• 199

Chương 22: Inner Gods 1


Điều tuyệt vời của Dostoievsky là ở chỗ, tuy ông là nhà văn, nhưng mỗi hình ảnh, tình huống, mà Dostoievsky để lại đều mang tính biểu tượng của minh triết. Người đời thường hay tách biệt triết gia và nhà văn, thực ra triết học không cao hơn văn chương, bởi vì từ Dostoievsky âm vang tình huống của minh triết qua hơi thở của văn chương. Hãy bắt đầu ly cà phê này bằng câu chuyện về nhân vật chính trong tác phẩm Hồi Ức Dưới Hầm của Dostoievsky. Hình ảnh của Người Đàn Ông Dưới Hầm – The Underground Man là một hình ảnh đặc biệt. Gã là một tên nghèo mạt, nhưng cũng có giáo dục và hiểu biết. Một lần ghé vào nhà thổ, gã gặp một cô gái tên là Liza. Vì gia đình quá nghèo, nên cha bán cô cho nhà thổ làm gái.
Cô còn rất trẻ, và cũng rất ngây thơ, cô hơi ngại giao tiếp với khách, trong lời nói của cô chứa đựng niềm u uẩn từ việc bị gia đình đưa vào nhà thổ để kiếm tiền. Lúc gã gặp cô, gã rất coi thường cô. Bằng một chút hiểu biết của mình, gã kể cho cô nghe về viễn cảnh của các gái điếm qua thời xuân sắc, tấm thân tàn tạ không còn ai đoái hoài, qua đời hết sức cô đơn trong bệnh tật và nghèo khó. Cô bé nằm trên giường với gã, tâm hồn cô bé mong manh. Càng lắng nghe gã trong lòng cô càng thống khổ, cô bé cắn chặt cổ tay tới chảy máu để nén tiếng khóc. Có lẽ cô sẽ kết thúc như những cô gái điếm già khác, trong khi tâm hồn cô gái mới lớn vẫn còn hy vọng về một tình yêu lãng mạn. Cô để ý tới anh chàng sinh viên trường y, anh chàng viết thư cho cô. Anh chàng sinh viên kia không biết cô là gái điếm, và có lẽ, cô cũng không muốn cho anh chàng biết.
Còn gã – kẻ tới từ căn hầm – mơ tưởng về một hành trình mà gã có quyền năng cứu chuộc – thứ ảo tưởng mà gã có được từ văn chương. Trước một tâm hồn mong manh đang đau khổ, gã thấy mình như người hùng, muốn dang tay che chở. Cô bé tin vào gã, muốn trở thành một nhân vật trong câu chuyện đầy lãng mạn mà gã vẽ ra. Cô kể cho gã về anh chàng sinh viên, và bức thư anh gửi cho cô. Chỉ có điều, gã quá nghèo. Nghèo tới độ gã rất hối hận vì đã cho cô bé địa chỉ căn hộ gã ở. Gã còn hối hận vì nói với cô bé rằng khi nào cần thì tới gặp gã. Gã lo lắng từng ngày. Tới một ngày, cô tới gặp gã thật. Cô bé rất dịu dàng lắng nghe gã nói, trong căn hộ tồi tàn, đúng vào lúc gã cũng chẳng còn bao nhiêu tiền. Thế rồi gã trở nên bực dọc, và giành cho cô bé những lời lẽ hết sức độc ác. Điều kỳ lạ là cô bé đặt tay lên người gã, như cảm thông cho gã. Rồi gã chịu không nổi nữa, gã nói với cô bé là gã chỉ chơi đùa với cô bé thôi, và gã chế giễu cô bé. Cô bé đứng dậy, bỏ đi, gã dúi vào tay một vài đồng tiền – xem như trả công cho một gái điếm tới phòng gã. Cô bé ném mấy đồng bạc, rồi bỏ đi, không nói lời nào. Cô không cho gã đối xử với cô với như gã đối xử với gái điếm.
Tâm hồn gã là một tâm hồn hết sức yếu đuối, và đặc điểm của một tâm hồn yếu đuối là nó đặc biệt yêu thích quyền lực, hay sức mạnh. Việc một tâm hồn yếu đuối có được sức mạnh, hay quyền lực là một tình huống hết sức nguy hiểm – bởi vì nó sẽ dùng thứ quyền lực đó, bóp nát những sinh mệnh hết sức mong manh. Những lời gã nói với Liza trong nhà thổ, thực ra chính là gã đang nói với mình. Liza không may ở trong vở diễn đó của gã. Cho tới khi hiện thực nói với gã rằng gã phải có trách nhiệm với lời nói của mình, vì người ta sẽ tìm tới gã. Lúc đó tâm hồn gã bắt đầu sợ hãi, sợ hãi vì nó đối diện với trách nhiệm lớn hơn nhiều so với sức chịu đựng của nó. Nên nó tỏ ra độc ác, bởi độc ác là cách duy nhất để nó trốn chạy cái trách nhiệm kia. Liza ngây thơ, tìm tới gã, an ủi gã. Lúc cô bé nhận ra gã đùa cợt với tình cảm của mình, cô dứt khoát bỏ đi, ném luôn mấy đồng rúp gã dúi vào tay.
Sau này, nhớ lại, trong lòng gã là cảm giác tội lỗi, không biết nàng ở đâu.
Trong đời, qua những năm tháng yêu đương, ít nhiều người ta cũng nếm trải tình huống này. Tự nhiên một gã con trai chững chạc hẳn khi có người yêu, ra chiều cũng hứa hẹn về tương lai của cuộc tình, tới hồi cảnh tượng về một cuộc sống mà ở đó người nam phải có trách nhiệm với gia đình của mình trở nên rõ ràng, trong đó quan trọng nhất là phải có tiền, tự khắc nhiều gã quay đầu chạy mất. Có những gã đàn ông ngu ngốc hơn, bước vào cuộc sống gia đình, tới khi con trẻ xuất hiện thì mới nhận ra trách nhiệm của mình, hay vì một biến cố nào đó gã không còn có thể dựa dẫm vào cha mẹ nữa, mà phải tự mình gánh vác, gã quay sang đổ lỗi cho người phụ nữ và trẻ con trong gia đình, gã bạo hành gia đình bằng thứ sức mạnh duy nhất gã có - keo kiệt về tiền bạc, hằn học trong lời nói, bạo lực với vợ con - gã dùng tất cả những thứ mà tâm hồn yếu đuối của gã có thể chạm tới để hành hạ họ. Gã làm thế, là bởi vì người phụ nữ và trẻ con trong gia đình là đối tượng mà qua đó gã có thể cảm giác được quyền lực. Hay lấy ví dụ đơn giản hơn, là nhiều gã đàn ông thấy người yêu có bầu thì kêu đi phá, còn không thì chạy mất bởi trách nhiệm nuôi nấng đứa trẻ với họ quá lớn.
Đây không phải là chuyện gì xa lạ với những người đã từng đi qua thời trai trẻ, rất nhiều gã đàn ông vẫn có cái căn hầm đó trong lòng mình, như anh chàng Cobb trong Inception - không ngừng tự nguyền rủa bản thân vì bi kịch xảy ra với người yêu, đi vào giấc mơ chỉ để gặp người tình. Có lẽ rất nhiều gã đàn ông cũng thường quay lại miền ký ức đó, nơi ta lưu giữ hình bóng người xưa – người mà vì sự yếu hèn của nội tâm đã đành đoạn phụ bạc. Nên các cô có yêu ai, kinh nghiệm của nơi này vẫn nên là hãy yêu người có điều kiện một chút – bởi dẫu sao, không ai biết được gã đàn ông kia có thể chịu đựng được tới đâu. Đừng quên rằng tình yêu sẽ nhảy ra khỏi cửa sổ, khi cái nghèo đi vào cửa lớn. Đùa một chút.
Carl Jung có nói về những tâm hồn như thế, và với ông, đó là những tâm hồn yếu đuối. Bởi vì chúng yếu đuối, nên một khi chúng chạm được vào quyền lực, chúng sẽ trở thành một thế lực hủy diệt.

Cảm giác yếu đuối của một cá nhân, hay cảm giác rằng mình không hề tồn tại, được bù đắp bằng sự bộc phát ham muốn thứ quyền lực trước sau chưa hề có. Nó là cuộc nổi loạn của những kẻ bất lực, và là lòng tham không đáy của tầng lớp bần cùng.


The individual’s feeling of weakness, indeed of non-exist­ence, [is] compensated by the eruption of hitherto unknown desires for power. It [is] the revolt of the powerless, the insatiable greed of the
have-nots.

(Carl Jung, The Fight with the Shadow)
Nơi này đã từng nhắc tới một khái niệm hết sức phức tạp, rằng Carl Jung cho rằng những tâm hồn yếu đuối nhất sẽ xuất hiện và trở thành lãnh tụ của những tâm hồn yếu đuối khác. Bởi âm vang từ sự hỗn loạn nội tâm chính là lời mời gọi của ma quỷ - sự thèm khát vô độ quyền lực và sức mạnh. Những gã đàn ông yếu đuối nhất, sẽ là những gã đàn ông hung ác nhất – và một khi quyền lực tới tay họ, họ trở thành những tên đồ tể của thời đại. Điều đáng sợ là trong mỗi người đều có sự yếu đuối đó. Cái cảm giác bất lực trước phù hoa của thời cuộc vốn có thể loại bỏ bằng tình huống của Đức Tin, dần dần không còn có thể giải quyết. Tại sao nói thế? Bởi vì một khi người ta còn theo đuổi Đức Tin, thì người ta sẽ tỉnh thức – hay khai ngộ. Mà xuyên suốt lịch sử, các giác giả khai ngộ đều là ở trong tình huống không có gì trong tay. Đức Phật từ bỏ ngôi vị Thái Tử, Jesus lang thang trong hoang địa rồi trở về xứ, Lão Tử cưỡi trâu về Tây, hành trang hết sức đơn sơ.
Có một người giàu gặp tiên tri Jesus, kể cho ông nghe về nỗi khổ của mình. Jesus nói với ông rằng ông phải từ bỏ đi tài sản của mình nếu muốn về Thiên Quốc. Người này buồn bã, ông không đành, ông có nhiều tài sản lắm. Jesus nói với học trò của ông, người giàu muốn lên Thiên Quốc còn khó hơn là con lạc đà chui qua cái lỗ kim. Thực ra rất nhiều người hiểu lầm đoạn này, không phải là người giàu sẽ không theo Jesus được, mà bởi vì người ta có sự ràng buộc vào tài sản. Sự ràng buộc luôn là thứ ngăn cản người ta tới sự tỉnh thức. Bởi vì rõ ràng là mọi sự ràng buộc đều mang lại cảm giác thiếu thốn. Người tu phật gọi là chấp trước.
Cách mạng Công Nghiệp từ vài thế kỷ trước tạo ra nhiều của cải hơn, và vì thế nên áp lực đối với Đức Tin rất lớn. Đặc biệt lớn khi mà Đức Tin bị các hình thức tôn giáo thế tục làm cho băng hoại. Bởi vì trái ngược với tình huống từ bỏ ràng buộc, các cơ sở tôn giáo hết sức xa hoa, chính là trung tâm của các ràng buộc. Tài vật đều tập trung vào đó, tuy là từ lòng thành của người mộ đạo, nhưng quản lý một lượng tài sản lớn như vậy, cần kỹ thuật của người thường. Người có thẩm quyền đối với số tài sản đó, đa phần, lại là những người có ảnh hưởng trong các cộng đồng tôn giáo. Bi kịch mà người ta nhìn thấy, đó là thay vì tiếp nối việc hoằng dương lời giác giả, người ta hành động chỉ nhằm mục đích làm số tài sản đó nhiều thêm. Nhà thờ, nhà chùa, … hết thảy đều không còn thanh tịnh nữa là tai họa của thời cuộc.
Gọi là tai họa, là bởi vì khi Đức Tin bị biến dạng, và người đời trở nên càng lúc càng bị ràng buộc vào tài vật, sự chênh lệch giàu nghèo càng lúc càng lớn. Từ đó xuất hiện một tầng lớp đông đảo những con người có nội tâm yếu đuối. Lớp người có nội tâm yếu đuối này bắt đầu trao cho chính quyền một thứ quyền lực đáng sợ - thứ quyền lực được phép kiểm soát và phân phối tài sản. Chủ Nghĩa Cộng Sản lừa được người ta chính là vì nó lừa được những tâm hồn yếu đuối đó. Hitler, Lenin, Stalin, Mao, Hồ… chính là những tâm hồn yếu đuối nhất. Trong những tâm hồn đó xuất hiện sự thèm khát vô độ quyền lực. Carl Jung nhìn ra chuyện đó, ông nói rất rõ rằng Hitler chính là hiện thân tài tình và hoàn thiện nhất của tất cả những gì thấp kém nhất của tâm hồn một con người.

Ông ta là một người vô năng, không thể thỏa hiệp, vô trách nhiệm, tâm lý bệnh hoạn, đầy những tưởng tượng sáo rỗng và trẻ con, nhưng lại được thiên phú thứ trực giác nhạy bén của một con chuột cống.


He was an utterly incapable, unadapted, irresponsible, psychopathic personality, full of empty, infantile fantasies, but cursed with the keen intuition of a rat or a guttersnipe.

Bài viết này, vốn đã có thể dài hơn, nhưng xin không làm đau đầu người đọc thêm nữa. Chỉ xin nhắc nhở rằng, Hitler, Mao, hay Hồ thực ra đều là cùng một tình huống đó. Kể cả những tâm hồn yếu đuối sau này đang ngồi ở Ba Đình, với lòng tham không đáy gây nên cuộc thảm sát ở Đồng Tâm. Chúng ta đang chứng kiến những tâm hồn yếu đuối với lòng tham vô độ, không ngừng trộm cắp và bất chấp đạo lý để làm chuyện vô luân.
Dân tộc Việt Nam trong cơn khói bụi của thời cuộc, mỗi người đã không nhìn ra sự vô minh và yếu đuối trong lòng mình, và chọn lựa một đám lưu manh để trao cho chúng thứ quyền lực của chính quyền. Thứ mà chúng đang làm, chính là dùng quyền lực đó để hủy diệt dân tộc này.
Nơi này từng nói về những đứa trẻ chưa lớn trong nội tâm – đừng coi thường những đứa trẻ đó – một khi chúng có sức mạnh, chúng sẽ vì nỗi đau trong quá khứ mà làm điều độc ác.
"Đừng nghĩ rằng ta tới đây để mang lại hòa bình trên đất. Ta không mang tới đây hòa bình, ta mang tới một thanh kiếm."
Matthew 10:34 - Do not suppose that I have come to bring peace to the earth. I did not come to bring peace, but a sword.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Luris Fantasy.