Chương 97: Lời khuyên của ngài Fouché (2)
-
Hiệp Sĩ Sainte Hermine
- Alexandre Dumas
- 1901 chữ
- 2020-05-09 04:30:22
Số từ: 1889
Dịch giả: Xuân Dương
NXB Hội Nhà Văn
Nguồn: Sưu tầm
Không gì tuyệt vời hơn sau trận Marengo như điều người ta thấy sau trận Austerlitz.
Austerlitz quả thật đã làm cho Đế chế điều mà Marengo đã làm cho chết Tổng giám đốc. Nếu trận Marengo khẳng định quyền Tổng giám đốc trong tay Bonaparte thì trận Austerlitz khẳng định cái vương miện hoàng đế trên đầu ông.
Được tin chỉ huy Lucas đã về Paris, dù chủ đề khó chịu nhất khi nói đến là nhắc lại trận Trafalgar, Hoàng đế vẫn cho báo với thuyền trưởng vào sáng ngày 3 là ông sẽ được tiếp vào ngày 7.
Sáng ngày mồng 4, như Lucas đã dặn, René xuất hiện ở khách sạn Hải quân. Viên chỉ huy mới nhận được tối hôm qua lá thư triệu kiến vào ngày mồng 7.
Lần diện kiến diễn ra lúc 10 giờ sáng, Lucas và René cùng thoả thuận René sẽ đến ăn trưa cùng Lucas và họ sẽ ăn cùng nhau ở Tuileries.
René, không được mời và cũng không muốn điều ấy vẫn đi cùng Lucas chờ ở phòng chờ. Nếu Napoléon muốn gặp anh, Lucas sẽ cho gọi nếu ngài tỏ ra lạnh lùng về chàng thủy thủ trẻ, anh sẽ không xuất hiện và chờ ở phòng chờ.
Thật ra René khá hồ nghi có sự hiện diện ấy. Đôi mắt sắc sảo của ngài Bonaparte đã lặng lẽ găm cái nhìn vào anh hai lần, một lần ở nhà phu nhân Permnon, một lần ở nhà nữ bá tước Sourdis, ngay tối hôm ký hôn ước, cái nhìn ấy làm anh ngợp thở. Hình như ánh mắt ấy luôn để lại dấu ấn với tất cả những gì nó nhìn và khắc sâu trong tâm trí anh; nhưng may thay điều giúp René có thể chịu đựng được mọi ánh mắt đó là một tâm thức bình thản mà không gì có thể khuấy đảo nổi.
Chín giờ sáng ngày 7, René đã có mặt ở nhà Lucas. Mười giờ kém mười lăm, anh lên xe ngựa cùng Lucas; mười giờ kèm mười phút, họ dừng lại trước cửa điện Tuileries.
Anh cùng Lucas dừng lại ở phòng chờ, như đã thoả thuận, và để người có giấy mời đi trước.
Người này là một người vô cùng tinh ý, ông xuất hiện trước hoàng đế, tìm được cách nói về chàng trai trẻ đã lập những kỳ tích to lớn, đẹp đẽ và anh dũng; tuy nhiên ông thấy hoàng đế hầu như cũng biết về những điểm đó như ông; khi Lucas ngỏ ý hỏi hoàng đế có muốn gặp người anh hùng ấy không vì anh này đi cùng ông đang chờ ở phòng đợi thì hoàng đế ra hiệu ưng thuận ấn vào một cái chuông, một cận vệ mở cửa.
- Cho đại uý thứ ba trên tàu Redoutable, anh René, vào đây.
Chàng trai trẻ bước vào.
Napoléon liếc mắt nhìn anh và ngạc nhiên khi thấy anh này không mặc quân phục.
- Sao thế này - Ngài nói - Anh đến điện Tuileries trong bộ đồ trưởng giả này sao?
- Tâu Bệ hạ - René đáp - Thần đến điện Tuileries không phải vì có vinh hạnh được gặp hoàng đế Bệ hạ mà thần cũng không mong được Ngài triệu kiến, thần đến chỉ để tháp tùng ngài chỉ huy và định cùng trải qua nốt phần ngày còn lại với ông ấy. Vả lại, tâu bệ hạ, thần là đại uý cũng như không. Chỉ huy Lucas đã phong chức này cho thần trên tàu của ông ấy ba ngày trước trận chiến Trafalgar vì người đại uý thứ ba đã chết vài ngày trước, nhưng việc bổ nhiệm của thần vẫn chưa được phê chuẩn.
- Tôi tưởng anh còn có vị trí là đại uý thứ hai? - Napoléon hỏi.
- Vâng, những trên tàu cướp biển thôi.
- Trên tàu Revenant của Surcouf đúng không?
- Vâng, tâu bệ hạ.
- Và rất anh dũng?
- Thần làm tất cả những gì có thể, tâu bệ hạ.
- Ta được hay tin về anh qua đảo trưởng đảo Pháp, tướng Decaen.
- Thần có cái vinh dự được diện kiến ông ấy, tâu bệ hạ.
- Ông ấy có kể về cuộc hành trình anh đến Ấn Độ.
- Thần đã vào sâu khoảng 50 dặm.
- Thế quân Anh để anh yên à?
- Đó là phần họ không chiếm đóng, tâu bệ hạ.
- Chỗ nào thế? Ta nghĩ họ chiếm toàn bộ Ấn Độ.
- Trong triều Pégou tâu bệ hạ, giữa sông Sittang và Irrawaddy.
- Người ta còn kể anh đã thực hiện những cuộc đi săn khủng khiếp?
- Thần đã gặp vài con hổ và đã giết chúng.
- Anh có xúc động khi lần đầu bắn vào loài vật ấy không?
- Lúc đầu thì có tâu bệ hạ, nhưng với con khác thì không.
- Tại sao?
- Hạ thần đã làm con thứ hai phải cụp mắt xuống, kể từ lúc đó, thần nhận ra rằng hổ là một loài vật mà con người ngự trị được.
- Thế trước Nelson?
- Tâu bệ hạ, trước Nelson thần đã lưỡng lự một lát.
- Tại sao?
- Vì Nelson là một chiến binh vĩ đại, thần nghĩ có thể ông ta là một đối tượng cần thiết với Hoàng đế bệ hạ.
- À! Thế thì anh phải đừng bắn con người thiên định ấy chứ?
- Không. Vì thần tự nhủ nếu đúng đó là con người thiên định, chắc chắn ông Trời sẽ tránh cho ông ta khỏi trúng đạn. Vả lại, tâu bệ hạ, thần chưa bao giờ tự cho mình là người đã bắn chết Nelson.
- Tuy nhiên…
- Người ta không tự tán dương những điều như thế - René ngắt lời - Người ta chỉ thú nhận thôi. Nếu thần đã giết Gustave - Adolphe hay Frédéric vĩ đại, thần sẽ tự tán dương vì thần nghĩ đó là điều phải làm vì lợi ích của dân tộc, nhưng thần sẽ không bao giờ được an ủi về điều ấy.
- Thế nếu anh ở hàng ngũ kẻ thù của ta, anh sẽ bắn vào ta chứ?
- Thần sẽ không bao giờ làm điều đó, tâu bệ hạ!
- Tốt lắm.
Ông ra hiệu dừng lại, nhưng không ra khỏi phòng và gọi Lucas.
- Ông chỉ huy - Napoléon nói - chính hôm nay tôi tuyên chiến với Anh và Phổ. Trong cuộc chiến chống lại nước Phổ, nơi chẳng có một điểm nào giáp biển thì ông chẳng có việc gì to tát phải làm; nhưng trong cuộc chiến chống lại nước Anh, tôi sẽ giao cho ông một trọng trách nặng nề. Ông là một trong số những người tôi đã nói, nhân nói về Villeneuve, là người biết chết và đôi khi là muốn chết.
- Tâu bệ hạ - Lucas nói - trong trận Trafalgar, lôi không rời mắt khỏi ngài Villeneuve chút nào. Không ai trong chúng tôi dám nói ông ấy có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình đúng lúc và nghiêm túc hơn.
- Đúng vậy, một khi đã đến Trafalgar thì đúng. Ta biết, nhưng trận đó làm ta đau lòng lắm. Chính vì ông ta mà ta đã không đến được London và chuyển sang Vienne.
- Xin bệ hạ cũng đừng phàn nàn, ngài đã chẳng mất gì về việc thay đổi chặng đường ấy.
- Về chiến công thì hẳn rồi, nhưng ông thấy đấy dù ta đã ở Vienne, mọi chuyện lại phải bắt đầu lại, vì ta buộc phải một lần nữa tuyên chiến với Anh và Phổ. Nhưng vì chỉ có cách ấy, ta sẽ đánh nước Anh trên cạn trong khi hạ những tên vua mà nó viện trợ. Tôi sẽ gặp lại ông trước khi bắt đầu cuộc chiến này, chỉ huy Lucas ạ; Đây là cây thập tự sĩ quan Bắc đẩu bội tinh mà tôi mong ông nhận và đừng quên rằng nó do chính tay ta trao tặng cho ông.
Rồi quay sang René:
- Về phần anh, anh René - Ngài nói - Anh sẽ để lại họ tên ở chỗ sĩ quan tuỳ tùng Duroc của ta và người chỉ huy Lucas có vẻ là bạn của anh, chúng ta mong anh sẽ không rời quá xa ông ấy.
- Tâu bệ hạ - René nói vừa lại gần vừa cúi xuống - Trong lúc Bệ hạ chưa nhận ra thần, thần có thể giữ cái tên mà người ta vẫn gọi thần nhưng như thế sẽ là lừa dối hoàng đế. Người ta có thể chịu cơn giận dữ của Napoléon chứ người ta không lừa ông ấy.
- Thưa đức ngài, với tất cả mọi người tôi tên là René, nhưng trước bệ hạ, tôi tên là bá tước Sainte-Hermine.
Và không lùi lại một bước nào, anh cúi đầu trước vị hoàng đế và chờ đợi.
Hoàng đế đúng bất động một lát, lông mày nhíu lại, ban đầu nét mặt tỏ ra ngạc nhiên nhưng sau đó nó chuyển từ ngạc nhiên sang nghiêm khắc.
- Điều anh vừa nói là tốt, nhưng chưa đủ để ta tha thứ cho anh. Hãy về đi, để lại địa chỉ ở chỗ Duroc và chờ lệnh của ta chuyển qua ông Fouché. Vì nếu ta không nhầm, ông Fouché là một trong những người bảo trợ cho anh.
- Thần xin vâng - Sainte-Hermine nói và cúi chào.
Rồi anh đi ra và chờ chủ huy Lucas trong xe.
- Tâu bệ hạ - Lucas nói - Thần hoàn toàn không biết hoàng đế bệ hạ có ý định gì cho anh bạn René đáng thương; nhưng tôi xin lấy danh dự của mình mà bảo đảm đó là một trong những người chính trực nhất, gan dạ nhất mà tôi biết.
- Than ôi - Napoléon nói - ta vừa nhận ra! Nếu anh ta không xưng tên, vì chẳng có gì bắt buộc anh ta cả, anh ta đã là đại uý trên một tàu chiến hạng trung rồi.
Còn lại một mình, Napoléon trở nên bất động và lo âu, sau đó ông ném mạnh găng tay nát nhàu xuống bàn:
- Mình thật không may, đó đúng là những người mình cần trong hải quân.
Còn về René, hay bá tước Sainte-Hermine, như người ta muốn, điều tốt nhất anh ta có thể làm là tuân theo mệnh lệnh.
Và anh đã tuân theo mệnh lệnh.
Anh trở về khách sạn Mirabeau ở phố Richelieu và chờ đợi.
Chú thích:
(1) Đô đốc chỉ huy về hải quàn của một tỉnh có quyền hạn cả về bên dân sự
(2) (3) Némée, Python: Hai quái vật trong thần thoại Hy Lạp
(4) Stuttgart là thủ đô của triều đình Wurtemberg mới (theo hiệp ước Presbourg tháng 12 năm 1805, Carlsrulle vốn là kinh thành của bá tước Bade, người trở thành đại công tước sau khi Charles-Fréderic đạt được Liên bang bên sông Rhin. Cháu nội thừa kế của người này. Charles-Louis đã lấy Stéphanie de Beauhamais con gái nuôi của Hoàng đế.