• 196

Chương 27: Kintsukuroi


Có một câu chuyện vui thế này. Trước đây có một đồng nghiệp, từng làm ở cùng công ty, nhưng chi nhánh ở Tokyo, sau theo anh người yêu sang Úc cùng làm việc. Sang Úc thì cô nộp đơn vào công ty cũ, may mắn là cùng một vị trí chi nhánh ở Sydney. Làm được một thời gian thì không hiểu vì lí do gì, anh người yêu vẫn ở Sydney làm, còn cô thì phải chuyển đi Melbourne. Chuyên môn tuy không phải là vấn đề, nhưng giao tiếp tạo ra nhiều trở ngại rất lớn, tiếng Anh của cô không tốt, dẫn tới rất nhiều chuyện chỉ có thể trao đổi qua email. Ngoài ra, ở chỗ làm cô khá trầm lắng. Khách xuất thân quê mùa, ở nơi người ta khá "bao đồng" chuyện thiên hạ, không "khôn" như người Thanh - Nghệ, tính cách đó nhiều lúc mang lại rắc rối. Nhưng ngoài các rắc rối, thì cũng biết thêm được nhiều chuyện thú vị.
Mới quen qua công việc có mấy tháng, lại mời đi BBQ cuối tuần, cô làm host, khách lấy cớ bận từ chối. Cô kia hiểu ý, nói rằng ở Mel không quen ai, đồng nghiệp giúp cô nhiều, nên cô muốn mời mấy người bạn cô quý mến tới party để cảm ơn. Thấy từ chối thì cũng không tiện, cũng nên để người ta cảm thấy không mắc nợ nữa. Đang đi trên đường thì anh bạn đồng nghiệp nhắn tin nhờ mua ít quà, mua gì cũng được, gói cho đẹp một chút, vì anh tới trước, phát hiện ra đây là tiệc sinh nhật. Anh bạn này gốc Việt, nên cũng còn một ít phép tắc Á Châu, có qua có lại, đi BBQ mang thùng bia thì được, chứ tiệc sinh nhật, kể ra cũng phải có quà.
Nhưng mà biết tặng quà gì? Trên đường đi thấy một pop up shop, bán một ít đồ sứ như trong hình, hình như là đồ Nhật, giá tiền cũng rẻ, 15 20 đồng. Vậy là xong, một chậu Bonsai cho anh bạn, một cái tách cho mình. Nhờ người ta gói thành quà, trả bằng thẻ cho nhanh, không sẵn tiền mặt.
Tiệc vào chiều thứ Sáu, tới Chủ Nhật thì thấy có điện thoại. Người nhận quà cảm ơn rối rít, giọng có vẻ hơi xúc động. Khách thấy khó hiểu, mình đâu có tán tỉnh người ta. Mà món quà mình mua, kể ra cũng hơi "cheap shit", anh bạn làm cùng thì đang tán tỉnh cô nàng nên có mua giùm cây Bonsai, nhớ dạo đó là 75 đồng Úc, vậy kể ra thì cây Bonsai có giá hơn một cái cốc uống nước giá 15 đồng chứ?
Đó là toan tính ban đầu. Sau khi nghe cô "tâm sự loài chim biển" cỡ chừng 1 tiếng, lấy cớ điện thoại hết pin, cô hẹn đi coffee catchup trên roof top building cô đang ở. Cũng đồng ý cho xong. Cô đồng nghiệp rất dễ thương, cũng trải qua nhiều chuyện không vui, anh người yêu sang Úc thì sanh "tật". Cô xuống Melbourne làm cũng vì chuyện đó, ngoài lý do công ty cần thêm người. Khách nhớ tới câu chuyện của cô kể qua điện thoại, thấy rằng một món quà nhỏ, mà có thể làm người ta xúc động như vậy, kể cũng lạ.
Vài bữa sau lại có việc đi ra ngoài, thấy pop up shop vẫn mở, định ghé mua cho mình một cái, vì mấy cái cốc hình thù cũng kỳ lạ. Nhưng tới xem thì phát hiện ra chiếc cốc mình mua lần trước là 150 đồng, chứ không phải 15 đồng. Kiểm tra lại tài khoản ngân hàng thì đúng là như vậy. Vừa tiếc tiền, vừa thấy có lỗi với anh chàng kia. Anh này tình duyên lận đận, muốn làm quen cô nào là y như rằng cô đó hoặc là có người yêu, hoặc là có chuyện gì phải đi nơi khác. Bây giờ tới cô nàng Phù Tang này thì cũng "có chuyện."
Tiếc cho anh bạn thì ít, mà tiếc tiền thì nhiều. (Edit: "đau bụng" là phải rồi, mua cái ly tới gần 3 triệu hồ tệ). Nên đứng lại đọc tài liệu về Kintsukuroi người bán để trên bàn. Kintsukuroi là phương pháp phục hồi các đồ gốm bị vỡ. Người ta dùng nhiều kỹ thuật và chất liệu khác nhau để phục hồi vật dụng bằng gốm. Bây giờ người ta có thể dùng nhựa, dùng epoxy, keo dán... Nhưng trước kia, để phục dựng lại những đồ sứ quý hiếm từ Trung Hoa, nghệ nhân Nhật Bản dùng tới cả vàng. Mãi về sau này, đồ sứ bể không còn giá trị, chỉ đơn thuần là mua một món đồ khác,... nhưng kỹ thuật này vẫn còn được duy trì, bởi vì đằng sau nó mang lại mỹ cảm, hay một thể ngộ về nhân sinh rất quan trọng.
Chế tác thì nhanh, nhưng hàn gắn lại một món đồ vỡ lại rất mất thời giờ.
Có lẽ mỗi người chúng ta đều như những món đồ sứ kia, rất dễ vỡ trước các chủng dạng áp lực khác nhau từ cuộc đời. Tâm hồn người ta thoạt đầu cũng mong manh như thế, dễ đau khổ. Nhưng nhờ qua mỗi lần nếm trải hương vị của khổ, tâm hồn ta tưởng chừng như tan vỡ, sau vẫn có thể lành lại, và mạnh mẽ hơn trước đó rất nhiều lần. Một tâm hồn lành lặn trở lại sau khi bị các đau khổ làm tan vỡ là một tác phẩm nghệ thuật. Ngắm nhìn nó, trải nghiệm nó... mang lại cho người ta sức mạnh nhân sinh.
Nghe đâu có một người tu, trong lúc thiền định, ông tiến nhập vào thế giới Cực Lạc, phát hiện ra mọi thứ ở đó đều bằng vàng. Từ ngọn núi, cát dưới chân, tới con chim đậu trên cành cây... tất cả đều bằng vàng.
Đức Phật giảng rằng đời là bể khổ. Pháp của ông mang lại cho người ta kỹ thuật hàn gắn lại những tâm hồn tan vỡ. Nghe lời ông, trải qua hết những đau khổ trong đời, có lẽ nhiều người nhìn lại cái cốc của mình, và nhận ra rằng cái cốc sứ dễ vỡ ban đầu không còn nữa, chỉ còn lại vàng kim.
Khổ nạn là phước phần lớn nhất của nhân sinh, bởi vì khi đi qua những đau khổ của đời người, mỗi sinh mệnh lại có thể cải biến bản thân mình, từ thứ vật chất ô trọc trên đất, tạo thành một thân kim cương bất hoại.
Khách đọc những chia sẻ rất buồn trong inbox, bất giác nhớ lại chuyện này. Có lẽ, chừng nào trong tâm hồn người ta còn hướng thượng, hướng tới các giá trị đạo đức Thần truyền, chừng đó còn có các đấng vô hình, âm thầm hướng dẫn, gợi ý qua các hình thức "nhân duyên" trong đời.
Có thể tin và nghe theo Thần Phật không hẳn làm cuộc đời này bớt đau khổ hơn, sau khi đại ngộ dưới cội Bồ Đề, năm tháng sau này của Đức Phật vất vả biết bao. Những đau khổ đó mang lại cho người ta một lựa chọn, hoặc là chấp nhận vĩnh viễn để mình tan vỡ, trở thành tro bụi của lãng quên, hay nỗ lực hàn gắn, chữa lành, cải biến tâm hồn mình tiến nhập vào Phật Quốc.
Có lẽ đó cũng là lý do vì sao gốm Kintsukuroi rất đắt tiền.
(Edit: pop up shop là kiểu cửa hàng lâu lâu mới xuất hiện một lần, bán đồ "độc")
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Luris Fantasy.