Phần 4 - Chương 14: Nhân Quả Thế Gian - Quả báo rất nhẹ
-
Luận Về Nhân Quả
- Vân Họa , Thích Chân Quang
- 6866 chữ
- 2020-05-09 03:59:08
Số từ: 6859
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
Nguồn: sachvui.com
(Trích Tăng Chi Bộ kinh 3 A, tr 230)
"Này các Tỳ Kheo, sát sanh được thực hiện, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của sát sanh là được làm người với tuổi thọ ngắn.
"Này các Tỳ Kheo, lấy của không cho được thực hiện, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục. Quả dị thục hết sức nhẹ của lấy của không cho là được làm người với sự tổn hại tài sản".
"Này các tỳ kheo tà hạnh trong các dục được thực hiện,... đưa đến địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của tà hạnh trong các dục là được làm người với sự oán thù của kẻ địch."
"Này các Tỳ Kheo, nói láo được thực hiện,... đưa đến địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của nói láo là được làm người, bị vu cáo không đúng sự thật."
"Này các Tỳ Kheo, nói hai lưỡi được thực hiện, đưa đến địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của nói hai lưỡi là được làm người với bạn bè bị đổ vỡ."
"Này các Tỳ Kheo, nói ác khẩu được thực hiện..., đưa đến địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh. Quả dị thục hết sức nhẹ của sự nói ác khẩu là được làm người với bị nghe những tiếng không khả ý ."
"Này các Tỳ Kheo, nói lời phù phiếm... là được làm người nghe những lời khó chấp nhận."
"Này các Tỳ Kheo, uống rượu lên men, rượu nấu... là được làm người với tâm điên loạn."
NHẬN XÉT:
Đây là những lầm lỗi căn bản của người tại gia cư sĩ mà Đức Phật đã đề cập đến rất nhiều. Ở đây nêu lên tám điều, nhưng gom lại chỉ trong năm điều để Phật chế thành ngũ giới. Ngũ giới là hàng rào gìn giữ chúng sinh có được thân người không rơi vào ba đường ác quá đau khổ.
Thời nay có nhiều người tu thiền, nghe nói:"Tâm bình hà lao trì giới, hạnh trực hà dụng tu thiền", họ có quan niệm xem thường giới luật. Họ cho rằng giữ giới là gò bó và phá giới là... tự tại! Có người sau một thời gian dụng công, được sức tỉnh giác rỗng rang của chánh niệm, thử uống rượu, vẫn thấy còn giữ được tâm tỉnh giác này, liền cho mình đã tự tại không còn bị vấn đề giữ giới phạm giới chi phối. Hạng tà kiến này không bao lâu sẽ phạm những trọng giới để rồi đọa vào đường ma.
Phải biết rằng người tự tại là người đủ sức giữ giới. Chưa đủ sức giữ giới tức là chưa tự tại. Phá giới là chuyện dễ làm của kẻ phàm phu, đâu phải là chuyện cao siêu khó khăn gì. Tu một thời gian rồi đủ sức... phá giới, hạng người này là gì, nếu không là hiểu sai?
Có thể chúng ta uống vài chung rượu, lấy lén vài món đồ mà trình độ công phu nào giờ vẫn không thối thất. Nhưng chúng ta đừng xem thường, phạm vài lần nữa sẽ bị thối thất công phu. Hơn nữa chúng ta cần phải giữ giới để làm gương cho người khác. Chúng ta phải quý kính giới luật như là sự thể hiện chân chính của tâm hồn giải thoát. Tâm hồn thênh thang giải thoát được thể hiện nơi giới luật kỹ lưỡng, không phải thể hiện nơi sự bừa bãi phóng túng. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này nơi phần phân tích Nhân Quả xuất thế gian.
Sự vi phạm quá đáng những giới căn bản nêu trên đều đưa đến địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ. Ở đây Đức Phật cho biết quả báo rất nhẹ của ác nghiệp đó là những nghịch cảnh nơi thân người. Sở dĩ có trường hợp quả báo rất nhẹ này là do người kia có thể đã từng tạo những công đức khác lớn lao hơn để chận đứng được sự đọa vào ba ác đạo. Tuy nhiên nơi thân người. Họ vẫn phải gặp nghịch cảnh tương xứng với ác nghiệp đã gây.
Người sát sinh tức là triệt mất thọ mạng của chúng sinh. Sự đền trả tương xứng dành cho họ là bệnh hoạn và yểu mệnh. Sau khi nghe tin báo là đã thiêu mấy vạn quân địch trong hang núi, Khổng Minh than thở rằng ông sẽ giảm thọ một kỷ (mười hai năm). Quả báo hiện đời như vậy là quá nhẹ. Có thể do công đức trong đời quá khứ của ông rất lớn chăng?
Được thấy cho biết rằng mình sẽ chấm dứt thọ mạng trong bảy ngày nữa. Ông Sa Di xin về thăm nhà. Giữa đường ông vớt một ổ kiến to trôi theo nước lũ. Công đức này đã kéo dài thọ mạng của ông thêm một thời gian nữa.
Chúng ta cũng thường gặp những người có vẻ hiền lành, chưa thấy tạo nghiệp gì quá đáng nhưng vẫn chịu một đời sống ngắn ngủi. Có khi họ nhận một tai nạn bi thảm như đụng xe, trôi sông lửa cháy... rồi mạng sống kết thúc. Cũng có khi họ bệnh qua loa rồi mất. Những hiện tướng như thế đều là sự báo ứng từ nghiệp sát sinh trong quá khứ.
Chúng ta đặt vấn đề những chiến sĩ chiến đấu nơi tuyến đầu để bảo vệ đất nước. Quả báo sẽ ra sao khi sự chiến đấu kịch liệt đêm ngày luôn luôn đưa đến sự sát sanh đầy dẫy. Dĩ nhiên cuộc chiến tranh xảy ra là do quả báo oán thù giết hại nhiều đời, nhưng ở đây chúng ta trích ra một phần để khảo sát Nhân Quả của một chiến sĩ cầm súng chiến đấu. Sự kiện nào cũng vừa là nhân vừa là quả, không chỉ đơn thuần một chiều. Quả báo đã khiến họ phải đối đầu với nhau để một mất một còn. Nhưng ngay lúc ấy cũng là lúc họ gây nhân mới cho vị lai.
Như đã nói, sát sinh luôn luôn là một bất thiện nghiệp. Tuy nhiên một bất thiện nghiệp có thể được hóa giải bởi một đại thiện nghiệp. Đại thiện nghiệp được nhắc đến ở đây là chiến đấu bảo vệ sự bình yên cho nhân dân bên trong lãnh thổ. Nếu người chiến sĩ phải chiến đấu để ngăn chặn sự xâm lăng từ bên ngoài, giữ cho phần đất bên trong được yên ổn, cho em bé ngày ngày tới trường, cho mẹ già say giấc ngủ trưa, cho cánh đồng xanh màu lúa mới, cho chuông chùa văng vẳng xa đưa... thì sự chiến đấu này là một thiện nghiệp lớn lao hóa giải bớt bất thiện nghiệp của sự sát sinh. Chính sự cao thượng nơi lòng hy sinh cuộc sống của mình để đem lại yên ổn cho những người khác là một công đức lớn.
Ngược lại, nếu đây là sự xâm lăng đúng với bản chất của nó, có thể nó được che đậy bởi những chiêu bài khéo léo và lý tưởng, nhưng nó đã dấy lên khói lửa loạn lạc, dấy lên tung tóe kinh hoàng, thì sự sát sinh này đưa những người chiến đấu đi về ác đạo lâu dài về sau.
Qua vấn đề trộm cắp. Khi tôi còn là một Sa Di, ở nơi chiếc thất nhỏ trên cánh đồng vắng, tôi quen với một thanh niên hiền lành ít nói và nghèo khổ nhìn dòng chữ "Thừa phủ ngày..." được xâm nơi bắp chân tôi chẳng hiểu gì. Sau này anh vợ của thanh niên đó là một phật tử cho tôi biết thanh niên kia đã từng ở tù tại nhà lao Thừa phủ Huế, vì tội trộm cắp. Vì chứng kiến một quả báo hiện đời mà anh trở nên tin luật Nhân Quả Nghiệp báo. Có một lần anh cuỗm mất cái giỏ xách tay của một thiếu phụ chuẩn bị đồ đạc để đi nhà bảo sanh vì cơn đau đẻ đã xuất hiện. Mất giỏ đồ, người thiếu phụ khóc hết nước mắt. Sau này anh vào nam lập gia đình. Đêm trước ngày đưa vợ đi sanh, cướp vào nhà lấy đúng cái giỏ xách đựng đồ đạc để đem đi nhà bảo sanh. Vợ anh khóc hết nước mắt còn anh thì ngậm ngùi thống hối ăn năn. Biết chuyện như vậy tôi thường khuyên anh ráng đem công sức đắp lại những đoạn đường hư trong xóm làng. Có khi chính tôi phải tìm đoạn đường cần đắp và rủ anh cùng làm. Sau này tôi rời vùng đó đi về nơi khác, mọi chuyện chìm vào quên lãng theo thời gian phôi pha. Chợt người anh vợ đến tìm tôi, trao tôi món quà của người thanh niên năm nào, và cho biết vợ chồng anh ta đã trở nên khá dả rất nhiều.
Sự mất mát đồ đạc không chỉ đơn thuần là thiếu thốn, nó còn là nỗi bế tắc tuyệt vọng trong đời sống của con người. Bạn có thể tưởng tượng ra sự đau khổ tuyệt vọng của một người tới ngày sanh đẻ bị lấy mất hết đồ đạc. Đây là một trường hợp, còn vô số những trường hợp đau đớn hơn nhiều. Có khi người bị mất đã phải dùng đến biện pháp tự vẫn. Vì kẻ trộm cướp đã lấy đi chút tài sản nương tựa cuối cùng trong đời họ. Có khi vì món đồ bị mất, vợ chồng cha con nghi kỵ chia rẻ với nhau, ở đây sự trộm cắp đã tác thành sự bất hòa. Món đồ bị mất không chỉ đưa đến sự giảm thiểu tài sản mà thật sự đã đưa đến nhiều đổ vỡ tinh thần của mọi người. Sự đau khổ do trộm cắp gây nên đã nhiều như núi như biển. Vì vậy, quả báo chờ đợi cho kẻ tội lỗi này là hình phạt và khổ cảnh nơi địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Nếu sự đền trả đã vơi, hoặc nếu kẻ kia đã tạo được nhiều công đức to lớn để vẫn được thân người, thì quả báo rất nhẹ chờ đợi cho y là tài sản bị tổn hại. Nếu đời này chúng ta thỉnh thoảng bị mất trộm, hãy thản nhiên chấp nhận một cách vui vẻ vì tin rằng đây là nghiệp quả từ thuở lâu xa nào rơi rớt đến tận hôm nay.
Ác nghiệp thứ ba là tà dâm, tức là ngoại tình. Sinh ra giữa cuộc đời cấu uế này, chúng ta đã có mặt trong vũng bùn dâm dục. Bản chất của chúng sinh là ái dục, là dâm dục. Vì thế hết lớp người này nối tiếp lớp người kia đều phải lẩn quẩn trong ái dục của đời sống vợ chồng. Tuy nhiên khoái lạc trần gian luôn luôn là sự chực chờ của bất an và tội lỗi. Kẻ thỏa mãn phủ phê mọi dục vọng của mình, chắc chắn là kẻ tắm mình trong tội lỗi, không có Đạo Đức và bình an nơi một kẻ thỏa mãn dục vọng lẫy lừng của mình. Chỉ có bớt đi dục vọng, người ta mới tránh được bất an và tội lỗi.
Trong một chừng mực ước lệ nào đó, sinh hoạt tính dục được chấp nhận giữa hai vợ chồng chính thức không có liên hệ về huyết thống. Nếu sinh hoạt tính dục xảy ra giữa hai người không phải vợ chồng chính thức, đây là ngoại tình; nếu xảy ra giữa hai người có liên hệ huyết thống, đây là loạn luân; nếu xảy ra giữa người và thú, đây là cuồng dâm; nếu xảy ra giữa hai người cùng phái, đây là bệnh đồng tính; nếu xảy ra giữa người trưởng thành và đứa trẻ chưa phát triển, đây là bạo dâm... Chung quanh khoái lạc trần gian đều là tội lỗi giăng bủa!
Bệnh AIDS đang hoành hành làm điên đầu các cơ quan y tế, chung quy cũng xuất phát từ những kẻ hưởng thụ quá đáng khoái lạc xác thịt và sai lầm trong quan hệ tính dục. Khi hệ thống thần kinh được rung động theo khoái cảm, nó tự đánh mất khả năng đề kháng của cơ thể. Không phải virus nào đó đã gây thành bệnh AIDS, mà chính khoái cảm của họ đã gây thành tình trạng mất khả năng miễn nhiễm nơi chính họ. Kẻ nào tiếp tục tìm kiếm khoái cảm – quá đáng và sai lầm – sẽ không bao giờ thoát khỏi nanh vuốt của hội chứng AIDS.
Thế nên, quan hệ tính dục sai lầm tức là gây mê muội ô nhiễm cho mình và người. Riêng vấn đề ngoại tình không phải đơn thuần là lén lút thụ hưởng khoái cảm tính dục, mà nó là sự cướp mất hạnh phúc của người khác. Không thể có sự thương yêu săn sóc đầy đủ đối với vợ con khi mà người chồng còn phải chia xẻ tình thương và khoái lạc với tình nhân khác. Sự trộm cắp tài sản đã gây nên đau khổ thế nào thì tương tự và hơn thế, ngoại tình là sự trộm cắp hạnh phúc gắn bó của gia đình người ta. Hạnh phúc vắng bóng có nghĩa là đau khổ lấp đầy. Những điều có thể tìm thấy sau sự đổ vỡ của hạnh phúc gia đình là ghen tuông, hờn giận, mắng nhiếc, đánh đập và nghèo nàn. Trong tất cả sự thụ hưởng khoái lạc của trần gian thì tính dục (sex) là sự thụ hưởng thấp hèn nhất. Đó là lý do tại sao con người biết tự trọng phải sinh hoạt tính dục nơi kín đáo. Chỉ có người mất hêt nhân cách, gần gũi với thú tính mới lộ liễu phơi bày những sinh hoạt của tính dục nơi công cộng hoặc trên màn ảnh và sách vở. Tận trong lương tâm của con người, khoái cảm tính dục luôn luôn đi kèm với sự xấu hỗ. Chính vì sự thấp hèn quá đáng của khoái lạc tính dục mà người thụ hưởng nó – quá đáng và sai lầm – đều bị tổn phước và tội lỗi. Nếu liệt kê những hưởng thụ từ thanh bai đến thô tục của con người thì nhạc không lời là sự thưởng thức thanh bai nhất, kế đó là hội họa phi tính dục. Còn thô tục nhất là hưởng thụ tính dục. Nhưng dù thanh bai hay thô tục thì nó vẫn còn nằm trong giới vức của khoái cảm trần gian. Người tu hành cầu giải thoát phải từ chối mọi khoái cảm này, chỉ có tâm hồn an tĩnh sâu xa, không bất an xao động, mới là hạnh phúc chân thật và vĩnh cữu.
Nếu vượt qua được quả báo nơi địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, người tà hạnh trong ái dục phải gặp gỡ sự oán thù của kẻ địch, hạnh phúc gia đình bị đổ vỡ, không tìm được sự chung thủy chân thành.
Ác nghiệp thứ tư là nói láo. Ý nghĩa nói láo ở đây là kết tội người khác sai sự thật, hoặc khen ngợi người khác sai sự thật. Khen sai sự thật đã được đề cập ở bài
Bút Máu
, ở đây chúng ta phân tích sự kết tội sai sự thật vì ác tâm. Tuy nhiên, nói láo có ý nghĩa rộng hơn nhiều, có nói không, không nói có, trình bày sai sự thật, làm người khác hiểu lầm. Nhưng sự tác hại của việc nói láo không dừng ngang ở chỗ khiến cho người khác hiểu lầm, phía sau sự hiểu lầm đó là máu đổ thịt rơi, là nhà tan cửa nát.
Lời tuyên bố quả quyết rằng ai không tin Thánh kinh Coran cần phải được giết chết để không làm dơ bẩn trần gian. Đấng Allah sẽ ban thưởng cho những chiến sĩ chiến đấu để tiêu diệt ngoại giáo, để truyền bá Hồi giáo. Sau những lời tuyên bố đó, ngựa của những đạo quân Hồi giáo phải khó khăn lội qua dòng sông ngập máu người đến gối, dẫm qua xương thịt nhầy nhụa của thây người đầy cả cánh đồng. Cuộc
thánh chiến
kéo dài ngót năm thế kỷ còn là nỗi kinh hoàng đến hôm nay.
Không có Nhân Quả Nghiệp báo!
Phía sau lời tuyên bố sai sự thật này là tội phạm lan tràn khắp nơi. Nhà tù không đủ sức giáo dục con người trở thành Đạo Đức. Victor Hugo đã phê phán điều này gay gắt qua tác phẩm vĩ đại
Những kẻ khốn cùng
. Khi con người không tự kiểm soát những hành vi thiện ác của mình bằng nguyên lý Nhân Quả, thì không còn có thể có một biện pháp nào ngăn chận tội lỗi của họ được thực hiện qua nhiều cách tinh vi.
Lịch sử cũng đã ghi đầy những trường hợp vu cáo sai lầm bởi những kẻ tranh giành quyền lợi với nhau, và sau đó là giết hại thù oán lê thê. Chính vì tác hại của sự nói láo nặng nề như thế nên địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh là quả báo dành cho họ. Còn quả báo rất nhẹ ở thân người là bị vu khống oan ức khó tỏ bày.
Ác nghiệp thứ năm là nói lời hai lưỡi nghĩa là gây chia rẽ mọi người với nhau. Người này đã dùng lời khích động sự tự ái của đôi bên để đôi bên căm tức nhau, hoặc hắn dựng đứng những sự kiện không có thật để đôi bên hiểu lầm nhau. Với mọi thủ đoạn thâm độc, hắn đã làm đôi bên nghi kỵ, thù hận với nhau. Phía sau sự đổ vỡ đoàn kết đó là đấu tranh tàn hại, là cửa mất nhà tan, là lửa khói điêu tàn. Thế giới ngày nay đã chia rẽ quá nhiều bởi vô số lý thuyết. Trong tất cả nguyên nhân đưa đến chia rẽ, thì anh hùng cá nhân là một nguyên nhân đáng kể. Ai cũng muốn mình là lãnh tụ duy nhất, muốn mình là người được công đầu, muốn mình là vì sao chói sáng. Để trở thành anh hùng giữa muôn người, chúng ta phải phủ nhận những cái hay của người khác, tiêu diệt phe phái khác, công kích những ngôi sao khác.
Nhiều người rất sở trường về môn này. Họ rất thông minh tài giỏi nhưng không thể hợp tác với nhau một cách lâu dài vì ai cũng muốn mình trở thành nhân vật số một. Chỉ khi nào họ biết vì lợi ích chung mà bỏ đi chủ nghĩa anh hùng cá nhân thì tài năng của họ mới có thể góp lại để tạo nên những thành tích phi thường.
Ai cũng tuyên bố đường lối mình là đúng và cực lực công kích tất cả đường lối khác. Sự độc tôn này đưa đến ít nhất hai điều tai hại:
– Một, gây sự chia rẽ với mọi người.
– Hai, làm cho những người tin theo mình có mặc cảm tự cao, và tự cao là điều sai lầm trước hết.
Các tôn giáo đã độc tôn và phủ nhận tôn giác khác. Rồi trong một tôn giáo các tông phái đã độc tôn và phủ nhận tông phái khác. Điều chúng ta có thể khẳng định là sự chia rẽ chỉ xuất phát từ một quan điểm sai lầm. Người có quan điểm chân chính không bao giờ ưa thích sự độc tôn và chia rẽ có thể họ đã chứng nghiệm một chân lý tuyệt vời nơi tự thân, nhưng nếu nó là chân lý, nó luôn luôn đưa đến sự khiêm hạ và dung hòa. Khiêm hạ và dung hòa là sự thể hiện của những tâm hồn chân chính.
Chư Thánh tàng ẩn vào các nơi để giáo hóa. Tùy theo căn cơ tâm tính của mỗi hạng người mà chư Thánh lập bày những phương tiện sai biệt để đưa lần về một chân lý chung duy nhất. Nếu chúng ta độc tôn phe nhóm của mình, công kích phe nhóm người, có thể chúng ta sẽ công kích nhằm những bậc Thánh cao cả. Điều này đưa đến đọa lạc nặng nề.
Chúng ta muốn tình thương yêu chan hòa giữa mọi người, muốn thế giới này không có oán thù, ganh ghét hãy cẩn thận dè dặt về sự phán xét đối với bất cứ ai. Khi nào có sự khiêm hạ và dung hòa, lúc đó chúng ta gần gũi với chân lý. Chẳng những chúng ta không gây nên sự chia rẽ mới, mà còn phải tích cực hàn gắn những chia rẽ có sẵn giữa mọi người. Những chia rẽ có sẵn đó là gì, đó là bức tường vô hình giữa các tôn giáo, giữa các triết thuyết.
Muốn đánh đổ những bức tường ngăn cách giữa các chủ thuyết, chúng ta có hai phương pháp áp dụng tùy theo mỗi trường hợp.
Nếu các chủ thuyết đó có chỗ giống nhau, hãy khai thác triệt để điều này. Ví dụ để bớt sự hiềm khích giữa Thiên chúa giáo và Phật giáo, chúng ta dẫn chứng lời chúa Jésus:
Thiên quốc không ở bên này, không ở bên kia, mà ngay trong chính chúng ta.
Như thế thì Thiên Quốc chính là chân tâm, là Niết Bàn của Phật giáo. Krishnamurti cũng nói:
Cái mà Phật gọi là Niết Bàn, Jésus gọi là thiên quốc, thì cái đó tôi gọi là cuộc sống
(What The Buddha called Nirvana, Jésus called The Heaven, I call it the living)
– Nếu các chủ thuyết đó cố giữ những quan điểm trái ngược lẫn nhau, hãy phủ nhận tất cả. Chính lý tánh không Trung Quán của Bồ Tát Long Thọ, phủ nhận mọi quan điểm đương thời, thế mà đã xóa sạch hai mươi bộ phái để đưa Phật giáo qui về một mối.
Krishnamurti đã phủ nhận mọi giá trị của tất cả tín điều, triết thuyết, thế mà đã cởi bỏ mọi cố chấp của con người, đưa họ lại gần với nhau hơn.
.....
Mãi về sau tôi có viết những dòng thơ để nói
Sẽ chẳng nói lên để ca ngợi tình yêu
Vì tình yêu là hình ảnh buổi chiều
Tuy êm ái nhưng sẽ vào đêm tối.
Mãi về sau tôi có viết những dòng thơ để nói.
Sẽ chỉ nói lên để ca ngợi tình thương
Của những người vì nhân loại quê hương
Của hạnh phúc thoát ra ngoài tội lỗi.
Mãi về sau tôi có viết những dòng thơ để nói
Sẽ nói lên để ca ngợi sự an nhiên
Hạnh phúc nào thong thả tự thần tiên
Rất thanh thoát ung dung và đĩnh đạc.
Mãi về sau tôi có viết những dòng thơ để hát
Sẽ đoàn kết mọi người trong một trái tim chung
Hạnh phúc thiêng liêng và vĩ đại vô cùng
Một là tất cả và tất cả mọi người chỉ là một.
Trong đời sống gần gũi hằng ngày, hãy sẵn sàng hàn gắn những chia rẽ tỵ hiềm giữa các cá nhân.
Đoàn kết thương yêu là một trong những hạnh phúc của con người. Thế nên hành vi ly gián chia rẽ là một tội lỗi. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của tội lỗi này mà kẻ tạo nghiệp sẽ phải chịu khổ báo ở địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Nếu được làm người, y sẽ là người với nỗi cô độc, cô đơn, bạn bè đổ vỡ. Môi bị sứt đôi, chia đôi cũng là hiện tướng của lời nói chia rẽ trong quá khứ.
Ác nghiệp thứ sáu là ác khẩu. Nghĩa là chưởi rủa nhục mạ quá đáng.
Dân chúng từ Kosambi nghe lời xúi giục của thứ hậu Magandiya, vợ vua Udena, đã nói những lời ác khẩu nặng nề với Đức Phật. Với tâm hồn nhẫn nhục bao dung, cuối cùng Đức Phật đã cảm hóa những kẻ sai lầm ấy.
Ác khẩu còn là những lời đe dọa ghê gớm đòi giết đòi đánh hoặc những tiếng chưởi thề kém nhân cách.Những lời ác khẩu như vậy chỉ xuất phát từ những tâm hồn thấp kém, thiếu giáo dục. Ca dao Việt Nam có câu:
Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời
Thật vậy, người khôn ngoan sáng suốt không bao giờ buông ra những lời ác khẩu bỉ ổi dành cho người khác. Trừ những người thuần thục trong Thiền Định mới không bị đau khổ bởi những lời ác khẩu, còn những chúng sinh khác đều bị mất bình tĩnh, đau đớn, tự ái, khổ sở, nhục nhã khi bị xúc phạm bởi những lời ác khẩu. Ở đây, đau khổ gây ra không bởi đánh đập, giết hại, mất mát, ngoại tình...nhưng bởi sự nhục nhã từ ác khẩu.
Kinh Hiền Ngu và luật Sa Di của Phật Giáo Bắc phương có ghi lại trường hợp một chú Sa Di vì vô tình đã chê một vị Alahán tụng kinh giống tiếng chó sủa. Do biết sám hối nên chú Sa Di thoát được quả báo địa ngục nhưng vẫn phải thọ thân chó năm trăm đời.
Phỉ báng người thường tội nhẹ hơn phỉ báng bậc Thánh. Phỉ báng bậc Thánh thì không lường được những hậu quả ghê gớm của nó. trước hết, họ phải bị mất hết danh dự đang có trong hiện đời, mất hết địa vị quyền chức, tuột xuống chỗ tầm thường hạ liệt. Người được làm tăng, nếu lỡ công kích nhằm bậc Thánh sẽ mất phước làm tăng, bị thối chuyển trở lại thế tục.
Ngược lại với ác khẩu là lời nói nhu hòa, khả ái, khen ngợi dành cho nhau. Trong quan hệ giao tiếp giữa con người, hạnh phúc đến với nhau từ những lời nói lễ độ, tôn trọng, nhu hòa, khả ái. Người có được ái ngữ như thế tức là đã có một lợi khí để ban phát hạnh phúc cho mọi người chung quanh mình. Ai cũng cần được tôn trọng, vì thế hãy đem sự tôn trọng đến với mọi người bằng lời nói và cử chỉ. Lịch sự cũng chính là hình thức ái ngữ của người văn minh. Đừng đem lời thô lỗ cộc cằn xúc phạm đến với nhau làm cho nhau đau khổ. Sự đau khổ của mọi người hiện tại sẽ biến thành sự đau khổ cho chính mình ở địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh mai sau. Nếu được làm người, sẽ phải chịu đựng những lời nói nhục mạ cay chua.
Ác nghiệp thứ bảy là nói lời phù phiếm– theo tạng Pàli– nhưng theo Hán tạng lại là ỷ ngữ có hàm ý khoe khoang phô trương. Chúng ta có thể kết hợp cả hai tạng để định nghĩa cho trường hợp này là: Nói lời vô ích và khoe khoang.
Nói lời vô ích đùa cợt làm loạn động tâm người, không đưa đến sự tăng trưởng của thiện pháp. Những lời này thường được nghe từ các kẻ ăn không ngồi rồi tụm năm tụm ba bàn chuyện thị phi, nói chuyện tiếu lâm, cười cợt vô nghĩa. Những lời tục tỉu dơ bẩn, những tiếng chưởi thề
đệm
theo câu nói... cũng là nói phù phiếm. Những câu chuyện huyền hoặc mê tín, những lời đồn nhảm cũng là nói phù phiếm .
Câu chuyện phù phiếm làm mất thì giờ, tăng trưởng ác pháp, rối loạn tâm người, gây ảnh hưởng xấu cho những người chung quanh. Một người cha có thói quen văng tục thì khó có những đứa con đàng hoàng. Hầu như không tìm thấy người đứng đắn trong đám người nói chuyện có quá nhiều tiếng tục tỉu kèm theo. Người tự trọng không bao giờ để miệng mình phát ra những tiếng dơ bẩn như vậy. Chỉ có tâm hồn thấp kém mới để rơi rớt những tiếng thô tục bẩn thỉu mà thôi.
Là người đệ tử Phật có tâm hồn chân chính khi gặp nhau, chúng ta chỉ nên bàn sâu về đạo lý để sách tấn nhắc nhở nhau áp dụng tu hành trong đời sống hằng ngày. Đừng để mất thời giờ vì những câu chuyện vô nghĩa trống rỗng vu vơ. Nếu câu chuyện đạo lý làm tăng trưởng thiện pháp bao nhiêu thì câu chuyện phù phiếm làm tăng trưởng ác pháp bấy nhiêu. Như vậy, tội và phước cũng theo đó lập thành.
Còn lời khoe khoang thì làm tổn đức người nói. Khi gặp một người thường kể về những cái hay của họ, bạn có thể đánh giá lập tức mà ít sai lầm là người này chưa thật là người tốt. Thiền sư Zenzetsu (Nhật) căn dặn đệ tử :
Đừng nói cho người chung quanh biết về con trước khi tự họ khám phá ra con.
Thật vậy, người chân chính không nói về cái hay của mình, nhưng trong đời sống, từ nơi họ toát ra mọi sự tốt đẹp đến với mọi người. Mọi người chỉ biết cái hay của một người chân chính do hành vi của người ấy, chứ không phải do sự kể lể thành tích của người ấy.
Chúng ta có lẽ đã từng chứng kiến vài trường hợp, khi một người khoe ra cái hay của họ để rồi ít lâu sau cái không hay hiện bày trái hẳn với lời khoe khoang hôm trước.
Tôi có sức nhẫn nhục sâu xa, không bao giờ sân hận.
Vài bữa sau, người nói lời này đã gặp chuyện phải đỏ mặt tía tai mất tự chủ.
Một đạo sĩ Ấn độ tuyên bố ông ta có khả năng đi được trên mặt nước. Thế rồi khi rất nhiều người ùn ùn kéo tới chứng kiến đã thấy ông đạo sĩ rơi tỏm xuống hồ.
Lời nói khoe khoang làm tổn phước là như vậy.
Riêng Đức Phật trong những bài kinh Nguyên thủy thường nêu ra Lục thông như là một chỗ y cứ để người tu biết mình đã viên mãn Niết Bàn hay chưa. Có thể vị này đã nhận rõ chân tâm, đủ khả năng sử dụng thiền ngữ tài tình, nhưng nếu chưa đủ Lục thông, thì có nghĩa là vô minh chưa hết, Niết Bàn chưa viên mãn. Thế nên nêu ra Lục thông, Đức Phật không làm công việc khoe khoang thường tình nhưng muốn lập ra một tiêu chuẩn để người sau tự đánh giá chỗ tu tập của mình mà không rơi vào chủ quan tự mãn.
(Lục thông là:
1. Thiên nhãn thông: Thấy được những nơi rất xa, những vật rất nhỏ, những cõi giới khác với cõi giới này, sự lưu chuyển tái sinh của chúng sinh.
2. Thiên nhĩ thông: Nghe được những tiếng rất xa, những tiếng rất nhỏ như tiếng chân của con kiến, những tiếng của chúng sinh trong cõi giới khác.
3. Tha tâm thông: Biết được tâm suy nghĩ của chúng sinh, biết chỗ chứng đắc của thiền giả, biết được dù ở rất xa.
4. Túc mạng thông: Nhớ lại vô lượng kiếp quá khứ với từng chi tiết nhỏ của chính mình hoặc của người khác.
5. Thần túc thông: Có khả năng phi hành biến hóa, hiện thân, ẩn thân, phân thân ra nhiều nơi, thần lực phi thường.
6. Lậu tận thông: Chấm dứt mọi Vô minh, lậu hoặc không còn thừa, Niết Bàn hiển lộ viên mãn, hợp nhất với chư Phật, tâm chấp thủ sở đắc tan biến, tự biết không còn bị sinh tử luân hồi chi phối.
Đủ Lục thông nói trên, vị này là bậc Alahán, giải thoát tự tại, thắng trí sáng ngời, đại bi viên mãn)
Quả báo rất nhẹ của việc nói lời vô ích và khoe khoang là được làm người nghe những điều khó chấp nhận, kém uy đức, ít được kính trọng, miệng xấu.
Ác nghiệp thứ tám là uống rượu say sưa. Lúc này khắp trên thế giới đang đấu tranh chống nạn nghiện rượu, một tệ nạn đã gây đau khổ cho con người từ rất lâu. Không phải rượu đã làm say sưa mê loạn cho người uống mà thôi, nhưng sau đó nó đã đưa chiếc xe tông vào những người đi đường vô tội, nó đã đánh vợ, đập con, đốt nhà, nó đã đưa đến cưỡng bức vô luân, nó đưa đến nghèo nàn túng thiếu.
Trước hết rượu có vẻ không ác độc như giết người, không xấu xa như trộm cắp, không bẩn thỉu như tà dâm, không hiểm trá như vu khống... Chẳng những thế nó còn có vẻ lễ nghĩa theo phong tục Á châu:
Vô tửu bất thành lễ
, nó chỉ có một tác hại đơn giản là làm say sưa, khiến người uống trở nên cuồng nhiệt, không còn phân biệt phải trái, không kiểm soát được hành vi và lời nói của mình. Phía sau sự si mê này, nó đưa người đến những tội ác tày trời nguy hiểm nhất, cũng độc ác như sát sinh, cũng xấu xa như trộm cắp, cũng bẩn thỉu như tà dâm... Nếu gia đình bạn có một người nghiện rượu, bạn sẽ cảm thấy nỗi khổ tâm khó bày tỏ của mình, vừa hư hao trong gia đình, vừa nhục nhã với hàng xóm. Không gì chán nản bằng sự chứng kiến một người trong cơn say sưa đánh mất mọi tư cách của mình.
70% tai nạn giao thông đều do say rượu. Rượu làm thần kinh của người lái xe không quan sát tinh anh, không phản ứng kịp thời. Chỉ cần chậm một giây, tai nạn đã xảy ra rồi.
Nhan nhãn trong xã hội, những người say rượu về hành hạ vợ con, cha mẹ rất là tệ bạc. Tiền bạc trong gia đình không được dùng vào việc no cơm ấm áo, sản xuất, học hành, mà chỉ để phung phí vào ly rượu nồng nàn, đĩa thịt béo ngậy của cá nhân người nghiện. Hắn đã bóc lột gia đình một cách vô trách nhiệm. Và trong cơn say sưa hắn đã gây phiền hà cho láng giềng bằng lời nói xằng bậy ồn náo, bằng cư chỉ khiếm nhã thô bạo. Rượu còn làm kích thích tính dục hơn bình thường, lúc uống rượu say, người này dễ có hành vi dâm bạo, xúc phạm đến phụ nữ, để rồi mang tiếng không tốt về sau. Trong nhiều lần nghiên cứu, các Bác sĩ Đức đã xác nhận rằng những đứa con được thụ tinh khi cha mẹ đang nghiện rượu đều là những đứa con đần độn, kém cỏi về thể chất và trí tuệ. Họ gọi là những đứa con của chiều thứ bảy (The children of Saturday evening) vì người Đức thường uống rượu thoải mái vào chiều thứ bảy.
Nhiều người tự cho mình không thoát khỏi tứ đổ tường nên đã chọn rượu như là một chỗ bám đỡ tai hại hơn ba thứ kia. Chiêu bài tự an ủi này rất là gượng gạo và lấp liếm, để rồi sau đó họ sẽ thấy họ làm khổ bản thân và gia đình quá đáng.
Có những hạnh phúc cao thượng hơn, thanh bai hơn các khoái cảm thô tục, đó là âm nhạc, hội họa, thể thao. Chúng ta có thể tìm kiếm niềm vui trong các môn nghệ thuật văn hóa thể thao này hơn là tìm niềm vui trong rượu nồng thịt béo. Những tâm hồn hướng thượng thì thích những giải trí thanh bai, còn những tâm hồn thấp kém thì thích những khoái lạc hạ liệt. Nhìn sự giải trí của một người, chúng ta có thể đánh giá ít sai về tâm hồn của người đó. Người Nhật Bản có tâm hồn khá thanh bai nên họ đã tìm được niềm vui tế nhị trong hương vị của trà theo trà đạo, trong chiếc hoa cắm nơi độc bình theo hoa đạo...
Ở những lĩnh vực phức tạp nhất như kinh doanh, bạn vẫn thấy người Nhật có phong cách ung dung, nhẹ nhàng điềm đạm. Chính sự thanh khiết của tâm hồn vốn đã thấm nhuần Thiền đạo Phật giáo, người Nhật đã leo đến đỉnh cao của văn minh và nghệ thuật như hôm nay. Tạp chí Sông Hương đầu năm Mậu Thìn có dịch một đoạn văn Nhật
Tiếng xúc xắc trong đêm khuya
diễn tả một trò chơi tầm thường như việc gieo xúc xắc, nhưng qua con người Mitiko, trò chơi này trở thành một phương pháp nhiếp tâm kỳ diệu.
Nếu cần phải giải trí, chúng ta hãy tìm sự giải trí trong những hình thức nghệ thuật thanh khiết hơn là tìm trong thú vui hèn kém. Tuy nhiên, vượt hơn mọi sự giải trí của thế gian, tọa thiền chính là niềm vui tối thượng về Đạo Đức, về sự đơn giản, về sự cao cả, về trí tuệ và phúc lạc. Ở giai đoạn đầu, tọa thiền gần như một cực hình vì chân bị đau trong thế ngồi kiết già, tâm bị loạn vì chưa quen điều phục. Nhưng càng về sau, một giờ tọa thiền là một giờ an vui hạnh phúc. Nhiều cư sĩ tại gia can đảm vượt qua giai đoạn đầu vất vả để rồi hôm nay họ đã bắt đầu tìm thấy niềm an lạc vĩ đại thanh khiết nơi pháp môn tọa thiền này. Cái vui của tọa thiền không nồng nhiệt như men rượu, không xao động như ái dục, không khoái trá như thắng lợi trong một cuộc chơi... Những ngôn từ của thế gian nào giờ không đủ để diễn tả niềm vui của Thiền Định, chỉ những người thật sự tìm thấy mới tự biết rằng không một trò vui nào của thế gian có thể so sánh được. Thiền Định là một hạnh phúc và cũng là con đường phát triển trí tuệ. Càng thâm nhập Thiền Định, người này càng trở nên thông minh nhạy bén. Khi những suy luận quanh co đã dừng lắng thì trực giác phát sinh. Họ không còn biết bằng tư duy lý luận, nhưng họ biết trực tiếp thẳng vào sự kiện của vấn đề. Ai đã tu tập Thiền Định đều nhận thấy rõ rằng mình trở nên sáng suốt hơn ngày xưa. Còn rượu bia nồng nặc, ngược lại, đã đem lại sự si mê trong hiện đời, đem lại khổ báo trong địa ngục, ngạ quỷ, trong đời sau, và cũng đem lại điên loạn ở thân người sau nữa.
Nêu lên khổ báo của tám ác nghiệp này, Phật đã gián tiếp ca ngợi giá trị của sự trì giới. Người Phật tử tại gia cần phải giử gìn Năm giới một cách chu đáo, phải xem giới luật như là một biểu hiện thiêng liêng của đạo Phật, đừng khinh thường giới luật để đánh mất tư cách và phúc lạc của chính mình. Giới luật được gìn giữ bởi ba điều kiện:
– Một, bằng sự nhận định đứng đắn về giá trị và lợi ích của giới luật.
– Hai, bằng tác ý dõng mãnh quyết tâm cao độ, có một thái độ dứt khoát với những hành vi phi giới luật.
– Ba, bằng định lực sâu xa bởi công năng tọa thiền.
Hội đủ ba điều kiện này, giới luật được gọi là viên mãn.
Còn những cư sĩ tại gia không may mắn, không gần được những bậc xuất gia trì giới viên mãn nên ít được nghe những lời nhắc nhở chân thành, đã trở nên phá giới, uống rượu, rất là mất tư cách. Dĩ nhiên chúng ta cũng quy một phần trách nhiệm nơi vị thầy kém giới, nhưng hơn tất cả, người cư sĩ phải nhận lấy trách nhiệm về chính mình. Giới luật và giáo pháp của chính Đức Phật (nhất là Đức Phật Nguyên thủy) mới thật là bậc thầy vững chắc cho chúng ta nương tựa. Đừng vì sự sơ xuất của vài vị xuất gia mà chúng ta tự đánh mất công đức của mình qua hành vi phá giới.