Phần III - Chương 5
-
Mùa Hoa Dẻ
- Vân Linh
- 1547 chữ
- 2020-05-09 01:54:08
Số từ: 1542
Nguồn: downloadsach.com
Dân công nằm la liệt hai bên chiến lược dưới bóng rừng im mát. Mùa khô ở vùng đồng bằng Trung Lào, trú quân chẳng cần làm lều lán, chỉ cần bẻ lá cây trải lên mặt đất là được một chỗ nằm. Rừng toàn một loại cây săng lẻ và rải rác có ít nhiều cây dẻ đỏ. Mặt rừng bằng phẳng ít gồ ghề, mùa khô được trải dày một đệm lá khô. Trong rừng đứng cách xa hàng cây số vẫn có thể thấy được người di chuyền, đi lại, rất thuận lợi cho việc trú quân.
Đội trưởng dân công xã Phước Sơn, đứng cao trên một ụ mối, rúc một hồi còi, làm cho mọi người dẫu là đang ngủ cũng phải ngóc đầu dậy nghe tuyên bố:
-… Mặt trận của ta thắng lợi to, hiện đang phát triển nhanh chóng. Quân địch rút chạy liên tiếp. Bộ đội càng tiến xa, tiếng sâu để đánh giặc, càng đòi hỏi sức vận chuyển tiếp tế của dân công. Bởi vậy, chúng ta, mọi người đều phải chuẩn bị một tinh thần hết sức bền bỉ để phục vụ chiến dịch, đảm bảo việc tiếp tế cho tiền tuyến không bị gián đoạn, mặc cho chiến dịch phát triển đến đâu…
Anh đội trưởng chưa nói hết lời thì đã có người phản ứng:
- Muốn phát triển đến đâu thì phát, hết hạn bốn tháng là đây về.
Một ông già lên tiếng đáp lại:
- Công việc Nhà nước, công việc Kháng chiến mà các người cứ coi như đi phu ngày trước. Bộ đội đánh đến đâu ta đi tới đó, chẳng kể kỳ hạn gì hết.
Các cô gái thì chẳng cần tranh luận, chỉ có hát để nói lên tấm lòng, nói lên suy nghĩ của mình:
Em đi dân công chiến trường, phục vụ chưa xong
Em còn đi mãi lập công chuyến này
Ngày qua, ngày mặc qua ngày
Em còn đi mãi có người thay em mới về…
Hoa và Thìn như hình với bóng, chị em chẳng muốn rời nhau nửa bước. Cả hai ngồi đua nước bên bờ suối, hát theo ai đó bà hát
Em còn đi mãi
gần chỗ hai người ngồi đun nước là một nhịp cầu gỗ mới bắc tạm trong chiến dịch. Thấy có bóng người đi vội qua cầu, Thìn ngước mặt ngó lên, vừa lúc nhận ra Bình, Thìn lên tiếng ngay:
- Bình ơi! Đi đâu vội thế? Đứng lại đã nào!
Bình là cậu thanh niên cùng làng, cùng lứa tuổi với Tân. Ở nhà, Bình vốn là chàng trai chẳng có gì xuất sắc, hơi cù lần nên cũng ít ai để ý.
Thìn cùng kéo Hoa chạy lên đường gặp Bình. Hôm nay trong cậu ấy khá chững chạc, lưng cũng thắt nịt da, đeo bao đạn, lựu đạn như ai. Bất ngờ được gặp bạn, Bình mừng rỡ, rút khăn bông lau vội bộ mặt lốm đốm tàn nhang và trứng cá, lấy giọng văn vẻ:
- Đúng là quả đất quay tròn, không ngờ được gặp các bạn ở đây?
- Khỏe chứ Bình?
- Có bị sốt rét không?
- Chỉ lo cho các cô thôi.
- Cậu ở đơn vị nào?
- Đi đâu mà có vẻ vội thế?
Bình hơi ưỡn ngực, kiêu hãnh:
- Phải tức tốc hành quân cho kịp bộ đội vào chiếm lĩnh thành phố.
- Ồ… sướng thật.
- Oai thật!
Bình sực nhớ:
- Chết chưa! Suýt nữa quên! Hoa đã gặp anh Liêu chưa?
- Anh ấy ở đâu mà gặp?
- Thế thì nhanh lên! Mình vừa gặp anh ấy ở đơn vị bộ đội trú quân cách đây vài cây số.
Hoa không kịp chia tay Bình, cầm tay kéo Thìn chạy về phía anh bộ đội dân công.
Bình nhìn theo bạn, thích thú sung sướng, thấy mình đã làm được một công việc có nghĩa lý đối với bạn, anh hấp háy đôi mắt. Đoạn, Bình tỏ ra khoan khoái, rút bình toong bên lưng ra, cái bình toong Mỹ, chiến lợi phẩm vừa nhặt được, ngửa cổ tu một hơi nước, quẹt mồm và đi thẳng.
Hoa đang ngượng ngùng xin phép đội trưởng đội dân công:
- Anh cho tui đi gặp anh Liêu một tí.
- Ở đâu? - Đội trưởng hỏi lại.
- Cách đây vài cây số.
Đội trường lắc đầu ngay:
- Không được. Ở mặt trận không có ái tình, tình ái gì cả.
Hẳn không ai lạ gì anh bí thư đoàn ngày trước, tính vừa cục vừa khô khan.
Hoa nói như van:
- Tôi cần gặp anh Liêu, chỉ một tí thôi! Anh thông cảm cho! Tôi chẳng dám đi lâu đâu.
- Tôi hỏi, cô đi phục vụ hay đi kiếm chồng?
Đôi nét lông mày nhỏ cau lại, Thìn nói với đội trưởng:
- Anh cho Hoa đi là đúng. Có thế chị em mới phấn khởi. Tôi nghĩ rất hợp tình hợp lý.
Đội trưởng xua tay:
- Không tình không lý gì ở đây cả. Tiền tuyến là trên hết.
Hoa không nhịn được:
- Sao anh ác thế! Tàn nhẫn vừa vừa chứ! Nhiệm vụ tôi làm tròn là được.
Thìn cố thương lượng với đội trưởng:
- Anh cứ để Hoa đi! Nếu cô ấy về chậm, tôi sẽ gánh phần hàng của Hoa. Nhưng, gần đây thôi mà, lo gì chậm.
Đôi môi thâm xì của đội trưởng bĩu một cái:
- Tôi xin các cô!
Thế rồi đội trưởng bỏ đi, tỏ ra dứt khoát trong giải quyết công việc, cứng rắn về tư tưởng, lập trường.
Hoa nhìn theo đội trưởng nghẹn cổ, nước mắt rơm rớm. Và chừng như không chịu thấu sự máy móc nguyên tắc của đội trưởng, cô phùng má rồi nói to:
- Không cho cũng đi! – Với Thìn – chẳng cần lão ấy mình đi đã Thìn ạ. Nói rồi, Hoa bỏ chạy theo hướng lúc nãy Bình đi tới.
Thìn nhìn theo Hoa chạy, tóc bay trong gió như mớ liễu, chân không bén đất, tưởng như cây cối hai bên đường cũng vội vàng rẽ đường cho cô chạy. Ngày thường mỗi lần qua suối là Hoa phải dò dẫm từng bước, giờ cô cứ ào ào băng qua. Mổ hôi ròng ròng trên trán, ướt đẫm cả thân áo, gặp đoàn dân công từ dưới lên, Hoa hỏi ngay:
Các ông ơi, cho tôi hỏi, có đơn vị bộ đội nào trú gần đây không ạ?
Gánh nặng, chẳng ai buồn trả lời. Hoa hỏi to lên lần nữa.
- Có đơn vị bộ đội nào ở gần đây không các ông?
Một thanh niên ngửng mặt, thấy cô gái xinh xinh, gắng cười, trả lời:
- Bí mật!
Hoa nổi cáu:
Bí mật cái gì? Làm Việt gian thì ai cho đi dân công! Có việc cần tới mới hỏi chứ.
Một ông cụ giọng mệt nhọc:
- Không có đơn vị nào nữa, cháu ạ.
Hoa thất vọng, đứng đờ người ra, cho đến khi đoàn công dân nọ đi khỏi rồi mới lê bước trở lại.
Chẳng rõ, Bình đã gặp Liêu ở đâu, hiện tại đang có một đơn vị bộ đội trú quân sâu trong rừng mà Hoa không để ý thấy nên đã chạy qua. Giờ trở lại, cố mới nhìn thấy khói bếp và thấp thoáng bóng người. Hy vọng tràn đầy, lòng rộn hẳn lên, Hoa rẽ vào nơi trú quân của bộ đội.
Tại địa điểm trú quân này, xem ra bộ đội cũng ít, trước sau chỉ thấy có mấy người ốm và một anh y tá Hoa hỏi ngay:
- Thưa anh… Còn anh Liêu ở đây không ạ?
Người y tá hỏi lại:
- Anh Liêu cấp dưỡng phải không cô?
Hoa mừng rỡ đến bối rối:
- Vâng, anh Liêu cấp dưỡng.
- Vậy thì anh ấy còn nấu ăn sau suối.
- Ra lối nào ạ?
- Cô cứ đi thẳng đường ấy mà ra.
Lòng bồi hồi khôn tả xiết, chưa ra tới nơi, chỉ mới thoáng thấy bóng người bên bếp. Hoa đã lên tiếng gọi.
- Anh Liêu ơi! Anh Liêu!
- Ai đấy? Ai đấy? – Tiếng trả lời
Khi Hoa đã đến trước anh cấp dưỡng nọ, thì cả hai người đều chẳng ai nhận ra ai. Anh cấp dưỡng đành nở một nụ cười dưới hàng ria cá trê trước nét mặt hết sức sượng sùng, lúng túng của Hoa.
- Tôi cũng là Liêu. Nhưng có lẽ không phải là Liêu của cô, mà là con của tôi.
Hoa không còn nói năng được một câu, đờ người ra đứng nhìn làn khói bạc uốn éo trên mái bếp kiều Hoàng cầm.
Thấy vậy, anh lính cấp dưỡng già nọ như hiểu chuyện, thông cảm với Hoa, vội đi múc một ca nước lả đưa đến.
- Cô em uống nước đi! Chắc lại nhầm rồi đấy!
Hoa như giận dỗi, không nói thêm một lời nào, quay ngoắt trở lại, để anh cấp dưỡng đứng nhìn theo chạnh lòng.