II – Mua sắm: Chương: 6
-
Chuyện Người Tùy Nữ
- Margaret Atwood
- 1785 chữ
- 2020-05-09 03:49:16
Số từ: 1774
Dịch giả: An Lý
NXB Văn Học
Nguồn: Sưu tầm
Quán Xương thịt một khu nhà, Ofglen dùng lại, như do dự nên theo lối nào. Chúng tôi có hai lựa chọn. Có thể đi thẳng về, hoặc đi vòng đường xa hơn. Chúng tôi đã biết sẽ đi đường nào, bởi lúc nào cũng đi đường đó.
Tôi muốn đi qua nhà thờ,
Ofglen nói, có vẻ sùng đạo lắm lắm.
Được thôi,
tôi nói, dù cùng biết rõ như cô nguyên do thực sự là ǵ.
Chúng tôi bước đi, trầm mặc. Mặt trời đã khuất, trên trời mây trắng như bông, trông như đàn cừu thiếu đầu. Có đôi cánh, như miếng che mắt ngựa hai bên, chúng tôi rất khó nhìn lên, khó nhìn bao quát, bầu trời cũng như mọi vật. Nhưng chúng tôi vẫn làm được, từng mảnh một: đánh đầu thật nhanh, lên hoặc xuống, sang hai bên. Chúng tôi đã luyện cách nhìn thế giới ghép từ nhiều chớp nhoáng.
Bên phải, nếu được quyền đi, là một con phố dẫn ra sông. Có một nhà thuyền, bến đậu cho thứ thuyền đua hai mái, ngày xưa, có cả mấy cái cẩu nữa; cây, bờ cỏ xanh, có thể ngồi đó ngắm nước trôi, ngắm các chàng trai trẻ để tay trần, mái chèo vung trong nắng khi ganh nhau đòi thắng.
Đường tới sông sẽ ngang qua các tòa ký túc ngày xưa, già dùng làm việc khác, với những tháp tròn trông như cổ tích, sơn trắng, vàng, xanh. Khi nghĩ về quá khứ chúng ta chỉ chọn nhớ những gì đẹp đẽ. Ta muốn tin rằng tất thảy đều như vậy xưa kia.
Sân bóng đá cũng trên đường đó, nơi tổ chức các buổi Cứu chuộc Đàn ông. Và cả các trận bóng nữa. Vẫn còn có bóng.
Tôi không còn ra sông nữa, cũng không qua cầu. Không đi xe điện ngầm, dù có một bên ngay đằng kia. Chúng tôi không được phép lên, giờ xe có Vệ binh canh, không có lý do chính thức nào để chúng tôi xuống những bậc kia, lên chuyến xe dưới lòng sông kia, đi vào trung tâm thành phố. Chúng tôi muốn đi từ đây vào đó làm gì? Phải có ý đồ xấu và họ sẽ biết ngay.
Nhà thờ khá nhỏ, một trong những ngôi cất lên đầu tiên, từ nhiều trăm năm trước. Giờ không làm lễ nữa, chỉ làm bảo tàng, ở trong treo nhiều tranh, vẽ đàn bà mặc váy dài ảm đạm, khăn trắng quấn kín tóc, và đàn ông đứng thẳng, ăn bận tối màu, miệng không cười. Tổ tiên chúng tôi đấy. Vào cửa tự do.
Nhưng chúng tôi không vào, mà đứng trên lối đi, nhìn sân nhà thờ. Những bia mộ cũ còn đó, tiều tụy, xói mòn, đầu lâu xươmg chéo, memento mori, thiên thần mặt bột, đồng hồ cát vỗ cánh nhắc nhở thời gian trần thế chóng qua, và, sang những thế kỷ sau, những bình tro và thùy liễu, làm chỗ gửi thương khóc.
Họ vẫn chưa làm gì mấy tấm bia, và cả nhà thờ nữa. Chỉ thời đại vừa qua mới chướng mắt họ.
Ofglen gục đầu, như thể đang cầu nguyện. Lần nào cũng thế. Có lẽ, tôi nghĩ, cũng có một người, một người đặc biệt đã mất, trong ký ức cô ta; một người đàn ông, hay một đứa trẻ. Nhưng tôi không thể hồn nhiên mà tin được. Tôi nghĩ cô ta thuộc loại người nhất cử nhất động đều là trình diễn, mỗi động tác đều được tính toán tác động. Cô ta làm thế để được vẻ, tôi nghĩ thế. Cô ta sẵn lòng khai thác mỗi cử chỉ của mình.
Nhưng hẳn tôi cũng vậy thôi, trong mắt cô ta. Làm sao khác được?
Giờ chúng tôi đã quay lưng lại nhà thờ và đối diện thứ mình thực tình tới viếng: Bức tường.
Bức tường cũng đã nhiều trăm tuổi; hoặc hơn trăm, ít nhất. Cũng như vỉa hè, tường xây bằng gạch đỏ, và chắc xưa kia từng trống trơn nhưng đẹp đẽ. Giờ các cổng có lính canh và mới gắn đèn pha, xấu xí, vào các trụ sắt trên cao, dây thép gai giăng dọc chân tường, mảnh chai cắm vào lớp xi măng bên trên.
Không ai tự ý vào qua những cổng này. Các biện pháp dự phòng là để ngừa những kẻ muốn thoát ra, dù ngay việc tới được tận Bức tường, từ trong ra, vượt hệ thống báo động điện tử, cũng đã gần như bất khả.
Bên cổng chính có thêm sáu xác ngưòi đang đu đưa, dây quanh cổ, tay buộc vào nhau trước bụng, đầu bọc túi trắng ngật sang bên trên vai. Chắc sáng nay có một đợt Cứu chuộc Đàn ông. Tôi không nghe chuông. Chắc vì đã quen rồi.
Chúng tôi dừng lại, cùng lúc, như theo hiệu lệnh, và đứng yên nhìn lên mấy cái xác. Nhìn cũng không sao. Chúng tôi cần nhìn là khác: chúng treo ở đây, trên Bức tường này, chính là vì thế. Có lúc chúng ở đây suốt vài ngày, tới khi có loạt mới, để càng nhiều người có cơ hội nhìn thấy càng hay.
Những cái xác treo vào móc. Móc đóng thêm vào lớp gạch của Bức tường, chính vì mục đích này. Vẫn còn móc trống. Mấy cái móc trông như dụng cụ hỗ trợ người cụt tay. Hay những dấu hỏi bằng thép, lộn ngược, xoay ngang.
Chính những cái túi bọc đầu mới là đáng sợ nhất, đáng sợ hơn cả những khuôn mặt giấu bên trong. Chúng khiến những người này trông như đám búp bê chưa vẽ mặt; như bù nhìn, mà cách nào đó cũng đúng thế, bởi họ được đặt đây nhằm gây khiếp sợ. Hoặc như đầu họ chỉ là cái túi, nhồi đầy một chất gì đó mịn xốp, bột mì hay bột nhào chẳng hạn. Đấy là vì sức nặng sờ sờ của những cái đầu, sự trống rỗng, trọng lượng đang kéo chúng xuống mà không còn sự sống dựng chúng thẳng lên. Những đầu này là những số không.
Cho dù nếu nhìn thật lâu, như chúng tôi đang làm đây, vẫn có thể phân biệt các đường nét lờ mờ sau lớp vải trắng, như những bóng xám. Đầu họ là đầu người tuyết, khi mắt bằng than và mũi cà rốt đã rơi ra. Những đầu này đang tan chảy.
Nhưng trên một túi có máu, thấm qua lần vải trắng, chỗ lẽ ra là miệng. Nó vạch ra cái miệng thứ hai, màu đỏ nho nhỏ, cứ như có đám trẻ mẫu giáo cầm bút lông đậm tô vào. Khái niệm cười kiểu trẻ con. Miệng cười bằng máu này là cái rôt cuộc lưu mắt lại. Suy cho cùng không phải là người tuyết.
Mấy người này mặc áo choàng trắng, như bác sĩ hoặc khoa học gia. Không phải chỉ có bác sĩ và khoa học gia, còn những người khác, nhưng chắc sáng nay có một đợt thanh tẩy họ. Cổ mỗi người treo một tấm biển cho biết tội đem xử: hình vẽ bào thai người. Vậy họ là bác sĩ, ngày xưa, hồi những chuyện đó còn hợp pháp. Người tạo Thiên sứ, họ được gọi vậy, hay là gì khác nhỉ? Giờ họ bị lôi ra ánh sáng nhờ tra soát trong sổ sách bệnh viện, hoặc - khả năng này cao hơn, bởi hầu hết bệnh viện đã hủy toàn bộ giấy tờ kiểu đó ngay khi người ta thấy được có gì sắp xảy ra - nhờ những nguồn chỉ điểm: một bà cựu y tá chẳng hạn, hoặc hai bà thì đúng hơn, vì giờ lời chứng của riêng một người đàn bà không được chấp nhận nữa; hoặc một bác sĩ khác, hòng cứu lấy mạng mình; hoặc ai đó đã bị kết tội rồi, văng ra một kẻ thù cũ, hoặc văng bừa ra người khác, tuyệt vọng mặc cả lấy an toàn. Dù không phải lúc nào người chỉ điểm cũng được khoan hồng.
Những người đó, chúng tôi được dạy, cũng như tội phạm chiến tranh. Không thể biện hộ rằng chuyện họ làm là họp pháp vào thời đó: quy định tội danh này có hiệu lực hồi tố. Họ đã làm những việc vô luân và phải đem ra bêu gương, cho đám còn lại. Dù cũng không cần mấy. Đàn bà, thời buổi này, không ai tỉnh táo mà còn tìm cách tránh sinh nở - là giả sử cô ta may mắn được thụ thai.
Trước những xác ấy, người ta muốn chúng tôi cảm thấy thù hận và khinh bỉ. Cảm giác tôi không thế. Những xác trên Bức tường kia là những kẻ vượt thời gian, lạc đến từ thời đại khác. Họ từ quá khứ về đây.
Cảm giác của tôi là vô cảm. Cảm giác của tôi là không được có cảm giác gì. Cảm giác của tôi phần nào còn là nhẹ nhõm, bởi trong số đó không có Luke. Luke ngày xưa không phải bác sĩ. Anh không phải là bác sĩ.
Tôi nhìn cái miệng cười màu đỏ lẻ loi. Màu đỏ ấy cũng là màu đỏ hoa uất kim hương trong vườn Serena Joy, gần đế hoa nơi bắt đầu lành lại. Cùng một màu đỏ nhưng không mối liên quan, uất kim hương không làm bằng máu, miệng cười đỏ không phải là hoa, cả hai không lý giải gì cho cái còn lại. Không thể vì hoa mà phủ nhận kẻ treo cổ, hay ngược lại. Mỗi vật đều có lý tồn tại riêng, và đều tồn tại đó. Và qua một rừng đầy những vật có lý như vậy tôi phải chọn lối mình, từng ngày, qua từng lối. Tôi bỏ rất nhiều sức cho những phân biệt đó. Tôi cần chúng. Tôi cần phải rạch ròi, trong tâm não.
Tôi cảm thấy còn run rẩy chạy qua người đàn bà bên cạnh. Cô ta khóc chăng? Như thế giúp cô ta tỏ vẻ ở chỗ nào được chứ? Tôi không thể trả giá để tìm hiểu được. Tay tôi đây đang siết chặt quai giỏ, tôi thấy thế, tôi sẽ không để lộ gì.
Bình thường, dì Lydia bảo, là những gì cô quen thấy xảy ra. Lúc này có thể cô nghĩ nó chưa bình thường, nhưng sau một thời gian sẽ khác. Nó sẽ trở thành bình thường.