• 2,925

Phần XI - Chương 9 10


Số từ: 3300
Chiến Tranh và Hòa Bình
Tác giả:Lev Nikolayevich Tolstoy
Thể loại:Tiểu Thuyết Kinh Điển
Nguồn: Sưu Tầm
Piotr vừa gối đầu lên chiếc nệm đã thấy mình bắt đầu thiêm thiếp ngủ, nhưng chợt bên tai chàng lại văng vẳng những tiếng súng đì đùng nghe rõ gần như thật, những tiếng rên la, những tiếng trái pháo nổ toác trên mặt đất, đâu đây lại phảng phất mùi máu và mùi thuốc súng, và một cảm giác kinh hãi, hoảng sợ chiếc cái chết lại tràn vào tâm hồn chàng. Chàng hoảng hốt mở mắt và ló đầu ra ngoài trước áo khoác. Trong sân mọi vật đều im lặng. Chỉ riêng ở cổng vào có một người cần vụ đang vừa nói chuyện với bác gác cổng vừa đi di lại lại, chân giẫm lép bép lên bùn. Phía trên đầu Piotr, dưới mái hiên lơp ván tối om, mấy con bồ câu thấy phía dưới có tiếng động sợ hãi xao xác lên một lúc. Khắp sân phảng phất cái mùi hăng hắc của những quán trọ, mùi rơm khô, mùi phân ngựa và mùi hắc ín, một khí vị thanh bình khiến lòng Piotr vui tươi trở lại. Giữa hai mái hiên tối sẫm hiện ra một mảng trời trong trẻo đầy sao.
"Tạ ơn thượng đế, bây giờ cảnh tượng đó không còn nữa rồi - Piotr nghĩ, và kéo áo trùm lên đầu như cũ. - Ôi ghê gớm thay sự sợ hãi của con người, và ta đã sợ hãi một cách thật là nhơ nhuốc? Còn họ… Họ thì từ đầu chí cuối luôn luôn vững dạ bình tâm…" - chàng tự nhủ. Họ đây là binh sĩ, là những người chiến đấu ở vị trí pháo binh, và cả những người đã cho chàng ăn, cả những người đã cầu nguyện trước bức tượng thánh. Họ, những con người xa lạ mà trước đây chàng không hề biết đến, trong tâm trí của chàng họ đã nổi bật hẳn lên tất cả những người khác.
Phải làm lính, phải trở thành một người lính, một người lính thường thôỉ, Piotr nghĩ trong khi chìm dần vào giấc ngủ. - Phải đem hết con người mình thâm nhập vào cuộc sống này, phải thấm nhuần những cái gì đã làm cho họ trở thành những con người như thế.
Nhưng làm sao cởi bỏ được tất cả những cái thừa thãi, những cái ma quái tất cả những gánh nặng của con người bề ngoài? Đã có thời lẽ ra ta có thể như vậy, ta có thể bỏ nhà trốn đi tuỳ ý. Sau trận đấu súng với Dolokhov họ có thể bắt ta đi lính. Và trong trí tưởng tượng của chàng lại thoáng hiện ra bữa yến hội ở câu lạc bộ, hôm chàng thách Dolokhov đấu súng, và hình ảnh của vị ân nhân ở Torzk. Và Piotr lại thấy hiện ra những gian phòng họp của hội. Buổi họp đó lại diễn ra trong câu lạc bộ Anh. Có một người nào quen thuộc, gần gũi và thân thiết đang ngồi ở cuối bàn. Thì chính là vị ân nhân đây rồi! "Nhưng ân nhân đã chết rồi kia mà? Piotr nghĩ bụng, - Phải, đã chết rồi, nhưng người sống mà ta không biết. Ta rất lấy làm đau xót rằng người đã chết và rất lấy làm mừng rằng người còn sống"! Một bên là bàn có Anatol, Dolokhov, Nezvixki, Denixov và những người khác cùng một giuộc với họ (trong giấc chiêm bao hạng người này cũng được xác định rõ rệt trong tâm hồn Piotr như hạng người mà chàng gọi là họ), và những người đó cũng như Anatol và Dolokhov, cao giọng hò hét, hát xướng; nhưng qua tiếng la hét của họ, vẫn nghe rõ giọng nói của vị ân nhân đang nói thao thao không ngớt. Và tiếng nói của người cũng đầy ý nghĩa và liên tục như tiếng súng ầm ầm trên chiến trường, nhưng nghe rất dễ chịu và mát lòng. Piotr không hiểu được những lời nói của vị ân nhân, nhưng chàng biết (trong giấc mơ, phạm trù các ý nghĩa cũng được xác định rất rõ) rằng vị ân nhân đang nói về điều thiện, đang nói rằng có thể trở thành những người như họ. Và khắp bốn phía, họ có những khuôn mặt hiền lành, giản dị và rắn rỏi, đang quây quần chung quanh vị ân nhân. Nhưng tuy họ rất tốt, họ vẫn không nhìn Piotr, không biết đến chàng, Piotr muốn nói một câu gì cho họ chú ý đến mình. Chàng nhổm dậy, nhưng vừa lúc ấy chàng thấy lạnh ở chân và thấy chân mình hở ra cả.
Chàng ngượng quá, liền lấy tay che chân. Quả thật chân chàng đã lòi ra ngoài chiếc áo khoác mà chàng đã đắp. Trong giây lát Piotr đắp chân lại, mở mắt ra và lại trông thấy những mái hiên, nhỡng chiếc cột ấy, khoảng sân ấy, nhưng bây giờ mọi vật đã xanh mờ mờ trong ánh bình minh và lấp lánh dưới một làn sương móc giá lạnh.
"Sáng rồi, - Piotr nghĩ. - Nhưng không phải thế. Ta còn phải nghe cho hết và phải hiểu những lời của vị ân nhân". Chàng lại trùm chiếc áo choàng lên đầu, nhưng không còn thấy gian phòng họp và vị ân nhân đâu nữa. Chỉ có những ý nghĩ được thể hiện một cách rõ rệt ra thành từ ngữ, không biết do một người nào nói ra hay do bản thân Piotr tự nhủ.
Về sau khi nhớ lại những ý kiến này, tuy là những ý nghĩ do những ấn tượng ngày hôm trước gợi lên, Piotr vẫn tin chắc rằng đó là lời của một người nào đó ở bên ngoài nói với chàng. Chàng có cảm tưởng là khi tỉnh chàng không bao giờ có thể suy nghĩ và diễn đạt tư tưởng của mình ra như vậy.
"Chiến tranh là một việc hết sức khó khăn, là việc bắt tự do của con người phải phục tùng các đạo luật của Thượng đế, - tiếng nói ấy bảo chàng. - Giản dị tức là phục tùng Thượng đế, không thể lẩn tránh Thượng đế được. Mà họ thì giản dị. Họ không nói, mà chỉ làm. Một lời nói ra là một nén bạc, mà một lời không nói ra một nén vàng. Con người không thể làm chủ một cái gì hết, một khi hãy còn sợ chết. Người nào không sợ chết, thì tất cả đều là sở hữu của người ấy Giá không có đau khổ thì con người sẽ không biết giới hạn của mình, sẽ không biết bản thân mình. - Piotr vẫn tiếp tục nghĩ, hoặc nghe ai nói trong giấc mơ. - Cái khó nhất là làm sao hợp nhất được ý nghĩ của mọi vật trong tâm hồn mình. Hợp nhất tất cả ư? - Piotr tự nhủ. - không, không phải là hợp nhất. Không thể hợp nhất những tư tưởng được, mà phải liên kết tất cả những tư tưởng đó cái đó mới cần! Phải, phải liên kết, phải liên kết!" - Piotr nhắc đi nhắc lại, lòng mừng khấp khởi, cảm thấy rằng chính những lời ấy và chỉ có những lời ấy mới diễn đạt được điều mà chàng muốn diễn đạt và giải quyết được tất cả vấn đề đang giày vò chàng.
Phải, phải liên kết thôi, đã đến lúc phải liên kết rồi.
- Phải thắng xe thôi(1), đã đến lúc phải thắng xe rồi ạ, thưa đại nhân. Thưa đại nhân, - có tiếng ai nói. - Phải thắng xe thôi ạ.
Đó là tiếng nói của một người mã phu đang thức Piotr dậy. Ánh nắng rọi thẳng vào mặt Piotr. Chàng đưa mắt nhìn khoảng sân bẩn thỉu của quán trọ. Ở giữa sân mấy người lính đang cho mấy con ngựa gầy uống nước bên giếng. Mấy chiếc xe tải đang kéo ra cổng. Piotr ghê tởm ngoảnh mặt đi và vội nhắm măt ngả người trên ghế xe như cũ. "Không, ta không muốn thế, ta không muốn và hiểu cái đó, ta muốn hiểu những điều đã mở ra trước mắt ta trong giấc ngủ. Giá chỉ thêm một giây nữa thôi thì ta đã hiểu được hết rồi. Nhưng ta phải làm gì? Liên kết, nhưng làm thế nào liên kết được tất cả?" và Piotr kinh hãi cảm thấy tất cả ý nghĩa của những điều mà chàng thấy và nghĩ rằng trong giấc mơ đều đã tiêu tan.
Người mã phu, người đánh xe và người gác cổng kể lại cho Piotr hay rằng vừa có một sĩ quan đến báo tin quân Pháp đã tiến đến gần Mozaisk và quân ta đang rút lui.
Piotr đứng dậy, sai thắng ngựa vào xe và dặn khi nào thắng xong phải cho xe đuổi theo mình, rồi ra khỏi quán đi bộ qua thành phố.
Quân đội đang rời Mozaisk, để lại chừng một vạn người bị thương. Họ nằm, ngồi la liệt khắp các sàn nhà, thấp thoáng trong các khung cửa sổ và chen chúc ngoài phố. Quanh những chiếc xe bò chở thương binh đi, người ta kêu la, chửi bới và đấm đá nhau. Cỗ xe song mã lúc bấy giờ đã theo kịp chàng.
Piotr mời một vị tướng quen biết vừa bị thương lên xe và cùng ông ta đi Moskva. Dọc đường, Piotr được tin em vợ mình và công tước Andrey đã chết.
10.
Ngày ba mươi tháng tám, Piotr về đến Moskva. Gần trạm gác, chàng gặp một viên sĩ quan phụ tá của bá tước Raxtovsin. Viên sĩ quan nói:
- Thế mà chúng tôi cứ tìm ngài khắp nơi. Bá tước đang cần gặp ngài lắm. Bá tước mời ngài đến ngay có việc rất quan trọng.
Piotr không ghé về nhà, gọi một chiếc xe thuê đi đến nhà vị tư lệnh thành phố.
Bá tước Raxtovsin sáng hôm ấy vừa mới ở ngôi biệt thự ngoại thành của ông ta ở Xokolniki trở về thành phố. Phòng đợi và phòng khách của bá tước chật ních những viên chức được ông ta triệu đến hoặc tự đến để xin lệnh. Vaxilsikov và Platov đã có gặp bá tước và ông cho biết rằng không còn cách gì phòng thủ Moskva được nữa, đành phải bỏ kinh thành cho giặc vào. Tuy họ giấu giếm không cho dân cư biết tin này, nhưng các viên chức, các thủ trưởng các cơ quan hành chính đều biết rõ không kém gì Raxtovsin rằng Moskva sẽ lọt vào tay quân địch: và để trút bỏ trách nhiệm, tất cả những người đó đều đến hỏi quan tư lệnh thành phố xem họ nên xử trí như thế nào đối với những cơ quan được giao cho họ.
Trong khi Piotr bước vào phòng tiếp tân, viên tín sứ của quân đội từ phòng bá tước đi ra. Viên tín sứ khoát tay có vẻ tuyệt vọng đáp lại các câu hỏi và bước ngang qua gian phòng.
Trong khi ngồi đợi ở phòng tiếp khách, Piotr đưa mắt mệt mỏi nhìn qua những viên chức hiện đang ở trong phòng, già có, trẻ con, quan võ có, thượng cấp cũng có mạ hạ cấp cũng có. Mọi người có vể bất mãn và lo lắng. Piotr lại gần một nhóm trong đó có một người quen của chàng.
- Cho tản cư đi rồi gọi về cũng chẳng sao: nhưng trong tình hình này thì chẳng biết đằng nào mà nói nữa.
Một người khác chỉ vào một tờ giấy chữ in đang cầm trong tay nói :
- Thì đây ông ấy viết thế này đây…
- Đó là chuyện khác. Đối với dân chúng cần phải thế, - người thứ nhất đáp lại.
- Giấy gì thế? - Piotr hỏi.
Một bản tuyên cáo mới.
Piotr cầm lấy một bản tuyên cáo và bắt đầu đọc:
"Để sớm có thể bắt liên lạc với đại quân, đang tiến về phía ngài, Điện hạ Tối quang minh đã rút về phía sau Mozaisk và đóng ở một địa thế vững mạnh, một nơi mà quân địch khó lòng có thể tấn công ngay được. Bốn mươi tám khẩu đại bác có đủ đạn đã được chuyển về đây cho ngài, và công tước điện hạ có nói rằng ngài sẽ bảo vệ Moskva cho đến giọt máu cuối cùng và dù có phải giao chiến với địch ngay giữa các đường phố cũng không từ. Anh em không nên hoang mang về việc các công sở đóng cửa, cần phải thu xếp công việc, còn chúng tôi thì chúng tôi sẽ xét tội quân gian. Đến khi động dụng, tôi sẽ cần đến những người trai tráng ở thành thị và thôn quê. Tôi sẽ có lởi hiệu triệu trước hai ngày, còn bây giờ thì chưa cần, cho nén tôi im lặng. Dùng rìu cũng tốt, dùng gây nhọn cũng hay, nhưng tốt hơn cả là dùng nạng chĩa đinh ba: một tên giặc Pháp không nặng hơn một bó lúa mì đen đâu. Ngày mai, sau bữa ăn chiều, tôi sẽ cho rước ảnh Đức Bà Iverya đến nhà thương Ekaterina.
Ta sẽ làm phép cho nước ở đây linh thiêng đặng các thương binh chóng lành. Bản thân tôi thì nay vẫn khoẻ mạnh: vừa rồi có bị đau một bên mắt, nhưng nay cả hai đều trông rõ".
Piotr nói:
- Tôi có nghe mấy vị nhà binh nói rằng trong thành phố không thể nào chiến đấu được và các vị trí…
- Ừ thì chính chúng ta đang bàn chuyện ấy đó thôi, - người viên chức lúc nãy nói.
Thế còn, "vừa rồi có bị đau một bên mắt, nhưng nay cả hai đều thông rõ" nghĩa là thế nào? - Piotr hỏi.
- Bá tước vừa bị một cái mụn lẹo, - viên sĩ quan phụ tá mỉm cười nói - và ngài rất lo khi tôi thưa với ngài là dân chúng đến hỏi thăm ngài mắc bệnh gì. - Rồi bỗng dưng ông ta mỉm cười nói thêm với Piotr - À, bá tước này, chúng tôi có nghe nói ngài có chuyện rầy rà trong gia đình thì phải? Hình như bá tước phu nhân…
- Tôi thì chẳng nghe gì cả, - Piotr dửng dưng đáp. - Các ngài nghe nói thế nào?
- Thì ngài cũng biết rằng thiên hạ hay bày đặt… lắm chuyện. Tôi nghe thế nào thì cứ nói thế thôi.
- Thế ngài nghe họ nói thế sao?
- Thì họ bảo là… - viên sĩ quan phụ tá mỉm cười y như lúc nãy, - là bá tước phu nhân sắp ra nước ngoài. Chắc là chuyện nhảm nhí…
- Cũng có thể đúng, - Piotr nói, mắt lơ đễnh nhìn quanh, rồi chỉ một ông già thấp bé mặc chiếc áo dài xanh sạch sẽ, da mặt đỏ hồng, có bộ râu đen và rậm bạc trắng như tuyết, bộ lông mày cũng bạc chẳng kém, hỏi - Thế còn ai đây?
- Ông kia ấy à? Ông ta là một ông lái buôn, nghĩa là một ông chủ quán rượu, tên là Veressaghin. Chắc ngài có nghe câu chuyện bản tuyên cáo rồi chứ?
- À thế ra đây là Veressaghin à? - Piotr nói, mắt nhìn khuôn mặt cương quyết và điềm tĩnh của ông lái buôn, tìm xem có vẻ gì là một kẻ gian tặc không. Viên sĩ quan phụ tá nói:
- Không phải ông này đâu. Ông này là cha của người đã viết ra bản tuyên cáo. Con ông ta đang ở trong ngục, có lẽ bị xử nặng lắm.
Một ông già nhỏ bé đeo huân chương bội tinh, và một viên quan người Đức cổ đeo huân chương chữ thập lại gần nhóm người đang nói chuyện. Viên sĩ quan phụ tá kể:
- Câu chuyện rắc rối lắm các vị ạ. Bản tuyên cáo ấy xuất hiện cách đây hai tháng. Người ta báo cho bá tước biết. Bá tước liền ra lệnh điều tra. Thế là Gavrilo Ivanyts đi điều tra: thì ra bản tuyên cáo đã chuyển qua đúng sáu mươi ba bàn tay. Hễ tìm ra một người, ông ta lại hỏi: ai đưa cho anh? Người này người nọ. Ông ta lại hỏi đến người ấy: ai đưa cho anh? Và cứ thế mãi cho đến Veressaghin, một anh lái buôn chưa thành nghề, một anh lái buôn rất dễ thương, - viên sĩ quan phụ tá vừa nói vừa mỉm cười. - người ta hỏi hắn: ai đưa cho anh tờ giấy này? Cái chính là chúng ta muốn biết rõ ai đưa cho hắn: chẳng có ai khác ngoài ông giám đốc bưu vụ cả: Nhưng tình hình như giữa hai người đã có thoả thuận trước với nhau thế nào đấy. Anh lái buôn nói: "Chẳng có ai cả, chính tôi viết lấy". Người ta cứ thế mà báo cáo với bá tước ra lệnh gọi anh lái buôn lại. "Ai trao cho anh tờ tuyên cáo?" - "Chính tôi viết ra". Thì các vị cũng biết rõ bá tước rồi đấy. - Viên sĩ quan phụ tá mở một nụ cười kiêu hãnh và vui tươi nói tiếp. - Ngài nổi giận đùng dùng; các ngài cứ thử nghĩ xem: có đời ai lại xấc xược, dối trá và lì lợm đến thế…
- À! Trong khi đó bá tước lại đang cần anh ta vạch mặt chỉ tên Klutsarev kia, tôi hiểu rồi! - Piotr nói.
- Đâu có! Có cần gì đâu, - viên sĩ quan phụ tá hốt hoảng nói, - Klutsarev thì không có việc này cũng đã lắm tội rơi, chính vì thế cho nên mới bị đày. Nhưng có điều là bá tước rất công phẫn. "Mày làm thế nào mà viết ra được? - bá tước nói xong lấy một tờ báo Hamburg để trên bàn. - Đây này. Không phải là mày viết ra, mà là mày dịch ra, mà dịch rất tồi, vì ngu dốt, dốt như mày, tiếng Pháp cũng chẳng biết". Thế mà các ngài có biết hắn trả lời thế nào không? Hắn nói: "Không, tôi chẳng đọc báo chí gì cả, chính tôi viết ra" - À nếu thế thì mày là một tên gian tặc, tao sẽ đưa mày ra toà án và mày sẽ bị treo cổ. Nói đi, ai đưa cho mày? - "Tôi không trông thấy báo trí gì cả, tôi tự vìết ra". Cứ như thế. Bá tước cho gọi cả ông bố hắn lên: hắn vẫn khăng khăng một mực như cũ. Thế là người ta đưa ra toà và hắn bị đày khổ sai thì phải. Bây giờ ông bố đến xin cho hắn đấy. Cái thằng thật bất trị! Các ngài biết không, cái thằng con cái nhà buôn ấy là một gã ăn diện, hay ve gái, có theo học dăm ba chữ ở đâu ấy rồi cứ tưởng mình là ghê gớm lắm. Thằng cha thế có lạ không chứ? Bố hắn có một quán rượu ở cầu đá gần đây trong quán có một bức tượng ĐứcThánh Chúa Trời, tay phải cầm một quyển trượng và tay trái cầm quả địa cầu; thế là hắn đem bức ảnh về nhà mấy ngày và cũng làm một bức như thế! Hắn kiếm đâu ra được một thằng thợ vẽ chó chết.
Chú thích:
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Chiến Tranh và Hòa Bình.