• 1,824

Dấu ấn


Số từ: 1104
Tác giả: Tuệ Nghi
Nhà xuất bản: NXB Hà Nội
-----
Nguồn sưu tầm: D.Đ. Lê Quý Đôn
Nhiều người hay nói rằng đồng hồ là thứ mà một người "Doanh nhân thành đạt" cần để ghi dấu ấn và làm nên phong cách tinh anh, phong cách "business" của họ.
Tôi cũng có một chiếc đồng hồ như thế.
Đó là vào sinh nhật lần thứ mười sáu của tôi, khi đó tôi mới bắt đầu tập tành học người ta làm kinh doanh, nhưng thật ra nó là mưu sinh thì đúng hơn. Vì nghèo quá. Vì lương bán hàng thuê không đủ để trang trải tiền thuê trọ, tiền điện nước, tiền sách vở, tiền học, tiền ăn, tiền thuốc thang khám bệnh cho mẹ. Các bạn trẻ bây giờ rầm rộ khởi nghiệp có bài bản, có khoa học, được gọi chung bằng ngôn từ quốc tế là start-up. Còn tôi ở thời điểm lúc bấy giờ chỉ là cố sao để làm ăn buôn bán, kiếm thêm đồng ra đồng vào để mà tồn tại được ở cái thành phố đắt đỏ này.
Sinh nhật năm đó, mẹ tặng tôi một chiếc đồng hồ, để mua được chiếc đồng hồ đó, mẹ tôi mất cả tháng không ăn bữa sáng, bớt lại tiền chợ. Mắm, muối, đường, tiêu ở trong nhà có cái gì tiết kiệm, cắt xén được là mẹ tôi bớt hết. Để dành được hơn một triệu đồng, mẹ đi bộ ra chợ quận, ghé tiệm đồng hồ lớn nhất ở đó để chọn mua cho tôi một chiếc, đến xe ôm cũng không dám đi vì sợ chiều đi, chiều về tốn thêm mấy chục ngàn, sợ thiếu tiền mua đồng hồ cho tôi.
Chiếc đồng hồ dây da màu nâu, mặt tròn mạ vàng, đựng trong một chiếc hộp da màu xanh rất đẹp. Mẹ tôi bảo đeo đi, mình đi làm ăn buôn bán có cái đồng hồ mà đeo với người ta cho nó lịch sự, mặc sơ mi công sở cũng đẹp nữa.
Những ngày mới lập nghiệp, rong ruổi hết hiệu may này tới hiệu may khác để chào vải lụa, đi mười tiệm thì hết mười tiệm lắc đầu. Bởi buôn có bạn, bán có phường, người ta có mối có mang cả rồi, đâu dễ gì một người lạ hoắc nhảy vảo mà có bạn hàng ngay được. Rồi lại phải chấp nhận bỏ chịu, bỏ gối đầu cho những tiệm nhỏ, may lẻ 1,2 bộ. Tới thu tiền nhiều khi chỉ được mấy trăm nghìn đồng. Rồi dần dần mới có nhiều bạn hàng hơn, bỏ được cho cả sạp vải ở chợ, bán cho người ta xách tay ra nước ngoài. Cuối cùng sau gần chục lần thương thảo trầy trật, đội nắng dầm mưa, chầu chực người ta, tôi mới có được hợp đồng xuất khẩu đầu tiên.
Làm kinh doanh thì chẳng thể đứng yên một chỗ được, phải vận động liên tục, đổi mới liên tục. Cái này bắt đầu bão hòa thì mình đã phải chuẩn bị đà để nhảy sang cái khác tiềm năng hơn. Trong mấy năm ngắn ngủi, tôi nhảy đủ thứ ngành. Từ linh kiện điện tử, bán di dộng ở cái thời smartphone ở Việt Nam chưa rầm rộ như bây giờ đến buôn bán nhà tầm trung, mở khách sạn, làm du lịch, buôn đá quý, buôn yến sào, mở chuỗi kinh doanh cơm văn phòng, B2B đủ thứ ngành hàng, làm vận hành - quản lý - đầu tư các dự án khu phức hợp, khách sạn, resort 5 sao theo thương hiệu quốc tế... Trải qua ngần đó thăng trầm, người ta chỉ nhắc đến những thành công của tôi bởi vì tôi còn trẻ, chứ ít ai đào sâu vào những khó khăn, những ngày cheo leo giữa bờ vực phá sản mà đã làm kinh doanh thì chắc ai cũng đôi lần phải trải qua, cả những ngày cảm thấy hụt hơi vì bản thân còn quá ít chuyên môn, sóng thương trường thì lớn mà sức người thì có hạn.
Lúc thu về mấy trăm nghìn đồng, tôi cũng đeo chiếc đồng hồ đó. Cho tới khi khá hơn, thu được tiền triệu, tiền chục triệu, tôi cũng vẫn đeo nó. Rồi khi có được những hợp đồng lớn hơn, trách nhiệm nặng nề hơn - Tôi vẫn chỉ đeo chiếc đồng hồ mẹ mua năm nào.
Tôi không có bộ sưu tập đồng hồ nào cả. Đó là chiếc đồng hồ duy nhất trong tủ trang sức của tôi. Sau tám năm dây da cũng đã sờn đi nhiều, dần cũ đi rồi. Thỉnh thoảng tôi vẫn mang đi thay pin, anh chủ tiệm đồng hồ bảo cái này bây giờ đáng giá chỉ vài trăm nghìn, sao không mua lấy một cái nạm kim cương mà đeo cho sang, hợp mốt hợp thời, tôi chỉ cười. Nhiều hôm tự dưng kim nó đứng, tôi cũng đứng tim theo, vội vội vàng vàng mang đi sửa. Đối với tôi nó là vô giá, là những ký ức thời nhọc nhằn, nhắc cho tôi nhớ có một thời đã từng khốn khổ như thế, một thời chẳng ai tin rằng tôi sẽ làm được ngoài mẹ tôi.
Tôi luôn tin một điều rằng, dấu ấn hay phong cách của một người nằm ở chính thần thái và phẩm chất của người đó, nằm ở những thứ vô hình ẩn sâu trong tâm hồn, là những thứ họ đã vượt qua, đã nếm trải và là những gì mà họ đã làm được cho bản thâ, cho gia đình và cho xã hội. Phong cách của một người hoàn toàn không thể khẳng định qua những phục sức đắt tiền, thời thượng.
Những phục sức đó là nghệ thuật, dành cho những người yêu thích và thật sự am hiểu về nó, cũng giống như chúng ta yêu thích một bản nhạc hay một món ăn chứ không phải là thứ để chứng tỏ với đời.
Có những người khi trở nên thành công hơn, giàu có hơn sẽ muốn vứt bỏ đi những điều đã cũ để tìm đến những điều mới mẻ hơn, đẹp đẽ hơn. Nhưng họ quên mất một chân lý rằng, những thứ cũ sờn tưởng chừng như chẳng còn đáng giá ấy, lại là những thứ đã đi theo họ trong suốt những năm tháng thăng trầm, đã từng là động lực của họ và đã chứng kiến biết bao nhiêu sự kiện thay đổi cuộc đời.
Và đối với tôi, dấu ấn của một thời nghèo khó ấy, cũng cần được trân trọng.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Cứ bình tĩnh! (Keep Calm).