• 1,824

Vũng lầy


Số từ: 2177
Tác giả: Tuệ Nghi
Nhà xuất bản: NXB Hà Nội
-----
Nguồn sưu tầm: D.Đ. Lê Quý Đôn
Trong một lần gần đây đi khảo sát dự án, xe của chúng tôi bị sa lầy. Người lái xe bắt đầu bẻ lái tứ tung, chân đạp ga liên tục, nhưng càng hì hục bẻ lái đạp ga thì chiếc xe càng lún sâu vào lầy, bùn đất văng đầy lên kính xe.
Cuộc sống này cũng vậy, khi ai đó rơi vào vũng bùn thì hoặc là xoay trở nhẹ nhàng để tìm cách vượt qua một cách có khoa học, hoặc là vũng vẫy để rồi càng lún sâu không có lối thoát.
Khi xe đi qua vũng lầy, làm tôi chợt nhớ về câu chuyện khoảng vài năm trước trong một talkshow đầu tiên của tôi ở Hà Nội, giữa rất đông người, tôi nhìn thấy một bạn rất đặc biệt, cậu bạn này lặng lẽ tìm cho mình một góc ngồi nghe hết talkshow, không đặt câu hỏi, nhưng ghi chép lại hầu hết những gì tôi nói lẫn các chia sẻ của những bạn đứng lên đặt câu hỏi. Sau buổi nói chuyện, bạn tiến lên phía trên hỏi tôi có thể cho bạn năm phút không, tôi gật đầu bảo có thể bạn sẽ đợi hơi lâu vì mọi người đang muốn chụp ảnh và ký tặng, bạn xua tay bảo không sao rồi lại đi xuống đứng ở một góc đợi tôi.
Thật sự bạn rất kiên nhẫn và ký tặng xong cho người cuối cùng thì đồng hồ cũng đã điểm hai giờ trưa, tôi biết bạn chưa ăn gì, nhưng bạn vẫn đợi.
Bạn tên Dũng.
Dũng sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo miền Bắc Trung bộ, hoàn cảnh cũng khá đặc biệt khi bố từng là một người nghiện ngập, mẹ lại cờ bạc lô đề, căn nhà gạch xiêu vẹo nhìn tới nhìn lui cũng chỉ còn mỗi cái xác. Nhà có ba anh em, Dũng là anh trai cả, dưới bạn còn thẳng Tít mười lăm tuổi và bé Mị mười hai tuổi, và Dũng thì lớn hơn tôi một tuổi. Dũng kể những bữa cơm của ba anh em may mắn thì được ăn no bụng, không may mà bố mẹ lời qua tiếng lại rồi cãi nhau thì mâm cơm văng tung tóe ra sân, tiếng đánh mắng gào khóc, tiếng chửi rủa kêu than đã ăn sâu vào tiềm thức của ba anh em. Những ngày mưa, nhà dột khắp nơi, nước chảy tong tong trong chiếc tahu nhôm cũng thủng lỗ chỗ trào cả nước ra sàn xi măng loang lổ. Bố thì ôm chai rượu ngồi một góc, hát nghêu ngao vài câu chán đời, mẹ thì chửi đổng sau bếp, tiếng mưa hòa lẫn tiếng người đánh vật nhau, loảng xoảng bát đĩa rơi vỡ, nhà chẳng còn mấy cái bát, mỗi lần đánh nhau thì chúng trở thành vũ khí để bố mẹ bạn ném vào nhau. Ba anh em đã lớn lên giữa khung cảnh như thế, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm.
Một ngày mùa hè nắng đỏ lửa, Dũng dạt nhà lên Hà Nội. Trong thâm tâm, Dũng chỉ muốn thoát khỏi cảnh cơ cực đó. Gia đình người ta dù có cơ cực cách mấy nhưng chỉ cần bố mẹ thương yêu nhau, đùm bọc con cái, thì cái nghèo, cái khổ nó cũng sẽ qua đi dần theo năm tháng, khi họ biết vun vén cho gia đình nhỏ bé. Nhưng nhà Dũng lại không được như thế, không có ai vun vén cho nó cả, bố mẹ Dũng mỗi người một đầu như muốn xé toạc căn nhà này ra làm đôi, xé toạc những ước mơ, hoài bão và cả tương lai của những đứa trẻ trong ngôi nhà đó.
Đến Hà Nội vào một ngày tờ mờ sáng, Dũng lang thang trên những con phố bắt đầu xuống đèn nường chỗ cho tiếng loảng xoảng bát đĩa của những gánh quà sáng. Hàng phở, hàng bún nghi ngút khói, thơm phức. Dũng nuốt nước bọt thèm một bát phở nóng hổi cho đỡ đói lòng. Nhưng không được, tiền trong túi chẳng có bao nhiêu. Nuốt vội gói xôi năm nghìn, Dũng ra chợ xem có ai thuê gì để làm không nhưng lang thang mãi đến tận trưa cũng chẳng ai thuê mướn gì.
Những ngày đầu đặt chân đến Thủ đô, Dũng vạ vật ngủ dưới gầm cầu, công viên, mái hiên nhà chờ xe bus, cho đến ngày được một nhóm trộm cắp trên địa bàn để ý tới, chúng nó lân la hỏi dò Dũng rồi rủ rê lôi kéo. Bụng thì cồn cào đói, quần áo thì cáu bẩn, một mái nhà che nắng che mưa cũng không có. Dũng tặc lưỡi, có khi phải xấu xa thì mới có cái mà bỏ vào mồm, muốn lương thiện kiếm đồng tiền chân chính từ sức lao động nhưng có ai thuê mướn gì đâu?
Rồi chẳng hiểu sao tới trước đêm chúng nó hẹn Dũng ra để xỉa đồ cho Dũng thị phạm, thị Dũng trốn biệt. Chắc cậu không có gan, hoặc Dũng nghĩ gì tôi cũng chẳng rõ. Chỉ biết rằng sau đó Dũng chẳng cố bám lấy trung tâm Thủ đô nữa mà dạt ra ngoại thành rồi xin được công việc hốt mùn cưa cho các lò gạch, đẩy gạch vào lò nung. Công việc tay chân quần quật cũng đủ cho Dũng no bụng ngày ba bữa. Thi thoảng nằm nước mặt lên nhìn bầu trời đen kịt lấp lánh những ánh sao, Dũng nhớ bố mẹ, nhớ các em, nhớ gia đình vô cùng. Phải rồi, cái gia đình đó dù ngổn ngang đến đâu thì cũng là nhà của Dũng, là nơi chốn để nhớ về, là những người thân ruột thịt, bỏ làm sao được.
Dũng cố gắng làm việc, mồ hôi mặn chát đổ xuống thấm đẫm những đồng tiền cũn mèm, cáu bẩn, nhưng là công sức lao động chân chính, trong đó có cả máu và nước mắt của người vất vả làm thuê nhưng lương thiện. Dũng giật mình nhớ lại cái cảnh bị lôi kéo đi cướp giật mà rùng mình. Trời đất, nhỡ mà sa chân theo thật, có khi bây giờ đang ăn cơm tù hoặc là nằm lại đâu đó nơi xa lộ rồi. Có gan thì làm giàu bằng công việc chính đáng để còn có cái mà tự hào chứ đi cướp giật thì thôi, thà chịu tiếng hèn chứ chẳng thể nào mà "gan" mấy cái chuyện thất đức đó được. Dũng tặc lưỡi, xếp đống tiền nhàu nhĩ vào thành một xấp, vuốt thẳng, gần một triệu, ngày mai gửi về quê cho mấy đứa em mau sách bút đi học, sắp vào năm học mới rồi.
Làm thuê ở lò gạch được ít lâu, Dũng lại chuyển sang học việc ở xưởng mộc của một đại gia ngành gỗ trong vùng. Dũng cũng tính chỉ làm ở lò gạch tạm thời, vì công việc trong lò gạch thủ công vốn vất vả và độc hại lại không học hỏi được gì nhiều. Từ ngày sang xưởng mộc, Dũng học thêm được rất nhiều thứ, nhờ chăm chỉ và tháo vát mà ông chủ cũng quý và đích thân dạy bảo thêm cho nhiều kỹ thuật về làm đồ gỗ mỹ nghệ. Tết năm đó, Dũng về thăm nhà, ở nhà thì chán ngán cảnh rượu chè của bố nhưng đi xa lại nhớ cái mùi khói bếp, nhớ cái mùi tóc khét nắng của thằng Tít, ngót năm nay nữa là thằng Tít thi đại học, Dũng tính tích cóp một ít để thuê cho thằng Tít cái phòng trọ đàng hoàng mà lo cho nó thi cử. Về nhà rồi Dũng mới biến tiền mà thỉnh thoảng Dũng gửi về, phần lớn đều bị bố nướng vào rượu mẹ ném vào đề. Thằng Tít và con Mị nghỉ học đã mấy tháng nay, đứa thì đi bán bánh rán ở ngoài chợ, đứa thì đi phụ hồ trên huyện để kiếm tiền ăn, tiền sống. Vậy mà thỉnh thoảng hai đứa nhỏ cũng phải chịu những trận đòn từ ông bố say rượu. Có lẽ ông bố cũng chẳng phải là xấu xa, làm gì có người cha nào xấu xa với con mình, do rượu, do ma men cả mà thôi.
Đau lòng, Dũng dắt luôn thằng Tít và con Mị ra Hà Nội. Dũng bảo với tôi rằng thà đưa chúng nó đi từ bây giờ, còn hơn để chúng nó sống trong cái cảnh đấy thêm một thời gian nữa thì hỏng người, hỏng cả cuộc đời. Dũng vẫn làm ở xưởng mộc, cái nhà trọ chưa đến một mét vuông ba anh em chen chúc nhau, nhưng đầm ấm lắm, vì chẳng có tiếng bát đũa rơi vỡ, chẳng có tiếng mắng chửi đánh đập, chẳng còn hơi men phả nồng nặc từ bố mà cũng chẳng thấy chủ nợ gào thét mỗi ngày trước cổng nhà vì tiền mẹ vay đánh lô đề. Nhiều bữa cơm chỉ có rau luộc, nước rau dầm sấu và một quả trứng luộc xẻ làm ba chấm nước mắm, vậy mà ba anh em Dũng vẫn bảo bọc cưu mang lấy nhau giữa chốn đô thị đất chật, người đông ấy.
Một thời gian chật vật và thích nghi với cuộc sống mới nơi phố thị. Tít và Mị đã được đi học trở lại. Tít đi học một buổi còn một buổi làm phục vụ ở quán nhậu để kiếm thêm tiền phụ anh cả nuôi em Mị đi học, hai anh em trai không muốn đứa em gái út phải vất vả, có khó có nghèo, nó là em gái thì các anh trai phải lo cho nó nhất, con gái còn nhỏ tuổi mà ra đường đi làm nhiều khi bị ức hiếp, xã hội lại nhiều cám dỗ và cạm bẫy, nên Tít với Dũng bàn nhau để con Mị đi học thôi, không cần làm gì cả, tối đến nấu cơm cho các anh di làm về ăn là được rồi. Chắc biết các anh mình vất vả, Mị chăm học và học giỏi lắm, toàn được bằng khen, năm đó còn được đi thi học sinh giỏi cấp quận.
Hôm Dũng đến nói chuyện với tôi, là Tít đang chuẩn bị thi đại học. Dũng bảo với tôi rằng bây giờ tích cóp được một số vốn nhỏ, cộng với mấy năm làm lụng chăm chỉ, ông chủ xưởng mộc cũng tình nghĩa hỗ trợ thêm một ít, Dũng muốn ra làm riêng, để có riêng cho mình cái gì đấy làm nên tảng tiếp tục lo lắng cho các em đi học. "Nhất định chúng nó phải học để có một tương lai tươi sáng hơn chị ạ!" - Dũng nói với tôi bằng giọng đầy quả quyết và niềm tin. Buổi nói chuyện còn kéo dài hơn nữa, sau đó tôi ra sân bay về Sài Gòn.
Bẵng đi hơn nửa năm, Dũng gửi thư cho tôi, kể rằng thằng Tít đã thi đỗ đại học. Dũng sắp hình thành được xưởng mộc nho nhỏ của riêng mình, chuyên đóng bàn đóng tủ, gia công các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ đơn giản. Xưởng còn mới, lực còn mỏng nên bây giờ chỉ có hai nhân công, cộng thêm Dũng nữa, làm từ từ rồi gây dựng lên dần dần. Đọc thư của Dũng, tôi mừng lắm. Tôi tin rằng Dũng sẽ còn thành công nhiều hơn nữa trong tương lai gần, nhưng điều thanh công lớn nhất trong cuộc đời Dũng không phải là gây dựng được cơ nghiệp riêng hay sẽ làm ra nhiều tiền, mà đó là Dũng đã giữ trọn được nhân cách của mình ngay cả những lúc khốn khó nhất.
Ở đời có hai loại hoàn cảnh, một là biết khó mà vươn lên còn hai là vin vào khó để lấy cớ làm điều xấu xa. Đi con đường nào là do bạn tự chọn lấy. Con đường ấy cho bạn trái ngọt hay là bắt bạn phải trả giá thì cũng là do bạn ngay từ đầu đã chọn lựa.
Sinh ra nghèo khó không phải là cái tội, để mình trượt dài trong những sai lầm lấy cớ vì nghèo khó - Mới là cái tội!
Không có con đường nào trải hoa hồng, mà hoa hồng chính là phần thưởng dành cho những ai bền chí, tỉnh táo trước mọi cám dỗ, chăm chỉ và luôn giữ trong tim một sức mạnh của nghị lực. Bất cứ ai cũng mang trong mình một nội lực phi thường, hãy bằng mọi cách đánh thức nội lực ấy.
Đừng bao giờ nản chí!
Đừng bao giờ buông xuôi!
Đừng bao giờ bỏ cuộc!
Và tuyệt đối, đừng bao giờ đánh mất lòng tin vào bản thân mình!
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Cứ bình tĩnh! (Keep Calm).