• 2,481

Không được sống để đáp ứng mong đợi của người khác


Số từ: 1567
Dịch: Nguyễn Thanh Vân
Nguồn text: sachvui.com
Nhà xuất bản Lao Động
Triết gia: Đúng là được người khác thừa nhận thì rất đáng vui mừng. Nhưng được người khác thừa nhận có thật sự là điều cần thiết không, thì tuyệt đối không. Vốn dĩ tại sao cậu lại muốn được thừa nhận? Nói thẳng thắn hơn thì tại sao lại muốn được người khác khen?
Chàng thanh niên: Đơn giản thôi. Khi được người khác thừa nhận, chúng ta có thể cảm thấy "mình có giá trị". Thông qua sự thừa nhận của người khác, chúng ta có thể xua đi cảm giác tự ti, và thấy tự tin hơn vào bản thân. Đúng vậy, đây đúng là vấn đề "giá trị". Lần trước thầy cũng đã nói cảm giác tự ti là vấn đề đánh giá giá trị. Chính vì không được bố mẹ thừa nhận nên tôi mới sống mãi trong tự ti đấy.
Triết gia: Giờ ta hãy nghĩ đến một ví dụ gần gũi. Chẳng hạn, cậu thấy rác bẩn ở chỗ làm việc bèn nhặt vứt đi. Dù vậy, những người xung quanh hoàn toàn không để ý. Hoặc giả có để ý thì cũng chẳng ai tỏ ra biết ơn, cũng chẳng nói một lời cảm ơn. Cậu sẽ tiếp tục nhặt rác chứ?
Chàng thanh niên: Một tình huống khó khăn thật. Nếu không ai tỏ lòng biết ơn thì có lẽ tôi sẽ không làm nữa
Triết gia: Tại sao?
Chàng thanh niên: Tôi nhặt rác là vì mọi người. Vất vả vì mọi người mà chẳng nhận được một lời cảm ơn. Thế thì cũng chẳng còn muốn làm nữa,
Triết gia: Nhu cầu được thừa nhận nguy hiểm ở chính chỗ đó đấy. Tại sao con người lại mong muốn được người khác thừa nhận? Nhiều trường hợp, đó là ảnh hưởng của nền giáo dục thưởng-phạt.
Chàng thanh niên: Nền giáo dục thưởng-phạt ư?
Triết gia: Nếu hành động đúng đắn sẽ được khen thưởng. Nếu hành động không đúng sẽ bị phạt. Adler phê phán gay gắt nền giáo dục thưởng-phạt như thế. Nền giáo dục thưởng-phạt sẽ sản sinh ra lối sống sai lầm "nếu không có khen sẽ không làm hành động đúng" hoặc "nếu không bị xử phạt sẽ làm cả hành động không đúng". Mục đích muốn được khen có trước nên mới dẫn đến hành động nhặt rác. Và rồi nếu không được ai khen thì sẽ bực bội, quyết định không bao giờ làm việc như thế nữa. Cách nghĩ này thật lạ phải không?
Chàng thanh niên: Không phải! Tôi mong thầy đừng thu hẹp vấn đề này! Tôi không bàn luận về nền giáo dục. Nhu cầu được người mình yêu quý thừa nhận, được những người gần gũi mình chấp nhận là nhu cầu rất tự nhiên!
Triết gia: Cậu đang ngộ nhận rồi. Nghe này, chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác.
Chàng thanh niên: Thầy nói sao cơ?
Triết gia: Cậu không sống để đáp ứng mong đợi của người khác. Tôi cũng không sống để đáp ứng mong đợi của người khác. Chúng ta không cần đáp ứng mong đợi của người khác.
Chàng thanh niên: Không, quan điểm thế này thì quá vị kỷ! Thầy đang bảo tôi cứ sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình thôi sao?
Triết gia: Trong giáo lý của Do Thái giáo có câu như thế này: "Nếu mình không sống cuộc đời mình vì chính bản thân mình thì ai sẽ sống vì mình."
Cậu sống cuộc đời của riêng cậu. Nếu hỏi cậu sống vì ai thì tất nhiên là vì cậu rồi. Và nếu cậu không sống vì bản thân mình thì ai sẽ sống vì cậu? Xét cho cùng, chúng ta đều đang sống vì chính bản thân mình. Chẳng có lý do gì mà chúng ta không được nghĩ như thế cả.
Chàng thanh niên: Thầy, quả nhiên là thầy đã rơi vào chủ nghĩa hư vô rồi! Xét cho cùng chúng ta đang sống vì chính bản thân mình ư? Thầy nói như vậy cũng được sao? Thật là một suy nghĩ nhỏ nhen!
Triết gia: Đây không phải là chủ nghĩa hư vô. Ngược lại là đằng khác. Nhu cầu được người khác thừa nhận, suốt đời để ý đến đánh giá của người khác, cuối cùng sẽ thành ra sống cuộc đời của người khác.
Chàng thanh niên: Thầy nói vậy nghĩa là sao?
Triết gia: Quá mong muốn được thừa nhận thì sẽ sống theo cách người khác mong đợi "cậu là người như thế này". Nghĩa là vứt bỏ bản thân thực sự mà sống cuộc đời của người khác.
Và hãy nhớ, nếu cậu không sống để đáp ứng mong đợi của người khác thì người khác cũng không sống để đáp ứng mong đợi của cậu. Nếu đối phương hành động không như mình muốn, cũng không được tức giận. Vì đó là điều hiển nhiên.
Chàng thanh niên: Không phải! Nếu cứ theo quan điểm đó sẽ đảo lộn hoàn toàn xã hội của chúng ta! Chúng ta có nhu cầu được thừa nhận. Nhưng để được người khác thừa nhận thì trước hết phải thừa nhận người khác. Chính vì thừa nhận người khác, thừa nhận giá trị quan khác mà bản thân mình cũng sẽ được thừa nhận. Và chúng ta xây dựng nên "xã hội" chính là nhờ dựa vào mối quan hệ thừa nhận lẫn nhau đó!
Thầy, quan điểm của thầy đẩy con người tới sự cô lập, thậm chí đối lập, và là một tư tưởng nguy hiểm cần đánh đổ! Một sự quyến rũ quỷ quyệt, chỉ tổ kích động lòng bất tín và nỗi hoài nghi!"
Triết gia: Ha ha ha, cậu có vốn từ vựng quả là thú vị. Không cần phải cao giọng đâu. Hãy cùng nhau suy nghĩ nào. Nếu không được thừa nhận sẽ đau khổ. Nếu không được người khác thừa nhận, không được bố mẹ thừa nhận sẽ không tự tin. Liệu có thể nói cuộc sống như vậy là lành mạnh không?
Chẳng hạn, nghĩ rằng "Chúa đang dõi theo nên phải làm điều thiện". Nhưng mặt trái của ý nghĩ đó lại chính là rơi vào thuyết hư vô: "Chúa không tồn tại nên có thể chấp nhận mọi hành động xấu". Cho dù Chúa không tồn tại, cho dù không được Chúa thừa nhận thì ta cũng phải sống cuộc đời này. Để vượt qua được tư tưởng hư vô trong một thế giới không có Chúa, cần phải phủ định sự thừa nhận của người khác."
Chàng thanh niên: Tôi chẳng quan tâm chúa chiếc ra làm sao cả! Hãy nghĩ một cách thẳng thắn hơn, trực diện hơn về tâm lý của những người đang sống trong cuộc đời này. Chẳng hạn, nhu cầu được thừa nhận, tức là muốn được xã hội thừa nhận. Tại sao con người lại muốn thành công trong một tổ chức? Tại sao lại muốn có địa vị và danh tiếng? Đó là bởi mong muốn được xã hội coi là người quan trọng, tức nhu cầu được thừa nhận!
Triết gia: Vậy, cậu có thể nói là nếu được thừa nhận rồi thì sẽ thực sự hạnh phúc không? Những người có địa vị xã hội có cảm thấy hạnh phúc không?
Chàng thanh niên: Không, chuyện đó thì...
Triết gia: Khi mong muốn được người khác thừa nhận, hầu hết mọi người đều nhờ vào biện pháp "đáp ứng mong đợi của người khác", đúng theo quan điểm của nền giáo dục thưởng-phạt là hành động đúng đắn sẽ được khen thưởng.
Nhưng, nếu mục đích chính của công việc là "đáp ứng mong đợi của người khác" thì công việc đó hẳn sẽ trở nên khá khó khăn. Vì khi đó, lúc nào cũng phải để ý đến ánh mắt người khác, sợ những đánh giá của người khác, ức chế cái "bản thân" của mình.
Có thể cậu sẽ thấy bất ngờ, nhưng trong số những người đến xin tư vấn hầu hết không có ai là người vị kỷ cả. Họ là những người đang khổ sở vì muốn đáp ứng mong đợi của người khác, mong đợi của cha mẹ, giáo viên. Nói cách khác là không thể hành động như ý mình, tuy là theo nghĩa tích cực.
Chàng thanh niên: Vậy là thầy bảo tôi hãy hành động vị kỷ?
Triết gia: Không : phải là hành động vì mình bất chấp người khác. Để hiểu được điều này, cần phải biết đến quan điểm "phân chia nhiệm vụ".
Chàng thanh niên: Phân chia nhiệm vụ? Lại là một thuật ngữ mới nhỉ. Tôi nghe đây.
❄❄❄❄❄❄❄❄❄
Sự sốt ruột của đã lên tới đỉnh điểm. Bảo mình phủ định nhu cầu được thừa nhận ư? Không được đáp ứng mong đợi của người khác ư? Hãy sống theo ý mình ư? Vị này nói gì vậy? Nhu cầu được thừa nhận chẳng phải là động cơ lớn nhất để con người giao tiếp với người khác, hình thành nên xã hội sao? Nếu quan điểm "phân chia nhiệm vụ" đó mà không thuyết phục được mình thì... có lẽ suốt đời mình sẽ không chấp nhận được người này và cả ông Adler kia nữa.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Dám Bị Ghét.