Phần 4 - Chương 15: Nhân Quả Thế Gian - Đối xử với Tăng
-
Luận Về Nhân Quả
- Vân Họa , Thích Chân Quang
- 4092 chữ
- 2020-05-09 03:59:09
Số từ: 4083
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo
Nguồn: sachvui.com
(Trích kinh bộ Tăng chi 2, tr 246)
Khi nào, này các Tỳ kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình cư sĩ, tại đấy, do năm trường hợp, các người cư sĩ được nhiều công đức. Thế nào là năm?
Khi nào, này các Tỳ kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình cư sĩ, khi trông thấy những vị xuất gia giữ giới này tâm họ được tịnh tín. Này các Tỳ kheo, như vậy trong lúc ấy gia đình kia đã đặt chân lên con đường đến cõi trời.
Khi nào, này các Tỳ kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình cư sĩ. Khi trông thấy những vị xuất gia giữ giới này, họ đứng dậy đảnh lễ và mời ngồi. Này các Tỳ kheo, như vậy trong lúc ấy gia đình kia đã đặt chân lên con đường đưa đến sự cao sang.
Khi nào, này các Tỳ kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến gia đình cư sĩ. Khi trông thấy những vị xuất gia giữ giới này, họ từ bỏ cấu uế của xan tham. Này các Tỳ kheo, như vậy trong lúc ấy, gia đình kia đã đặt chân trên con đường đưa đến đại uy lực.
Khi nào, này các Tỳ kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến gia đình cư sĩ. Khi trông thấy... họ tùy theo khả năng, tùy theo năng lực, liền san sẻ vật bố thí. Này các Tỳ kheo, như vậy trong lúc ấy, gia đình kia đã đặt chân trên con đường đưa đến tài sản lớn.
Khi nào, này các Tỳ kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình cư sĩ, khi trông thấy... họ thưa hỏi những câu hỏi (về giáo pháp), lắng nghe chánh pháp. Này cácTỳ kheo, như vậy trong lúc ấy, gia đình kia đã đặt chân trên con đường đưa đến đại trí tuệ.
Khi nào, này các Tỳ kheo, các người xuất gia giữ giới đi dến với gia đình, tại đấy do năm trường hợp, họ được nhiều công đức.
NHẬN XÉT:
Trong bài kinh này, Đức Phật nêu ra năm trường hợp dùng để đối xử với một vị xuất gia khi họ được vị này đến thăm tại gia đình. Tuy nhiên, nhấn mạnh nhiều lần, Phật chỉ đề cập đến người xuất gia xứng đáng đó là người giữ giới thanh tịnh. Chỉ khi nào họ viên mãn về giới luật, họ mới thật sự là phước điền chân thật cho chúng sinh gieo trồng căn lành lên đó. Nếu người xuất gia kém khuyết về giới luật, họ không phải là mảnh ruộng tốt cho chúng sinh nương tựa. Nói lên điều này, Phật muốn nhắc nhở bổn phận của người xuất gia trước khi dạy cư sĩ cách thức đối với chư Tăng. Chúng tôi sẽ phân tích về vấn đề trì giới của chư tăng trong phần nói về Nhân Quả xuất thế gian phía sau. Ở đây, chúng tôi chỉ nói lên điều này để người cư sĩ làm tròn trách nhiệm hộ trì Tam bảo của mình, nghĩa là họ phải đánh giá đúng ai là người xuất gia giữ giới thanh tịnh, ai chưa giữ giới thanh tịnh, để biết rằng sự hộ trì của họ phải hướng về cho bậc trì giới, vì chỉ có bậc trì giới mới thật sự là người duy trì Phật pháp. Đã có nhiều cư sĩ vì lòng tin mù quáng, không đánh giá đúng sự quan trọng của vấn đề
Tăng giữ giới
, đã tin tưởng theo một số tà sư kém giới luật giảng những giáo lý huyền hoặc sai lầm. Những tà sư này đã biện minh cho sự kém giá trị của mình bằng những lý luận cao siêu dường như hợp lý. Người cư sĩ vì kém hiểu biết đã chấp nhận những tín điều sai lầm này, đặt cuộc đời mình theo tà sư ác giới tức là tự đoạn mất những thiện căn quí giá của mình. Đức Phật dạy:
Hãy nhìn bậc đạo sư theo cái nhìn của tai mắt
(Tương ưng bộ kinh)
Nghĩa là đánh giá bậc thầy theo những giới luật oai nghi được thể hiện ra bên ngoài. Thật là khó khi muốn tìm hiểu chỗ đến trong Thiền Định của một người. Hàng cư sĩ tại gia chỉ việc tìm đến những người thanh tịnh trong giới luật để nương tựa cũng đủ được nhiều công đức. Bởi vì chỉ có những người giữ giới và người tinh tấn Thiền Định mới mạnh dạn răn nhắc sự tu hành cho người khác. Còn những kẻ giải đãi và khuyết giới thường tránh né nói về đạo lý. Đã đến lúc chúng ta phải khôi phục lại giá trị của giới luật như là một nền tảng vững chắc cho sự tu hành. Tuy cách Phật đã xa, hoàn cảnh và tâm tình đã biến đổi, tập quán và sinh hoạt đã sai biệt, có những giới luật không còn thích hợp, nhưng những giới căn bản càng được giữ nhiều chừng nào thì Phật Pháp càng được hưng thịnh chừng nấy. Hàng cư sĩ tại gia phải phán xét về giới luật để đặt sự tôn trọng của mình, cũng có nghĩa là khuyến khích những người xuất gia cố gắng hộ trì giới luật.
Rồi một ngày đẹp trời, một vị Sa Môn trang nghiêm đạo mạo đến viếng gia đình bạn vì một duyên sự nào đó. Khi trông thấy vị Sa Môn thanh tịnh trong giới luật kia, bạn và gia đình phát khởi niềm kính tin thuần tịnh. Gia đình bạn được Phật công nhận là đã đặt chân lên con đường đưa đến cõi trời. Như vậy lòng tịnh tín đối với chư tăng tịnh giới là nhân lành để sinh thiên. Chỉ có ý nghiệp đơn giản là phát khởi niềm kính tin đối với bậc tịnh giới, một nhân lành lớn lao đã xuất hiện. Thật ra việc sinh thiên không dễ. Những cõi giới khác với cõi người được liên hệ với nhau theo chiều sâu tâm linh. Những tác nghiệp của tâm là những yếu tố quan trọng để chúng sinh thay đổi cõi giới. Nếu ác tâm thuần thục, chúng sinh chuyển về địa ngục, ngạ quỷ. Nếu thiện tâm thuần thục, chúng sinh chuyển về các cõi trời. Đó là kết quả của ý nghiệp. Ở phần sau chúng ta sẽ gặp gỡ trường hợp Nhân Quả có chúng sinh quán từ bi được sinh về cõi trời Phạm thiên. Ý nghiệp làm thay đổi cõi giới của chúng sinh còn khẩu nghiệp và thân nghiệp tạo nên hoàn cảnh trong cõi giới đó. Ví dụ người có thiện tâm được sinh về cõi trời, nhưng người này ít có dịp bố thí, thuyết pháp, in kinh, đắp đường, phóng sinh... thì tuy được thân thiên tử nhưng là một thiên tử tầm thường không bằng các thiên tử khác có thân nghiệp tốt về phương diện trí tuệ, quyền lực, tài sản, dung mạo...
Trong trường hợp đối xử với tăng, Phật nêu lên ý nghiệp ban đầu là niềm kính trọng tin tưởng của cư sĩ đối với chư tăng, và ý nghiệp này đủ để đưa họ về Thiên giới. Tâm kính trọng xuất hiện tức là tâm ngã mạn biến mất. Khi nhìn một người tại gia đến chùa với cung cách thiếu sự kính trọng, phải biết người này còn có ngã mạn ẩn núp trong tâm. Không gì đưa chúng sinh đến chỗ thấp hèn mạnh bằng tâm niệm ngã mạn. Những kẻ sinh vào nơi hạ liệt thấp kém, hầu hết đều do tâm niệm ngã mạn chi phối. Đối trị với tâm niệm ngã mạn là tâm khiêm hạ, nhưng tâm khiêm hạ được hình thành do lòng kính trọng đối với bậc đáng kính. Không gọi là tâm khiêm hạ nếu lòng kính trọng vắng bóng. May mắn hơn nữa là bạn biết đặt lòng tịnh tín vào bậc xuất gia thanh tịnh trong giới luật. Chỉ với ý nghiệp đơn giản này, là phát lòng tịnh tín với vị Sa Môn tịnh giới, một công đức lớn đã thành tựu cho bạn rồi.
Kế đến, gia đình cư sĩ này vui mừng đứng dậy, lễ bái và mời ngồi, nghĩa là tiếp đón ân cần khi được bậc xuất gia tịnh giới đến thăm. Đây là thân nghiệp thể hiện lòng tịnh tín của họ.
Không gì trơ trẽn e ngại bằng sự thờ ơ lạnh nhạt của chủ đối với khách. Người khách gặp phải sự lạnh nhạt thờ ơ này thật là khó xử và rồi phải ra về trong hiu quạnh buồn tủi. Nếu chủ nhà dúng lối đối xử như thế nghĩa là dành cho khách một vị trị thấp kém, quả báo sẽ trở lại với họ tương tự là họ sẽ trở thành kẻ hèn kém trong tương lai. Dù không phải là bậc Sa Môn đến nhà, chúng ta đều nên cố gắng dùng lối đối tiếp ân cần dành cho người, tức là đặt cho họ vào địa vị sang trọng. Quả báo trở lại từ sự đối xử đó là địa vị cao sang ở vị lai.
Trong các mẫu chuyện trong quyển
1001 đêm
, tôi đánh giá câu chuyện
Hoàng đế một ngày
rất là phù hợp với luật Nhân Quả Nghiệp báo (bản dịch của Lệ Hoa xuất bản 1963). Nhân vật Thanh Lam được cha để lại một gia tài đồ sộ. Chàng chia làm hai phần, một là những tài sản cố định sinh lợi hằng năm như ruộng vườn, hai là vàng bạc để tiêu xài. Chàng dùng trọn vẹn phần thứ hai để tiếp đãi bè bạn. Họ kéo đến rất đông để thụ hưởng yến tiệc linh đình do Thanh Lam tổ chức. Đến khi vàng bạc đã hết, Thanh Lam không còn tổ chức yến tiệc như xưa nữa thì bạn bè cũng xa lánh. Thanh Lam buồn bã và bất mãn, xin mẹ cho phép từ nay chỉ tiếp đãi những khách lạ ghé ngang một đêm duy nhất, không lưu lại ngày thứ hai. Từ đó, mỗi chiều chàng đón khách lạ tại đầu cầu mời họ về nhà, nhờ mẹ nấu nướng các món ăn, ân cần trò chuyện thết đãi họ, sắp xếp chỗ nghỉ qua đêm, rồi tiễn họ ra đi vào sáng hôm sau, kèm theo lời yêu cầu họ đừng trở lại lần thứ hai nữa.
Thời gian trôi qua cho đến một hôm Thanh Lam gặp người khách lái buôn mang tên Quốc Anh, chính là hoàng đế đương triều đang cải dạng thăm dò dân tình cùng với một thị vệ khỏe mạnh. Nhà vua tò mò theo Thanh Lam về nhà để được thết đãi, trò chuyện để nghe than van về nhân tình thế thái. Sau khi biết lòng tốt của Thanh Lam, nhà vua hỏi chàng có mong mỏi điều gì không. Thanh Lam từ chối nói rằng chỉ thích sống như vậy để tiếp đãi khách phương xa và không cưu mang một ước vọng nào cả. Chợt Thanh Lam nhớ tới mấy ông thầy tu và bốn ông lão gần nhà chuyên họp nhau nói chuyện thị phi của thiên hạ. Chàng buộc miệng nói:
– Ước gì tôi được làm vua một ngày, tôi sẽ trừng phạt lũ đó thích đáng.
Nhà vua chợt nảy sinh một sáng kiến kỳ lạ, bèn chuốc thuốc mê vào ly rượu của Thanh Lam rồi sai thị vệ vác chàng vào hoàng cung. Vua căn dặn tất cả mọi người cung phi mỹ nữ, bá quan phải xem Thanh Lam như chính nhà vua. Sáng hôm sau khi được cung nữ lay thức dậy, Thanh Lam vô cùng ngạc nhiên trước sự kiện lạ lùng này, ở giữa cung vàng điện ngọc với các cung tần quan tướng mà ai cũng xưng tụng mình là đương kim hoàng đế. Ban đầu chàng cải chính mạnh mẽ, nhưng các quan khoác áo long bào, đội mũ thiên triều và hướng dẫn chàng ra sân chầu lên ngai vàng để phán xét công việc. Trong tâm trạng nữa thực nữa hư đó, chàng nhanh nhẹn xét đoán công việc do các quan báo cáo một cách sáng suốt phân minh, khiến cho nhà vua núp sau rèm cũng phải tấm tắc khen ngợi. Chợt chàng gọi quan hình cảnh đến ra lệnh đến bắt tội mấy ông thầy tu và bốn ông lão đánh cho mỗi người một trăm roi và chở lên lưng lừa diễu qua các phố cho mọi người làm gương về tội ngồi lê đôi mách nói chuyện thị phi. Quan hình cảnh vâng lệnh ra đi. Chàng sai quan giữ kho cho xuất nghìn đồng tiền vàng dặn đem cho mẹ Thanh Lam ở dưới phố. Quan giữ kho vâng lệnh thi hành. Sau khi giải quyết mọi việc triều đình quốc sự xong, các cung nữ đưa chàng về vui vầy yến tiệc, nhạc vũ xênh xang khiến cho chàng sung sướng khôn xiết. Chiều đến, Thanh Lam lại bị đánh thuốc mê và được cõng về trả lại chỗ cũ.
Sáng dậy, chàng còn mang mặc cảm hoàng đế hôm qua, đã lên giọng nạt nộ mẹ mình, và hơn thế nữa đã đánh mẹ vì tội khi quân, dám coi chàng là con!
Khi được biết rằng mấy ông thầy tu và bốn ông lão đã bị trừng phạt đúng như lệnh và mẹ chàng được tặng nghìn tiền vàng, chàng càng đoán chắc mình chính thực là vua. Hàng xóm kéo đến trói chàng vì tội đánh mẹ và dám nhận là hoàng đế, bảo chàng điên và đưa đến nhà thương điên trên lưng một con lừa. Dọc đường chàng bị nhiều người đấm đá túi bụi. Thời gian ở tại nhà thương điên, chàng còn bị quất năm mươi roi gân bò in hằn trên lưng. Sau một thời gian nguôi ngoai chàng từ bỏ mặc cảm hoàng đế và nhờ mẹ xin cho về.
Chàng cho chuyện vừa rồi là quỷ ám do ông lái buôn kia ra đi đóng cửa không kỹ. Chàng trở lại thú vui tiếp khách một đêm như trước. Đến một hôm thì vô tình nhà buôn Quốc Anh gặp lại. Chàng quay mặt không tiếp. Nhưng nhà vua đến vồn vã hỏi thăm. Chàng buồn rầu kể lại mọi việc khiến nhà vua thương xót và xin theo chàng về nhà đêm nay. Bất đắc dĩ chàng lại tái diễn sự thết đãi như lần trước và cũng bị chuốc thuốc mê cõng vào nội cung.
Sáng ra khi trông thấy cảnh lộng lẫy của hoàng cung, chàng sợ hãi và nhắm mắt ngủ tiếp cho qua cơn ác mộng. Nhưng rồi các cám dỗ khoái lạc của cung nữ, bầy tôi, yến tiệc, nhạc vũ lôi chàng vào thưởng thức mê ly. Chợt nhà vua phì cười bước ra và mọi chuyện được giải đáp thỏa đáng. Sau đó vua kết nghĩa anh em với Thanh Lam và dành cho chàng trọn đời giàu sang quyền quý.
Thói quen hào phóng đời trước đưa chàng đến sự thừa hưởng gia tài hôm nay. Sự tiếp đãi ân cần với mọi người đưa chàng đến ngôi vị Hoàng đế
như thật
trong hiện đời. Nhưng chỉ tiếp một đêm nên chỉ được làm vua một ngày. Vì ra lệnh đánh những tu sĩ và mấy ông già nên chàng cũng bị đánh đập trở lại. Sự bêu riếu mấy ông già trên lưng lừa cũng đưa chàng lên lưng lừa nhiễu qua đường phố. Nhưng dù sao thiện nghiệp của chàng cũng khiến chàng được giàu sang quyền quý trọn đời còn lại.
Điểm đáng chú ý của câu chuyện này là sự tiếp đãi ân cần của Thanh Lam đã đưa chàng dến sự cao sang giống như Đức Phật cho biết qua bài kinh này. Nhưng khác đi một chút, Phật nhấn mạnh sự tiếp đãi dành cho những vị xuất gia trong sạch nơi giới luật sẽ đưa đến phước báo thù thắng hơn với những kẻ không được tịnh giới.
Thiện nghiệp thứ ba là do được chư tăng tịnh giới đến viếng, người cư sĩ từ bỏ cấu uế của xan tham.
Có những chúng sinh đã từng tác ý tu tập nhiều đời, bây giờ dù chưa được nghe giảng dạy giáo pháp, chỉ cần trong thấy bậc chân tu, lương tâm họ liền trổi dậy biết phân biệt thiện ác, biết từ bỏ xan tham, biết thúc liễm trong giới luật. Điều này không phải là chuyện huyền thoại. Đa số những đệ tử sống gần chân sư thường được sự tinh tấn hơn những đệ tử xa thầy. Công đức gần gũi chân sư quan trọng là như vậy. Nhưng không phải ai cũng có đặc điểm đó. Phật khen ngợi hàng cư sĩ khi được chư tăng tịnh giới đến viếng liền phát sinh sự tàm quý và từ bỏ cấu uế của xan tham. Sự từ bỏ xan tham này sẽ đưa đến thành tựu đại uy lực. Uy lực nghĩa là được người khác khâm phục kính trọng. Người không xan tham tức là người không còn nhỏ mọn ích kỷ, đã có tâm hồn rộng rãi bao dung đối với mọi người. Chính sự thanh khiết của không xan tham khiến cho họ trở nên đáng kính; chính tâm hồn rộng rãi bao dung khiến cho họ trở nên đáng được khâm phục. Nhưng sự khả kính trong trường hợp này được thù thắng hơn bởi sự hiện diện của vị tăng tịnh giới, vì kính trọng tin tưởng nơi vị xuất gia tịnh giới này mà người cư sĩ từ bỏ xan tham, thế nên uy lực thành tựu về sau được gia tăng gấp bội.
Thiện nghiệp thứ tư tiếp theo là sau khi từ bỏ xan tham, họ biết san sẻ cúng dường.
Nếu sự không xan tham thành tựu cho gia đình cư sĩ đại uy lực, một giá trị tinh thần, thì hành vi cúng dường thành tựu cho gia đình đại tài sản, một giá trị vật chất. Dĩ nhiên Phật đã bảo tùy khả năng mà người cư sĩ san sẻ, không phải họ san sẻ quá đáng để đưa đến thiếu hụt cho gia đình họ trong hiện tại. Tuy nhiên sự thanh tịnh trong giới luật đã làm cho phước báo của cư sĩ thù thắng gấp nhiều lần hơn sự bố thí cho người phàm phu tầm thường. Giá trị cúng dường cho một bậc chân tu đã được đề cập nhiều ở phần trước, không cần phải nhắc lại, vì cúng dường có nghĩa là giúp cho chư tăng sống qua một ngày, một ngày thúc liễm trong giới luật, chuyên chú trong Thiền Định, sáng suốt trong trí tuệ, an lạc trong giải thoát, khác với một ngày của phàm phu đầy tham lam thù hận, ích kỷ, oán hờn. Chính giá trị sống cao quý của chư tăng đã khiến cho người san sẻ được phước báo vô cùng thù thắng.
Thiện nghiệp thứ năm là biết thưa hỏi và lắng nghe giáo pháp. Bốn thiện nghiệp trước có một trình tự rõ ràng là, trông thấy vị xuất gia tịnh giới đi đến, trước hết gia đình cư sĩ phát sinh lòng tịnh tín; kế đó tiếp đón ân cần bằng hành vi đứng dậy, đảnh lễ, mời ngồi; kế đó là hình ảnh vị chân tu khiến họ biết từ bỏ xan tham; kế đó họ san sẻ vật thực để cúng dường. Tuy nhiên những công đức đó chưa đủ cho họ có được lợi ích lớn lao cho đời này và những đời sau nếu họ chưa biết thưa hỏi và lắng nghe giáo pháp. Chính vì biết thưa hỏi và lắng nghe giáo pháp, người cư sĩ sẽ áp dụng đạo lý vào cuộc sống một cách xít xao hơn. Giáo pháp sẽ dạy họ biết nghiêm trì giới cấm, biết từ ái với muôn loài, biết chiết phục sân hận, biết tùy hỉ với người, biết tu tập Thiền Định. Vô số những khúc mắt éo le trong đời sống sẽ được đạo lý soi sáng khiến cho họ thấy manh mối để giải quyết một cách thích đáng hài hòa. Không có đạo lý, họ dễ giải quyết công việc một cách cực đoan một chiều, mà cực đoan thì luôn luôn đưa đến sai lầm đổ vỡ. Ví dụ khi con cái phạm lỗi, hoặc họ chủ trương trừng phạt bằng roi rọt một cách khắc nghiệt để nó sợ hãi đừng tái phạm, hoặc họ chủ trương thả lỏng để nó tự ý thức, hoặc họ chủ trương dùng thuần lời nói để nhắc nhở. Dĩ nhiên sự dạy dỗ bằng lời nói với sự phân tích kêu gọi là xương sống của sự giáo dục, nhưng nếu thiếu uy lực, lời nói không đủ chuyển hóa tâm hồn đứa trẻ. Sự sợ hãi về hình phạt cũng khá giống như sự sợ hãi về khổ báo của một người am hiểu đường đi của Nhân Quả, khiến cho đứa trẻ rụt rè trước hành vi phạm tội. Tuy nhiên, phải là lời nói ôn tồn phân tích về giá trị Đạo Đức sâu xa mới nhổ sạch mầm mống phạm tội của đứa trẻ. Bậc cha mẹ không nên chỉ nhìn một chiều, phải trang bị cho mình một lòng bao dung từ ái đối với con cái, trang bị sự nghiêm khắc về kỷ luật đối với hành vi phạm tội, trang bị những lời nói sâu sắc về Đạo Đức nhất là đạo lý Nhân Quả Nghiệp báo. Đầy đủ cả ba mặt này, sự giáo dục trong gia đình được gọi là hoàn chỉnh.
Giáo pháp sẽ cho người cư sĩ cái nhìn minh triết toàn diện trên mọi vấn đề để họ giải quyết các công việc trong cuộc sống được sáng suốt hơn. Họ được lợi ích về lối sống trong hiện tại gieo trồng những thiện căn cho vị lai, và nếu thuận duyên tăng trưởng, họ vẫn có thể tu tập Thiền Định để chứng từ quả vị Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm và A Na Hàm. Ở trường hợp này Đức Phật tán thán gia đình cư sĩ đã đặt chân lên con đường đưa đến đại trí tuệ. Thật vậy, những cư sĩ đến với phật pháp, mà ít chịu thưa hỏi lắng nghe giáo pháp, chỉ đến vì hình thức lễ bái tán tụng, chỉ đến vì tìm cầu phước báo hữu vi, người này không được tăng trưởng trí tuệ trong chánh pháp. Còn những cư sĩ biết thưa hỏi và lắng nghe, sinh ra trong đời nào họ cũng đều là những người tuệ căn minh mẫn. Và nếu họ khéo áp dụng tu tập thì lợi ích của chánh pháp đến với họ thật là vô hạn vô biên.
Năm trường hợp để thành tựu công đức nói trên đã hình thành từ hai điều kiện:
Một, người xuất gia là vị trong sạch nơi giới luật.
Hai, năm thiện nghiệp sinh khởi tại gia đình cư sĩ.
Nếu thăng tiến hơn, người cư sĩ chịu khó đến với chư tăng nơi Tinh xá và cũng sinh khởi được năm thiện nghiệp như trên. Sự sai biệt này cũng đưa đến sự sai biệt về quả báo. Nếu đợi chư tăng đến tận nhà rồi người cư sĩ mới tác thành năm thiện nghiệp, về sau họ phải rời khỏi trú xứ mới được hưởng quả báo. Đó là trường hợp những người phải đi đây kia kinh doanh, tranh đấu, học hỏi... và được thành công. Nếu họ đến tận nơi để thừa sự thưa hỏi với chư tăng nơi tinh xá, về sau họ ở yên tại trú xứ mà vẫn hưởng được quả báo. Đó là trường hợp những người có điều kiện kinh doanh, học hỏi tại nhà và được thành công.