Chương 18: cẩn thận với
-
Luris Fantasy
- lurisfantasy
- 1158 chữ
- 2021-04-08 01:37:52
Có lần tác giả viết về một tình huống nhiều người tham gia vào nhóm chia sẻ để tự phát triển bản thân. Có thể đây là một nhóm sinh hoạt của người đi nhà thờ Tin Lành, tác giả không ghi chi tiết. Trong nhóm này, thay vì xưng tội với cha xứ, những người này, tới từ các tầng lớp khác nhau, sẽ tự bộc bạch những điều mà họ cho là họ đã lầm lỗi trong suy nghĩ, hành vi, lời nói. Bên cạnh đó, các thành viên nếu có thể quan sát các lỗi lầm của nhau có thể chỉ ra các lỗi lầm đó, để những người tham gia "nhóm chia sẻ" nhanh chóng nhận ra, và tránh khỏi các sai lầm đó.
Tác giả nói rằng tình huống đó là một tình huống phức tạp. Phức tạp là bởi vì đa phần những người tham gia các nhóm đó đều có những tổn thương nhất định. Các điểm yếu dễ bị tổn thương này còn có một cái ranh giới để ngăn người ngoài ngay lập tức nhìn thấy nó. Việc chia sẻ qua các nhóm chia sẻ đó phá đi các ranh giới đó đi. Nên nhược điểm của từng người sẽ bị phơi bày ra cho tất cả những người trong nhóm.
Nhược điểm (vulnerability) không có gì là xấu. Ai cũng có nó, chỉ có khác là nhiều hay ít. Ít nhược điểm vẫn tốt hơn, và cuộc đời, suy cho cùng, vẫn là một hành trình rất dài loại bỏ các nhược điểm đó. Người tu hành thì có ít hơn so với người bình thường. Các lí do để người ta tìm tới các xu hướng tâm linh thì nhiều, nhưng một trong số đó là những tâm hồn đau khổ, tìm nơi để "chữa lành" các vết thương của mình. Nguyên nhân của đau khổ thì có nhiều, nhưng một trong những đau khổ phổ biến tới từ áp lực đời sống. Bây giờ đời sống không dễ dàng như ngày xưa, từ lúc còn nhỏ, tới lớn, người ta luôn phải đối diện với áp lực học hành, mưu sinh. Càng nhiều người thì càng có cạnh tranh, cạnh tranh càng nhiều thì yêu cầu lại càng cao. Yêu cầu càng cao thì lại đòi hỏi người ta càng phải nỗ lực. Khi nỗ lực làm việc, người ta phải cố gắng làm đúng yêu cầu của công việc. Nhưng nhiều người thiên tư chậm chạp, hay vì công việc đòi hỏi kỹ năng cần rèn luyện lâu dài, nên phải đi qua rất nhiều thất bại. Mỗi lần thất bại là mỗi lần họ nhìn ra được thiếu sót so với yêu cầu, để trau dồi, rèn luyện thêm. Nhưng cái đáng sợ của những lần thất bại đó là luôn có chỉ trích đi kèm. Nên xã hội càng cạnh tranh, lời chỉ trích, chê bai, phán xét càng nhiều.
Từ khi còn nhỏ, tới khi vào đời mưu sinh, người ta nghe mãi những lời chỉ trích, chê bai, phán xét... tới độ toàn bộ tâm trí người ta chỉ còn những lời đó. Những lời đó như đoạn băng chạy đi chạy lại, hành hạ tâm hồn người ta mỗi ngày. Những người này không nhận ra rằng họ làm rất tốt một việc, đó là dần dần hoàn thiện khả năng dùng ngôn ngữ để hành hạ bản thân mình. Người Bắc trải qua họa Cộng Sản, đời sống khó khăn, đói kém, nên câu chửi của họ cay nghiệt hơn câu chửi của người miền Nam rất nhiều. Những tâm hồn đau khổ này, khi bước vào trong các nhóm chia sẻ như vậy, họ cũng như được cởi mở tấm lòng.
Chỉ có điều, không phải ai cũng nhận ra những nhược điểm của người khác dù đang nghe giãi bày về nó. Và không phải ai hiểu cũng có thể thông cảm với những nhược điểm, sự bất an, trong lòng người khác. Họ quen phán xét trong đời, chưa từng nghĩ tới việc khích lệ một tâm hồn khác. Bây giờ ở nơi mà người ta sẵn sàng phơi bày các điểm yếu cá nhân, họ lúng túng. Nên rất nhiều trong số họ dùng một kỹ thuật mà họ đã thành tựu trong năm tháng đau khổ trước đó: ngôn ngữ chỉ trích.
Lần này, họ cảm thấy một thứ quyền năng "chỉ ra lỗi lầm", bởi vì khác với trước kia. Mỗi lần tự hành hạ bản thân mình, bên trong họ luôn cảm thấy kém cỏi, đau khổ. Ngay từ bên trong luôn phải chống đỡ về mặt ngôn ngữ, khiến cho nhiều lúc, họ luôn trong tình trạng phòng bị, trở nên nói nhiều, mất kiểm soát. Nói để át đi tiếng nói công kích bản thân họ trong nội tâm.
Cái mâu của họ liên tục đâm vào cơ thể họ, nên họ tạo ra một cái thuẫn (khiên) để chống đỡ nó. Bình thường, mâu của họ đâm vào thuẫn của họ. Khi tham gia vào hội nhóm này, mâu của họ đâm vào tâm ngồn của người ta, và thuẫn của họ dùng để bảo vệ bản thân họ trước những lời "chỉ ra lỗi lầm" của người khác.
Trong nhóm chia sẻ nào cũng sẽ có những người như thế, những tâm hồn kém cỏi nhất. Thuận theo thời gian, khi người ta bắt đầu lắng nghe họ, ego của họ được nuôi dưỡng. Việc tham gia nhóm chia sẻ mang lại cho họ một thứ sức mạnh mới, cảm giác được quyền năng trên những sinh mệnh yếu đuối khác, tham gia nhóm chia sẻ là cách mà một con quỷ khác trong lòng họ xuất hiện, một quả trứng rồng khác nở, trở nên cao lớn, trong bữa tiệc thịnh soạn mà họ có thể thoải mái hành hạ và ăn thịt những tâm hồn ngây thơ khác.
Tại sao người ta muốn kết liễu mạng sống? Là bởi vì nhìn đâu cũng thấy lỗi lầm, nhìn đâu cũng thấy mọi việc mình làm sai lầm. Tham gia nhóm chia sẻ là để lấy thêm sức mạnh, để mở lòng và chữa lành vết thương sâu kín trong tâm hồn. Nhưng tội nghiệp họ biết bao, khi hội nhóm đó, nhiều khi, lại chính là đoạn đầu đài, nơi họ cảm nhận rằng kết thúc mạng sống của mình nhiều khi lại là cách tốt nhất.
Tác giả nói con người vì thế hết sức đáng thương. Nhiều khi, bi kịch là lúc người ta sẵn sàng trở nên trần trụi, trút bỏ tất cả các lớp áo giáp bảo vệ thân thể, để lộ ra vết thương đầy đau đớn, cũng là lúc người ta nhận một nhát đao chí mạng từ một tâm hồn đau khổ khác.
Qua đó cũng nói rằng hãy đặc biệt cẩn thận khi tham gia các "nhóm chia sẻ".