Phần I - Chương 8
-
Mùa Hoa Dẻ
- Vân Linh
- 2286 chữ
- 2020-05-09 01:54:00
Số từ: 2281
Nguồn: downloadsach.com
Nhà bà Nhương hôm nay khá đông vui, anh con trai đầu đi bộ đội về chơi, con gái, con rể biết tin cũng ghé lại. Về cùng người con trai còn có một ông khách, đó là Khang, một giáo viên trung học. Tuổi thầy vào khoảng hai ba, hai tư, là một thanh niên mặt mày sáng sủa, da dẻ hồng hào, nổi lên là một cặp mắt khá đa tình.
Thầy giáo đang ngồi giữa vòng vây gia đình, bẻ hết ngón tay này qua ngón khác. Anh ta đang cố đưa hết những nét gì thật duyên dáng lên gương mặt, tranh thủ tình cảm mọi người. Anh ta là bạn, từ ngày được anh của Hoa giới thiệu về em gái mình. Khang đã có ít nhiều hình dung về cô gái đáng yêu ấy! Đã có lần anh của Hoa hứa với Khang:
Mình sẽ vận động được cô em cho cậu. Trong làng cũng có khá nhiều thanh niên tìm hiểu nó, song gia đình mình chưa đồng ý ai
.
Giáo Khang vỗn là người giàu sức tưởng tượng, nhiều mơ mộng. Anh ta từng có lúc mơ mộng nghĩ đến chuyện cùng Hoa
xây nhà bên suối
. Hôm nay, anh mới được thật sự gặp mặt Hoa, quả là một cô gái xinh đẹp, không khác mấy so với người trong mộng của Khang.
Khi bà Nhương hỏi tới chuyện vợ con, thầy Khang mặt thêm đỏ, chỉ tủm tỉm không trả lời, vờ cúi mặt như soi mình vào bát nước chè xanh – Kỳ thực đó cũng là câu trả lời của anh.
Người anh của Hoa nửa đùa nửa thật:
- Ấy, thầy Khang sẽ là em rể của con đấy, mẹ ạ.
Cả nhà cười, vui vẻ, mặc sức ông giáo càng làm duyên.
Anh trai của Hoa nói thêm:
- Con tính rồi, ta để thầy Khang trọ lại trong nhà cho thêm vui, thầy về dạy ở trường mình đó. Đồng thời, thầy sẽ dạy cho em Hoa nhà mình học hành luôn thể… Anh cười thoải mái – Một mai, thuận gái thuận trai, thầy Khang thành con rể nhà này càng hay, phải không ạ…?
Mặt Khang càng thêm đỏ. Anh lại bẻ ngón tay:
- Nếu không tiện ở đây thì con cũng sẽ ghé lại với gia đình, thăm mẹ luôn. Chỗ anh Nhương với con, thân tình đã lâu, cũng coi như ruột rà.
Bà chị gái từ trong bếp đưa ra một rá lạc rang, câu chuyện giữa khách quý và chủ cứ thế mà nở rộ. Dụng ý của người anh trai muốn để Hoa xây dựng với thầy giáo Khang đã rõ ràng. Và có lẽ, mọi người trong gia đình cũng dễ bằng lòng. Thời buổi này, lấy ai sướng bằng giáo viên, có gạo tháng, lại không phải đi bộ đội, đi dân công, chân lúc nào cũng xỏ trong guốc.
Ở gian nhà trong, riêng Hoa, đang như bị đá dằn lên ngực, có khi đến ngạt thở vì câu chuyện ngoài nhà mà cô đã nghe lọt. Hoa ngồi với xa kéo sợi, mặt cúi gằm, ai không biết ngỡ rằng cô xấu hổ, thẹn vì nhà có khách. Câu chuyện đang làm cho lòng Hoa rối bời.
Một điều mà chẳng ai nghĩ tới được, từ đâu, Liêu xuất hiện trước ngõ nhà Hoa và đang đi vào giữa sân. Trên tay Liêu cầm một cây mác dài cán, theo đề nghị của Liêu, ban chỉ huy trung đoàn đã bằng lòng để anh giúp cấp dưỡng một thời gian. Anh đã dừng bước và lên tiếng hỏi:
- Mẹ ơ, nhà có chuối xanh bán không?
Bà Nhương trông thấy Liêu, hết sức mừng rỡ:
- Anh Liêu ơi! Vào đây, vào đây đã nào!
Bà Nhương ra tận nơi, nắm tay Liêu dắt vào nhà, nói cho mọi người hay:
- Anh bộ đội này đã cứu sống con Hoa đây.
Mọi người mừng rỡ, hết anh ruột của Hoa, đến người anh rể, đến thầy giáo Khang ân cần bắt tay Liêu.
Trong nhà, Hoa cũng đang nghiêng đầu nhìn Liêu qua kẽ cửa, mặt cô hớn hở như chính mình đang được mặt mừng tay bắt với Liêu.
Mọi người mời Liêu cùng ăn lạc cho vui.
Anh từ chối:
- Tôi vội lắm, phải lo mua cho được thực phẩm gia khất gia đình, chủ nhật, hoặc một lúc khác, có điều kiện thì đến chơi sau…
Từ trong nhà, Hoa hỏi vọng ra:
- Anh mua chuối gì hở anh Liêu?
- Chuối xanh để nấu – Liêu trả lời.
- Nhà em có đấy.
- Được vài buồng không?
- Được.
Bà Nhương vui vẻ:
- Phải đấy, cái Hoa nó bán chuối cho anh, đỡ khỏi phải đi đâu cho xa.
Hoa mở cửa sau, gọi Liêu ra vườn bán chuối.
Trong nhà, mọi người vẫn vừa bóc lạc ăn, vừa trò chuyện rôm rả.
Ngoài vườn, Hoa dẫn Liêu đến trước một khóm chuối xanh tốt. Cô chỉ cho anh một buồng chuối khá sai, béo mập:
- Anh cao người, chặt, em đỡ cho!
- Vững vàng không đấy?
- Vững chứ!
Liêu giơ mác phóng một nhát mạnh, buồng chuối đứt ngọt và nặng quá tuột ào xuống đất. Hoa đỡ không nổi! Cả Hoa lẫn Liêu cùng cười.
Liêu đùa:
-
Gái mười bảy bẻ gẫy sừng trâu
, khỏe thật!
Hoa cố bào chữa:
- Chẳng qua là bất ngờ, em trượt tay. Anh cứ chặt buồng khác, em đỡ cho xem!
Gió lùa qua vườn cây lá lao xao, nhất là đám lá chuối cứ vang vẫy, sột soạt, như hàng loạt những bàn tay khổng lồ vỗ tay rô rỡn.
Họ đã chặt xong buồng chuối thứ hai, Liêu vờ hỏi:
- Làm cách nào mà đem về hết đây?
Hoa hăng hái:
- Anh vác một buồng, em một buồng.
Lòng Liêu rộn vui:
- Phải đấy, nên biết giúp đỡ bộ đội với chứ!
Chẳng hiểu, có phải cố tình hay không. Liêu cứ ngước mắt nhìn mãi một điều gì cao trên ngọn tre. Hoa càng ngước nhìn theo. Hóa ra ở đấy có hai con chim đang rỉa lông cho nhau. Hoa cúi vội như người mắc lỡm, miệng tủm tỉm cười.
Liêu trước, Hoa sau, họ vác chuối đi qua sân rất tự nhiên. Hoa nói với mẹ.
- Con vác giúp anh Liêu buồng chuối đây, mẹ ạ.
Bà mẹ tỏ ra bằng lòng:
- Ừ. Con vác giúp anh ấy trăm lần cũng chưa đền hết ơn đâu.
Liêu cũng chào mọi người trong nhà để ra về.
Riêng thầy Khang, nhìn thấy Liêu và Hoa dập dìu kẻ trước người sau như vậy, không vừa lòng, hơi đỏ mặt. Nhưng, thầy đã trấn tĩnh kịp tự khích lệ:
Nó chỉ là một anh lính cấp dưỡng, chưa phải là đối tượng đáng sợ!
Chân núi thoai thoải, chạy lan hàng cây số, là cả một triền cỏ, cánh đồng cỏ. Mùa hạ, cỏ ở đây vẫn xanh tốt mượt như nhung. Mùa rồi, trên đồng cỏ này trâu bò đếm không xuể. Bọn trẻ đánh trâu bò đến đây, thả ra trên đồng, mặc cho chúng kiếm ăn thoải mái. Chúng nó không còn phải chăn dắt, cứ tụm năm tụm ba, con trai thì đánh khăng, đánh đáo, con gái thì đánh chuyền, chơi ô ăn quan… Có bạn chăm học cứ đố nhau làm toán, lớn theo lớn, bé theo bé.
Riêng Hoa, bây giờ không còn thích ồn ào vui nhộn mấy, lẩn lánh đi lẻ, cốt tạo ra thời gian cho mình suy tưởng, mong nhớ. Một mình Hoa, thả bò đi ăn rồi, ra ngồi khuất bên một khóm sim tốt, cái nón để úp lên cây roi tre và cuộn dây thừng. Gió cuốn qua mái núi. Trong gió, thoảng hương sim chín lẫn hương hoa dẻ cuối mùa. Gió thổi vi vu qua khóm cây, thổi bạt cả mái tóc huyền của Hoa. Lòng Hoa, dần dần rộn lên nỗi nhớ… Ngày giờ, thời gian Hoa được gần Liêu đã quá ít, quá ngắn, nhưng hình ảnh của Liêu thì đã khắc vào tim Hoa khá sâu đậm. Một lời nói, một ánh mắt nhìn của Liêu cũng đủ để cho Hoa nhớ… Hôm nào… chính anh Liêu đã nói lời thương yêu bên tai Hoa, cánh tay ấm áp của anh đã choàng lên vai Hoa. Chỉ nhớ lại chừng đó thôi trong buổi ban đầu của tình yêu cũng đủ cho Hoa cảm thấy sung sướng, hạnh phúc, đỏ hồng gương mặt.
Tiếng chim đa đa vọng trên đồng cỏ khắc khoải, buồn buồn.
Thoạt đầu Hoa còn hững hờ hái mấy quả sim chín ngay cạnh chỗ, ngồi ăn một mình. Bấy giờ thì cô hái lá sim và đang chăm chú dùng gai châm thêu chữ lên lá. Hết cái này qua cái khác, lá nào cũng mang độc có hai chữ H.L. Đoạn, Hoa lại sung sướng ghép lá lại thành một hàng ngang trước mặt, rồi ngồi ngắm nghía say sưa như mê man đọc một bài thơ tình yêu…
Có một bọn con trai nghịch ngợm, tháo mũi thúc trâu chọi nhau để xem cho khoái. Vừa xem trâu chọi nhau chúng vừa hò vang:
Hò lê, hò lắc, mài sừng cho sắc bạng chắc cho đều… Hò lê, hò lắc! Hò lê, hò lắc…!
Mặc chúng nó, đã nói bây giờ Hoa không thích đùa, không thích vui nữa! Gió lại thổi quá mạnh, hàng lá trước mặt Hoa bỗng bật cánh, bay như một dàn bướm là đà trước gió. Đôi mắt hây hây bồi hồi. Hoa nhìn theo những chiếc lá trong gió…
Không biết những chiếc lá đó sẽ bay đến đâu…?
Sáng nay Thìn cũng đem bò đi ăn. Và, cô đang đi hết nơi này qua nơi khác tìm Hoa, cất tiếng gọi lanh lảnh:
- Hoa ơi…! Ơi… Hoa…!
Tiếng gọi nghe đã gần. Hoa lên tiếng đáp lại:
- Đây này! Thìn ơi… đây này…
Thìn đã đến với Hoa bằng một câu trách móc:
- Ghê quá! Cô ả dạo này cứ bỏ tôi đi ăn lẻ một mình!
- Đâu nào, mình tưởng hôm nay Thìn không đưa bò đi ăn, chưa chi đã vội.,.
Thìn ngồi xuống sát cạnh Hoa, tay choàng qua vai bạn. Hoa cũng vòng tay qua lưng Thìn. Hai người cùng lắc mình, đung đưa như đang cùng nhau song ca.
Mãi một lúc lâu, hết đung đưa, Thìn nhẹ giọng hỏi bạn:
- Hoa ơi, có điều gì vui lắm phải không?
Hoa lấy giọng đỏng đảnh:
- Ai nói?
Thìn vẻ nghiêm túc:
- Có người nói hẳn hoi, Hoa ạ, mình chẳng ngoa đâu.
Mặt Hoa bỗng lắng lại, nhìn Thìn:
- Có chuyện gì mà Thìn nói như vậy?
- Tình bạn, mình nói thật, gia đình anh ta chẳng tốt đẹp gì! Đấy, Hoa xem!
Hoa khẽ cau mày:
- Mà ai đã chứ?
- Hoa còn dấu Thìn làm gì? Có người nói tận tai mình rồi. Mình chỉ biết nói thẳng với Hoa rằng: Nếu xây dựng với anh ấy thì hạnh phúc chẳng ra sao!
Hoa có gì như uất ức, níu lấy vai Thìn, hỏi dồn dập:
- Ai nói? Nói ai? Vì sao? Ai nói?
Thìn tỏ vẻ không vừa lòng với Hoa. Cô đang nhìn kỹ vào mọi chiếc lá sim trên mặt cỏ. Chiếc lá đã sót lại sau trận gió thổi mạnh. Rồi Thìn nhặt chiếc lá đưa ngay lên trước mặt Hoa vẻ giận dỗi, giọng hơi gắt:
- Vậy còn ai nữa! Ai châm tên ai vào lá này?
Thìn nhìn thẳng mặt Hoa như bắt được quả tang.
Hoa lấy lại chiếc là ở tay Thìn, hai mắt rưng rưng. Thìn đẩy mạnh Hoa sang bên, đứng phắt lên và bỏ đi, không hề ngoái lại, cho dù Hoa vươn theo, gọi:
- Thìn ơi! Thìn ơi…!
Hoa đứng lên, nhìn theo hướng Thìn đi xa trên nội cỏ, khổ tâm, bóp nát chiếc lá sim trong tay, những muốn đuổi theo kịp chân Thìn…
Đang lúc, một đứa bé khoảng mười tuổi, tay cầm bì thư đi thẳng một mạch đến bên Hoa. Thằng bé lên tiếng:
- Chị Hoa! Em tìm chị khắp nơi! Chị Hoa.
Hoa quay lại với thằng bé, nhận ra em trai của Luyến.
Thằng bé bẽn lẽn:
- Anh Luyến sai em tìm chị, đưa tận tay thư này cho chị.
Hoa lạnh lùng:
- Thư gì?
Thằng bé cúi mặt, trả lời khẽ:
- Em không biết.
Hoa bóc thư xem ngay. Xem xong thư, cô bực bội nói với đứa bé:
- Em về nói với anh Luyến rằng, ai cũng như anh Luyến của em thì chị đã chết đuối mất xác rồi, chẳng còn sống đến bây giờ để cho anh ấy gửi thư đâu!
Hoa đã vỡ lẽ, bây giờ mới thông cảm với sự hiểu nhầm của Thìn. Hoa xé nhỏ lá thư, rồi bỏ chạy, tìm theo Thìn, để lại thằng bé với những vụn giấy bay lả tả.
Thằng bé phồng má, phụng phịu:
- Đã không nhận thì thôi, lại còn xé thư, để cho người ta… không khéo lại ăn đòn…!
Một nỗi lo lắng bao trùm lấy thằng bé. Nó cúi xuống nhặt các vụn giấy, thỉnh thoảng liếc nhìn theo hướng Hoa chạy, oán trách.