• 653

CHƯƠNG 14


Số từ: 2261
Nguồn: Isach
Dịch Giả: Thế Uyên
Tháng đầu tiên là cả một cơn ác mộng. Bị lôi đột ngột ra khỏi sự săn sóc ấm cúng của hai vợ chồng Hansen, Karen chỉ chống nổi với sự xúc động mỗi ngày một khác của một thực tại ghê tởm bằng một sự cương quyết dữ tợn.
Sau thời kỳ sống trong trại ở Thụy Điển, nàng được chuyển sang Bỉ, sống trong một lâu đài chồng chất hàng trăm người khốn khổ, tứ cố vô thân: những kẻ đã thoát được thế giới tập trung của quốc xã, những kẻ tị nạn chính trị không sao trở về được quê hương, những kẻ sống thoát khỏi các cuộc chiến giữa các phe đảng. Mỗi ngày mang thêm lại những tin đồn không thể kiểm chứng, những câu chuyện kinh hãi. Tất cả đều là những xúc động cho Karen: Bây giờ mọi người biết là chiến tranh đã để lại hai mươi lăm triệu xác chết...
Một thời gian sau, công cuộc tìm kiếm đưa nàng tới trại La Ciotat cách Marseille (Pháp) vài cây số. Trại gồm những dãy nhà bằng bê tông chìm trong một biển bùn muốn thuở. Trại đầy nghẹt người, thiếu thốn đủ mọi thứ và đa số những người trong trại hầu như bị ám ảnh bởi cái chết. Đối với họ, toàn thể Âu châu đã trở thành một mồ chôn công cộng.
Diệt chủng, sự quyết tâm tiêu diệt cả một dân tộc: một điệu vũ ma quái, do sáu triệu bóng ma thể hiện! Karen, hãi hùng, nghe nói đến những tên Frank, Himmler, Rosenberg, Streicher, Kaltenhrunner và Heydrich. Còn nhiều tên nữa, không nổi danh bằng nhưng không kém phần ghê tởm: Ilse Kock sưu tầm những chụp đèn bằng da người có xâm hình, Dieter Wisliczeny thích đi đầu những đoàn người hắn dẫn vào nơi tử địa. Kramer thích đánh bằng roi da những phụ nữ trần truồng. Và nhất là tay sát nhân nổi tiếng nhất trong bọn sơ mi nâu: Eichmann, người Đức sinh ở Palestine nói thạo tiếng Ả rập, bậc cao thủ trong nghe giết người tập thể.
Đôi khi nàng hối tiếc cái ngày nàng đã thử mở cánh cửa mang tên Thảm kịch Do Thái. Một cánh cửa vĩ đại đằng sau xếp hàng hàng núi xác chết. Chưa chi Karen đã được biết chắc về cái chết của rất nhiều cô chú, cậu mợ cùng các anh chị em họ.
Và còn những câu chuyện lại tiếp tục kéo tới, chuyện nào cũng đầy những chi tiết chính xác không thể không tin được! Karen muốn bịt hai tai lại để khỏi phải nghe nữa. Nhưng dầu vậy, nàng vẫn muốn biết...
Thật là kinh khủng. Mọi người nói với nàng về những kẻ lưu đầy thà lao mình vào hàng rào điện, thích chết ngay lập tức hơn là chết một cách chậm chạp ghê rợn trong các phòng hơi ngạt. Mọi người nói với nàng về hàng ngàn ngàn người chết vì bệnh đậu lào, vì đói, thân thể chỉ còn da bọc xương, vứt chồng chất lên nhau trong các mồ chôn tập thể: "Ở vài nơi, mọi người xếp những đống củi xen kẽ giữa các xác người rồi tưới xăng lên trên đốt tất cả. Những lò thiêu xác như thế cháy rất nhanh". Mọi người nói với nàng về những mưu chước bẩn thỉu quốc xã đã dùng để lừa các bà mẹ để tìm chỗ giấu con cái: Người Đức nói quả quyết là những đứa nhỏ sẽ được gởi tới "các thuộc địa đang khai hoang" tụi S.S. báo cho những người bị giam rằng họ sắp được đi tẩy chấy rận và cẩn thận đến độ còn phân phát cho họ những miếng xà bông nữa. Nhưng các phòng tẩy chấy rận lại được nối liền với các ống dẫn hơi ngạt và xà bông chẳng qua là những cục đá. Mọi người nói với nàng về những bà mẹ, bị bắt buộc cởi quần áo trước khi vào phòng hơi ngạt, đã đem giấu các đứa con dưới quần áo ở nơi giá áo, một mưu kế vừa thảm thương vừa vô ích bởi vì tụi S.S biết trước việc này và đã khám phá ra được các đứa bé đó.
Mọi người nói với nàng về Hauptstumfuhrer S.S., Gebauter, chuyên viên bóp cổ người bằng tay không và thích dự cơn hấp hối của các trẻ con bị ngâm vào thùng nước đá. Người ta còn nói với nàng về tên Heingen, kẻ đã phát minh ra trò chơi bắn xuyên qua một dẫy người bằng một viên đạn, và kẻ khác tên Warzok đã treo ngược đầu các tù nhân để rồi đánh cá với các đồng bạn, về thời gian sống còn của các kẻ đáng thương này. Hay tên Obersturmbannluhrer Rok, rất sẵn sàng biểu dương sức mạnh của mình bằng cách túm lấy bất cứ ai trong trại đem xẻ đôi ra. Một kẻ đặc biệt nữa là tướng Frans Jaeckeln, kẻ tổ chức những vụ giết người tập thể ở Babi Yar trong vùng ngoại ô Kiev - một cấp chỉ huy rất có khả năng bởi vì trong khoảng thời gian có hai ngày, hắn đã bắn chết được ba mươi ba ngàn người, trước sự vui mừng của dân xứ Ukraine.
Mọi người nói đến Viện Cơ Thể học mà giáo sư Hirt đã lập ra ở Strasbourg để thí nghiệm trên những kẻ bị bắt giam, những "thí nghiệm" mà tính cách bạo dâm có nhiều hơn là tính cách khoa học. Mọi người nói về Wilhaus, chỉ huy trưởng trại Janowska, đã bắt một người soạn nhạc viết một bản "Tango của Tử thần": một bản nhạc du dương để ban nhạc đáng thương của trại chơi trong khi những tay đao phủ thủ ngập đầu ngập cổ trong công việc thủ tiêu hai trăm ngàn dân Do Thái. Chỉ huy trưởng Wilhaus này quả thực là con người nhiều sáng kiến! Thí dụ như hắn đã nghĩ ra cách ném các đứa bé lên trời, càng cao càng tốt để xem hắn bắn được bao nhiêu viên đạn vào thân thể đứa bé đó trước khi nó rơi xuống. Trong trò tập luyện khéo léo này, hắn có một đối thủ xứng đáng là chính bà vợ hắn, một tay súng khá, lúc nào cũng sẵn lòng đọ tài với chồng.
Mọi người nói với nàng về, nói với nàng về... Ngơ ngẩn mắt đỏ ngầu rướm lệ, Karen suy nghĩ dưới gánh nặng của tất cả những chuyện ám ảnh đó. Cha mẹ nàng, các em nàng, đã chết ở Dachau hay Buchenwald! Ở Chelmo nơi có một triệu kẻ chết hay ở Maidennek nơi chỉ có bảy trăm năm chục ngàn người bị giết thôi? Ở Treblinka với hàng dãy xe vận tải đóng kín xử dụng như phòng hơi ngạt, hay ở Poniatov, Krivoi Rog? Thiên hạ đã xử bắn họ trong các đồng lầy Krasnik, thiêu cháy trên các dàn hỏa Klooga, ném cho chó ăn ở Diedzyn, đóng thập tự ở Struthof? Nhiều tên trại, nhiều tên trại nữa... Karen không còn ăn uống được nữa, không sao ngủ được nữa...
Manthausen, Oranienbourg, Bergen-Belsen, Bliziny.. Fassenberp, Natzweiler, Ravensbriick...
Và còn tên này nữa, tàn ác hơn mọi tên khác, đỉnh cao và vực sâu của hãi hùng... AUSCHWITZ!
Auschwitz với ba triệu xác người.
Auschwitz, nơi có những kho chứa đầy tràn các cặp kính lấy từ những người chết, những kho tồn trữ tóc người để cung cấp cho các xưởng làm nệm, hàng đống lớn răng vàng nhổ từ miệng những kẻ chết ngạt ra để tài trợ cho Viện Khoa học Aryen do Himmler thành lập. Auschwitz, nơi mà tên chỉ huy trưởng dùng sọ người hình dáng đẹp làm đồ chặn giấy, Auschwitz, nơi cổng vào có bảng đề hàng chữ: "Lao động giải phóng con người!".
Kiệt lực, mê sản vì những hình ảnh hãi hùng bất tận ấy Karen không còn ý chí muốn sống nữa. Nhưng rồi bỗng nhiên, một phản ứng đưa nàng trở về với ánh sáng.
Đó là vào hôm nàng tươi cười xoa chiếc đầu bù của một đứa bé mồ côi. Karen khám phá ra rằng nàng còn có thể mang lại cho trẻ thơ những gì chúng đang thiếu thốn: một tình thương thành thật. Kể từ đó, nàng luôn luôn có hàng đám trẻ con bao quanh. Hình như tự bản năng, nàng biết cách làm thế nào chúi mũi một đứa nhỏ, đặt một chiếc hôn lên một ngón tay đau, lau khô các giọt nước mắt. Nàng biết cả ngàn câu chuyện, hát bằng nhiều thứ tiếng và tự đánh dương cầm cầm nhịp. Bởi thế trẻ con hết sức yêu mến nàng.
Nàng tận tụy với nhiệm vụ mới, nàng hăng hái nhiệt thành đến nỗi quên bớt được nỗi buồn riêng. Nhờ có một lòng kiên nhẫn vô bờ bến, nàng không hề tiếc công, tiếc thì giờ.
Ngày sinh nhật thứ mười lăm của nàng qua đi âm thầm: Tại trại Ciotat, mọi người không cử hành bất cứ lễ nào. Vì vậy, nàng cũng tự trấn tĩnh được mình. Ngoài sự bướng bỉnh do thiên bẩm, nàng còn bấu víu được vào hai hy vọng ba nàng là một người có tiếng tăm, một nhà thông thái quốc tế biết đến. Vậy mà người Đức, vì muốn đánh lừa dư luận thế giới, đã thành lập ở Theresienstade bên Tiệp Khắc một trại kiểu mẫu trong đó những kẻ bị lưu đầy không bị hành hạ cũng như không bị giết. Nếu ba nàng được gởi tới đó, chắc ông có thể sống sót. Hy vọng thứ hai, có thể nói là mỏng manh hơn, xây dựng trên sự kiện là một số nhà thông thái Đức đã được đưa ra ngoại quốc một cách bí mật bởi các tổ chức bí mật, đôi khi ngay sau lúc đã bị bắt giam rồi.
Một buổi sáng kia, chừng năm mươi "người mới" nhập trại. Hai mươi bốn giờ sau, đời sống trong các khối nhà tiều tụy hầu như đã thay đổi. Những "người mới" này là những dân Do Thái xứ Palestine, do Mossad Alyia Bet và Palmach gởi đến để lo việc tổ chức trong trại.
Vào cuối tuần lễ ấy, đây là lần đầu tiên kể từ khi rời Copenhague, Karen tìm thấy đủ can đảm để vũ trước một cử tọa nhi đồng hăng say. Kể từ hôm đó, nàng trở thành báu vật của trại. Danh tiếng nàng vang tới tận Marseille: Đêm Noel nàng được mời đến vũ với tư cách "ngôi sao" trong một vũ điệu của Suite du casse - No sette.
Cuối phần trình diễn, một thanh niên Palestine tên là Galil gì đó chỉ huy toán Palmach trong trại La Ciotat yêu cầu nàng đợi gặp anh ở cửa ra.
- Tôi có tin buồn báo cho em. Chúng tôi vừa nhận được báo cáo đầu tiên: Mẹ cùng các em của em đều đã chết ở Dachau.
Bàng hoàng, suýt nữa Karen chìm đắm vào một nỗi buồn vô phương cứu chữa. Tất cả nghị lực đột ngột bỏ rơi nàng.
Tuyệt vọng, nàng nghĩ rằng cái kiếp không may làm người Do Thái đã thúc đẩy nàng đi tới chỗ làm chuyện điên khùng là rời bỏ Đan Mạch.
Nàng chỉ đủ sức để thố lộ mọi sự với Galil sau nhiều ngày.
- Tôi không còn đủ sức ở lại đây, để chờ đợi rồi người ta cũng loan tin ba tôi chết...
Galil cắt ngang lời nàng:
- Không có vấn đề em ở lại mãi mãi nơi này, Karen. Theo tôi nghĩ, chỗ của em không phải ở Âu châu mà ở xứ Israel. Dầu sao, đó cũng là nơi duy nhất một người Do Thái có thể sống với một cuộc đời xứng đáng với phẩm giá con người.
Karen lắc đầu:
- Tôi không muốn nghe nói tới người Do Thái hay Do Thái giáo nữa. Việc làm người Do Thái chỉ mang lại cho tôi những bất hạnh không tên tuổi. Tôi muốn trở lại làm con nuôi ông bà: Karen Hansen, trước khi tôi đến đây - một cô gái Đan Mạch có cha mẹ, có gia đình, có tổ quốc.
Nhưng nói cho thực ra, nàng vẫn còn do dự. Nhưng mỗi đêm nàng lại thấy xuất hiện những bóng ma, vẫn các hình ảnh hãi hùng ấy. Để thoát khỏi tất cả những thứ đó, nàng chỉ còn một cách, một cách dễ dàng: viết thư cho ông bà Hansen loan báo là nàng sắp trở về với ông bà vĩnh viễn.
Thế rồi một buổi sáng, Galil chạy vội vào phòng lôi nàng đến khu quản trị trại.
- Tôi xin giới thiệu với em bác sĩ Brenner vừa mới tới. Xin bác sĩ hãy nói với Karen...
- Tôi vui mừng được mang lại cho cô một tin chắc chắn. Tôi cũng xin nói là tôi đã được quen biết với ba cô từ ngày xưa. Chúng tôi đã thường trao đổi thư từ đều đặn và gặp gỡ nhau trong các buổi đại hội khoa học. Sau khi chiến tranh kết liễu được vài tuần, tôi đã gặp ông ấy ở Theresienstade, và ông ấy vẫn mạnh khỏe.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Exodus, Về Miền Đất Hứa.