đã hết khách để lục soát. Một sĩ quan cùng đi với họ.
- Trung úy Hăngcơ.
- Cô Lêa! Cô làm gì ở đây?
- Chào trung úy. Tôi nhìn xem có ai quen không để nhờ giúp tôi xách chiếc va li rất nặng này.
- Để tôi giúp cô. Quả là nặng thật. Cái gì ở trong va li vậy, nặng như chì ấy?
- Ông nói gần đúng. Một khẩu đại bác tháo rời ra đấy!
- Cô đừng đùa những chuyện như thế, ngày nào người ta cũng bắt được những kẻ chuyên chở những thứ bất hợp pháp.
- Thế sách có thuộc những thứ bất hợp pháp không?
- Có một số.
- Hôm sau tôi phải hỏi ông là những cuốn nào.
Đang nói thì họ ra đến cửa ga. Lêa làm như muốn đi về phía người ta đang lục soát hành khách nữ.
- Es ist nutzlich, Fraulein, das Madchen ist mit mir. - Hăngcơ bảo một trong hai người phụ nữ kiểm soát.
Lôriô bước tới trên sân ga:
- Chào cô Đenmax, để tôi đi lấy xe đạp cho cô. Chào ông trung úy.
- Chào ông Lôriô. Tôi phải trở ra sân ga. Ông giúp cô Đenmax cho hành lý lên xe đạp - Hăngcơ vừa nói vừa trao va li cho ông...
Trung úy Hăngcơ đã nói sõi tiếng Pháp.
o O o
Chiếc xe đạp mất thăng bằng vì chiếc va li và cái túi du lịch, chòng chành không ngớt. Thở hổn hển, mặt đỏ gay gắt, Lêa bước xuống xe và đẩy về nhà. Người nàng gặp đầu tiên là ông bố. Ông như đang trong tâm trạng cực kỳ bối rối: nàng cố dựa xe vào tường để lấy lại hơi thở.
- Quân khốn nạn... đồ dòi bọ... Idaben sẽ đuổi cô đi thôi...
- Gì thế ba!
- Má con đâu? Ba phải nói chuyện với bà ngay lập tức.
- Nhưng thưa ba...
- Không có "nhưng thưa ba" gì hết, con đi tìm má đi. Ba cần nói với bà một điều quan trọng.
Lêa đưa tay lên vầng trán đẫm mò hôi, trong người bỗng rã rời vì cơn mệt mỏi vừa trải qua: ông bố đòi mẹ nàng đã quá cố, chiếc va li nặng trình trịch, Lôrăng với cuộc ái ân, trung úy Hăngcơ mang hành lý giúp nàng, cái vòm hầm kiểu gôtich ở Tuludơ, ông bác ăn mặc rách rưới, chiếc huy hiệu bằng da người Do Thái và Cami đang dang tay về phía nàng... Nàng khuỵu xuống dưới chân Pie Đenmax.
Lêa mở mắt, thấy đầu mình đặt trên gối bà Ruýt, còn Cami thì đang vỗ vỗ bên thái dương nàng với một chiếc khăn ướt chị thấm nước lã trong một cái thau trên tay Lôrơ. Hai mắt nàng trừng trừng vì kinh hoàng, cha nàng vừa khóc vừa hỏi Phaya:
- Sao, con bé con tôi không chết chứ? Nếu nó chết thì mẹ nó sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi đâu.
- Xin ông đừng lo. - Bà Ruýt nói - Chỉ là say nắng thôi. Ai lại trời nắng thế này đi xe đạp không nón mũ gì cả!
- Không sao cả đâu, ba, ba đừng lo. Lôrơ, em chăm sóc ba cho chị.
Lêa chỉ khó chịu một lát. Cami dìu nàng dậy rất nhanh.
- Tôi ân hận đã làm mọi người lo sợ. Bà Ruýt nói đúng: chỉ vì nắng thôi mà. Va li và xắc của tôi đâu rồi?
- Phaya mang vào nhà.
- Nhanh lên, phải theo kịp ông ta.
o O o
Họ gặp ông lão trong bếp.
- Cô Lêa, tôi không biết hành lý cô có những gì mà nặng thế. Để tôi mang lên phòng cho cô.
- Không, cảm ơn ông để tôi tự mang lấy.
- Nhưng, nó quá nặng đối với cô đấy.
Lêa không dám nói thêm sợ ông lão nghi ngờ. Nàng đi theo lão vào trong phòng trẻ con.
- Cảm ơn ông Phaya, cảm ơn nhiều lắm.
- Có gì đâu, thưa cô.
Cami và Ruýt bước vào. Ruýt mang theo một cái cốc.
- Cô uống cái này đi cho đỡ mệt.
Lêa im lặng uống.
- Bây giờ cô đi nằm nghỉ.
- Nhưng...
- Đừng bàn cãi gì cả, có lẽ cô bị say nắng đấy.
- Bà đừng sợ, bà Ruýt, để tôi lo cho chị ấy. Bà xem ông Đenmax thế nào rồi.
Lêa nằm trên giường, mắt nhắm lại để khỏi nhìn thấy Cami:
- Từ khi chị đi, tôi sợ quá, không ngủ được. Hễ thiếp đi là thấy chị và Lôrăng gặp tai nạn, khủng khiếp quá!
Vừa nói, Cami vừa cởi tất và vuốt ve đôi chân Lêa. Nàng muốn kêu lên và đứng dậy:
- Tôi có gặp Lôrăng ở Tuludơ.
Cami đứng bật dậy.
- Chị may mắn quá. Anh ấy có khỏe mạnh không? Chị nói những gì với anh ấy?
Một ý nghĩ độc ác dâng lên trong lòng Lêa. Có nên nói hết, nói rõ nàng và Lôrăng yêu nhau không? Vẻ mệt mỏi và căng thẳng trên gương mặt nhỏ nhắn của Cami ngăn nàng lại.
- Anh ấy rất khỏe. Anh nhờ tôi nói với cô là anh ấy rất nhớ cô và bé Saclơ, dặn cô đừng lo lắng gì cho anh.
- Làm sao tôi không thể lo lắng cho anh ấy được.
- Tôi cũng gặp bác Ađriêng. Bác ấy giao cho tôi một nhiệm vụ và có những chỉ thị mới cho tôi về chuyện thư tín.
- Tôi có thể giúp chị trong công việc được không?
- Không.
- Tôi lo lắng về ba chị. Từ tối hôm qua, bác thay đổi hẳn: đe dọa, chửi bới... Tôi cố nói chuyện với bác, hỏi bác xem có chuyện gì, nhưng bác chỉ nhắc đi nhắc lại: "Idaben sẽ bảo cho". Tôi ngỡ có lúc bác cãi vã với Phaya, như vẫn thường xảy ra, nhưng Phaya cam đoan với tôi là cuộc cãi vã cuối cùng xảy ra từ tuần trước. Cả bà Ruýt lẫn bà Becnađet đều không biết gì hết; còn Phrăngxoadơ thì trực ở bệnh viện đã ba ngày nay. Hình như chỉ có một mình Lôrơ biết tình hình, nhưng cô bé không chịu nói gì hết và nấp kín trong buồng, tôi nghe cô ấy khóc.
- Để tôi đi gặp nó xem sao.
- Chị hãy nghỉ đã.
- Không, tôi linh cảm có điều gì nghiêm trọng. Tôi sợ cho ba tôi.
Lêa đi tìm em gái khắp nhà nhưng không thấy đâu hết.
Mãi đến bữa ăn tối, Lêa mới gặp Lôrơ. Hai mắt cô bé đỏ ngầu. Không có ai thấy đói. Lêa không ngớt nhìn bố, ông có vẻ bình tĩnh hơn, nhưng một vẻ bình tĩnh hầu như đáng lo ngại hơn cả sự hốt hoảng buổi chiều. Vừa ăn xong, Lêa khoác tay em gái kéo đi.
- Em đi một vòng với chị, chị muốn nói chuyện với em.
Lôrơ lúc đầu muốn thoái thác nhưng rồi đành nghe lời. Hai chị em bước ra mái hiên. Cả vùng thung lũng như im lìm trong ánh nắng mặt trời còn rất nóng. Họ ngồi lên bức tường nhỏ dưới bóng cây đậu tía.
- Có việc gì xảy ra mà ba bị kích động đến thế?
Lôrơ cúi đầu. Hai giọt lệ rơi xuống hai bàn tay đặt lên đầu gối.
- Em đừng khóc nữa. Em nói cho chị biết tình hình gì đã xảy ra.
Lôrơ ôm choàng lấy cổ chị gái và nức nở.
- Không bao giờ em dám nói đâu, nhất là với chị.
- Vì sao, nhất là với chị.
- Vì chị không thể hiểu đâu.
- Hiểu cái gì?
Lôrơ càng nức nở.
- Em nói đi, chị van em,, em hãy nghĩ tới ba.
- Ồ! Cái nghiêm trọng nhất không phải là về ba.
"Con bé muốn nói gì?". Bực mình, Lêa lắc mạnh em.
- Thế là thế nào? Có gì nghiêm trọng hơn vậy.
- Phrăngxoadơ - Cô bé lúng túng.
- Phrăngxoadơ...
- Phrăngxoadơ và Ôttô.
- Phrăngxoadơ và Ôttô? Em nói cho rõ nào, chị không hiểu gì cả.
- Hai người muốn cưới nhau.
- Cưới nhau?
- Vâng. Hôm qua, ông đại úy đã tìm đến ba.
- Chị hiểu. Và dĩ nhiên ba từ chối chứ gì.
- Em chắc như vậy, em biết là chị sẽ không hiểu đâu và Phrăngxoadơ không hy vọng được chị giúp đỡ gì đâu. Em bảo chị ấy như vậy nhưng chị ấy nhắc đi nhắc lại: "Em nhầm rồi, Lêa có kinh nghiệm dấy, chị ấy biết thế nào là tình yêu đấy". Em bảo không phải thế, vì chị chưa biết gì về tình yêu cả, còn nếu muốn được khuyên nhủ và giúp đỡ thì Phrăngxoadơ nên gặp chị Cami.
Thái độ táo bạo của Lôrơ làm Lêa kinh ngạc.
- Ngoài mảnh đất Môngtiac ra, em biết chị chẳng yêu gì hết. Anh Machiax tội nghiệp biết rõ điều đó. Và cũng chính vì vậy mà anh ấy đã ra đi.
- Em đừng để Machiax dính dáng gì vào đây hết. Đây là chuyện yêu đương bẩn thỉu của Phrăngxoadơ với một tên Đức.
- Về điều này nữa, em cũng biết chắc... Chị chỉ tin tướng đờ Gôn của chị và những kẻ khủng bố mà ông ta phái từ Luân Đôn về để phá hoại đường dây điện thoại, đánh sập xe lửa và giết hại những người vô tội.
- Giết hại những người vô tội! Kẻ thù xâm chiếm nước ta, làm cho dân ta đói khát, cầm tù, lưu đày họ, mà mày bảo là vô tội ư? Nếu không có quân "vô tội" ấy thì má đã không chết, ba không điên, bác Ađriêng và Lôrăng không phải trốn tránh...
- Chính lỗi tại họ, họ là những kẻ phản loạn.
- Những kẻ phản loạn? Những người chiến đấu vì danh dự của nước Pháp mà là phản loạn?
- Đấy là những từ, những từ to tát trống rỗng. Hiện thân của danh dự nước Pháp là ngài Thống chế.
- Im đi, mày chỉ là một con bé dại dột, ngu ngốc. Thống chế của mày là kẻ đồng lõa với Hítle.
- Không đúng, ngài hy sinh cho nước Pháp.
- Hay ho thật, cái mà nước Pháp cần, là một quân đội trang bị đầy đủ và một thủ lĩnh tiếp tục cuộc chiến đấu.
- Chị thóa mạ một ông già.
- Thì đã sao? Nếu xử sự như một đứa khốn nạn thì một người già có quyền được tha thứ không? Trái lại, chị thấy như thế thì tội lỗi đến hai lần. Ông ta đã lợi dụng uy tín của vị anh hùng trong chiến tranh 14 để chịu cái nhục đình chiến hôm nay.
- Không có đình chiến thì hàng trăm nghìn người sẽ chết dưới bom đạn như má.
- Nói tới "Má", Lôrơ lại nức nở. Lêa ôm đầu em vào lòng.
- Có lẽ em nói đúng, chị không biết sẽ ra sao nữa. Trong trường hợp như thế này, giá có má thì má sẽ xử sự thế nào?
Hai chị em im lặng, đau đớn, đầu cúi thấp, hai chân buông thõng.
- Lôrơ này, Phrăngxoadơ mà lấy một người Đức em không thấy chướng hay sao?
- Có chút ít. - Cô bé công nhận. - Nhưng vì họ yêu nhau.
- Thì họ chờ cho hết chiến tranh.
- Không được.
- Sao không được.
- Vì Phrăngxoadơ chờ một đứa bé ra đời.
- Ồ! Không...
- Có.
Lêa đứng vụt dậy. Xa xa, dải đất đen sẫm vùng Lăngdơ chắn ngang chân trời. Từ dòng sông Garon bốc lên một làn sương mỏng nhẹ lan tỏa đến Lănggông.
- Tội nghiệp Phrăngxoadơ. - Nàng lẩm bẩm.
Lôrơ nghe thấy tiếng nàng.
- Chị Lêa, chị hãy giúp chị ấy. Chị hãy nói với ba; ba sẽ nghe chị đấy.
- Chị không tin. Bây giờ ba xa chúng ta quá rồi.
- Chị cứ thử xem, em van chị, chị cứ thử xem.
- Giá Phrăngxoadơ có nhà, chị có thể nói chuyện với chị ấy, hỏi xem thực sự chị ấy muốn gì.
- Chị hãy nói với ba đi. Cần được ba cho phép, nêu không, chị Phrăngxoadơ sẽ tự tử đấy.
- Em đừng nói những điều dại dột.
- Không phải dại dột đâu. Em cam đoan với chị là chị ấy tuyệt vọng đấy.
- Chị hứa với em là sẽ làm hết sức mình. Bây giờ, em để chị suy nghĩ. Em đi tìm chị Cami cho chị.
- Em đi đây.
Rồi, sau một thoáng ngập ngừng, Lôrơ hôn má chị.
- Cảm ơn Lêa.
o O o
Lát sau, Cami đến gặp. Lêa nói vắn tắt tình hình với chị.
- Tôi thấy mình có lỗi. - Cami lên tiếng - Chúng ta đã không làm gì cả.
- Chúng ta có thể làm gì?
- Âu yếm chị ấy, để chị ấy thổ lộ tâm tình.
- Tôi biết tính chị ấy, dù thế nào đi nữa, chị ấy cũng chẳng thay đổi đâu. Mai, tôi đi chợ Lănggông; lúc về, tôi sẽ ghé thăm chị ấy ở bệnh viện, và theo những lời chị ấy cho biết, tôi sẽ nói chuyện với ba tôi. Tối nay, tôi mệt quá. Tạm biệt Cami.
- Tạm biệt, Lêa thân mến.
o O o
- Cô Lêa, cô nếm thử món thịt ướp này rồi cho tôi biết ngon dở ra sao. - Ông lão Coocđô vừa nói vừa trao chiếc giỏ cho Lêa.
- Cám ơn ông nhiều lắm, ba tôi chắc sẽ rất vui, ông cụ vốn thích ăn ngon mà.
- Cô cho tôi gửi lời chào ông cụ, tôi sẽ rất sung sướng nay mai được gặp cụ.
- Tôi sẽ nói. - Một lần nữa, rất cảm ơn ông. - Tạm biệt, ông Coocđô.
Lêa bước ra khỏi quán ăn, tay xách chiếc giỏ lớn trên đậy một tấm vải có sọc đỏ. Bên cạnh chiếc xe đạp của nàng dựng vào tường, có một người lính Đức.
- Cô để chiếc xe đạp đẹp thế này ở đây là không cẩn thận đấy. Nhiều kẻ trộm lắm, phải coi chừng.
- Cảm ơn.
Hai tay nàng run rẩy khi buộc giỏ vào cái đèo hàng, trong lúc người lính Đức tốt bụng giữ giúp xe.
Ngồi lên xe, nàng đạp thẳng tới bệnh viện.
Sân bệnh viện đầy xe cứu thương và xe nhà binh. Đến văn phòng, nàng xin gặp chị. Người ta bảo nàng là Phrăngxoadơ đang ở trong phòng cấp cứu, phía trong là bệnh viện. Nàng lại lên xe. Người nàng gặp đầu tiên là đại úy Crame. Anh ta đứng thẳng người chào nàng.
- Chào cô Lêa. Tôi sung sướng được gặp cô và nói lời vĩnh biệt.
- Vĩnh biệt?
- Phải. Tôi phải đi ngay Pari và ở lại trên đó. Một tiếng nữa thì tôi đi. Người hầu sẽ lo công việc cho tôi. Tôi nhờ cô chuyển lời chào của tôi tới bà đờ Acgila. Bà ấy là một người phụ nữ tuyệt vời. Tôi không muốn lòng yêu nước dẫn bà ấy tới những hành động thiếu thận trọng. Nhờ cô thưa với ba cô là tôi lấy làm vinh dự được biết ông và hy vọng ông sẽ từ bỏ những thiên kiến của mình. Cũng nhờ cô cho tôi gửi lời chào cô bé Lôrơ dễ thương, bà Ruýt tận tụy và các bà cô nữa.
- Ông không quên ai cả đấy chứ?
- Tôi vừa mới từ biệt Phrăngxoadơ. Cô ấy cần tất cả tới tình yêu thương của cô. Tôi có thể trông cậy vào cô được không?
"Cả anh ta nữa! Đàn ông thật kỳ cục, họ cứ phó thác vợ hay người yêu cho mình." Lêa thầm nghĩ.
- Tôi sẽ cố hết sức mình, nhưng tình hình không tùy thuộc vào riêng một mình tôi.
- Tôi cảm ơn cô. Phrăngxoadơ không có ý chí như cô: cô ấy là người mềm yếu và chịu ảnh hưởng người khác. Cô đừng chê trách cô ấy. Tôi vẫn muốn được biết cô nhiều hơn, nhưng cô không cho phép tôi trao đổi một lời nào. Tôi hiểu cô. Ở địa vị cô, tôi cũng làm như vậy. Nhưng tôi muốn cô biết rằng tôi yêu nước Pháp mà tôi luôn luôn coi là một nước lớn ngang hàng với nước Đức. Sẽ có ngày hai quốc gia ấy hợp lại hòa bình cho thế giới. Chính vì thế mà chúng ta phải đoàn kết.
Lêa hầu như không nghe anh ta nói. Tệ hại nhất là anh ta thành thực.
- Cô không tin sao?
- Có thể tôi tin nếu các ông không chiếm đóng đất nước tôi và không săm đuổi những người không suy nghĩ giống các ông. Vĩnh biệt, đại úy Crame.
Lêa xách giở bước vào phòng y tá. Mọi người đang ngồi ở cuối phòng. Lêa tiến lại.
Ngồi giữa đám bạn bè, hai tay ôm đầu và khuỷu tay chống lên mặt bàn, Phrăngxoadơ đang khóc.
- Cô cần gì? - Một cô y tá hỏi.
- Tôi muốn gặp Phrăngxoadơ Đenmax, chị gái tôi.
- Chị ấy kia. Nếu cô an ủi được chị ấy thì chúng tôi biết ơn cô lắm.
- Hai chị em chúng tôi ngồi một mình được chứ?
- Dĩ nhiên. Nào, các cô, đã đến giờ làm việc lại rồi đấy. Cô Đenmax sẽ chăm sóc chị gái cô ấy.
Các cô y tá bước ra ngoài. Lêa đến cạnh Phrăngxoadơ vẫn ngồi im không nhúc nhích.
- Chị Phrăngxoadơ, chúng ta về nhà thôi.
Nàng đã nói đúng điều cần nói. Hai vai Phrăngxoadơ không rung lên nữa; một bàn tay rụt rè nắm lấy tay nàng.
- Chị không thể về, ba sẽ bảo sao.
Giọng nói như của một đứa trẻ lầm lỗi khiến Lêa xúc động hơn là nàng nghĩ.
- Chị khỏi sợ, em sẽ lo liệu. Chúng ta về thôi.
Lêa giúp Phrăngxoadơ đứng dậy.
- Chị phải thay quần áo đã.
- Quần áo chị để đâu?
- Trong ngăn tủ kia kìa!
Lêa đi lại mở ngăn kéo, lấy ra chiếc áo dài lụa hoa, túi xác và đôi giày đế liền của cô chị. Phrăngxoadơ vừa thay xong quần áo thì bà y tá trưởng bước vào.
- Cô cứ về, cô bé, tôi để cô nghỉ ngày mai.
- Cảm ơn bà.
o O o
Hai chị em đi ba cây số từ Lănggông đến Môngtiac, không nói với nhau một lời. Khi leo dốc, Lêa xuống xe còn Phrăngxoadơ thì tiếp tục đạp, người oằn bên này sang bên kia. "Chị ấy sẽ chờ mình." Lêa nghĩ bụng.
o O o
Trong bếp, Cami và bà Ruýt vừa dọn xong bữa ăn trưa.
- Có thấy Phrăngxoadơ đâu không?
- Có, cô ấy bảo để cô ấy lên đi ngủ - Bà Ruýt vừa đáp vừa rán khoai tây.
- Bà nhìn xem tôi mang cái gì về đây này để ăn với khoai tây.
- Thịt ướp! - Cả bà Ruýt lẫn Cami đều reo lên.
- Quà của ông lão Coocđô? - Bà Ruýt hỏi - Ông ta đâu có thói quen hào phóng như thế.
- Được, cứ thưởng thức cái đã. Chắc ba tôi sẽ bằng lòng lắm.
- Cái gì sẽ làm ba bằng lòng thế, con gái của ba? - Pie Đenmax cất tiếng hỏi khi bước vào bếp.
Trông thấy bố, Lêa giật mình. Ông thường rất chăm chút hình thức bề ngoài. Thế mà râu ông không cạo, áo sơ mi cáu bẩn và nhàu nát bỏ ngoài quần áo lấm bụi bẩn. Từ hôm qua, ông đã đổi thay biết chừng nào! Ông không còn ánh mắt xưa kia nữa. Ông có vẻ tuyệt vọng, tuy vẫn sáng suốt.
"Ba mình hiểu đã là má mất rồi." Lêa thầm nghĩ.
Nàng muốn ôm bố trong vòng tay, an ủi ông, nói với ông không phải là như vậy, bà Idaben sẽ ngày một ngày hai trở về, với một giỏ đầy hoa xách ở tay và với chiếc mũ rơm rộng vành. Nhưng nàng kìm mình lại được. Sức mạnh của kí ức dữ dội tới mức Lêa quay mình nhìn ra cửa. Thế là nàng bỗng hiểu ra rằng từ trong đáy lòng sâu thẳm nhất của mình, nàng đã từng phủ nhận cái chết ấy, và giờ đây khi cha nàng chấp nhận sự thực thì nàng hiểu ra rằng mình sẽ vĩnh viễn xa mẹ.
Lọ thịt tuột khỏi tay nàng, rơi xuống sàn nhà. Mọi người giật nảy mình.
- Con gái yêu của ba, sao con vụng về thế! - Pie Đenmax nói và cúi xuống nhặt các mảnh vỡ.
- Ông để đấy. - Bà Ruýt lên tiếng - Để tôi làm.
Lêa không nén nổi những giọt lệ lăn trên má. Bố nàng nhìn thấy.
- Có gì nghiêm trọng đâu con, sẽ nhúng lại thịt đi là được. Con lại đây hỉ mũi như lúc con còn nhỏ ấy.
"Trở lại thời bé nhỏ xưa, ngồi trên đầu gối bố, rúc vào áo bố như để trốn tránh, hỉ mũi vào chiếc mùi xoa của bố, cảm thấy hai cánh tay to lớn của bố và hít thở mùi thuốc, mùi hầm rượu, mùi da thuộc và mùi tóc quen thuộc của bố, trong đó quyện mùi thơm của mẹ."
- Ba...
- Xong rồi, con gái bé bỏng của ba. Có ba đây.
Đúng, bố nàng có đấy, rốt cuộc ông đã trở về giữa những người sống.
Nhưng sống trong những tấm thảm kịch nào và trong thời gian bao lâu.
o O o
Mọi người thưởng thức món thịt ướp mà bà Ruýt đã nhặt kỹ hết mảnh thủy tinh, trừ Phrăngxoadơ vẫn nằm trong phòng.
Trước bữa ăn trưa, Pie Đenmax đã cạo nhẵn mặt và thay quần áo. Trong suốt bữa ăn, cả nhà đã nhận thấy ông đã đột ngột trở lại là chính ông.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Chiếc Xe Đạp Màu Xanh.