• 2,973

Phần XI - Chương 11 12


Số từ: 2978
Chiến Tranh và Hòa Bình
Tác giả:Lev Nikolayevich Tolstoy
Thể loại:Tiểu Thuyết Kinh Điển
Nguồn: Sưu Tầm
Đang dở chừng câu chuyện mới này thì có người ra gọi Piotr vào gặp quan tư lệnh Piotr vào phòng làm việc của bá tước Raxtovsin. Lúc ấy Raxtovsin đang cau mặt lấy tay xoa trán và dụi mắt. Một người thấp bé đang nói một câu gì, vừa thấy Piotr vào thì im bặt và bỏ ra ngoài.
- À! Chào anh chiến sĩ vĩ đại. - Raxtovsin nói khi người kia đã ra ngoài. - Chúng tôi có nghe nói đến những chiên công oanh liệt của anh! Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Anh bạn ạ, cái này ta nói riêng với anh nhé, anh là hội viên Tam điểm phải không? - Bá tước Raxtovsin nói với giọng điệu nghiêm khắc, tưởng chừng đó là một việc xấu xa, nhưng ông ta vẫn sẵn lòng tha thứ, Piotr lặng thinh. - Anh bạn ạ, tôi biết rõ lắm, nhưng tôi biết rằng anh không ở trong số những kẻ lấy cớ muốn cứu toàn nhân loại để làm hại nước Nga.
- Phải, tôi là hội viên Tam điểm, - Piotr nói.
- Ấy thế, anh bạn nghe tôi nói nhé. Tôi thiết tưởng anh cũng biết rằng ông Xepenranxki và Marvixki, đã được đưa đi một nơi xứng đáng với họ, Klutsarev và tất cả những kẻ nào lấy cớ muốn xây ngôi đền Salomon để cố phá hoại ngôi đền của tổ quốc mình đều được xử trí như thế. Anh có thể hiểu rằng sở dĩ tôi phải làm như vậy là có lý do và giả sử viên giám đốc bưu vụ ở đây không phải là một con người nguy hiểm thì tôi đã không thể nào đưa hắn đi đày được Hiện nay tôi đã được biết rằng anh đã cho hắn mượn xe để ra khỏi thành phố và thậm chí lại còn giữ hộ giấy tờ cho hắn nữa. Tôi vốn mến anh và không hề có ý muốn làm hại anh, và bởi vì tuổi anh chỉ bằng nửa tuổi tôi, cho nên tôi xin khuyên anh như một người cha là hãy chấm dứt quan hệ với hạng người đó và bản thân anh thì hãy ra khỏi chỗ này càng sơm càng tốt.
- Thưa bá tước, Klutsarev có tội gì? - Piotr hỏi.
- Đó là việc của tôi, anh không bận gì phải hỏi, - Raxtovsin quát.
- Họ buộc tội cho ông ta là đã truyền bá những tờ tuyên cáo cho Napoléon nhưng đã có chứng cớ vì đâu, - Piotr nói, không nhìn Raxtovsin, - còn Veressaghin.
- Ấy đấy! - Raxtovsin bỗng cau mặt mày và ngắt lời Piotr, quát to hơn cả lúc nãy, - Veressnghin là một tên gian tặc và một thằng bán nước, đã đền tội một cách xứng đáng, - Raxtovsin nói với cái giọng điệu hằn học cay cú như người ta thường nói khi nhớ lại một điều sỉ nhục, - Nhưng tôi mời anh đến đây không phải để bàn đến những việc làm của tôi, mà để khuyên răn anh, hay ra lệnh cho anh, anh muốn hiểu thế nào thì hiểu. Tôi yêu cầu anh cắt đứt quan hệ với những người như Klutsarev, và đi khỏi nơi này. Tôi thì tôi sẽ cho họ một bài học, ai cũng thế, - Rồi có lẽ vì chợt nhận thấy mình đã to tiếng với Bezukhov tuy anh ta chẳng có tội tình gì, Raxtovsin thân mật cầm tay Piotr nói thêm: - Chúng ta đang sắp trải qua một quốc nạn, nên tôi không có thì giờ ăn nói nhã nhặn với tất cả những người nào có việc giao dich. Nhiều khi đấu tôi cứ váng lên ấy? Thế nào, anh bạn, riêng bản thân anh thì hiện nay đang làm gì?
- Có làm gì đâu, - Piotr đáp, mắt vẫn không nhìn lên và vẻ mặt đăm chiêu vẫn không thay đổi.
Bá tước cau mặt.
- Anh bạn ạ, tôi xin lấy chỗ tình thân mà khuyên anh: anh nên chuồn đi cho sớm, tôi chỉ nói với anh thế thôi. Khôn thì sống, mống thì chết. Thôi chào anh, à, quên, - ông ta gọi với theo khi Piotr đã ra khỏi phòng, - Có đúng là bá tước phu nhân đã lọt vào nanh vuốt các thanh cha hội Gia-tô không thế hả?
Piotr lặng thinh không đáp. Chàng ra khỏi nhà Raxtovsin với vẻ mặt cau có, bực tức mà xưa nay chưa ai từng thấy chàng có.
Chàng về đến nhà thì trời đã xẩm tối. Ở nhà tối hôm ấy có tám người đến tìm chàng: viên thư ký uỷ ban, viên đại tá ở tiểu đoàn chàng, viên quản lý, viên quản gia và mấy người đến xin xỏ việc này việc nọ.
Người nào cũng có việc cần chàng giải quyết. Piotr chẳng hiểu đầu đuôi thế nào, chàng không hề quan tâm đến các công việc đó, và họ hỏi gì chàng cũng chỉ trả lời cốt làm sao tống họ đi nhanh cho rảnh. Cuối cùng khi đã ngồi lại một mình, chàng bóc thư của vợ ra đọc.
"Họ - những người lính trên vị trí pháo; công tước Andrey đã tử trận… Ông già… Giản dị là phục tùng Thượng đế. Cần phải đau khổ ý nghĩa của mọi sự… cần phải liên kết… vợ ta đi lấy chồng… Cần phải quên đi và hiểu rõ".
Chàng đến cạnh giường, và không cởi áo ngoài, chàng gieo mình xuống giường, và lập tức ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau, khi chàng thức dậy, người quản gia vào báo cáo là có một nhân viên cảnh sát do bá tước Raxtovsin phái đến hỏi xem bá tước Bezukhov đã đi chưa, hoặc có ý định đi không.
Khoảng mười người đủ các hạng có việc cần gặp Piotr đang dợi chàng trong phòng khách. Piotr vội vào mặc áo ngoài, và đáng lẽ ra gặp những người đợi, chàng lại đi ra cửa sau rồi từ dó bước ra cổng.
Kể từ đấy, mãi cho đến sau khi Moskva bị tàn phá, người nhà của Piotr đã ra sức tìm kiếm nhưng vẫn không thấy Piotr đâu và không biết chàng ở chỗ nào.
12.
Gia đình Roxtov ở lại Moskva cho đến ngày mồng một tháng chín, tức là còn cách ngày quân địch tiến vào thành có một hôm.
Sau khi Piotr vào trung đoàn cô-dắc của Obolenxki và đi đến Belaya Txerkov là nơi thành lập trung đoàn này, bá tước phu nhân có nơm nớp lo sợ. Lần đầu tiên ý nghĩ rằng cả hai đứa con trai của bà đều ở mặt trận, rằng cả hai đều đã đi xa sự che chở của bà, rằng nay mai một trong hai đứa, mà cũng có thể là cả hai, có thể tử trận như ba đứa con một người quen của bà, ý nghĩ ấy đã đến với bá tước phu nhân rõ rệt đến mức tàn nhẫn. Bà cố tìm cách gọi Nikolai về, bà đã định thân hành đi tìm Petya, chạy cho cậu ta một chỗ làm nào ở Petersburg nhưng cả hai việc ấy đều không thể thực hiện: Petya không thể nào về được, trừ khi nào cả trung đoàn trở về, hoặc giả cậu có rời trung đoàn chăng nữa thì cũng chỉ để thuyên chuyển sang một trung đoàn tham chiến khác. Nikolai bấy giờ đang đóng quân ở một nơi nào đấy và sau bức thư vừa rồi, trong đó có kể tỉ mỉ về cuộc gặp gỡ với công tước tiểu thư Maria thì không nhận được tin gì của chàng nữa. Đêm đêm, bá tước phu nhân cứ thao thức không ngủ được, và hễ chợp mắt là chiêm bao thấy hai con đã tử trận. Sau khi suy nghĩ và được bạn bè mách bảo rất nhiều, bá tước đã tìm được một phương sách để làm cho phu nhân yên lòng. Ông cho chuyển Petya từ trung đoàn của Obolenxki sang trung đoàn của Bezukhov bấy giờ đang thành lập ở gần Moskva. Mặc dầu Petya vẫn tại ngũ, nhưng thuyên chuyển như vậy thì bá tước phu nhân cũng có được một niềm an ủi là ít nhất cũng còn được một đứa con trai ở gần mình, và có thể hy vọng thu xếp thế nào cho thằng Petya của bà đừng đi đâu xa và lo cho nó một chức vụ gì mà chẳng bao giờ phải ra trận. Trong khi chỉ có một mình Nikolai ở trong vòng nguy hiểm, bá tước phu nhân có cảm tưởng (thậm chí phu nhân còn lấy làm hối hận về điều đó) là mình quý đứa con trai lớn hơn hết thảy các con: nhưng đến khi thằng con út, đứa con nghịch ngợm biếng học, cái gì trong nhà cũng làm vỡ làm gãy, ai trong nhà cùng quấy rầy, cái thằng Petya hếch mũi ấy, với đôi mắt đen vui vẻ, đôi má hồng hào mơn mởn có lớp lông măng mới chớm mọc, đã dẫn thân vào nơi ấy, nơi của những người đàn ông hung dữ, tàn ác chẳng biết tại sao đang đánh nhau và lại lấy việc ấy làm vui, - đến khi ấy người mẹ lại cảm thấy rằng chính nó mới là đứa con mình quý hơn cả, quý hơn các con khác nhiều. Càng đến ngày Petya trở về Moskva bao nhiêu bá tước phu nhân lại càng sốt ruột bấy nhiêu.
Bà đã bắt đầu nghĩ rằng hạnh phúc đó sẽ không bao giờ đến được.
Không những khi thấy Sonya trước mặt, mà ngay cả khi thấy Natasa hay bá tước Ilya Andreyevich, bà cũng bực bội nghĩ: "Những người ấy thì ở đây làm gì, ngoài Petya ra, tôi có cần đến ai đâu!".
Cuối tháng tám, gia đình Roxtov nhận được một bức thư thứ hai của Nikolai. Thư gửi từ tỉnh Voronez là nơi chàng được cử đến để mua ngựa. Bức thư này không làm cho bá tước phu nhân yên lòng.
Khi biết rằng một trong hai đứa con trai đã ra ngoài vòng nguy hiểm, bà lại càng lo thêm cho Petya.
Mặc dầu ngay từ ngày hai mươi, hầu hết những người quen của gia đình Roxtov đã rời khỏi Moskva, mặc dầu mọi người đều khuyên nhủ bá tước phu nhân đi cho sớm, bà một mực không chịu nghe theo ai nói đến chuyện đi đứng gì cả, một khi Petya, đứa con cưng mà bà yêu quý như điên như dại, vẫn chưa về. Thái độ âu yếm thiết tha một cách bệnh tật của người mẹ không làm cho chàng sĩ quan mười sáu tuổi ấy vừa lòng. Tuy phu nhân giấu không cho cậu ta biết ý định của bà là không để cho cậu đi xa nữa, Petya vẫn hiểu những điều dự tính của mẹ, và tự bản năng vẫn sợ mình trở nên mềm yếu như đàn bà trước mặt mẹ (cậu ta tự nhủ như vậy), nên cậu ta đối xử với bá tước phu nhân rất lạnh nhạt, thường hay lánh mặt phu nhân và trong thời gian ở Moskva chỉ gặp gỡ chuyện trò với Natasa, mà xưa nay cậu vẫn quý mến đặc biệt, một tình trìu mến chị em gần giống như tình yêu.
Do cái tính vô tư lự thường lệ của bá tước, mãi đến ngày hai mười tám tháng vẫn chưa sửa soạn xong xuôi để ra đi, và những chiếc xe tải ở thôn Ryazan và ở điền trang ngoại thành định dùng để chở toàn bộ tài sản ở quê mãi đến ngày ba mươi mới thấy đến.
Từ ngày hai mươi tám đến ba mười mốt tháng tám, cả thành Moskva nhốn nháo và rộn rịp hẳn lên. Ngày nào từ cửa Dorogomilov cũng có hàng nghìn binh sĩ bị thương ở Borodino được đưa vào khắp thành phố qua những cửa ô khác. Mặc đù có những tờ yết thị của Raxtovsin, hoặc chính vì có những tờ yết thị đó nhưng tin tức hết sức trái ngược và kỳ quặc cứ truyền đi khắp thành phố. Người thì bảo là đã có lệnh cấm không ai được ra khỏi Moskva; người thì lại bảo là người ta đã dỡ tất cả những tượng thánh ở các nhà thờ rồi, và sẽ cưỡng bức tất cả mọi người phải dọn; người thì nói sau trận Borodino còn xảy ra một trận nữa, và trong trận này đã đánh tan được quân Pháp, người thì bảo là dân binh Moskva sẽ cùng với các linh mục tiến lên Trigorư, người thì nói rằng Natasa đã được lệnh ở lại, rằng đã bắt được một bọn phản tặc, rằng nông dân đã nổi loạn và cướp bóc những người chạy giặc, vân vân và vân vân. Nhưng người ta nói thế thôi, chứ thật ra những người đi cùng cũng như những người ở lại (tuy lúc bấy giờ chưa có buổi hội đồng ở Fili quyết định bỏ Moskva) - mọi người đều cảm thấy, tuy không nói ra, rằng thế nào Moskva cũng lọt vào tay quân địch và cần phải tháo người của đi cho nhanh. Người ta có cảm tưởng mọi việc đều sẽ đột nhiên thay đổi và sụp đổ. Nhưng mãi đến ngày mồng một tháng chín mọi việc vẫn y nguyên như cũ. Cũng như một phạm nhân khi bị đưa đi hành hình biết rằng mình sắp chết đến nơi rồi, nhưng vẫn đưa mắt nhìn quanh và sửa lại chiếc mũ đội không được chỉnh, Moskva cũng vẫn bất giác tiếp tục cuộc sống quen thuộc, mặc dầu biết rằng giờ chết đã sắp điểm, và lúc ấy tất cả những qui ước sinh hoạt mà người ta đã quen phục tùng đều sẽ đổ vỡ.
Trong vòng ba ngày trước khi Moskva rơi vào tay giặc, cả gia đình Roxtov luôn luôn lo lắng bận rộn việc này việc nọ. Người chủ gia đình là bá tước Ilya Andreyevich luôn luôn đi đây đi đó trong thành phố thu thập những tin đồn đại, và khi về nhà thì hối hả ra những mệnh lệnh mơ hồ thu xếp việc chuẩn bị ra đi.
Bá tước phu nhân theo dõi công việc thu xếp đồ đạc, cái gì bà ta cũng không vừa ý, và luôn lẽo đẽo theo sau cậu Petya bấy giờ vẫn cứ tránh mặt mẹ, bà ghen với Natasa vì Petya cả ngày chỉ ngồi với nàng. Chỉ một mình Sonya lo toan đến mặt thực tiễn của công việc, tức là việc xếp đồ đạc lên xe. Nhưng suốt thời gian gần đây Sonya buồn rầu và lặng lẽ khác thường. Bức thư của Nikolai, trong đó có nhắc đến nữ công tước Maria, đã khiến bá tước phu nhân vui mừng nói ngay trước mặt nàng rằng bà ta cho cuộc gặp gỡ giữa nữ công tước Maria và Nikolai là do Trời xếp đặt trước. Phu nhân nói:
- Khi Bolkonxki đính hôn con Natasa tôi chẳng vui mừng gì, nhưng xưa nay tôi vẫn ước mong và cũng tiên cảm thấy rằng Nikolenka sẽ lấy công tước tiểu thư. Được như thế thì thật tốt quá!
Sonya cảm thấy rằng như vậy là đúng, rằng Nikolai chỉ có cách lấy một người vợ giàu thì công việc tiền nong của gia đình Roxtov mới mong cứu vãn được và nữ công tước Maria là một đám rất tốt. Nhưng nàng thấy tủi lắm. Tuy nàng buồn khổ, hay có lẽ chính vì nàng buồn khổ, Sonya đã lĩnh lấy tất cả những công việc xếp dọn đồ đạc rất vất vả, và suốt ngày nàng bận rộn với những công việc đó. Cứ mỗi khi cần sai bảo gì người nhà, bá tước và phu nhân lại nhớ đến nàng. Petya và Natasa thì ngược lại không những không giúp đỡ cha mẹ mà còn làm vướng và quấy rầy mọi người nữa. Và gần như suốt cả ngày bao giờ trong nhà cũng có tiếng reo, tiếng chân chạy và tiếng cười vô cớ của hai chị em. Hai người cười đùa vui vẻ vậy tuyệt nhiên không phải vì có chuyện gì đáng cho họ vui mừng; nhưng trong tâm hồn họ đang vui, cho nên bất cứ chuyện gì cũng đều là một nguyên nhân khiến họ cười đùa vui vẻ, Petya vui bởi vì cậu đang ở nhà, vì cậu vừa ở Belaya Txerkov là một nơi mà chỉ nay mai đã đánh nhau và nhất là vì Natasa cũng đang vui: xưa nay tâm trạng của cậu vẫn phục tùng tâm trạng của chị. Còn Natasa vui là vì nàng đã buồn quá lâu, vì bây giờ chẳng có gì nhắc nàng nhớ lại những nguyên nhân đã khiến nàng buồn, và vì nàng đang khoẻ mạnh. Nàng vui cũng lại vì đang có một người thán phục nàng (lòng thán phục của người khác đối với nàng là chất dầu nhờn cần thiết để cho bộ máy chạy được trơn tru). Nhưng cái chính khiến họ vui như vậy là hiện nay chiến tranh đã chuyển đến gần Moskva, là sẽ có đánh nhau ở các cửa ô, người ta sẽ phân phát vũ khí, mọi người đều bỏ đi nơi khác, nói chung là đang diễn ra một việc gì khác thường, và điều đó bao giờ cũng làm cho người ta vui thích, nhất là khi người ta còn trẻ.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Chiến Tranh và Hòa Bình.