• 2,973

Phần XIV - Chương 14 15


Số từ: 1872
Chiến Tranh và Hòa Bình
Tác giả:Lev Nikolayevich Tolstoy
Thể loại:Tiểu Thuyết Kinh Điển
Nguồn: Sưu Tầm
Đoàn vận tải, đoàn tù binh và đoàn xe chở đồ của nguyên soái đóng lai ở làng Samsavo. Mọi người đều chen chúc quanh đống lửa.
Piotr lại gần một đống lửa ăn miếng thịt ngựa nướng, nằm quay lưng về phía lửa và ngủ thiếp đi. Giấc ngủ của chàng bấy giờ lại giống như giấc ngủ dạo trước Mozaisk sau trận Borodino.
"Cuộc sống là tất cả. Cuộc sống là Thượng đế. Mọi vật đều di chuyển, và sự vận động ấy chính là Thượng đế. Và một khi còn cuộc sống thì còn lạc thú tự nhận thức được cái bản chất Thượng đế của mình. Yêu cuộc sống là yêu Thượng đế. Khó hơn cả và đáng quý hơn cả là yêu cuộc sống ấy với những nỗi đau khổ mà mình phải chịu mặc dầu vô tội".
- Karataiev! - Piotr nhớ lại.
Và Piotr lại thấy hiện lên hình ảnh ông thầy giáo già hiền lành hồi trước dạy địa lý cho chàng ở Thuỵ sỹ, tưởng chừng như ông hãy còn sống vậy. "Khoan", - ông già nói, đoạn cho Piotr xem một quả cầu Quả địa cầu này là một hình sinh động phập phồng không có kích thước, cả bề mặt quả địa cầu làm bằng những giọt nước dính sát vào nhau. Và những giọt nước này không ngừng chuyển động, đổi chỗ, và khi thì mấy giọt nhập lại thành một, khi thì một giọt lại tách ra thành nhiều. Mỗi giọt đều muốn phình ra, chiếm thật nhiều không gian, nhưng các giọt khác cũng muốn thế, nên ép giọt kia lại, đôi khi tiêu diệt nó, đôi khi lại hoà làm một với nó.
- Cuộc sống là như vậy đấy, - ông thầy giáo già nói.
- "Đơn giản và rõ ràng quá. - Piotr nghĩ, - Làm sao trước đây ta lại không biết nhỉ".
Ở trung tâm là Thượng đế, và mỗi giọt đều muốn phình rộng thêm ra để phản ánh Thượng đế cho thật nhiều. Và mỗi giọt đều lớn lên, lan ra, teo lại, và mất đi trên bề mặt, chìm xuống chiều sâu, rồi lại nổi lên. Đấy Karataiev cũng lan rộng ra và mất đi như vậy.
- Đã hiểu chưa con? - ông thầy giáo già nói.
Đã hiểu chưa, đồ chết tiệt? - có tiếng quát, và Piotr bừng tỉnh.
C hàng nhổm người lên rồi ngồi dậy. Bên đống lửa có một tên lính Pháp ngồi xổm. Hắn vừa đuổi một người Nga sang bên để lấy chỗ ngồi nướng miếng thịt xóc ở đầu que thông nòng súng. Ánh than hồng soi khuôn mặt rám nắng hầm hầm, với đôi mày cau lại.
- Hắn thì cần gì? - tên lính càu nhàu, quay phắt về phía một tên khác đứng sau lưng… đồ kẻ cướp!
Và người lính vừa quay que thông nòng vừa nhìn Piotr gườm gườm. Piotr quay mặt đi, nhìn vào bóng tối. Một người tù binh Nga, người vừa bị tên Pháp xô ra, đang ngồi bên đống lửa và lấy tay vuốt vuốt một vật gì. Nhìn sát hơn, Piotr nhận ra con chó lông tía đang ngoắt đuôi ngồi cạnh người lính.
- À đã về đấy hử? - Piotr nói - Chà, pla… chàng không nói hết.
Trong tư tưởng của chàng cùng một lúc hiện lên một mớ hình ảnh hoà trộn lẫn vào nhau, hình ảnh đôi mắt của Platon nhìn chàng khi ngồi dưới gốc cây bạch dương, tiếng súng phát ra từ chỗ ấy, tiếng chó rống lên, vẻ mặt tội lỗi của hai tên lính Pháp chạy qua cạnh chàng, khẩu súng trường bốc khói, sự vắng mặt của Karataive ở trạm nghỉ này và chàng đã sẵn sàng hiểu rằng Karataiev đã bị bắn chết, nhưng ngay giây lát ấy, trong lòng chàng, chẳng biết từ đâu đến, lại hiện lên những kỷ niệm buổi tối mùa hè năm nào chàng cùng cô thiếu nữ Ba Lan xinh đẹp ngồi hóng mát trên bao lơn một toà nhà ở Kiev. Và cũng không liên hệ những kỷ niệm ngày hôm nay lại với một phong cảnh mùa hè pha lẫn với một buổi tắm sông, hình ảnh quả cầu phập phồng, và chàng buông mình xuống nước, cho đến khi nước ngập quá đầu.
Trước khi mặt trời mọc, Piotr choàng người dậy vì những tiếng súng nổ liên hồi rất to và tiếng quát tháo. Mấy tên lính Pháp chạy ngang qua mặt Piotr.
Suốt hồi lâu Piotr không sao hiểu được chuyện gì vừa xảy ra.
Từ phía chàng nghe những tiếng reo hò mừng rỡ của các bạn tù.
- Anh em ơi! Các cậu ơi! - những người lính già vừa khóc vừa nổi người khi ôm lính cô-dắc và lính phiêu kỵ. Lính phiêu kỵ và lính cô-dắc xúm quanh tù binh và đem nào áo, nào giày, nào bánh mì ra mời họ; Piotr ngồi giữa đám đông khóc nấc lên không thốt lên lời; Chàng ôm lấy người lính đầu tiên đến cạnh chàng và vừa ôm và vừa khóc vừa hôn lên anh ta.
Dolokhov đứng bên cổng toà nhà đổ nát nhìn tốp lính Pháp đã bị tước khí giới đi qua. Đang xúc động vì những việc vừa xảy ra, quân Pháp bàn tán với nhau rất to tiếng; nhưng khi đi qua Dolokhov đang cầm roi ngựa đập đập vào ủng và nhìn nhìn họ với đôi mắt lạnh như thuỷ tinh, một cái nhìn chẳng hứa hẹn điều gì là tốt lành gì cả, họ liền im lặng. Bên kia cổng, một người lính cô-dắc của Dolokhov đứng đếm số tù binh, cứ một trăm tên lại gạch một phần lên cổng.
- Bao nhiêu? - Dolokhov hỏi người cô-dắc đang đếm tù binh.
- Hơn một trăm rồi ạ, - người cô-dắc đáp.
- Đi đi, đi đi! - Dolokhov giục. Chàng đã học được cái giọng này ở quân lính Pháp, và khi bắt gặp mặt những tên tù binh đi ngang, khoé mắt chàng ngời lên một ánh sáng tàn nhẫn.
Denixov, mặt lầm lầm, bỏ mũ xuống đi theo mấy người cô-dắc đang khiêng xác Petya Roxtov đến cái huyệt mới đào xong ở ngoài vườn.
15.
Kể từ ngày hai mươi tám tháng mười, khi trời bắt đầu giá rét, cuộc bỏ chạy của quân lính Pháp chỉ thêm bi đát vì cảnh những người chết cóng hoặc chết bỏng ở các bếp lửa, và cảnh hoàng đế, các quốc vương và các quận công mặc áo choàng ấm tiếp tục ngồi xe kiệu cùng với nhiều của cải cướp được; vì thực chất thì quá trình trốn chạy và tan rã của quân đội Pháp. Kể từ khi ở Moskva, ra đi cũng không hề mảy may thay đổi.
Từ Moskva đến Vyazma, quân đội Pháp từ bảy vạn ba nghìn người, không kể quân cấm vệ (đạo quân này trong suốt cuộc chiến tranh chẳng làm gì ngoài việc cướp bóc) từ bảy vạn ba nghìn người ấy chỉ còn ba vạn sáu nghìn (trong số này chỉ có năm nghìn người bị chết trong các trận đánh). Đó là vế đầu của cấp số quyết định các cấp số sau khi cách tính chính xác như toán học.
Quân đội Pháp vẫn theo tỉ số ấy mà tan rã và bị tiêu diệt từ Moskva đến Vyazma, từ Vyazma đến Smolensk. Từ Xmoleaxk đến Betrya, Berezina, từ Berezina đến Vilna, không kể trời lạnh đến mức như thế nào, bất chấp những cuộc truy kích, những cuộc chặn đường và những điều kiện khác xét riêng từng cái. Sau Vyazma quân Pháp không đi thành ba đạo nữa mà nhập lại thành một lũ và cứ thế mà đi cho đến cùng. Bertie có viết cho vua ông ta như sau (ta đã biết rõ các nhà chỉ huy quân sự thường cho phép mình đi xa sự thật đến nhường nào khi mô tả tình hình quân đội).
"Tôi thấy cần phải tâu để bệ hạ rõ tình hình của quân đội bệ hạ trong các quan đoàn mà tôi đã có dịp quan sát trong hai ba ngày nay ở nhiều chặng hành quân khác nhau. Quân đội đã hoàn toàn tan rã. Trong hầu hết các trung đoàn số binh sĩ đi theo các quân kỵ giỏi lắm chỉ còn một phần tư, còn lại thì đi lẻ ra nhiều hướng vì nhiều mục đính riêng tư, hy vọng tìm lương ăn và thoát khỏi bị kỷ luật.
Nói chung, họ xem Smolensk như nơi họ nghỉ cho lại sức. Mấy ngày gần đây nhưng người ta thấy nhìn thấy nhiều binh sĩ vứt đạn vứt súng đi. Trong tình trạng này thì dù ý định của bệ hạ có thế nào chăng nữa, quyền lợi quân sự của bệ hạ cũng yêu cầu tập hợp lại quân đội ở Smolensk, bắt đầu bằng việc thanh toán những phần tử không chiến đấu như những kỵ binh mất ngựa, những hành lý và những đồ đạc của pháo binh không còn cân xứng với lực lượng hiện nay nữa, ngoài những ngày nghỉ ngơi ra, lương thực cũng rất cần cho binh sĩ đã kiệt sức vì đói và mệt.
Mấy ngày gần đây đã có nhiều người chết dọc đường hay ở các trại lộ chiến.
Tình hình mỗi ngày một thêm trầm trọng và khiến ta phải nghĩ rằng nếu không có phương sách gì để cấp tốc để bổ cứu, tôi sợ đến khi có chiến tranh ta không còn làm chủ được quân đội nữa. Ngày mùng tám tháng mười một, cách Smolensk 30 dặm Nga".
Sau khi ùa vào Smolensk là nơi họ xem như cõi đất hứa hẹn, quân Pháp giết nhau để tranh giành lương thực, cướp phá cả các kho lương thực của họ, và khi đã cướp đi hết sạch, họ lại tiếp tục chạy trốn.
Mọi người đều đi mà chẳng biết mình đi đâu và để làm gì.
Napoléon với cái thiên tài của ông ta, còn biết điều đó ít hơn ai hết, vì không có ai ra mệnh lệnh cho ông ta cả. Tuy thế ông ta và những người thân cận vẫn giữ những tập quán cũ: viết mệnh lệnh, thứ tự, báo cáo, nhật lệnh; gọi nhau là "Bệ hạ, hiền huynh, công tước Ecmuun, quốc vương Napoli v.v…" Nhưng những mệnh lệnh và báo cáo đều chỉ có thể trên giấy tờ, không có việc gì được thực hiện theo những mệnh lệnh đó cả, vì không nào thực hiện được, và tuy họ gọi nhau bằng những chức tước long trọng và xưng hô như anh em cùng họ, mọi người đều cảm thấy mình là những con người thảm hại và xấu xa đã làm nhiều điều ác mà nay họ phải trả nợ. Và tuy họ giả vờ lo lắng đến quân đội, mỗi người chỉ nghĩ đến cái thân mình và nghĩ cách làm sao trốn thoát cho nhanh.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Chiến Tranh và Hòa Bình.