• 2,481

"Phân chia nhiệm vụ" là gì?


Số từ: 1109
Dịch: Nguyễn Thanh Vân
Nguồn text: sachvui.com
Nhà xuất bản Lao Động
Triết gia: Chẳng hạn, có một đứa trẻ không chịu học. Trong giờ học không nghe giảng, chẳng làm bài tập, sách vở cũng bỏ lại luôn ở trường. Nếu cậu là cha đứa trẻ, cậu sẽ làm gì?
Chàng thanh niên: Tất nhiên là tôi sẽ tìm mọi cách bắt đứa trẻ học rồi. Bắt nó đi học thêm, thuê gia sư, dù có phải xách tai nó vào bàn học. Đó là trách nhiệm của cha mẹ còn gì. Mà tôi cũng đã được nuôi dạy như thế. Hôm nào chưa làm xong bài tập thì hôm ấy chưa được ăn cơm.
Triết gia: Vậy cho tôi hỏi thêm một câu nữa. Khi bị bắt ép học như vậy, cậu có thích học không?
Chàng thanh niên: Tiếc là tôi không thể thích học được. Học vì nhà trường và thi cử thì chỉ học đối phó thôi.
Triết gia: Tôi hiểu rồi. Vậy tôi xin bắt đầu từ quan điểm cơ bản của tâm lý học Adler. Chẳng hạn, mỗi khi gặp một nhiệm vụ như "việc học", tâm lý học Adler sẽ suy nghĩ từ khía cạnh: "Đây là nhiệm vụ của ai?"
Chàng thanh niên: Là nhiệm vụ của ai?
Triết gia: Trẻ học hay không học. Trẻ đi chơi với bạn hay không đi. Đó vốn là nhiệm vụ của trẻ, không phải là nhiệm vụ của cha mẹ.
Chàng thanh niên: Nghĩa là việc đứa trẻ cần làm?
Triết gia: Nói dễ hiểu thì là thế. Bố mẹ có học thay trẻ thì cũng chẳng có ý nghĩa gì phải không?
Chàng thanh niên: Thì đúng là vậy.
Triết gia: Việc học là nhiệm vụ của trẻ. Việc bố mẹ ra lệnh "hãy học đi" là hành vi can thiệp vào nhiệm vụ của người khác. Điều này không thể tránh dẫn đến xung đột. Chúng ta cần phân chia nhiệm vụ của mình và nhiệm vụ của người khác nhờ câu hỏi đây là nhiệm vụ của ai?
Chàng thanh niên: Phân chia rồi để làm gì?
Triết gia: Không can thiệp vào nhiệm vụ của người khác. Chỉ vậy thôi.
Chàng thanh niên: ... Chỉ vậy thôi sao?
Triết gia: Hầu hết những rắc rối trong quan hệ giữa người với người nảy sinh là do can thiệp vào nhiệm vụ của người khác hoặc bị người khác can thiệp vào nhiệm vụ của bản thân. Chỉ cần biết phân chia nhiệm vụ, quan hệ giữa người với người sẽ thay đổi rõ rệt.
Chàng thanh niên: Hừm, tôi không hiểu rõ lắm. Làm thế nào để phân biệt được "đây là nhiệm vụ của ai"? Thực ra theo quan điểm của tôi, tôi cho ràng việc bắt con học là trách nhiệm của cha mẹ. Bởi vì hầu như chẳng có đứa trẻ nào thích học cả và nói gì thì nói, bố mẹ là người giám hộ mà.
Triết gia: Cách phân biệt nhiệm vụ của ai đơn giản lắm. Chỉ cần nghĩ "Ai là người cuối cùng thụ hưởng kết quả đo lựa chọn đó mang lại?
Khi đứa trẻ lựa chọn "không học" thì người cuối cùng phải chịu kết quả do quyết định đó mang lại - chẳng hạn như không theo kịp bài học, không vào được trường theo đúng nguyện vọng - không phải bố mẹ mà chắc chắn là đứa trẻ. Nghĩa là việc học là nhiệm vụ của trẻ.
Chàng thanh niên: Không, hoàn toàn không phải! Để trẻ không rơi vào tình trạng như thế, bố mẹ, những nguòi đi trước trong cuộc sống, người giám hộ cho trẻ phải có trách nhiệm yêu cầu "hãy học đi" chứ. Đó là nghĩ cho con chứ không phải hành vi can thiệp. Có thể "việc học" là nhiệm vụ của con nhưng "việc bắt con học" lại là nhiệm vụ của bố mẹ.
Triết gia: Đúng là các ông bố bà mẹ trên đời này thường hay dùng câu "đấy là bố mẹ nghĩ cho con". Nhưng rõ ràng họ đang làm vậy để thỏa mãn mục đích của mình, mục đích ấy có thể là thể diện, hư vinh hoặc mong muốn chi phối con cái. Nghĩa là không phải "vì con" mà là "vì mình", và chính vì cảm nhận được sự giả dối đó mà trẻ phản ứng lại.
Chàng thanh niên: Vậy theo thầy, nếu trẻ hoàn toàn không chịu học thì cũng cứ mặc kệ vì đó là nhiệm vụ của trẻ sao?
Triết gia: Ở đây cần lưu ý, tâm lý học Adler không khuyến khích thái độ vô trách nhiệm. Vô trách nhiệm là thái độ không biết trẻ đang làm gì và không hề muốn biết. Chủ trương của tâm lý học Adler không phải như thế, mà là biết trẻ đang làm gì để dõi theo chúng. Nếu vấn đề là việc học thì hãy nói cho trẻ biết đó là nhiệm vụ của trẻ, và cũng cho trẻ biết rằng khi trẻ muốn học thì mình luôn sẵn sàng hỗ trợ, nhưng không can thiệp vào nhiệm vụ của trẻ. Không được nhúng tay vào khi không có yêu cầu.
Chàng thanh niên: Điều đó không chỉ giới hạn trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái?
Triết gia: Tất nhiên. Chẳng hạn, phương pháp tư vấn của tâm lý học Adler cho rằng người đến tư vấn có thay đổi hay không không phải là nhiệm vụ của nhà tư vấn.
Chàng thanh niên: Thầy nói sao cơ?
Triết gia: Sau khi được tư vấn tâm lý, người đến tư vấn sẽ quyết định như thế nào? Thay đổi lối sống hay không thay đổi? Đó là nhiệm vụ của người đó, nhà tư vấn tâm lý không thể can thiệp.
Chàng thanh niên: Không, sao có thể chấp nhận một thái độ vô trách nhiệm như thế chứ!
Triết gia: Tất nhiên nhà tư vấn sẽ hỗ trợ hết sức. Nhưng không thể can thiệp vào những điều xảy ra sau đó. Có một câu tục ngữ là "Có thể dẫn con ngựa tới dòng nước nhưng không thể bắt nó uống nước". Hãy nghĩ quan điểm tư vấn và hỗ trợ người khác nói chung trong tâm lý học Adler cũng giống như vậy. Phớt lờ mong muốn của người đó, bắt người ta "thay đổi" thì chỉ tổ phản tác dụng mạnh mẽ mà thôi.
Chàng thanh niên: Nhà tư vấn tâm lý không thay đổi cuộc đời của người đến tư vấn sao?
Triết gia: Chỉ mình mới có thể thay đổi được mình thôi.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Dám Bị Ghét.