CHƯƠNG 13
-
Exodus, Về Miền Đất Hứa
- Leon Uris
- 1839 chữ
- 2020-05-09 02:37:37
Số từ: 1857
Nguồn: Isach
Dịch Giả: Thế Uyên
Những kẻ chiến thắng tiến vào Đan Mạch: Mỹ, Anh và Đan Mạch Tự do. Đó quả thực là một tuần lễ huy hoàng mà những Herr Doktor Best, các tay mật vụ của Gestapo cùng các "collabos" phải lãnh chịu tất cả mọi tủi nhục. Vị vua già Christian, đi xuyên qua thủ đô đang nô nức vui vẻ, đến chủ tọa lễ khai mạc nghị viện đã phải im tiếng từ bao năm. Ngài đọc bài diễn văn của triều đình bằng một giọng kiêu hãnh nhưng hết sức mệt mỏi, còn người dân cố kìm giữ một niềm xúc động.
Đối với Aage và Meta Hansen, tuần lễ tươi vui của giải phóng này cũng là một tuần lễ buồn rầu. Bảy năm trước đây, lòng thương người rộng lượng của họ đã cứu được một cô bé bảy tuổi ra khỏi hiểm nguy. Họ đã tiếp nhận nàng, yêu nàng, đã nuôi nấng nàng thành thiếu nữ đẹp, duyên dáng và vui sống. Bảy năm trời, họ đã già đi rất nhiều. Và bây giờ lòng tốt của họ lại sắp bị đền đáp bằng một phần thưởng cay đắng. Dầu vậy, họ chỉ ao ước một điều: được ở gần Karen, nhìn nàng sống, nghe giọng nói của nàng, trải qua nhiều giờ, thật nhiều giờ trong phòng nàng, cố gắng một cách tuyệt vọng với các kỷ niệm, thật nhiều kỷ niệm để có thể đủ mà nhớ lại cho tới ngày cuối cùng: ngăn cản Karen trở về với gia đình của nàng? Đối với hai vợ chồng, đó là điều không thể nghĩ tới được: lòng ngay thẳng của họ tuyệt đối không cho phép.
Karen, ngay cả nàng nữa, cũng biết cái gì sắp xảy ra và rất xúc động. Tuy vậy nàng giữ im lặng. Không phải việc của nàng nói tới vấn đề đáng buồn này. Aage, người mà nàng biết rõ lòng ngay thẳng, sẽ là kẻ duy nhất sẽ chọn lựa lúc thích đáng để nói tới. Trong hai tuần lễ sau ngày giải phóng, không khí trong nhà mỗi ngày một thêm buồn thảm. Rồi sau cùng, một buổi tối, sau một bữa cơm im lìm, Aage quyết định.
- Chúng tôi sẽ thử tìm lại ba má của con, Karen. Chỉ còn mỗi việc đó.
Ông đặt khăn ăn xuống, đứng dậy và vội vã bước ra. Karen nhìn theo ông trước khi chạy lại Meta, ấp úng:
- Con yêu bác... con yêu cả hai bác.
Rồi nàng chạy về phòng, đóng cửa lại.
Nằm dài trên giường, khóc nức nở, nàng giận mình sao lại là nguyên nhân cho một nỗi buồn như vậy. Nàng còn giận nàng vì một lý do khác nữa: niềm ước muốn dữ đội muốn tìm lại quá khứ. Trời ơi: biết làm sao bây giờ?
Một vài ngày sau, Aage đi cùng nàng đến trụ sở Ủy ban quốc tế tị nạn.
- Đây là con gái nuôi của tôi...
Người đàn bà tiếp họ mới chỉ nhận chức chưa bao lâu. Nhưng chưa chi bà đã không chịu nổi: biết bao người, bấy nhiêu tấn thảm kịch trong đó bà thường chỉ giữ một vai trò bạc bẻo. Thật quá thê thảm cho tất cả những con người tốt này, Sau khi che chở, nuôi dưỡng cho một đứa bé thoát khỏi nanh vuốt của quốc xã để rồi phải chịu một chia ly đau đớn.
- Xin ông hãy chờ đợi. Tại Âu châu, hiện có hàng triệu người đã rời nơi cư trú. Chúng tôi không thể biết được chúng tôi phải mất bao nhiều lâu mới làm cho họ đoàn tụ được với gia đình.
Tuần lễ thứ nhất, rồi tuần lễ thứ hai, đến tuần lễ thứ ba trôi qua. Tháng sáu tháng bảy - những tháng đau khổ dằn vặt cho Aage và Meta. Rồi mỗi ngày họ lại càng hay thường mở cửa phòng Karen để nhìn tất cả những gì đã cấu tạo thành vũ trụ ấu thơ của nàng: đôi giày trượt băng, giày khiêu vũ, ảnh các bạn học cùng lớp, ảnh người bạn trai nàng ưa nhất.
Sau cùng họ được gọi đến Ủy ban Tị nạn.
Người đàn bà phụ trách nói với giọng lãnh đạm cố ý:
- Chúng tôi đành phải chấp nhận rằng những công trình tìm kiếm đầu tiên của chúng tôi đã không đưa đến kết quả nào. Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là bỏ công việc tìm kiếm. Nhưng chắc sẽ mất nhiều thời giờ và hết sức khó khăn nếu tôi ở vị trí của ông bà, tôi sẽ nhất định cấm cô ấy sang Đức một mình, dù đi cùng với ông Hansen đi nữa, cũng là điều không thận trọng. Dầu thế nào đi nữa căn cứ vào tình trạng hỗn độn hết sức hiện nay ở Đức, ông bà cũng chẳng thể khám phá ra những gì khác hơn chúng tôi đã tìm ra.
Bà ngừng lại để nhìn Aage, Meta và Karen một cách nghiêm trang:
- Dầu sao chúng tôi cũng xin khuyến cáo ông bà và em đây đừng nên lạc quan quá sớm. Kể từ khi tình hình mỗi ngày một sáng sủa hơn, chúng tôi càng nhận được hết sức nhiều báo cáo cho biết nhiều biến cố bi thảm xảy ra trong Reich 1 cùng các lãnh thổ đã bị Reich chiếm đóng. Chúng tôi biết chắc chắn rằng nhiều người Do Thái đã bị ám sát. Nhưng bây giờ chúng tôi bắt đầu e rằng con số nạn nhân có thể lên tới hàng triệu.
Vợ chồng Hansen được thêm một triển hạn mới, nhưng cũng thêm một ý nghĩ ghê sợ: Phải chăng họ sắp có được niềm vui là giữ lại được Karen chỉ vì lý do là tất cả gia đình nàng đã bị tiêu diệt? Bị dằng xé bởi những tình cảm mâu thuẫn như thế, họ đã phải sống những ngày thật đáng thương. Sau cùng, chính Karen đưa ra một giải pháp.
Mặc dù một tình thương sâu xa đối với cha mẹ nuôi, nàng vẫn chưa bao giờ gạt bỏ được cảm tưởng là có một hàng rào ngăn vô hình giữa nàng và hai người. Trong những ngày đầu tiên bị Đức chiếm đóng, Aage dặn nàng là không bao giờ được nhắc nhở xa gần gì đến gốc tích Do Thái. Ông nhấn mạnh: "Bất cứ một ám chỉ nhỏ thôi cũng đủ làm con lâm nguy". Dĩ nhiên là nàng đã nghe theo lời dặn này: Không bao giờ nàng nghĩ tới chuyện không nghe lời người mà nàng thương và kính trọng này.
Tuy thế nàng không thể không tự hỏi tại sao nàng lại khác những người Ki tô giáo và tại sao sự khác biệt này lại đe dọa đến tính mạng nàng. Vào thời ấy, nàng chưa đặt ra những câu hỏi như thế và cũng không thể có giải đáp. Hơn nữa, vì không có tiếp xúc nào với người Do Thái, nàng tuyệt đối cảm thấy mình giống như mọi người và vui sướng vì thế. Tuy vậy, trong tiềm thức, bức rào cản vẫn tồn tại.
Sự kiện đáng chú ý là chính vợ chồng Hansen, do sự thận trọng thái quá, đã lại làm cho nàng phải chọn lựa. Karen sắp mười bốn tuổi, tuổi mà những thiếu nữ Đan Mạch làm lễ kiên tín. Thế mà dù rằng suốt bao nhiều năm nay nàng đã sống cuộc đời của một thiếu nữ Đan Mạch Ki tô giáo, hai vợ chồng Hansen do dự trong việc đưa nàng tiến thêm một bước nữa vào con đường chấp nhận tôn giáo Tin lành. Sau khi suy nghĩ sâu xa, đi đến kết luận là họ không có quyền giải quyết một vấn đề có tính cách cá nhân đến như vậy. Nhất là một khi Thượng đế đã giải quyết vấn đề này bằng cách cho Karen sinh ra trong một gia đình Do Thái. Vì thế họ cắt nghĩa cho nàng hiểu là lễ kiên tín là để xét lại sau: Chiến tranh chưa chấm dứt, thời điểm không chắc chắn, tốt hơn nên chờ đợi.. Nhưng Karen, với sự nhạy cảm của cô gái mới lớn, đoán được lý do đích thực của sự rắc rối này.
Hơn nữa nàng đau khổ về thân phận của mình. Gia đình, tuổi thơ ấu cùng tôn giáo của nàng đều là các bí mật mà nàng hết sức muốn hiểu cho sáng tỏ. Dĩ nhiên là nàng có thể chọn giải pháp để: sống cuộc đời dễ chịu của một thiếu nữ Đan Mạch, học hành đến nơi đến chốn, khiêu vũ và sau cùng lấy một chàng đẹp trai để sinh ra đời những đứa con khỏe mạnh tóc vàng mắt xanh. Nhưng con đường này bắt buộc nàng phải chôn vùi vĩnh viễn các câu hỏi nóng bỏng ám ảnh nàng, từ bỏ một lần cho xong không tìm các lời giải đáp nữa. Nàng thấy mình không thể làm như thế. Trong lúc này đời sống của nàng được xây dựng trên những hoàn cảnh tạm thời, tương lai bị khép kín bởi một bức tường mà ngay cả tình yêu thương của hai ông bà Hansen cũng phải nhượng bộ.
Ngay trước khi chiến tranh chấm dứt, Karen đã hiểu rằng hòa bình sẽ lôi nàng ra khỏi tổ ấm. Với một sự khôn ngoan đáng ngạc nhiên của một cô bé ở tuổi nàng, Karen đã chuẩn bị đón nhận sự chia ly. Sống với tư cách Karen Hansen chỉ còn là một trò chơi: hiển nhiên là nàng phải lấy lại ngay con người thật Karen Clement. Bởi thế đến khi Giải phóng, nàng đã cảm thấy sẵn sàng đương đầu với định mệnh của mình.
Một vài tháng sau khi chiến tranh chấm dứt, nàng đã có đủ can đảm nói với bố mẹ nuôi là nàng sắp rời bỏ hai người. Người đàn bà ở cơ quan Ủy ban Tị nạn chẳng đã cắt nghĩa rằng Karen sẽ có nhiều may mắn tìm lại gia đình hơn nếu nàng đến ở trong một trại dành cho những người mất gia cư bên Thụy Điển. Sự thực ra không phải là như thế, mà là tại Karen không thể chịu đựng được ý nghĩ là nàng đang làm kéo dài cơn hấp hối của các bậc ân nhân.
Đêm hôm đó nàng khóc nức nở khi nghĩ đến đau buồn của hai ông bà Hansen. Còn về sự bất trắc của định mạng nàng, nàng lại ít nghĩ tới. Một tuần lễ sau, khi đã hứa và thề là sẽ viết thư luôn cùng bày tỏ nỗi hy vọng - có thể nói mỏng manh - là sẽ trở lại, Karen Clement cô gái mười bốn tuổi bắt đầu đi phiêu bạt trong luồng sóng của những kẻ sống sót sau chiến tranh.
Chú thích
1.Reich: Đế quốc Đức.