• 1,831

Bỗng dưng được làm sếp? Đừng vội mừng!


Số từ: 1286
Tác giả: Tuệ Nghi
Nhà xuất bản: NXB Hà Nội
-----
Nguồn sưu tầm: D.Đ. Lê Quý Đôn
Khoảng năm 2008, có một lần tôi xin vào làm ở một cửa hàng quần áo. Cửa hàng bé nhỏ nằm lọt thỏm giữa hàng loạt những cửa hàng hoành tráng khác trên con đường phố chuyên bán quần áo nổi tiếng của quận.
Đi ngang qua đó, nhìn vào thấy cũng vắng người, vì ngại đấu đá với các nhân viên khác nên tôi ưng ngay. Sau vài câu ứng tuyển sơ sài, thêm vài câu hỏi qua loa của chủ tiệm, tôi chính thức được nhận vào làm với "chức vụ": QUẢN LÝ. Mức lương một triệu năm trăm nghìn đồng mỗi tháng. Ở thời điểm mức lương sàn ở các cửa tiệm khác đang là tám trăm nghìn, thì tôi lại càng hí hửng khi lương mình bật lên gần gấp đôi. Mà cũng phải, làm "sếp" thì lương phải khác, làm sao mà so sánh với mức lương của nhân viên bán hàng bình thường được, tôi nghĩ thầm.
Ngày đầu tiên đi làm, tôi áo quần chỉnh tề, tướng đi tướng đứng cũng khác. Bởi tại mình làm "quản lý", cho nên phải cư xử sao cho ra dáng "quản lý", để người ta còn nể. Nhưng sự thật thì cửa hàng chỉ có mỗi mình tôi, từ sáng tới tối làm bạn với quần áo, hàng hóa, móc treo đồ và bụi bẩn cần phải lau ngày hai lần.
Nhưng nào có làm sao? Ít nhất tôi vẫn có cái danh là "quản lý" của một tiệm thời trang. Quá hoành tráng! Chẳng qua cửa hàng còn chưa mở rộng quy mô nên chưa tuyển dụng thêm người, dần dà làm lâu hơn, cửa hàng mở rộng thêm, thì tôi sẽ có quyền sinh quyền sát, tuyển thêm nhân viên rồi thích cho ai làm thì làm, bảo nghỉ thì nghỉ, oai phong lẫm liệt. Tôi mỗi lúc ngồi lau móc quần áo đều nghĩ thế rồi tủm tỉm cười như một con dở hơi.
Tuần đầu tiên, cửa hàng vô cùng vắng khách, ngồi cả ngày thì may ra có một vài khách vào xem qua loa rồi đi ra chứ chẳng mua được món gì. Chủ cửa hàng bắt đầu mặt nặng mày nhẹ bảo tôi sao không buôn bán được, tôi bắt đầu toát mồ hôi vì áp lực. Mỗi lần có khách vào, tôi lại ra sức giới thiệu, thuyết phục để họ mua hàng, nhưng rồi cũng chẳng bán được là bao.
Sang đến ngày thứ mười, bỗng một buổi sáng đi làm, chủ cửa hàng kiểm kê hàng hóa thì bảo mất năm chiếc quần jean nữ, trị giá ngót nghét cũng gần hai triệu đồng tại thời điểm đó. Tôi choáng váng! Cửa hàng thì chỉ có mình tôi, camera thì không có, rõ ràng tôi không phải kẻ trộm đồ vì tính cách của tôi xưa nay đói chết thì thôi chứ tuyệt đối chả bao giờ ăn trộm ăn cắp. Chị chủ một mặt tỏ ra ngờ vực tôi, mặt khác lại cho rằng có thể tôi trông coi tiệm không được tốt nên kẻ gian mới có cơ hội khoắng đi nhiều hàng hóa đến thế. Chị ấy muốn tôi đền tiền, trừ với mười ngày lương tôi vừa làm thì tôi còn phải đền thêm mới đủ được. Sự việc diễn ra quá nhanh, tôi cũng không có sẵn từng đó tiền, thế là chị ấy chụp ngay lấy chiếc điện thoại di động cùi bắp của tôi và bảo về lấy tiền đi rồi sang chuộc lại.
Quá bất ngờ, tôi dường như không biết xử lý thế nào. Chỉ lủi thủi ra về.
Về đến nhà tôi khóc như mưa như gió, mẹ tôi nghe chuyện thì vét hết tiền còn trong nhà, chạy ra mượn thêm cô chủ nhà trọ chúng tôi đang thuê để đủ tiền cho tôi đi chuộc điện thoại, mà cũng là để người ta không vu cho tôi là kẻ cắp. Đói cho sạch, rách cho thơm. Nhà có nghèo có đói, có vay có mượn thì nhất định cũng không bao giờ được manh danh kẻ cắp.
Sau hôm đó, tôi bị cho tôi việc vì lý do trên. Khi mọi việc qua rồi, tôi lại đi xin việc mới ở một cửa hàng khác lớn hơn trong quận. Và rôi, tôi phát hiện ra rằng, mình còn quá non nớt để làm "sếp". Kinh nghiệm bán hàng thì chưa có, phối đồ cũng không chuẩn, kỹ năng xử lý tình huống còn kém. Vậy mà người ta cho tôi làm "quản lý", tôi đã vội mừng.
Thông qua một số người từng làm ở đó, tôi mới biết tằng họ cũng bị rơi vào trường hợp như tôi. Chủ cửa hàng kia ngay từ đầu đã sai lầm trong việc chọn lựa mặt bằng để thuê và mở cửa hàng. Diện tích cửa hàng quá nhỏ, không có chỗ trưng bày hàng hóa, gu thẩm mỹ của chị chủ cũng không thật sự đáp ứng được nhu cầu thị trường lúc bấy giờ nên cửa hàng không có gì nổi bật và nhanh chóng trở nên lọt thỏm giữa con phố thời trang nổi tiếng với những cửa hàng to đẹp, sức cạnh tranh khốc liệt. Nhiều tháng trôi qua, doanh thu ảm đạm, không khi tiền thuê mặt bằng, tiền điện nước, lương nhân viên vẫn phải trả đều, hàng thì tồn kho trong khi ngành thời trang phải cập nhật mẫu mới liên tục. Túng quá hóa quẫn, chị ta nghĩ ra một hành động rất tàn nhẫn với những người làm thuê mà quên mất họ còn khốn khổ hơn mình, họ khốn khổ nên mới phải đi làm thuê cho chị, còn chị vì sự thất bại của mình mà đẩy họ vào đường cùng.
Cứ ai vào làm được ít lâu, chị lại dàn dựng ra trò mất đồ để khỏi phải trả lương, vừa có người trông hàng không công mà lại được thêm một ít tiền để bù vào điện nước. Cửa hàng không có camera để đối chứng được chuyện gì đã xảy ra còn chìa khóa cửa hàng do chị nắm, hàng ngày chị lên mở cửa cho nhân viên vào làm. Cứ như thế, đã có rất nhiều người làm thuê là nạn nhân của chị chỉ vì giống như tôi, mừng vui quá sớm khi một bước lên làm "sếp" với mức lương cao ngất mà không sớm nhận ra được sự bất thường, không đặt dấu hỏi vì sao tôi chưa hề có năng lực lẫn kinh nghiệm bán hàng mà người ta lại giao vào tay tôi "quản lý" cả một cửa hàng như thế? Đơn giản, bởi vì bản thân tôi không ý thức được là mình còn yếu kém, tôi chủ quan trong chính suy nghĩ rằng người ta chọn mình vì mình tài, còn tài ở đâu thì chưa biết.
Đó cũng là một bài học dù nhỏ nhưng đủ thức tỉnh tôi bớt sống "ảo" mà mãi sau này tôi luôn ghi nhớ.
Chẳng có điều gì tốt đẹp mà lại đến một cách dễ dàng. Nếu một người giao cho bạn làm "sếp" với một mức thu nhập cao ngất trong khi bạn chưa hề xứng đáng để đón nhận điều đó, thì hãy cẩn thận! Bởi rất có thể một tay họ nâng bạn lên còn tay kia thì chuẩn bị dao để đâm chết bạn trong lúc bạn vẫn còn đang mơ màng trong tự mãn.
Hãy luôn nhớ rằng: Chẳng có thành công nào là dễ dàng và chẳng có túi kẹo ngọt nào là miễn phí.
...Hết...
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Cứ bình tĩnh! (Keep Calm).