Phần I - Chương 3
-
Mùa Hoa Dẻ
- Vân Linh
- 1798 chữ
- 2020-05-09 01:54:00
Số từ: 1793
Nguồn: downloadsach.com
Mấy hôm nay Liêu thấy lòng mình cứ vấn vương kể từ sau khi ngẫu nhiên gặp cô gái nhỏ ở làng Phước Sơn này, anh còn được cô gái ấy trao tay những bông hoa dẻ đầu mùa… Tên cô là Hoa. Tuy rằng Liêu còn nỗi buồn về công tác, song mỗi lần nhớ tới hình ảnh ngưởi con gái ấy, lòng anh vợi buồn hẳn đi, còn lâng lâng một niềm vui.
Vào buổi sáng, cô gái ấy thường đi gánh nước qua cửa nhà tạm trú, điều đó càng làm cho Liêu thêm nặng lòng… Buổi sáng nay vắng vẻ, nhà tạm trú chỉ còn lại mình Liêu, mấy anh em cán bộ khác đã đi nhận công tác cả rồi.
Liêu buồn tình, như ông cụ non, ngồi rung đùi, ngâm:
Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
Thà rằng chẳng biết cho xong
Biết bao nhiêu lại bận lòng bấy nhiêu
…
Cô gái Phước Sơn ấy đã lại đi gánh nước, vẫn lối đi qua cửa nhà tạm trú và hẳn rằng Liêu đã để ý thấy cô ta.
Đôi thúng lủng lẳng hai đầu, ra đến bờ sông. Hoa đặt gánh, kẹp lại mái tóc, xắn cao ống quần.
Một làn gió mát nhẹ thổi dọc theo bờ sông, lừng thơm hương hoa dẻ. Hoa chợt nhớ đến khóm cây hoa dẻ phía trên bến nước. Những bông hoa dẻ đã chín vàng, cánh mong manh như lụa đang lơ lửng trước gió, đầy khêu gợi. Hoa liền đến với khóm cây hoa dẻ, mon men trèo lên; nhoài người ra phía ngọn cây để hái hoa. Bông hoa cùng bóng cây lồng xuống mặt nước sông Gianh trong xanh. Gió đưa, những bông hoa dẻ càng lay động và thêm ngát hương, lúc ẩn lúc hiện sau cành lá như đang chơi trò ú tim với Hoa.
Từ đâu thằng Tân đã lần ra kịp chân Hoa, hắn đứng ngay dưới gốc khóm cây hoa dẻ mà lên tiếng:
- Con yêu! Ai cho mày hái trộm hoa của tao?
Hoa
a
lên một tiếng, giữ chặt cành cây vì giật mình trước sự lên tiếng bất ngờ của Tân. Sau đó Hoa mới quay lại phía Tân:
- Ai bảo hoa của mày? Bờ sông này cũng của mày sao?
- Của tao tất cả!
Tân trả lời với giọng rất gàn. Và sau đó thì cậu ta leo luôn lên khóm cây để giành cướp hoa dẻ với Hoa.
Hoa vùng vẫy, đạp chân không cho Tân lên.
- Thằng quỷ nhà trời! Làm bà ngã bây giờ! Để bà lấy, rồi bà cho một bông.
- Không! Ông lấy tất!
Trong lúc này Liêu cũng đã rời nhà tạm trú ra sông để tắm, cốt tìm cách gặp mặt, họa chăng bắt chuyện được với Hoa, càng vui. Liêu cũng đã dừng bước từ xa đứng ngắm cảnh thằng Tân đang tranh cướp hoa dẻ với Hoa. Anh tiếc cho tuổi trẻ của mình đã không được sống những phút hồn nhiên thoải mái như thế, chỉ có lửa đạn chiến tranh.
Khóm cây hoa dẻ tuy xanh tốt, xum xuê, nhưng cành không chịu đựng được sức nặng của hai con người thân cây đang bị oằn, sà gần xuống mặt nước.
Hoa lại la to lên.
- Tân ơi, làm ngã người ta bây giờ! Đây chửi cho mà nghe!
Tân vẫn gàn:
- Ông đếch sợ. Thiên hạ chẳng ai chết chửi cả.
Sợ Tân cướp hết hoa dẻ, Hoa nhoài người ra mấy ngọn cây ngoài cùng, nơi những bông hoa dẻ vàng óng đang chờn vờn tựa mấy cánh bướm. Và, cành cây quá yếu gục ngay xuống! Hoa cũng đã ngã lộn xuống sông, không kịp kêu lên một tiếng! Mặt nước sông Gianh đang bình thản trôi về xuôi bỗng dồi lên tung tóe như thể cả một chiếc bình pha lê rơi từ trên cao xuống mặt đá!
Từ xa trông thấy, Liêu bỗng nhẹ hồn! Hai mắt xoe tròn, mặt lạnh đi, khoảnh khắc Liêu chưa có phản ứng kịp.
Tân thì như một gã mất hồn, vừa tụt từ trên khóm cây hoa dẻ xuống vừa la:
- Làng xóm ơi! Cứu! Cứu người chết đuối! Hoa chết đuối!...
Liêu tức tốc chạy tới bờ sông Hoa đã chìm nghỉm. Mặt sông chỉ còn lại những làn sóng tròn lan dãn ra xa. Không còn kịp cởi áo quần ngoài, chẳng quản gì, nhảy bổ xuống sông. Liêu lặn hết nơi này sang nơi khác tìm Hoa dưới đáy nước.
Nghe tiếng la kêu cứu của Tân, người làng chạy bổ ra bờ sông, bộ đội đóng quân trong làng cũng có mặt. Cứ thế, kẻ trước người sau nhảy ào xuống sông, ngụp, lặn để cứu người chết đuối.
Tuy nhiên, trên bờ, ngoài phụ nữ, trẻ em, ông bà già cũng còn có một vài thanh niên ra vẻ thờ ơ, ra bờ sông như thể để đi xem người kéo vó. Anh bí thư thanh niên xã cũng vừa tới. Thấy vậy, anh điên tiết, xô nhào mấy cậu thanh niên kia xuống sông:
- Xuống! Xuống mà cứu người!
Bà con có vẻ đồng tình với bí thư thanh niên, lên tiếng:
- Thanh niên xuống đi!
- Đi cứu người hay đi xem? Xuống đi!
Trong số mấy thanh niên bị anh bí thư đoàn đẩy xuống sông có cậu Luyến, con trai bà Thành. Cậu đã bị ướt từ đầu đến chân, đang ngoi ngóp bò lên bờ.
Ngụp lặn mãi đến kiệt sức, Liêu mới tìm được Hoa và đem lên từ đáy sông. Hai đầu tóc vừa nhú lên mặt nước, lềnh bềnh như một đôi sam thì đã bị nước cuốn trôi. Rõ ràng Liêu không còn đủ sức để đưa Hoa vào bờ.
Tiếng kêu cứu lại nổi lên trên bến sông:
- Kia rồi! Kia rồi!
- Đưa sào ra! Đưa sào ra!
- Thuyền! Thuyền! Thuyền nhanh lên!
Mọi người trên bờ cũng như dưới nước đang sôi lòng, sốt ruột, không chỉ lo cho Hoa mà còn lo cho cả Liêu. Ai cũng thấy Liêu đã hoàn toàn kiệt sức, nếu không kịp tiếp sức cứu vớt thì cả hai sẽ lại bị nước cuốn chìm.
Hay sao một chiếc thuyền ba ván dưới dòng đã chèo thốc lên, vừa kịp dùng mái chèo đón được Liêu và Hoa, đưa dần vào bờ.
Được đưa lên khỏi mặt nước thì Liêu đã nằm bất tỉnh, bên cạnh là Hoa, thân hình mềm rười rượi tựa con bún, tay vẫn nắm chặt một nắm vừa lá vừa hoa dẻ.
Giữa lúc các bác sĩ, y tá thuộc quân y trung đoàn đã ra kịp và đang làm hô hấp nhân tạo, lo cứu chữa cho Hoa và Liêu, thì bà Thành từ trong xóm chạy ra, làm ầm lên. Thân người bà ta cứ nhún nhẩy tựa chim chìa vôi:
- Anh bí thư thanh niên! Sao anh lại đẩy thằng Luyến nhà tôi xuống sông? Con tôi còn trẻ dại, nên yếu, nhỡ ra nó chìm luôn thì sao? Anh muốn làm gì ai thì làm hả?
Anh bí thư thanh niên, người ướt sũng, áo đã cởi vắt vai, xem ra lòng còn nóng hừng hực:
- Bạn bỏ chết đuối không chịu xuống cứu! Bà về bảo với nó mở mắt cho to mà xem gương bộ đội kia kìa!
Bà Thành càng to tiếng:
- Thiếu gì kẻ đứng nhìn trên bờ, riêng gì thằng Luyến!
Mọi người cười ầm ĩ. Một ai đó nói lại:
- Chúng tôi là ông già, bà lão, đàn bà con nít mới đành đứng trên bờ, ví sao được với sức trai tráng con bà.
- Các người đứng về một hùa. Phải, các người chẳng đáng để ví với con tôi đâu, các người nói phải, chẳng đáng đâu, chẳng đáng đâu…!
Chừng như cũng chẳng ai muốn đấu lời với bà Thành. Chỉ có anh bí thư thanh niên nóng tính toan xông đến, làm gì bà Thành thì chưa rõ. Song, mấy cô nữ thanh niên đã giữ anh ta lại, trong đó có Thìn.
Tuy gia đình đã nhận lễ hỏi, nhưng gần đây, Thìn tỏ ra bực mình nhiều với bà Thành. Đi đâu với ai, mỗi khi nói tới chuyện cưới xin giữa Luyến và Thìn là bà Thành nói như thể gia đình, họ hàng bên Thìn so với gia thế bên bà Thành không được môn đăng hộ đối mấy. Chẳng qua chiều con trai mà bà ấy phải hạ mình đến nhà Thìn ăn hỏi... Bởi vậy, Thìn không còn biết nể bà, kính trọng bà nữa. Trong khi can ngăn anh bí thư thanh niên, Thìn đã bực bội:
- Thây bà ấy! Chấp gì cái giống cắn càn hở anh.
Bà Thành đã nghe lọt tai câu Thìn nói. Thân mình bà ta đẫy đà như cái cối xay bỗng quay tròn đủ bốn phương tám hướng, nói như gào cho ai nấy cũng nghe được:
- A… thì ra con Thìn nữa! Mày nói ai thế hở Thìn? Mày, chả phải sắp sửa là con dâu tao sao? Đúng là, giỏ nào quai ấy. Ít ra mày cũng hiểu được, mày sắp về làm dâu một gia thế chứ…
Thìn cố nhịn, nhưng không sao nhịn nổi vì câu nói về sau của bà Thành:
- Thôi bà ơi! Bà im cho tôi nhờ. Gia thế bà là như vậy đấy. Chúng tôi là dân đen, không dám, không dám làm con dâu nhà gia thế nữa đâu!
Bà Thành lại lớn tiếng gọi con trai:
- Luyến ơi! Ra đây, mày ra đây mà nghe vợ chưa rước của mày đang chửi tao đây này… Khi nào cũng một con Thìn ngoan, hai con Thìn hiền… mày ra đây mà nghe Luyến ơi…! – Bà ta lại quay lại với Thìn – Còn con Thìn, mày không còn biết nể tao nữa sao. Mày nỡ muối mặt cha mẹ mày đến thế sao…?
- Nể gì bà! Tôi không biết nể nang gì đối với hạng người lắm điều như bà.
Bà Thành lại gào to hơn:
- Trời ơi! May chưa, may chưa, may mà
chưa cưới nó về, mả tổ mới còn…
May chưa…may cho gia đình nhà tôi chưa…!
Hoa và Liêu đã được quân y cáng về trạm xá để tiếp tục hồi sức. Bà con hàng xóm cũng đã rút dần, chẳng ai buồn đứng lại để mà nghe bà Thành gào thét nữa.