• 742

III - Đêm: Chương: 7


Số từ: 1246
Dịch giả: An Lý
NXB Văn Học
Nguồn: Sưu tầm
Đêm thuộc về tôi, thời gian của riêng tôi, được làm gì tôi muốn, miễn là yên lặng. Miễn là bất động. Miễn tôi nằm yên. Khác nhau gì giữa nằm và ngủ. Ngủ vẫn có khi là chủ động. Chẳng phải đàn ông ngày trước vẫn nói, Tôi muốn ngủ với cô nàng. Dù cũng có khi nói, Tôi muốn được cô nàng cho ngủ. Mọi điều này chỉ thuần là phỏng đoán. Tôi không biết chắc đàn ông ngày trước nói gì. Họ bảo sao thì biết vậy.
Vậy là tôi nằm, trong phòng, dưới con mắt thạch cao trên trần, sau đôi rèm trắng, giữa lớp ga giường, phang phiu tuyệt đối, và bước sang bên, ra ngoài thời gian của mình. Ra ngoài mọi hệ thời gian. Dù đây là thời gian, mà tôi cũng không ra khỏi đó.
Nhưng đêm là thời gian cho tôi ra ngoài. Nên đi đâu?
Nơi nào tốt đẹp.
Moira, ngồi trên mép giường tôi, chân phải ghếch lên gối trái, đánh quần yếm màu tía, khuyên tai một bên đong đưa, móng tay sơn vàng cho ra vẻ khác đời, điếu thuốc kẹp giữa những ngón mập mạp, đầu ngón ố vàng. Đi uống bia đi. Cậu rắc tàn đầy giường tớ rồi, tôi nói.
Nếu trót lọt cậu đã không gặp phải chuyện này, Moira nói.
Nửa tiếng nữa, tôi nói. Tôi có bài phải nộp hôm sau. Là bài gì? Tâm lý học, Anh văn, kinh tế. Chúng tôi học những thể loại như vậy, hồi ấy. Trên sàn toàn sách, lật úp xuống, khắp nơi, vung phí.
Đi luôn đi, Moira nói. Không phải bôi trát gì hết, mỗi tớ thôi. Cậu viết bài gì? Tớ vừa xong một cái về cưỡng hiếp hậu cuộc hẹn.
Cưỡng hiếp hậu cuộc hẹn, tôi nói. Cậu tân thời nhỉ. Nghe như một trào lưu mới trong giới trẻ không bằng. Hãm hiếp hậu hẹn hò.
Há há, Moira đáp. Mặc áo vào đi.
Cô tự đi lấy áo quăng cho tôi. Tớ mượn năm đồng nhé, okay?
Hoặc trong công viên đâu đó, bên mẹ. Hồi đó tôi lên mấy? Trời lạnh, hơi thở bốc hơi trước mắt, cây cành trơ trọi; màu trời xẩm, hai con vịt trong hồ, sầu muộn. Vụn bánh mì dưới những ngón tay, trong túi áo. Phải rồi: mẹ nói mình đến cho vịt ăn.
Nhưng có vài phụ nữ đang đốt sách, đấy mới là lý do mẹ đến đây. Để gặp bạn mình; mẹ nói dối tôi, thứ Bảy lẽ ra là ngày của tôi chứ. Tôi quay lưng lại mẹ, tôi hờn, định ra với lũ vịt, nhưng ngọn lửa hút tôi trở lại.
Có cả đàn ông nữa, giữa những phụ nữ, và đấy không phải sách mà là tạp chí. Chắc có đổ xăng, bởi lửa bốc lên rất cao, và rồi họ bắt đầu nhồi tạp chí vào, ít một, dốc trong hộp ra. Một số lầm rầm, những kẻ rỗi hơi xúm lại nhìn.
Trông mặt họ sung sướng, gần như ngây ngất. Lửa là thế đấy. Ngay cả mặt mẹ, bình thường tai tái gầy gò, cũng hồng hào và hớn hở, như trên thiếp Giáng sinh; và lại còn một bà khác, to con, một vệt tro trên mặt và mũ len đan màu cam. Tôi nhớ kỹ bà.
Ném một cuốn vào không bé? bà hỏi. Hồi đó tôi lên mấy?
Rác bẩn thì phải đốt cho sạch, bà nói, cười khúc khích. Nhé? bà hỏi mẹ tôi.
Tùy cháu nó thôi, mẹ nói; mẹ luôn nói với người khác về tôi cứ như tôi không có đó.
Bà kia đưa tôi một cuốn. Trên đó có một cô rất đẹp, không mặc gì, treo từ trần xuống bằng một sợi xích quấn cổ tay. Tôi tò mò ngắm. Nó không làm tôi sợ. Tôi nghĩ cô đang đu dây, như Tarzan đu cành nho, trên ti vi.
Đừng để cháu nhìn cái đó, mẹ nói. Đây con, mẹ bảo tôi, quăng vào đây, nhanh lên.
Tôi ném cuốn tạp chí vào lửa. Nó lả tả lật ra do luồng khí nóng bốc lên từ chính mình đang cháy, những tàn giấy lớn rời ra, bay vào không trung, vẫn ngun ngút cháy, những mảnh thân thể đàn bà, biến thành tro xám, ngay trên không, trước mắt tôi.
Nhưng rồi có gì xảy ra, nhưng rồi có gì xảy ra?
Tôi biết mình đã để mất thời gian.
Hẳn phải có kim tiêm, thuốc uống, hay tương tự thế. Tôi không thể mất đi chừng ấy thời gian chỉ do mình. Cô bị một cơn choáng, họ bảo vậy.
Để rồi tôi trồi lên qua gầm thét và hỗn loạn, như sóng cồn trắng xóa. Tôi còn nhớ đã khá bình tâm. Tôi còn nhớ đã gào thét, cảm giác như gào thét dù rất có thể chỉ là tiếng thì thầm, Nó đâu rồi? Các người làm gì nó rồi?
Không ra ngày hay đêm, chỉ là ánh nhập nhòa. Một lúc sau thấy lại ghế, và giường, và rồi cửa sổ.
Nó đang được chăm sóc tử tế, họ nói. Trong tay những người đủ năng lực. Cô không có năng lực, nhưng cô muốn dành cho nó những gì tốt nhất. Hay là không?
Họ cho tôi xem ảnh con, đứng ngoài trời trên bãi cỏ, khuôn mặt nhốt trong vành tóc trái xoan. Mái tóc sáng vuốt ngược ra túm chặt sau đầu. Nắm tay con là một bà xa lạ. Con chỉ cao tới khuỷu tay bà ta.
Các người giết nó rồi, tôi nói. Con trông như một thiên thần, nghiêm trang, cô đặc, từ không khí.
Con mặc tấm áo tôi chưa thấy bao giờ, trắng, buông kín chân.
Tôi những muốn tin mình chỉ đang kể chuyện. Tôi cần tin thế. Tôi phải tin thế. Ai tin được rằng chuyện kể chỉ là chuyện kể sẽ có cơ may cao hơn.
Nếu chỉ đang kể chuyện, tôi có toàn quyền làm chủ đoạn kết. Thế nên sẽ có đoạn kết, cho câu chuyện, và sau đó đời thực lại quay về. Tôi có thể nối tiếp chỗ đang bỏ dở.
Đây không phải tôi đang kể chuyện.
Đây cũng là tôi đang kể chuyện, trong đầu mình; trong lúc vẫn đang sống tiếp.
Kể, chứ không phải viết, bởi tôi không có đồ để viết và đằng nào viết lách cũng bị cấm. Nhưng nếu là kể chuyện, ngay cả chỉ trong đầu, cũng phải là tôi đang kể cho người nào đó. Không ai kể chuyện chỉ cho mình cả. Luôn luôn có người thứ hai.
Ngay cả nếu không có ai.
Một câu chuyện kể ra cũng như một lá thư. Người ơi, tôi nói. Chỉ là người thôi, không có tên. Gắn tên vào là người bị gắn vào thế giới hiện thực, là rước lấy may rủi, lấy hiểm nghèo: ai biết được ngoài kia cơ may là bao nhiêu, để sống sót, dành cho người? Tôi sẽ nói người ơi, người ơi, như một bài tình ca cổ. Người có thể chỉ nhiều hơn một người.
Người có thể chỉ hàng nghìn.
Giờ tôi không trực tiếp gặp hiểm nguy, tôi sẽ nói với người.
Tôi sẽ vờ như người nghe thấy tôi.
Nhưng chẳng ích gì, vì tôi biết người không nghe được.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Chuyện Người Tùy Nữ.