Chương 70
-
Một Quá Khứ Kinh Hoàng
- Mary Higgins Clark
- 873 chữ
- 2020-05-09 01:54:45
Số từ: 863
Người dịch: Võ Liên Phương
NXB Văn Học
Ở giữa tháng Ba, Karen Grant phải lái xe đến Clinton và bà hy vọng đây sẽ là chuyến đi cuối cùng. Trong nhiều tuần sau đám tang của Allan Grant, bà đã bỏ nhiều ngày thứ bảy để soạn bỏ một số vật dụng bà đã mua sắm trong sáu năm chung sống với ông, bà chọn các tủ mà bà để chở đến căn hộ của bà tại New York, còn những thứ còn lại giao cho một người cầm đồ. Bà đã bán chiếc xe của Allan và giao ngôi nhà cho một công ty địa ốc. Ngày hôm nay bà chuẩn bị để dự lễ cầu hồn cho Allan được tổ chức tại ngôi nhà thờ nhỏ trong ký túc xá.
Sáng mai bà sẽ đáp phi cơ đi Saint-Thomas để ở đó bốn ngày. Đi như thế là điều tốt cho mình, bà thầm nghĩ trong khi lái xe thật nhanh đến New Jersey. Đó là những lợi ích của nghề nghiệp vì bà được mời đến Frenchman Reef, một trong các khách sạn nổi tiếng.
Edwin sẽ đi cùng bà. Bà cảm thấy hồi hộp, mạch bà đập mau hơn và một nụ cười nở trên môi. Đến mùa thu này, bà không cần phải giấu gì nữa hết.
Buổi lễ cầu hồn gần giống như một đám tang, phải nghe bài diễn văn ca tụng Allan là quá sức chịu đựng của bà. Karen nhận thấy mình đang nức nở và Louise Larkin ngồi cạnh bên mới choàng cánh tay qua vai của bà.
- Phải chi ông ấy chịu nghe tôi, Karen than thở với Louise. Tôi đã báo cho ông ấy biết là con nhỏ đó ghê gớm lắm.
Tiếp theo sau là bữa tiệc tại nhà của gia đình Larkin. Karen luôn thấy thích ngôi nhà này. Nó được xây dựng hơn một trăm năm và mới đây ngôi nhà được phục chế một cách tuyệt hảo. Nó làm cho bà nhớ lại các ngôi nhà tại Cooperstown, nơi có rất nhiều bạn học của bà đang ở. Bà đã lớn lên trong một chiếc xe cắm trại và vẫn còn nghe văng vẳng một trong các đứa học trò hỏi bà một cách mỉa mai không biết gia đình của bà cho in hình chiếc xe đó trong các tấm thiệp mừng Noel không.
Gia đình Larkin mời những giáo sư cùng tất cả nhân viên hành chánh và khoảng một chục sinh viên. Vài người trong số này đến thật lòng chia buồn với bà, vài người khác đến kể một giai thoại về Allan. Với đôi mắt ửng lệ, Karen nói cho mọi người biết là càng ngày bà càng nhớ Allan nhiều hơn.
Ở đầu bên kia căn phòng, Vera West – vị giáo sư đến sau cùng của trường đại học, đang nhâm nhi một ly rượu trắng và nhìn bà ta. Bà Karen đã bốn mươi bốn tuổi, có khuôn mặt tròn dễ nhìn, với bộ tóc hung quăn tự nhiên. Đôi kính sát tròng che đi màu mắt nâu hạt dẻ. Vera không cần phải đeo kính để đọc nhưng bà sợ cái nhìn của bà trở nên quá lộ liễu. Bà uống rượu từng ngụm nhỏ, cố hết sức để không nghĩ đến buổi tiệc tại nhà của một vị giáo sư nào đó cách đây mấy tháng, rằng chính Allan đứng ở đầu phòng kia chớ không phải bà vợ ông ta. Vera nghĩ đến thời gian nghĩ dưỡng bệnh của bà sẽ đủ giúp cho bà kềm chế các cảm xúc của mình, những cảm xúc mà không một ai được biết đến. Bà lại nhớ đến lời của một văn sĩ của thế kỷ thứ XIX:
Nỗi khổ thầm lặng là vật nặng nhất mà con người phải gánh chịu
.
Louise Larkin bước đến gặp bà.
- Tôi rất mừng là chị đã về rồi Vera. Chúng tôi nhớ chị lắm. Chị thấy trong người như thế nào? Ánh mắt của bà ta thật sắc bén.
- Khỏe hơn nhiều, cám ơn!
- Chị biết chứ, chứng tăng bạch cầu đơn nhân làm cho sức lực bị suy kiệt hết sức mau chóng lắm đấy.
- Đúng như vậy! Sau đám tang của Allan, bà đã trốn về ẩn dật tại ngôi nhà ở Cape Code của bà. Chứng tăng bạch cầu chỉ là một cái cớ mà bà đã nói với ông khoa trưởng khi ông gọi điện cho bà.
- Karen quả đang thật sự tươi tỉnh cho một phụ nữ vừa phải chịu một sự mất mát lớn như thế, chị có nghĩ như vậy không Vera?
Vera đưa ly rượu lên miệng, uống một ngụm rồi đáp lại thật bình tĩnh:
- Karen là một phụ nữ quá đẹp.
- Nói cho đúng, tôi thấy chị gầy đi nhiều đấy, nét mặt có vẻ bơ phờ và nếu tôi là người lạ mặt trong căn phòng này, tôi dám bảo đảm với chị là tôi sẽ nghĩ chị mới đúng là người đang có tang.
Louise Larkin bắt tay Vera và nở một nụ cười thật khoan dung.