• 87

Phần I - Chương 2


Số từ: 2250
Nguồn: downloadsach.com
Trung đoàn trưởng trạc tuổi ngoài bốn mươi. Tóc rễ tre đã ngả màu tiêu muối. Ông có cặp lông mày rậm đen như hai vết mực xạ. Một hàm râu quai nón luôn luôn được cạo nhẵn thành một màu phơn phớt xanh trên gương mặt luôn hồng hào của ông. Ông vừa về nhận công tác ở trung đoàn này khoảng vài ba tuần lễ nay.
Đang ngồi ở bàn làm việc đầy vẻ chăm chú, cây bút chì xanh đỏ trên tay trung đoàn trưởng đang lướt qua lướt lại trên tấm bản đồ quân sự hổng ngừng lại. Chừng như có một ý nghĩ đột ngột nẩy sinh, ngồi im một lúc, trung đoàn trưởng quay sang, hỏi người cán bộ, chắc là sĩ quan tham mưu ở bàn làm việc gần đấy:
- Anh có biết hôm qua là nước cờ gì không?
Anh cán bộ bị hỏi đột ngột chưa thể trả lời kịp:
- Đồng chí nói nước nào ạ?
- Nước
phào đất, xe mặt
ấy!
Anh cán bộ tham mưu lắc đầu:
- Thưa đồng chí, tôi chịu đấy, tôi chưa sạch nước cắn.
Trung đoàn trưởng gật gù:
- Đó là thế cờ
Thụy đế
một thế cờ vô cùng nguy hiểm.
Thì ra, trung đoàn trưởng đang cay cú với ván cờ tàn hôm qua. Ông còn một xe đứng giữa mặt tường bên kia còn xe pháo. Hai bên sĩ tượng đều trọc, ai cũng nghĩ rằng hòa, vậy mà ông đã thua một cách đau đớn. Đối thủ là một chàng trai lạ mặt.
Song, cay cú chỉ là chốc lát trung đoàn trưởng lại tiếp tục công việc nghiên cứu trên tấm bản đồ quân sự.
Buổi sáng ở làng Phước Sơn, nơi đóng quân của trung đoàn bộ trung đoàn tình nguyện quân Việt Nam thật yên tĩnh, rất hợp cho công tác nghiên cứu, công việc bàn giấy…
Bóng người con gái, con ông chủ nhà, từ nhà trong thoăn thoát đi ra. Đến trước nơi làm việc của trung đoàn trưởng, cô gái đặt đĩa khoai luộc trên mặt bàn kêu
soạt
xong chạy vội vào nhà thoát thân.
Trung đoàn trưởng ngước lên, hơi ngơ ngác. Ông nhìn thấy đĩa khoai bốc hơi trước mắt, liền lườm theo bóng cô gái vừa mất hút vào nhà trong với đôi mắt nhiều lòng trắng đầy khó chịu! Khó chịu hơn nữa là hai chị em cô gái nọ lại còn đấm nhau, cấu véo nhau, cười như nắc nẻ trong nhà, trung đoàn trưởng lên tiếng, mời một cô ra cho ông gặp.
Cô gái ban nãy là cô em. Bây giờ cô chị mới ra, bẽn lẽn, từng bước đến ôm lấy cái cột nhà cạnh bàn làm việc của trung đoàn trưởng để nghe ông nói.
Trung đoàn trưởng, giọng nghiêm nghị:
- Tôi không quen ăn sáng. Lần sau các cô đừng làm thế nhé!
Cô gái lễ phép, tay mân mê cột nhà:
- Thưa ông, thầy em bảo, nhà có khoai mới, đem mời ông lót dạ cho vui. Em em, nó… không biết thưa…
- Tôi không quen mà lại! – Giọng nói trung đoàn trưởng đã bực – Việc nữa, các cô cũng nên bỏ lối cười đùa như vừa rồi đi ồn lắm, tôi không làm việc được.
Cô ả chỉ biết đỏ đừ mặt, lại mân mê cái cột nhà.
Thấy vậy, ông chủ nhà lật đật chạy lên xin lỗi:
- Thưa ông, tôi tưởng quen vui như các anh bộ đội trước ở trong nhà mới dám bảo các cháu mời anh xơi củ khoai, uống nước mới. Cũng chưa biết tính nên đã quấy rầy ông… Ông xá lỗi cho…
Trung đoàn trưởng dịu xuống:
- Cụ nên hiểu cho, chúng tôi làm việc cứ phải có giờ, có giấc, giờ nào việc nấy. Công việc của tôi là vô cùng bận, chẳng thể ngừng lại mà ăn khoai giữa chừng được. Hơn nữa, các cô trong nhà ta cười đùa nhiều quá không hợp với nơi bàn giấy cần nghiêm túc, yên tĩnh.
Ông chủ nhà hấp háy mắt, miệng lia lịa:
- Vâng… vâng… vâng ạ! Thôi thế… xin ông tha thứ cho các cháu.
Đoạn, ông chủ quay sang con gái:
- Con cất ngay khoai đi và bảo em bưng nước ra đây mời ông xơi. Từ nay về sau chớ có được chọc ghẹo nhau nữa, nghe con! Con cái… thật quá…
Trung đoàn trưởng thanh minh:
- Tôi không phải khó tính, cũng chẳng là cầu kỳ. Bộ đội không sống với dân thì sống với ai? Song, trong giờ làm việc cứ phải dứt khoát, còn giờ nghỉ hoàn toàn tha hồ. Nếu cụ hay chơi cờ tướng, tôi sẵn sàng hầu. Cụ hiểu chứ chúng tôi là người cán bộ làm việc mà nhom nhem, thì đội viên sẽ lại làm quá hơn. Tiếc rằng, chưa có lúc nào rảnh mà trò chuyện với cụ một vài bận cho vui, để biết tính nhau.
- Vâng… vâng… tôi cũng nghĩ thế đấy ạ.
Cụ chủ nhà đón lấy ấm nước trên tay con gái, rồi vội mời trung đoàn trưởng uống.
Trung đoàn trưởng đành phải bưng bát nước uống để chủ nhà được vui lòng.
- Chè ở đây thơm ngon, chẳng khác gì chè Phú Thọ - trung đoàn trưởng trở nên vui vẻ - ngày trước tôi là anh nghiện chè xanh đấy cụ ạ, uống nó, thức đêm mấy cũng được.
Thế là từ đấy, trung đoàn trưởng với cụ chủ nhà đã có sự thông cảm, gần gũi. Còn hai cô gái con cụ chủ nhà thì cũng từ đấy chỉ còn biết nhìn trộm, cười thầm – Họ càng buồn cười cho ông già bộ đội ấy.
Cụ chủ nhà đang rót nước tiếp cho trung đoàn trưởng ngoài sân, một người đàn ông, quân phục chỉnh tề vào tới hiên nhà thì đứng nghiêm, rồi đưa tay lên chào.
Trong nhà, trung đoàn trưởng ung dung bỏ bát nước đứng lên đáp lễ.
Chẳng qua là phản ứng dây chuyền, cụ chủ nhà lúc đó cũng đứng nghiêm luôn, chòm râu rung rung.
Người đàn ông mới đến, sau khi chào:
- Báo cáo trung đoàn trưởng! Tôi đại đội trưởng Trần Chí Liêu, theo lệnh gọi của ban chỉ huy xin có mặt.
Chính đó là đối thủ cờ tướng lạ mặt của trung đoàn trưởng hôm qua. Anh ta mặc áo quần mầu tro, chân đi giầy cao cổ, mũ ca lô đội lệch cũng đồng mầu áo quần.
Trung đoàn trưởng cho phép Liêu vào. Liêu ngồi ở ghế vế bên phải bàn, mặt hướng vào trung đoàn trưởng. Cụ chủ nhà vội thu ấm chén, lặng lẽ rút lui.
Từ khi được biết Liêu qua giấy tờ, trung đoàn trưởng đã hình dung ra anh có một cặp mắt xếch rất bướng bỉnh, một hàm râu ngang ngạnh một gương mặt già dặn, táo tợn. Nay, hoàn toàn trái ngược! Liêu trước mặt trung đoàn trưởng là một thanh niên, gương mặt chưa hết nét ngây thơ của một cậu bé, râu hoàn toàn chưa có trên mép chỉ là một lớp lông măng. Tuy vậy, chẳng đến nỗi thư sinh, gặp Liêu lần đầu người ta dễ có cảm giác đó là một con cá miền bề, bởi thân hình khỏe mạnh, làn da rám nắng. Mái tóc quăn, đan tóc xoăn thành những vòng tròn dưới vành mũ ca lô, tạo nên cho gương mặt anh một nét đẹp khỏe khoắn.
Trung đoàn trưởng hỏi:
- Đồng chí Liêu năm nay bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?
- Thưa trung đoàn trưởng, tôi hai mươi mốt tuổi.
Trung đoàn trưởng khẽ nhíu lông mày:
- Vậy, đồng chí làm đại đội trưởng từ bao giờ?
- Thưa… đầu năm 1951.
Trung đoàn trưởng lầm nhẩm tính, rồi lên tiếng khen:
- Triển vọng vô cùng! Đồng chí nên nhớ rằng, ngày xưa tôi đi lính cho Pháp, quá
tam thập
rồi mà họ chỉ mới
nom-mê-ách-xi-đằng
thôi đấy – Thở hắt ra một hơi rõ mạnh – Bây giờ, các anh đúng là mầm non tốt đẹp của thế hệ.
Đoạn trung đoàn trưởng như tiếc đời, nhìn ra xa xôi, khẽ lắc đầu, chép miệng, nói một mình:
- Tuổi xanh không bao giờ trở lại!
Sau khoảnh khắc thả hồi ức về dĩ vãng, giọng nói trung đoàn trưởng trở nên khô cứng.
- Chúng tôi bây giờ tiếc chẳng hết, chỉ biết khuyên các anh, phải luôn luôn học hỏi, cầu tiến bộ, đừng có kiêu căng. Hẳn đồng chí đã biết chuyện con rùa và con thỏ chạy thi – Vì quá kiêu căng tự mãn, chủ quan nên thỏ đã ngậm đắng chịu thua rùa.
Liêu làm bộ khó hiểu:
- Thưa trung đoàn trưởng, đồng chí nói gì mà tôi chẳng hiểu gì cả.
Trung đoàn trưởng cười gằn:
- Đồng chí chưa hiểu thật ư? Tôi về nhận công tác ở trung đoàn này, được biết đồng chí là một cán bộ bướng bỉnh nhất đơn vị - Chừng như trung đoàn trưởng bắt đầu nổi nóng – Nguyên do chính là đồng chí quá tự kiêu, tự phụ, cũng vì vậy nên đồng chí đã phạm vào kỷ luật vừa qua.
- Thưa trung đoàn trưởng, tôi đã phạm kỷ luật như thế nào ạ? – Liêu tỏ thái độ cứng rắn.
Câu hỏi của Liêu đã làm cho trung đoàn trưởng bắt đầu
say men
. Ông dằn từng tiếng:
- Ai ra lệnh cho đồng chí tác chiến ở cùng bản Thập?
- Thưa trung đoàn trưởng, lực lượng vũ trang gặp giặc lại không đánh ư? Để cho nhân dân thiệt hại ư?
- Đánh, nhưng phải có tổ chức. Sinh ra cấp trên là để chỉ huy cấp dưới. Tại sao tiểu đoàn chưa hạ lệnh mà đồng chí đã tác chiến?
Cuộc đối thoại giữa trung đoàn trưởng với Liêu mỗi lúc một căng như lên dây đàn.
- Thưa trung đoàn trưởng, chờ được lệnh của tiểu đoàn thì giặc đã đốt hết nhà dân. Hơn nữa, đứng về tinh thần chiến thuật mà nói, chống càn cần phải tích cực, linh hoạt và cơ động. Do đó, trong hoàn cảnh giặc càn vào vùng bản Thập, chúng tôi phải tổ chức chiến đấu.
- Cơ động, linh hoạt, không có nghĩa là tự động vô tổ chức. Đồng chí phải thật khách quan mới thấy hết khuyết điểm của mình. Bản Thập là vùng cơ sở còn non – Tiện đang có tấm bản đồ quân sự trên bàn, trung đội trưởng tìm kiếm, đọc bản đồ giây lát, rồi cầm cây bút chì gõ gõ vào một điểm nào đó trên bản đồ mà nói – Đây, rõ ràng bản Thập chưa nằm trong vành đai du kích, chỉ mới có cơ sở chính trị, lực lượng bán vũ trang hoàn toàn chưa có. Bởi vậy, cấp trên mới chưa cho chủ trương tác chiến trên địa bàn đó. Vừa qua, sau trận đánh mà đồng chí tổ chức, kết quả tình hình cơ sở đã ra sao? Địch bắt đầu quây vào vùng bản Thập khủng bố, đàn áp…
- Thưa đồng chí, muốn điều đó không xẩy ra, tốt hơn hết là gác súng… Việc này, nếu bị thi hành kỷ luật, tôi sẽ khiếu nại lên trung ương – Liêu nhìn thẳng vào gương mặt trung đoàn trưởng đỏ bừng bừng.
Hẳn rằng, trung đoàn trưởng cũng chẳng thích gì kéo dài cuộc đối thoại kiểu này với Liêu. Giọng ông trầm xuống:
- Đồng chí có quyền khiếu nại. Bây giờ, tôi là trung đoàn trưởng, chỉ thị cho đồng chí làm bản tường thuật sự việc đã xảy ra, tình hình quân sự, chính trị của cơ sở trước trận đánh, trong trận đánh và sau trận đánh. Làm thật tỉ mỉ các diễn biến hành động lẫn tư tưởng của đồng chí qua các sự việc. Nhớ có đánh giá kết quả trận đánh, thắng lợi chỗ nào, thất bại chỗ nào, theo chủ quan của đồng chí. Khoảng trong một tuần, đồng chí phải có bản kiểm điểm đó để chúng tôi xét và đề đạt ý kiến lên Bộ tư lệnh quân khu.
- Xin phục tùng.
Liêu đứng lên, chỉnh đốn quân phục trên mình tí chút, rồi chào trung đoàn trưởng ra về.
Trung đoàn trưởng vừa hút thuốc lá, vừa đi đi lại lại phía trước bàn làm việc. Ông rút mùi soa trong túi quần thấm thấm mồ hôi trán, rồi cất tiếng như thể hỏi một mình.
- Không hiểu ai đã đề bạt hạng nhãi con ấy lên làm đại đội trưởng, trách gì nó bướng!
Câu nói chứng tỏ trung đoàn trưởng chưa hết nóng còn rất bực với Liêu.
Người cán bộ ở bàn bên trả lời:
- Thưa trung đoàn trưởng, đồng chí Liêu chiến đấu rất anh dũng, đã lập nhiều thành tích.
Lời nói lại của người cán bộ chừng như đã có tác động phần nào đến suy nghĩ của trung đoàn trưởng về Liêu. Ông vẫn rít thuốc lá, ngẫm một lát, gật gật đầu:
- Những con ngựa hay hầu hết là bất kham.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Mùa Hoa Dẻ.