• 742

X - Quyển hồn: Chương: 28


Số từ: 5307
Dịch giả: An Lý
NXB Văn Học
Nguồn: Sưu tầm
Chiều nay tôi không có hứng chợp mắt chút nào, máu trong mạch vẫn còn dồn dập. Tôi ngồi lên bệ cửa sổ, nhìn ra ngoài qua lớp rèm nửa trong suốt. Tấm áo ngủ trắng. Cửa đẩy hết cỡ, luồng gió phả vào, nóng sực mùi nắng, làn vải trắng phất ngang mặt tôi. Từ ngoài nhìn vào chắc thấy tôi như một cái kén, một bóng ma lớn vởn, mặt phủ tấm vải liệm, lờ mờ vài đường nét, sống mũi, cái miệng quấn băng, đôi mắt không nhìn thấy. Nhưng tôi thích cảm giác này, thích lớp vải mềm cọ khẽ qua da. Như là ở giữa đám mây.
Người ta đã cho cái quạt điện nhỏ, trời ẩm thế này cũng cần. Nó rừ rừ kêu trên sàn, trong góc, các lưỡi cánh quạt nhốt giữa khung sắt. Moira ắt đã biết cách tháo tung ra, chỉ còn là những cạnh sắc. Không có tuôc nơ vit, nhưng Moira ắt đã làm được không cần tuôc nơ vit. Tôi không phải Moira.
Cô sẽ nói gì, về Chủ soái, nếu ở đây? Gần như chắc chắn sẽ không bằng lòng. Cô đã không bằng lòng Luke, hồi ấy. Không phải vì Luke, mà vì chuyện anh đang có vợ. Cô nói tôi đang đánh quả trên đất người đàn bà khác. Tôi nói Luke không phải cá hay cục đất, anh là người và tự quyết định được cho mình. Cô nói tôi đang ngụy biện. Tôi nói tôi đang yêu. Cô nói không thể lấy đó làm cớ. Moira lúc nào cũng có lý hơn tôi.
Tôi nói bản thân cô đâu có gặp vấn đề ấy nữa, vì cô đã chọn chỉ ưa đàn bà, mà theo tôi thấy cô đâu có đắn đo gì khi đánh cắp, hay mượn tạm họ lúc nào có hứng. Cô nói chuyện đó khác, vì cán cân quyền lực giữa đàn bà ngang nhau nên sex là một giao dịch bình đẳng, quân tử. Tôi nói tự thân từ ngữ của cô đã thiên vị giới tính, nếu cô thích nói kiểu đó, và đằng nào thì chủ đề này cũng đã xưa rồi. Cô nói tôi đã xem nhẹ vấn đề và nếu tôi nghĩ nó xưa rồi thì chỉ là con đà điểu cắm đầu xuống cát mà thôi.
Cuộc đối đáp ấy diễn ra trong bếp nhà tôi, cà phê trong tay, chúng tôi ngồi bên bàn, nói nhỏ và sôi nổi như mọi cuộc tranh luận khác hồi vừa qua tuổi hai mươi, di chứng thời đại học. Bếp nằm trong một căn hộ xập xệ thuộc một ngôi nhà ván ghép gần sông, loại có ba tầng cộng một cầu thang đằng sau, khi đi thì rung bần bật. Tôi ở tầng hai, địa điểm hứng tiếng ồn cả từ trên lẫn dưới, hai đĩa nhạc không mời thùm thụp tới khuya. Sinh viên cả, tôi biết. Tôi vẫn đang ở chỗ làm đầu đời, lương không khá lắm: lĩnh một cỗ máy tính trong một công ty bảo hiếm. Vì thế các khách sạn, có Luke trong đó, với tôi không chỉ là tình yêu, thậm chí cũng không chỉ là tình dục. Chúng còn là khoảng thời gian phi gián, phi bồn rửa nhỏ giọt, phi vải sơn lát sàn đang lóc ra từng mảng, phi cả những nỗ lực cá nhân trang điểm lại đời bằng những tấm poster dán tường và lăng kính màu treo cửa sổ. Tôi trồng cả cây nữa, dù sớm muộn chúng cũng làm tổ trứng nhện hay rũ đi vì thiếu nước. Tôi đi chơi với Luke, cây cối ở lại với lãng quên.
Tôi nói không chỉ có một loại đà điểu và nếu Moira nghĩ có thể xây vườn địa đàng bằng cách bế quan tỏa cảng chính mình trong một thứ nữ quốc thì đáng buồn là cô đã nhầm. Đơn giản là đàn ông sẽ không biến mất, tôi nói. Không thể cứ lờ họ đi là xong.
Nói thế thì cũng như bảo cậu nên ra ngoài rước lấy giang mai, chỉ vì nó tồn tại, Moira nói.
Cậu bảo Luke là một thứ bệnh xã hội hả? Tôi nói.
Moira cười to. Chúng mình đang nói gì đây, cô nói. Mẹc nhà nó chứ. Cứ y như mẹ cậu.
Thế là hai đứa cùng cười, và lúc cô về chúng tôi lại ôm nhau tạm biệt như mọi khi. Có một dạo chúng tôi không ôm nhau, khi cô mới tiết lộ mình đồng tính; nhưng rồi cô nói tôi không kích thích cô, trấn an tôi, và chúng tôi quay lại thói quen xưa. Chúng tôi có quát tháo và văng đủ từ ngữ đấy, nhưng bên trong không có gì thay đổi. Cô vẫn như trước, bạn cố cựu của tôi.
Cô là bạn cố cựu của tôi.
Rồi tôi chuyển đến một căn hộ tử tế hơn, sống qua khoảng thời gian hai năm cần cho Luke giải phóng mình. Tiền thuê tôi tự trả, bằng lương chỗ làm mới. Ở một thư viện, không phải cái nơi hoành tráng có Tử thần và Chiến thắng, một chỗ nhỏ hơn.
Tôi làm cái việc nhập sách vào đĩa vi tính, giảm khối lượng lưu trữ cũng như chi phí thay mới, là theo họ bảo.
Những con đỉa, chúng tôi tự gọi mình. Và gọi thư viện là tổ đỉa, để cười riêng với nhau. Sách nhập xong đúng ra sẽ vào máy xắt tài liệu, nhưng đôi lúc tôi đem về nhà. Tôi thích cảm giác khi chạm vào chúng, thích nhìn ngắm chúng. Luke nói tôi có tư duy nhà sưu tầm cổ vật. Anh thích thế, chính anh cũng thích những thứ xưa cũ.
Lạ lùng biết bao, giờ đây, khi nghĩ về chuyện đã đi làm. Làm. Một từ thật ngộ. Đàn ông làm việc. Làm đi con, người lớn nói với lũ trẻ đang tập ngồi bô. Hoặc chó: nó lại làm một cú trên thảm rồi. Phải lấy báo cuộn lại mà quất, mẹ tôi bảo. Tôi vẫn còn nhớ thời còn có báo, dù tôi chưa bao giờ nuôi chó, chỉ có mèo.
Ai dám hỏi Người:
Ngài làm gì thế?
Trong sách Job.
Từng ấy đàn bà làm việc: giờ thật khó hình dung, nhưng đã hàng nghìn người từng đi làm, hàng triệu. Điều đó xưa là chuyện thường. Giờ chuyện đó khi nhớ lại cũng như tiền giấy, cái thời còn lưu hành. Mẹ vẫn còn giữ một ít, dán trong cuốn an bum cùng những tấm ảnh hồi trẻ. Thời đó tiền giấy đã hết sử dụng, không thể dùng mua gì cả. Những mảnh giấy vuông, dày xốp, nhơm nhớp trên tay, tô màu lá cây, hai mặt đều có hình, lão già nào đó đội tóc giả, mặt kia kim tự tháp với một con mắt trên đỉnh. Có viết In God We Trust. Mẹ bảo ngày xưa người ta thường dán bên máy tính tiền, để đùa cho vui: Con gửi trọn vào Chúa, họ tiền mặt trả liền. Giờ như thế sẽ coi là báng bổ.
Phải mang những mảnh ấy theo khi đi mua sắm, dù tới khoảng tôi lên chín hoặc mười người ta đã dùng thẻ plastic. Rau quả thì vẫn chưa, cái đó phải sau. Thật là cổ đại, nguyên thủy nữa là khác, như tiền vỏ ốc. Chắc tôi cũng đã dùng thứ tiền ấy, ít lâu, trước khi tất cả chuyển qua Băng vi tính.
Giờ tôi thấy chính là nhờ thế họ mới có thể làm được vậy, theo cách ấy, đùng một lúc, không ai lường trước được. Nếu vẫn còn tiền mang được theo người, chắc chắn sẽ khó khăn hơn.
Chuyện xảy ra sau đại họa, tổng thống bị bắn và súng máy xả vào Quốc hội, quân đội tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Trách nhiệm đổ lên đầu đám Hồi giáo cực đoan, hồi ấy.
Hãy bình tĩnh, ti vi nói. Mọi chuyện đều trong vòng kiểm soát.
Tôi điếng hồn. Dân chúng điếng hồn, tôi biết. Không thể tin nổi. Toàn bộ chính quyền, biến mất trong nháy mắt. Làm sao chúng vào được, làm sao có thể?
Ấy là lúc Hiến pháp bị đình lại. Họ nói chỉ là tạm thời. Thậm chí còn không có bạo động trên đường phố. Dân chúng ở yên trong nhà khi tối đến, bật ti vi, trông chờ phương hướng. Thậm chí không có lấy kẻ thù để chỉ mặt đặt tên.
Mở mắt mà xem nhé, Moira bảo tôi, qua điện thoại. Bắt đầu rồi đấy.
Bắt đầu cái gì? Tôi hỏi.
Cứ đợi mà xem, cô nói. Cái này đã tích lũy từ lâu rồi. Giờ tớ với cậu là tới chân tường rồi, bé yêu. Cô đang lặp lại câu nói yêu thích của mẹ tôi, nhưng không có ý đùa vui.
Tình trạng hoạt động ngưng trệ đó kéo dài vài tuần, dù cũng có chuyện xảy ra. Báo chí bị kiểm duyệt, mấy tòa báo đóng cửa, vì lý do an ninh, theo tuyên bố chính thức. Các chốt kiểm soát bắt đầu xuất hiện, cùng với thẻ Căn cước thông hành. Mọi người đều thuận lòng, bởi rõ ràng cẩn tắc vô áy náy. Nghe nói sẽ có bầu cử lại, nhưng cũng nghe nói cần chuẩn bị ít lâu. Nhiệm vụ của mọi người, người ta bảo, là cứ tiếp tục như thường.
Nhưng các Siêu thị kích dục cũng bị đóng cửa, và xe tải Tình trên từng cây số hay lảng vảng qua Quảng trường cũng mất tăm. Nhưng tôi cũng không lấy làm tiếc. Ai cũng biết chúng rầy rà đến mức nào.
Rõ ràng đến lúc ai đó phải làm gì đó rồi, đấy là ý kiến người phụ nữ đứng quầy, ở cửa hàng tôi vẫn mua thuốc lá. Cửa hàng ở góc đường, một sạp báo nhỏ: tạp chí, thuốc lá, kẹo. Bà đã đứng tuổi, tóc đã bạc, thuộc thế hệ mẹ tôi.
Người ta cứ thế dẹp chúng đi, hay là sao? Tôi hỏi.
Bà nhún vai. Ai biết, ai thèm biết, bà nói. Có thể chỉ chuyển chúng đi đâu đó. Cố trừ cho tiệt cũng như cố giẫm chết chuột, cháu hiểu không? Bà nhập Mã vi tính của tôi vào máy, cũng chẳng nhìn qua: tôi là khách quen rồi. Mọi người đang phàn nàn, bà nói.
Sáng hôm sau, trên đường đến thư viện làm việc, tôi lại tạt vào đó mua thêm bao nữa, vì đã hết sạch. Dạo này tôi hút nhiều hơn, là tại sức căng, có thể cảm thấy nổ, như tiếng ì ầm dưới lòng đất, dù sự tình có vẻ im ắng quá chừng. Tôi cũng uống nhiều cà phê hơn, đêm khó ngủ. Ai nấy đều hơi bứt rứt.
Đài phát nhiều nhạc hơn hẳn, nói ít hơn.
Khi đó chúng tôi lấy nhau rồi, hàng năm rồi thì phải; con đã ba bốn tuổi rồi, gửi nhà trẻ.
Chúng tôi đã dậy như lệ thường, ăn sáng - yến mạch bỏ lò, tôi còn nhớ, và Luke đã lái xe đưa con đi, mặc bộ đồ tí xíu tôi mới mua cho vài tuần trước, Quần yếm sọc với áo phông xanh lam. Là tháng mấy đây? Chắc phải là tháng Chín. Nhà trường có xe đưa đón học sinh, nhưng không hiểu vì sao tôi muốn Luke đưa con đi, giờ tôi e ngại ngay đến xe của trường. Giờ trẻ con không tự đi đến trường nữa, đã có quá nhiều vụ mất tích rồi.
Khi đến cửa hàng góc đường, tôi không thấy bà bán hàng mọi khi. Thế vào đó là một người đàn ông, còn trẻ, nhìn không quá hai mươi tuổi.
Bà ốm à? Tôi hỏi khi đưa thẻ ra.
Ai? anh ta hỏi, tôi cảm giác hơi gây sự.
Bà vẫn bán ở đây ấy, tôi nói.
Biết thế nào được, anh ta nói. Anh ta đang nhập mã tôi vào, dò dẫm từng con số, mổ cò bằng một ngón tay. Thấy rõ chưa bao giờ làm việc này. Tôi gõ ngón tay trên quầy, sốt ruột chờ điếu thuốc, nghĩ vu vơ liệu đã có ai trên đời chỉ bảo gì anh ta cách xử lý mấy cái mụn trên cổ chưa. Tôi vẫn còn nhớ rõ anh ta trông ra sao: cao, hơi khòng, tóc đen xén cao, hai mắt nâu hình như chỉ chú vào năm phân dưới sống mũi tôi, và thứ da liễu đó. Chắc tôi còn nhớ kỹ đến vậy là vì những điều anh ta nói ngay sau đó.
Xin lỗi, anh ta bảo. Số này không hợp lệ.
Vô lý, tôi nói. Sao lại không hợp lệ, tài khoản của tôi còn hàng nghìn. Tôi nhận sao kê vừa hôm kia. Thử lại đi.
Số không hợp lệ, anh ta lặp lại dai dẳng. Thấy đèn đỏ chưa? Nghĩa là không hợp lệ.
Chắc cậu gõ nhầm rồi, tôi nói. Thử lại đi.
Anh ta nhún vai cười vẻ chán ngán, nhưng vẫn nhập lại. Lần này tôi theo dõi từng ngón tay, trên từng phím, kiểm tra lại số hiện trên màn hình. Đúng là mã của tôi, nhưng đèn đỏ vẫn hoàn đèn đỏ.
Thấy chưa? Anh ta nhắc lại, vẫn kiểu cười ấy, như biết một trò chơi khăm bí mật mà không định kể với tôi.
Tới cơ quan tôi sẽ gọi cho họ, tôi nói. Hệ thống trước đây cũng đã trục trặc, nhưng thường một hai cú điện thoại là đâu vào đấy. Nhưng dù sao tôi cũng tức điên, cứ như mình đã bị kết tội bất công một điều thậm chí còn không biết. Cứ như chính tôi phạm lỗi không bằng.
Chị cứ việc, anh ta thờ ơ bảo. Tôi để bao thuốc lại trên quầy, tôi có trả tiền đâu. Chắc tôi có thể xin đồng nghiệp một ít.
Tới cơ quan tôi gọi thật, nhưng chỉ gặp máy trả lời tự động. Đường dây quá tải, băng ghi âm nói. Tôi có thể vui lòng gọi lại sau được không?
Đường dây quá tải nguyên buổi sáng, theo như tôi thấy. Tôi có gọi lại vài lần, nhưng không ăn thua. Cả chuyện đó cũng không quá khác thường.
Khoảng hai giờ, sau giờ ăn, giám đốc đi vào phòng nhập đĩa.
Tôi có điều cần nói với các chị, ông nói. Trông ông rất thảm: tóc tai bù xù, mắt đỏ đảo tròng, như vừa mới uống rượu.
Chúng tôi đều nhìn lên, tắt hết máy móc. Phòng có cả thảy tám hay mười người gì đó.
Tôi rất tiếc, ông nói, nhưng đây là luật. Tôi thực sự vô cùng rất tiếc.
Vì chuyện gì cơ? Ai đó cất tiếng.
Tôi bắt buộc phải để cho các chị đi, ông nói. Đây là luật, tôi bắt buộc phải làm thế. Tôi phải để cho tất cả các chị đi. Ông nói gần như dịu dàng, như chúng tôi là thú hoang, là ếch ông bắt được, nhốt trong bình, như thể đang rón tay làm phúc.
Chúng tôi bị đuổi à? Tôi hỏi. Tôi đứng dậy. Nhưng tại sao?
Không phải bị đuổi, ông nói. Để cho đi. Các chị không thể làm việc ở đây nữa, đấy là luật. Ông lùa tay lên tóc và tôi nghĩ, Ông này điên rồi. Sự căng thẳng đã đè bẹp ông, khiến ông chập mạch.
Ông không thể nói thế là xong được, chị ngồi cạnh tôi nói. Lời ấy vang lên lạc chỗ, không phải lối, như lời thoại trên truyền hình.
Không phải tại tôi, ông nói. Các chị không hiểu. Làm ơn đi đi, đi ngay đi. Giọng ông cao lên. Tôi không muốn phiền phức. Nếu gặp phiền phức sách có thể sẽ mất, mọi thứ sẽ hỏng cả... Ông ngoái nhìn đằng sau. Họ ở ngoài kia, ông nói, trong phòng tôi. Nếu các chị không đi ngay họ sẽ tự vào đây. Họ chỉ cho tôi mười phút. Đến giờ ông đã có vẻ cực kỳ điên loạn.
Ông này thần kinh, ai đó lớn tiếng; chắc là điều chúng tôi đều nghĩ.
Nhưng tôi ngồi chỗ nhìn thẳng ra hành lang, và thấy hai người đứng đó, mặc quân phục, mang súng máy. Cứ như sân khấu, không thể là thật, thế mà là thật: ma hiện hồn th́nh ĺnh, người sao Hỏa xuống. Họ như trong mơ hiện ra; họ quá sống động, quá trái ngược với khung cảnh xung quanh.
Cứ để máy lại đó, ông nói trong lúc chúng tôi sắp dọn đồ đạc, lũ lượt đi ra. Cứ như chúng tôi có thể mang hết theo.
Chúng tôi dồn cục lại, trên bậc thềm bên ngoài thư viện. Không biết phải nói gì với nhau. Bởi không ai hiểu thực sự có chuyện gì, chúng tôi chẳng có gì để nói. Chúng tôi nhìn nhau, chỉ thấy lo âu, và cả hổ thẹn nữa, như đã bị bắt quả tang làm điều không được phép.
Thật đáng phẫn nộ, một người nói, mà không hoàn toàn tin điều mình nói. Không hiểu vì sao mà chúng tôi đều cảm thấy mình đáng nhận cảnh này?
Khi tôi về đến nhà, nhà vắng lặng. Luke vẫn đang giờ làm, con ở trường. Tôi mệt mỏi, mệt đến rã rời, nhưng ngồi xuống rồi tôi lại đứng lên, tôi không thể ngồi yên được. Tôi tha thẩn khắp nhà, từ phòng này qua phòng khác. Tôi nhớ mình đã chạm tay vào nhiều thứ, cũng không phải chủ tâm, chỉ lướt khẽ ngón tay; có lẽ là máy nướng bánh, bát dựng đường, gạt tàn phòng khách. Một lúc sau tôi bế con mèo lên ôm nó theo. Tôi muốn Luke về. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó, thi hành một số biện pháp, nhưng không biết có thể là biện pháp gì.
Tôi lại thử gọi đến nhà băng, nhưng vẫn nghe đoạn băng cũ. Tôi rót cho mình cốc sữa - tự bảo mình đang quá nhột nhạt không nên uống thêm cà phê - và đi vào phòng khách ngồi xuống xô pha mà đặt cốc sữa lên bàn trà, thật nhẹ tay, không uống hớp nào. Tôi ôm chặt con mèo để nghe nó gừ gừ sát cổ họng.
Một lát sau tôi lại gọi đến căn hộ mẹ, nhưng không ai nhấc máy. Tới năm đó mẹ đã ổn định hơn, không còn cứ vài năm lại chuyển chỗ một lần nữa; mẹ sống bên kia con sông, ở Boston. Tôi đợi thêm một lúc rồi gọi Moira. Cả cô cũng không có nhà, nhưng nửa tiếng sau gọi lại thì có. Giữa những cú phôn tôi chỉ ngồi thừ trên ghế. Trong đầu tôi là bữa trưa ở trường của con. Tôi cảm tương dạo này chuẩn bị cho con quá nhiều bánh xăng uých bơ lạc.
Tớ bị đuổi rồi, tôi bảo Moira khi rốt cục cũng gọi được cô. Cô nói sẽ qua ngay. Dạo đó cô đang làm cho một hội đoàn phụ nữ, bộ phận xuất bản. Họ ra sách về tránh thai, cưỡng hiếp và mấy thứ đại loại thể, dù lúc này không còn nhu cầu cao như trước đây.
Tớ qua ngay, cô nói. Chắc nghe giọng tôi cô đã đoán được đấy là điều tôi cần.
Một lúc sau cô tới. Thế nào, cô bảo. Cô bỏ tuột áo ngoài, ngồi giạng chân tay trong cái ghế quá khổ. Kể đi. Chúng mình uống gì trước đã.
Cô đứng dậy vào bếp và pha hai ly Scotch, lại trở lại ngồi xuống và tôi cố gắng giải thích đã gặp chuyện gì. Khi tôi kể xong, cô hỏi, Hôm nay thử mua gì bằng Thẻ vi tính chưa?
Rồi, tôi nói. Tôi kể luôn chuyện đó.
Chúng nó phong tỏa tài khoản rồi. Của tớ cũng thế. Của hội đoàn cũng thế. Bất kỳ cái nào đề chữ Nữ thay vì chữ Nam. Tất cả chỉ là nhấn vài cái nút. Chúng mình được cho rơi.
Nhưng tớ có hơn hai nghìn đô trong đó, tôi nói, cứ như tài khoản của tôi là vấn đề duy nhất đáng bàn.
Đàn bà giờ không có quyền sở hữu tài sản nữa, cô nói. Đấy là luật mới. Hôm nay bật ti vi chưa?
Chưa, tôi nói.
Nó có nói đấy, cô nói. Đâu đâu cũng nói. Cô không bị choáng váng, như tôi. Cô có vẻ thích chí một cách kỳ quặc, như trông chờ điều này đã lâu và giờ thì thấy chưa, cô đã bảo mà. Trông cô còn phấn chấn hơn, cả quyết hơn thường ngày. Luke có thể dùng thay Khoản vi tính của cậu, cô nói. Sẽ chuyển mã cậu sang anh ấy, ít ra là chúng nó bảo thế. Chồng hoặc người thân nam gần nhất.
Thế cậu thì sao? Tôi hỏi. Cô không có ai cả.
Tớ sẽ rút vào ngầm, cô nói. Trong đám đồng tính có người sẽ lấy mã và mua hộ những thứ chúng tớ cần.
Nhưng tại sao? Tôi hỏi. Sao lại thế?
Việc chúng ta không phải là bàn tại với chả sao, Moira nói. Chúng cần phải làm thế, cả tài khoản lẫn việc làm, cùng lúc. Bằng không, cậu cứ tưởng tượng sân bay mà xem? Chúng không muốn chúng mình đi đâu cả, tớ cuộc đấy.
Tôi tới trường đón con. Tôi lái xe thận trọng quá đáng. Luke về đến nhà, tôi đã ngồi bên bàn bếp. Con thì ngồi vẽ bằng bút dạ ở bàn riêng nhỏ xíu góc phòng, những bức tranh rồi sẽ dán lên đó cạnh tủ lạnh.
Luke quỳ xuống bên cạnh ôm lấy tôi. Anh nghe rồi, anh nói, trên xe, trên đường về. Đừng lo quá, anh chắc chỉ tạm thời thôi.
Họ có nói vì sao không? Tôi hỏi.
Anh không trả lời. Chúng mình sẽ vượt qua mà, anh nói, ôm siết tôi.
Anh không hiểu cảm giác thế nào đâu, tôi nói. Em cảm thấy như có người cắt lìa hai bàn chân mình. Tôi không khóc. Nhưng tôi cũng không ôm trả anh được.
Chỉ là một chỗ làm thôi mà, anh nói, cố vỗ về tôi.
Em chắc là anh sẽ được nhận hết tiền của em, tôi nói. Mà em còn chưa chết đấy. Tôi cố đùa, nhưng nghe ra lại khá rùng rợn.
Đừng nói thế, anh nói. Anh vẫn quỳ trên sàn. Em biết anh sẽ luôn chăm sóc em mà.
Tôi nghĩ, Chưa chi anh đã định cha chú với mình rồi đấy. Rồi tôi nghĩ, Chưa chi mày đã hoảng vía lên rồi.
Em tiếc, tôi nói. Em yêu anh.
Sau đó, khi con đã vào giường ngủ còn chúng tôi ăn tối, khi tôi không còn quá run rẩy, tôi kể lại buổi chiều cho anh. Tôi mô tả ông giám đốc vào phòng, buột ra tuyên bố. Nếu nó không đáng sợ đến vậy thì chắc đã buồn cười lắm, tôi nói. Em tưởng ông ta say. Cũng có thể say thật. Có cả quân đội và đủ thứ nữa.
Rồi tôi nhớ ra một điều đã nhìn thấy nhưng không chú ý, vào lúc đó. Không phải quân đội quốc gia. Mà là một quân đội khác.

Đã có biểu tình, tất nhiên, rất nhiều phụ nữ với vài người đàn ông. Nhưng quy mô nhỏ hơn nhiều so với tưởng tượng. Có lẽ mọi người khiếp sợ. Và khi rõ rành rành là cảnh sát, hay quân đội, hay bất kể toán đó gọi là gì, sẽ nổ súng gần như tức thời khi đám người bắt đầu xuống phố, những người biểu tình bỏ cuộc. Vài nơi bị đặt bom, nhà bưu điện, ga tàu điện ngầm. Nhưng còn không thể biết chắc là do ai. Có thể do chính quân đội, để có cớ lục soát các máy tính và lục soát ngoài máy tính nữa, từng nhà.
Tôi không tham gia cuộc biểu tình nào. Luke bảo làm thế phí công vô ích và tôi phải nghĩ đến mọi người, gia đình tôi, anh và con nữa. Tôi đã nghĩ về gia đình mình. Tôi bắt đầu dọn dẹp nhiều hơn, nướng bánh nhiều hơn. Tôi cố không khóc khi giờ ăn đến. Độ này tôi bắt đau hay khóc, bất thình lình, và hay ngồi bên cửa sổ phòng ngủ, mông lung nhìn ra. Tôi không quen nhiều hàng xóm, và khi gặp nhau, ngoài đường, chúng tôi cẩn trọng không trao đổi nhiều hơn chào hỏi thông thường. Không ai muốn bị mách lại, buộc tội bất trung.
Nhớ lại chuyện này, tôi cũng nhớ lại cả mẹ tôi, nhiều năm trước. Chắc vào khoảng tôi mười bốn, mười lăm, cái tuổi con gái dễ xấu hổ vì mẹ mình nhất. Tôi nhớ mẹ trở về căn hộ nào đó, một trong vô số nơi chúng tôi đã sống, với một bầy phụ nữ khác, trong số bạn bè không ngừng đổi mặt. Hôm đó họ vừa biểu tình về; đó là vào quãng bạo động chống khiêu dâm, hay là chống phá thai, hai cái cũng gần nhau. Đánh bom khắp nơi: các phòng khám, cửa hàng băng; khó ghi nhớ được.
Trên mặt mẹ tôi có vết bầm, và ít máu. Không thể thò tay qua cửa kính mà không bị đứt, mẹ bình phẩm gọn lỏn. Éo mẹ quân lợn.
Éo mẹ quân hút máu, một người trong đám bạn nói. Họ gọi phe bên kia là quân hút máu, do biểu ngữ của họ: Mặc chúng chảy máu. Vậy chắc là vụ phá thai.
Tôi vào phòng ngủ, tránh mặt họ đi. Họ nói quá nhiều, quá ồn ĩ. Họ phớt lờ tôi, còn tôi căm ghét họ. Cả mẹ lẫn đám bạn lỗ mãng. Tôi thật không hiểu sao mẹ phải ăn mặc lối đó, quần yếm nữa, cứ như còn trẻ trung lắm, không hiểu sao mẹ phải văng tục luôn miệng.
Con đúng là con rùa rụt cổ, mẹ thường bảo tôi, giọng điệu thực ra khá hài lòng. Mẹ thích tỏ ra tợn tạo hơn, nổi loạn hơn tôi. Thiếu niên bao giờ cũng đúng là rùa rụt cổ.
Một phần tôi không bằng lòng mẹ là do thế, tôi biết: công thức, thói quen. Nhưng ngoài ra tôi còn mong mẹ cho được mình một cuộc sống nghiêm chỉnh hơn, bớt tạm bợ và phiêu bạt.
Con được sinh ra do ước muốn, có Chúa chứng giám, lúc khác mẹ lại nói, nấn ná qua từng trang an bum giúp mẹ đóng khung tôi; những an bum dày đặc bé sơ sinh, nhưng bản sao của tôi mỏng dần theo đà lớn lên, như là dân cư nước song sinh kia vừa phải hứng chịu bệnh dịch. Giọng mẹ khi đó thường hơi tiếc nuối, như thể cuối cùng tôi đâm ra không hoàn toàn như mẹ chờ mong. Chẳng có bà mẹ nào giống hệt, trăm phần trăm, ý niệm của trẻ con về mẹ, và tôi ðổ chừng ngýợc lại chắc cũng vậy. Nhýng bất chấp tất cả, chúng tôi sống với nhau cũng không ðến nỗi tồi, cũng khá bằng phần lớn cặp khác.
Tôi ýớc giá gì mẹ ở đây, để nói cuối cùng tôi cũng hiểu ra điều đó.
Ai đó đã ra khỏi nhà. Tôi nghe tiếng cửa đóng xa xa, từ phía tường bên, tiếng chân trên lối vào. Là Nick, giờ tôi đã thấy: anh ta bước khỏi lối đi, giẫm vào thảm cỏ, hít làn không khí ẩm hôi rình mùi đủ loại hoa, mùi thịt quả, mùi phấn vung từng nắm vào gió, như trứng sò phun vào đại dương. Gieo giống hoang tàng biết mấy. Anh ta vươn vai trong nắng, tôi cảm thấy vận động các cơ chạy dọc xuống người anh, như con mèo vồng lưng. Anh ta mặc độc sơ mi, hai tay trần trơ tráo mọc ra sau lần vải xắn lên. Đến đâu thì hết rám? Tôi vẫn chưa nói chuyện với anh từ đêm duy nhất đó, giấc như mơ trong phòng nghỉ sáng trăng. Anh ta chỉ là lá cờ, là cờ hiệu cho tôi. Ngôn ngữ cơ thể.
Lúc này mũ anh đang đội lệch. Nghĩa là tôi được cho đòi.
Anh ta được gì, đánh đổi lấy chân chạy vặt này? Anh ta nghĩ sao, khi lãnh vai trò dắt mối hết sức mập mờ này cho Chủ soái? Anh có thấy kinh tởm, hay anh thấy muốn nhiều hơn ở tôi, muốn tôi nhiều hơn? Bởi anh không thể biết trong đó thực sự diễn ra gì, giữa hàng chồng sách. Những trò xiếc khỉ, anh chỉ đoán thế là hết. Chủ soái và tôi, bôi mực đầy người nhau, liếm cho bằng sạch, hay làm tình trên những chồng báo cấm. Như thế cũng không sai quá đâu.
Nhưng nghĩ xem, anh ta phải được lợi gì đó. Mọi người đều kiếm chác, bằng cách nào đi nữa. Thêm suất thuốc lá chăng? Thêm suất tự do, vốn không dành cho đám tầm phàm? Mà dù sao, anh ta chứng tỏ được gì chứ? Chỉ có lời nói đối chứng lời Chủ soái, trừ khi anh ta kéo đặc nhiệm tới. Đá tung cánh của, tôi đã bảo còn gì? Bắt tại trận nhé, đương Scrabble tội lỗi. Mau lên, nuốt hết chữ đi.
Có thể anh ta chỉ khoái trá vì biết một điều bí mật. Nắm tẩy được tôi, như người ta từng nói. Loại quyền lực đó chỉ dùng được một làn.
Tôi rất muốn nghĩ về anh ta tốt hơn.
Đêm ấy, hôm tôi mất việc, Luke muốn chúng tôi yêu nhau. Tại sao tôi từ chối? Nếu chỉ có nỗi tuyệt vọng thì đã xui khiến tôi mới phải. Nhưng tôi còn như tê liệt. Còn hầu như không cảm thấy tay anh đặt trên người.
Em sao vậy? anh hỏi.
Em không biết, tôi nói.
Chúng mình vẫn còn... anh nói. Nhưng anh không nói nốt chúng tôi vẫn còn gì. Tôi sực nghĩ rằng anh không nên nói chúng mình, bởi theo như tôi thấy anh chưa bị tước mất gì cả.
Chúng mình vẫn còn có nhau, tôi nói. Và đúng là thế. Vậy thì sao lời tôi vẫn vang lên, ngay cả trong tai mình, lạnh nhạt thế này?
Rồi anh hôn tôi, như thể tôi nói vậy rồi, là mọi sự lại bình thường như trước. Nhưng có gì đó đã xê dịch, một cán cân đã xích. Tôi cảm thấy mình teo lại, và khi anh vòng tay ôm lấy tôi, kéo tôi sát lại, tôi bé nhỏ như búp bê. Tôi cảm thấy tình yêu đi qua, tôi đứng lại.
Anh không phiền lòng chuyện đó, tôi nghĩ. Không phiền chút nào. Biết đâu anh còn thích thế. Chúng tôi không còn là của nhau nữa. Bây giờ, tôi là của anh.
Không xứng đáng, không công bằng, không đúng. Nhưng chuyện là như vậy.
Này Luke: điều em muốn hỏi anh giờ đây, điều em cần biết, là: Em nghĩ vậy đúng không? Bởi chúng ta chưa bao giờ nói về chuyện đó. Cái thời còn có thể nói, em đã sợ. Em chẳng thể liều đánh mất anh.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Chuyện Người Tùy Nữ.