• 48

Phần II - Chương 2


Số từ: 1506
Nguồn: downloadsach.com
Đêm mùa thu xuống sớm. Lũ đom đóm lập lòe lúc trời mới tối, giờ đã tản mác đâu hết. Con dế con giun vẫn ca bài ca buồn phiền muôn thuở. Chỉ còn mấy con sóc đem nhau đi ăn trộm hồng, rúc rích trên cành cây, đuổi nhau sột soạt qua tàu lá cọ. Lưng trời, thỉnh thoảng mới có một tiếng vạc tác đêm.
Trong nhà bà Nhương vẫn còn có ánh đèn lọt qua cửa sổ rọi ra sân, khuya khoắt.
Thầy Khang đang thức soạn bài giảng cho ngày mai. Qua ánh sáng đèn, đôi má anh lúng láng như má con gái dậy thì. Cái đồng hồ tay nằm bẹt trên cuốn sổ bìa xanh, kim ngắn đã chỉ mười hai giờ.
Động bước Hoa về, tiếng dế lặng rả rích.
Hoa vào nhà.
Khang ngước lên với Hoa, niềm nở:
- Về rồi đấy em? Họp gì khuya thế?
Hoa dừng bước trước bàn làm việc của Khang:
- Thầy chưa nghỉ ạ? Hôm nay đại diện Ủy ban huyện về phổ biến chỉ thị mới.
- Vấn đề gì thế?
- Thanh niên thi đua tòng quân, phục vụ tiền tuyến.
Mắt Khang không rời nhìn vào miệng Hoa.
Hoa hỏi tiếp:
- Thầy đã chấm bài cho em chưa?
Khang đang mải theo đuổi một ý nghĩ nào đó, mãi sau mới sực nhớ trả lời Hoa, đúng ra là một câu hỏi lại:
- Hoa làm xong bài rồi?
- Vâng. Vở em để bên góc bàn đó. Thầy chấm hộ em nhé.
Khang cứ ngồi như vậy, nhìn theo bóng Hoa ra cửa sau rửa chân bên chái nước. Cho đến khi cô vào buồng lên giường đi ngủ, anh mới lục vở để chấm bài cho Hoa.
Nét mặt Khang đang có gì hoan hỉ bỗng lặng lại. Hai mắt dương to. Khang nhìn thấy trong vở bài tập của Hoa có một tấm ảnh đàn ông cỡ bốn, sáu và một lá thư. Nhìn thật kỹ, Khang nhận ra, đấy là anh cấp dưỡng bộ đội mua chuối xanh hôm nào, là người đã cứu Hoa khỏi chết đuối. Rồi đôi bàn tay Khang run run mở lá thư gấp tư ra đọc:

Hoa thương yêu!

Ngày ấy ra đi, giữa đường tôi có về một lá thư, em có bắt được không?Hôm nay đã có địa chỉ nhất định, tôi lại viết tiếp thư này về Hoa. Những chuyện, hôm ra đi, cũng như trong lá thư trước anh nói với em, em đã nghĩ thế nào rồi? Tôi đã yêu em và yêu tha thiết. Tôi là một người không gia gia đình, không cha mẹ, quê quán thì có cũng như không, vào quân đội khi còn là một thiếu niên cho đến ngày trưởng thành hôm nay, chỉ mới biết có tình thương của đồng đội.

Tôi thèm khát một gia đình êm ấm, có nơi cho tôi đi sớm về khuya. Tôi muốn được coi mẹ là mẹ mình, gọi Hoa bằng em. Tôi muốn gửi cho Hoa tình yêu nồng nàn, trong trắng của mình. Nếu em không có gì phân vân, đòi hỏi ở tôi, biết thương tôi thật sự, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một hạnh phúc tốt đẹp. Em vui lòng chứ Hoa?

Cuối thư anh xin chúc gia đình em vạn an.

Hãy chờ ngày hết chiến tranh, anh trở lại:

Tha thiết yêu em

Lá thư ký tên: Trần Chí Liêu.
Người Khang đang như ở trạng thái ngộ độc. Nóng chẳng ra nóng, rét không ra rét. Đọc xong thư, Khang cứ ngồi lặng hồi lâu nhìn vào ngọn đèn.
Thế rồi, Khang đưa lá thư và cả tấm ảnh châm vào ngọn đèn. Ngọn lửa cháy bùng lên. Tàn giấy cuốn tròn. Bàn tay Khang hất nốt cả cuốn vở bài tập của Hoa xuống sàn nhà.
Anh thổi phụt nốt ngọn đèn, rồi ngồi như một pho tượng đá trong đêm tối, giữa tiễng muỗi vo ve…


Liêu đã nhận công tác sau khi chịu kỷ luật phê bình trong cán bộ. Đơn vị của anh cũng đã nhận được lệnh trên rời mặt trận, về vùng tự do Hà Tĩnh để học tập xây dựng. Liêu đang cùng đơn vị hành quân đêm trên một con đường tỉnh lộ lởm chởm đá…
Trăng hết khuyết lại đến tròn, đêm nay đã là rằm tháng tám_trung thu. Trăng sáng vằng vặc. Ánh trăng tuôn chảy khắp hang cùng ngõ hẻm, như muốn phân phát niềm vui đến tận mọi nơi, mọi người. Sau những rặng tre, ở mỗi xóm làng, dưới mái đình, trước sân trường đều đang vang lên những tiếng trống ếch, nổi lên những cuộc vui chơi của các em thiếu nhi như múa làn, rước đèn, ca múa, phá cỗ, ngắm trăng…
Một hồi còi rúc lên, đơn vị hành quân đến giờ nghỉ chân. Hàng ngũ bỗng trở nên lộn xộn. Các chiến sĩ cứ tụm năm, tụm ba, rít thuốc lào, hút thuốc lá, tẩm quất cho nhau, nói chuyện phiếm, cũng có anh tranh thủ nằm vật bên vệ cỏ ngủ ít phút…\
Tiếng trò chuyện nổi lên đó đây:
- Nhớ nhà, nhớ quê quá chúng mày ạ!
- Ước gì nhỏ lại, vào xóm mà phá cỗ trung thu.
- Nhỏ lại còn được các chị em bế trên tay, bón bánh, bón kẹo vào tận miệng.
- Thơm nữa chứ!
Cùng trong một giờ nghỉ giải lao trên đường hành quân, mỗi một chiến sĩ đều theo đuổi một ý nghĩ riêng vào đêm trung thu này. Người nhớ tới con cái, không biết ở nhà mẹ nó có cày cấy đủ nuôi chúng ăn học không? Người đã sắm được cái áo ấm cho cô em gái, mong có dịp công tác qua nhà…
Một anh lính súng cối, vừa đặt súng xuống nghỉ, đã lân la đến với đại đội trưởng trò chuyện, chia nhau điếu thuốc cuốn…
- Đồng chí ở nhà còn mấy em nhỏ nữa? Anh ta hỏi Liêu.
- Mình không có qua một người anh em. Thân thiết cũng chẳng còn ai. Mình chết đỡ phải báo tử.
Anh xách súng cối tâm sự:
- Tớ có một thằng em ngoan lắm, đồng chí ạ. Nó làm liên lạc cho xã đội. Năm ngoái, chiến dịch Hà Nam - Ninh, tôi có được gặp hắn vài phút. Đứng đã cao tới cổ tôi, một hai hắn cứ xin đi theo bộ đội. Tôi khuyên hắn… - Anh ta cúi mặt, ngừng nói vì nghẹn ngào, xúc động …- Tôi khuyên hắn, cố ở lại, nuôi lấy thầy u để cho tôi yên tâm đi bộ đội. Thế mà - anh cắn môi - giặc giết hắn mất rồi! Tôi nghe tin chúng nó còn chặt đầu em tôi, cắm cọc bêu ở đầu làng…!
- Dã man! Liêu thốt lên.
Người lính với giọng trở nên ân hận:
- Biết sự thế. Tôi cho hắn cái áo…Tội nghiệp, hôm anh em gặp nhau, tôi thấy hắn rách lắm!
Gió thổi vè vè qua những khóm dứa dại ven đường. Trên một cành gạo cao, có con chim lợn kêu đơn độc trong đêm nghe rờn rợn…Ở nông thôn người ta vốn kỵ tiếng chim lợn, cho đó là điềm gở.
Từ dưới hàng quân có tin truyền loan báo:
Được nghỉ giải lao nửa giờ. Anh em có thể vào trong xóm chơi, đón trung thu với các em một lúc cũng được.

Nhiều anh em thích thú kéo nhau vào ngay xóm nhỏ ven đường, nơi tiếng trống múa lân đang rung lên từng chập từng chập, chắc rằng lân đang vái lạy gia chủ nào đó.
Đại đội trưởng Liêu thì cùng với vài ba anh em ngồi quay lại ở một gò đất ven đường, hình như nơi đó là một ụ chướng ngại đắp hồi mới có lệnh toàn quốc kháng chiến. Họ đem sáo trúc ra thổi.
Anh chiến sĩ thổi sáo hỏi Liêu:
- Đại đội trưởng thích nghe bài gì nào?
- Bài gì cậu thích?
Một chiến sĩ khác hóm hỉnh.
- Nên thổi tặng đại đội trưởng bài
Em ơi, đợi anh về!

Anh khác lên tiếng:
- Hay đấy, bài ấy đang hợp tâm trạng đại đội trưởng.
Thế nào tiếng sáo trúc được cất cao, bay xa, rồi lại như hạ dần xuống, trầm trầm, chan chứa tình cảm. Tiếng sáo trúc của chiến sĩ có thể đang đưa tâm hồn của Liêu đi lang thang dưới trăng sáng trung thu. Và, điều chắc chắn rằng, anh ta lại đang nghĩ, đang nhớ đến Hoa, cô gái xinh đẹp ở làng Phước Sơn. Biết đâu, đêm nay cô gái ấy chẳng lại đang nhìn trăng và đang thầm trách:
… Ở hai nơi đều nhìn thấy trăng, mà hai đứa lại không nhìn thấy nhau!
.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Mùa Hoa Dẻ.