• 48

Phần III - Chương 6


Số từ: 1791
Nguồn: downloadsach.com
Chiến dịch Đông – Xuân đã nổ súng và thắng lợi giòn giã. Quân ta đánh Ba-na Phào, đánh trận địa pháo binh địch trên cánh đồng Khăm-he, đánh tan tiểu đoàn 27 B.T.A. Hành lang phòng thủ Trung Đông – Dương của Na-va đã bị đánh gãy xương sống, quan quân tan rã từng mảng, chạy tơi bời. Khắp vùng rừng núi này ở đâu cũng bắt được tù binh Pháp.
Sau khi tiêu diệt xong một vị trí địch ở ngoại vi hành lang, Liêu đã được lệnh trở lại chỉ huy đơn vị, truy kích địch theo dường 12 vào tận Thà Khẹt.
Quân địch đã rút chạy nốt khỏi thành phố Thà Khẹt. Đơn vị của Liêu lại nhận được lệnh ở lại Thà khẹt làm nhiệm vụ tiếp quản thành phố.
Thà Khẹt là thị xã của tỉnh Khăm-muộn thuộc Trung Lào. Thành phố nhỏ nhắn, xinh xắn nằm sát ngay bờ sông Mê Kông, đối diện với bên kia là thành phố Na-Thon của Thái Lan. Ngay từ túc mới bước vào làm công tác tiếp quản, Liêu cũng như các chiến sĩ của anh đã tỏ ra rất có cảm tình với thành phố có vẻ đẹp thơ mộng này. Ngót tháng trời, họ được sống với thành phố, đi dưới bóng mát khu vườn Bản Tày, ăn quả dưa đầu mùa ở bãi Đon-Pưới, nghe quen tiếng trống thu không chùa Bản Nứa, tiếng chuông đón bình minh của nhà thờ lớn và nhất là sự đùm bọc yêu thương của nhân dân trong thành phố mà đơn vị đón nhận từ buổi đầu. Thế mà, giờ đây họ sắp sửa phải xa rời thành phố thơ mộng xinh xắn này.
Để đối phó với tình hình quân sự xấu đi một cách nghiêm trọng trong ở vùng này. Tướng Na- va đã điều hẳn hai binh đoàn cơ động GM1 – GM2 từ đồng bằng Bắc Bộ sang tăng viện cho chiến trường Trung Lào, cố chiếm lại Thà Khẹt.
Chủ trương của quân ta trong chiến dịch này là tiêu diệt một phần sinh lực địch, thu hút và chôn chân một bộ phận của chúng tại chiến trường này tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta tiêu diệt hoàn toàn địch trên chiến trường Điện Biên Phủ. Chúng ta không chiếm giữ thành phố Thà-Khẹt. Liêu vừa nhận được bức thư điện khẩn của bộ chỉ huy mặt trận cách đây một tiếng đồng hồ. Bộ chỉ huy lệnh cho đơn vị rút khỏi thành phố, song không thể rút lui âm thầm, mà phải đánh một trận tốt, thắng lợi, để giữ vững tinh thần lạc quan cho phong trào quần chúng, nhân dân.
Liêu vừa báo cáo tình hình với ông Xiêng Hằng, Chủ tịch ban quân quản thành phố rồi trở về đơn vị, chuẩn bị cho trận đánh tới. Những con đường thành phố buổi chiều đang được nắng nhuộm đỏ. Quân địch rút chạy để lại cảnh bừa bộn không sao tả hết, đồ đạc, vật dụng đủ thứ ngổn ngang, áo quần, giấy tờ rải cùng đường phố. Mấy con chó không chủ, lè dài lưỡi, thất thểu kiếm ăn dọc theo các vỉa hè.
Tình hình quân sự đang căng lên từng giờ. 12 tiểu đoàn quân ứng chiến của địch theo đường 13 tiến đến Thà–Khẹt, mũi đi đầu chỉ còn cách thành phố 7 ki-lô-mét. Các cơ quan quân quản, hậu cần đã rút khỏi thành phố. Nhân dân cũng đã được tản cư gấp khỏi cùng chiến sự sắp xảy đến. Bởi vậy chiều nay, không khí trong thành phố Thà-Khẹt không còn vui vẻ như những ngày chuẩn bị Nô-en vừa qua. Bao trùm lên thành phố là không khí lửa đạn sắp bùng nổ. Trên trời, máy bay bà già dò thám, máy bay chiến đấu của địch bay liệng không ngớt. Giữa sông Mê Kông, địch đã đem đến hai tàu chiến sẵn sàng nổ súng vào thành phố. Máy bay của không quân Thái Lan cũng diễn võ dương oai, có lúc như rà sát mặt sông.
Về đến đơn vị, sau khi hội ý hội báo ban chỉ huy đại đội xong, Liêu triệu tập một cuộc họp cán bộ cấp tốc để phổ biến kế hoạch tác chiến và hạ quyết tâm thực hiện lệnh trên: Phải đánh một trận tốt, thắng lợi trước khi rút lui…
11 giờ đêm, kế hoạch tác chiến, công tác chuẩn bị đâu đã vào đấy. Liêu ra lệnh cho đơn vị ngủ để giữ sức.
Xong, một mình Liêu lững thững đi ra phía bờ sông.
Trước giông bão sắp đến, người đại đội trưởng trẻ tuổi ấy vẫn giữ được phong thái bình tĩnh. Liêu ngồi xuống một tảng đá bên bờ sông cạnh một gốc gỗ dầu cao vút. Vừa hút thuốc lá một cách khoan khoái. Liêu như vừa thả hồn theo sông nước Mê-Kông. Gió sông hiu hiu se lạnh. Nhưng nước sông thì chảy rất xiết. Nhìn dòng nước xiết. Liêu lại nhớ đến mối hận của nhân dân Lào đối với thực dân Pháp. Sau khi nhân dân Lào giành được chính quyền tháng 10-1945, bọn thực dân Pháp trở lại xâm lược Lào lần thứ hai. Chính ở thành phố Thà-Khẹt này, bọn xâm lượt đã tàn sát đẫm máu nhân dân Lào. Giữa lúc chợ Thà-Khẹt đông người, chúng cho máy bay dội bom vào giữa chợ. Khi lính bộ tấn công vào, nhân dân thành phố chống cự không nổi đành vượt sông Thà-Khẹt tản cư sang Thái Lan. Một lần nữa quân đội Pháp lại cho máy bay dội bom, bắn phá các tàu thuyền nhân dân tản cư! Hơn thế nữa, chiếm được thành phố, quân Pháp bắt cả người lớn, trẻ em nhét vào bao tải vứt xuống sông Mê Kông! Chúng đã giết chết hàng ngàn dân Lào và Việt Kiều tại khúc sông này.
Liêu nhìn mãi, nhìn mãi dòng sông như muốn nói với những linh hồn chết rằng đơn vị anh sẽ trả thù cho họ một ngày gần đây.
Điếu thuốc cháy lập lòe trên tay Liêu.
Bỗng động có tiếng người phía bên kia đường. Liêu lắng nghe, hình như là tiếng cãi cọ của một nam và một nữ. Anh lên tiếng:
- Ai đấy?
Nghe rõ tiếng Liêu, hai người kia đem nhau đến. Liêu nhận ra một chiến sĩ của anh và một cô gái, có lẽ là Việt Kiều.
Anh chiến sĩ:
- Báo cáo anh Liêu! Thành phố còn sót lại cô gái này không chịu đi tản cư.
Liêu đứng lên, hỏi cô gái:
- Giặc sắp đến, sao cô không đi tản cư.
- Thưa – cô gái lễ phép, nhưng rắn rỏi – Tôi trước nấu cơm cho tự vệ thành, nay bắt tôi tản cư, tủi thân lắm. Mong các anh cho tôi ở lại chiến đấu.
Thấy Liêu vẫn chăm chăm nhìn mình, cô trở nên cứng cỏi:
- Thưa ông… nếu cần, tôi cũng đánh được giặc.
Liêu vẫn chưa nói gì, cũng nhìn cô gái kỹ hơn. Trong ánh trăng hạ tuần, đôi mắt cô gái nom trong suốt, thoáng đôi nét ngơ ngác, cứ như cặp mắt một con nai non.
Đôi mắt cô gái không còn nhìn Liêu nữa, mà đang nhìn xuống sông. Rồi đôi môi nhỏ của cô run run, nói với Liêu mà cứ như nói một mình.
- Năm bốn sáu, cha mẹ tôi bị giặc Pháp giết ở đây.
Câu nói của cô gái có sức truyền cảm, làm Liêu không thể thờ ơ, dửng dưng được với cô. Bây giờ Liêu mới nhìn thấy quả lựu đạn mỏ vịt trên tay cô gái. Liêu bắt đầu hỏi cặn kẻ về lai lịch của cô gái. Và, câu chuyện giữa hai người dần đã trở thành tâm sự!
- Tôi hỏi thực quê quán cô ở đâu?
- Quảng Bình.
- Huyện nào?
- Em không nhớ.
- Gia đình cô lên đây bao giờ?
- Năm đói bốn nhăm, em theo cha lên đây.
- Vậy sau khi ông cụ mất, cô ở với ai?
- Làm con nuôi một nhà Việt Kiều cũ ở đây – Cô gái cuối mặt, hạ giọng – nói là con nuôi, khổ cũng như đứa ở.
- Thế mẹ cô?
- Mẹ ở lại dưới Việt. Em không biết còn hay mất.
Câu chuyện cô gái kể ra đã đến quá gần với lời dặn của bà mẹ nghèo tên là Cư đã chăm sóc anh ngủ trọ một đêm trên đường đi trận.
bà cụ bảo tên cô con gái là gì nhỉ?
– Liêu cố nhớ, rồi hỏi:
- Vậy tên cô?
Cô gái cuối mặt có phần bẻn lẻn:
- Gái.
- Vậy có phải mẹ cô tên là Cư không?
- Sao ông biết? – Cô gái ngạc nhiên.
- Thôi đúng rồi! Vậy thì bà cụ mẹ cô còn sống.
Hai bàn tay cô gái bóp lấy nhau:
- Ông biết mẹ em?
Giọng Liêu ôn tồn, ấm áp:
- Trước hết, đề nghị cô gọi tôi bằng anh, xưng ông nghe thế nào ấy.
Có lẽ mặt cô gái đang đỏ hồng trong đêm. Cô cuối mặt mỉm cười.
- Trên đường ra trận, tình cờ, tôi có ngủ trọ lại trong nhà bà cụ một đêm. Cụ ở huyện Tuyên Hóa, xã dưới Phước Sơn. Cụ kể rằng cụ có một cô con gái theo cha sang Lào năm bốn lăm, cho đến nay không có tin tức. Biết tôi sang chiến đấu bên này, cụ có nhờ tôi tìm kiếm cô giúp cụ. Tên cô là Gái, đúng rồi!
Anh chiến sĩ ban nãy vẫn đứng đây, nghe được một câu chuyện tình cờ hết sức lý thú.
Sung sướng, nước mắt cô gái ứa ra, qua ánh sáng trăng lấp lánh, trong rất rõ
Anh chiến sĩ lên tiếng:
- Như thế thì… đề nghị anh Liêu, cho cô Gái ở lại với đại đội ta luôn.
Liêu đáp giọng thân tình:
- Thôi dược. Cứ hãy ngồi xuống đây đã, tôi nói chuyện về bà cụ cho cô nghe.
Liêu ngồi lại vào tảng đá.
Cô gái dè dặt, xếp gối ngồi xuống trước mặt Liêu.
Còn anh chiến sĩ, vẫn cầm súng như người đứng gác. Liêu rút thuốc lá, trao cho người chiến sĩ một điếu, thuốc lá thơm hẳn hoi, bà con Việt Kiều tặng anh sáng nay.
Một vệt ánh sáng đèn pha từ tàu thủy quân địch đậu giữa sông quét qua trên đầu ba người.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Mùa Hoa Dẻ.