• 92

Chương VI: Khách sạn "Chùm nho chín mọng"


Số từ: 8491
Nguồn: diendanlequydon.com
Cũng không dở nếu như con người ta tìm kiếm sự đúng đắn tuyệt đối
(mà hầu như không bao giờ có khả năng đạt được) không nhiều như sự thành tâm...
Dostoievski
Sáng hôm đó khoảng tám giờ chiếc máy bay "Phương bắc - 1000" hai chỗ ngồi bé xíu hạ cánh xuống sân bay Montoban.
Ngay sau đó một chiếc tắc xi phóng như bay theo con đường đi Mouasac.
Sương mù dày đặc che phù những cánh đồng và các vườn nho. Trên vòm lá của những cây ngô đồng mọc dọc theo hai bên đường còn đọng những giọt sương nhỏ. Các trang trại với những mái ngói lạnh lẽo quấn trong dải sương mù xám xịt. Thỉnh thoảng những hàng dương hàng liễu lại xuyên qua màn sương mù dày đặc. Chúng nhô cao như những bóng ma lúc ẩn lúc hiện tùy theo hướng gió thổi.
Xe chạy êm ru theo con đường trải nhựa bóng loáng.
Bỏ sông Tarn lại phía sau, xe chạy vào địa phận Mouasac, vào khu Sainte Blanche. Khu vực này đã bị thiệt hại nặng nề sau trận lut mới đây. Phần lớn các ngôi nhà đã được xây cất lại nhưng vẫn có những ngôi nhà còn giữ nguyên dấu vết của thiên tai.
Dường như mọi sự còn đang chìm trong giấc ngủ. Những thành phố vùng quê kiểu này rất yên ả vào cái giờ sáng tinh mơ như vậy. Mà buổi sáng nay thì sương mù lại càng tăng thêm cảm giác của giác ngủ triền miên trong những căn nhà nhỏ trên những đường phố vắng lặng ấy.
Mấy bà nội trợ đang thì thầm nhỏ to bên ngưỡng cửa các quầy hàng. Rồi bỗng nhiên họ tản ra nhiều hướng và tan biến ngay vào trong sương mù. Những cậu học sinh đi học muộn vội vã chạy dọc theo những ngôi nhà vẽ đầy hoa bơng sưn màu sẫm.
Xe tắc xi chạy vào đường "Tướng Gras" và dừng lại bên tòa nhà ảm đạm đứng yên lặng của tòa án.
Trời lạnh. Làn hơi nước tỏa ra từ những vỉa hè bẩn thỉu và những bức tường ướt át. Chắc hẳn trời vừa mưa đêm qua. Bầu trời tối sầm lơ lửng trên các nóc nhà. Qua làn sương mù thấp thoáng những ánh lửa, ở một số cửa sổ vẫn còn đèn.
Một thanh niên tóc vàng người tầm thước với đôi mắt sáng trong, chiếc áo choàng kéo phéc-mơ-tuya lên đến tận cổ từ trong xe tắc-xi bước ra và đi về phía quảng trường Recollet. Anh ta xách một chiếc va-li nhỏ.
Ở một quán cà phê nhỏ gần chợ, Joseph Robenne đứng bên quầy hàng uống một ly cà phê và hỏi thăm đường. Ông chủ quán vẫn còn vẻ ngái ngủ. Chàng phóng viên nhìn mấy cái bánh nướng khêu gợi bày trên cửa kính của cửa hàng bánh kẹo bên cạnh. Anh rẽ vào chén luôn ba chiếc và gợi chuyện với bà chủ quán. Nhưng hóa ra bà ta cũng không hay chuyện lắm.
Khi chàng phóng viên ra khỏi cửa hàng, gió bỗng thổi mạnh. Joseph ẩn vào trong tòa nhà chợ. Tòa nhà lớn vắng vẻ làm chỗ dạo cho những cơn gió lùa quái ác.
Anh buồn rầu nhớ đến quầy hàng bánh kẹo: ở đó ấm áp và tỏa mùi thơm nức.
Mưa trút xuống.
Hai mụ ngồi lê đôi mách dửng lại cách Robenne không xa. Anh len lén đến gần họ và châm thuốc hút.
- Thật kinh khủng. - Một mụ nói.
- Hắn biết rằng ông ta có vàng... - Mụ kia khụt khịt mũi thì thào.
- Cần phải mua báo đọc...
- ... Lúc nào trông ông ta cũng kỳ cục thế nào ấy. Thời gian cuối này ông ta hoàn toàn không ra khỏi nhà. Người ta hầu như không nhìn thấy ông ta.
- Và nói chung không hiểu ông ta sống bằng nguồn nào. Phải chăng là mùa hè thì còn có khách du lịch. Mà...
- ... Người ta nói rằng trong nhà bẩn thỉu kinh người...
- Một kẻ ngớ ngẩn!
- Nhưng dù sao cùng thật kinh khủng.
- Bây giờ người ta chỉ nghe thấy có mỗi chuyện đó thôi. Báo chí kể lại đủ các tội ác, cướp bóc rồi ăn cắp.
- Vâng, bà biết là tôi thậm chí không tin vào tất cả những cái đó. Tôi cho rằng không thể có nhiều chuyện kinh khủng như vậy, chắc là mấy ông báo chí bịa đặt ra đấy thôi. Thế mà bà thấy chưa, hóa ra đâu phải vậy, tất cả đều là sự thật. Chính chúng ta đã thấy rõ rồi đấy!
- Tất nhiên, ghê thật! Lão già có tiền mà lại không chịu canh giữ cẩn thận. Đúng là một miếng mồi ngon cho bọn cướp!
- Nhưng may thay tôi không phải là miếng mồi ngon cho chúng đâu nhé!
° ° °
Mưa ngớt. Mấy mụ ngồi lê đôi mách bỏ đi.
Joseph nhìn quanh. Phố Saint-Catherrine chạy dọc phía bên tay trái dẫn tới nhà ga.
Thẳng phía trước là một phố dài dẫn tới nhà thờ Saint-Pierre và cái tu viện cổ kính nổi tiếng. Phố Cabrette mà Robenne cần tìm nằm đâu đó cũng ở hướng này.
Xa hơn một chút là tuyến đường sắt Toulouse-Bordeaux chạy ngang qua. Ở hướng đó, trên nền trời xám xịt hiện lên những nét mờ mờ của một ngọn đồi nào đó.
Chàng phóng viên đi về phía tu viện. Giữa màn sương mù xuất hiệu phần chính môn nổi tiếng với những vòm mái hình cung nhọn được viền rua bằng đá. Còn cách nhà thờ khoảng một trăm mét thì Joseph ngập ngừng đứng lại. Sau đó anh đi về phía một tòa nhà hai tầng tồi tàn.
Ở cửa ra vào ngay trên vỉa hè đặt ba thùng cây két. Dưới cửa sổ tầng hai treo một cái biển gỗ đã nứt rạn đề: "KHÁCH SẠN - CÀ PHÊ" "Chùm nho chín mọng". Những chữ cái trông giống kiểu gô-tích. Hai chùm nho trông chẳng đẹp mắt tí nào vẽ bằng sơn đen ở hai đầu tên gọi của khách sạn. Khó mà đoán ra được có điểm gì giống nhau giữa cái ổ này với những chùm nho kia bởi nhiều chỗ trên cái mặt tiền xám xịt của khách sạn đã bị bong hết vôi, cửa ra vào và mấy khung cửa sổ thì cần phải sơn lại.
Chàng phóng viên đẩy cửa bước vào. Quầy cà phê trông cũng sạch sẽ. Trên sàn nhà vừa mới vẩy nước có một đống mùn cưa ẩm. Còn mấy bức tường bị bao phủ một lớp bẩn và bồ hóng dày cộm. Những tranh quảng cáo treo trên tường thì chắc cũng khoảng mười năm mà cũng có thể là hai mươi năm rồi.
Một người đàn bà tóc đen với khuôn mặt đã tàn úa lúi húi sau quầy hàng. Một người đàn ông bụng phệ mặt chưa cạo đang ngồi đọc báo, hai khuỷu tay tì trên mặt chiếc bàn đá hoa cương.
Cả hai người cùng ngẩng ngay lên nhìn kẻ mới vào.
- Xin chào! - Joseph nói và ngồi xuống bên người đàn ông. Người đàn bà trả lời vui vẻ còn ông này thì tò mò nhìn chằm chằm vào ông khách và khẽ nói :
- Hôm nay cũng không nóng lắm.
- Vâng, cũng khá mát mẽ - Joseph đồng tình - Ở chỗ các ông hay có sương mù thế này phải không?
- Cũng thỉnh thoảng thôi. Có lẽ đây là lần đầu tiên từ tháng mười một đến giờ... - Người đàn ông trả lời. Ông ta nói rin rít những phụ âm gió.
- Cho tôi xin một ly cà phê! - Joseph yêu cầu.
- Ông chờ cho chút xíu - Người đàn bà trả lời và lau mấy cái ly - Tôi sẽ mang cà phê mới pha ra cho ông ngay bây giờ đây ạ.
Nhìn bề ngoài cả ông chủ lẫn bà chủ khoảng bốn mươi hay bốn mươi lăm tuởi.
Chắc hẳn ngưởi ta đã mang báo lại cho ông chủ đúng lúc ông ta đang lau sàn.
Chiếc bàn chải lau sàn dựa bên cạnh bàn.
Ông ta lật trang báo vừa đọc xong, xem lướt qua mục rao vặt và quay sang chàng phóng viên :
- Ông không phải người ở đây à?
- Đúng, tôi vừa mới đến.
- Sáng hôm nay à?
- Phải. - Joseph trả lời không nói cụ thể thêm.
Người đàn ông liếc nhìn cái bàn chải với vẻ thiếu tự tin nhưng bà vợ đã ra lệnh :
- Gino, dọn mùn cưa đi!
- Được rồi, được rồi, dọn ngay đây.
"Ông ta nói giọng lơ lớ của người Ý - Joseph nghĩ thầm - Vợ ông ta gốc gác ở đây nhỉ? Không, bà ta không phải là người Ý!".
- Xin phép ông cho tôi hỏi xem đến phố Cabrette đi như thế nào? - Joseph chậm rãi hỏi.
- Bên phố Cabrette à?
Ông chủ quán đưa tay lên sờ hai má chưa cạo và nhíu mày :
- Ông đến đây vì vụ giết người phải không?
- Phải. - Joseph trả lời.
- Ở bên cảnh sát à?
- Không...
- Nghĩa là từ tòa báo đến?
- Phải.
- Vậy thì hiểu rồi - Ông chủ quán nói và đứng dậy cằm cái bàn chải - Vâng, đó là một chuyện u ám.
- Thế phố Cabrette có xa đây không?
- Không, ông hãy đi về phía tu viện, ông đã nhìn thấy phần chính môn rồi chứ? Sau đó lẽ sang trái, rồi lại sang trái lần nữa. Đó là một cái phố bé tí tẹo. Ở giữa phố có một cái hẻm. Chính ở đó là...
- Đó là ngõ cụt - Bà chủ quán từ sau quầy hàng của mình buông một câu.
- Ông có quen người buồn sách cũ ấy không? - Chàng phóng viên hỏi.
- Không, chúng tôi không biết ông ta - Người đàn bà trả lời - Bởi vì chúng tôi mới dọn đến đây thôi. Ông thấy đấy, chúng tôi đã mua khách sạn cũ kỹ này, đành phải tu sửa lại thôi. Và vất vả quá.
- Ông hiểu không, chúng tôi chẳng có việc gì làm ở cái phố đó cả - Ông chủ quán giải thích Đó là khu phố cũ, chẳng có ai sống ở đấy cả. Ở đó có mấy gian nhà kho đủ loại và tất cả đều đổ nát cả rồi.
Bà chủ quán mang ly đến và rót vào đó một thứ chất lỏng màu nâu mà người ta gọi là cà phê.
Joseph uống một ngụm và nhìn ra phố qua chiếc tủ bày kính. Trời hơi mưa.
- Chắc ông cần một căn phòng chứ ạ? - Bà chủ quán hỏi và liếc nhìn cái va-li nhỏ đặt bên cạnh.
- Chắc vậy...
- Chúng tôi có thể dành cho ông một căn phòng có cửa sổ quay ra phố. Căn phòng vừa mới được dán giấy bồi lại.
- Ông bà đã bắt đầu sửa chữa rồi à?
- Tạm thời mới sửa những cái cần thiết nhất thôi. Bởi căn nhà cũ kỹ quá. - Bà ta có đôi mắt sâu thẳm nhân hậu màu nâu với nét mặt thanh tú nhưng bên khóe miệng đã xuất hiện những nếp nhăn.
Rõ ràng là bà ta làm chủ ở đây. Thỉnh thoảng ông béo lại ném cặp mắt sợ hãi kính cẩn nhìn bà ta.
- Chuyện ấy chắc hẳn đã làm náo động cả khu phố lên phải không? - Joseph hỏi.
- Chứ còn gì nữa! - Ông chủ quán trả lời - Cảnh binh và thậm chí cả ông chánh cẩm cũng đến...
- Ông biết ông ta chứ?
- Ai cơ? Ông chánh cẩm à?
- Không phải, người buôn sách cũ - ông lão Muet ấy?
- Không, chúng tôi không biết ông ta. Chúng tôi mới dọn đến đây.
- Thế ông ta có nhiều khách hàng không? Ông ta sống bằng nguồn lợi tức nào?
- Chính tôi cũng không biết nữa - Ông chủ quán lắc đầu nói.
- Ông ta không chỉ buôn sách thôi đâu - Bà chủ quán bắt đầu kể - Ông ta còn bán đủ loại đồ cổ. Chắc hẳn khách hàng của ông ta cũng không nhiều nhặn gì. - Bà ta quay sang chồng - Hình như thỉnh thoảng giáo sư Recceque cũng đến đó phải không nhỉ?
- Giáo sư Recceque ư?
- Vâng đúng rồi. Ông ta dạy trong trường tổng hợp và sống ở chỗ chúng tôi. Nếu ông về ăn tối thì sẽ gặp ông ta đấy.
Joseph đứng dậy.
- Tôi để chiếc va-li nhỏ này ở lại nhà ông bà và sẽ về ngủ đêm... Thế giáo sư Recceque dạy môn gì vậy?
- Ông ta là giáo sư lịch sử. Nhưng ông ta ít nói thế nào ấy. - Bà chủ quán bật cười và lại đi ra sau quầy hàng.
Từ ngoài phố vọng lại tiếng xe ô tô. Ông chủ quán đến gần cửa sổ và vén rèm lên.
- Hình như là họ...
- Ai thế? - Joseph hỏi.
- Từ tòa án đến chứ còn ai vào đây nữa! Họ đến để xác minh... Người ta đã mang tử thi đến tòa thị chính rồi.
° ° °
Trước đây Joseph đã có dịp đến Mouasac. Lúc đó anh đã đến ngắm nhìn phần chính môn của tu viện Saint-Pierre. Đó là một mẫu mực kiến trúc tuyệt vời trong đó kết hợp hài hòa phong thái Roman và Gotique. Nhưng buổi sáng hôm nay anh chả còn lòng dạ nào mà để ý đến mấy bức tượng thánh nữa.
Trước tiên anh quan tâm đến phố Cabrette và ngôi nhà cũ, nơi mà Gustave Muet bị giết. Joseph rẽ sang trái như lão béo nói giọng người Ý đã chỉ dẫn cho anh và một lát sau anh thấy cái phố nhỏ cần tìm. Nó nằm uốn khúc giữa những ngôi nhà bé tí tẹo màu vàng và màu xám lâu đời.
Trời vẫn mưa. Thứ mưa phùn lạnh lẽo không bao giờ ngừng. Rõ ràng là nó sẽ kéo dài luôn hết ngày.
Ở góc phố có ba chiếc xe đậu: Hai chiếc "Simca" xanh và đen với một chiếc xe hòm.
Một viên sen đầm đi lại cạnh mấy chiếc xe.
Khi anh đi ngang qua, viên cảnh binh nhìn chàng phóng viên với vẻ dò hỏi và tiến đến để chặn kẻ lạ mặt lại. Joseph làm ra vẻ như không thấy chuyện đó và cứ đi sâu vào trong phố nhỏ.
Lại một viên cảnh binh nữa đứng cách đó khoảng ba mươi mét.
Chàng phóng viên đi dọc theo những ngôi nhà đã tróc vôi lở tường. Dường như đây là một dãy phố bỏ hoang: Những cánh cửa sổ bị bung ván, những tấm bịt cửa sổ đóng chặt, những cánh cổng hoen rỉ phủ đầy mạng nhện. Những đụn rơm thòi ra từ những khung cửa sổ nhỏ trên gác xép. Joseph đi ngang qua cái hàng rào thấp mà đằng sau đó có một cái sân vương vãi đầy sắt vụn và bước vào ngõ cụt. Những bức tường trơ trụi nhô lên ở hai bên ngõ. Quầy hàng sách nằm trong ngôi nhà nhỏ chặn ở cuối ngõ cụt.
Joseph dừng lại tò mò nhìn về phía trước. Một nhóm người mặc thường phục đứng trước cửa nhà người buôn sách cũ. Cửa ngoài mở toang.
Ở đây cũng có một viên cảnh binh đứng gác. Anh ta nghiêng đầu dò hỏi và tiến đến gần Joseph. Chàng phóng viên chìa chứng minh thư của mình ra và viên cảnh binh hài lòng cúi đầu xuống.
- Thế còn những người kia là ai vậy? - Chàng phóng viên hỏi.
- Từ viện kiểm sát đến - Viên cảnh binh chậm chạp trả lời với giọng ngân vang đặc biệt của người địa phương - Ở đó mới chỉ có hai người từ tòa báo đến thôi. Anh cứ vào đi đừng ngại!
Joseph tiến một bước nhưng ngay lúc đó anh quay lại hỏi viên cảnh binh :
- Kia là Dự thẩm Ramondou phải không?
- Vâng, ông Ramoudou đó. - Viên cảnh binh hân hoan khẳng định.
- Ồ, ra thế!
Chàng phóng viên đến bên người đàn ông thấp bé có chòm râu đang xem xét kỹ lưỡng lối vào hành lang.
Nghe tiếng chân người, viên dự thẩm mà từ nãy đến giờ mới chỉ thấy hình trông nghiêng quay phắt lại bằng mấy gót chân và nhăn mặt một cái thể hiện nụ cười.
- Thưa ông Hamondou, - Joseph nói - tôi xin mạn phép làm phiền để được chào ông. Tôi hy vọng là ông nhận ra tôi đấy chứ?
Viên dự thẩm chìa tay ra.
- Quỷ tha ma bắt, tất nhiên là tôi nhận ra nhưng tôi không thể nói rằng sự xuất hiện của anh ở đây làm tôi vui mừng.
Bây giờ đến lượt Joseph mỉm cười chua chát.
- Tại sao vậy? - Anh ngạc nhiên hỏi.
- À, rất đơn giản là một khi anh đến đây tức là vấn đề rất nghiêm trọng và chúng tôi sẽ khám phá ra vụ án chẳng nhanh chóng gì. Thôi được rồi... - Và ông ta quay phắt về phía mấy người kia giới thiệu - Các anh hãy làm quen đi, đây là Joseph Robenne, một phóng viên nổi tiếng ở Paris, một chuyên gia về những vụ án hình sự. Còn đây là viên thư ký tòa án và hai đồng nghiệp của anh, phóng viên của mấy tờ báo địa phương. Vâng, một lần nữa anh lại là người đầu tiên từ Paris lao xuống, Robenne ạ! Thôi được rồi, bây giờ thì bắt tay vào việc thôi, thưa các anh... Ông chánh cẩm đâu nhỉ?
Viên dự thẩm hầu như không thay đổi chút nào. Lần đầu tiên Joseph gặp ông ta cách đây ba năm trong khi tham gia điều tra một vụ án. Ông ta vẫn ở lại trong ký ức của anh nguyên như vậy: Một con người cáu kỉnh, đa nghi luôn thò mũi vào khắp mọi nơi... Đôi bàn tay táy máy, cặp mắt sống động với chòm râu rối bù.
- Thưa ông dự thẩm, tôi bắt đầu được chứ? - Viên chánh cẩm nói.
Viên chánh cẩm là một người đàn ông mập mạp tính tình điềm đạm khoảng ba mươi tuổi. Ông ta chỉ tay về phía quầy hàng báo cáo :
- Sự việc như thế này, sau khi tiến hành xác minh, mọi thứ trong nhà vẫn được giữ nguyên vẹn như trước. Cửa ra vào hơi hé mở đúng như bây giờ đây, hay nói đúng hơn là hơi khép lại. Như ông đã biết người bán hàng thực phẩm tạp hóa ở cửa hàng bên cạnh ngạc nhiên không hiểu sao ông lão không đến lấy sữa bèn sai con gái sang xem. Cô con gái đẩy cửa vào hành lang và nhìn thấy cái xác chết nằm sâu phía trong thì hốt hoảng chạy bán sống bán chết về với mẹ.
- Nghĩa là cửa ra vào thậm chí không đóng chặt phải không? - Viên dự thẩm hỏi.
- Vàng, đúng như vậy! Cô gái đã xác nhận điều đó. Cô ta chỉ hơi khẽ đẩy cửa để đủ bước vào.
Joseph tránh ra mấy bước chăm chú xem xét căn nhà tồi tàn. Đó là một ngôi nhà một tầng thiết kế đơn giản. Hành lang nằm giữa, bên trái là quầy hàng, bên phải là nhà ở gồm một căn phòng nhỏ và bếp. Trong bếp có một cửa sổ hình vuông phủ đầy bụi. Phía bên trái là cửa vào quầy hàng và tủ kính mà ở phía sau hiện rõ những chồng sách nhàu nát.
- Ờ, còn cửa vào quầy hàng thì sao? - Viên dự thẩm hỏi.
- Nó vẫn đóng y như bây giờ. Nắm đấm cửa nằm ở phía trong.
- Một bức tranh không được lôi cuốn cho lắm! - Ramondou khẽ rít qua kẽ răng. - Nào, chúng ta cùng vào trong xem!
Đúng lúc đó một viên cảnh binh chạy đến bên họ. Anh ta chìa ra một mảnh giấy cho viên dự thẩm và thở hổn hển nói :
- Đây là điện của Công tố viên từ Montoban gửi đến.
- Lại có chuyện gì thế? - Viên dự thẩm kêu lên và mở tờ giấy ra - A hà, cái gì đây?
Khuồn mặt ông ta bỗng tõi sầm lụi.
- Ra thế đấy! Nhưng mà... Xem nào...
Ông ta chăm chú đọc lại bức điện lần nữa và quay sang phía Joseph.
- Vậy mà ông không nói gì với tôi cả, ông Robenne.
- Thế tôi cần phải nói với ông gì nhỉ, thưa ông Ramondou?
- Sao lại thế? Đây này, tôi nhân được điện của Công tố ủy viên gửi. Ông ta nhận được lệnh của Paris. Có nghĩa là vụ án này rất quan trọng. Công tố ủy viên không định xuống đây vì bận việc. Thế mà bây giờ bỗng nhiên lại báo rằng đây là một vụ án có tầm quan trọng quốc gia và ông ta sẽ đến đây ngay lập tức. Chính ông đã biết chuyện này, có phải không nào? Và tại sao ông lại đến đây nhanh như vậy? Tội ác mới chỉ phát hiện ra chiều qua...
Bằng mấy lời vắn tắt Joseph trình bày lại mấy sự kiện chính.
- Tóm lại là ông sẽ đọc thấy tất cả những chuyện đó trong "Paris-Nouvelles". Đúng là số báo buối chiều của chúng tôi chỉ bán ở Paris nhưng các hãng thông tấn sẽ thông báo ngay lập tức và rất có thể là chuyện đó đã được thực hiện rồi.
- Vâng, không phải vô cớ mà tôi cảm thấy ngay rằng sự xuất hiện của ông ở đây không hứa hẹn một điều gì tốt lành cả! - Viên dự thẩm kêu lên - Biết làm sao được! Bây giờ thì thưa ông phóng viên, mời ông hãy cố gắng đừng bỏ sót điều gì và hãy giúp đỡ chúng tôi!
Viên dự thẩm bước vào trong hành lang.
Mùi mốc ẩm toát ra từ mấy bức tường tối tăm. Ở đây còn có cả mùi da để lâu, cả mùi giấy ẩm, cả mùi vữa trát tường ẩm thấp và mùi của hàng ngàn đồ vật khác nữa. Không khí ở đây vô cùng ngột ngạt và hôi hám.
- Người ta phát hiện ra xác chết ở kia à? - Viên dự thẩm chỉ tay về phía trong hành lang hỏi.
Một dấu chữ thập được đánh dấu bằng phấn trắng trên sàn nhà ở gần cửa vào quầy hàng hơi hé mở.
- Vâng, đúng thế! - Viên chánh cẩm khẳng định - Ông lão đã ngã xuống đúng chỗ đó như đã được giám định viên xác nhận. Ông ta chết ngay lập tức.
- Ba phát đạn bắn trực diện. Trên chiếc áo gi-lê còn hiện rõ ba lỗ thủng do đạn làm cháy. Kẻ giết người đã bắn từ một khoảng cách rất gần. Sau khi nạn nhân ngã xuống hắn ta không đụng chạm gì đến xác chết.
Ramondou đi vào trong quầy hàng.
Đó là một căn phòng dài và hẹp. Các giá để sách đặt dọc hai bên tường. Ở đây chẳng thiếu thứ gì cả! Khắp nơi đầy những cuốn sách cũ, những cái chén bị mẻ, mấy cái đĩa hoa... Đủ các loại đồ lặt vặt. Tất cả đều bị một lớp bụi dày bao phủ. Trên những khoảng trống hiếm hoi giữa các giá sách treo mấy bức tranh rẻ tiền. Mùi mốc meo và giấy cũ trong quầy hàng lại còn làm phiền toái hơn nữa. Cái mùi mới nặng nề làm sao! Dường như quầy hàng chưa bao giờ được thông gió và mùi ngột ngạt tạo bởi những thứ cũ kỹ đó không bay đi mà chỉ đặc quánh lại từ ngày này sang ngày khác, từ năm này sang năm khác. Viên dự thẩm nhăn cái mũi nhọn hoắt của mình đi đi lại lại trong quầy hàng. Rõ ràng là cái mùi ngột ngạt đó làm ông ta khó chịu.
Tất cả những người có mặt im lặng theo sát gót ông ta
Một luồng ánh sáng lờ mờ xuyên qua cái tủ kính bày hàng bẩn thỉu. Tất cả im lặng xem xét căn phòng, gắng sức tưởng tượng ra sự tồn tại của ông lão giữa những cuốn sách sờn cũ và những cái đĩa đã nứt rạn này. Và mỗi người trong số họ đều nghĩ đến tấn thảm kịch đã xảy ra giữa những bức tường này. Một kẻ đã vào nhà ông lão. Có thể là thậm chí ông lão đã quên khóa cửa ngoài lại. Nghe thấy liếng động ông lão đứng dậy. Và ngay lúc đó người ta đã nã ba viên đạn súng lục liên tiếp vào người ông ta.
- Có vẻ như ở đây mọi thứ vẫn nguyên vẹn như trước. - Viên dự thẩm nói - Không có dấu vết vật lộn hay là tên giết người đã lục tìm một cái gì đó.
- Đúng thế - Viên cảnh sát xác nhận - Tôi đã thu thập lời khai của mấy người hàng xóm. Theo như họ nghĩ thì mọi thử vẫn ở nguyên vị trí của mình. Quầy hàng lúc nào cũng như thế này. Nhưng chỉ có điều là một chồng sách đã bị đổ tung ở gần cửa, chứ còn ở đây cũng chẳng có ngăn nắp hay bừa bãi gì đặc biệt quá mức.
- Thì chính các ông cũng tự thấy đấy: Khắp nơi có một lớp bụi dày bao phủ.
Tất cả chuyển sang phòng ở.
Cửa ra vào của phòng ở nằm đối diện với cửa vào quầy hàng. Bếp nằm sau phòng ngủ và được chiếu sáng bởi cái cửa sổ nhìn ra phố. Ở trong phòng ngủ không có chiếc cửa sổ nào.
Một chiếc giường gỗ hồ đào màu sẫm kê trong góc phòng. Những đồ gỗ còn lại gồm có một cái tủ lớn, hai chiếc tủ con, một chiếc ghỗ bành kiểu thời Vônte mà lòng đệm đã lòi ra tứ tung và ba chiếc ghế dựa khập khiễng.
- Không có điện à? - Ramondou hỏi.
- Có, nhưng mà tất cả bóng đèn cháy hết rồi ngoài chiếc ở hành lang - Viên cảnh sát giải thích - Ông lão sống trong bóng tối như chuột chũi ấy. Các ông thấy đấy... - Và anh ta chỉ chiếc bàn ngủ nhỏ. Trên bàn có một cái lọ đầy vết bạch lạp. Ở cổ lọ thòi ra một mẩu nến cháy dở bé xíu. Một hộp diêm lưu huỳnh gần như rỗng không nằm bên cạnh.
- Hãy mở cửa thông sang bếp đi! - Viên dự thẩm ra lệnh - Sẽ nhìn rõ hơn đấy.
Luồng ánh sáng mờ nhạt buổi sớm luồn vào trong phòng soi rõ những đồ gỗ nghèo nàn. Và khắp nơi ở đây cũng đầy bụi, cũng toát mùi giấy để lâu và mùi gỗ ẩm thấp. Ở đây không có lò sưởi. Những tấm lịch quảng cáo cũ rích là đồ trang trí duy nhất trên tường.
Gian bếp cũng tồi tệ như vậy. Sàn bếp được lát bằng những viên đá lồi lõm nứt rạn. Trong chậu còn mấy cái đĩa bẩn chưn rửa. Phía trên bếp lò treo lủng lẳng mấy cái nồi bẩn. Ông lão nấu nướng ngay trên bếp lò bằng củi chất lăn lóc trong góc bếp. Ở trong bếp lò còn một đống tro tướng. Một chiếc bàn con bằng gỗ không có khăn trải đầy những vết rượu có từ lâu. Cạnh đó còn có hai chiếc ghế dựa và ngoài ra chẳng còn gì. Tất cả những cái đó gây nên ấn tượng lạnh lẽo, đói nghèo và hoang tàn.
- Người ta tìm thấy đồng tiền vàng ở chỗ nào? - Joseph hỏi.
- Ở hành lang, chỗ gần cửa ra vào - Viên cảnh binh trả lời - Đó là đồng tiền của Liên minh La tinh 1.
- A hà! Theo tỉ giá hiện nay thì bằng ba mươi tám phrăng năm mươi xăngtim. - Một trong những phóng viên báo chí địa phương mà viên dự thẩm đã giới thiệu với Robenne nhận xét.
- Nếu có nhiều đồng tiền như vậy thì cũng được! - Robenne nói.
- Chính là phải làm sáng tỏ điều đó - Viên dự thẩm lẩm bẩm dường như nói với chính mình - Người ta nói rằng ông lão vốn keo kiệt, mọi chuyện điều rất có thể.
- Chủng tôi đã lục soát mọi ngóc ngách rồi - Viên chánh cẩm nói - đã xem cả gạch lát sàn, trần nhà... Không có gì hết. Trong tủ chỉ có quần áo cũ thôi.
- Rõ ràng là ông ta hoàn toàn thờ ơ chẳng cần biết ăn ngủ ở đâu...
- Đúng là như vậy - Viên chánh cẩm gật đầu đồng tình - Theo lời của mấy người hàng xóm thì lúc nào ông ta cũng vật vờ trong quầy hàng, thậm chí cả ban đêm, sau khi đã đóng cửa hàng ông ta vẫn ngồi lại đó hồi lâu.
- Thế ông ta làm gì?
- Đọc sách! Người ta nói rằng ông ta chỉ làm có mỗi một việc là đọc sách. Và mặc dù vậy, thị giác của ông ta vẫn còn rất tốt. Ở cái tuổi bảy mươi ba mà ông ta vẫn không phải đeo kính!
- Thật là một ông lão đáng chú ý, không chê vào đâu được! - Joseph đăm chiêu nhận xét.
Chắp tay sau đít, viên dự thẩm Ramondou bực bội đi những bước ngắn qua lại giữa cửa sổ và bếp lò.
- Tất cả những cái đó rất đáng lưu ý, thưa các ông, nhưng chưa đem lại cho chúng ta cái gì cả. Con mọt sách này bị giết bởi ba phát súng lục. Đấy chính là điểm xuất phát của chúng ta. Vậy mà tôi không thấy một chi tiết chỉ dẫn nào cả. Trong nhà không thấy lộn xộn. Mọi thứ quá nghèo nàn. Chỉ có một đồng tiền vàng bị rớt và cái xác chết nằm sâu trong hành lang.
"Đúng thật là không có một chi tiết chỉ dẫn nào cả! - Joseph nghĩ - Nhưng phải chăng có thể như vậy? Chắc chắn phải có tang chứng ở đây. Chúng được giấu ở đâu đó trong những căn phòng lạnh lẽo và đầy bụi bặm này. Chúng phải có ở đây! Xem xét thế vẫn chưa đủ. Than ôi, đôi khi vẫn vậy, ta nhìn, nhìn hoài mà sao chẳng thấy gì. Mấy bức tường trần trụi bụi bặm...".
- Thế khẩu súng lục cỡ nào nhỉ? - Joseph hỏi.
- Cỡ bảy sáu nhăm - Viên chánh cẩm trả lời - Đó là loại Browning thông thường với ổ đạn tám viên. Của bọn găngxtơ chính cống là loại 9 hay 11 ly...
Viên dự thẩm vẫn lon ton trong bếp.
Bỗng nhiên ông ta dừng lại bên bếp lò và nghi ngờ nhìn đống tro.
- Cái gì thế này? - Ông ta đưa ngón tay khẳng khiu chỉ vào bếp lò hỏi.
Viên chánh cẩm ngồi xổm xuống và gạt tro. Trong đống tro có cái gì đó trăng trắng lòi ra.
- Các ông đã quên không xem xét tro! - Viên dự thẩm kêu lên với vẻ quở trách - Cần phải nghĩ đến mọi thứ chứ!
Vật tìm thấy hóa ra là một mẩu giấy. Nói đúng hơn là một mẩu giấy vò nát. Viên cảnh sát cố gắng vuốt nó cho thẳng lại. Đó là một trang giấy thường, khổ nhỏ bị xé ra từ một quyển vở hay một cuốn album.
Trên mảnh giấy có viết dòng chữ gì đó bằng tay.
Viên chánh cẩm nhìn nó và nhún vai đưa cho viên dự thẩm.
- Tôi không nghĩ là cái này có thể giúp ích cho chúng ta. - Viên chánh cẩm nói và tiếp tục cời tro bằng thanh sắt cời lò.
Viên dự thẩm cầm mảnh giấy xem xét một cách ngờ vực. Ông ta cẩn thận kẹp nó giữa ngón trỏ và móng tay ngón cái vì sợ làm mất dấu tay có thể có trên đó.
- Ồ, đây là một bài thơ! - Ông ta kêu lên.
Viên chánh cẩm quay về phía ông ta và lại nhún vai. Viên dự thẩm bỗng nhiên sôi nổi hẳn lên :
- Đúng thế, đây là một bài thơ và cần phải lưu ý đến nó. Các ông hãy đừng quên rằng văn học có can dự vào chuyện này!
Và ông ta nói thêm như thể cho riêng mình.
- Còn cái gì trên đời mà chúng ta chưa gặp phải nữa cơ chứ!
Joseph đến gần viên dự thẩm.
Anh suýt không ghìm được và để lộ nỗi kinh ngạc của mình.
Mảnh giấy viên dự thẩm đang cầm khiến anh nhớ đến tờ giấy nháp mà anh đã nhặt được ở hành lang tòa soạn. Đó là bản nháp một bài thơ đã rút ra từ túi của Tổng biên tập. Joseph nhận ra nét chữ của Bary. Anh tin chắc là mình không nhầm tí nào.
Tất cả những cái này có nghĩa gì? Bằng cách nào mà bài thơ của Tổng biên tập báo "Paris-Nouvelles" lại có ở đây, trong gian bếp hoang tàn của người buôn sách cũ bị giết này?
Không còn nghi ngờ gì nữa, viên dự thẩm đã nói đúng. Không phải là bọn cướp thường hay bọn găngxtơ chuyên nghiệp hoạt động ở đây. "Văn học có can dự vào chuyện này!"
Phải xử sự thế nào đây? Chia xẻ phát hiện của mình với Ramondou ư? Hay là báo cho cảnh sát? Không, cần phải xem thế nào đã. Ai mà biết được, Ramondou có thể biểu lộ sự hăng hái của mình một cách thái quá, lôi kéo cả một ủy ban điều tra vào vụ này rồi lại thêm một ủy ban khác nữa. Chất củi đầy nhà thì phiền lắm! Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra từ cái con người bé nhỏ với chòm râu này.
- ổng nghĩ gì về chuyện này, thưa ông người Paris? - Rainonriou hỏi.
- Xin ông cho phép. - Joseph nghiêng người để đọc bài thơ. Đầu đề của bài thơ là "Sự mầu nhiệm của im lặng".
Nó bắt đầu như thế này:
Im lặng bao phủ nhà tôi,
Như mái nhà tuyết trắng,
Như bộ áo thần kỳ,
Như hoàng bào câm lặng...
- Cũng tàm tạm - Chàng phóng viên nhận xét - Ai làm bài thơ này thế nhỉ?
- Anh muốn gì, anh cười tôi hay sao ấy?
- "Như hoàng bào câm lặng" - Joseph khẽ ngâm nga.
- Câm lặng à? - Viên dự thẩm lẩm bẩm - Anh cho rằng ở đây có cái gì đó liên quan đến họ của ông lão phải không? Không, tôi hoàn toàn không hiểu gì hết trong chuyện này. Tôi nghĩ rằng đây chỉ là một vụ cướp đêm thường tình. Anh đã nói với tôi rằng tên cuốn tiểu thuyết lạ lùng kia là "Sự im lặng..."
- Của Harpocrate. Đó là thần Hy Lạp, thần của sự im lặng.
° ° °
Buổi trưa Joseph lên phòng mình.
Trời vẫn mưa.
Qua rèm cửa sổ anh nhìn thấy màn mưa dày đặc treo trên thành phố. Việc điều tra của tòa án không tiến triển được bước nào. Công tố ủy viên của tòa án sơ thẩm đã đến chỗ xảy ra tội ác. Ông ta xem xét kỹ lưỡng căn nhà tồi tàn của Gustave Muct.
Không ai biết gì hết. Không ai nghe thấy mấy phát súng. Bác sĩ khẳng định rằng vụ giết người đã xảy ra vào ban đêm, khoảng ba - bốn giờ. Vào lúc người ta phát hiện ra tội ác tất cả mọi thứ trong nhà vẫn nguyên vẹn như thường ngày. Mấy tấm gỗ bịt cửa quầy hàng và cửa sổ trong bếp văn không đóng.
Tất nhiên địa điểm này cực kỳ thuận tiện cho bọn tội phạm bởi không có ai sống trong cái ngõ cụt này. Những người hàng xóm gần nhất của ông lão buôn sách cũ là những công nhân và mấy người già cả đều sống ở trên phố Cabrette.
Chàng phóng viên đã gửi bài phóng sự đầu tiên của mình qua điện thoại và đồng thời nói dăm ba câu chuyện với Bary và Rosie Sauvage.
"Paris-Nouvelles" đã "châm ngòi" cho các báo khác khi đem liên hệ vu giết người ở Mouasac với cuốn tiểu thuyết được giải thưởng Goncourt. Chỉ có hai tờ báo khác cũng đăng tin về vụ giết người thế nhưng ở một tờ thì trên trang ba, còn tờ kia thì trên trang bốn. Phóng viên địa phương đã chuyển tin về mà không để ý đến nó lắm.
Đúng thật là bây giờ tất cả các tòa soạn đều đâm bổ đi tìm tư liệu. Chẳng bao lâu nữa thành phố sẽ tràn ngập các phóng viên và Rainondou sẽ tha hồ mà cuống lên. Nói chung là cảnh sát hình sự Paris sẽ điều tra vụ án này.
Joseph cũng đang rối bời cả lên.
Lần thứ một trăm anh hình dung lại trong đầu tất cả những gì xảy ra từ khi bắt đầu cuộc điều tra. Anh không thể rút ra được một kết luận nào. Mọi sự vẫn hoàn toàn bí ẩn.
Anh đã định gọi diện cho Bary và kể về bài thơ tìm thấy trong đống tro nhưng anh lại thay đổi ý định. Tốt nhất là hãy chờ đã. Tất nhiên là trong bài phóng sự của mình anh sẽ bỏ qua mảnh giấy tìm thấy trong bếp lò.
Joseph nhìn ra màn mưa.
Một vấn đề đang ám ảnh anh.
Tổng biên tập giữ vai trò gì trong toàn bộ chuyện này? Ông ta sinh ra ở Mouasac, bà dì đã già của ông ta sống ở đó. Hay là đến gặp bà ta nhỉ? Bà ta sống ở đại lộ Sanser giữa khu Uvarium và cầu Napoléon. Trong cuốn sổ tay của Joseph có ghi địa chỉ của bà ta.
Joseph đến nhà xác xem xét tử thi.
Hóa ra Gustave Muet là một ông lão gầy gò. Ngay cả lúc đã chết ông ta vẫn giữ vẻ thản nhiên mỉa mai trên khuôn mặt. Những nếp nhăn dài cày xới khuôn mặt trắng nhợt hom hem với chòm râu kiểu Calvin.
Nhưng rõ ràng là không thể suy đoán được điều gì theo xác chết cả. Bề ngoài vốn dễ đánh lừa con người ta lắm.
Joseph nhìn đồng hồ. Đã đến giờ ăn trưa.
Hóa ra cái khách sạn này cũng không tồi tệ lắm. Bề ngoài "Chùm nho chín mọng" trông không được hấp dẫn nhưng các phòng bên trong sạch sẽ, rộng rãi và khá tiện lợi. Không biết ở đây họ đồn đại như thế nào nhỉ! Bây giờ thì anh sẽ biết điều đó. Nói chung anh đến Mouasac không thể là để thưởng thức các món ăn miền Nam.
Đúng lúc Joseph ra khỏi phòng mình thì cánh cửa phòng bên cạnh mở mạnh ra và một người đàn ông cao, mặc bộ com-lê màu đen với mái tóc bạc dài, hơi quăn ở gáy đi về phía cầu thang. Ông ta sải những bước dài và gõ mạnh đế giày xuống mặt sàn gỗ. Trông ông ta giống như một con rối bằng gỗ với những khúc xương sống gọt giũa thô kệch.
"Đây đúng là ông giáo mà bà chủ quán đã nói đến - Joseph nghĩ - Đó là giáo sư... tên ông ta là gì nhỉ? Ồ, đúng rồi, Kecceque giáo sư lịch sử".
Joseph vẫn tiếp tục suy nghĩ khi xuống cầu thang.
Khỏi phải nói, vụ án này vượt quá tất cả những gì có thể tưởng tượng được. Có nhiều giả thuyết khác nhau đã được đặt ra về những tang chứng tìm thấy, về những nguyên nhân thúc đẩy và về bản thân tên tội phạm. Nhưng dù sao bí ẩn nhất vẫn là cái đã biết rồi.
Xuống hết cầu thang, Joseph đi vào hành lang mà một phía thì dẫn ra phố, còn phía kia thì ra sân. Ngoài sân chất đầy những cái thùng cũ, hòm xiểng và củi đốt. Cửa vào phòng chính nằm ở bên trái, Joseph đẩy cửa vào tiệm ăn.
Gino đang ngồi sau rèm cửa nhìn trời mưa và hút thuốc.
Từ phía phòng trong vọng lại tiếng bát đĩa.
Ông giáo ngồi đọc báo ở gần quầy hàng. Một liễn súp bốc hơi nghi ngút đặt trước mặt ông ta. Ông ta vẫn chưa bắt đầu ăn.
Nghe tiếng chân của chàng phóng viên, ông chủ quán quay lại.
- Tôi đã dọn bàn cho ông ở gần cửa ra vào. Ở đây sáng sủa hơn. Tôi sẽ mang súp đến cho ông ngay bây giờ đây.
Gino đến bên ông giáo.
- Thưa giáo sư Recceque, xin mời giáo sư múc cho mình ạ...
Không nói một lời ông giáo đặt tờ báo xuống và cầm muôi. Gino nghiêng mình nhấn mạnh sự kính trọng của mình và bỏ liễn súp đến cho chàng phóng viên.
Món súp chỉ hơi âm ấm và trong veo, hoàn toàn chẳng giống thứ súp mỡ màng mà đôi khi người ta được nếm ở Gascogne hay là ở Languedoc
Bữa tiệc qua đi trong im lặng hoàn toàn. Ông chủ quán biến đâu mất. Bà chủ quán với khuôn mặt đã phôi phai thỉnh thoảng lại xuất hiện và chạy tới chạy lui giữa mấy dãy bàn.
Làn mưa gõ khe khẽ vào cửa kính khiến ta tưởng như trời đã tối. Sau món ăn tráng miệng ông giáo châm thuốc hút và đi ra cửa.
- Thời mới chả tiết! - Joseph nói để bắt chuyện.
- Vâng, thời tiết tệ thật! - Recceque buông một câu mà không hề ngoái lại. Ông ta có giọng trầm và ấm.
- Chắc là thời tiết kiều này ở đây rất hiếm phải không?
- Cũng bình thường đối với thời gian này trong năm... - Ông giáo không có ý tiếp chuyện.
- Ở Mouasac có bao nhiêu người nhỉ? - Tuy nhiên Joseph vẫn tiếp tục.
- Bảy ngàn tám trăm mười bốn người theo số liệu điều tra cuối cùng. - Ông giáo đứng sừng sững nhìn trời mưa và không hề ngoái đầu lại với điếu thuốc ngậm ở khóe miệng.
Nhưng Joseph không, chịu thua.
- Cái tu viện của các ông mới tuyệt diệu làm sao! - Anh hân hoan nói - Còn phần chính môn nữa chứ!
Ông giáo quay người lại bằng gót giầy. Ông ta bước đi giữa mấy chiếc bàn, chân giựt giựt, tay chắp sau lưng.
- Một tu viện độc đáo! Một tu viện kiểu Roman tuyệt diệu không thua mấy nhà thờ ở Eln và đền thờ thánh Trouphine ở Arle. Nó được giáo chủ Anskitin dựng lên vào năm 1100. Trong đó có 76 vòm cuốn tựa trên những cột đá hoa cương... Đã một thời có một bể nước thần đặt ở trung tâm...
Joseph cố ghìm nụ cười. Nhưng ông giáo không hề nhìn anh. Dường như ông ta đang nói chuyện với mấy bức tường vậy.
- Phần chính môn thật tráng lệ! Vâng, đúng thế! Đó là một viên ngọc, là một cái gì đó khó mà tưởng tượng được. Một phép mầu thật sự. Nó được dựng nên vào năm 1130. Lúc đầu nó nằm ở hướng tây. Cuối thế kỷ 12 người ta đem tháo ra và mang đến hướng nam của tu viện để bảo vệ khỏi đạn pháo có thể bắn đến từ mấy ngọn đồi bên cạnh... Vâng, từ mấy ngọn đồi. Chính đó là phép mầu đấy, không còn lời nào khác cả! Ở mặt tiền có một bức tranh khải huyền: Chúa Ki-tô với biểu tượng của những người truyền bá kinh phúc âm vây quanh và 24 tu sĩ. Thanh cửa ngang được làm bằng đá hoa cương từ Pyrénées. Tôi không biết còn loại đá hoa cương nào đẹp hơn thế nữa. Chiếc gương đứng đẹp tuyệt vời. Trên mặt thể hiện những con sư tử đang quấn nhau - có ba đôi như vậy. Ở cả hai phía phần chính môn đều thể hiện các vị thánh với những đồ phục sức lộng lẫy. Vị thánh phía bên phải có khuôn mặt thật dễ chịu.
Ông giáo dừng lại bên quầy hàng. Dường như ông ta đang lắng nghe xem có chuyện gì xảy ra ở căn phòng phía trong nơi mà ông chủ bà chủ đang dùng bữa. Sau đó ông ta lại tiếp tục bước đi.
- Các bức tường hai bên cạnh được trang trí bằng những pho tượng. Nhưng khốn thay chúng được bảo quản rất tồi. Phía bên trái là những con quỷ đang tra khảo Keo kiệt và Nhân ngãi. Phía trên là bữa tiệc của tay nhà giàu, cái chết của Lasar và thiên đường nơi mà thánh Abraham đang giữ hồn của một kẻ nghèo khó trên đầu gối. Phía bên phải là lễ Báo tin, sự Xuất hiện của các vị tiên, lễ Gặp gỡ... Vâng thưa ông, đó là một kỳ quan, một kỳ quan thật sự... Ông đã nhìn thấy tu viện từ trước chưa?
Ông giáo bỗng bất ngờ quay lại nhìn Joseph khiến anh bối rối.
- Tiếc rằng chưa.
Chỉ có lúc này anh mới nhìn rõ mặt Recceque. Nét mặt thô, không cân đối. Bên miệng có những nếp hằn sâu. Ông ta có đôi mắt hõm sâu, vầng trán cao, nướức da nhợt nhạt xám ngắt của những kẻ đọc nhiều và ngủ muộn. Có cái gì đó điên dại ẩn trong đôi mắt đen sâu thẳm của ông ta.
- Rất ít người hiểu được giá trị thực sự của kho báu này - Ông giáo nói thêm bằng giọng trầm trầm của mình.
Có cái gì đó nhắc Joseph: "Đây chính là một dịp may tuyệt vời cho mi để hỏi han về người buôn sách cũ của mình. Bởi vì mi đến đây vì việc đó chứ không phải để nghe những lời bình luận về đồ cổ!".
- Giáo sư nghĩ là chỉ một số ít thôi ư? Nhưng rõ ràng là ở nông thôn cũng không ít người có học thức. Chẳng hạn tôi cho rằng ông lão bất hạnh bị giết chiều qua cũng là một người uyên bác trong một phạm trù nào đó...
- Những người có học thức thực sự rất hiếm. - Ông giáo cắt ngang và đi ra cửa.
"Không, ta phải hỏi kỹ ông ta bằng bất kỳ giá nào" - Joseph quyết định.
- Giáo sư biết người buôn sách cũ đó chứ?
Ông giáo quay lại đến bên bàn Joseph.
- Tôi biết ông ta cũng như tất cả mọi người trong thành phố. Thực ra mà nói, ông ta không phải là người có học thức như ông nói. Chỉ đơn giản là ông ta bị đầu độc vì đọc sách. Ông ta đọc tất cả những gì vớ được. Đó là một kẻ tự học không hay gì.
- Tại sao vậy?
Ông giáo nghỉ lấy hơi và đưa tay lên cà vạt của mình. Đó là một cử chỉ thể hiện sự bực bội mà ông ta thỉnh thoảng cứ lặp lại.
- Vâng, cứ thử lấy tu viện của chúng tôi làm thí dụ mà xem. Ông lão Gustave Muet đã khẳng định như thể mấy cột trụ được xây khoảng năm 1200. Thế nhưng thật dễ dàng chứng minh rằng công trình của Anskitin đã tồn tại đến thời chúng ta hoàn toàn nguyên vẹn. Tôi không thể nào giải thích cho ông ta hiểu nổi điều đó... Chứ còn cái gì ở đó thì...
Ông giáo khoát tay và ngay lúc đó lại buông xuống kèm theo tiếng thở dài rất khẽ.
- Giáo sư có hay nói chuyện với ông ta không?
- Không, rất ít khi. Quầy hàng có cái mùi kinh người. Nói chung ông ta sống trong rác rưởi. Suốt nửa năm gần đây tôi không gặp ông ta lần nào, và bây giờ bỗng nhiên biết rằng... Nhưng ông đâu có thích gì chuyện đó... Tạm biệt ông. Nếu như có thời gian ông đừng quên xem tu viện của chúng tôi. Đó là một đài kỷ niệm độc đáo, một kho báu thật sự, tôi xin nhắc lại với ông.
Ông giáo rời khỏi bàn. Ông ta đi nhún nhảy, giật giật và đôi tay cũng co giật hòa theo nhịp bước. Còn những món tóc xoăn đã bạc thì trùm lên cổ áo.
Ông ta đi khỏi. Sau đó một lát Gino dẫn một ông lão thường hay cưa củi ở sân khách sạn vào phòng.
- Đây là một kẻ bất hạnh - Tay người Ý giải thích - Ông ta sống trong một túp lều tồi tàn ở bên kia đường xe lửa phía trên đồi. Ông ta bị câm, hình như từ lúc sinh ra.
Joseph nhíu mày.
- Bị câm à?
- Vâng, từ lúc lọt lòng, ông ta bị câm từ lúc lọt lòng.
--- ------ ------ ------ -------
1 Liên minh tiền tệ La Tinh được ký kết năm 1865 giữa một số quốc gia ở châu Âu nhằm mục đích tiêu chuẩn hóa việc đúc tiền vàng. Năm 1927 liên minh tan rã.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook KẺ GIẾT NGƯỜI ĐƯỢC GIẢI GONCOURT.